Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Thơ Võ Chân Cửu

Thơ Võ Chân Cửu
Võ Phiến bảo trong tâm hồn một số văn thi nhân Bình Ðịnh có nét “u huyền” khó hiểu. Ông “mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu”. “Họ” đều đã nổi tiếng, trừ một người, người trẻ nhất. Vì trẻ, người ấy thuộc vào “Văn Học Miền Nam”. Ðây lời mời nhà thơ Võ Chân Cửu (theo gocnhin.net)
Bài trích từ Văn học Miền Nam, Tập IV - Thơ (trang 3167-3171) NXB Văn Học, California 1998:
Hoài Thanh nhân đọc Yến Lan nhận thấy các nhà thơ Bình Ðịnh (Yến Lan là người Bình Ðịnh) thường bị vầng trăng ám ảnh.
Quả cái vầng trăng ở bến My Lăng nọ là một kỳ bí. Trăng ấy gây bất an, gây đến sợ hãi. Không riêng trăng My Lăng mà thôi. Từ trăng của Yến Lan, trăng động Chua Me ở Sa Kỳ hay trăng đầy miệng của Hàn Mặc Tử, “trăng ma lầu Việt” của Quách Tấn, cho đến những “trăng ghì trăng riết cả làn da” của Chế Lan Viên..., tất cả đều là thứ trăng quái đản, làm ta rợn cả người.
Nhưng bảo rằng ở Bình Ðịnh chỉ có cái trăng là đáng khiếp, không đúng. Có trăng, lại có ma: ma lầu Việt, ma Hời, và yêu tinh, và quỉ quái... Và cả những khi không có ma quỉ gì ráo, chỉ có mấy chiếc lá rơi, thi nhân Bình Ðịnh cũng dựng nên cảnh hãi hùng:
“Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ,
Tiếng khu vang rạn khới đầu ta?
Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh
Như tiếng xương người rên rỉ khô?
Mơ rồi! Mơ rồi! ta mơ rồi!
Xào xạc chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thóang đôi hồi lửa đóm soi.”
(Mơ Trăng - Chế Lan Viên)

Chỉ có sao in đáy giếng, thi nhân Bình Ðịnh cũng ghê người:
“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?”
(Ta - Chế Lan Viên)
Chỉ có đám mây in hình xuống dòng nước, thi nhân Bình Ðịnh trông thấy cũng làm ta nổi da gà:
“Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.”
(Thơ Ðiên - Hàn Mặc Tử) 
Vậy đó. Cho nên sau này có những người lấy làm nghĩ ngợi về cái con người ở vùng đất này. Vâng, cái lạ lùng là của người, chứ không phải của trăng của ma. Không phải riêng trăng có sức ám ảnh như ông Hoài Thanh đã nói, mà cái gì cũng ám ảnh được người Bình Ðịnh: cái lá, cái sao, đám mây v.v. Mọi thứ, kể từ những thứ hiền lành nhất.
Ông Lại Nguyên Ân chẳng hạn, nhân bàn về Hàn Mặc Tử, ông luận luôn đến khí chất người miền Trung. Theo ông, người Việt miền Trung thì “khắc nghiệt, riết róng, quyết liệt, táo bạo, cực đoan”, thì “sôi máu, táo tợn, liều lĩnh” hơn người Việt ở cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Tiếng nói ở miền Bắc (kể từ ngữ âm đến từ vựng, ngữ pháp) vốn sáng và rõ. Tiếng nói miền Trung thì tối và đục, hoang dã; nó “chuyển” tải những cảm quan điên dại, siêu thực tế của con người trong những dò tìm về những cõi hư huyền, vô hình, vô ảnh trong những diễn tả về thế giới âm u”. Ngôn ngữ như thế, tồng hát cũng thế. Ngoài Bắc có chèo, ở Trung có tuồng. Ở chèo không có gươm có giáo, không có giặc giã, chính biến; trên sân khấu chèo toàn giọng nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo. Trái lại ở tuồng (hát bộ) thường có gào có thét, có giết chóc dữ dằn, rộn rịp đầy những hùng binh dũng tướng. Do khí chất mà khác nhau cả (1).
Đồng bào ngoài Bắc cũng như trong Nam thường xem như trên giải đất từ Thanh Hóa vào Phan Thiết mọi sự chung chung là giống nhau; giọng Huế là giọng miền Trung; ông Ngô Đình Nhu là cái thâm hiểm của miền Trung v.v.. Thực ra, suốt giải đất dài ngoằng, quá dài ấy, có nhiều dị biệt: giọng nói Nghệ Tĩnh không hề giống giọng Phan Rang Phan Rí, tính người Nam Ngãi khác hẳn tính người Trị Thiên; cha đàng ngoài, mẹ đàng trong của Xuân Diệu, mặc dù đều là người Việt miền trung cả, vẫn khác nhau rõ rệt v.v.. Cho đến nay, khó mà biết được thực ra những cái gì là đặc điểm chung cho các thể hiện tâm hồn của người miền Trung. Những điều mà ông Lại Nguyên Ân vừa nói, đại khái là chỉ hợp cho một vùng Bình Định thôi: Tuồng (hát bộ) gốc Bình Định, Hàn Mặc Tử và bạn bè trong nhóm ông hầu hết là Bình Định.
Tất nhiên tôi không muồn giành giật với các tỉnh khác, không muốn vơ vào cho Bình Định làm gì tất cả những cái “sôi máu”, “táo tợn”, và “hoang dã”, và ối trời! cái “điên dại nữa. Làm như thế chỉ e bị bà con đồng tỉnh trách giận thôi, ích gì? Chẳng qua phần ai nấy gánh.
Võ Chân Cửu đã gánh đủ.
Này xem: Xa làng lâu ngày, một hôm trở về ông thấy núi thấy mây ở quê mình:
“Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro....
Mười năm làng cũ không về
Ðăm đăm mây trắng lê thê mái đầu.”
(Ðăm đăm mây trắng)
Trên đất nước này, bạn có từng bắt gặp cái núi ở nơi nào nó ngồi như vậy không? Bạn ngờ rằng thứ núi co ro đáng hãi nọ ngẫu nhiên là đặc cảnh địa phương chăng? Không phải vậy đâu. Không cần nhìn cảnh làng mình Võ Chân Cửu mới thấy ra vậy; ngay lúc đi giữa thành phố Sài Gòn ông cũng thấy những cái khó có người thấy:
“Ngã ba ngã bảy xe đi khuất
Cơ khí xen cùng nhịp gió mưa
Tiếng ma thiên cổ vong u uất
Vắng lặng buồn xo suốt bốn mùa.”
(Sài Gòn)
Những mây lê thê, những ma thiên cổ nọ là ở trong hồn người, không ở ngoài cảnh vật. Trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ tuổi người Bình Ðịnh cách xa trường thơ “loạn” một thế hệ, vẫn cứ còn chất chứa đầy những “hư huyền, âm u”.
Cái gì đã phủ xuống cuộc sống tâm linh của nơi này màn u huyền ấy? Tôi không hiểu nổi đâu, không dám lạm bàn tới đâu. Có lúc tôi thấy quanh mình toàn thị những bà con chất phác thuần hậu. Có lúc khác lại đối diện với những con người quằn quại dị thường. Biết nói sao, ngoài việc mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu, suy nghĩ?
Ghi chú:
(1) Lại Nguyên Ân - “Khí chất người miền Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử”, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 1 tháng 12-1991.
1/1993
VÕ PHIẾN
Theo http://haibogiay.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...