Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Con nhện vương tơ

Con nhện vương tơ
Nghệ thuật gắn liền với thời đại, cụ thể là với đời sống vật chất của từng xã hội. Nghệ thuật sinh hóa, biến thể và có khi biến mất. Các bộ môn văn nghệ dân gian, gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp và xã hội nông thôn dần dần lùi vào dĩ vãng của từng dân tộc một. Ca dao, dân ca Việt Nam cũng chịu chung quy luật đó.
Thế hệ chúng ta còn may mắn tiếp xúc với dĩ vãng của dân tộc qua những văn bản ca dao, những làn điệu ghi âm, hay vài ba buổi trình diễn. Nhưng cái không khí dân gian thì đã xa xăm. Điệu hò mái đẩy não nùng tiếng sương, lời chào giã bạn nửa đêm về sáng và tiếng hò lơ trong rừng tràm rừng đước, chúng ta còn được nghe những điệu hát đã tách rời ra khỏi không gian. Chúng ta còn những đêm rằm mà đã mất ánh trăng.
Loạt bài này rủ rê bạn trở về với ca dao, suy nghĩ thêm về những lời thơ quen thuộc, qua vài ba chủ đề. Thử bắt đầu bằng hình ảnh, thân phận người phụ nữ.
Đêm khuya ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện vương tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai mà mờ…
Khuya. Thời gian sâu thẳm nhất của tâm tư. Nó khắc khoải hơn buổi chiều; buổi chiều thương nhớ mong manh, cô đọng lắm thì cũng chỉ «tan thành lệ». Khuya là những tra vấn dằn vặt, những hoang mang, những đau buồn vô vọng. Khuya là lúc duy nhất người phụ nữ sống với chính mình sau một ngày dài lao động và chịu đựng, khuya là thời gian mà ý thức về thân phận xoáy sâu vào tâm tư người phụ nữ, đối diện với chính mình:
Anh buồn còn có chỗ thở than
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya
Ý thức thân phận ở đây là đóm lửa nhỏ nhoi hắt hiu trong bóng đêm dày đặc, đang tắt dần, tắt dần, một cách tuyệt vọng và bất khả kháng. Cũng có những canh khuya trong sáng và rộng thoáng hơn:
Sáng trăng sáng cả đêm rằm
Nửa đêm về sáng trăng nằm đọt tre
Anh có yêu em cho trọn mọi bề
Để em thấp thỏm ngồi kề bóng trăng
Canh khuya ở đây có ánh sáng của hy vọng, của đợi chờ, nhưng đặc biệt là niềm lo sợ, hoang mang của người đàn bà thụ động, không bao giờ làm chủ được đời mình.
Đêm khuya, có lúc gợi lên những cảm xúc, những thèm khát nhục thể - thì nó lại càng tha thiết hơn:
Người về để áo lại đây
Để canh khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng…
Đêm khuya gió lọt song đào
Chồng ta đi vắng, gió vào làm chi…
Đêm khuya ra đứng bờ ao… (cũng có người đọc «Đêm qua…»)
Bờ ao. Sao lại bờ ao? Đây là khung cảnh lao tác ban ngày của người phụ nữ: giặt giũ, rửa ráy… Ban đêm nó là nơi hoang vắng nhất trong một góc vườn và người phụ nữ không có quyền hưởng những giờ thanh vắng : một là phải lao động, hai là phải sống với kẻ khác. Muốn một chút yên tĩnh để thảnh thơi hay suy tư, không dễ tìm nơi:
Thương chàng lắm lắm chàng ơi
Biết nơi nao thanh vắng mà ngồi thở than
Ở Trung Bộ lời hát còn da diết:
Cực lòng Lan lắm Huệ ơi
Biết nơi mô thanh vắng mà ngồi thở than
Ở đây, nàng phải chọn bờ ao, khuất nẻo:
Thiếu chi cam rim hồng rim anh không chuộng
Anh đi tìm trái khế rụng bờ ao… 
Và trong bối cảnh câu ca dao, bờ ao diễn tả niềm hoang mang cùng cực của người phụ nữ, bờ ao là ám ảnh cõi chết. Ao nhà, không nhất thiết phải sâu, vẫn là biên giới, là cái bờ của vực thẳm, như đêm nào đó đã quyến rũ niềm tuyệt vọng thảm khốc. Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ…Tiếng gào rất hiện đại, và hiện sinh, ném vào bóng tối của vũ trụ; và vũ trụ đã câm nín tàn nhẫn. Không một động tịnh, một âm thanh, một tia sáng nào đáp lại những gào gọi trầm thống của con người về thân phận mình, từ mấy ngàn năm nay. Ở đây, là câu hỏi của người đàn bà nông thôn bên bờ ao, nơi khác là của nàng cung nữ, là của cô Thúy Kiều, và tiếng kêu thương của họ đã va vào bức vách im lặng tàn bạo của vũ trụ, một vũ trụ đành hanh quá ngán: trông cá cá lặn, trông sao sao mờ…
