Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Trong chốn quen - Thơ tìm "Cõi lạ"

Trong chốn quen - Thơ tìm "Cõi lạ"
"Cõi lạ" là tập thơ thứ ba của Thu Nguyệt, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2000. Quê Cao Lãnh, Đồng Tháp, Thu Nguyệt từng là học viên khóa 3 trường Viết văn Nguyễn Du, nay cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng hồn vía chị đêm ngày chừng như thấp thỏm với con nước lớn ròng sông rạch Tháp Mười. Cả tập thơ là một niềm canh cánh nhớ quê hương, mà nhớ nhất là nhớ nước, với những dòng lục bát mượn thế sông đi mà cảm động, mà riu riu cả nỗi niềm phù sa tôm cá: Ta ra thành phố xa đồng - Đốt nhang nhìn khói bay vòng mà thương - Nhớ cồn cào nước kinh mương - Vắng mình rải lá xem đường nước trôi - Đã xa thì lỡ xa rồi - Buồn! đem thau nước ra soi bóng mình (Nhớ nước). Khi đang đọc bài thơ này thì nhà thơ trẻ Lê Quang Sinh đến chơi, tôi bèn khoe mấy câu lục bát trên của Thu Nguyệt và cùng anh khen thơ viết giỏi. Chợt Sinh bảo tôi: "Em thấy chữ "buồn" đầu câu thứ 6 đoạn thơ trên chưa đã lắm!" Tôi ngẫm nghĩ bạn mình thưởng thơ như vậy là tinh. Giá mà tác giả sửa chữ "buồn" thành chữ "giờ" thì câu thơ còn có thể hay hơn: Giờ đem thau nước ra soi bóng mình. Đặt chữ "buồn" vào đây là tác giả viết hơi lộ. Đừng áp đặt tình cảm mình lên người đọc kiểu níu tâm trạng đoạn thơ vào một nỗi niềm cụ thể, không cho thơ mình đi theo những trạng huống tình cảm nhiều khi còn rộng hơn, sâu hơn cả chính nỗi buồn. Thơ nói về nỗi "buồn" hay nhất là tránh buột bút ra kêu buồn quá. Cũng như khi con người khổ đến tận cùng, yêu đến tận cùng thì họ không kêu lên rằng tôi khổ quá, tôi yêu quá! Một người ngồi trong phố nhớ sông nước, nhìn khói nhang nghi ngút nhớ khói đốt đồng, hình dung ra sông chảy mà quặn thắt ruột gan sững sờ bê thau nước ra, xem may ra có thể nhìn thấy tâm hồn kinh rạch, con người đó cô quạnh lắm, nhớ nhà lắm, buồn lắm, bơ vơ lắm.
Thu Nguyệt thường tìm "cõi lạ" trong thể thơ rất quen là lục bát. Chị lại hay tìm "cõi lạ" trong chính chốn quen của đời sống. Nhà thơ trải bày tâm hồn mình lên mọi hiện hữu hằng ngày, mọi trải nghiệm thường tình của cõi người trong mình và quanh mình. Đoạn cuối bài "Với núi", chị có những câu thơ vừa hư ảo vừa đầy suy tư, nghĩ ngợi, mượn núi tả sương, mượn bóng mình tả gió, mượn núi cao vời vợi để tả  niềm cô đơn kiếp người: Núi buồn, đá tựa vào sương - Em ngồi, bóng tựa vào đường gió đi - Núi hời! cao để làm chi - Ta hời! Ta để làm gì cho ta?! Đá núi tưởng vững bền làm vậy mà vẫn phải tựa vào cái thoắt ẩn thoắt hiện, cái hư ảo là sương để tồn tại. Cũng như thế, mọi cái lạ lùng của thi ca chừng như muốn chứng tỏ mình là lạ, cần phải tựa, phải vịn vào chính cái quen thuộc hàng ngày. Hãy xem Thu Nguyệt biến cái quen thuộc vô cùng là "Nhà mình" thành điều lạ của vui sống, hóm hỉnh và của chính thi ca: Bàn tay các con rửa suốt ngày không sạch - Khâm phục nhìn tay trắng mẹ cha. Cuối bài thơ "Nhà mình" này, Thu Nguyệt hạ mấy dòng lục bát thật tài hoa: Đêm qua trời chuyển thu rồi - Lá đâu một chiếc bỗng rơi vào phòng - Giọt buồn nhễu hạt long tong - Vậy mà cứ tưởng là không…  Thiệt tình!
Chiếc lá ấy là tấm chân tình của mùa thu gửi tặng, mang thông điệp của "cõi lạ" làm giật mình chốn quen. Trong tập thơ này , chừng như Thu Nguyệt bị hội chứng lá ám ảnh, hay có thể chị đã trở thành một nhà "lá học" nên thường nghĩ, thường vui buồn, thương cảm rụng rơi, úa vàng với lá: Đừng hờn nhé lá khô ơi - Vô tình ta bắt mi rời rừng xanh (Lá khô). Nhà thơ tìm thấy thân phận mong manh mình trong thân phận lá. Khi đứng giữa trời thu Hà Nội, chị thấy mình chợt chia làm hai nửa: nửa còn níu lấy nỗi xanh mùa hạ, nửa đã ngả vào  thu vàng hiu hắt, thành ra đành khoác thời trang "nửa vàng nửa xanh" mà đứng giữa hai mùa, mà "hoang mang" với nỗi sắp rơi của lá: Chớm thu Hà Nội hoang mang - Mình như chiếc lá nửa vàng nửa xanh. Nhà thơ sợ lá chưa được mùa thu nhuộm vàng hết đã bị gió bứt lìa cành  nên rủ rê lá theo mình về chung sống bằng vần lục bát nghe còn đau hơn niềm lá rụng: Lá nè! về ở với ta - Vui buồn lật lại lật qua mấy hồi.
