Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Nước mắt chảy xuôi

Nước mắt chảy xuôi
Năm nay cô con gái ông Tưởng đi xem bói, ông thấy phán: Năm nay phải đổi mộ cho ông cụ. Thì ông cụ mất cũng được hơn bốn năm rồi còn gì. Thường chỉ sau ba năm người ta đã đổi mộ. Ấy vậy nhưng gia đình ông cụ Tưởng thì hơi đặc biệt. Thường thường người ta cãi nhau, từ nhau vì cuộc sống nghèo khó quá, đằng này…Con cái nhà cụ Tưởng từ mặt nhau chỉ vì tiền phúng viếng trong đám ma của bố. Đúng là hết chuyện. Cha ông ta tổng kết cấm có sai bao giờ, đúng là "Nước mắt chảy xuôi".
Ông cụ Tưởng có năm người con, người con trai cả là liệt sĩ, người con dâu ở vậy nuôi con. Cuộc sống khốn khó nên chị ta đưa các con về quê ngoại tận trên Lào Cai làm ăn. Còn lại hai trai hai gái thì nửa ở ngoài Bắc nửa vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Anh con trai thứ hai làm trong một doanh nghiệp, cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì nhưng được cái ổn định. Chị con gái thứ ba theo chồng vào tận Quảng Nam. Người con trai út vào tận Sài Gòn, nhưng lại sa cơ lỡ bước nên đùng một cái từ một thầy giáo trở thành vô gia cư, vô nghề nghiệp. Còn có người con gái thứ tư là kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp đại học loại giỏi hẳn hoi nhưng lại "theo chồng bỏ cuộc chơi". Bao năm ăn học vậy mà chồng làm ăn khấm khá một chút nói bỏ là bỏ. Anh chồng trúng một cái chân quan chức nên thừa tiền nuôi vợ nuôi con.
Còn lại hai ông bà già ở quê, cuộc sống cũng đủ đầy, sung túc. Vườn rộng cả quả đồi, ông Tưởng là người đàn ông chịu thương chịu khó và có đầu óc nên cuộc sống của ông bà được xếp vào loại phong lưu so với trong làng, ngoài xã. Đấy là chưa kể thỉnh thoảng con cháu gửi về thêm thắt đồng quà tấm bánh.
Nhưng không ai tránh được tuổi già. Nhìn người ta con cháu đề huề mà ông bà Tưởng buồn hiu hắt. Người già như trái chín cây, ăn chả được mấy tý, cần là cần cái tình cảm. Suy đi tính lại, cũng có lẽ là không thể chịu nổi cảnh cô quạnh ông bà bán nhà, bán vườn, khăn gói quả mướp theo anh con trai thứ hai. Có bao nhiêu vốn liếng ông Tưởng vét sạch mua một mảnh vườn, xây một ngôi nhà nhỏ. Chị con dâu thứ hai là y tá trong một công ty lắp máy. Hai vợ chồng anh con trai thứ hai sinh 2 đứa con gái. Anh chồng nằng nặc bắt chị vợ phải sinh một đứa con trai nối dõi. Thế là có bầu, thế là đẻ. Run rủi thế nào chị ta không những sinh thêm một bé gái mà lại còn sinh đôi hai tố nữ. Chị vợ bị buộc thôi việc, cơ quan thương tình làm chế độ cho về mất sức. Chi tiêu trong gia đình trông chờ cả vào đôi vai gầy gò, trễ nải  của anh chồng. Cuộc sống trở nên bức bối, khó khăn quá nỗi. Hai ông bà Tưởng lại không có lương hưu. Chị con dâu sinh ra xấu tính, cả ngày vào lườm ra nguýt. Thì cũng chỉ là lườm trộm thôi vì bà Tưởng nổi tiếng đanh đá, chua ngoa. Bà ra chửi vào chửi làm chị con dâu đến phát ngán. Được cái bà ăn khỏe, ngủ khỏe. Ông Tưởng lại được tiếng hiền lành, biết điều chỉ phải cái sợ vợ nên mới nên nỗi. Ông cao và gầy nhưng rắn rỏi. Ông ăn uống đều đặn, có giờ có giấc như một thầy Y nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
Hơn tám mươi tuổi mà trông dáng dấp, tác phong ông như thanh niên. Chả bù cho anh con trai, nước da trắng bạch như hòn bột, trông cứ như một con cua bấy. Là thợ cơ khí mà vụng thối vụng nát, may có ông chú là phó giám đốc nên được chuyển sang làm cái chân trực ban của xí nghiệp. Công việc nhàn nhã, không phức tạp gì  tuy lương thưởng có thấp hơn một chút. Gọi là trực ban cho oai chứ  ở xí nghiệp thì trực ban cái nỗi gì, chỉ nghe điện thoại là chính. Do vẫn còn bao cấp nên hàng tháng cứ lĩnh lương đều đều. Con cái đông đàn dài lũ thì đã có cái vườn. Rau sạch bây giờ là nhất. Ngoài vườn còn có con gà con qué. Ăn trứng gà hoài cũng chán nhưng được cái là trứng gà sạch. Cuộc sống ba sạch thế là nhất rồi.
