Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Đọc thơ "Tình em" của Nguyễn Thị Hòa

Đọc thơ "Tình em" của Nguyễn Thị Hòa 
Anh ra sông thả nhành hoa sắc trắng
Tìm vầng trăng thủa ấy của chúng mình
Anh chàng trai, tóc đã nhiều sợi bạc
Em mãi là cô gái tuổi hai mươi!

(Tình em)
Nếu không biết tác giả trong đời thường thì không ai nghĩ rằng đây là lời thơ của một người phụ nữ đã bắt đầu chạm ngõ “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Vậy mà từ nhan đề đến nội dung, các bài thơ trong tập thơ, thực sự “Tình em”, là tiếng lòng của người phụ nữ “mãi là cô gái tuổi hai mươi”
Nhà giáo, nhạc sĩ Quách Thái Kỳ trong lời giới thiệu mở đầu đã viết: “Tình em là những sợi tơ rút ruột con tằm, những sợi tơ óng vàng ươm. Những tấm lụa đẹp may thành những chiếc áo dài Việt nam duyên dáng, những chiếc khăn lụa mát rượi đậm sắc quê hương,” Và ông đã chốt lại ”Thơ Nguyễn Thị Ḥòa là vậy”. Đọc tập thơ, tôi nghĩ đó là một nhận định không quá lời.
Hơn 60 bài thơ xinh xắn đủ mọi thể loại khác nhau: lục bát dân tộc, tứ tự, ngũ ngôn, thất ngôn, thơ tự do… Thể nào cũng được tác giả sử dụng một cách nhuần nhị để thể hiện tình cảm của mình một cách tự nhiên, đầy cảm xúc. Tuy có những bài chưa thực sự hay (các bài thơ lục bát), nhưng cũng đã có nhiều bài thơ đầy ấn tượng. Tất cả đã góp phần làm nên những tiếng lòng chân thật, là những tình của người làm thơ. Qua Tình em, người đọc sẽ cảm nhận tất cả những thất tình đa dạng của hồn người.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng quê chiêm trũng, có dòng sông Đáy lững lờ uốn quanh, nay phần lớn của cuộc đời gắn bó với dòng sông Ba của Tây Nguyên nên tất cả mọi tình cảm của Nguyễn Thị Hòa như là để dành cho quê hương mới này.
Là một nhà giáo ngành Mầm non, suốt đời vì các cháu tuổi thơ, nên tác giả của Tình em đã có rất nhiều bài thơ (khoảng trên mười) viết về nghề thầy của mình rất cảm động. Bằng giọng điệu lục bát êm đềm, nỉ non, NTH đã rất xúc động và tự hào về nghề dạy học, về việc cõng cái chữ lên đến những vùng xa xôi, những triền núi cao của đội ngũ những cô giáo trẻ, chưa chồng, chưa làm mẹ nhưng đã có bầy con hàng chục đứa xinh ngoan. Và trên hết là những tấm lòng cao cả vì sự nghiệp trồng người:
Xa anh đến với vùng cao
Nghề em đã chọn lẽ nào bon chen.
Mặc cho miệng thế chê khen .
Chữ Tâm em giữ, nghề em làm thầy.
Học sinh ở bản cao nầy
Mỗi em mỗi cảnh ngày ngày rẫy nương
Chân trần quen gió quen sương
Giờ đi đôi dép dến trường khó khăn.
Vì trò chẳng quản nhọc nhằn
Cùng trang giáo án trở trăn tháng ngày.
Gắn đời với bản cao này
Gieo từng con chữ thắp đầy tháng năm.… .
Con Tằm ăn lá dâu xanh
Em rút tơ vàng từ những yêu thương.
Từ trong nắng, gió, tuyết, sương,
Em ươm “Hoa núi” gửi hương đất trời.

(Hoa núi)

Nhiều bài thơ lục bát khác cũng tiếp tục bộc bạch tâm tình của những cô giáo từ nơi khác đã đến và gắn bó với vùng cao, vùng xa khó khăn gian khổ vì học sinh thân yêu:
Một đời chở khách sang sông
Vì trò ta sẽ gắng công xây đời.
Quyết tâm giảng dạy trau dồi
Công ơn Đảng, Bác suốt đời khắc ghi.