Buồn trông con nhện vương tơ…
Biểu tượng của tình yêu, chờ mong, mơ ước, vẫn thường gặp trong ca dao, nhất là trong quan họ:
Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Hình ảnh con nhện có lẽ là rất xưa trong văn thơ ta, vì nó đã có trong truyện Hoa Tiên giữa thế kỷ XVIII của Nguyễn Huy Tự (câu 1157):
Một thân xưa đã quyết thầm
Nhện vương dễ mấy phen lầm nữa vậy
Bản Hoa Tiên do Nguyễn Thiện nhuận sắc, đầu thế kỷ XIX (câu 1227):
Thôi duyên đâu nữa mà nhằm
Nhện vương tơ lại mấy tơ tằm nữa đây
Trong Kiều, khi quan phủ muốn trả Kiều về lầu xanh, nàng trả lời:
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần
Có nhiều lối giải thích câu này. Nhưng tơ nhện, tơ tằm – những hình ảnh quen thuộc của nông thôn – tượng trưng cho tình duyên, có lẽ là hợp lý nhất.
Nghệ thuật bốn câu sau, không nằm ở từ pháp, mà ở cú pháp:
Buồn trông con nhện vương tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ…
Cách lặp lại mấy chữ ở đầu câu, là một mỹ từ pháp thông thường (anaphore). Trong ca dao:
Buồn về một nỗi tháng giêng
May áo cổ kiềng, sắm sửa cho trai
Buồn về một nỗi tháng hai
Cờ bạc dong dài, nói dối mẹ cha
Ở đây, hai chữ “buồn trông” lặp lại làm nổi bật những chữ luyến láy khác: bốn lần gọi “nhện” và gọi “sao” với lời vọng thê thiết “sao ơi sao hỡi”, “nhện ơi nhện hỡi…”. Những từ “ơi, hỡi” liên tiếp nhau gợi lên bi kịch trong bóng đêm của người phụ nữ. Kiều, lúc tuyệt vọng, cũng gào gọi như thế.
Ơi Kim Lang, hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây
Ơi  là gọi gần, có khi là gọi thầm, hỡi là gọi xa, hay gọi cái gì đó đã mất mát. Khoảng cách từ ơi đến hỡi xa tít tắp trong không gian và có khi mịt mù trong tâm tưởng. Nhện ơi… sao ơi là đối thoại với ngoại vật, nhện hỡi… sao hỡi là tiếng nói lạc loài không có đối tượng. Trong văn chương, ta có nhiều ơi, nhiều hỡi, nhưng ít khi có kết hợp ơi hỡi, khi đảo ngược thành hỡi ơi, tính bi thiết lại càng rõ như trong Nguyễn Bính:
Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà
Nhện chờ mối ai?... Nhớ ai sao mờ. Chữ chờ ai đầu, là nghi vấn; người phụ nữ không biết, và tự hỏi tơ duyên nào sẽ đến với đời mình. Nhớ ai thì nghĩa khác; cô biết rõ, rất rõ là nhớ ai, chỉ không thổ lộ ra đấy thôi:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
Chữ mối trong mối ai ám chỉ một tình duyên chưa thành tựu, và khó thành tựu, qua những câu hỏi thôi thúc. Mơ ước mong manh và tha thiết; thương nhớ mông lung mà da diết. Câu ca dao tuyệt vời ở chỗ dịu dàng, thắm thiết mà đau xót. Cô lo sợ, cho tình yêu, cho duyên phận, trong một xã hội mà cô không có quyền quyết định số phận:
Thân em như mảnh lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Thời đại nào, xã hội nào rồi cũng vậy thôi: hạnh phúc người phụ nữ vẫn mong manh. Khi hẹn hò với Kim Trọng, hoàn cảnh khách quan còn thuận lợi, Thúy Kiều đã lo lắng:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng
Với Thúc Sinh, nàng e ngại ngay tình cảm của chàng Thúc: Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng? Thậm chí làm vợ vua rồi mà nàng cung nữ còn than duyên đã may cớ sao lại rủi.
