Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Hoàng Vũ Thuật với những câu thơ đẹp như nỗi buồn

Hoàng Vũ Thuật với những 
câu thơ đẹp như nỗi buồn
Thoạt nhìn, thơ Hoàng Vũ Thuật ngỡ như chẳng có gì đặc sắc. Nó bình lặng, hiền hoà như dòng sông trắng (1) Nhật Lệ quê anh. Đó là thứ thơ có duyên ngầm - duyên lặn vào trong. Thơ Hoàng Vũ Thuật là những bức tâm cảnh gợi cảm rung lên nhè nhẹ khi sóng lòng xô dạt đến.
Chất thơ Hoàng Vũ Thuật lãng đãng như đi trong chiêm bao, giống như “Cái bóng mình đưa đẩy mình đi”. Anh đi tìm cái thực, cái đẹp. Nó thực đấy nhưng chỉ là một chân như ảo ảnh. Với một giọng điệu riêng, thanh khiết và lặng lẽ, nhà thơ hé mở những vẻ đẹp sâu kín trong hồn người, rồi bỏ trống đó cho người đọc tự giải mã lấy. Thơ Hoàng Vũ Thuật lưng lửng những câu hỏi vừa gợi mở vừa bí ẩn đặt ra ngoài câu chữ “Cái dấu chấm cuối cùng ai biết được - Rơi vào đâu trong số phận mọi người...”. Có cả những chi tiết tưởng như vớ vẩn nhưng thực ra chẳng vớ vẩn chút nào. Ta bắt gặp nhà thơ có lần ngồi lặng thinh trước những vỏ bao thuốc lá, loay hoay muốn sắp xếp lại ý nghĩ của mình. “Trong đêm trắng vắt ngang sợi tóc xanh”. Khi “Chạm tới cái âm thầm” chợt thấy “tháng ngày thả lửng nhạt thênh”, nhận ra cái không hoàn hảo của đời người, anh đã “muốn vò nát ném đi thật xa” dũng cảm phủ nhận cả chính mình! Ta bắt gặp trước ngàn lau trắng, nhà thơ đứng trầm ngâm cảm hoài “Người đi đi mãi chưa về”. Có lúc nhà thơ lại hoài niệm về những quả dâu da chín lỡ thì trong ấn tượng để tiếc thương cho tình yêu một đi không trở lại. Có lúc nhà thơ còn để mắt đến chỗ gió thông thống thổi dưới chân cầu thang nơi giáp ranh với cái chết. Có lúc ta lại thấy nhà thơ phải co ro tù túng trong chật hẹp “Anh ngồi như nhốt trong lồng nước”, để rồi “Tôi bối rối khi lòng mình bị trói”, đầu óc cứ đinh ninh “Người này chỉ cái bóng này thôi”! mà tâm can dào lên thắc mắc “Sao con người không vốn dĩ là hoa?”. Có lúc ta lại nhà thơ thật cô đơn “Chỉ còn ta như cây thông bạc thếch - Chơ vơ trong vắng lặng chiều nghiêng”, để khuya về “Tôi thổi tắt ngọn đèn - Giấu mình trong gió bấc”. Có lúc ta lại thấy nhà thơ chếnh choáng “Cây vịn đôi bờ men ngấm say”, lúc ngơ ngẩn “Năm tháng vơi theo hàng cây rụng lá”, lúc hối hả “Nhạc ngựa thành cây dồn dập giữa thời gian”, lúc mơ màng “Sương bảng lảng và mây vàng bảng lảng” lúc thảng thốt “Đông vội vàng thả những cánh heo may”, lúc say đắm “Nắng mềm cong mái phố” lúc mê man “Ngọn gió đồng quẫy hương về các ngả”, lúc lãng tử “Mặt trời đang thì mười tám - Nắng dâng những giọt men vàng - Trái đất đa tình phiêu lãng - Quên cả thời gian, không gian”, lúc quay ngược dòng ký ức “Vòm trời lả say trên mái phố - Chú chuồn chuồn chấm một dấu son - Ai đính tuổi thơ ta lên đó?” để người thơ được sống lại những phút thảnh thơi trong hoài niệm “Sương khuya tóc xõa - Dài thêm sông hoài - Mà con thuyền ấy - Giờ về trong mây...”
