Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Những đoản văn của Bùi Thanh Xuân

Những đoản văn của Bùi Thanh Xuân
Hoa ổi 
Chung quanh tường rào là những cây ổi xanh tốt, khi Ba tôi mất đi, vườn ổi cũng héo hon rồi chết dần. chỉ còn duy nhất một cây trái nhỏ bằng quả táo, rất ngon, hình như người ta gọi là ổi tiêu.
Tôi trở về trồng lại vườn ổi của Ba, đó là thời gian chẳng có việc gì để làm, nhờ vậy vườn ổi được chăm sóc kỹ, mau lớn.
Hai năm sau, ổi nở hoa trắng vườn. Tôi không nhớ mùi hoa ổi thơm như thế nào nhưng có một sức quyến rũ kỳ lạ. Một khu vườn khá rộng được bao bọc chung quanh là những lá xanh, lấp lánh màu sương tuyết của hoa, thêm màu trắng hồng của trái. Những trái chín bị dơi ăn phơi sắc trên cành dụ dỗ những cặp mắt nhiều cô gái ngang qua. Quyến rũ như mùi hoa ổi dụ dỗ loài ong.
Dưới bóng mát sân vườn, hay trong những đêm trăng lãng mạn, thấp thoáng những mái tóc dài, để lại đó một vài kỷ niệm khó quên.
Vài năm sau tôi cũng ra đi, vườn ổi một lần nữa héo hon rồi chết dần
Khu vườn một phần bị chiếm đoạt, phần khác chia lô.
Vườn hoa ổi chỉ còn trong ký ức.
MỘT CƠN MƯA
Bây giờ thì con có thể xuống đây, chú rất muốn chở con thêm đoạn nữa, có thể đến nơi con cần đến nhưng chú rất ngại.
Dạ, con cám ơn chú.
Cậu bé lễ phép chào rồi lủi thủi bước đi trông thật tội nghiệp, ông không thể làm khác hơn.
Trời nóng đổ lửa nhưng phía tây mây đen ùn ùn kéo đến. Nhìn cậu bé, ông thấy chạnh lòng. Con đường hẹp, hai bên là ruộng lúa, hun hút xa tít là những ngôi nhà lụp xụp, có vẻ là một ngôi làng, cậu bé muốn đi đến đó phải mất hơn nửa tiếng.
Gặp cậu bé lếch thếch ven quốc lộ giữa trưa hè nắng gắt, chẳng mất gì, ông gọi cậu bé lên xe. Đoạn đường bốn cây số, ông nhận ra cậu bé không bình thường nhưng nơi mình ở thì không quên.
Bất trắc vì những chuyện bao đồng như thế này ông đã bị rồi. Nổ máy, suy nghĩ một hồi, ông quyết định cho xe chạy xuống con đường đất. Mưa rơi vài ba hạt, ông đưa chiếc áo mưa cho cậu bé rồi thúc giục lên nhanh...
Trong cơn sốt giữa khuya, ông mơ thấy thằng bé tâm thần ôm cặp sách, tung tăng trong chiều nắng vàng trên con đường đất hai bên là ruộng lúa.
Sau nhiều ngày nắng nóng, chiều qua đổ cơn mưa rào vàng ngọc.
MÙI HOA LỘC VỪNG
Mẹ chồng nói rằng hoa lộc vừng có mùi tanh khó chịu, muốn dời đi nhưng chồng chị nhất định không chịu. Anh bảo nó là nguyên khí của gia đình, mang lại tài lộc và sức khỏe, cả địa vị mà anh có hiện nay.
Nghe đâu cây có giá vài trăm triệu, một doanh nghiệp mang tăng đã hơn mười năm. Từ đó sự nghiệp anh đi lên theo chiều cao của cây. Tán lá càng sum xuê, hoa rực rỡ mỗi năm, địa vị anh càng vững chắc.
