Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Hơi ấm

Hơi ấm 
Từ bao giờ, Xuân sang Tết đến, sự chuyển mùa đầu năm trong uyển chuyển của thời gian. Giản dị - thiêng liêng, thân thuộc - bất ngờ khiến ta xao xuyến. Xuân là mùa nhớ, mùa trở về.
Tết Nguyên đán theo nguyệt lịch, làm những người phương Đông sống theo hai mạch chảy lịch dương-âm từ trước tháng áp Tết. Năm mới đã sang trên toàn thế giới, nhưng với người Trung Quốc, Việt Nam… năm mới, mùa Xuân chỉ bắt đầu sau giao thừa Tết cổ truyền.
Những giới hạn của cuộc sống chỉ còn là những lằn ranh mờ khi giao hoà Đông Tây. Đã là đầu năm mà vẫn cuối năm, đã mùa mới mà Đông chưa hết. Tiết lạnh sao thấy lòng chợt ấm.
Thời gian luôn ủng hộ, tôn vinh tài năng và nghệ thuật bằng sự lưu danh vượt qua tuổi sinh học, quỹ sống của một phận người. Nhưng thời gian khốc liệt khi sàng lọc, phân định các giá trị. Thời gian lấy đi của chúng ta sức lực, màu tóc, sự mịn màng của làn da và cả những người thân quen… Có khi ta mất người ta yêu quý bởi những trái ngang, sửng sốt, đột ngột. Không chỉ là cái chết mới gây mất mát. Mất nhau khi đang sống, đau buốt lắm. Tết là dịp đoàn tụ sum vầy. Tết này là Tết thứ ba nhà tôi vắng bà nội. Bà tôi đã qua đời cuối Thu 2010. Căn phòng bà vẫn để nguyên đồ đạc. Tôi thường xuyên lau, cắm hoa, xé lịch block mỗi ngày và đầu năm treo lên cuốn lịch mới.
Chiều cuối năm, chúng ta thăm mộ người thân quá cố, mời họ về ăn Tết. Dù lạnh đến mấy, thắp hương lên tôi luôn cảm thấy âm-dương xoá nhoà và ấm áp khi gần ông bà nội mình, dù bên mộ hay trên phòng thờ, qua ảnh. Cái chết và sự mất mát ở khía cạnh nào cũng không thể quên, khoả lấp, nhưng sẽ không lạnh lẽo và cách ngăn khi còn ký ức đẹp về nhau. Năm cũ - mới chuyển động qua một cái nhích kim đồng hồ. Ngày mai, tương lai ở phía trước, chúng ta không thể đến, đi tiếp nếu không có hành trang hồi tương.
Tết là những ngày dù bận rộn, người ta cũng được sống chậm hơn, cho mình, cho gia đình. Những hoài niệm, nỗi nhớ được hội tụ, quây quần.
Em luyến tiếc 2012, một năm đầy sáng tạo và tình yêu, có nhau từng nhịp sống. Ký ức không chỉ là những dòng tin nhắn, email, thư tay; kỷ niệm thức từng con đường, căn phòng trên cao, hàng cây. Anh chờ em, hôn em dưới tàng xà cừ thẫm sáng. Nỗi nhớ ở giờ thứ 25 và ngày 366 đang bắt đầu một tháng Giêng nồng nàn.
Xuân tràn toả đêm giao thừa Anh nâng em lên hương tình gió ấm. Gió ấm trong hơi thở quang vi pháo hoa bừng rừng lộc điệp mầm. Tết nhắc nhở, Tết điểm danh người. Sự còn mất nhiều khi không chỉ do sống chết, mà sống thế nào để được yêu mến, trân trọng, để không bị nhoà lẫn, lãng quên. Hơi ấm trong mong ước âm thầm cho nhau, trong lời chúc đầu năm, trong nỗi nhớ thường hằng. Anh bên em hay vắng nhau thì ta vẫn duy dưỡng nơi tinh thần Tình yêu lớn. Tiếng “mình” máu thịt, tri kỷ không chỉ là lời thầm thì nơi căn phòng ủ gương, mà ở mỗi tế bào, mạch máu, ở mỗi ý nghĩ, bước đi. Đẳng cấp văn hoá và sự giàu có tâm hồn là sân bay của những thăng hoa sáng tạo mà vẻ đẹp toát ra từ thần thái, trí tuệ cho ta sức quyến rũ vững bền, tôn nhau lên khi sánh bên nhau, cả tên và hình vóc. Hơi ấm của tình yêu cuộc sống bao trùm, cho ta nhãn quan hy vọng khi mùa mới. Mùa Xuân là Tết hay Tết là cuộc hẹn, lễ trọng của Xuân, Tết thân thuộc và luôn được chờ, là cuộc hẹn chung cho tất cả. Điều ước ao, ý nghĩa nhất là sức khoẻ và bình yên. Mỗi gia đình, dù vắng hay mất đi thành viên nào, cũng vẫn ấm cúng khi tất cả đều nhớ nhau, cùng hướng về tổ ấm, tưởng nhớ tổ tiên, tiền bối, ông bà.
