Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Tiểu thuyết “Sào huyệt cuối cùng” của Bùi Thanh Minh

Tiểu thuyết “Sào huyệt cuối cùng” 
của Bùi Thanh Minh
Cuốn tiểu thuyết “Sào huyệt cuối cùng” được nhà văn quân đội Bùi Thanh Minh lấy cảm hứng từ những trận đánh của một đơn vị chủ lực quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch đầu năm 1979, phối hợp cùng quân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Ponpot. Chúng ta sẽ không kì vọng tìm được trong cuốn sách này những tìm kiếm cách tân thể loại, nhưng thông qua những trang viết sống động của một nhà văn chiến sỹ, chúng ta sẽ nhận thấy những phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ” có thêm những nét mới trong một cuộc chiến đấu mà họ sẵn sàng chấp nhận hi sinh xương máu không chỉ vì dân tộc mình, đất nước mình mà còn vì tình hữu nghị cao cả giữa các dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số chương trong cuốn tiểu thuyết này...
1. Máy bay đang ở độ cao mười nghìn mét, nhiệt độ ngoài trời âm 40 độ c, trên màn hình hiện rõ chiếc máy bay đang bay vào đất nước Chùa Tháp, vùng đất mà cách đây hơn hai mươi năm nhà văn Nguyên Mông đã từng để lại một phần máu thịt của mình, vùng đất là nơi chôn nhau cắt rốn của Quỳnh Lương - cô em gái ngồi kế bên. Cũng giống như Quỳnh Lương, ông đang bồi hồi xúc động… Từng kỷ niệm xưa ùa về khiến ông không thể ngồi yên. Ông xoay người lựa thế để nhìn qua cửa kính. Từng núi mây trắng tầng tầng lớp lớp như những khối bông khổng lồ, phản chiếu qua ánh sáng của mặt trời khiến ông có cảm giác như lạc trên thiên cung. Máy bay chui qua một núi mây lớn, một khoảng không trong vắt bao la hiện ra trước mắt. Kia rồi, dòng sông Mê Kông như một con trăn khổng lồ, từ trên cao thác ầm ầm đổ xuống Khôn Sủi bọt tung cao trắng xóa, rồi lại cuồn cuộn chảy băng băng xuống phía Nam, đổ dòng thác một lần nữa ở Ka Ra Che, và lượn một đường cong mềm mại…ngập ngừng, quanh co trên dải đất Kông Pông Chàm, Cang Đan. Nó dường như còn tiếc nuối cái buổi huy hoàng mãnh liệt ào ào như thác đổ nơi rừng thiêng, núi cao.
Dòng Mê Kông, mà đồng bào Khơ Me thường gọi là sông Mẹ, hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10 trời đem mưa đến, dòng sông Mẹ dài nhất châu Á này lại dâng nước thật cao để rồi đổ ngược lên dòng Tông Lê Sáp, hung hãn như con sư tử, cuốn phù sa đỏ ngàu đổ về Biển Hồ. Mùa mưa chấm dứt, từ Biển Hồ, dòng nước lại êm ả đổ ra Tông Lê Sáp, hợp với dòng sông Mê Kông trong vắt hiền hòa chia làm hai nhánh thong thả chảy ra biển Đông. Cũng về mùa mưa, khi mà nước của dòng sông Mẹ và dòng Tông Lê Sáp chảy ra biển Đông qua hai con sông Tiền và sông Hậu, thì nước thủy triều cũng từ hai con sông này dâng lên làm nghẽn dòng chảy của dòng Mê Kông, buộc nó phải đổ ngược dồn phù sa tích lũy được trên hàng ngàn cây số vào dòng Tông Lê Sáp, Biển Hồ, làm màu mỡ cả một vùng rộng lớn sáu tỉnh ven sông, ven hồ. Để trả ơn kẻ đã làm giàu cho mình, đến mùa khô, sông Mê Kông, Tông Lê Sáp và Biển Hồ trả lại một phần phù sa, cá tôm cho sông Tiền và sông Hậu. Dường như thiên nhiên từ thời xa xưa đã gắn liền vận mệnh của các cư dân sống ven bốn dòng sông: hạ lưu Mê Kông, Tông Lê Sáp, Biển Hồ, Tiền Giang và Hậu Giang lại với nhau.
Nguyên Mông bồi hồi nhớ lại từng dòng ký ức, bỗng Quỳnh Lương đập nhẹ vào cánh tay ông chỉ ra phía trước qua cửa kính. Trời ơi! trước mắt ông nhấp nhô, vàng ruộm một quần thể Ăng Co Vát thật kỳ vĩ. Đã bao nhiêu năm nay, từ những ngày ông chiến đấu bên đất Căm Pu Chia tận mắt chiêm ngưỡng kỳ quan có một không hai của thế giới, rồi sau này ông trở thành nhà văn, đã bao lần ông cầm bút tả lại Ăng Ko Vát nhưng không thể nào viết nổi. Không biết có phải Ăng Co kỳ vĩ quá sức tưởng tưởng của con người nên khó mô tả? Nhưng thực ra mỗi khi ông cầm bút mô tả Ăng Co Vát, thì một sự nản lòng xâm chiếm lấy ông. Mọi sức nặng của các tháp, các bệ đá bỗng trĩu xuống đúng trọng lượng của chúng, khiến ông không thể nào đưa trí tưởng tượng bay vút lên được. Một khối hình tương tự như khối hình của Kim Tự Tháp Kep phen bỗng hiện ra. Rồi những hình ảnh, những văn phong, những lời cảm khái của các văn sỹ, của khách tham quan, những lời mô tả của các nhà khảo cổ, những cảm tưởng của những chính khách trong các cuộc triền lãm, không chắc chắn là dù nói hay, nói dở thì cũng không có gì được thỏa đáng cả, hoặc đã nói quá nhiều, hay nói quá ít. Bởi cái mà ông nhận được, qua cách nhìn của các nhà ngoại đạo, hay chuyên môn chỉ là cảnh tượng của ngôi đền, chứ không phải cuộc sống của nó.
Máy bay lượn một vòng trước khi về nơi hạ cánh, đất nước Ăng Co huy hoàng đang trải dài dưới mắt ông. Đây là đồng bằng, kia là rừng núi, từng chòm cây thốt nốt rũ tóc, nghiêng mình bên những dòng kênh trong, từng vạt rừng cao su xanh thẫm, từng cánh đồng phẳng lỳ trải rộng như nối với trời xanh… tất cả đều đã từng in dấu chân ông. Cách đây gần 20 thế kỷ, khi mà tổ tiên của người Căm Pu Chia xuôi theo dòng Xê Mun để đến dòng Mê Kông, và họ đã men theo dòng sông Mẹ xuống phía Nam tìm một nơi khoáng đạt, màu mỡ để dựng cơ đồ. Họ tới Ka Ra Che, dừng bước ngập ngừng rồi tạt ngang sang phía tây mà định cư ở Ăng Co, xây dựng nên vương quốc này lừng lẫy một thời.

Nguyên Mông đưa tầm mắt ra xa, phía bên trái một màu xanh thẫm nhấp nhô, nhấp nhô, đó là dãy núi Đậu Khấu và Con Voi chắn lấy mặt tây và tây nam, kéo ra vịnh Thái Lan. Nơi đây ông đã từng tham chiến trong một chiến dịch lớn, tiêu diệt tận gốc sào huyệt cuối cùng của bọn diệt chủng Pôn Pốt- Yêng Sa Ry. Dãy núi này dài đến hàng trăm ki lô mét, phần lớn là rừng rậm và rừng già có ít rừng thưa ở ven biển. Đây là vùng hiểm trở nhất của Căm Pu Chia, dân cư thưa thớt, thỉnh thoảng có mỏm núi đá vôi do nước xói mòn tạo nên những hang động ngầm hoặc lộ thiên làm tăng thêm vẻ hùng vĩ của núi rừng. Cũng tại nơi đây ông đã buộc tên Trung đoàn trưởng khát máu Tà Khốc phải tự sát vì thua trận.