Có lẽ phụ nữ nhạy cảm với mùi vị hơn, chị cũng như mẹ chồng cảm thấy dị ứng với loại hoa này. Từ tháng năm, tháng sáu hoa rụng kín sân vào ban đêm, sáng hôm sau cô giúp việc phải mang khẩu trang, khó khăn lắm mới dọn sạch thảm màu đỏ cùng đám lá xanh mướt.
Người ta bảo hoa lộc vừng có mùi thơm dễ chịu. Đó là người ta cảm nhận cái đẹp không phải của mình, chị không cần tranh cãi về mùi hoa. Đâm ghét đám người rảnh rỗi, chị ghét luôn cây lộc vừng.
Những tối rảnh rỗi chị hay lang thang quanh sân vườn, nghĩ ngợi đôi điều về những năm tháng qua. Rõ ràng chị vẫn cứ phải bước tới, suy nghĩ mình đã đi gần hết cuộc hành trình. Đằng kia là bức tường, là bóng tối hay có thể là ngọn đèn đường hiu hắt, chân dẫm lên những bông hoa nhỏ xíu, lấp lánh. Không thể nào để nghe được cái mùi dịu im như người ta nói. Hay chị không cảm nhận được?.
Trên nền lát gạch, thảm hoa bùng lên như những ngọn nến, nháo nhào xuôi ngược trong ảo ảnh, chỉ nghe tiếng rên khóc của những linh hồn đòi nợ. Thảm họa không lung linh dưới ánh đèn, nó chảy tràn một màu đỏ.
Khi những ngọn nến tắt đi, mùi tanh tưởi của thảm hoa lan cả khu vườn.
Chị chợt hiểu và nhận ra vì sao mình có thể ngửi được mùi tanh nồng của hoa lộc vừng mà nhiều người khác không biết.
Chị nhận ra chồng mình đã phạm nhiều lỗi lầm.
Khi già đi, người ta nhận ra con đường phía trước ngắn lại. Phía bên kia bức tường là ngọn đèn leo lắt hay có thể là bóng đêm.
Sau lưng còn lại tro tàn.

KHAO KHÁT
Con bé chừng hai tuổi, mặc chiếc váy màu hồng nhạt tung tăng, chạy nhảy giữa khoảng trống trong quán cà phê, rất đáng yêu. Sao mà giống kỳ lạ con bé nhà mình quá, chị thầm nghĩ.
Ngồi tạm trên chiếc ghế trống của quán, chị nhiều lần định nhổm dậy, chạy tới ẵm đứa bé, nhưng rồi lại sợ. Chỉ sợ đôi tay, bộ áo quần mình bẩn, không xứng để sờ vào làn da mịn màng của bé, chỉ sợ những cái nhìn không thiện cảm, sợ người ta nghi ngờ. Thèm được nắm bàn tay bé, ôm bé vào lòng quá, nỗi khao khát không kìm chế được đôi chân, chị bật dậy, mỉm cười thân thiện khi con bé chạy ngang trước mặt. Bé dừng lại, xòe bàn tay búp măng vẫy chào chị.
Chị ôm chầm lấy nó, bồng thốc lên, hôn vào khuôn mặt bụ bẫm còn thơm mùi sữa.
"Nè! chị bỏ con tôi xuống đi".
Hoảng hồn, chị đặt con bé xuống, mỉm cười, nhìn người mẹ trẻ như muốn nhận lỗi, xấp vé số rơi trên nền nhà.
"Ai cho phép chị sờ vào con tôi? Chị muốn gì?"
"Tôi... tôi... xin lỗi!. Tôi nhớ... con quá..."
" À... à... có thật vậy không?"
"Thật mà, một tuần rồi tôi chưa gặp con"
Người mẹ trẻ thoáng sững sờ.
"Xin lỗi đã nặng lời, tôi... tôi... gởi chị chút ít, chiều có thể về thăm cháu được không".
"Không! À..tôi muốn nói cám ơn chị, tôi không nhận"
Chị nắm chặt xấp vé số. "Con bé dễ thương quá"
Quệt mí mắt, chị quay lưng bước ra khỏi quán...
