Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Gác Trịnh: Lấp loáng Nắng thủy tinh

Gác Trịnh: Lấp loáng Nắng thủy tinh
Sinh ra và lớn lên từ phố nhỏ này, tôi không lạ gì với căn gác mang họ tên Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa nhưng đã “Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.
Có những lúc ngang qua đường Nguyễn Trường Tộ, bất giác như một thói quen, tôi lại đưa mắt ngước nhìn lên khung cửa ấy, khung cửa của căn nhà số 203/19 đường này, tầng 2, thuộc khu tập thể Nguyễn Trường Tộ, dẫu chỉ là một khung cửa vô tri vô giác, nhưng tôi vẫn cảm nhận dường như có một đôi mắt mang kính cận của người quá cố lẩn khuất quanh quẩn đâu đó.
Ngược dòng thời gian, quay về thuở nhạc sĩ còn ở trong căn gác này…
Cao cao trên căn gác, tôi mường tượng hình ảnh ngày xa xưa của ông bên bàn làm việc, này là cây đàn, kia những bản nháp viết linh tinh bao nhiêu lời nhạc, xóa xóa ghi ghi một thời của ông. Và còn kia nữa, nào rượu nào ly, cà phê, nào thuốc lá và chiếc gạt tàn ăm ắp những tàn và đót thuốc… của chính ông, của những người bạn đến đây hàn huyên, trao đổi thơ ca bên nhau.
Có từng ngày đều đặn trôi qua như thế.
Gia đình nhạc sĩ về sống trên căn gác này vào năm 1962. Nơi đây ông đã viết những bản nhạc tuyệt hay, những ca khúc để đời. Ca từ trong các tác phẩm của ông luôn có vẻ gì bí ẩn, lồng trong những giai điệu cũng lạ lẫm nhưng thật tuyệt vời, nghe một lần rồi là nhớ, và muốn nghe lại mãi, thật nhiều lần…
Đôi khi, trong mơ hồ, tôi cảm nhận như là réo rắc, như là não nuột, như là một tâm trạng mỏi mòn. Phải chăng nhạc sĩ đã viết lên trong nỗi niềm đợi chờ một bóng dáng dấu yêu chẳng biết bao giờ mới đến bên ông?
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau.

Từ khi ông không còn ở đó nữa, và sau nay khi nhạc sĩ buông tay bỏ cuộc đời này, căn nhà đã trở thành một kỉ niệm không thể quên trong lòng của nhiều người Huế, với tên gọi rất thân thương: GÁC TRỊNH.
Nơi đây cũng là nơi chốn để đến đến, đi đi của nhiều người Huế, người Huế ở Huế thường xuyên đến đây là bình thường, người Huế đi xa trở về, cũng ghé lại…
Có khi bên ly cà phê đắng, ngắm những di ảnh của người quá cố, những kỉ vật còn mãi với thời gian trong không gian ấy, thấy như là ông vẫn hiện hữu, nói nói cười cười, chưa hề xa xôi.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay
Có khi tựa bên lan can căn gác, nhìn xuống con đường bên dưới, ngắm ngày qua tháng lại, dấu thời gian hằn sâu trên những hàng cây oằn lá, mà nghe như có tiếng của nhạc sĩ thầm thì:
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
Có khi thả hồn triền miên theo dòng nhạc của ông, khung cảnh ấm áp đầy ăm ấp hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa, vẫn còn đó hình ảnh ông sống mãi trong lòng người Huế, tay ôm đàn, cất tiếng hát, một giai điệu rộn ràng:
Ta mang cho em một đóa quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng
Có khi, đến đây, nghe nhạc của ông, nhấp ngụm trà thơm, để rồi cảm nhận, hình dung, trong căn gác cũ, vẫn dáng dấp phong trần, nhạc sĩ đang miệt mài sáng tác, ngoài kia mưa Huế sang mùa như lệ đổ ngàn hàng, màu trời nhuộm xám ngăn ngắt một màu buồn tênh, để chiều chủ nhật thuở nào càng thêm u ám, chợt nhận ra đời mình cô quạnh làm sao:
Chiều chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa, trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu
Và đâu ai biết được rằng, nơi vĩnh hằng, đôi khi nhạc sĩ bỗng thương nhớ quá ngày xưa, mà có lúc đã âm thầm, một mình một bóng… “Một đêm bước chân về gác nhỏ”. Và trong khuya khoắt tăm tối, người nhạc sĩ ấy, tuy không còn ai thấy được ông bằng xương bằng thịt, nhưng phải chăng là thoảng trong gió đêm, vẫn nghe ông rưng rức, như giận như hờn, như trách móc cuộc đời này, “… có bao lâu mà hững hờ’ …
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia
Một chiều, tôi trở về ngang qua đây, vẫn như bao lần, không quên ngước mắt nhìn Gác Trịnh, bóng nắng hắt hiu của những ngày cuối năm, nhòa nhòa nhạt nhạt nhưng vẫn mơ màng lấp loáng như màu “Nắng thủy tinh”, từ trong tiềm thức tôi ngỡ như mình đang nghe văng vẳng đâu trên căn gác đó vọng lại, âm thanh cây đàn ghi ta réo rắc của cố nhạc sĩ, hòa quyện giọng ca ngọt ngào, mượt mà, trong vắt của cô em gái Trịnh Vĩnh Trinh xinh xắn:
"Em qua công viên bước chân âm thầm
Ngoài kia gió mây về ngàn
Cỏ cây chợt lên màu nắng
Em qua công viên mắt em ngây tròn
Lung linh nắng thủy tinh vàng

Chợt hồn buồn dâng mênh mang…”
Thương tiếc vô cùng người nhạc sĩ tài hoa, thiên tài của nhiều thế kỷ.

Nắng Thủy Tinh - Khánh Ly Mp3 | NHAC.VN | 1744

Huế, Tháng Một 2018
Lương Thúy Anh
Theo https://khungcuahep.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...