Ngày mấy đứa con cụ Tưởng còn nghèo khó thì chả nói làm gì. Chị con gái thứ ba ở Quảng Nam ốm yếu luôn. Giáo viên cấp 2 chỉ biết trông chờ vào đồng lương ba cọc ba đồng làm gì mà giàu có được. Mấy đứa con lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Anh chồng mấy đồng lương hưu còm. Cuộc sống như vậy nên năm thì mười họa mới về thăm cha mẹ lấy một đôi lần. Anh con trai út ở trong Sài Gòn cũng chẳng hơn gì. Hai vợ chồng đang là giáo viên, bảo nhau bỏ nghề vào Sài Gòn nuôi chí làm giàu. Cả nhà khuyên can thế nào cũng không được. Chị vợ cứ động một cái là bể cái mồm ra khóc. Chị ta bị ung thư vú, sau phẫu thuật bên còn bên mất, dễ tủi thân, động cái là đòi chết nên anh chồng cấm chả dám động đến. Mỗi khi không vừa ý là chị ta lại khóc vật khóc vã, kể lể nỗi niềm.Vì vợ vì con anh chồng đành nhẫn nhịn làm đơn xin thôi việc, theo vợ nuôi chí làm giàu. Thằng em cậu có nghề cơ khí nên xin  vào làm ở công ty dầu khí, lương thưởng cao ngất ngưởng. Thương anh, thương chị nên cũng bù trì bù chít nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Hai vợ chồng nhất quyết bỏ nghề giáo viên để làm giàu, nhưng khổ nỗi ngoài cái nghề " bán cháo phổi" ra cũng chả biết buôn bán gì. Thầy giáo, cô giáo mà đều là con buôn hết thì có mà chả còn ai nghèo, chả còn là xã hội. Cậu em cho dù tốt đến mấy thì cũng chỉ đỡ đần chút đỉnh, chứ danh ai phận nấy, cũng chả thể nuôi ăn hàng ngày được. Mấy năm lận đận, nhờ có chút vốn liếng của cậu em cho vay dài hạn, cộng với tiền quà cáp của mấy  học trò cũ, hai vợ chồng tậu được một cái rẫy ở một nơi cách xa thành phố dễ chừng mấy trăm kilômét. Là giáo viên sinh vật nên anh chồng suốt ngày lam lũ ngoài nương rẫy. Anh ta đã đen đúa nay lại càng đen đúa hơn. Ông Tưởng trắng ngần nào anh ta lại đen ngần ấy. Nếu như anh con trai thứ hai hưởng nước da trắng trẻo của cha thì anh ta lại thừa hưởng nước da đen sỉn đen sìn của mẹ. Cuộc sống khốn khó đến vậy ai còn nghĩ đến chuyện thăm cố hương. Mỗi một chuyến máy bay khứ hồi cũng mất vài ba dăm triệu. Đấy là chưa kể tiền quà cáp cho cha mẹ, họ hàng. Tiền của nhà khó tính từng trăm lấy đâu ra tiền triệu.