Câu chuyện ngày cúp điện.
Con dâu kể lại chuyện người phụ nữ trẻ ở quê ra phố bán vé số. Đứa bé mặc váy hồng là... cháu nội tôi.
Khi lòng tin bị mất, con người trở nên tàn nhẫn.
THẰNG HỀ
Khi nó cười, thiên hạ cười theo nhưng nó khóc, có khi rơi những giọt nước mắt thật trên sân khấu, thiên hạ vẫn cứ cười.
Bổn phận mang lại niềm vui và tiếng cười cho thiên hạ nhưng thằng hề cũng là con người, cũng vui buồn, hỉ nộ ái ố, không mấy ai thấy được đằng sau những nụ cười là giọt nước mắt.
Trên sân khấu, khi thằng hề khóc người ta vẫn thấy nơi méo mó của khuôn mặt một nụ cười hài hước, chỉ mình nó biết thật giả mà thôi.
Rời sân khấu, thằng hề khóc người ta nghĩ nó đang diễn trò.
Thằng hề là một diễn viên đặc biệt, có tài diễn xuất, lôi cuốn khán giả và không bao giờ lấy đi một giọt nước mắt của họ. Nó nhân ái, bao dung, chia sẻ.
Bây giờ trên sân khấu khó tìm một diễn viên hề có tài và đức thật sự nhưng ngoài đời lại lắm diễn viên đạt đến mức tinh xảo bên cạnh những diễn viên hề khác ngu ngơ diễn tuồng.
Những đứa ngu ngơ hay tinh xảo diễn hề chỉ khiến cho thiên hạ bật khóc.
Trên sân khấu, màn đã khép, thằng hề cảm thấy buồn, thiên hạ vỗ tay, mang theo nụ cười về nhà.
Ngoài xã hội, những thằng hề vui mừng nhảy múa những vở kịch thô thiển.
Bức màn chưa hạ xuống, lắm người bật khóc...
Có đôi khi đứng bên dưới sân khấu cuộc đời, xem những thằng hề diễn trò. Những thằng hề xa và có cả những thằng hề gần, thằng quen, thằng lạ, chỉ biết cười méo mó.

MƯA THÁNG NĂM
Rả rích từ đêm qua ngày, xám xịt cả không gian. Thêm ngày nữa qua tháng sáu, mùa hè kì lạ, mang thu đông vào cả đất trời như báo hiệu những tháng ngày còn lại trong năm chẳng có gì sáng sủa hơn
Xã hội chìm trong bóng tối, lòng người hoang mang mặc dù ai cũng cố nở nụ cười. Những nụ cười cố lấp liếm nỗi muộn phiền mà ai cũng muốn dấu đi. Những lễ hội phù hoa không che nổi bầu trời u ám, nhiều người mặc kệ phó thác cho số phận muốn đưa đẩy về đâu cũng được có cho dù biết trước nơi sẽ đến là vực thẳm, tự an ủi bởi số phận ta sinh ra nhầm thời. Nhiều người nhởn nhơ trên số phận của nhiều nhiều người khác, mặc kệ đám đông đang dẫy dụa, hét la.
Những lời bóng bẩy, sáng chói không còn tác dụng nữa, người ta lại nhét vào đầu nhau những điều dối trá đến lạnh lùng
Không ai biết liệu ngày mai, ngày mốt hoặc tuần sau nắng có lên hay không, trả lại mùa hè cho trẻ thơ, trả lại không gian như vốn có của nó.
Mỗi ngày nạp thêm một ít chất độc vào người từ chính bàn tay đồng bào mình, chúng ta đang hại lẫn nhau bằng nhiều cách khác nhau.
Đứng bên vực thẳm, chúng ta cứ mãi huyễn hoặc mình đang bay trên tầng cao, ai cũng muốn mình cao hơn người khác mà quên rằng chúng ta chỉ cao hơn bàn chân mình.
Bên dưới bàn chân là hố sâu thăm thẳm.
