Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Những “con đường” đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn

Những “con đường” đi qua 
cuộc đời Trịnh Công Sơn
Đã hơn mười năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về “cõi nhớ” (ông mất ngày 1-4-2001), nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn thăm thẳm ý nghĩa nhân văn. Ở đâu đó trong mỗi quán xá, căn nhà hay góc phố, người ta vẫn hát Trịnh, vẫn yêu mến Trịnh như thuở nào. Điều đặc biệt ở nhạc Trịnh Công Sơn là triết lý sâu xa trong những ca từ với những hình ảnh nghệ thuật vừa bình dị, vừa rất sang trọng, trong đó hình ảnh “Con đường” trở thành một biểu tượng nghệ thuật trong thế giới nhạc Trịnh Công Sơn.
Từ những “đường nào quạnh hiu…”
Trong số 127 ca khúc trong “Tuyển tập những bài ca không năm tháng” do Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành năm 1997 thì có tới 64 bài xuất hiện từ “Con đường” (chiếm 50,4%). Điều này cho thấy hình ảnh con đường luôn thường trực trong những nhạc phẩm và dường như trở thành nỗi ám ảnh trong tâm khảm Trịnh Công Sơn. Đó là những con đường chất chứa bao niềm đau, nỗi buồn, tâm sự... Con đường là nơi người ta bước đi trên những dặm nẻo cuộc đời với những ý nghĩa như: đường đời, đường tương lai, đường hạnh phúc, đường hy vọng… khi đi vào nhạc phẩm của ông đều thấm đẫm nỗi niềm của sự trăn trở, lẽ vô thường của những kiếp nhân sinh.
Đi vào nhạc Trịnh, ta bắt gặp người lãng tử ngơ ngác như kẻ lạc loài giữa chốn đông người và tự hỏi mình đã đi - qua - những - con đường nào. Ngập tràn trên những con đường của Trịnh là sự trống vắng, cô đơn, hiu quạnh như cánh vạc trong đêm đông thảng thốt: Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua/ Đường về tình tôi có nắng rất la đà/ Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ/ Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ/ Đường nào dìu tôi đi đến cơn say… (Bên đời hiu quạnh).
Lúc nào Trịnh cũng đi tìm, đi tìm suốt con đường cuộc đời đi của mình. Nhưng đường nào cũng quạnh hiu, cũng “thật lặng yên nên Trịnh mới tự hỏi những con đường mộng mị của cơn say. Không chỉ vậy, những con đường mà Trịnh đi qua đều thấm đẫm những nỗi buồn của kiếp phù du. Đó là con đường triền miên trong sự nhớ thương và những vết loang lổ in hằn nỗi đau. Trái tim yêu như những giọt sương thu long lanh, tinh khiết, mang một tình yêu chân thành, tha thiết, và Trịnh bộc bạch rất đỗi hồn nhiên con tim yêu đương của mình: Những đường cỏ lá từng giọt sương thu/ Yêu em thật thà… (Hoa vàng mấy độ)
Nhưng khi tình yêu vụt mất thì niềm đau, nỗi buồn trong lòng người nhạc sĩ tài hoa lại đong đầy, tràn ngập. Ở đó, nghệ sĩ vẫn đợi chờ trong những chiều “mưa bay trên tầng tháp cổ”, nhưng bóng hình người xưa không còn, để lại những nỗi đau không dứt và sự tuyệt vọng: Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu (Diễm xưa)
Con đường - nơi in dấu những kỷ niệm của tình yêu, nhưng suốt một đời tình yêu đối với Trịnh vội đến rồi vội đi nên những con đường đều lặng câm và buồn. Những con đường nhớ nhung trong khắc khoải của trái tim yêu: Em đi bỏ lại con đường/ Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em (Em đi bỏ lại con đường). Và dường như Trịnh không thể quên được hình ảnh người mình yêu, mỗi khi tìm về “đường xưa”: Ta về đây nơi tháng năm quá rộng/ Đường xưa em lại thấp thoáng bàn chân (Khói trời mênh mông).
Con đường tình nối dài vô tận chan chứa, dạt dào niềm thương nhưng lại thăm thẳm niềm đau, nỗi buồn và sự chia xa, heo hút những cái nhìn tuyệt vọng. Đó là “đường trần” - sự thật của kiếp người với những khổ đau: Đường trần em đi hoa vàng mấy độ. (Hoa vàng mấy độ) hay Thôi về đi/ Đường trần đâu có gì (Phôi pha). Có thể thấy, với Trịnh Công Sơn, niềm đau, nỗi buồn trong tình yêu cũng chính là sự khổ hạnh của kiếp người đầy âm hưởng Phật giáo. Những gì con người ở cuộc đời này như một giấc chiêm bao, có đó rồi lại không; là sự biến ảo, vô thường. Chính vì vậy, trong tâm khảm Trịnh, ta thấy những con đường “không bến bờ” chạy dài tít tắp: Về chân núi thăm nấm mồ/ Giữa đường trưa có tôi bơ phờ/ Chợt tôi thấy thiên thu là/ Một đường không bến bờ (Lời thiên thu gọi) hay những con đường “trên tay” hư vô, ngắn ngủi: Đường hư vô trên tay (Lời của dòng sông)
Tình yêu đối với Trịnh “như cánh vạc bạc” trong đêm, thảng thốt, thảm thiết những niềm đau. Còn với cuộc đời là những “vui buồn hội ngộ”, cuộc sống trần gian người chỉ là tạm bợ và mỗi nhân thể chỉ là “ở trọ trần gian”. Có thể mượn lời của Phạm Duy để nói về tình yêu và cuộc đời trong ca từ nhạc Trịnh như sau: “Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như “trái phá con tim mù lòa, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng”...