(Vườn hoa nhà giáo)
“Cô giáo làng phong” là bức tranh hiện thực về cuộc sống của tuổi thơ tại một làng quê đặc biệt:
Nơi triền núi
Những ngôi nhà đơn sơ những mảnh đời gãy vỡ
Những thân thể chẳng thể còn nguyên vẹn
Cuộc sống cách biệt với cộng đồng lại vô cùng nghèo khổ nghèo khổ, vừa thiếu ăn, thiếu mặc, lại vừa thiếu chữ. Giờ đây cuộc sống đã đổi thay. Cái chữ đã được cõng lên triền núi bởi đôi chân và tấm lòng “hoa núi” của những cô giáo miền xuôi:
Những đứa trẻ làng phong chân trần
Chưa một lần theo mẹ, cha xuống phố
Cứ ngỡ ngàng nhìn cô giáo người Kinh
Cô giáo rất xinh biết làm kèn lá
Cô chải đầu, cắt tóc ngắn, đơm khuy
Dẫn em đến trường bằng bàn tay người mẹ
Là chị, là cô.là bạn lúc bên em...
Bao mùa nương qua, trăng khuyết lại đầy
Lặng lẽ, tảo tần như cái cò, cái vạc
Cô đổi đa mang thắp niềm tim sáng mãi
Cho mãnh đất này theo năm, tháng hồi sinh.

(Cô giáo làng phong)
Theo tôi, có lẽ những câu thơ 7,8,9 chữ kết hợp vừa tạo âm điệu dìu dặt vừa vẽ lên một cách sinh động hình ảnh cô và trò đang xây dựng, đổi đời một cuộc sống tốt đẹp ở một nơi trước đây không ai nghĩ đến
Cũng có một số bài thơ được viết theo lời của chủ thể trữ tình là các cháu học sinh mầm non. Có lẽ nhờ những kinh nghiệm lâu năm trong nghề cũng như với tấm lòng thương yêu, gắn bó thiết tha với các cháu nên đã có những câu thơ sinh động:
Được hóa thân vào bé hết mình
Vẫn vui làm “ngựa mẹ” chở con đi
Còn các cháu “đàn ngựa con” líu ríu
Ngựa mẹ bị ngã khèo khi gió thổi
Lũ ngựa con khoái trí ngả nghiêng cười.

(Thế giới bình yên)
Hay:
Ngôi nhà bé vẽ
Có ông, có bà
Có mẹ, có cha
Có vườn rau thắm...
Hàng cau trước ngõ
Mèo con tập trèo
Bé vẽ thật nhiều
Ngôi nhà thân thiết

(Ngôi nhà của bé)

Những câu thơ tứ tự, ngũ ngôn có khi kết hợp thơ 3,4 chữ hồn nhiên, khỏe khoắn là mặt mạnh làm nổi bật những nét đáng yêu của các cháu mầm non. Nhiều câu thơ gợi cho ta những hình ảnh trong thơ Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa) một thời trước đây.
Viết về quê hương mới, NTH không chỉ nói về nghề dạy học của mình mà còn nói đến muôn điều khác, Quê hương mới là nơi cả một đời người gắn bó với bao nỗi niềm đắng cay, ngọt bùi. Những bài thơ: “Chiều thung lũng Hồng”, “Một thoáng Ayunpa” v.v... tuy thoáng qua nhưng đã khéo ghi lại những sắc thái mới, độc đáo của phố núi Ayunpa:
Mướt mướt đồng xa cò mỏi cánh
Hồ đầy sóng gợn biếc triền non...
Chóng chếnh điệu Xoang chân nhẹ lướt
Long lanh đáy mắt cất men say
Anh nghe móng tiếng heo may gọi
Rực rỡ mai vàng chim én bay. 