Đi qua một ngày ta chịu ơn đời một ngày mà sao lòng cứ buồn phiền như bầu trời u ám tháng năm.
Muốn viết những điều thoát ra từ tâm can không dễ, lại ghi những câu chuyện vui để đánh lừa mình, kiếm cho mình một chỗ đứng bàng quang, tưởng như chẳng có gì xảy ra chung quanh mình. Cho đến một khi không thể gõ những ngón tay trên bàn phím, cho ra những câu chuyện hài.
Những câu chuyện hài như những mũi tên bắn vào trái tim mình.
Và cũng có khi cắn đôi môi đến bật máu.

CHIẾC QUẦN VÁ
Cuộc sống đủ đầy có mấy khi nhớ lại mấy chuyện vụn vặt lúc khó khăn.
Vậy mà trong những giấc mơ lôi tuột ra đủ thứ hỉ nộ ái ố, những chuyện mình không thể nhớ được Không biết trong tiềm thức còn chôn giấu bao điều tưởng đã quên đi. Có những giấc mơ đẹp mang lại cho mình hạnh phúc, một thứ hạnh phúc nhanh chóng tan đi sau đó. Có giấc mơ khiến mình bật cười ngay cả khi chưa tỉnh giấc.
Đêm qua tôi mơ sang nhà cô bạn hàng xóm mượn kim chỉ, xin miếng vải về vá cái quần màu xám rách mông. Cô bạn thương tình gã con trai tội nghiệp nên nói tôi cởi quần ra vá giùm cho.
Ba chục năm sau cô bạn nhớ chuyện cũ, nhắc lại chuyện vá quần, tôi thỏ thẻ em làm anh dị bắt chết, hôm đó anh còn duy nhất cái quần rách mông. Em tủm tỉm cười thấy bên trong chỗ rách có vải mà. Tôi cười khà khà, dòm kỹ hỉ, anh lót miếng giấy em nợ.
Em vá quần cho tôi thêm nhiều năm sau nữa. Rồi nhiều năm sau nữa chẳng còn cơ hội đưa quần cho em vá.
Em bận vá cuộc đời tôi.
GÁNH HÀNG RONG
Đôi quang gánh trên vai hết gần cả đời người, rong ruổi trên khắp nẻo đường, hẻm lớn, ngõ cụt. Tiếng rao lanh lảnh gọi mời, tiếng dạ thưa trả lời khách, đôi dép mòn vẹt, bụi bẩn.
Khó có nụ cười trên đôi môi khô héo, gánh hàng rong mong một bóng dừng chân, hiếm hoi những mái hiên rộng lượng.
Một ngày, người sang trọng không còn muốn thấy những gánh hàng rong làm dơ bẩn, chật chội phố xá. Người ta xua đuổi, thu quang gánh, lăn lóc những thứ có thể trao đổi, bán mua được bên hè đường. Gánh hàng rong già nua bật khóc, van xin.
Người ta vui, người ta hạnh phúc nhìn phố xá sang trọng hơn, gánh hàng rong chén cơm khuya đắng ngắt.
Và rồi ngày mai, ngày mốt, tháng sau sẽ ra sao.
Không ai khổ ba đời nhưng hàng rong có khi bốn đời quang gánh.
Một ngày buồn, một đời buồn, gánh hàng rong thấy mình bất lực vì lỡ sinh ra làm kiếp con người.
CẠP BẮP
Chắc chắn không còn từ nào hay ho hơn cạp.
Ăn bắp luộc là phải cạp mới đã, chớ ngồi gỡ từng hột thì... bần quá. Dẻo, thơm ngọt ngào. Hơn bốn chục năm tôi với bắp như thuyền với biển, mỗi sáng phải cạp hai trái mới chịu. Kệ, ai nói bần cũng được, ngon bổ rẻ, nhiều chất dinh dưỡng, cứ rứa mà cạp.