Quỳnh Lương lấy chiếc khăn mù xoa chấm nhẹ hai khoé mắt. Một cảm giác tủi hận váng vất trong đầu khiến cho sống mũi cô như có tia máu chạy rần rật. Hai mươi năm cô sinh ra và lớn lên ở đất nước Chùa Tháp này thì có đến năm năm cô phải sống trong địa ngục trần gian - một địa ngục chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Phải, cô đang hồi tưởng lại những ngày đau thương nhất của cuộc đời cô, nó giống như một nhát dao đâm thẳng vào con tim, không ngừng đập nhưng rỉ máu suốt đời. Còn Nguyên Mông, hôm nay trở lại đất nước này với tư cách khách mời của Hội Nhà văn Căm Pu Chia. Ông đã đặt kế hoạch thế nào rồi ông và Quỳnh Lương cũng sẽ về thăm lại dãy Đậu Khấu, dãy Con Voi, thăm lại tỉnh Cô Công, nơi mà ông và đồng đội của ông đã chiến đấu và đổ bao nhiêu xương, bao nhiêu máu để giành lại mảnh đất này. Cái nơi mà Quỳnh Lương đã thoát khỏi nanh vuốt của bọn diệt chủng, sống sót trở về với người thân của mình. Mảnh đất xa xôi địa đầu của Tổ quốc Căm Pu Chia tưởng như không có gì đáng nói, nhưng đối với Nguyên Mông thì đó là một quãng đời oanh liệt, một dấu ấn vinh quang đời cầm súng tiêu diệt kẻ thù.
Máy bay hạ độ cao tám kilômét, sáu kilômét, năm kilômét, ba kilômét, rồi từ từ hạ cánh xuống đường băng Pô Chen Tông. PhNông Pênh như một khối bê tông khổng lồ, ngổn ngang của một đô thị vừa bị đập phá nay đang chuyển mình xây dựng hiện ra trước mắt. Từng tòa nhà, từng dòng sông - con sông Bốn mặt tụ hợp lại như một chiếc hồ lớn, tàu bè, xe cộ xuôi ngược trên bến dưới thuyền...Thế mà cách nay 20 năm, khi Nguyên Mông cùng đồng đội tiến vào thành phố này, nó như một xác chết. Hồn người oan khuất cùng với mùi tử khí u ám trùm lấy lấy không gian Thủ đô. Vắng ngắt, lạnh tanh, đổ nát và chỉ có ruồi, ruồi nhiều vô kể. Đó là ấn tượng duy nhất của Nguyên Mông khi lần đầu tiên đặt chân lên PhNông Pênh. Còn bây giờ, hôm nay... chỉ một chút nữa thôi, đoàn Bộ Văn Hóa và Hội Nhà văn Căm Pu Chia sẽ có mặt với những nụ cười rạng rỡ, những bó hoa tươi thắm trên tay những thiếu nữ Khơ me ra đón đoàn tại sân bay quốc tế.
Thoát ra những hội nghị, tiệc tùng ngập ngụa ở PhNông Pênh, Nguyên Mông cùng Quỳnh Lương được Hội Nhà văn Căm Pu Chia cho một chiếc xe và một cán bộ dẫn đường xuống Cô Công với lý do đi thực tế sáng tác.
Buổi sáng Nguyên Mông thức dậy khi đang đứng trên lan can khách sạn Tỉnh trưởng tỉnh Cô Công để hít thở không khí trong lành và ngắm cảnh thị xã vùng trung du, một bất ngờ đến, anh gặp Xi Thon, người đội trưởng đội công tác bộ đội Căm Pu Chia cùng phối thuộc với trung đoàn năm 1979, nay là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cô Công. Xi Thon có mập và già hơn một chút, nhưng cô vẫn xinh đẹp như ngày nào, vẫn nụ cười tươi tắn, môi dưới hơi trê trễ trông sang và quí phái. Xi Thon òa khóc, nước mắt ướt nhòe gò má và nếu không có Quỳnh Lương ở đó có lẽ Xi Thon đã ôm chầm lấy Nguyên Mông. Tình bạn chiến đấu cao cả hơn bất cứ tình cảm nào. Hơn nữa tình yêu của Xi Thon đối với Nguyên Mông vẫn không bao giờ phai nhạt.
Sau những giây phút xúc động, Xi Thon kéo Nguyên Mông và Quỳnh Lương vào phòng khách, vẫn ngồi đan hai bàn tay vào nhau, ấp úng vì vốn tiếng Việt của cô còn ít:
- Em không ngờ được gặp lại anh và …cô…
Nghe Xi Thon nói tiếng Việt còn ngọng, Nguyên Mông nhớ lại cách nay 20 năm vì tinh nghịch của tuổi trẻ, anh đã trêu Xi Thon một trận cười ra nước mắt, bây giờ nghĩ lại cứ ân hận mãi. Hồi ấy đội công tác của Xi Thon cùng với Trung đoàn 7 của Nguyên Mông làm nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa làm công tác dân vận. Một buổi chiều, trời mưa, buồn, Trần Bá Luân (tên thật của Nguyên Mông) sang nhà Xi Thon chơi và bàn công việc. Chủ nhà đi rẫy hết chỉ còn hai người ngồi nói chuyện. Vãn chuyện Xi Thon lấy ra chiếc áo gối đôi mà cô đã dày công thêu mấy tháng nay chuẩn bị cho lễ cưới của mình với một chàng đang công tác ở Sở Văn hóa. Nhìn chiếc áo gối Xi Thon thêu dày đặc những chim, những cò... lẫn lộn màu sắc của văn hóa hai dân tộc anh suýt bật cười. Nhưng sợ Xi Thon phật ý nên cố ghìm lại vì dù sao đây cũng là tác phẩm mà Xi Thon yêu thích. Xi Thon chỉ vào hình chiếc mặt trời cô thêu ở góc trái chiếc gối hỏi: "Tiếng Việt gọi cái này là gì hở anh?” Trần Bá Luân thấy một cái hình tròn màu vàng, có những tia sáng toe tóe ra trông như lòng đỏ trứng gà, liền nói đại cốt là trêu Xi Thon: “Tiếng Việt gọi là buồng trứng, em ạ”. Xi Thon chạy đến ba lô lục lấy giấy bút ra ghi lại, coi như đã học được một từ mới. Sau đó cô lại chỉ vào đôi chim bồ câu đang bay, kết mỏ vào nhau phía phải chiếc áo gối, hỏi? Trần Bá Luân tỉnh bơ trả lời: “Tiếng Việt gọi đó là đôi vịt”. Xi Thon cẩn thận ghi từ mới vào sổ. Tiếp đó cô chỉ đôi ngựa hồng đang sánh bước phi nước đại ở giữa gối phía bên trái, hỏi? Trần Bá Luân bảo đó là đôi bò. Và cuối cùng Xi Thon chỉ vào đôi trái tim lồng lên nhau ở giữa gối phía phải, hỏi: “Cái này tiếng Việt gọi là gì, anh?” Không ngần ngại, Trần Bá Luân trả lời : "Tiếng Việt gọi là đôi quả cật, em ạ”. Tất cả những gì gọi là từ mới, Xi Thon đều ghi chép cẩn thận và đó là phương pháp tích cóp vốn từ của cô.

