Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Giao lưu cùng tác giả "Ngày xưa Hoàng Thị"

Giao lưu cùng tác giả "Ngày xưa Hoàng Thị"
Trước ngày làm chương trình: Thơ Phạm Thiên Thư-giai điệu Phạm Duy do Tạp chí Văn nghệ Gia Lai và Cà phê Sê San của Công ty cổ phần Phát triển Thủy điện Sê San tổ chức một buổi, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai-nhà thơ Văn Công Hùng gọi điện đề nghị tôi đọc 10 đoạn thơ trích trong tập “Động hoa vàng” của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Tôi hăm hở nhận lời, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cùng ê kíp thực hiện chương trình tích cực tập luyện, mong muốn đem đến cho người yêu mến thơ ông và âm nhạc Phạm Duy một món quà văn học nghệ thuật hấp dẫn, bổ ích.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư (thứ 5 từ trái sang). 
Ảnh: Thanh Hương
Ông là một nhà thơ tài hoa, làm thơ khi 4 tuổi nhưng mãi đến năm 1968 mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên, chủ yếu để tự đọc, tặng một số bạn bè thân. Một nhà thơ tài hoa nhưng trong cuộc đời sáng tác ông lại chẳng muốn ai biết về mình, một nhà thơ từng đi tu 9 năm rồi hoàn tục, 3 đời vợ. Nhắc đến ông, độc giả nhớ ngay đến “Ngày xưa Hoàng Thị”. Những tác phẩm của ông ở từng thời điểm khác nhau đem đến cho người đọc những cảm nhận vô-hữu về cõi đời, cõi người. Có nhiều người nói rằng thơ ông cứ miên man như một dòng sông làm thanh mát tâm hồn người đọc.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đã thi hóa Kinh Phật, ông xuất hiện trong làng thơ như một người tu sĩ, rao giảng Phật Pháp bằng thi ca như: Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ, Chiêu Hồn Ca, Đoạn Trường Vô Thanh... Thơ ông nửa đời, nửa đạo, tâm linh khác thường, làm cho độc giả lãng đãng và ngẩn ngơ: Em làm trang tôn kinh/ Anh làm nhà sư buồn/ Đêm đêm buồn tụng đọc/Lòng chợt nhớ vương vương/ Đợi nhau từ mấy thuở/ Tìm nhau cõi vô thường/ Anh hóa thân làm mực/ Cho vừa giấy yêu đương...” (Pháp Thân).
Poster quảng cáo chương trình có ông góp mặt treo trang trọng trước sảnh lớn của Khách sạn Sê San. Không gian cà phê Sê San không đủ chỗ cho khán giả yêu mến nhà thơ nên đến giờ chương trình bắt đầu khán giả trong khán phòng chật kín, bên ngoài nhiều khách ngồi nhưng chỉ nghe được cuộc trò chuyện giữa ông và nhà thơ khách mời Văn Công Hùng cùng các bài hát, bài thơ. MC Nguyễn Sơn rất chuyên nghiệp trong cách dẫn dắt và kết nối chương trình với công chúng. Anh đưa khán giả vào không gian thơ nhạc Phạm Thiên Thư-Phạm Duy bằng cách riêng và duyên, bằng giọng nam trầm truyền cảm, bằng những câu chuyện ngoài lề văn chương của tác giả, bằng những liệt kê tác phẩm và sự kiện đáng nhớ trong lịch sử văn chương trước năm 1975...

Khán giả lặng im lắng nghe giai điệu tha thiết trong sáng của “Ngày xưa Hoàng Thị” qua giọng ca Ánh Nguyệt, bài hát “Quán Thế Âm” với giọng ca ngân luyến tinh tế của cô giáo thanh nhạc Nguyên Vy, và một số ca khúc phổ thơ ông qua sự thể hiện của các ca sĩ Hồng Son, Thanh Hùng.... Thơ ông, qua giọng đọc thánh thót, chậm rãi, trải đều trầm bổng trên nền piano của hai nữ nhà thơ trẻ Gia Lai: Hoàng Thanh Hương và Đào An Duyên tạo nên một điểm hút sâu lắng, trữ tình cho khách yêu thơ đêm ấy.