Trong “Nỗi đau cô thành đá xám” nghiệt ngã, cái đau lặn xuống, niềm vui nổi lên. Thế là “Tóc xanh chàng đã lặng thinh cuồi chiều”, Hoàng Vũ Thuật chờ ai và ai chờ? Bạn đọc lo lắng thay cho nhà thơ đang chơi vơi giữa khoảng không vô định “Và mong đợi những điều không mong đợi...”. Trong trạng thái chống chếnh tỉnh thức đó, Hoàng Vũ Thuật đã hái được những câu thơ đẹp như nỗi buồn.
Hoàng Vũ Thuật mang mang tâm trạng buồn nhưng biết tự chủ, nhanh nhẹn quay trở về bản thể của ngọn lửa, âm thầm cháy trong mạch tư duy của mình. Tỉnh táo và sâu lắng, ý nghĩ của thi nhân thật mung lung không cùng:
Ôi ánh sáng lạnh băng
Có gì trên cao ấy?
Cái khoảng sáng vô biên
Chỉ mình tôi nhìn thấy
(Chỉ mình tôi)
Trong hồn nhiên ánh mắt có một nguồn sáng lạ lùng dẫn dắt Hoàng Vũ Thuật đến với thế giới bàn tay trái của riêng anh, cái thế giới mà người làm thơ ít ai đi về phía ấy. Thế giới bàn tay trái là thế giới gì vậy?. Đó là sự huyễn tưởng khác thường, nơi “con sông chảy ngược, cá bơi trên bờ, chim lặn xuống nước và tôi thành trẻ thơ”. Qua tâm tưởng của nhà thơ mọi cái phi lý đều trở thành cái có lý.
sương cài lên ngực màu thiên thanh
vội vã không từ biệt
cây cứ xanh ngoài lời
trinh bạch vạn năm trước
ngày cứ dài như cây
(Lập thể)
Sẽ là một sai lầm nếu xăng xái lật tìm những tư tưởng mới lạ trong thi phẩm Hoàng Vũ Thuật. Những ý tưởng đại loại như “Bắt đầu từ ngọn lửa – Rốt cuộc là tro than – Bắt đầu từ trái tim – Sẽ bùng lên ngọn lửa” (bắt đầu) không có mấy trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Anh không coi trọng và thực ra anh chẳng cần đúc kết các tư tưởng triết học trong thơ làm gì. Anh làm thơ là để thanh hoá tâm hồn anh. Trước cuộc đời và cuộc người, với niềm riêng bối rối, Hoàng Vũ Thuật tìm thi liệu ở ngay mình, rồi viết cho chính mình. Thơ anh chảy giữa xúc cảm bâng khuâng hồn nhiên, tươi trẻ như máu thịt sự sống.
Hãy để bóng đi qua người thực
Con người này chỉ có bóng này thôi
Khi hai ta yêu nhau
Họ chỉ còn một bóng
Đừng giận dỗi
Xem chừng bóng sẽ tách đôi
Nỗi đau buồn của người này
Là cái bóng của người kia
Tuổi già bóng trẻ mãi
Người chết bóng sẽ là cánh chim
(Bóng)
Thơ Hoàng Vũ Thuật như thần tiên ma quái, đọc lần thứ nhất chẳng thấy gì. Đọc lại lần thứ hai, cảnh tình ửng hiện. Đọc lần thứ ba, “Bao nhiêu chữ nghĩa bay đi hết”, chỉ còn lưu lại một giải sương trắng lung linh. Kinh thi không chữ chăng? Hồn thơ Hoàng Vũ Thuật có một cái gì đó rất mơ hồ, phải lắng nghe bằng cả tâm thức mới mong lĩnh hội hết được.