Sự việc diễn ra chỉ có thế, định bụng hôm nào đó Trần Bá Luân sẽ trêu cho Xi Thon một trận. Nhưng rồi cuộc sống chiến đấu cuốn hút làm Luân quên béng. Hai tháng sau, đám cưới của Xi Thon được tổ chức theo nếp sống vừa mới vừa cũ, vừa có một chút phong tục Việt Nam, lại vừa có một chút truyền thống Khơ Me. Đến dự đám cưới có cả bộ đội Việt Nam, bộ đội Căm Pu Chia, cán bộ Sở Văn hóa tỉnh và khá đông nhân dân trong phum. Sau cái lễ mà cô dâu và chú rể phải ngồi chịu trận trên chiếc ghế để cho chủ hôn là một ca sỹ vừa hát vừa giả vờ cắt tóc để trừ khử điều xấu, thì đám cưới bắt đầu theo phong tục mới. Chủ hôn yêu cầu cô dâu lên phát biểu. Xi Thon trong bộ áo váy dân tộc rực rỡ, chiếc xà rông màu hoa tím bó sát làm mông cô căng lên trông thật hấp dẫn, bước ra sân khấu. Cô lấy ra một tờ giấy mà cô đã viết sẵn, hướng về phía bộ đội và nhân dân Căm Pu Chia đọc bằng tiếng Khơ Me. Trần Bá Luân nghe câu được câu chăng vì vốn từ Khơ Me của anh cũng còn nghèo, nhưng Luân thấy đám cưới vỗ tay ghê lắm. Kết thúc phần một của bài diễn văn, Xi Thon quay về phía bộ đội Việt Nam dõng dạc đọc bằng tiếng Việt. Nội dung đại ý là nhờ có bộ đội và nhân dân Việt Nam mà nhân dân Căm Pu Chia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt -Yêng Sa Ry, cô cũng như nhiều người Khơ Me mới có hạnh phúc như ngày hôm nay. Cuối cùng cô kết luận: “Dưới ánh sáng của buồng trứng, đôi quả cật của chúng tôi cùng   chung nhịp đập, cùng sánh bước đi lên con đường mới như đôi bò và thủy chung như đôi vịt...”. Chao ơi, lúc bấy giờ Luân như người trúng gió, hồn vía bay lên mây, khi mà mọi người cười ầm ĩ.
Sau lễ cưới vài tháng, Xi Thon mới nhận ra thủ phạm, đến bắt đền Trần Bá Luân. Vợ chồng cô đã phạt Luân một trận rượu lên bờ xuống ruộng, khiến Luân suýt phải đi viện.
Ôn lại chuyện cũ Xi Thon cười chảy nước mắt nói:
- Nhất định anh chị phải đến nhà em chơi và vợ chồng em sẽ phạt anh một trận “phấc sa- ra” chết thôi đấy.
Trần Bá Luân nhắc lại câu tục ngữ của đồng bào Khơ Me:
- Vâng sa-ra, vâng muôi thơ-ngay. Vâng s-rây, vâng muôi chi-vứt (say rượu say một ngày. Say con gái say một đời).
Cả ba người cùng cười.
Nhân tiện về thăm và làm việc, Nguyên Mông và Quỳnh Lương được Tỉnh trưởng tỉnh Cô Công mời dự hội nghị bàn về đầu tư để phát triển khu du lịch núi Đậu Khấu và núi Con Voi. Tại hội nghị khi Tỉnh phó Chăn Keo xuất hiện, Nguyên Mông có cảm giác đã quen từ lâu. Ông lục lại toàn bộ trí nhớ, đặc biệt thời gian chiến đấu ở Căm Pu Chia mong tìm lại được một tín hiệu nào đấy để giải mã con người đang thuyết trình trước mặt. Không có một dấu vết gì để nhận, nhưng cái thần, rồi trạng thái và kể cả tiếng rin rít của giọng nói thì Nguyên Mông thấy đúng là người này ông đã từng gặp ở đâu.
Ngồi bên cạnh Nguyên Mông, Quỳnh Lương mặt tái xám. Trời ơi! đúng là tên sát nhân, kẻ đã từng hãm hiếp rồi ra lệnh giết cô biết bao nhiêu lần, tưởng hắn đã thịt nát xương tan nơi chín tầng địa ngục, nào ngờ bây giờ đang hiện hình trước mặt cô, lại còn huyên thuyên đủ thứ với những lời lẽ rất nhân đạo.
Nguyên Mông phát hiện tâm trạng không bình thường của Quỳnh Lương, ông vờ quay sang mượn hộp dầu và nhắc khẽ để cô bình tĩnh. Quỳnh Lương lấy một mảnh giấy viết vội mấy chữ đưa cho Nguyên Mông: “Nó là Tà Khốc - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 61 đấy anh ạ”. Thôi đúng rồi! Hồi còn học chung một trường với Tà Khốc ở Bộ Tư lệnh Miền, mặc dù không cùng trung đội nhưng có biết. Sau này chọi nhau vài chục trận, nhưng nào có giáp mặt nhau, đến khi gặp lại thì hắn đã chết và cháy đen như một cục than. Thế nhưng, cái ánh mắt của một kẻ sát nhân thì không thể nào che giấu được. Trước mặt Nguyên Mông hiện nguyên hình tên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 61 Tà Khốc khét tiếng tàn bạo năm nào. Trận chiến đấu cuối cùng xóa sổ Trung đoàn 61 ngay chính tại tỉnh Cô Công này tháng 4 năm 1979 hắn đã nhảy xuống hầm, đổ một can xăng vào người và cầm khẩu K59 bắn vào đầu tự sát. Vậy mà bây giờ, hắn kia trong cái lốt Tỉnh phó đang thuyết trình dự án mở khu du lịch Đậu Khấu - Con Voi. Hắn nói về những chiến công lẫy lừng của bộ đội Việt Nam và bộ đội Khơ Me trong chiến dịch 3B đầu năm 1979 tiêu diệt bọn tàn quân, đánh tan sào huyệt cuối cùng của Pôn Pốt dưới chân dãy Đậu Khấu và Con Voi. Hắn nói đúng như người trong cuộc nên sức thuyết phục rất cao. Cả hội nghị ai cũng háo hức đón nhận và đồng tình với lập luận của hắn rằng mở khu du lịch Đậu Khấu - Con Voi không những giới thiệu với du khách nước ngoài về vẻ đẹp tuyệt vời, hùng vĩ của tỉnh Cô Công mà còn giới thiệu những di tích lịch sử khẳng định tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Căm Pu Chia, những dấu tích tàn bạo của bọn diệt chủng Pôn Pốt - Yêng Sa Ry cũng góp phần làm cho tua du lịch thêm phần hấp dẫn.
Chính hắn, không thể lầm lẫn được, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 61, kẻ đã hãm hiếp và giết biết bao người dân Khơ me, kẻ đã chỉ huy đơn vị trong đêm rằm trung thu, vượt biên sang tàn sát giết 597 người dân vô tội ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh hồi cuối năm 1978; cũng chính cái đêm ấy hắn đã bắt cô giáo Hạnh - người em gái cùng cha khác mẹ về Căm Pu Chia hãm hiếp, khi phát hiện có thai thì ra lệnh đem bắn; chính hắn đã từng treo giải một ki lô vàng ròng nếu ai bắt hoặc giết được ông nộp cho Ăng Ka…Phải bình tĩnh, giữ bí mật và hết sức cẩn trọng, nếu không tính mạng của anh em ông có thể gặp nguy hiểm, rồi sau đó nhất định ông phải tố cáo hắn, tên diệt chủng - tội phạm quốc tế, kẻ đã đội lốt dưới cái tên Chăn Keo để chui vào hàng ngũ phá hoại cách mạng Căm Pu Chia.
Trong đầu Nguyên Mông lộn nhào trắng đen, cũ mới, thật giả, trần gian, địa ngục…như một thước phim đồng hiện. Dãy núi Đậu Khấu, ngọn núi Con Voi, chiến dịch 3B, Chăn Keo - Tà Khốc...lần lượt được tái hiện và đem ra phân tích, lý giải.
2. Tướng Lê Đức Anh trải tấm bản đồ vùng tây nam Căm Pu Chia trên bàn. Ông cúi xuống rà kỹ khu vực dãy núi Đậu Khấu và núi Con Voi. Cả ba vùng núi cao bao lấy ba mặt đất nước Căm Pu Chia. Dãy núi Đòn Gánh vắt ngang trên phía Bắc dài đến 300 ki lô mét, rộng trung bình 15 ki lô mét có các loại rừng già, rừng non hợp thành cao nguyên Đăng Rếch trải dài trên các tỉnh Ôt Tô Miên Chây, Prét Vi Hia, Bát Tam Băng và một phần Xtung Treng.
Dãy núi Đậu Khấu và Con Voi chắn lấy mặt tây và tây nam, kéo ra biển dài trên 500 ki lô mét, rộng 50 ki lô mét, cao từ 1.000 đến 1.800 mét. Đây là vùng núi hết sức hiểm trở của Căm Pu Chia lại nằm sát Thái Lan. Đặc biệt tỉnh Cô Công, có nơi chỉ cách biên giới Thái Lan ba kilômét, sát bờ biển - vịnh Thái Lan, rất có thể bọn tàn quân Pôn Pốt sẽ xây dựng khu căn cứ kháng chiến lâu dài để thực hiện ý đồ chống lại cách mạng Căm Pu Chia.
