Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Thế Lữ, người khai sinh ra phong trào thơ mới

Thế Lữ, người khai sinh ra phong trào thơ mới
Thế Lữ, tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, bút hiệu khác Lê Ta, sinh ngày 6-10-1907 tại Thái Hà ấp (Hà Nội). Nguyên quán: làng Phù Đổng,huyện Tiên Du (nay là huyện Tiên Sơn) tỉnh Bắc Ninh; mất ngày 3-6-1989 tại Sài Gòn, hưởng thọ 82 tuổi.
Bây giờ hồi tưởng lại cái thời thơ mới chào đời từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, ta không khỏi bồi hồi xúc động, mừng cho một nền thi ca vừa chớm nở đã nhanh chóng trưởng thành và ghi một dấu ấn sâu đậm vào nền văn học nước nhà. Nổi bật trong các thi tài thời ấy là Thế Lữ, người có công khai sinh ra phong trào thơ mới và “thơ ông như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam” (Hoài Thanh).
Ai không xúc động khi đọc những dòng thơ hào hùng nói lên sự uất hận của con hổ bị giam hãm trong vườn Bách thú, mà cũng chính là cái tâm trạng của người Việt mất tự do:
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi…
(Nhớ rừng)
Thơ Thế Lữ mạnh mẽ hào hùng là thế mà khi viết về tình yêu thì chan chứa niềm thương và dịu dàng êm ái lạ thường:
“…Anh đi vui cảnh lạ đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa.
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ!”
“… Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu.
Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi.
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người…”
(Giây phút chạnh lòng)
Bài thơ trên đây tác giả viết ra nhân cảm đề truyện Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Khổ thơ trên cùng là lời của người con gái tiễn đưa, còn hai khổ dưới là lời của kẻ ra đi nói với người tình còn ở lại. Thời ấy là thời mà tuổi trẻ Việt Nam sống trong bầu không khí ngột ngạt dưới ách thực dân, chỉ muốn tìm cách thoát ra khỏi vòng áp bức của kẻ thù đang ngày càng siết chặt. Nhân vật Dũng trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh là một thí dụ. Chàng đã âm thầm ra đi, hướng về miền biên giới Hoa Việt, lặng lẽ ngồi hút thuốc lá trên một toa tàu đêm, nhìn cảnh vật bên ngoài dưới ánh trăng trong lúc người yêu là Loan về nhà chồng:
Thân đã hiến cho đời gió bụi,
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ!
Cùng trong dòng cảm xúc ấy, bài thơ Tiếng gọi bên sông là lời của người chinh phu dũng cảm gạt tình riêng để ra đi trong lúc “non sông mờ cát bụi”:
Vì chưng ta cũng biết yêu đương,
Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường
Trong lúc non sông mờ cát bụi,
Phải đâu là hội kết uyên ương?
Nhưng con người đâu phải là gỗ đá, nên tuy quyết tâm dứt áo ra đi mà lòng không khỏi vấn vương với người còn ở lại:
Ta đi theo đuổi bước tương lai,
Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.
Chí nặng bốn phương trời nước rộng,
Từ nay thêm bận nỗi thương ai.
(Tiếng gọi bên sông)
Không cần một tuyên ngôn, thơ Thế Lữ đã nói thay ông lòng yêu cái Đẹp, yêu Mỹ thuật, hết thảy mọi vẻ đẹp trong trời đất – nhất là cõi tiên - đều làm cho lòng ông rung động.
Những bài thơ Lựa tiếng đàn, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên thai, Đàn nguyệt, Cây đàn muôn điệu v.v… cho biết âm nhạc đối với ông là nỗi say mê, là niềm an ủi, không gì thay thế được.
Những bài thơ Lời than thở của nàng Mỹ thuật, Vẻ đẹp thoáng qua, Hồ xuân và thiếu nữ, Nhan sắc… nói lên cái đẹp quyến rũ của Mỹ thuật khiến lòng ông xao xuyến bồi hồi.
* THẾ LỮ VÀ CÕI TIÊN
Sống ở trần gian mà Thế Lữ thường hay mơ đến cõi Thiên thai, khao khát được lên tiên, ở đó có Kim Đồng, Ngọc Nữ, có những nàng tiên xõa tóc bên nguồn, có cặp hạc trắng bay đôi, có hàng tùng rủ rỉ, có mây hồng ngừng lại sau đèo. Ông cho rằng cảnh tiên mới là cảnh lý tưởng, người tiên mới là người đẹp hoàn hảo, không tì vết:
Ánh xuân lướt, cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn.
… Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay.
(Tiếng sáo Thiên thai)
Một ngày thu đẹp trời kia, Thế Lữ tình cờ lạc vào động Đào nguyên mà không biết. Ông sững sờ thấy ba nàng tiên xinh đẹp đang nhởn nhơ vùng vẫy dưới hồ. Gió đào mơn trớn cành liễu buông tơ, nền trời xanh ngắt, hoa anh đào rơi rụng khắp nơi và mái tóc các nàng tiên buông vờn trên mặt nước tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt trần:
Rẽ lá, thi nhân bước lại bên,
Mấy vòng sóng gợn mặt hồ yên.