Người đọc cảm nhận được hiện thực nơi cái lung linh mờ tỏ từ sự phát hiện sức sống chứa trong những nghịch lý “Những bông hoa trên cát” đến “Nét hoa văn mang hình ngọn lửa” trên trống đồng Ngọc Lũ biểu trưng cho sự sống bất diệt của dân tộc thời mở cõi. Từ đó, nhà thơ nghĩ xa, nghĩ gần tới “Người giữ lửa vừa đi đâu đó”, tới “Giữa mịt mùng hoang dã, chói lọi mặt trời”, tới thời hiện tại “Mẻ thép ra lò ráp thô” đến “Hoa phượng sân trường áo đỏ”. Từ sự xâu chuỗi liên tưởng thú vị đó, phương pháp đồng hiện đã tô đậm hình tượng thơ làm cho nó thành hình khối.
Có một dòng thơ chảy ngầm náo nức, say mà không đắm trong tâm tưởng nhà thơ. Hoàng Vũ Thuật không đưa đẩy, không biến hoá chữ nghĩa. Anh viết thật trong sáng:
Ai mơ màng dưới tán những chiếc ô
Ai phấp phỏng dưới hiên nhà nước sũng
Ta cháy bùng trong ngọn lửa mưa
(Mưa qua mặt trời)
Thương biết mấy là thương khi anh dành cho mẹ:
Gió lùa vạt áo phèn chua
Mẹ đi như  thể sợi mưa qua đồng
(Hương trấu)
Từ một tâm trạng bàng hoàng sống trong ảo giác giữa trần trụi đời thường:
Buổi trưa không có mặt trời
Ta cầm tù giữa vòng nhật thực
Em bé ngã mũ xin một đồng xu rơi
Bàn tay non xoè ngôi sao sáng rực
(Trưa nhật thực)
Đến nét đẹp và thơ của một làng quê:
Con đường nhỏ lặn vào con đường lớn
Nếp nhà xưa ngơ ngác nếp nhà nay
(Làng)
Sương như thoi kén bọc mái nhà
Ếch kêu cắt đêm ra từng chặng
Những vì sao lảo đảo bước trong mây
Đêm bào thai
Kiếp ngày
Tiếng gà vắt ngang rặng tre sớm
Đánh thức hương vườn chim
Trên thềm
Lấm chấm
Dấu chân rêu
(Dấu xuân)
Hay:
Nhà loi thoi trên doi cát bạch Đằng
Nửa như ngủ, nửa vừa như thức
(Qua sông Bạch đằng gặp những câu thơ cũ)
Nơi thánh địa của văn chương, anh ngồi trầm tưởng:
Những lá thông reo nghìn tiếng lạ
Một thoáng như đằm trong ngẩn ngơ
(Trưa trong vườn Nguyễn Du)
Trong tình yêu, để mặc “Trái tim gõ  nhịp tự nhiên”, Hoàng Vũ Thuật yêu “Em chính là ngày tháng của anh” và được yêu "Em đến như là nắng đến thăm". Khi đang yêu "Em tiễn biệt mùa đông ra cửa - Mưa bên này, bên ấy nắng se”, mới thấy hết cái ngọt ngào "Một nụ hôn ẩn tích - Sững sờ hóa thạch chốn mê cung". Vòng đời luân chuyển, đã đến lúc những cặp tình nhân hốt hoảng nhận ra:
Sẽ vô nghĩa nếu thời gian ngừng lại
Thời yêu nhau ta phung phí quá chừng
Những giận dỗi để nhiều đêm thức trắng
Ta đâu biết thời gian nghiệt lắm
Lặng lẽ trôi ngoài cửa sổ vô tư
áo ta mang bạc trắng tự bao giờ?