Tại khu vực phía tây và tây nam do Quân khu 9 đảm nhiệm. Từ sau ngày giải phóng PhNông Pênh, phối hợp với Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 9 đã liên tục mở nhiều chiến dịch để truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt, đánh chiếm lại các mục tiêu quan trọng. Gần đây nhất chiến dịch 2B, từ ngày 20 tháng 3 đến 29 tháng 3 năm 1979, Quân khu 9 đã đánh một trận oanh liệt làm thay đổi cục diện chiến trường. Đây là một chiến dịch mà tướng Lê Đức Anh đánh giá rất cao khả năng tác chiến của Quân khu, trong đó có Sư đoàn 4. Khi đang bí mật triển khai chiến dịch thì Sư đoàn 339 của quân khu bị Sư đoàn 210 của Pôn Pốt phát hiện. Lập tức chúng tập trung lực lượng bu bám, có cả xe tăng và pháo binh yểm trợ đánh liên tục, cả vào Sở chỉ huy sư đoàn ở Tà Âm, điểm cao 85, 79, 251 và 171... gây cho ta không ít thương vong, có nguy cơ khó thực hiện được ý định của chiến dịch. Sư doàn 339 đã cố gắng đánh bật các cuộc phản kích của địch và phát triển về hướng tây nam. Nhưng địch lại đánh tiếp phía sau sư đoàn, nên không tiến được bao nhiêu. Trong khi đó hướng Trung đoàn 52 của Sư đoàn 320 cũng không phát triển được do địch phát hiện và đánh tiếp. Rất may là hướng Sư đoàn 4 vẫn giữ được bí mật. Chính vì vậy mà ngày 23 tháng 3, Sư đoàn 4 bất ngờ từ sau lưng đánh thẳng vào Sở chỉ huy Quân khu Tây nam địch ở khu vực điểm cao 128, khu vực huyện Ki Ri Skop, rồi nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm khu vực trung tâm, phát triển rộng đánh tiếp căn cứ Sư đoàn 210 và các mục tiêu lân cận, trận địa pháo… diệt hàng trăm tên, địch tháo chạy tán loạn.
Quân khu Tây nam bị đánh, các Sư đoàn 210, Sư đoàn 230, và Sư đoàn 250 của địch ở phía trước cũng tốc chạy. Các lực lượng ta gồm có Sư đoàn 339, Sư đoàn 320 và Sư đoàn 8 thừa cơ đánh thẳng vào các căn cứ địch để phối hợp với Sư đoàn 4 trong hai ngày 24 và 25 tháng 3 làm chủ hoàn toàn chiến dịch ở núi Lớn.
Mặc dù thắng lợi của Quân khu 9 trong chiến dịch 2B là rất lớn, Quân khu Tây nam địch - một quân khu án ngữ cho đại bản doanh Pôn Pốt bị thiệt hại nặng, nhưng tướng Lê Đức Anh, bằng kinh nghiệm chiến đấu của mình, ông cho rằng bọn giặc cỏ Pôn Pôt rất khó tiêu diệt gọn, chúng có khả năng chịu đựng gian khổ rất cao và khả năng phán đoán hướng tấn công của ta, chính vì vậy nhiều trận khi ta tiến đánh đều có thể chiếm được mục tiêu dễ dàng. Nhưng chỉ trong hai, ba ngày sau, không biết chúng từ đâu lại xuất hiện quấy rối ta, khó mà yên được. Do vậy, tướng Lê Đức Anh vẫn dán mắt vào khu vực dãy núi Đậu Khấu và dãy núi Con Voi giáp biên giới Thái Lan. Rất có thể các lực lượng còn lại của địch sẽ được Pôn Pốt tổ chức co cụm ở khu vực này để cố thủ vì đây là một địa bàn thuận lợi cho một chính phủ lưu vong, dựa vào viện trợ của nước ngoài, và sẵn sàng tháo chạy khỏi biên giới cả đường thủy lẫn đường bộ khi tình thế bất lợi. Nếu dự đoán đó là đúng, ông phải chỉ đạo Quân khu 9 mở tiếp một chiến dịch đánh vào sào huyệt cuối cùng của Pôn Pốt.
Tướng Lê Đức Anh ngả người ra thành ghế, duỗi thẳng chân trái cho đỡ mỏi. Vài tháng nay nó lại giở chứng, di chứng của trận đậu mùa thuở ấu thơ cùng với sương gió, gian nan bao nhiêu năm chiến trận ngấm vào khiến bây giờ mỗi khi trái gió trở trời lại bị tê nhức. Ông châm một điếu thuốc Smit, rít một hơi. Khói thuốc đượm vào mắt, làm con mắt trái của ông nhíu lại vì cay. Con mắt cũng là di chứng của trận đậu mùa, hồi mới năm, sáu tuổi mà nó đã cướp đi ba người anh chị ruột của ông, còn ông thì may mắn thoát chết.
Ông cho gọi Cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo lại hình thái chiến dịch 2B của Quân khu 9. Cục trưởng người to cao, nhanh nhẹn bước vào. Chỉ bằng vài lời ngắn gọn ông đã trình bày khá cụ thể. Về phía địch, lúc này, ở nam lộ 4 còn Sư đoàn 270 không nguyên vẹn đang tác chiến ở Chàng Ô. Tàn quân của các Sư đoàn 210, 250, 230 và một bộ phận chỉ huy các cấp còn liên lạc với nhau ở bắc lộ 4. Đặc biệt địch Sư đoàn 164 chưa bị ta đánh nên còn sung sức đang án ngữ ở phía bắc lộ 4 khu vực chân dãy núi Đậu Khấu. Ngoài ra tàn quân của Sư đoàn 1, Sư đoàn 502, Sư đoàn 460 cũng đang hoạt động trong khu vực.Về phía Quân khu 9, Bộ vừa điều Sư đoàn 330 trở về quân khu. Như vậy lúc này Quân khu 9 có 6 sư đoàn: Sư đoàn 330, Sư đoàn 339, Sư đoàn 320, Sư đoàn 4, Sư đoàn 8 và đặc biệt Sư đoàn 310 Bộ mới điều từ Quân khu 7 sang tham chiến, không kể 6 Trung đoàn, 15 tiểu đoàn địa phương và các trung đoàn binh chủng của quân khu.
Tướng Lê Đức Anh cầm chiếc bút chì đỏ khoanh một vòng khu vực huyện lỵ Môn Đôn Sây Ma - tỉnh lỵ Cô Công, nơi ba con sông: Paô, Met và Yok hợp lại thành dòng Kaôh Pao đổ ra vịnh Thái Lan chỉ cách biên giới Thái Lan không đầy một kilômét.
Cục trưởng Cục Tác chiến hiểu ý đây là nơi hết sức thuận lợi cho việc tiếp tế, rút chạy...kể cả đường sông, đường biển của đại bản doanh Pôn Pốt nếu chúng co cụm để lập căn cứ. Như vậy căn cứ của chúng chỉ có thể lui dịch lên phía bắc khu vực dãy Đậu Khấu và núi Con Voi, nơi núi rừng hiểm trở. Nếu địch lập căn cứ ở dãy núi Đậu Khấu và dãy núi Con Voi thì các sư đoàn mạnh của chúng sẽ triển khai phía trước dãy Đậu Khấu - tỉnh lỵ Cô Công - Lộ 18 - dọc sông Kếp. Đối với thằng địch này nếu không tiêu diệt được tận gốc sào huyệt của chúng thì cách mạng Căm Pu Chia chưa thể thành công được. Muốn tiêu diệt tận gốc thì phải phán đoán thật trúng nơi chúng có ý định đặt đại bản doanh.
- Có lẽ phải chỉ đạo Quân khu 9 mở tiếp chiến dịch đánh vào sào huyệt cuối cùng của Pôn Pốt? - Tướng Lê Đức Anh đặt chiếc bút chì màu đỏ xuống và nói với Cục trưởng như vậy.