(Một thoáng Ayunpa)
Tôi thích nhất là hai câu cuối, đặc biệt là những từ ngữ có giá trị tạo hình rất đắt: “Anh nghe móng tiếng heo may gọi” Cảnh thật đơn giản như “Bức tranh quê” ngày trước của Anh Thơ, nhưng với cả những người đã từng đến Ayunpa hơn 20 năm về trước cũng không thể nhận ra.
Hay trong bài Chiều “Thung lũng Hồng”, cả một bức tranh sơn thủy hùng vĩ, thơ mộng đă được tác giả phác họa chỉ trong bốn câu thơ lục bát:
Lũng sâu nước thắm sắc hồng
Chênh vênh núi biếc, mây bồng bềnh trôi.
Vô tình tạo hóa sắp đôi
Núi cao vực thẳm chơi vơi đường về. 

(Chiều “Thung lũng Hồng”)
Nhưng càng viết về quê hương mới, thì những hình ảnh về quê hương cũ lại hiện lên đậm đà, sâu sắc.
“Tình em”, tên bài thơ được chọn là tên của tập thơ này, nên có lẽ đã gói ghém tất cả những nỗi niềm của người làm thơ. Hình ảnh con sông Đáy với bến đò Phù Vân đã gợi lên biết bao kỷ niệm của một thời khói lửa anh hùng, tự hào với những đổi thay tốt đẹp của cuộc sống. Nhưng trên hết vẫn là tình người:
“Sông Đáy lượn quanh làng ta đó
Bến Phù Vân sớm tối vọng câu hò
Sông chuyển phù sa chẳng biết tự bao giờ
Mà dệt quê tôi bốn mùa xanh thắm? 

Nước sông quê nuôi lòng người ngay thẳng
Bao trai làng ra mặt trận kiên trung
Nơi hậu phương em tay cày, tay súng
Đường cày đảm dệt bài ca năm tấn
Sông chở che người những ngày giặc giã
Suốt bao đời dòng chảy chẳng đổi thay
Mãi xanh xanh một màu xanh bóng lá
Những ngày hè bên hàng tre gió mát.
Lũ trâu đằm và bọn trẻ tập bơi
Và những đêm rằm ngồi ngắm bóng trăng trôi
Thả thuyền lá đa cho xuôi về biển
Ôi! Dòng sông của một thời thơ bé….” 

(Tình em)

Bài thơ gợi nhớ những hình ảnh êm đẹp của quê hương của Tế Hanh qua bài thơ “Nhớ con sông quê hương”:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng…” 

(Tế Hanh - Nhớ con sông quê hương)
NTH không tả mà chỉ kể, qua kể chuyện đổi thay của quê hương để “kể” về tình cảm của mình đối với quê hương. “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi…”. Dù hiện nay đã có quê hương thứ hai, gắn bó phần lớn cuộc đời mình, nhưng chiếc nôi của một thời tuổi nhỏ thì làm sao quên được. Chính vì vậy, những câu cuối của bài thơ như gói lại tiếng lòng của người xa phương:
“Anh ra sông thả nhành hoa sắc trắng
Tìm vầng trăng thủa ấy của chúng mình
Anh- chàng tai tóc đã nhiều sợi bạc
Em mãi là cô gái tuổi hai mươi!”

(Tình em)
Tên bài thơ được chọn làm nhan đề cho tập thơ và khổ cuối bài thơ này được làm đề từ, in trang trọng ở trang bìa thứ hai, có lẽ cũng chính là tiếng lòng đó.
Trong những tình cảm lưu luyến đối với quê hương, NTH bồi hồi, xót xa với hình ảnh người mẹ (Sắc màu đời mẹ) và hình ảnh người thầy cũ nay không còn (Viếng mộ thầy giáo cũ) bằng những lời thơ lục bát giản dị đầy cảm xúc:
“Đời mẹ vất vả long đong
Thân cò lặn lội giữa đồng đêm thâu
Bạc phau trời đất cơ cầu.
Một tay bươn trải, đỏ mầu can qua…”