Năm nay, GS AHLĐ Vũ Khiêu (SN 1916) đang tuổi 97. Tôi may mắn được ông coi như đứa cháu. Biệt thự GS đang ở không ngày nào thiếu hoa. Hoa đầy vườn, hoa vươn từ các bình nơi phòng khách, phòng làm việc, các tầng theo mùa, tràn trề hương sắc. Với tôi, GS Vũ Khiêu là bậc thầy trồng hoa, trồng người. Bạn đời đã mất 20 năm, GS là trụ cột lớn của đại gia đình dù tuổi gần thế kỷ. Người sáng lập ngành Mỹ học Việt Nam uyên bác với kiến thức đồ sộ, minh triết văn hoá Đông Tây, rất xem trọng nền tảng gia đình,một trong hàng trăm đề tài ông đã viết. Hàng chục vạn trang sách Vũ Khiêu cống hiến là hoa toả hương bền lâu mà con ông, các thế hệ học trò của ông là những cây toả bóng vươn rễ dâng hiến cho đất nước mình. Nước Việt, theo truyền thuyết và lịch sử, khởi thuỷ là một gia đình, đồng bào. Đại gia đình của GS Vũ Khiêu có cả những người bạn, con cháu không phải ruột thịt mà ông vẫn tin quý bằng trái tim rộng mở…
Nếu không có gia đình, con người không thể hoàn thiện tâm sinh lý và nhân cách. Quê hương, đất nước là gia đình lớn của con người. Tôi lại nhớ tiểu thuyết Không gia đình (Sans famille, 1878) – tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp. Tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi đã quen thuộc với bạn đọc Pháp và khắp thế giới này đã được chuyển thành phim. Đạo diễn Georges Monca đã làm phim câm Không gia đình từ 1913 và làm tiếp năm 1925. Ở tất cả các thập niên trong thế kỷ 20 cho tới năm 2000, tiểu thuyết này đều dựng thành phim. Không mấy ai không gia đình mà được thành người tử tế như chú bé Rémi. Chú lưu lạc theo đoàn xiếc thú, dẫn đoàn đi khắp nước Pháp, bị tù ở Anh, trải qua bao vất vả, khốn khổ mới tìm mẹ và em. Dù bị án oan, tù oan, ở nơi vẩn đục, lâm cảnh ngộ nào, Rémi vẫn sống ngay thẳng, tự trọng ham lao động, trung thực, ân nghĩa, thương người. Chúng ta dù lớn hay già, trong mắt bố mẹ vẫn luôn còn nhỏ dại, vẫn không muốn mất hay xa bố mẹ, gia đình.
Chưa khi nào em rời xa gia đình ngày Tết. Hơn ba mươi Xuân, Anh và em đón Tết ở Hà Nội. Hà Nội là Ái thành của đôi ta, Anh chờ em từ lúc em chưa sinh ra, chờ ngày em đến. 60 năm trước, nhạc sĩ Hoàng Dương đã viết Hướng về Hà Nội khi tản cư kháng Pháp, chờ ngày về “thanh bình tiếng guốc reo vui”.
Nhạc trời reo, gió Xuân thổi tóc lộng bay dính mưa phùn lên má gương mặt bừng sáng, trong những niềm hy vọng, trong nguyện cầu mơ ước, trong tâm hồn trong sáng thiên lương, đang toả ấm. “Không thể không nói: Những đàn bà của chúng ta thật đẹp, đầy ước mơ sinh sản. Không thể không nói: Những đàn ông của chúng ta thật mạnh mẽ, ngập tràn khát vọng sáng tạo. Bạn có thấy không, hỡi người đàn ông tôi đã lắng nghe, hỡi người đàn bà tôi từng ngắm nhìn. Một bông hoa mùa Xuân với những cánh chỉ mỏng như hơi thở đang chầm chậm mở ra lộng lẫy, bất chấp sự đè nặng của bóng tối mùa Đông giá lạnh như một chiếc ách vô lý khổng lồ” (Bài ca trong đêm cuối cùng năm cũ, 2007, Nguyễn Quang Thiều).
Vẫn còn nhiều bất công vô lý trên Trái đất này và lắm thiên tai, thảm hoạ, bi kịch làm con người đau khổ. Vẫn còn nhiều phận kiếp phiêu dạt, cô đơn, khốn khổ, bơ vơ không có nơi để trở về. Nhưng khát vọng sống, bản năng sinh tồn của con người luôn ở trong tất cả, khi Xuân tới. Gió lạnh mà ấm, bởi tình đời sưởi lan.
Chúng ta chẳng mong gì hơn được quây quần cùng những người thân yêu. Bố mẹ và em trai, Anh, ông bà nội và những đứa em họ của em trở về trong thương nhớ. Ta thành kính dâng mâm cơm cúng tất niên, khói hương quyện tâm linh dẫn lối hai thế giới. Những bài hát, giai điệu Xuân cất lên bao lần vẫn làm ta rạo rực, dù thời gian thêm tuổi, dù không nhiều náo nức. Xuân là mùa mới cho khát khao suốt kiếp mỗi năm lại thêm tha thiết: Ấm áp có nhau.
 “Anh lại đây với em, cùng nhau lắng nghe, dòng sông đang thầm thì trong tóc những khúc nhạc tình. Không gian sưởi ấm những giọt tình nồng. Đã qua đi ngày tháng uống môi sầu nhớ. Anh lại đây với em, ngồi đây với em, ngàn chim đang hót ca mùa Xuân đang mở toang trong mắt tình người mênh mông. Em trút giọt lệ ấm khóc mừng một ngày hạnh phúc miên man”.
Cô ca sĩ giọng alto đang hát Khúc tự tình mùa Xuân của Từ Công Phụng nói thay nàng. Trong vòng ôm nồng nàn của Anh, Xuân bước khoan thai mưa phùn tơ trời căng biếc. Long lanh mắt cười, Xuân dệt môi mình hơn 37 độ.
2/1/2013
 Vi Thùy Linh
Theo http://giadinh.net.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...