Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Thơ của người tha thiết gọi đất sâu

Thơ của người tha thiết gọi đất sâu
Đối với bất cứ người đọc nào, một tác phẩm văn học có giá trị bởi chính sự thật nghệ thuật và sự thật cuộc sống mà nó chứa đựng. Hơn nữa, từ sự thật nghệ thuật và sự thật cuộc sống bên trong tác phẩm văn học, người đọc có thể hiểu cá tính sáng tạo của nghệ sĩ và sự vận động của văn học. Mới đây, sự xuất hiện của tập thơ Vị mặn hồi sinh (*) của Hải Trung trên thi đàn đã để lại dấu ấn tốt đẹp là người đọc không cự tuyệt hiện thực sáng tạo mà mình đang giao tiếp với một sự hòa điệu diễn ra trong cảm nhận.
Chạm tay lên lớp rêu xanh chợt nghe hồi ức xám. Những giọt mồ hôi không rõ màu của tiền nhân kết tủa nên hồn thiêng, lung linh trong vũ điệu thời gian... Không phải muối mà cứ mặn lòng nhau, chẳng cổ tích ánh mắt vẫn đẫm màu truyền thuyết,- trở thành phương tiện thể hiện tư tưởng thẩm mỹ của tác giả, những câu thơ văn xuôi này mở đầu tập Vị mặn hồi sinh với tính tạo hình giàu sức gợi. Dường như là ngay lập tức, tứ thơ hé mở trước người đọc cánh cửa cảm thụ chất liệu nghệ thuật được Hải Trung sử dụng để xây dựng tác phẩm của mình là hiện thực đã qua trong đời sống xã hội. Trong tác phẩm đó, Hải Trung tiếp nhận đời sống tinh thần của dân tộc vốn đã trở thành những tầng sâu văn hóa, bề dày lịch sử. Cội nguồn cảm hứng và cảm xúc nghệ thuật này tạo nên một chủ đề sáng tác khá độc đáo. Bằng sự sáng tạo của tư duy nghệ thuật, Vị mặn hồi sinh cho thấy sự đa dạng đến kinh ngạc của những vỉa văn hóa trong lòng đất mà qua chúng, con người cảm nhận được tâm hồn của dân tộc, ý thức được về sự phát triển của đời sống và giá trị lịch sử của di sản:
... Từng lớp một
tro than, gạch cũ
mảnh sứ, mảnh sành trải những hoa văn
từng lớp một, đau đáu hồn dân tộc
đất thiêng liêng dâng trang sử ngàn năm
(Khảo cổ)
Có cảm giác Hải Trung làm công việc khảo cổ bằng ngôn ngữ thơ ca và cùng với thiên chức của một thi sĩ thuộc về Huế - thành phố có những di sản văn hóa của nhân loại. Qua sự tôn phong di sản văn hóa bằng ngôn từ của Hải Trung, người đọc nhận ra từ những tứ thơ trong Vị mặn hồi sinhcó sự khẳng định văn hóa của dân tộc trong quá khứ đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ tiếp nối cũng như nuôi dưỡng nghệ thuật thơ ca. Làm cho cảm giác đó gần lại với người đọc, có lúc Hải Trung nhờ một ngọn tháp trầm tư:
... Ơ cánh nhạn đã xa nào thấy nữa
mà đỉnh kia vẫn tháp vọng trầm tư
bóng thời gian loang dần theo nỗi nhớ
đêm vun đầy trang giấy những câu thơ
Mắt bát ngát cánh cò huyễn hoặc
dấu tích xưa gạch cũ đỏ đất dày
hoa văn trải dọc triền sông núi
nâng bồng bềnh xa ngái chân mây
(Gió Tuy Hòa)
Dấu tích văn hóa mở ra một địa bàn rộng lớn cho trí tưởng tượng sáng tạo và Hải Trung đã có hành động sáng tạo bằng thơ trên cơ sở khám phá từ ngực biển căng tròn màu dưa hấu An Tiêm (Thời gian), từ tiếng cồng sặc hơi men âm vực lạc mắt/ múa thành hoa văn/ thành ước mơ ngấm sâu vào đất (Hoa văn miền cao). Đã có sự bùng cháy bên trong mỗi lần anh chạm tới vẻ đẹp tự thân của văn hóa, khi thì trên kiến trúc dân gian ở làng quê, lúc thì trên một con sông của đất nước. Và đó là cách sáng tạo văn hóa của một người đã được khoa Ngữ văn-Đại học Tổng hợp Huế đào tạo 20 năm về trước:
Làng quê
bàng bạc gió
trải mây làm chiếc chăn
đi tìm vết dấu cũ
mái chùa cong ánh trăng
(Vọng làng)
... sông hiền triết một màu thắm đỏ
vỗ về năm tháng bằng hồn vía phù sa
có những bài ca trổ giữa rừng Chăm-pa
đường đất đỏ oằn lên khát vọng
ảnh tượng non sông bừng trên đầu ngón tay xáo động
lăm vông cháy sáng giữa canh dài
(Bài ca theo dòng Mê Kông)
Là một sự phản ánh đặc biệt cuộc sống, Vị mặn hồi sinh khám phá bản chất thẩm mỹ, bản chất nhân văn của những trầm tích, dấu tích và sinh hoạt văn hóa mà trong phạm vi cảm thụ của người đọc, chúng có khả năng phát nghĩa theo ánh sáng của ngôn ngữ thơ ca. Và, chính ý nghĩa của các di tích và hoạt động văn hóa đã khiến Hải Trung cảm thấy thời gian nhiều lúc nung màu gạch đỏ và hiểu rằng những giọt mồ hôi không rõ màu của tiền nhân sẽ chảy mãi trong ta, chan hòa trong em và hồi sinh kiếp kiếp. Một lần nữa, tâm sức của cha ông trong sáng tạo văn hóa để truyền lại cho con cháu hồn phách của dân tộc trở thành gốc rễ của những câu thơ khẳng định sự hồi sinh kỳ diệu, sự tiếp biến bất tuyệt và sự dẫn dắt không ngừng của văn hóa dân tộc. Trước dòng chảy kỳ diệu đó, tác giả trở thành một trong những người tha thiết gọi đất sâu để trưởng thành trong đời sống và trong thơ ca:
... Mồ hôi rơi gieo hạt của mùa sau
càng đi xuống lòng đất ngày mỗi mới
nắng nảy mầm tha thiết gọi đất sâu
(Khảo cổ)
(*) Vị mặn hồi sinh, thơ Hải Trung, NXB Hội Nhà văn - 2009.
Nguyễn Bội Nhiên
 Theo http://baoquangnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bão gió nghiêng đêm – Chùm thơ của Thuận Ánh 3 Tháng Ba, 2023 Em cùng em đi qua mưa gió với màn đêm/ Qua những chặng lo toan nhiều hờn...