Ở tuổi 72, nhà thơ Phạm Thiên Thư khỏe mạnh, minh mẫn và hiền hậu. Nhà thơ Văn Công Hùng phỏng vấn ông một cách thật thoải mái, chẳng cần kịch bản và câu hỏi soạn sẵn, đơn giản là cách trò chuyện giữa nhà thơ thế hệ đàn anh và nhà thơ trưởng thành sau 1975 với những câu hỏi xoay quanh chuyện nghề chuyện đời, về xu thế viết của những người trẻ với thể thơ lục bát truyền thống. Nhà thơ cởi mở bộc bạch, xúc động mỗi khi nghe/xem các ca sĩ, nhà thơ trẻ thể hiện tác phẩm của mình. Ông khép mắt, hai tay đan nhau, khuôn mặt đầy cảm xúc. Lần đầu tiên đến Pleiku, ông dường như đã cảm nhận được đủ đầy, trọn vẹn tình cảm nồng ấm, chân tình của người Phố núi dành cho ông. Có lẽ vậy nên chỉ vài ngày ở đây ông đã cảm tác viết được một bài thơ dài về Pleiku. Cộng sự của ông đánh máy cẩn thận và photocoppy tặng cho khán giả đến thưởng thức chương trình.
Phải mất 6 tháng để chương trình này được tổ chức ở Cà phê Sê San. Những người tổ chức và các nhà tài trợ đã rất tâm huyết thiết kế, biên tập và phối hợp tập luyện phần ca và phần đọc thơ, rồi âm thanh, nhạc công, ánh sáng, khách mời để đêm 24-11-2013 chương trình gặp gỡ nhà thơ nổi tiếng của tập “Đoạn Trường Vô Thanh” đã thực sự làm hài lòng khán giả Phố núi. Nhân vật chính Phạm Thiên Thư bồi hồi giữa vòng người hâm mộ tặng hoa, xin chữ ký và chụp ảnh lưu niệm. Ngay khi chương trình bắt đầu đến khi khép lại, trên Facebook tràn ngập những hình ảnh tác giả với người yêu thơ Phố núi. Có lẽ kỷ niệm những ngày ở Pleiku sẽ luôn ấm áp trong ông mỗi khi nhớ lại, nghĩ đến. Đó là hạnh phúc của người sáng tác văn chương.
Ông bảo rằng, có thể ông sẽ trở lại nếu như sức khỏe cho phép để được thêm yêu mến và lưu luyến với xứ hoa vàng và nắng đỏ như ông từng cảm nhận. Gói gọn 90 phút trò chuyện và biểu diễn đêm chủ đề: Thơ Phạm Thiên Thư và giai điệu Phạm Duy để lại dư âm đẹp trong lòng khán giả Pleiku. Công chúng-tác phẩm-tác giả đã có một cuộc hội ngộ thú vị trong cái lạnh se sắt đêm Phố núi. Khán giả cùng nhà thơ trở về những năm của thập kỷ 70 của thế kỷ trước khi “Ngày xưa Hoàng Thị” là “hot song”. Với vẻ đẹp của bài thơ-ca khúc không chỉ thế hệ công chúng thời điểm lịch sử đó say mê mà đến tận bây giờ khán giả trẻ vẫn mê say lời thơ tình tứ dịu dàng và giai điệu ngọt ngào của nó.
Như ông tâm sự: Cô Ngọ trong bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” là một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trẻ. Trong những năm học tú tài, ông đã để ý cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô ấy ở gần nhà ông. Ngày đó, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, xinh xắn, mái tóc dài xõa trên bờ vai nhỏ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lẽo đẽo theo sau: Cô Ngọ gây cho ông những cảm xúc bâng khuâng khó tả nhưng ông rụt rè giấu kín những cảm xúc của mình. Âm thầm mến thương. Từ cảm xúc ấy, ông đã viết được bài thơ để đời này.
Tôi hỏi: Ông có đi tìm bà Ngọ lần nào không? Ông bảo: Sau này, tôi có tìm lại Ngọ nhưng người hàng xóm cho biết, bà ấy đã bán nhà và dọn đi nơi khác lâu rồi. Và ông lẩm nhẩm hát: Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/ Chim non giấu mỏ/ Dưới cội hoa vàng…”.
Đây là sự kiện thứ hai trong năm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật được Cà phê Sê San tài trợ và phối hợp tổ chức từ đầu năm đến nay. Được biết thời gian tới có thể sẽ có chương trình “Khúc Thụy Du với nhà thơ Du Tử Lê” tại Phố núi Pleiku.
Hoàng Thanh Hương
Theo http://baogialai.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...