(Sắc màu đời mẹ)
Cao Ngọc Châu trong bài Lời bình về bài thơ Sắc màu đời mẹ đã có những nhận xét tinh tế, sâu sắc:
“Màu là công cụ để các họa sĩ vẽ nên phong cảnh cuộc sống. Cái hay cái mới của NTH là dùng những vần thơ chứa đựng màu sắc để thay cho tác phẩm hội họa. Trong bài lục bát tám câu, tác giả đã pha trộn sáu màu khác nhau tạo nên bức tranh sinh động, đa nghĩa…bức tranh cuộc đời gian nan của người mẹ hiền…” (Tình em - Lời bình của Cao Ngọc Châu, tr 100-103)
“Viếng mộ thầy giáo cũ” gợi lên những suy tưởng về kiếp nhân sinh nhưng không hề bi lụy bởi những tình cảm và chí hướng thiết tha mãnh liệt của người học trò - cô giáo với thầy giáo cũ của mình:
“…Thảm thương ảm đạm nơi đây 
Mộ bia lạnh giá, đâu rày khói hương
Âm dương cách biệt đôi đường
Lòng con vẫn thầy vấn vương lời thầy
Vun trồng “Lòng dạ thẳng ngay”
Ngọn thước, thầy dẫn tháng ngày xa quê...
Lời thầy con mãi khắc ghi
“Thẳng ngay” là lẽ “vô vi” ở đời”

(Viếng mộ thầy giáo cũ)
“Trọng thầy mới được làm thầy”. Có lẽ con đường dạy học của chị chính là bắt nguồn từ tấm lòng và nhận thức đó.
“Tình em” còn viết về nhiều lĩnh vực, đề tài khác. Nó như một tập hồi ký bằng thơ của một cô giáo muốn bày tỏ nỗi lòng của mình. Mà tình thì là phong phú, đa dạng (ít nhất cũng là thất tình) nên bên cạnh những tình cảm đối với quê hương cũ và mới, người đọc còn bắt gặp những tình cảm rất đời thường của chị trong cuộc sống. Đó là tình cảm đối với Hà Nội, trái tim của Tổ quốc: Hà Nội nỗi nhớ của lòng ta, Tiếng còi tàu, Kỷ niệm xưa, Ngắm Hà Nội ngày mưa v.v... Hà Nội không phải là quê hương ruột thịt của chị như Hà Nam, hay là nơi gắn bó trưởng thành của đời người như Ayunpa, nhưng trong thơ của chị, biết bao là tình:
Anh về thăm lại thủ đô
Ngắm làn sương sớm Tây Hồ mờ xanh
Liễu buông phơ phất tơ mành
Hạ về đường phố Hà Thành ngát sen
Con đường hoa sữa thân quen
Thủa xưa in dấu chân em đi về
Hồ Gươm nắng đẹp trưa hè
Cốm vòng mang sắc triền đê sông Hồng
Biết bao kỷ niệm trong lòng
Lối xưa người đẹp nhớ mong đâu rồi?

( Kỷ niệm xưa)
Có những bài thơ chị viết cho con. Đó là niềm vui xen lẫn tự hào của một người phụ nữ một mình tần tảo nuôi con học hành, đỗ đạt:
Con đã trở thành sinh viên đại học
Mà niềm vui chẳng che khuất nỗi buồn
Bố mất rồi con phải sớm lo toan
Cùng mẹ gánh nỗi lo cơm áo
Buổi đến trường, buổi với rẫy nương
Vun luống sắn, vồng khoai mong nhiều củ
Nào có đủ đầy như bao bè bạn
Chiếc cặp lành còn lại để nhường em...
Nhưng mẹ tin con ơi mẹ mãi tin
Con của mẹ sẽ vững vàng trước gió
Con sẽ vượt qua muôn vàn gian khó
Nuôi chí bền, giữ trọn chữ: nghĩa nhân