Gieo những hạt bắp khô đầu tiên, không nhớ bao lâu nó nẩy mầm, mỗi ngày nhìn nó lớn lên, vươn cao dần thật là thú vị. Những bẹ lá đong đưa trong gió như đôi cánh tay em bé muốn bay lên trời cao. Một ngày, trong kẻ lá nhú lên một mầm xanh, em bé ra đời mang bộ râu của lão già.
Chuyện cũ lâu rồi, cái thời điên khùng vỉa hè bị đào xới trồng rau
Mình cũng trông chục cây bắp, ngày ngày ra ngó hắn cao lên, ra trái. Có cây một trái, có cây hai, ba trái.

Vậy mà có buổi sáng chỉ còn trơ thân cây. Thằng cha hàng xóm ở mô mới về sống gần qua đớp mất. Không tiếc chi mấy trái bắp, rẻ thôi, ra chợ lùa cả rổ cũng có nhưng không hiểu sao nhìn thân cây khô héo lại thấy buồn, thấy nhớ mấy trái bắp ngày ngày khoe râu
Hôm sau lặng lẽ nhặt mấy cùi bắp thằng cha hàng xóm vừa vứt ra trụ điện, mang vô chỗ gốc bắp vừa rủ mấy bẹ lá xuôi thân, đào lỗ chôn xuống, coi như chôn luôn cái vong thằng cha hàng xóm lạ.
Sáng nay ngồi cạp bắp, nhớ cái hồi trồng bắp, nhớ luôn thằng cha hàng xóm mà hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình, có mấy trái bắp, hắn cũng cạp.
Thời khó khăn, cạp bắp.
Chừ thì thứ chi chúng cũng cạp.

CON VỊT KHÔNG THAY LÔNG
Nó là một con vịt mái, sống lâu kỳ lạ, bộ lông óng ánh màu cà phê sữa chưa thấy nó thay lần nào. Người ta nói sau một thời gian đẻ trứng, vịt nghỉ ngơi và trút bỏ bộ lông cũ, nhưng nó thì không.
Cậu chủ trẻ nuôi đâu chục con. Bắt đầu từ chục trứng mua của mụ hàng xóm. Tất nhiên là loại trứng có trống mới ấp nở được.
Con gà mái đến kỳ nhảy ổ, cậu nhét chục trứng vô. Hơn hai mươi ngày sau người ta ngạc nhiên, phì cười khi thấy con gà mái dẫn bầy con vừa gà vừa vịt lúc thúc theo sau.
Cậu chủ cũng như nhiều người khác, thành người chăn nuôi bất đắc dĩ. Không sát sinh nên chỉ nuôi lấy trứng, được năm sau gà vịt chết toi hết, chỉ còn duy nhất một con vịt lông nâu. Kỳ lạ quá phải không.
Ngày nào cũng đẻ một trứng, chú vịt như thiên sứ nhà trời phái xuống bầu bạn cùng hắn, mỗi ngày tặng cho cậu một món quà. Vịt gần gũi với hắn như đôi bạn. Khu vườn hoang đầy loại cỏ ống cao nghệu. Vịt lúc thức tìm thức ăn quanh nhà, dưới mương nước, chui trong cỏ tìm côn trùng, đẻ trứng.
Nghe tiếng cậu chủ gọi là vịt te te chạy đến quấn dưới chân hắn. Bạn người âu yếm, thủ thỉ, bạn vịt giương cổ, nhúc nhích đầu xoe mắt lắng nghe. Có khi hắn vui, vịt xòe cánh đi quanh, đôi lúc lại buồn, lại than thở với chú vịt lông nâu, nó nằm xuống bên chân cậu.
Cậu chủ trẻ không đủ ăn nên vịt cũng ốm. Tình bạn khốn khổ ấy được gần ba năm.