Thế là quanh năm suốt tháng anh ta quanh ra quẩn vào với mấy cái rẫy, đến nỗi bà con hàng xóm lại nghĩ ông bà Tưởng chỉ có hai người con ở ngoài Bắc. Anh con trai thứ hai thì lại cũng vì đông con, cuộc sống chẳng khấm khá gì nên suốt ngày đánh nê vào cô em thứ tư, cô em áp út. Chồng cô con gái áp út nguyên là lưu học sinh tốt nghiệp ở Rumani, về nước gặp thời lên như diều gặp gió. Con đường thăng quan tiến chức cứ gọi là rộng thênh thang, từ giám đốc  chi nhánh anh ta leo lên cái chức phó giám đốc  sở cứ gọi là dễ như bỡn. Là quan chức nhưng anh ta yêu thương vợ hết mực, lại là người có nhân có đức nên hàng tháng vợ chồng con cái vẫn về thăm và chu cấp tiền cho ông anh nuôi nấng bố mẹ. Hàng tháng đã có cô em áp út lo chu cấp tiền nên anh con trai thứ hai quen được bao cấp. Bố mẹ động sụt sịt, trái gió trở trời là anh ta lại điện thoại ngay cho cô em thông báo và đòi tiền. Từ tiền điện thoại, tiền nước đều do một tay cô em lo lắng. Được cái ông Tưởng khỏe mạnh nên anh ta cũng không phải chăm lo gì cho ông cụ, chỉ có bà Tưởng là mắt lòa, chân chậm nên phải chăm sóc. Nói là chăm sóc nhưng thực chất con cái chả phải động chân, mó tay. Tất tần tật việc chăm lo cho bà cụ đều do một tay ông Tưởng hết. Bà Tưởng suốt ngày ăn xong lại nằm chềnh ệch ra giường và chửi chó chửi mèo. Hết chửi con dâu hư hỏng không biết đẻ con trai, chửi con trai là đồ sợ vợ bà lại quay sang chửi chồng sai sách, bán nhà theo con trai để bà phải sống khổ sống sở, thành ra kẻ ăn nhờ ở đợ. Căn nhà nhỏ chỉ được yên ắng khi bà Tưởng về chơi nhà chị con gái. Tiếng bà Tưởng chửi bới nghe mãi thành quen, hóa nỗi vắng thì lại thấy thiêu thiếu.
Cuộc sống trong căn nhà nhỏ cứ thế bình lặng trôi đi. Chẳng mấy chốc đã hơn chục năm. Đang khỏe mạnh thì đùng một cái ông Tưởng hai năm mươi. Ông cụ  đã trên chín mươi, gần một trăm tuổi nhưng  đang khỏe mạnh là thế, kém ăn đâu có một tuần là đi. Hàng xóm, anh em cấm có ai biết ông ốm. Gọi là ốm chứ thực ra ông chỉ ăn ít đi một chút, nằm một chỗ không nhúc nhắc đi lại được. Nằm ngẫm ngợi chán ông gọi anh con trai, dặn dò những gì chả rõ rồi nhắm mắt xuôi tay. Câu cuối cùng chỉ nghe thấy tiếng ông nhắc đi nhắc lại hai tiếng: Thằng Quỳnh! Thằng Quỳnh!...Thằng Quỳnh là cháu đích tôn của ông bà Tưởng. Nó ngoan ngoãn, làm ăn khấm khá nhưng vì ở xa nên mỗi năm chỉ về thăm ông bà vào những dịp tết.
Đám ma ông Tưởng to đình to đám. Có anh con rể làm to thế nên đình đám chả có gì ngạc nhiên. Người đến viếng toàn khách sang, đi ô tô đủ các loại, đỗ kín cả ngõ xóm. Tiền đám hiếu anh con rể tuyên bố cho anh con trai thứ hai để lo cúng giỗ.
Vợ chồng con cái anh con trai thứ hai vui vẻ, mãn nguyện. Thì ông cụ cũng đã ở vào cái tuổi làm hội được rồi. Gần trăm tuổi có lẻ, con cháu chăm sóc chu đáo nên cụ ra đi cũng không phải ân hận gì.
Từ ngày ông Tưởng mất bà Tưởng cứ như một cái bóng. Đang da dả chửi bới suốt ngày mà nay cứ lặng câm ngồi góc nhà. Ông Tưởng mất bà Tưởng ngày càng dở tính dở nết. Bà ăn đến đâu tháo ra ngoài đến đấy. Mà cứ tháo khoán tự nhiên ấy chứ. Anh con trai ngày ngày cặm cụi chăm mẹ. Chị con dâu lấy cớ đi chăm sóc cháu ngoại cả năm mới đoảng qua nhà lấy một lần.