... đến “đường tương lai…”
Trịnh ôm nỗi buồn dâng kín vì tình yêu không được đáp đền, khi cuộc sống trần ai tràn đầy những bất công, những cảnh ngộ chia lìa, tang thương khiến tấm thân tình đi tìm cho mình một con đường riêng, và Trịnh Công Sơn đã tìm thấy giữa những mịt mùng của bao sự đời: Người đi tìm kiếm giữa mịt mùng/ Người đi tìm mãi suốt con đường tấm lòng kia (Chuyện đóa quỳnh hương). Nhưng đó còn là con đường đi của những trái tim chân thành, chan chứa niềm yêu, tình thương và cao hơn hết thảy là tình người. Chính vì vậy, Trịnh đã không rên rỉ kêu sầu, không bó buộc mình để chỉ thấy những cảnh “đau đớn lòng” mà người đã đi và hành động, hành động của con tim, của lòng nhân ái: Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/ Đường đến anh em, đường đến bạn bè (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).
Nếu ở trên ta bắt gặp hình ảnh những con đường héo úa, tàn tạ, những con đường như chính cuộc đời con người luôn triền miên trong niềm đau và sự tuyệt vọng, nhưng rồi tất cả những “đường quạnh hiu” đã “đi qua” ấy với ông chỉ là sự trải nghiệm. Từ sự thấu tận của cảnh đời, cảnh người, Trịnh đã chọn cho mình một con đường riêng. Con đường mà Trịnh chọn cũng chính là ước vọng ngàn đời của nhân loại. Ở đó, con người được sưởi ấm bởi sự gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn và sự chia sẻ của những con người trên hoàn cầu. Ở đây, ta cảm khái tấm lòng mênh mông của Trịnh không chỉ bó buộc tình yêu cá thể mà trải rộng hơn là tình đồng loại: Đường nối liền/ Đường nhân loại một đường rất dài (Có những con đường).
Nếu “đường hôm qua” quằn quại những niềm đau, đã không “có gì vui”  và “như tiếng thở dài” thì Trịnh đã vạch ra hướng sáng cho con đường mới - “đường tương lai”: Đường tương lai xin nhắc từ đầu/ Cùng anh em trên khắp địa cầu/ Hãy gần nhau (Như tiếng thở dài).
Và trên dặm đường tương lai đó không còn sự thù hận, khổ đau, bất hạnh, không còn vành tang trắng trên đầu em thơ, không còn tiếng ơ hờ của những người mẹ, người chị trong chiều vàng vò võ, mòn mỏi đợi con, ngóng chồng: Đường tương lai không ai thù ghét ai/ Đường lứa đôi (Có những con đường). Con đường không gọi thành tên mà lại có tên, “đường tương lai” của nồng ấm những con tim yêu thương mà không thờ ơ, lạnh lẽo. Và Trịnh ước mong, trên những đường dài đó được nghe rộn rã những niềm vui, những nụ cười thắm hồng và ánh sáng của tình thương giữa con người với con người, lời nguyện cầu rất đỗi bình dị mà cao đẹp: Xin trên những đường dài/ Cho nghe bước rộn vui/ Xin trên những nụ cười/ Còn rạng rỡ mặt trời (Nghe tiếng muôn trùng).
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết: “Năm tháng trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân những cây cầu, những người yêu nhau đã đi qua. Những người đẹp một thời đã thành thiếu phụ và những cô bé đã lớn lên thành thiếu nữ. Và tất cả vẫn hát Trịnh Công Sơn như là Tình Ca của hôm nay, vẫn nhìn thấy ở Trịnh Công Sơn một gương mặt Hoàng tử sầu muộn và dịu dàng không hề xa lạ”. Và trên những chặng đường đời của mỗi người, ta lại ngân du bài ca muôn đời “Bao nhiêu năm làm kiếp con người” để suy nghiệm và tìm cho mình một lẽ sống cho cuộc đời này như Trịnh từng khát khao: Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)
Minh Thông - Hà Hoàng
Theo http://baodaklak.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...