(Với thời gian)
Khi chia tay "Em đi rồi trống rỗng cả câu thơ". (Em ở đây cần được hiểu là người tình, là thơ, và là ... bạn đọc!):
Nửa nụ hôn đầy ta đã gửi
Lên mặt hồ trong suốt đời ta
Còn một nửa chìm trong tê tái
Theo mùa thu thời ấy đi xa
(Mùa thu trước)
Trong tình yêu, Hoàng Vũ Thuật tìm thấy bất hạnh trong nỗi bất hạnh hơn là tìm thấy hạnh phúc trong niềm hoan ca. Người Mỹ nói “Yêu là điên” kể cũng đúng.
Tôi bay khỏi hành tinh  khi em cúi mặt
ánh đèn vụt tắt
bỏ lại sau lưng trái đất hệt quả cam
trôi giữa dòng sông vàng bất tận
đôi tay trần xẻ nắng mặt trời
quấy lên những đám mây yên nghỉ nghìn năm
em cái mỏ neo cắm vào đất
giằng kéo đời tôi bằng sợi dây thừng hoang dã
những vết cắt trên ngực tứa máu
tôi bay như đứa bé khát nũng bứt khỏi vòng tay mẹ
chờ tiếng gọi yêu thương để lại quay về
(Khát)     
Từ thứ tình yêu vô thường đó, nông nổi, đầy những đam mê huyễn tưởng
Ngay cả lúc này em chìm sâu giấc đêm   
tôi vẫn bơi qua cơn mơ nhẹ và êm
lẹ làng xáo tung đồ đạc        
lấy đi mọi thứ trên thân thể  
dại dột để lại dấu chấm
Buồn thay! Đúng là đau như tử biệt sinh ly. Hoàng Vũ Thuật mường tượng ra cảnh cho đến khi nằm dưới huyệt lạnh, nhà thơ còn nhìn xuyên cả bóng tối:
Mắt em ánh sao hiện tới
Ngày xưa từng dắt thơ đi
(Đề trên bia mộ ngày sau)
Cả những khi "Anh líu ríu những lời vô nghĩa" thì nó vẫn là những lời có nghĩa thật. Là một người có tâm hồn thanh thoáng và từ tâm "Không bao giờ nguôi đi khát vọng, nguôi đi niềm say mê, nguôi đi tình yêu của mình" (Nguồn sữa nuôi tôi). Anh nguyện "Tôi thành cây cho điệu ca đến ở", có lúc anh lại khiêm nhường muốn làm "Lặng thầm một chiếc neo" trên sông biển.
trên đồng cỏ mượt mà loài dế nỉ non bài hát tuổi thơ
về một thế giới xanh bất tận  
trên cát bỏng xương rồng khô khan tua tủa gai nhọn
chọc thủng trời sâu
trên sóng bạc đầu truyền kiếp hải âu sải cánh
dệt miền huyền thủy
trên mây tím thổn thức ngàn năm trôi dạt không chốn nương thân                                                 
trên dư vị hoàng hôn đánh thức chán chường cây lá                 
dưới nắng và gió
anh đợi
(Anh đợi)
Hoàng Vũ Thuật đôi lúc không chủ tâm lập tứ cho bài thơ của mình, khi ấy tứ thơ tan biến vào trong mạch chảy câu chữ. Tâm hồn anh cứ chơi vơi, nuối tiếc, dắt nàng thơ đi miên man "Lang thang qua xứ sở phiêu bồng", không định hướng.