Chăm sóc người già mới thấy thương bố. Bao năm ông Tưởng chăm sóc, nhẫn nhịn người vợ lắm điều không một lần ca thán. Thế mới biết sức chịu đựng của ông giỏi đến mức nào.
Ông Tưởng mất được gần ba năm, gần đến ngày giỗ lần thứ ba thì bà cũng ra đi. Con cháu vừa thương vừa tiếc. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là bà tròn trăm tuổi. Trăm tuổi là làm hội rồi. Bà hơn ông đến mấy tuổi, nếu như ông còn sống chắc là bà đã hưởng thọ 100 tuổi cũng nên.
Đám ma lần này còn to hơn lần trước. Cuộc sống ngày càng khấm khá, anh con rể đã là giám đốc sở. Giám đốc được ngươì ta nể trọng hơn phó giám đốc là lẽ đương nhiên. Những chiếc ô tô các cỡ, đủ loại, đủ sắc màu nối đuôi nhau kéo dài dễ chừng ngót nghét hàng nửa cây số. Sau đám ma mấy đứa cháu, con ông con rể là giám đốc chia nhau phong bì ngay tại trận. Họ hàng nhìn chúng ái ngại. Hương khói vẫn còn đang nghi ngút, con cháu đầu vẫn còn chít khăn tang, những đôi mắt vẫn còn sưng mọng, vằn đỏ. Số phong bì còn lại đưa cho anh con trai thứ hai giữ. Anh con trai út từ Sài Gòn cũng vừa về kịp dự lễ tang. Trông anh ta đen sắt lại như một nông dân sống ở Tây Nguyên. Trông cái dáng điệu đờ đẫn, thèn thẹn cũng biết cuộc sống của anh ta chẳng sung sướng gì. Còn chị con gái thứ ba đang bị bệnh nên không thấy đâu, cả ông chồng lẫn mấy đứa con cũng chẳng thấy tăm dạng. Vì thế cả đám tang trông chờ cả vào ông con rể áp út. Chị con gái áp út chỉ đạo chỗ này chỗ kia cứ là rát ràn rạt. Miệng nói đến đâu, tiền đưa đến đấy nên công việc cứ là răm rắp.
Vào dịp cúng cơm  ba ngày, sau khi tất cả ăn uống no say, ngồi uống nước chị con gái áp út bảo:
- Tiền phúng viếng mẹ lần này tất cả ngót trăm triệu. Để lại mười triệu gửi anh hai lo giỗ lạt cho cụ, còn lại cho cháu Quỳnh giữ. Chả gì cháu nó cũng là cháu đích tôn của cụ, sau này còn có trách nhiệm, lo cúng giỗ, mộ phần cho ông bà.
Anh con trai thứ hai nghe thấy thế nhảy dựng lên, chửi bới lung tung. Đám con gái nhà anh ta cũng nhảy lâng câng, chửi la chửi lối. Mùi hương trầm trên ban thờ ngàn ngạt. Cả gia đình giải tán trong không khí nặng nề.
Chiều hôm sau, mấy đứa con gái nhà anh con trai thứ hai xuống trước cổng cơ quan của ông chú rể là giám đốc, vứt toẹt mười triệu xuống đất và chửi lấy chửi để. Cả đời lương thiện, mẫu mực ông đâu có ngờ  lại có ngày xấu mặt vì mấy đứa cháu đằng vợ thiếu sự giáo dục, dạy dỗ như thế.
Chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, người thì bảo khổ thân ông, người lại bảo là giám đốc mà tham, tiền ma chay của bố mẹ vợ mà còn thế.
Trước những miệng lưỡi thế gian ông không biết phải làm thế nào, nếu làm cái chân nhân viên quèn thì đã đành, đằng này…
Chị vợ nghe tin vội chạy đến cơ quan của chồng, nói lý chán không được thì  doạ dẫm mấy đứa cháu:
- Nếu chúng mày không về để tao gọi cảnh sát 113.
Đến nước ấy mấy đứa cháu mới leo lên xe máy phóng đi.
Dương Phan Châu Hà
 Theo http://www.voque.org/


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...