Một chiều đi làm thuê trở về, nhìn quanh chẳng thấy vịt đâu, cậu chủ kêu to vịt vịt vịt..Khu vườn vắng lặng, chỉ có tiếng gió vụt qua đám cải vàng, cậu hớt hãi chạy quanh, vạch từng bụi cỏ, lội xuống mương nước, chui sâu vào đường ống cống bê tông mà kêu, mà tìm. Cậu rơi nước mắt nghẹn ngào theo từng tiếng vịt... vịt... Cậu thẫn thờ ngồi sụp dưới hiên nhà, buồn như mất đi một người thân yêu. Có ai đó bắt mất chú vịt đi rồi. Cậu không oán trách chi ai, khốn khó như nhau thôi mà. Bần cùng sinh đạo tặc, có khi cậu cũng qua bới trộm sắn khoai vườn hàng xóm đó thôi.
Nhưng cậu buồn. Thà rằng mất đi củ khoai, rổ sắn.
Suốt đêm cậu trằn trọc, khó ngủ...
Lão già bạc tóc thủ thỉ với mẹ.
Mẹ! Còn nhớ con vịt không thay lông không?
Bà cụ già như bừng tỉnh:
À.. à.. Nhớ! Ai ác nhơn bắt trộm, ăn thịt hắn tội chết, ngày mô hắn cũng đẻ một trứng. Mi nhớ dai hỉ.

GIÓ NAM
Không dễ chịu lắm, khô khốc như lão già rụng răng khó tính, gió nam luôn mang lại sự bực bội. Không thướt tha như cô gái mười bảy mặc áo dài dạo phố trong gió đông mùa hè, gió nam uốn lượn như rắn hổ mang phà hơi nóng.
Sau mùa xuân, một buổi sáng bất ngờ có những cơn gió lạ, không thổi từ hướng đông, nó đến từ dãy Trường sơn kỳ bí, trút hết bên kia cao nguyên cái êm ái, tươi mát mượt mà của sự sống. Nếu nhìn thấy được nó có lẽ ta đang được vuốt ve bằng bàn tay của một thây ma.
Hãy hình dung ra nó, những cơn gió nam ma quái. Nó không hung tàn như bão tố, không gầm thét như sấm giông. Cũng có nét mềm mại, dịu dàng nhưng là cái mềm mại, dịu dàng của giang hồ hiểm ác
Từ hướng tây tràn về nhưng phương nam lại mang tiếng ác, gió nam chẳng ai mời nhưng cứ cuối xuân lại lũ lượt, băng băng vượt núi, băng băng qua làng quê, thổi thốc về đồng bằng, vượt ra cả biển khơi.
Sáng nay nó về, những cơn gió nam phủ dụ đồng bằng luồng gió mát đầu tiên sớm mai. Từ từ, chậm rãi, nóng dần lên.
Nó đang liếm trên mặt cô gái xuân thì vừa mới trang điểm xong, như tên bạo dâm mặc áo hàng hiệu đắt tiền che gọn thể xác ghẻ lở, đang ron rót lời đường mật nhưng bỏng rát.
Gió Nam!.
Có nghĩa là sự nhớp nháp của mồ hôi, sự ngứa ngáy khó chịu, ngứa, ngứa lắm, tiếng sột soạt bên trong lớp vải, hầm hập đất trời, tiếng rè rè của máy quạt bung hết tốc độ.
Gió Nam!.
Không, nó đến từ hướng Tây, phía ngoài kia người ta còn gọi là gió Lào. Tội cho người Lào dễ thương bị mang tiếng ác.

5 GIỜ SÁNG Ở BỆNH VIỆN
Hành lang nhếch nhác, kẻ nằm người ngồi, một vài người đi lại.
Khá đông, họ, những người khốn khổ ở khắp nơi về đây chữa bệnh hoặc nuôi người bệnh.
Tiếng xe máy chạy vào, hàng trăm người bừng tỉnh sau cơn ngái ngủ, họ chuyển động và khá ồn ào.
Người phụ nữ dừng xe, khó nhọc dựng chân chống. Hai thùng cháo từ thiện được vài người khác đến giúp khiêng xuống Họ khá chuyên nghiệp, có lẽ những người này đã ở đây khá lâu.
Những chiếc cà mèn, ca, tô nhựa... chìa ra.