(Cho con)
Nhưng có bài như Mẹ khuyên con gái yêu, sao nghe xót xa như lời tự mình khuyên mình trong cuộc sống đời thường:
À ơi… Mẹ cất lời ru
Hoa thơm, bướm lượn, ong chờ
Thủy chung con giữ bến bờ tình yêu
Nữ nhi như tấm nhiễu điều
“Công, dung, ngôn, hạnh” con yêu giữ gìn”

(Mẹ khuyên con gái)
Một mảng thơ đã được NTH thể hiện qua nhiều bài thơ nhất và có lẽ đã tạo cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là những bài thơ viết về tình yêu. Ở đây không phải là những hình ảnh tươi đẹp của hiện tại, mà tất cả chỉ là những kỷ niệm. Có lẽ như một câu thơ tiền chiến: “Đời mất vui lúc đã vẹn câu thề/ Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở” (Hồ Dzếnh - Ngập ngừng), nên các bài thơ tình của NTH đều viết về quá khứ với những tình cảm rất đẹp mà cũng rất buồn, xót xa, tê tái tận đáy lòng. Hình như chủ đề chung của các bài thơ về tình yêu là sự chia ly, cách trở. Tác giả khi thì như kể chuyện của mình, nhưng cũng có khi mượn chuyện người ta để bày tỏ những nỗi niềm trong sự chia ly, cách trở đó.
Hai bài thơ cùng viết về một loài hoa: Hoa gạo, Mùa hoa gạo xưa, đều là những hình ảnh đẹp của tình yêu thời mới lớn: nhẹ nhàng, trong sáng:
Nào ai dám trao ai nụ hôn đầu
Nỗi niềm riêng thầm giấu trong nhật ký
Chiến trường xa vầng trăng anh mang nửa
Nửa nơi em để hẹn đến mai sau

(Hoa gạo)
Còn trong bài Mùa hoa gạo xưa, chàng trai nhắc lại kỷ niệm ngu ngơ của tuổi học trò để rồi mãi khi xa nhau vẫn còn nuối tiếc, ngẩn ngơ:
“Nơi biên phòng mênh mông
Em ơi! Anh vẫn ước
Mình trở thành phò mã
Của mùa hoa gạo xưa.”

(Mùa hoa gạo xưa)
Bài thơ kết thúc, có chia ly, có xa nhau, nhưng âm vang của tình yêu vẫn như không bao giờ xa cách. Tác giả đã có những hình ảnh thơ rất gợi tả để tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu của họ:
“Nắng vàng anh góp nhặt
Gửi về nơi quê nhà
Xuống đồng chiêm bớt giá
Giữ gót chân em hồng”

(Mùa hoa gạo xưa)
Chuyện trầu cau là một bài thơ có kết cấu trùng điệp nhưng mới lạ và ý nghĩa thì sâu sắc. Ba khổ thơ đầu được bắt đầu với âm hưởng:
Đã lâu rồi em không thấy trời xanh
Đã lâu rồi em không thấy biển xanh
Đã lâu rồi em không thấy thời gian
Như lời bình của Lê Hà khi bình bài thơ này. Đây là những câu thơ nghe như vô lý, mở đầu cho những khổ thơ nói về những đau khổ xót xa của người con gái, người vợ trong cảnh chờ đợi người yêu, người chồng đi chiến đấu xa. Đến khổ cuối bài thơ, lời kết thúc nhẹ nhàng có hậu:
Anh trở về vườn lại ngát hương cau
Lá trầu cay giờ đây đằm vị ngọt
Ta nhắc lại truyên “trầu cau” thủa trước
Để suốt đời chẳng khắc khoải tìm nhau

(Chuyện trầu cau)
Có lẽ đây là bài thơ duy nhất mà hình ảnh trầu cau được kết hợp thực sự như ước mơ từ ngàn xưa của bao người yêu nhau:
Nhà anh có một giàn trầu
Nhà em có một giàn cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài thì nhớ giầu không thôn nào?