Thực ra kiếp người hay kiếp lá cũng chỉ là sự "lật qua lật lại mấy hồi", lật lại là người, lật qua là lá, lật lại là vui, lật qua là buồn, lật lại là sống, lật qua là chết, lật lại là chồng, lật qua là vợ...Và thi ca có khi cũng cần tuân thủ nghệ thuật "lật qua lật lại" của tạo hoá: lật lại là quen, lật qua là lạ đó thôi. Thu Nguyệt thường dùng lục bát để nói, để nghĩ việc đời, thậm chí việc của tự nhiên nhưng rồi có khi cũng tình tứ mặn nồng chuyện yêu đương lắm. Ít có nhà thơ nữ nào làm thơ tặng chồng tình cảm và thấm thía như Thu Nguyệt: Chồng ơi vợ nói nghe nè - Đan tay nhau để cùng nghe khứ hồi - Thẹn thùng một chút xíu thôi - Đủ làm say suốt cuộc đời chúng ta - Tay nào tay đó đâu xa - Chỉ cần tay nhớ đến là có tay. (Tay tình).
Trong bài thơ rất khá này có một đôi lục bát đọc lên nghe thú vị: Ngượng ngùng mình nắm tay không - Ngập ngừng nghe tiếng gió đồng mối mai. Câu lục bát trên bị chính chữ "mối" làm sượng. Người ta thường nói "mai mối" chứ ai lại nói ngược thành "mối mai" Chẳng qua vì việc ép vần "mai" mà nhà thơ phải bắt mối lên trên thành"mối mai". Nhà thơ càng có tài càng phải chú ý thật kỹ tới "chữ", vì thơ nói cho cùng là nghệ thuật dùng chữ vậy. Nếu bỏ chữ "mối" làm mọt câu thơ mà thay bằng một chữ "làm": "làm mai": Ngập ngừng nghe tiếng gió đồng làm mai thì câu thơ chợt hay hơn nhiều. Trong "Cõi lạ" còn có đến bảy trường hợp chỉ cần chỉnh một chữ câu thơ sẽ được đổi kiếp bằng ngòi bút "lật lại lật qua" của lao động nghệ thuật. Trong lục bát, Thu Nguyệt cần tránh sự lặp vần, ví như bài thơ "Cõi lạ" in ở trang đầu của tập thơ: Trút tình vào chốn hư không Ta như sợi chỉ đèo bòng treo chuông - Loay hoay giữa một con đường - Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân. Chữ cuối của câu lục bát phải đi tìm vần khác, không được lặp lại vần của nhịp sáu tám trên. Rất tiếc, việc lặp vần trong lục bát hiện nay khá phổ biến, ngay cả một số nhà thơ nổi tiếng đôi khi cũng mắc lỗi này. Thu Nguyệt còn cần tránh lặp đi lặp lại một số ý tứ, một số mô típ quen thuộc đã viết ở các tập trước hoặc ở chính trong tập này. Nhưng sở trường của Thu Nguyệt là thơ lục bát. Chị viết được nhiều câu, nhiều bài lục bát khá và hay, thậm chí có bài, có câu viết rất điêu luyện mà vẫn giữ được nét hồn nhiên tươi mới, nghĩ mà không làm ra vẻ nghĩ, đau mà không tỏ ra đau, lại cứ làm như vô tư, vô tình vậy.
Tuy nhiên, có khi Thu Nguyệt cũng thành công ở thơ tự do. Tôi xin chép lại bài thơ "Cổ tích chúng mình" là bài thơ có tứ hay của chị để bạn đọc cùng thưởng thức:
Có chuyện này em kể anh nghe
Ngày mới quen nhau
Em kiêu hãnh ví von mình là đá
Anh khiêm tốn xin làm dòng suối nhỏ
Tháng ngày qua…
Dòng suối lao vào đá
Chồm lên thành dòng thác ầm ào
Mạnh mẽ hơn và hùng vĩ biết bao
Hòn đá lao vào suối
Tự lúc nào thành hòn cuội tròn xoe
Câu chuyện này em chẳng kể ai nghe.
Giá tác giả bỏ đi câu kết và câu “Mạnh mẽ hơn và hùng vĩ biết bao” thì bài thơ sẽ hay hơn. Đây là bài thơ của một người đàn bà mượn chuyện đá hóa cuội, nước biến đổi đá mà tôn vinh người đàn ông hết mực. Rằng tình yêu anh là nước, là suối là thác đã biến đổi sự cứng cỏi của hòn đá trong em, gọt rũa đá để nó biến thành "hòn cuội tròn xoe" ngoan hiền ngủ trong lòng suối, thác. Rằng em cứ tưởng mình cứng cỏi như đá trước dòng suối anh, nhưng rồi nước chảy đá mòn, em không còn là em nữa mà đã hòa trong anh như cuội hòa vào lòng suối. Nhưng thực ra đây lại là bài thơ tôn vinh đức hy sinh vô bờ của người phụ nữ. Thơ chúng ta cũng cần phải học cách chung sống giữa con suối và hòn đá kia để có cơ biến đá xù xì quen thuộc thành viên cuội mới mẻ trong "cõi lạ" chăng?.
Trần Mạnh Hảo
Nguồn: Báo Văn nghệ quân đội 
số 105 ngày 25-6-2001
Theo http://thunguyetvn.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...