Hàng nghìn năm nhân loại mỗi người một quân cờ vô định
đường lạc đà hun hút bão cát xô lệch mặt người
kẻ đào huyệt tự chôn mình dưới chân Kim Tự Tháp
bầy chó sói nơi cánh đồng hoang hú rỗng đêm thâu
người gieo vãi nhặt hạt mạch thơm bên dòng sông Nin chảy xiết
xích sắt mòn cổ chân nô lệ da đen
vó ngựa Vạn Lý Trường Thành lốc cốc tiếng ống xương va vỡ khô khan
cuộc cờ âm thầm hết về nam lên bắc lên bắc lại về nam
(Cuộc cờ)
Nhà thơ có lần thổ lộ: "Thơ tôi là những hạt cát li ti giữa hai nếp nhăn vầng trán mẹ tôi. Nó là dòng chảy buồn buồn như dáng mẹ mảnh khảnh một mình băng qua cồn cát khi ánh tà xuống, hoặc những lúc bất ngờ gặp trận bão táp dữ dội... Thơ tôi viết về cái nghiệt ngã, nỗi khắc khoải, dằn vặt về thiên nhiên, về đời sống, về tinh yêu ... thông qua dòng chảy ấy, viết về vẻ đẹp của nỗi buồn" (Nguồn sữa thơ tôi). Anh luôn khích lệ người đọc "Em đừng buồn - Điệu ca buồn hơn thế", "Rồi mùa đông sẽ qua - Như mùa thu đi qua".
Khi hiện thực lên đến đỉnh thì nghệ thuật cất cánh bay vào thế giới tượng trưng. Gần chục năm nay thơ Hoàng Vũ Thuật đang có xu hướng rũ bỏ hiện thực cách tân siêu thực. Hoàng Vũ Thuật trăn trở, hăm hở đi tìm cái đẹp và cái mới trong Tháp nghiêng, Đám mây lơ lửng. Và mới đây tập Màu, tập Ngôi nhà cỏ đều ráo riết theo đuổi xu hướng ấy. Hoàng Vũ Thuật đã rơi vào mê lộ của thế giới Màu, phân thân mình ra chơi đủ trò, đắm mình trong thế giới hư thực 
xóa đi rồi vẽ lại
nghẹt thở
thêm một nét gầy thêm một nét
chết lặng dưới chân cầu thang
nàng khóc
(Họa sĩ)
Nhận thức thay đổi, tư duy sáng tạo cũng thay đổi. Nhà thơ đã tạo ra được những hình tượng lạ “Những buổi chiều lặng lẽ lên men”, “Mặt trời cuộn tròn đêm”, “cát thiền dấu chân”, “Đôi mắt miếu thờ”, “tình yêu bọc tã lót ru đóa phù dung”, ‘Trăng bồ liễu - Trăng như cỗ quan tài thủy táng”, “trưa lệch phai”… chữ nghĩa va đập thật lung linh.
Bông Hoa vỡ ngàn cánh máu
rỏ xuống lót ổ câu thơ
bào thai thiên thần
(Hoa vỡ)
Những liên tưởng có sức hút:
… không sao đi hết tiếng chim
gieo vào lòng tôi hạt mầm
thời lên bảy
Yếu tố tâm linh và siêu thực hòa thấm vào nhau làm nên chất liêu trai:
nàng lơ đãng nàng không nhìn rõ
vòng luân hồi xô đẩy đêm nay     
ta chỉ là linh hồn cây cỏ
ta muốn ngừng hơi thở sau cùng
để ánh sáng vầng trăng khâm liệm        
chôn đời ta dưới gốc trần gian    
(Cây trần gian)
Trong chất siêu thực nhà thơ đang hướng tới,  Hoàng Vũ Thuật viết được những câu thơ có sức nặng “Chân lý đường cong - Cái nhíu mày - Đủ cho người ta đi thụt lùi ra cửa”, hay “ kẻ mộng du dò từng bước một - những bóng ma tự vuốt lấy mặt mình” (Kiếp hoa). Và, thật là khởi sắc trong bút pháp
nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một trung thực một đớn hèn một điên loạn
Có khi, Hoàng Vũ Thuật viết "trốn chạy thế giới nghiệt ngã - câm lặng nấm mồ chật hẹp - dưới vực thẳm tình yêu - em trao hết anh tất cả thuần khiết - mà thế gian gạt bỏ" (Đọc Kafka). Thật là bâng khuâng một tâm trạng cô liêu mình anh riêng một thế giới.