(Nguyễn Bính - Tương Tư)
Nhưng những giọng điệu nhẹ nhàng hồn nhiên đó không còn nữa ở trong những bài thơ khác. Đó là nỗi đau lặng lẽ, âm thầm nhưng dai dẳng làm héo mòn tuổi xuân của người con gái trong cảnh đợi chờ, là nỗi đau tột cùng của người vợ mất chồng.
“Đợi” và “Đợi mãi anh không về” theo tôi là hai bài thơ thành công của chị về thể loại cũng như về nội dung ý tứ. Bằng những câu thơ bốn chữ (Đợi) hoặc năm chữ (Đợi mãi anh không về) tác giả đã khắc lên hình ảnh những hòn vọng phu ngày nay trong cảnh đợi chờ người yêu, người chồng đi chiến đấu xa mãi không thấy về.
Giông bão đã tan rồi
Biển trời yên lặng sóng
Bao con thuyền cập bến
Mà sao anh không về?
Ngày cứ dài lê thê
Đêm nằm nghe lá rụng
Đợi chờ trong vô vọng
Người xa mãi không về...
Nhìn Vọng phu đứng đó
Thương phận mình bơ vơ”

(Đợi mãi anh không về)
Còn cô gái trong “Đợi” thì:
Mưa rơi, rơi hoài
Xanh xao ngõ nhỏ
Cho ai mắt đỏ
Đợi mong một người
Vợi bao mùa Ngâu
Sao người không tới?

(Đợi)
Nhưng trên hết vẫn là một niềm tin thủy chung, sắt son của truyền thống người phụ nữ Việt Nam:
“…Hồn Vọng phu mãi đó
Đâu phận mình đơn côi
Dẫu có nhiều bão tố
Em vẫn đợi anh về!
Dù năm tháng phôi phai
Lòng son em vẫn chờ
Dù trong cõi hư vô
Anh ơi! Em vẫn đợi.

(Đợi mãi anh không về)
“…Người ơi! Em đợi
Em đợi người ơi!
Dẫu sông có cạn
Dù đá có mòn
Một lòng sắt son
Người ơi em đợi!”

(Đợi)
Chữ nghĩa thì đã rõ ràng nhưng những dòng thơ tự sự 4, 5 chữ mà như mãi ngân vang nét thủy chung đẹp vô ngần .
Đón anh về là một bài thơ lấy ý tứ từ một phóng sự của nhà văn Minh Chuyên, từ chuyện một gia đình nhưng đã trở thành nỗi đau chung của nhiều gia đình. Tác giả chỉ kể lại như lời của phóng sự mà những câu thơ như có sức mạnh vô cùng, chứa chất, chuyển tải bao nỗi đau thương của 39 năm đợi chờ của người thiếu phụ xa chồng khi chỉ mới được sáu ngày của tuần trăng mật:
“Tuần trăng mật chưa tròn ngày thứ sáu
Anh lên đường theo tiếng gọi của non sông
Hẹn ngày về cho em đến thủ đô
Ngắm đất nước trong cờ hoa rực rỡ”
Nhưng kết thúc sau 39 năm chờ đợi:hai người đàn bà nhưng chung một số phận:
“…Mẹ ngồi đó, mắt nhòa vì chờ đợi?
Cõi vô thường anh ơi! Anh có biết
Ba chín năm. Em lẻ bóng đi về?
Nỗi cô đơn chẳng xóa hình bóng anh”

(Đón anh về)
Có lẽ không có nỗi đau nào hơn?
Trong “Tình em” có những bài thơ bày tỏ những cảm xúc mà thoáng đọc thì dễ tưởng rằng đó là những phút xao lòng “ngoài vợ, ngoài chồng”. Thật ra xao lòng thì có và đúng thôi nhưng không phải ngoài vợ ngoài chồng, bởi vì đây là những phút giây của một thời tuổi trẻ hồn nhiên, ngây thơ. Vì vậy mà lời thơ của bài nào cũng tự nhiên đầy cảm xúc (như tình cảm của chị). Tôi cứ nghĩ chữ nghĩa cứ như tuôn trào dưới ngòi bút của chị:
“Đêm giao thừa nhận được điện của anh
Bao nhiêu năm đã trôi vào dĩ vãng
Những kỷ niệm lại dạt dào cuộn sóng
Đêm giao thừa mà lòng những bâng khuâng”