Về niềm lo sợ trong tình yêu, ca dao Trung Bộ có câu rất hay:
Hòn đá xanh rong vì dòng nước chảy
Hòn đá bạc đầu là bởi sương sa
Em thương anh không dám nói ra
Sợ mẹ bằng đất sợ cha bằng trời
Em thương anh không nói nên lời
Sợ vầng mây bạc giữa vời mau tan
Trong tình yêu, cô gái sợ mẹ sợ cha, đã đành. Nhưng đặc biệt là sợ chính cuộc đời, sợ chính cái hạnh phúc của mình nó cũng mong manh như áng phù vân. Niềm hoang mang có khi hoảng hốt đó hiện qua một bờ ao khuya khoắt. Bên kia màn tơ nhện ánh mắt mờ đi:
Đêm khuya ra đứng bờ ao…
Tôi rủ rê bạn chuyển bến sang một bờ tư tưởng khác. Ánh mắt buồn trông của cô thôn nữ bên bờ ao, sẽ truyền sang cái nhìn của cô Thúy Kiều, một chiều Ngưng Bích:
Buồn trông cửa bể gần hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa (a)
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu (b)
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh (c)
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng song kêu quanh ghế ngồi (d)
Có lẽ do ảnh hưởng truyện Kiều (đầu XIX) mà trong Bích Câu Kỳ Ngộ (giữa XIX) chàng Tú Uyên cũng buồn trông như thế (câu 495-502)
Buồn trong quãng vắng đìu hiu
Gió lay nhẹ lá, móc treo nặng cành
Buồn trông cửa bể mông mênh
Con thuyền thấp thoáng cuối ghềnh ngổn ngang
Buồn trông cuối phố Hành Dương
Cánh hồn tăm tắp, hạt sương đầm đìa
Buồn trông theo giải Tô Khê
Chim kêu bụi rậm, trâu về đồng không
Vấn đề tiên quyết: Nguyễn Du mượn ý ca dao hay ngược lại? Ta có thể chọn giả thuyết đầu, vì ca dao, thỉnh thoảng có mượn thơ Kiều, thì là những câu ngắn, có tính cách tục ngữ, đại khái như: người đâu gặp gỡ làm chi; đau đớn thay phận đàn bà, chứ không mượn phong cách một đoạn dài để chế biến thành bài thơ khác. Các cô hát ả đào có khi mượn một đoạn Kiều dài để hát, nhưng không thành ca dao. Ngược lại, Nguyễn Du đã kể lại, một cách tự hào, là ông học cách làm thơ dân gian của những người “trồng dâu trồng gai” và trong Kiều có rất nhiều dấu vết của văn chương truyền khẩu. Và cái tài của Nguyễn Du trong đoạn này, có thể là vô tiền khoáng hậu, là đã đưa âm vang ca dao vào tám câu lục bát mà ông … dịch từ bốn câu thất ngôn chữ Hán, và không theo trật tự nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong Kim Vân Kiều Lục, Thúy Kiều có làm “nên vài bốn câu” như sau, mà tôi đánh dấu a’ b’ c’ d’ để người đọc dễ so sánh với bản dịch của Nguyễn Du:
Nhập song tân thủy tầm kê hoa (b’)
Phụ thảo đà lam tứ vọng xa (c’)
Cận hải trào than hư tọa thấp (d’)
Cách thành phàm ảnh phật lan là (a’)
(Sau đó Sở Khanh mới làm thơ trả lời
Lâu ngoại thùy gia thành mấn hoa…
Cô ả nhà ai ngồi ở ngoài lầu…)
Nêu lên điển tích này để chứng tỏ một nét tài hoa đặc biệt của Nguyễn Du mà tôi chưa được nghe ai nói đến. Tài hoa đó nhất định phải có học hỏi và trau dồi, chứ nhất định không thể do cao hứng mà đạt đến nét thần tình – virtuosité – như vậy.