Nồi cháo bốc khói vơi dần, ai cũng nở nụ cười. Người nhận vui vì được tô cháo thơm ngon, người tặng vui hơn, cười lâu hơn. "Hết rồi!". Những người chưa nhận được xuất cháo từ thiện lại phải chờ một đoàn khác đến sau.
Tiếng còi xe cấp cứu hụ vang, vụt nhanh ra cổng. Chẳng ai quan tâm lắm vì âm thanh quá đỗi bình thường trong bệnh viện.
Bên ngoài cánh cổng, mọi sinh hoạt thường ngày đang chuyển động. Bình minh chưa lên nhưng hừng đông đang sưởi ấm trong tim nhiều người, những con người nhân ái.
Những con người thầm lặng ngày đêm làm công việc phi lợi nhuận, họ san sẻ trái tim, vật chất và công sức của mình cho đồng bào khốn khó của mình. Họ không cần ai phải biết, không cần ghi tên mình dưới chân những tượng đài. Và có thể có người chưa một lần đặt chân vào những ngôi chùa. Họ xứng đáng được dựng tượng tri ân.
Hãy thử một lần đến bệnh viện vào lúc trời chưa sáng xem sao, bạn sẽ cảm nhận cái hữu hạn của đời người.
GIÓ BẤC THÁNG TƯ
Đón tháng tư bằng những cơn mưa phùn, gió bấc. Tháng tư ảm đạm lạ kỳ, người ta không vội vã, chen nhau trên phố, người ta lặng lẽ hơn.
Tháng tư lắm chuyện để mà kể nhau nghe, chẳng phải những chuyện khiến người ta vui. Có gì đâu để mà vui khi mà tháng tư gợi nhớ về một tháng tư khác, dù có là ở đâu, bên này, bên kia lúc đó, thì bây giờ sau bốn mươi hai năm cũng chẳng mấy người vui.
Chuyện qua cũng đã qua rồi, người ta nhìn về thực tại và tương lai nhiều hơn. Quá khứ có buồn vui thì cũng hoài niệm trong chốc lát, chẳng ai rảnh rỗi để mà ngồi mà nhớ, mà tâm tư thiên đường, địa ngục.
Người ta nhắc nhở nhau thôi sống an nhiên tự tại, có gì hưởng nấy, có ra sao ngày sau cũng chẳng sao. Người ta cười đùa vui vẻ và một bề ngoài lắm người thực sự đã an nhiên, tự tại.
Không! Chẳng ai có thể an nhiên tự tại trong lúc này khi mà chung quanh lắm điều bất an, chẳng qua chỉ là an ủi nhau mà sống, mà đối phó.
Người giàu có lo giữ đồng tiền của mình.
Bọn tham nhũng lo sợ bị sập bẫy
Người kinh doanh lo âu vắng khách.
Cán bộ công chức lo ngại, đối phó với đồng nghiệp của mình.
Người gánh rong suy nghĩ về một chỗ ngồi và nồi cơm sáng tối cho đàn con.
Người nông dân lo sợ tai ương
Bạn bè, anh dè chừng phản phé
Ngư dân lo bão tố, cuồng phong và cả lũ bạo tàn...
Biết bao sự lo âu trong triệu con người Việt.
Tháng tư mưa phùn gió bấc, mưa trên rừng, mưa ngoài khơi, mưa trong phố và mưa trong cả lòng người.
Nhưng với không ít người, tháng tư hay tháng nào trong năm vẫn mang lại cho họ nhiều niềm vui và cả sự vô cảm, độc ác.
TIẾNG CÒI
Ấm áp như tiếng còi đón giao thừa hoặc như tiếng còi vào ga mang lại hạnh phúc cho người về và người đợi, những tiếng còi hân hoan.
Còn những tiếng còi khác luôn mang lại tâm trạng hoảng hốt, lo sợ, tai ương, giật mình.
Chạy xe ngoài đường, "Choét". trái tim đập mạnh, nhìn sang phải, bóng dáng chú áo vàng nét mặt lạnh như bom.
