Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Văn chương trẻ: Đông tác giả, hiếm nhà văn

Văn chương trẻ: 
Đông tác giả, hiếm nhà văn...
Bước sang thế kỷ XXI, văn đàn nước ta đã có những khởi sắc mới với sự xuất hiện của các cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X. Nhà văn trẻ chiếm lĩnh các trang văn nghệ của các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Nhưng không phải cứ có “đông” tác giả thì tất yếu sẽ có “nhiều” nhà văn.
Đến nửa cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, hàng loạt tập truyện ngắn mà tác giả là các nhà văn trẻ được xuất bản đã khuấy động đời sống văn học cả nước. Phan Hồn Nhiên với Công ty. Đỗ Bích Thúy với Những buổi chiều ngang qua cuộc đời. Di Li với Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục. Đỗ Tiến Thụy với Gió đồng se sắt. Cấn Văn Khánh với Khi nào anh thuộc về em. Ngoài ra, các tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, Huỳnh Thạch Thảo, Lê Hoài Lương, Hoa Ngõ Hạnh, Phan Triều Hải, Nguyễn Danh Lam... cũng trình làng những tác phẩm của mình. Hình như thể loại truyện ngắn có dung lượng... ngắn, không chuyển tải hết “những điều muốn nói” nên các nhà văn trẻ lại thử sức với thể loại khác, đó là tiểu thuyết!.
Theo nhận xét của nhiều người quan tâm đến văn chương trẻ, mấy năm gần đây, tiểu thuyết của các cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X ngày càng được mùa! Trước hiện tượng “trăm hoa đua nở”, có nhà văn thế hệ đàn anh cho rằng, văn đàn nước ta xuất hiện lớp nhà tiểu thuyết mới sẽ tới một ngày họ đủ sức thay thế các nhà văn lớp trước...
Lướt nhìn giá sách văn học ở các nhà sách, đúng là tác phẩm của các nhà văn trẻ được bày bán khá nhiều. Có điều, nội dung phản ánh trong những tác phẩm đó là gì? Các nhà văn thuộc thế hệ 7X có sự từng trải, chiêm nghiệm nên thiên về đề tài lịch sử (Nguyễn Một với tiểu thuyết Đất trời vần vũ), hoặc đề tài nông nghiệp-nông thôn (Đỗ Tiến Thụy với tiểu thuyết Màu rừng ruộng, Nguyễn Thế Hùng với tiểu thuyết Họ vẫn chưa về). Một số cây bút khác lại khai thác đề tài trinh thám với yếu tố kinh dị (Di Li với tiểu thuyết Trại hoa đỏ), hoặc đề tài nhuốm màu huyền ảo nhằm phản ánh tận cùng “bản ngã” (Nguyễn Hiệp với tiểu thuyết Làng người xanh)... Hầu hết tiểu thuyết của các tác giả này do ít được quảng bá giới thiệu nên không tạo ra “cơn sốt” đối với độc giả. Và mức độ thành công của họ cũng khác nhau. Bởi mỗi người có một cách viết riêng, với hình thức biểu đạt “cổ điển” hoặc “hiện đại”. Điều đáng mừng là có hai tác phẩm tham gia cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã lọt vào vòng chung khảo, đó là tiểu thuyết Đất trời vần vũ (Nguyễn Một) và Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng).
Nhà thơ nữ Bùi Tuyết Mai (tỉnh Hòa Bình) 
với các cây bút xứ Quảng bên Cửa Đại - Hội An 
khi tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII.
Cùng khai thác đề tài tình yêu - tình dục, bằng những tác phẩm của mình, các cây bút thuộc thế hệ 8X, 9X đã khuấy động đời sống văn học cả nước vốn ắng lặng lâu nay. Hà Kin có Chuyện tình New York. Nguyễn Đình Tú có Nháp. Tiến Đạt có Thể xác lưu lạc v.v... Việc tiếp thị các tác phẩm khai thác “đề tài muôn thuở” với cái nhìn thông thoáng cởi mở hơn, hiện đại hơn, được các đơn vị liên kết với nhà xuất bản tổ chức thực hiện khá bài bản. Nhiều bạn đọc đổ xô tới các nhà sách tìm mua nhằm tìm hiểu xem các tác phẩm ấy viết thế nào mà báo chí lăng-xê dữ quá! Và một khi đọc xong, gấp sách lại, không ít người không khỏi thất vọng. Nháp - cuốn tiểu thuyết best-seller của Nguyễn Đình Tú, đề cập trực diện những vấn đề mà giới trẻ quan tâm: sex, đồng tính, thế giới trên mạng internet...
Và theo lời tác giả, đấy là “cuốn tiểu thuyết về ẩn ức tình dục của những thanh niên trẻ, nói một cách nôm na là những người có tâm bệnh về tình dục”. Chuyện tình New York cũng là một cuốn tiểu thuyết “bán rất chạy” của Hà Kin, nhưng tác giả cũng đã thừa nhận rằng “tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện, không phải là một tác phẩm văn học”. Còn Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt xoáy sâu vào “niềm vui xác thịt” để giải tỏa nỗi cô đơn của một con người.
Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các nhà thơ đua nhau làm thơ tình. Các tập thơ tình chiếm lĩnh các quầy sách. Và phong trào làm thơ tình chỉ thoái trào khi người yêu thơ bị “bội thực”. Còn ngày nay, tiểu thuyết viết về chuyện giường chiếu gối chăn... đang được các nhà văn trẻ đua nhau sáng tác. Lý giải về hiện tượng này, một nhà thơ trẻ là chủ nhân trang web lethieunhon.com cho rằng: “Văn chương trẻ vẫn được viết theo kiểu phong trào, con gà tức nhau tiếng gáy. Họ thấy bạn viết tiểu thuyết, nếu mình không cố “rặn” ra một cái gì thì bí bức khó chịu mà không biết mình còn thiếu nhiều thứ. Nên khi đã viết ra mấy chục trang là bế tắc, không thể viết tiếp. Cuối cùng sinh ra những trang tiểu thuyết hời hợt. Viết hời hợt thì chỉ đón nhận được cái danh hão thôi, nhưng tiếc là những người như thế giờ hơi bị nhiều”. Và đó cũng là nguyên nhân khiến văn chương trẻ “đông tác giả, hiếm nhà văn”...
Nguyễn Tam Mỹ
 Theo http://baoquangnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...