Bây giờ chúng tôi thử giả thuyết về niên đại câu Ra đứng bờ ao: nhất định nó phải ra đời trước truyện Kiều, có lẽ vào thế kỷ XVIII, vì trước đó câu thơ lục bát chưa được lưu loát và trau chuốt như vậy. Từ vựng cũng chưa đơn giản và gần gũi chúng ta như vậy. Nó có những âm vang luyến láy như những câu ca dao thời Lê mạt mà Trần Danh Án thời Tây Sơn đã ghi lại trong Nam Phong Giải Trào:
Ngày đi trúc hãy còn măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chửa chia vè
Ngày về lúa đã vàng hoe đầy đồng
Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang
Hai câu cuối đã đi vào truyện Kiều:
Duyên em dù thắm chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang
Trong Nam Phong Giải Trào, Trần Danh Án còn ghi lại những câu não nùng, bi thiết, cùng với giọng nhớ ai sao mờ, nói lên niềm cô đơn của người góa bụa:
Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều
Trong giả thuyết bài Đêm khuya ra đứng bờ ao ra đời thời Lê mạt thì nó soi rọi thêm ánh sáng vào thân phận người đàn bà thời ấy, qua Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Ai Tư Vãn và Kiều; và qua người đàn bà, là thân phận con người nói chung, đang bắt đầu ý thức về quyền sống, về hạnh phúc. Khi nàng cung nữ thốt lên:
Quyền họa phúc trời giành mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả mặc ai
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Thì lời phản kháng đã vượt số phận của một cung nhân, thậm chí của người đàn bà nói chung, nó vươn đến tầm định mệnh của con người bị xã hội, lịch sử và cuộc đời dày xéo. Người đàn ông, trong xã hội đó, không có cơ hội hay duyên cớ để phản kháng, chàng chỉ thét roi cầu vị ào ào gió thu. Hoặc đi học, đi thi, làm quan, cưới vợ như Kim Trọng, Vương Quan; hay lân la chơi bời như Sở Khanh, Thúc Sinh, cùng lắm thì nổi loạn như Từ Hải, được việc thì thành Quang Trung, thua trận thì thành Quận He, Quận Hẻo.
Họ có thể dọc ngang nào biết trên đầu có ai, nhưng không biết đứng tự lập như một cá nhân, độc lập trước xã hội, và cật vấn cuộc sống trong thế đối lập cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Từ Hải khinh một phường giá áo túi cơm, nhưng không phản đối hệ thống giá trị xã hội, như một người đàn bà đương thời là Hồ Xuân Hương, về cái quyền của người phụ nữ không chồng mà chửa. Không có, nhưng mà có, mới ngoan. Nhất định bà phải dựa vào câu ca dao:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
Tôi trở lại người phụ nữ của tôi, người trông cá cá lặn, trông sao sao mờ. Người ấy tra vấn cuộc sống, đòi hỏi cuộc sống phải trả lời về quyền làm người, quyền yêu đương, quyền hưởng hạnh phúc. Và câu ca dao nằm trong tư trào lớn lao của con người thời Lê Mạt, là thế kỷ XVIII.
Năm 1944, Nguyễn Đình Thi, lúc đó hai mươi tuổi, có viết một bài nhan đề “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, trong đó ông có bình luận về bài ca dao nói trên, gợi lên “một nỗi buồn lành mạnh, khỏe khoắn, nỗi buồn thành thực của những người ham sống, một nỗi buồn trung hậu”. Khát vọng tình yêu trong ca dao, là “yêu để được thêm mạnh mẽ, yêu để sống được thêm hăng hái, tranh đấu được thêm vững bền, chứ không phải yêu để mà đắm đuối trong tình yêu và quên lãng hết cuộc sống”. Dù rằng, trong ca dao, chúng ta cũng có nhiều câu rất đắm say, ướt át:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Mắt thương nhớ ai, hôn phối với nhớ ai sao mờ, nhiều thế kỷ sau vẫn còn lưu truyền trong mạch máu Việt Nam, và phập phồng trong nhịp đập của những trái tim yêu đương trên những bước dập dồn của dân tộc lao mình vào lịch sử, mà chúng ta còn nghe thấy trong bài “Nhớ” của Nguyễn  Đình Thi (1954):
Nhớ
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng lên đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.
1/5/1991
Đặng Tiến
Theo http://www.art2all.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ta đêm – Thơ Hữu Dũng 7 Tháng Tám, 2023 Rồi mai/ ta sẽ thành đêm/ Bóng ngày trả lại/ với mênh mông đời… Ta đêm   Rồi mai ta sẽ...