Cục trưởng nói:
- Địch vừa điều Sư đoàn 162 (thiếu Trung đoàn 61) về địa bàn tỉnh Cô Công, chứng tỏ nhiều khả năng chúng có ý định xây dựng căn cứ kháng chiến ở đây.
Tướng Lê Đức Anh gật gật mái đầu bạc vẻ đồng tình. Cục trưởng nói tiếp:
- Sư đoàn 310 của ta đã tác chiến với Sư đoàn 162 của địch một thời gian dài khi 310 còn ở Quân khu 7, nếu giao nhiệm vụ 310 tìm cho ra và đánh tiêu diệt Sư đoàn 162 sẽ tốt hơn. Nhưng tôi chỉ lo Trung đoàn 7 và Sư đoàn 310 chưa quen thuộc địa hình.
Tướng Lê Đức Anh trầm ngâm vẻ đồng ý với ý kiến Của cục trưởng Cục Tác chiến. Khi công việc của hai người kết thúc, Cục trưởng ra về, ông lấy một điếu thuốc lá châm lửa hút. Trong khói thuốc trắng đục, ông rà lại toàn bộ từ đầu cuộc chiến ở chiến trường Căm Pu Chia đến nay với mong muốn không để một sơ xuất nào khi quyết định thêm một bước.
Cuối năm 1978 tiền phương Bộ Quốc phòng được thành lập để chỉ đạo chiến trường biên giới Tây Nam, trung tướng Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng, thiếu tướng Lê Ngọc Hiền và thiếu tướng Hoàng Cầm làm chỉ huy phó. Từ đó đến nay đã hơn nửa năm, biết bao biến cố xảy ra ở chiến trường khốc liệt này. Lê Đức Anh nhớ lại…Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tưởng rằng sẽ được thanh thản nghỉ ngơi và tập trung vào xây dựng đất nước, nào ngờ bọn Pôn Pốt đã rắp tâm phá hoại thành quả cách mạng Việt Nam, đến ngày 30 tháng 4 năm 1977 chúng mở cuộc tiến công trên tuyến biên giới Việt Nam ở 14 xã, 13 đồn biên phòng thuộc tỉnh An Giang. Tháng 8 năm 1977 chúng tấn công biên giới Quân khu 7, tháng 10 năm đó chúng tiến công biên giới Quân khu 5, và cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới gây ra biết bao thiệt hại người và của.
Ngày 01 tháng 12 năm 1978 Trung ương Đảng của Pôn Pốt họp bàn chủ trương tấn công Việt Nam và quyết định thành lập thêm 15 sư đoàn, đồng thời ra nghị quyết: “Chiến tranh giữa ta và Việt Nam là lâu dài, có tính chất gặm nhấm. Ta không đánh nó trước thì ta không thắng. Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10 năm, 15 đến 20 năm, thực hiện một diệt 30, hy sinh hai triệu người Căm Pu Chia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam”.
Lê Đức Anh còn nhớ, khi đọc đoạn nghị quyết này của Trung ương Đảng Pôn Pốt, ông không thể hiểu nổi tại sao Pôn Pốt lại có thể phiêu lưu đến như thế? Phiêu lưu đến không thể lý giải được. Có lẽ bên trong vấn đề này còn là một vấn đề lớn hơn.
Đang lúng túng về phương pháp đối phó thì ông nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các Quân khu 5, 7, 9 nhấn mạnh: “Lực lượng vũ trang ta thiếu tinh thần cảnh giác. Sở dĩ có khuyết điểm nghiêm trọng như vậy là do ta chưa đánh giá đúng tình hình địch, chưa thấy hết tính chất và mưu đồ thâm độc của một bộ phận trong cơ quan lãnh đạo Căm Pu Chia, chưa dự kiến hết chúng có thể tập trung một lực lượng lớn xâm nhập sâu vào lãnh thổ nước ta, tàn sát cực kỳ dã man đồng bào ta ở biên giới. Kế hoạch bảo vệ biên giới của ta chỉ nhằm đối phó với cuộc xung đột lẻ tẻ và hạn chế… Phải sẵn sàng chiến đấu đánh trả các cuộc xâm lấn của địch, bảo vệ nhân dân, bảo về từng tấc đất của Tổ quốc”.
Bức điện của Đại tướng như thức tỉnh ông, nhìn nhận một cách tổng quan cuộc chiến tranh biên giới do bọn Pôn Pốt gây ra, xác định cho mình một kế hoạch mang tính chất chiến lược. Rồi từ đó như đã được sắp đặt, ông cùng bộ đội cuốn theo cuộc chiến mà không một người lính Việt Nam nào mong đợi.
Lê Đức Anh cầm cuốn nhật ký tác chiến của Cục trưởng Cục Tác chiến vừa mang đến, mở lại các trang gần đây nhất để xác định bước đi cho thích hợp, những dòng chữ rõ ràng hiện lên: Ngày 23 tháng 12 năm 1978 Pôn Pốt huy động 10 trên 19 sư đoàn mở cuộc tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam. Trong đó ba sư đoàn đánh Bến Sỏi (Tây Ninh) hòng chiếm thị xã Tây Ninh; hai sư đoàn đánh Hồng Ngự (Đồng Tháp); hai sư đoàn đánh Bảy Núi (An Giang); hai sư đoàn đánh Hà Tiên (Kiên Giang); một sư đoàn đánh Trà Phô, Trà Tiến (Kiên Giang). Cùng ngày ta dùng 18 sư đoàn của ba quân đoàn và ba quân khu, 600 xe tăng xe bọc thép, 137 máy bay, 160 tàu chiến và vận tải phản công trên tất cả các hướng địch đánh sang. Đến ngày 02 tháng 01 năm 1979 ta đánh tan các sư đoàn chủ lực Pôn Pốt án ngữ các trục đường vào PhNông Pênh. Hoảng sợ trước đòn trừng phạt của Việt Nam, Khiêu Săm Phon vội vàng ra lời kêu gọi thế giới ngăn chặn cuộc tấn công của Việt Nam. Ngày hôm sau, mồng 3 tháng 01, Yêng Sa Ry gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị họp phiên bất thường Hội đồng Bảo an (dự định sẽ họp vào ngày 9 tháng 01). Ngày 04 tháng 01 ta hạ quyết tâm giải phóng PhNông Pênh trước ngày 8. Ngày 07 tháng 01 ta giải phóng PhNông Pênh. Ngày 8 tháng 01 Bạn tuyên bố thành lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng Căm Pu Chia và công bố danh sách đối nội, đối ngoại, quyền đại diện chân chính hợp pháp của nhân dân Căm Pu Chia. Hơn 21 sư đoàn của Pôn Pốt bị đánh tan phải rút vào rừng phía tây và tây bắc để kháng chiến.
Mới chỉ có vẻn vẹn mấy tháng trời mà cách mạng Căm Pu Chia xảy ra những biến cố như một bước ngoặt vĩ đại, khiến ngay cả chính ông cũng phải ngỡ ngàng và cuốn vào những sự kiện có một không hai trong cuộc đời mình.
Không biết Pôn Pốt và tập đoàn diệt chủng của hắn hiện giờ dạt về biên giới Thái Lan khu vực Bát Đom Boong, hay ở đâu? Nhiều khả năng chúng đang cầm cự ở hướng đó. Nhưng cũng không ít điều kiện cho biết chúng chuẩn bị tập kết ở Môn Đôn Xây Ma. Phải tìm cho bằng được để tiêu diệt chúng. Bài học giải phóng PhNông Pênh, để cho bọn chóp bu chạy thoát còn đấy. Nếu việc đó không xảy ra thì cách mạng Căm Pu Chia bây giờ cũng đã bớt khó khăn. Không thể để lặp lại một lần nữa. Nhưng dù sao thì khó khăn nhất cũng đã qua, thắng lợi cuối cùng đang đến gần.
Ông ngả người ra thành chiếc ghế…Thế là cuộc chiến tranh bắt buộc này đã dần kết thúc, ông sắp được trở về quê…Trời ơi! không có người lính Việt Nam nào khi nghĩ về cụm từ hết chiến tranh sẽ về quê lại không xao xuyến. Bình yên là nỗi khát khao của những người cầm súng. Làng quê yên ả thanh bình là ước mơ của mỗi người lính như ông…sắp đến cái đích đó rồi, ông và các đồng đội của ông phải cố lên một chút, một chút nữa…tất cả sẽ về tới đích.
