Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

“Lời người bên sông” mãi một tiếng lòng

“Lời người bên sông” mãi một tiếng lòng
Cho đến bây giờ, kể từ chiều ngày 27/7/1987, khi rứt lòng thốt lên thành bài thơ “Lời người bên sông”, tôi không nghĩ bài thơ lại được đồng bào, đồng đội cảm nhận, và trân quý, đồng thời cũng là đề tài tranh luận về câu chữ, khiến bài thơ đến với mỗi người với những dị bản khác nhau. Từng đã có một quãng thời gian, bài thơ có nhiều dị bản được đưa lên luận bàn khắp nơi. Theo đó, tôi với tư cách tác giả cũng đã có một vài bài viết, giới thiệu chính xác từng câu chữ, ý tứ bài thơ …Tuy nhiên, gần đây, không những không giảm, mà ngày một nhiều hơn những cuộc tranh luận xung quanh câu chữ trong bài thơ… Vậy nên lần này, nhân thể theo ý kiến của bạn đọc tạp chí Văn Hiến Việt Nam tôi lại thêm lần nữa trở lại với bài thơ và là tiếng lòng của mình.
Hoàn cảnh ra đời, lưu truyền và những dị bản
Bài thơ được “viết” vào chiều 27/7/1987. Xin được đóng ngoặc kép chữ “viết” vì cái cách làm thơ bất chợt trong đầu và nhớ nhập tâm rồi sau này tiện lúc nào thì viết thành chữ. Bài thơ Lời người bên sông cũng cùng một cách viết như vậy.
Bài thơ đầu tiên được bật ra như thế này:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
Viết vậy bởi hôm đó, sau lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội. tôi một mình ngồi lặng lẽ bên bờ Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền ngược giòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác ở đáy sông mà xót xa. Cứ vậy, từng lời như từ trong ngực tôi mà bật ra thành câu, chữ đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính.
Bài thơ “viết” để trải lòng mình nên tôi không gửi in ở đâu, ngoại trừ một lần cuối năm 1987 khi cùng nhà văn Thế Vũ đi dự đại hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế trở về Nha Trang, nằm trên tàu tôi có đọc cho Thế Vũ nghe. Sau này vào khoảng đầu năm 1990, trong một lần chuyện trò với nhà văn Đỗ Kim Cuông và nhà văn Thế Vũ tại hội văn nghệ Nha Trang, Thế Vũ bỗng gợi lại chuyện bài thơ và bảo tôi đọc lại bài thơ.
Đỗ Kim Cuông nghe xong nói ngay: Bài thơ rất cảm động, nhưng xót xa quá. Và về câu chữ, từ xin cứ lặp đi lặp lại nhiều lần có nên không? Sau đó, khi ngẫm lại ý kiến của Đỗ Kim Cuông, nên khi chép lại cho Thế Vũ và Đỗ Kim Cuông, tôi đã sửa lại từ xin trong câu đầu tiên thành từ ơi… Riêng hai câu sau được viết lại thành hai câu: Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. Đỗ Kim Cuông đã cho in ngay bài thơ trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa số kỷ niệm ngày TBLS 27/7/1990 với bản mới:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Năm 1992, tôi được mời về dự kỷ niệm 20 năm giải phóng Quảng Trị (2/5/72-2/5/92). Trong dịp này, nghe có cuộc hành hương về nguồn của đoàn thanh niên Quảng Trị về chiến khu Ba Lòng, tôi đã nhập cuộc với các bạn trẻ. Cùng đi có nhà báo Đào Tâm Thanh, nhà báo Lê Đức Dục (cùng ở Báo Quảng Trị) và nhạc sỹ Thế Hùng.
Trong chặng đường về chiến trường xưa đầy ắp cảm xúc, cùng với những bài hát tếu táo hồi chiến tranh, tôi đã đọc một vài bài thơ ngẫu hứng viết trong một thời trận mạc. Lê Đức Dục hỏi về “sự tích” tôi thả hoa trên sông Thạch Hãn đã được nhà báo Văn Thuần viết cho chương trình Văn Nghệ mừng xuân của đài phát thanh Quảng Trị phát trong đêm 30 tết 1987. Kể lại cho Lê Đức Dục nghe câu chuyện trên, tôi buột miệng đọc lại bài thơ thay cho việc lý giải lý do việc tôi về thắp hương, thả hoa cho đồng đội trên núi, trên gò đồi và sông suối ở Quảng Trị. Sau đó không lâu, bài thơ được in thay cho phần mở đầu trong tùy bút của Lê Đức Dục trên tạp chí Kiến thức ngày nay, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1992 “Thành cổ Quảng Trị- Khúc tưởng niệm của lau trắng và phượng hồng”. Bài thơ cũng đã nhiều lần được Lê Đức Dục giới thiệu qua nhiều bài viết về Quảng Trị, và cả viết về chân dung nhân vật, sự kiện trên báo Tuổi Trẻ… trong đó đặc biệt là bài viết “Sử thi về một dòng sông” in trên Tuổi Trẻ chủ nhật số 29 (7/1998) được nhiều bạn đọc quan tâm. Trong bài viết này, Lê Đức Dục đã nhắc lại bài thơ như sau:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Như vậy, từ lên và ơi… trong câu đầu đã được viết thành từ xuôi và xin. Ở câu cuối từ mãi mãi được viết thành từ bãi mãi. Giống như bản thơ xuất hiện một cách khiêm nhường tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, ở đây có hai từ chưa chính xác. Đó là từ xuôi và từ xin vốn dĩ nguyên bản là từ lên và từ ơi.. Sở dĩ dùng từ lên bởi có ngược lên thì người ta mới phải vất vả khuấy mái chèo đến độ người lính phải xót xa. Và từ ơi là thán từ gọi đò ơ...ơi... đò. Ơ...ớ... đò ... nghe có tiếng đồng vọng... và là phương ngữ Quảng Trị nghe thắt thẻo hơn, da diết và âm vọng hơn trong không gian Thạch Hãn nhạy cảm và linh thiêng.
Sự quan tâm cảm động của người đọc
Do bài thơ xuất hiện từ mảnh đất thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến và quan tâm tìm hiểu. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một vài cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ.
Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số điện thoại tác giả…Có nhiều người cứ tưởng bài thơ còn nhiều câu nữa nên đề nghị tôi cho biết trọn vẹn cả bài thơ. Tôi phải giải thích bài thơ chỉ có 4 câu đó. Thực sự do lối viết thơ ngẫu hứng như viết nhật ký bằng văn vần, nên các bài thơ của tôi thường rất ngắn. Dài nhất cũng chỉ chục câu như bài Cha con. Tôi viết như một nén nhang thắp cho hai cha con đồng đội tôi cùng hy sinh trong một ngày, và ngắn là “bài thơ” vỏn vẹn có …Hai câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá, tôi lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ như là hai vế đối:
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
Mãi mới đây, nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, cô bé bây giờ đã là cựu du kích trao lại cho tôi tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ của tôi viết hai câu thơ. Hôm mới rồi đi cùng đồng đội lên cao điểm 544, anh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương.
Nhân được BBT tạp chí dành trang cho tôi trải lòng về bài thơ, xin được chép tặng bạn đọc nguyên tác bài thơ của tôi:
LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Nha Trang 25/8/2013
Lê Bá Dương
Theo http://vanhien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh 26 Tháng Bảy, 2023 Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao ngời con đã ngã xuống ch...