(Thư viết đêm giao thừa)
Hoặc:
“Sao bây giờ anh mới đến tìm anh
Khi mùa xuân đã qua tiết thanh minh
Cây hết lộc chỉ còn nguyên màu lá
Vầng trăng xưa xẻ nửa mãi xa rồi...
Đã bao lần em cũng đã ước mơ
Một mái ấm hai ta cùng chia sẻ
Đôi mắt trẻ rạng ngời niềm hạnh phúc
Thật ngọt ngào có hình bóng hai ta…”

(Con sóng nhỏ)
Ước muốn thật ngọt ngào nhưng không thể thực hiện bởi vì đó chỉ là những hình ảnh ngày xưa khi anh là phò mã quàng hoa cưới đỏ cho công chúa là em (Mùa hoa gạo xưa). Chiến tranh, hoàn cảnh sống đã chia cách mỗi người mỗi cảnh ngộ khác nhau. Vì vậy bây giờ chỉ còn là kỷ niệm mãi không quên:
“…Nhưng bây giờ tất cả đã cách xa
Chỉ nổi nhớ thẳm hai đầu ly biệt
Trong vô biên vô vạn của luân hồi
Anh còn cả bầu trời xanh phía trước
Nơi bến đợi gia đình và sự nghiệp
Em mãi mãi chỉ là con sóng nhỏ
Vỗ bờ xa con bến đậu yên bình”

(Con sóng nhỏ)
Hoặc sẽ gặp nhau ở một kiếp lai sinh:
“…Hãy vững lái con thuyền về cập bến
Đừng nặng lòng vì một cánh bèo trôi
Nếu mai sau có được kiếp luân hồi
Em quỳ xin Chúa trọn đời bên anh.”

(Thư viết đêm giao thừa)
Người viết bài đọc này, cũng trong một bài thơ nói về tình yêu của tuổi trẻ của mình đã mượn ý thơ của Phan Khôi (bài Tình già) để nuối tiếc mà thôi:
“… Nếu hơn bốn mươi năm về trước
Phải chi anh nói được tiếng yêu thương
Trách chi em lỗi dại khờ của tuổi nhỏ
Để chuyến đò không cập bến tình yêu.
Giờ đây
Đôi mái đầu tóc đã bạc
Gặp nhau
“Đôi mắt còn có đuôi”

(Hà Nguyên Tường - Nếu ngày đó)
Như trên tôi đã nói, Tình em như là một tập hồi ký trữ tình bằng thơ nên ở đây, tác giả đã viết rất nhiều đề tài, lĩnh vực và cũng bằng nhiều thể loại khác nhau. Chính vì vậy mà có bài hay, có bài chưa đạt. Nói như những tác giả có lời bình trong tập thơ, nếu tác giả biết lựa chọn thể thơ thích hợp, không nên lan man về đề tài…thì chắc rằng tập thơ sẽ nở đẹp hơn.
Tôi có đọc một bài tản văn trên báo Văn nghệ năm ngoái bàn về việc lạm dụng danh hiệu nhà văn, nhà thơ. Vì vậy khi viết nhận định cho tập thơ này, từ đầu đến cuối bài này, tôi không dùng một lần nào từ “nhà thơ” để gọi tác giả. Trong lịch sử văn học, có những người chỉ làm một, hai bài thơ nhưng tên tuổi của họ vẫn lưu danh mãi trong văn học: Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Hoàng Lộc (Viếng bạn) hoăc TTKH (Hai sắc hoa ti gôn…) Với tập thơ Tình em và những bài thơ đầy cảm xúc về tình cảm, tình yêu của tác giả, theo. tôi, nếu gọi Nguyễn Thị Hòa là một nhà thơ cũng không có gì sai cả: Nhà thơ Nguyễn Thị Hòa và tập thơ Tình em.
Tháng 4/2011
Hà Nguyên Tường
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...