Trong khi tướng Lê Đức Anh còn đang phán đoán và nghi ngờ sào huyệt cuối cùng của Pôn Pốt ở đâu? Thì cũng thời điểm đó, vào một buổi chiều cuối tháng ba năm 1979, trong một căn lán lợp bằng lá cọ tại một khu rừng giáp biên giới Thái Lan, bên chiếc bàn ken tạm bằng những cây gỗ nhỏ, Thủ tướng Pôn Pốt, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giaoYêng Sa Ry và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Xon Xen đang ngồi bàn bạc vẻ căng thẳng. Chừng như bế tắc về một vấn đề gì   đó, Pôn Pốt đứng dậy, ném mẩu thuốc lá xuống đất vẻ bực dọc, miệng rít lên:
- Bọn Duôn nham hiểm thật.
Nhìn dáng người lực lưỡng, tóc cắt trắng, chiếc đầu mum múp, da mặt đen sạm sần sùi đầy mưu mô của Thủ tướng lại đang bế tắc, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Yêng Sa Ry cảm thấy ngậm ngùi. Bên ngoài là Thủ tướng và Phó thủ tướng, nhưng về quan hệ gia đình thì họ là anh em đồng hao. Khiêu Pô Na Ry vợ Pôn Pốt là em gái vợ Yêng Sa Ry. Khiêu Pô Na Ry giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Căm Pu Chia, còn vợ Yêng Sa Ry là Khiêu Thi Rít giữ chức Bộ trưởng Bộ Xã hội. Ngoài quan hệ gia đình họ còn có một loại tình cảm đặc biệt gắn bó keo sơn mấy chục năm qua. Có được vị trí như ngày hôm nay, Pôn Pốt và Yêng Sa Ry không thể không nhớ ơn người chỉ đường vạch lối từ những ngày trứng nước, đó là Keng Van Xắc. Yêng còn nhớ Keng Van Xắc là con của một viên quan thời Pháp. Keng Van Xắc là người đến Pa Ri đầu tiên từ những năm 1946 để theo học tại trường Cao đẳng sư phạm Xanh Clu nổi tiếng ở ngoại ô Pa Ri, sau đó Keng Van Xắc làm chuyên gia về tiếng Căm Pu Chia cho một trường nổi tiếng là Viện nghiên cứu về Châu Phi và phương Đông ở Luân Đôn.
Năm 1949 trở lại Pa Ri, Keng Van Xắc một trong ba người thuộc “Ủy ban chính trị” của một nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác gồm các sinh viên sau này sang Pa Ri học tập, đó là Keng Van xắc, Yêng Sa Ry và Xa lốt Xa (Pôn Pốt), Khiêu Săm Phon, Hu Yun, Tốc Phôn, Xiêng An...Ủy ban chính trị là nòng cốt của nhóm và chỉ có ba người là Keng Van Xắc, Yêng Sa Ry và Pôn Pốt.
Trong nhóm có Khiêu Săm Phon và Hu Yun học giỏi, đã có công trình nghiên cứu sâu sắc đầu tiên về hệ thống kinh tế - xã hội và những triển vọng đổi thay của đất nước Căm Pu Chia. Ngày đó nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác rất phục Khiêu Săm Phon và Hu Yun vì được thầy đánh giá rất cao công trình nghiên cứu này. Cho đến bây giờ cả Yêng Sa Ri và Pôn Pốt còn thuộc nằm lòng nhiều đoạn, nó chính là kim chỉ nam cho đường lối của Căm Pu Chia sau này. Yêng nhớ đoạn mà Y đã từng học thuộc từ những năm 1950: “Chúng ta có thể so sánh việc thành lập các tổ chức thương mại trong thời kỳ thuộc địa như một mạng nhện lớn bao trùm khắp Căm Pu Chia. Nếu chúng ta coi nông dân và người tiêu dùng như những con ruồi, con muỗi bị sa vào mạng nhện, chúng ta có thể thấy rằng họ là miếng mồi cho bọn thương nhân, tức con nhện đã chăng lưới. Hệ thống thương mại, việc bán và trao đổi nông sản ở nước ta bóp nghẹt sản xuất, làm khô kiệt nông thôn thường xuyên trong cảnh nghèo đói. Những cái mà chúng ta quen gọi là thành phố hoặc thị trấn là những máy bơm hút kiệt sức sống của nông thôn. Mọi thứ hàng hóa mà các thành phố và thị trấn cung cấp cho nông thôn chỉ là những miếng mồi. Vùng nông thôn rộng lớn nuôi sống các thành phố, các thị trấn với bề ngoài tươi mát và hiện đại, sống trên mồ hôi nước mắt của nông thôn, cười trên lưng nông thôn.
…Những người lao động trên ruộng đất, cày gặt, chịu đựng toàn bộ gánh nặng của thiên nhiên, dãi dầu mưa nắng với những ngón tay xương xẩu, với da bàn tay và bàn chân khô nẻ chỉ nhận được 16%. Trong khi những người khác làm việc trong bóng mát, không dùng đến cái gì khác ngoài đồng tiền, nhận được có khi tới 70%...Nông thôn nghèo nàn, da bọc xương và khốn khổ, bởi vì hệ thống thương mại áp bức bóc lột nó. Cây mọc ở nông thôn, nhưng quả lại đi thành phố".
Như đoán được suy nghĩ của Yêng Sa Ri, Pôn Pốt nhìn thẳng vào mặt Yêng hỏi:
- Cụ Khiêu ổn cả chứ?
Sau cuộc tuyển cử giả mạo đầu năm 1976, Khiêu Săm Phon lên thay Xi Ha Núc làm Quốc trưởng. Khiêu vốn là người dịu dàng, nhưng thực tế lại rất cứng rắn. Pôn Pốt và Yêng Sa Ri rất kính nể Khiêu. Khi còn là đại biểu Quốc hội Pôn Pốt và Yêng Sa Ri đi mécxêđéc, thì Khiêu đi xe đạp và xuống ruộng làm việc với nông dân. Thực ra toàn bộ đường lối Căm Pu Chia mà Pôn Pốt và Yêng Sa Ri thực thi đó là tư tưởng của Khiêu Săm Phon. Pôn Pốt tâm đắc một đoạn trong luận văn tiến sỹ của Khiêu, mà sau này Pôn Pốt lấy đó là tư tưởng chỉ đạo của mình: “Con người vốn là tốt, nhưng bị nền văn minh làm hư hỏng, rằng nền văn minh càng được thể hiện bằng một xã hội công nghiệp hóa thì con người càng hư hỏng. Sự chuyên chính của một nhóm nhỏ tri thức ưu tú - giáo dục cũng là nguồn gốc làm hư hỏng quần chúng. Chỉ cần một hệ thống xã hội thật đơn giản để duy trì sự trong sạch và sự lành mạnh của con người….”
Pôn Pốt và Yêng Sa Ri rất sùng bái câu nói cửa miệng của Khiêu Săm Phon: “Con người càng được giáo dục thì càng trở nên dối trá”. Khiêu còn dạy: “…Nhóm ưu tú sẽ làm công việc suy nghĩ, quần chúng sẽ làm công việc lao động. Họ càng lao động thì càng ít thì giờ để suy nghĩ vô ích”. Thực ra, Pôn Pốt cũng biết đây là tư tưởng của hoàng đế cổ đại về học thuyết quyền lực tối cao của lãnh tụ: “Hoàng đế ở gần trời nhất, do đó biết tất cả. Nhân dân chỉ cần lao động và tuân lệnh. Con người và ruộng đất, mặt trời và nước. Đó là tất cả những gì cần thiết cho một cuộc sống trong sạch, bình yên...”