Trước sau, Hoàng Vũ Thuật vẫn giữ được chàng thiếu niên trong hồn mình. Nhà thơ nhìn đời bằng cặp mắt xanh non ngơ ngác, tơ đàn dễ ngân lên ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn ở mỗi con người, mỗi cuộc đời bằng những cái vu vơ, những chuyện đâu đâu trong sự cảm thông tinh tế giữa khoảng khắc giao thời của tâm linh.
Mỗi ngày gần, gần như thể
Tan trong câu dòng nhựa nguyên lành
Mỗi ngày xa, xa như thể
Một kề biển biếc, một non xanh.
Một ngày vui, một ngày thương tổn
Đầy lên hai nửa con người
Hạnh phúc và nước mắt
Hai nhịp thủy triều khôn nguôi
(Mỗi ngày)
Ra đời trong gió Lào cát trắng với bom đạn chiến tranh khốc liệt, Hoàng Vũ Thuật đã luyện cho mình một giọng thơ trầm tĩnh. Thơ anh nặng giãi bày nội tâm. "Chất cá thể thiên bẩm" (chữ Vũ Quần Phương) đó thường gây được ấn tượng ấm và sáng.
Phải tận cùng nước mắt
Tận cùng nỗi khổ đau
Cho câu thơ được thật
Nửa hồn tôi phía  sau.
Cái "Nửa hồn tôi phía sau" ấy của nhà thơ thật quý phái sang trọng. Bản thể thơ Hoàng Vũ Thuật đẹp và buồn. Buồn trong niềm vui, vui trong nỗi buồn.
Chỉ mình tôi lúc này
Nỗi buồn sâu hơn biển
Ngàn con sóng khỏa đầy
Không thể nào lấp kín
(Chỉ mình tôi)
Mặc dù tự nhận mình là Thi sĩ đen nhưng hồn thi nhân trong suốt như thuỷ tinh dễ vỡ, người nói năng thật nhỏ nhẹ cứ như sợ làm giật mình cả cỏ cây.
Là người "trò chuyện với vĩnh hằng", cảm hiểu và thông tỏ được "sự huyền diệu của thiên nhiên" nhà thơ kể rằng "có lần, trong đêm sao dày, một tinh cầu đã chạm vào môi tôi". Thơ Hoàng Vũ Thuật là những tiếng thầm thì gió nước của mùa thu diệu vợi dễ huyễn hoặc những linh hồn trinh trắng.
Mùa đông chưa kịp tới
Mà thu đi lúc nào?
Giữa hai mùa vời vợi
Chỉ còn anh và sao
(Sao và anh)                                 
Không rõ nhờ đâu mà những tín hiệu ngôn ngữ trở thành tác phẩm nghệ thuật? Nhờ điều gì giúp ta mà Bá Nha dùng tiếng lòng riêng đồng điệu được với tri âm? Thơ là gì vậy để mỗi khi những Tử Kỳ lắng nghe tự tạo ra từ trường mới với sức hút mạnh ghê? Cái ma lực ấy sẽ ở lại trong hồn người, ám ảnh đeo đẳng mãi, đôi khi làm luôn nhiệm vụ hướng đạo cho người ta? Nó là sản phẩm của nhà thơ hay chính cuộc đời? Những câu hỏi ấy ngỏ hầu được thi nhân trả lời bằng chính các dòng thơ máu huyết chảy ra từ tâm trạng day dứt đầy những khát vọng tin yêu.
Ta lần lữa như người ra chợ
Khi quay về chợ vãn, xế trưa
(Với thời gian)
Lẽo đẽo giữa chiêm bao trong cõi vô thường, Hoàng Vũ Thuật luôn cảm thấy mình là người chậm trễ đến sau, hồn thắc thỏm như vừa đánh rơi một vật gì quý lắm.
Ghi chú:
(1) Thơ Hàn Mặc Tử viết về con sông Nhật Lệ:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc      
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang    
                   
THÁI DOÃN HIỂU
 Theo http://vanhoanghean.com.vn/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...