Dừng xe ngã sáu chờ đèn xanh ba mươi giây. Mười tám, mười bảy, mười sáu... chín, tám, bảy..bốn, ba.. "Tin, tin...". Một vài người không kiên nhẫn chờ thêm hai giây nữa, nhấn còi khiến trăm người khó chịu.
Người phụ nữ chở hai con đi học, phố đông xe cộ, chị khá chậm. Người đàn ông trông lịch thiệp bước ra từ quán ăn, lên xe chạy phía sau người phụ nữ chở con. "Bin bin". Hai đứa trẻ còn ngái ngủ, giật mình.
Khách bộ hành nhìn phải, nhìn trái băng qua đường. Tiếng còi hét vang thúc dục. Người khách bộ hành hoảng hốt bước nhanh, không kịp nhìn khuôn mặt cau có bên trong cửa kính.
Quá nhiều tiếng còi hằng ngày chúng ta buộc phải nghe trong cái xã hội xô bồ mà văn hóa là một thứ xa xỉ.
Đâu phải như thời chiến tranh phải nghe tiếng còi tai ương báo động vội vã chui hầm.
Buổi sáng sương nhẹ lãng đãng, dạo một vòng phố, bị một bà sang trọng tát tiếng toét vô mặt, hoảng hồn, tăng xông lên vun vút.
CÙN
Có đôi khi ta lặng lẽ đứng ở góc tường, dưới gốc cây hoặc có lúc thơ thẩn, ta nằm nhìn sao trời, nhìn mây bay trên cao trong xanh.
Ta chẳng cao sang, quyền quý, cũng chẳng có ước mơ nào bùng cháy vì ta biết thân phận của mình.
Ta chẳng xinh đẹp như hoa hồng nhưng có khi ta cũng xuất thân từ một loài cây hoa nào đó ở miền quê xa lắc, trên sườn đồi hay trong rừng núi âm u. Ta sinh ra từ những bàn tay chai sạn nhưng tài hoa, được nâng niu, vỗ về. Rồi ta lưu lạc khắp nơi, từ làng quê đến phố thị, từ vi la, biệt thự cho đến nhà tranh, vách đất đâu đâu cũng có ta.
Ta nhận lãnh sứ mệnh vinh quang là mang cái đẹp đến loài người, sẵn sàng quét sạch những cặn bã của xã hội.
Ta lang thang khắp nơi và ta thấu hiểu thế thái nhân tình, gặp gỡ nhiều người từ giàu sang đến nghèo khó, từ quan xuống tới dân. Có người thương, người ghét.
Ta thích những cơn mưa. Mưa giúp ta đỡ nhọc nhằn, mưa trôi đi những rác rưởi, làm sạch phố phường. Nhưng ta không ưa những cơn cuồng phong, bão tố. Bão giông có lợi cho nhiều người nhưng mang tai ương đến cho nhiều người khác.
Loài người thích ôm về nhiều thứ rồi vứt đi nhiều thứ.
Loài người thích vứt nhiều thứ bỏ đi, vứt vào thân phận ta.
Ta nhọc nhằn nhưng ta không âu lo vì ta an phận và biết trách nhiệm cao cả của mình và không lùi bước.
Ta cũng có một thời son trẻ, xinh đẹp. Cũng như loài người, trẻ trung rồi già đi, nhăn nheo, run rẩy.
Và lúc đó loài người gọi ta là cái chổi cùn.
Và ta trở thành rác, loài người lại vứt bỏ ta, bọn trẻ đồng loại sẽ quét ta như quét một thứ rác rưởi bỏ đi.
Vinh danh ta, có khi được gọi là "Đồ cái chổi cùn".

Bùi Thanh Xuân
Theo https://binhtrung.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chê vợ - Truyện ngắn Chinh Văn

Chê vợ - Truyện ngắn Chinh Văn Lê từng bước nặng nhọc trên đường, Sen đi như kẻ mộng du. Ngày trước, đi trên con đường nầy lòng cô vui khấ...