Nhởn nhơ vùng vẫy, ba cô tắm
Dưới khóm hoa quỳnh lá biếc xen.
Hồ trong như ngọc tẩm thân ngà,
Lồ lộ da tiên thô sắc hoa.
Mỉm miệng anh đào tan tác rụng,
Tóc buông vờn mặt nước say sưa…
(Vẻ đẹp thoáng qua)
Bỗng chốc chim oanh, chim yến, chim hạc và chim phụng cùng cất cao tiếng hót, hòa thành một khúc nhạc tiên rộn rã khiến ba nàng tiên biến mất làm cho thi nhân tiếc ngẩn tiếc ngơ.
* THẾ LỮ VÀ ÂM NHẠC
Thế Lữ yêu đàn, yêu nhạc vì theo ông, âm nhạc có thể xoa dịu nỗi buồn đau chán nản, làm cho tâm hồn thêm thanh cao, khoáng đạt:
Chán nản ư? Các anh đừng than thở,
Cứ im đi, rồi bảo cho tôi hay.
Lựa giọng đàn, tôi sẽ vặn trầm dây
Và gọi gió, gọi thông lên tiếng họa.
(Lựa tiếng đàn)

Một buổi chiều thu êm ả có sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc, có tiếng gió làm xao xác rặng lau già, bỗng tiếng địch vang lên dìu dặt khiến cô thiếu nữ thổn thức với nỗi niềm tê tái bâng khuâng vì nghĩ đến ngày vui sẽ mất và sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt:
Tiếng địch thổi đâu đây
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
Mây bay…gió quyến mây bay,
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may…
(Tiếng trúc tuyệt vời)
Tiếng trúc tuy buồn nhưng thật tuyệt vời và đáng yêu biết bao!
Người chinh phu khi đã lên đường thì bất chấp gian lao nguy hiểm, nhưng những lúc mỏi mệt mà được nghe tiếng hát êm đềm trong trẻo bên sông thì tưởng chừng như bao nhiêu nhọc nhằn đều tan biến hết:
Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên.
Cao như thông vút, buồn như liễu,
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.
(Tiếng gọi bên sông)
Một đêm trăng trên sông Hương, ngồi trên con thuyền thơ mộng trôi lênh đênh giữa cõi sương mù, nghe tiếng nguyệt cầm, tác giả cảm thấy lòng tê tái, say sưa với khúc đàn kiều mị. Ông không chỉ yêu tiếng đàn vui mà còn yêu cả tiếng đàn buồn:
…. đang nỉ non thánh thót ở trên dây,
Theo mấy ngón đê mê của bàn tay nghệ sĩ.
Thuốc độc êm đềm, ôi giọng đàn kiều mị
Bởi vì đâu gieo xuống mãi lòng ta
Những giọt nồng cay, tê tái, say sưa?
(Đàn nguyệt)
* THẾ LỮ VÀ MỸ THUẬT
Từng là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Thế Lữ tự cho mình là kẻ bộ hành phiêu lãng, xuôi ngược đường trần để vui chơi, góp nhặt đó đây cái đẹp muôn hình muôn vẻ rồi mượn cây đàn ngàn phím để ca ngợi vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, ngây thơ hay vẻ đẹp cao siêu hùng tráng:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay ngây thơ
Cũng như vẻ đẹp cao siêu hùng tráng…
(Cây đàn muôn điệu)
Thật đúng là một tâm hồn nghệ sĩ!
Là nghệ sĩ, Thế Lữ rất yêu cái Đẹp, nhưng với óc phiêu lưu, ông không dừng chân một nơi nào nhất định. Thuở nhỏ, ông quen biết Nàng Thơ do một sự tình cờ:
Ngày xưa còn nhỏ đi săn bướm,
Bướm sợ, bay tìm trốn dưới hoa.
Ta thấy hoa cười, mê mải ngắm,
Thế là từ đấy biết Nàng Thơ.
Nhưng Nàng Thơ ấy hay ghen mà nhà thơ thì phóng lãng nên mối tình ấy không bền. Cho đến một ngày kia, máu phiêu lưu bùng dậy, nhà thơ thấy mình không thể mãi chôn chân một chỗ nên ông đành chia tay với Nàng Thơ để ngược xuôi trên mọi nẻo đường đất nước khiến Nàng Thơ khóc than và trách móc:
Vì thế Nàng Thơ đã mấy phen
Trách ta mê đắm mãi trần duyên.
Mấy phen ta thấy màu châu lệ
Thầm oán hờn ta dưới mắt đen.
(Ngày xưa còn nhỏ)
Cũng đã có thời ông dan díu với nàng Mỹ Thuật, đôi bên ý hợp tâm đầu, mối tình đẹp như một thiên tiểu thuyết:
Lân la người khách lạ nên quen,
Rồi ngón tay tình chắp mối duyên.