Pôn Pốt thở một hơi dài nuối tiếc. Nếu không có bọn Duôn thì có lẽ y đã thực thi gần trọn vẹn đường lối của Khiêu Săm Phon trên đất nước của y. Và Căm Pu Chia sẽ là một nước đầu tiên xây dựng thành công Chủ nghĩa cộng sản chỉ trong vòng mấy năm. Chủ nghĩa Pôn Pốt - Khiêu Săm Phon - Yêng Sa Ri sẽ thay thế Chủ nghĩa Mác.
Vậy mà bây giờ y cùng bộ máy đất nước phải sống chui lủi ở nơi rừng thiêng nước độc, và còn có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Đất nước của y, đồng bào của y mà y phải sống như con chồn, con cáo. Càng nghĩ y càng căm thù. Hai bạnh cằm của y bỗng vồng lên, hai nắm tay y nắm chặt mép chiếc bàn, y quay sang hỏi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Xon Xen:
- Quân đội có thể chặn được bọn Duôn không?
- Thưa Thủ tướng, tôi nghĩ, bọn Duôn không có tinh thần chịu đựng gian khổ, lại rừng núi hiểm trở, địa hình mới lạ, mùa mưa sắp đến, chúng khó có thể chịu đựng được. Mặt khác ở biên giới phía Bắc Việt Nam chiến tranh đang bùng nổ dữ dội. Bọn Duôn phải căng ra, dàn trải để đối phó. Trong nước thì đói kém, lòng dân ly tán. Thế giới thì bị cô lập và lên án. Chỉ cần chúng ta trụ được vài tháng nữa, tôi chắc rằng, cuối mùa mưa này ta lại về PhNông Pênh.
Pôn Pốt đập tay xuống bàn:
- Tôi muốn hỏi tình hình chiến sự khu vực Quân khu Tây Nam?
- Thưa Thủ tướng, Quân khu Tây Nam vừa bị quân địch đánh vào, nhưng quân số hầu như còn nguyên vẹn. Các Sư đoàn 210, Sư đoàn 230, Sư đoàn 250 và hầu hết các đơn vị của Quân khu Tây Nam sau một thời gian giao chiến đã thiệt hại đáng kể. Sau khi địch rút Quân đoàn 3 và Quân đoàn 2 về Việt Nam. Tuy nhiên chúng vẫn để Quân đoàn 4 và Sư đoàn 320 của Quân đoàn 2 lại, tác chiến ở khu vực Quân khu Tây Nam của ta. Gần đây theo tin tình báo, tướng Lê Đức Anh tiếp tục điều Sư đoàn 310 đang tác chiến ở Quân khu 7 về hướng này. Đây là một sư đoàn mạnh, khi còn ở Công Pông Chàm đã tác chiến nhiều ngày với Sư đoàn 162 của ta. Hiện nay Sư đoàn 310 đang tập kết ở Ta Keo. Có khả năng sẽ hành quân về hướng Cô Công tác chiến thay Sư đoàn 4. Dự đoán địch có thể tập trung lực lượng đánh rã khu vực Cô Công, Pu Sát…
- Hướng Bát Đom Boong và Xiêm Riệp? - Pôn Pốt hỏi tiếp.
- Thưa Thủ tướng, chiến sự vẫn diễn ra quyết liệt. Hầu hết các đơn vị thiện chiến của địch được tung vào chiến trường này. Đối phương phát hiện ra ta có ý định xây dựng căn cứ ở đây.
- Tốt! - Pôn Pốt châm tiếp một điếu thuốc, rít liên tục mấy hơi liền làm đầu điếu thuốc đỏ lừ , tàn thuốc dài ra trông như một cục than.
Tiếp tục rà lại một lần nữa trên bản đồ, Pôn Pốt kéo Xon Xen và Yêng Sa Ri đứng dậy chỉ vào khu vực Bát Đom Boong và Xiêm Riệp, nói:
- Nhìn trên bản đồ, thì khu vực biên giới giáp Thái Lan này của Căm Pu Chia rất thuận lợi cho việc ta xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Bởi vì, từ đây đến Thủ đô Băng Cốc không bao xa, thuận lợi cho công tác bảo đảm của nước ngoài với ta, thuận lợi việc ngoại giao của một nhà nước kháng chiến. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí tăng cường binh lực, hỏa lực tại chiến trường này, nhằm thu hút lực lượng địch tại đây, nhử cho chúng đánh lấn sang Thái Lan, sẵn sàng đưa phóng viên nước ngoài đến để tố cáo trước thế giới. Cùng thời điểm, đề nghị đồng chí Xon Xen điều tiếp Trung đoàn 61 về đội hình Sư đoàn 162 ở Cô Công.
- Thưa…tôi nghĩ phải đưa 162 lên Xiêm Riệp, hoặc Bát Đom Boong?
Yêng Sa Ri ngửa người tựa vào cây săng lẻ sau lưng mỉm cười. Hơn ai hết Yêng hiểu người em cọc chèo của mình như đi guốc trong bụng, Y đập đập tàn điếu thuốc lá ra bên cạnh, nói thân mật:
- Xa Lốt Xa giỏi lắm…
Thực ra ý đồ của Pôn Pốt là kéo đối phương về hướng Bát Đom Boong và Xiêm Riệp, nhưng liền đó bí mật xây dựng căn cứ dự bị ở khu vực dãy Đậu Khấu và dãy núi Con Voi. Nơi đây địa hình cực kỳ hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đối phương từ nơi xa đến không thể trụ được lâu dài. Mặt khác vừa giáp biên giới Thái Lan lại có một vùng vịnh nối liền với biển đông bao la, thuận lợi cho cả việc tiếp tế của nước ngoài bằng đường biển và đường bộ, và nếu cần rút lui trên hai đường đó cũng rất thuận tiện. Nhưng y chỉ băn khoăn một điều, tại sao tướng Lê Đức Anh vẫn để Quân đoàn 4 và Sư đoàn 320 tại đó, đồng thời còn điều thêm Sư đoàn 310 về?
Sư đoàn 162 do đích thân Pôn Pốt thành lập và dìu dắt, nó đã tham chiến hàng trăm trận, và đặc biệt sư đoàn có Trung đoàn 61 do Tà Khốc chỉ huy đã trực tiếp tham chiến với quân Trung đoàn 7 chủ công của Sư đoàn 310 từ cuối năm 1978 dọc biên giới mấy tỉnh Công Pông Chàm, Kra Che,Tây Ninh, Sông Bé và Long An. Sư đoàn trưởng Chăn Rơn và Trung đoàn trưởng Tà Khốc là hai vệ sĩ trung thành số một của Pôn Pốt khét tiếng dũng cảm - nó phải là phên dậu của Pôn Pốt. Phía bên Việt Nam, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 là thiếu tá Trần Bá Luân cũng là một người chỉ huy cực kỳ tài giỏi, đã nhiều lần làm cho Tà Khốc phải lao đao. Rõ ràng cuộc đọ chiến này là một mất một còn. Trung đoàn 61 còn, nghĩa là Sư đoàn 162 còn và cũng có nghĩa là chính phủ của Pôn Pốt cũng sẽ còn.
Cảm thấy cuộc đời mình gian nan quá mà sự nghiệp chưa đi đến đâu. Mấy năm giành được quyền lực chưa được hưởng niềm vui thì phải lao vào vùng chiến trận. Y nhớ Keng Văn Xắc. Hồi còn sống và học tập ở Pa Ri, Pôn Pốt thường cùng Keng Văn Xắc tối tối đi uống rượu ở ngoại ô và tâm sự, vẽ ra biết bao viễn cảnh huy hoàng. Keng Văn Xắc thông minh là dòng dõi quí tộc. Năm 1900, ông nội của Xi Ha Núc là Hoàng đế Nô Rô Đôm cử thái tử Yu Kan Tho (cha của Keng Văn Xắc) sang Pa Ri để cầu xin một chút tôn trọng đối với phẩm giá của chính ông và đất nước Căm Pu Chia. Nhưng thái tử bị bắt giữ. Sau đó trốn sang Anh, rồi về Xiêm, sống lưu vong 34 năm và chết tại Xiêm mà không một lần được trở về Tổ quốc. Do việc lưu vong của thái tử mà người em trai là Xi Xô Vút được lên ngôi vua. Chị của thái tử Yu Kan Tho là công chúa Yu Kan Tho Pung Po được người Pháp cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngậm ngùi với sự thiệt thòi của Yu Kan Tho, bà đã thu xếp cho cháu là Keng Văn Xắc sang Pa Ri học tập.