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
Nhưng cái Đẹp trong đất trời thì nhiều mà lòng người chóng đổi thay nên chẳng bao lâu, nhà thơ của chúng ta đã chán nơi này, lại lên đường tìm tơ duyên khác khiến nàng Mỹ Thuật phải thở than:
Nay biết cùng ai ngỏ nỗi niềm,
Tình quân không dám ở cùng em.
Yêu nhau, yêu cả trong gian khổ,
Chàng hám vinh hoa, mải miết tìm…
(Lời than thở của nàng Mỹ Thuật)
Người chàng cần tìm phải chăng là cô thiếu nữ ở hồ xuân, một vẻ đẹp ngây thơ trong sáng? Cô em đang bơi chiếc thuyền con trên mặt hồ dưới nắng nhạt chiều xuân và mấy hàng lau nghiêng mình trước cơn gió nhẹ:
Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng,
Nắng chiều xuân rung động trên cành.
Mấy hàng lau yếu nghiêng mình,
Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu?
Trước cảnh ấy, cô em nghĩ gì mà đôi mắt đăm đăm, vầng trán ngây thơ trong sáng vẩn vơ một áng hương buồn :
Khiến cho cảnh bồi hồi ngây ngất,
Tiếng sáo chưa nỡ dứt trên không.
Khiến cho hồ nước mịt mùng,
Ngày chưa muốn hết, ta không muốn về.
(Hồ xuân và thiếu nữ)
Vì yêu cái Đẹp, trước nhan sắc của cô gái xuân thì, tác giả so sánh cảnh đẹp của thiên nhiên với vẻ đẹp của giai nhân và thấy rằng nhan sắc của cô làm phai nhạt cả màu tươi buổi sáng:
Trời có những buổi bình minh êm lặng,
Phấn hồng non phơn phớt dải chân mây.
Nhưng cô em có đôi má hây hây
Làm phai nhạt cả màu tươi buổi sáng.
Đây là cái Đẹp trong sáng, thuần khiết, không vương một ý nghĩ trần tục nào:
Đôi mất cô em như say như đắm
Như buồn in hình ảnh giấc mơ xa.
Rồi tác giả kêu gọi cô gái hãy yêu đi, vui đi vì thời gian rất khắc nghiệt, không nương tay với một người nào cả :
Vì em ơi! Khi nặng mang tình ái
Thì xuân sắc nắng sương tuy dầu dãi
Ngày xuân xanh khe khắt vô tình qua,
Nhưng lòng xuân muôn thuở vẫn không già… (Nhan sắc)
Ngoài thơ, Thế Lữ còn viết tiểu thuyết (tiểu thuyết trinh thám của ông rất lý thú), viết kịch và hoạt động sân khấu, có khi là diễn viên, đạo diễn hay giám đốc đoàn kịch, nhưng khi nhắc đến Thế Lữ, người ta chỉ nhớ Thế Lữ là một nhà thơ nổi tiếng.
* Ý KIẾN CỦA CÁC NHÀ PHÊ BÌNH
Trong buổi đầu của thơ mới, Thế Lữ là người có công rất lớn. Ông đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng và hiện đại hóa thi ca Việt Nam. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh viết: “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc, cả hàng ngũ thơ xưa phải tan rã.
… Thơ Thế Lữ như một luồng gió lạ xui người ta biết say sưa với cái xán lạn của cuộc đời thực tế, biết cười cùng hoa nở chim kêu, biết yêu và biết yêu tình yêu. Thế Lữ đã làm giáo sư dạy khoa tình ái cho cả một thời đại…” (Thi nhân Việt Nam).
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết :“Người ta có thể nói: trong thi ca, Thế Lữ có những tình yêu về lý tưởng, ông muốn tìm lên Thiên đường để làm bạn với tiên; còn trong tiểu thuyết, Thế Lữ muốn xuống âm phủ để sống gần với quỉ.
Tâm hồn ông thật là phức tạp. Điều chắc chắn là ông rất giàu tưởng tượng, nên về thơ cũng như về tiểu thuyết, ông đã tỏ ra là một thi gia và một tiểu thuyết gia có biệt tài…” (Nhà văn hiện đại).
Nhà văn Hoài Anh nhận định: “Xuất phát từ cảm hứng trước cái Đẹp, thơ Thế Lữ nặng về duy mỹ mà không đau khổ đến mức bệnh hoạn, tuyệt vọng như Baudelaire. Mối quan hệ với hội họa và âm nhạc trong thơ Thế Lữ ai cũng nhận thấy rõ, nhưng ít ai để ý rằng mỗi bài thơ Thế Lữ còn là một vở kịch nhỏ.
Thơ Thế Lữ đọc lên chứa đựng một cái duyên ngầm, một thứ say sưa thấm dần không phai nhạt, một ma lực ám ảnh đến suốt đời” (Chân dung văn học).
Huyền Viêm
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...