Keng Văn Xắc chưa làm được bao nhiêu cho đất nước Căm Pu Chia nhưng di sản của Keng Văn Xắc cùng với Khiêu Săm Phon để lại không phải nhỏ. Để thực thi đường lối của Keng Văn Xắc, năm 1953 trong số những người đầu tiên trở về từ Pa Ri có Pôn Pốt, cùng một nhóm nhỏ các sinh viên. Về nước Pôn Pốt liên hệ ngay với Đảng Dân chủ - một nhóm tri thức “đứng giữa”, đứng đầu là Hoàng thân Can Thun, một người anh em họ của Xi Ha Núc. Khi đó lọt được vào và củng cố uy tín trong Đảng Dân chủ. Ít lâu sau Pôn Pốt cùng nhóm hỗn tạp các phần tử đối lập gồm cánh hữu, cánh tả và trung tâm được Xi ha Núc mời ra thành lập chính Phủ. Pôn Pốt coi lời mời này như là một bước đầu tiên để từng bước đàn áp cánh tả của Xi Ha Núc và Yđã bỏ vào rừng.
Vào rừng liên lạc với cánh tả, Pôn Pốt khai là đảng viên Đảng cộng sản Pháp và xin gia nhập Đảng cộng sản Khơ Me. Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương tách ra làm ba đảng độc lập, Pôn Pốt được phân công vào phụ trách Ban Dân vận của Đảng.
Nhiệm vụ đầu tiên của Pôn Pốt là nghiên cứu tình hình nông thôn để phân định rõ các hình thức bóc lột khác nhau, tình hình tư tưởng nông dân và quan hệ giữa nông dân và công nhân, nhằm đề ra đường lối đúng đắn trong cương lĩnh tương lai của Đảng. Pôn Pốt coi đây là cơ hội phát triển tư tưởng của Keng Văn Xắc và Khiêu Xăm Phon.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Pôn Pốt được cử đi học tại một trường dành cho cán bộ Đảng. Rồi hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết, Pôn Pốt được cử đến PhNông Pênh với cương vị là thành ủy viên Đảng Pra chia Chon để tổ chức sinh viên hoạt động.
Nhưng để leo lên được cương vị lãnh đạo của Đảng đối với Pôn Pốt cũng khó khăn quá. Bí thư Đảng Tu Xa Mớt là một chức vụ quan trọng mà Pôn Pốt rất cần để bước vào nấc thang quyền lực. Rồi sau một chuyến đi công tác Tu Xa Mớt đã bị mất tích. Pôn Pốt lập tức triệu tập đại hội bất thường bầu Bí thư mới. Những người được dự họp chủ yếu là phe cánh của mình và Pôn Pốt được bầu vào chức Bí thư thay thế Tu Xa Mớt.
Năm 1963, sinh viên biểu tình dữ dội. Xi Ha Núc phản ứng bằng cách thanh trừng cánh tả thân Đảng Pra Chi Chon. Khiêu Săm Phon bị cách chức Quốc vụ khanh sang phụ trách Kế hoạch hóa kinh tế. Pôn Pốt và Yêng Xa Ry lại bỏ vào rừng hoạt động vì sợ bị Xi Ha Núc thanh trừng.
Vào rừng, Pôn Pốt sử dụng cương vị Bí thư Đảng cộng sản Khơ Me hoạt động bí mật để đẩy mạnh chiến dịch đấu tranh vũ trang chống Xi Ha Núc, trong khi bọn thân Mỹ là Lon Lon Xi Rích Ma Tắc cũng hùa vào với CIA chống lại Xi Ha Núc.
Cũng như Lon Lon, Pôn Pốt muốn khôi phục đế chế Ăng Co cổ đại, nhưng khác với Lon Lon ở chỗ, Đế chế của Pôn Pốt chỉ gồm những người Khơ Me trong sạch về chủng tộc, trong sạch về chính trị và chỉ những người có đủ tiêu chuẩn đó mới được sống sót.
Cuối năm 1963 Pôn Pốt, Yêng Sa Ry bí mật rời Ph Nông Pênh ra vùng dân tộc ít người ở đông Bắc và sống tại đó, vừa là Bí thư trung ương Đảng, kiêm Bí thư khu ủy khu đông Bắc cho đến năm 1970.
Tháng 7 năm 1975 Pôn Pốt tuyên bố phong trào của Y đã “ra khỏi rừng núi và những vùng nông thôn hẻo lánh”. Cũng bắt đầu từ đây phe cánh của Pôn Pốt chính thức nắm quyền lực đất nước Căm Pu Chia.
Pôn Pốt thở dài nuối tiếc những ngày tuy gian khổ nhưng huy hoàng, kiểm điểm lại xem có gì sai lầm? Nếu như bây giờ để bọn Duôn chiếm toàn bộ đất nước của y thì y phải tổ chức kháng chiến để chống lại. Mà kháng chiến chống lại bọn Duôn không dễ dàng gì. Đến khi thắng lợi y đã già mất rồi. Sự nghiệp xây dựng một đế chế theo mô hình Cộng sản khó mà thực hiện nổi. Tất cả cũng chỉ mong chờ ở đất nước Trung Hoa. Hơn bao giờ hết Pôn Pốt rất cần chi viện của họ. Sự chi viện lớn nhất mà Trung Hoa giúp đỡ chính là cuộc chiến tranh toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, để dạy cho bọn tiểu bá một bài học. Nhất định bọn Duôn sẽ cuốn gói về nước để đối phó với cuộc chiến tranh phía Bắc mà thôi. Chẳng bao lâu, Pôn Pốt và Chính phủ của y lại trở về PhNông Pênh hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử dân tộc Khơ me giao phó. Nhưng trước mắt phải dựa vào rừng núi xây dựng được căn cứ kháng chiến, không phải một căn cứ, mà phải nhiều căn cứ, chính thức cũng có mà dự bị cũng phải có. Chỉ có căn cứ vững chắc thì mới có điều kiện phát triển phong trào, cuộc đời hoạt động của y đã dạy y như thế. Đất nước của y, rừng núi của y, trời xanh bao la là của y… Làm sao mà tướng Lê Đức Anh lừa y được. Nếu không muốn nói cú lừa chiến lược này y sẽ đưa quân đội Việt Nam sa lầy, không bao giờ vênh vang nữa.
Tờ tạp chí: “Cờ cách mạng” của Đảng nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Mặc dù đó là tờ báo đã cũ xuất bản từ cuối năm 1978, nhưng Pôn Pốt vẫn giữ bởi ở đó y đã đăng một bài báo quan trọng nhằm trấn an tinh thần quân và dân. Y cầm lấy cuốn tạp chí và mở ra. Dòng chữ màu đen hiện lên: “Việt Nam đang gặp khó khăn lớn vì không có lực lượng chiến lược để đánh, Căm Pu Chia có khả năng đánh sâu hơn nữa. Đi đôi với việc tiêu diệt giặc bên ngoài (Việt Nam) ta đã tiêu diệt bộ máy phản động trên toàn quốc như lực lượng phản động miền Đông, Tây bắc, Phnông Pênh, vùng 105, Kro chê, vùng 25, Quân khu Tây nam. Từ đầu tháng 6 năm 1978 Việt Nam đánh ta một, ta đánh 10; nội bộ ta trước phức tạp 10, nay chỉ còn một”.
Tờ tạp chí cuối cùng này xuất bản được mấy tháng, thì Việt Nam đánh giải phóng PhNông Pênh, Trung ương Đảng phải sơ tán vào rừng hoạt động, không có điều kiện xuất bản nữa. Pôn Pốt ngắm nghía tờ báo lòng nung nấu một quyết tâm phải tiếp tục xuất bản. Đây là tiếng nói của Đảng, đồng thời là tài liệu hết sức quan trọng làm công tác tư tưởng cho đảng viên, nhất là trong lúc chính quyền của Đảng bị mất.

Bùi Chí Nhân 
Nguồn: vanvn.net
Theo http://hobuinghean.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...