Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Ân tình phương Nam

Ân tình phương Nam
Từ lâu, Câu lạc bộ (CLB) thơ Đất Quảng tại TP. HCM đã là một "địa chỉ" quen thuộc với người yêu thơ. Không chỉ vì họ có lực lượng đông đảo tới trên trăm người, mà còn vì cứ 1-2 năm một lần họ lại trình làng một tập thơ. Trong đó, có những tập khá đầy đặn và rất đáng được nhắc tới như “... Chưa mưa đà thấm”, “Trước sông Thu”, “Đất Quảng tình quê”, “Sông Thu”, “Men rượu Hồng đào”, “Hồn thơ đất Quảng”, “Son sắt nghĩa tình”... Mới đây, CLB lại xuất bản thêm một tuyển thơ khác, tập “Ân tình phương Nam” (*), với gần 300 bài thơ của 79 tác giả. 
Đúng như cái tựa, quá nửa số bài trong tập thơ này là những dòng tâm tình sâu lắng và chân thành về vùng đất phương Nam mênh mang sông nước. Khi lưu phương đến đây, những người con Quảng Nam không chỉ đơn thuần dừng chân tìm sinh kế mà còn nhận nơi này làm quê hương thứ hai - mảnh đất của duyên nợ, của yêu thương. Như cách đây tròn 50 năm, ngay trong phút đầu tiên hạnh ngộ phương Nam, một chàng trai Quảng Nam đã thốt lên trong cảm xúc ngất ngây và chân thành: "Từng mơ chín nhánh sông Rồng/ Ngất ngây điệu lý vó lồng ngựa ô/ Lênh đênh tiếng hát thương hồ/ Tình trao theo ngọn sóng xô bãi bờ" (Tạ tình sông phương Nam, Tường Linh). Càng sống, càng yêu càng thấy phương Nam tình sâu nghĩa nặng, trở thành nguồn mạch tâm hồn, khi mà "mẹ Cửu Long/ phúc hậu trăng ngà/ sữa nắng mưa ngọt thơm hoa quả/ vòng tay rộng đồng ôm thửa mạ/ gió hây hây hơi thở vụ xuân" (Ân tình phương Nam, Hướng Dương - Nguyễn Nho Thương). 
Như một lẽ tự nhiên, khi đã sống và yêu hết mình ở một vùng đất, vì một vùng đất, con người sẽ thấy nơi ấy là máu thịt. Ở đó, mỗi chiếc lá đều thành nỗi nhớ, mỗi câu hò đều bồi lắng thành phù sa tâm hồn... Để rồi, không ai cảm thấy mình là người ly xứ. "Cần Thơ tháng bảy trời mưa/ Gió sông se lạnh cho vừa nhớ em/ Lục bình theo lũ về chen/ Sông sâu nước đỏ sóng quen rì rào" (Cần Thơ tháng bảy trời mưa, Lâm Châu). 
Ân tình của một vùng đất, với một vùng đất không phải lúc nào cũng có thể liệt kê hay cân đo đong đếm được, đặc biệt là với người Quảng vốn luôn chân thành trong mỗi cảm xúc. Vậy nên, họ đâu cần nói trắng ra là tôi yêu phương Nam, tôi nặng nợ với phương Nam…, mà chỉ cần ở miền thẳm sâu lòng mình, mỗi người biết buồn, biết vui, biết hờn, biết giận... là đủ. Hẳn là yêu lắm và cũng nhiều trải nghiệm với một Bình Phước đất đỏ, Phạm Khoa Hồng mới viết được thế này: "Em về hong nắng như thiêu/ Dấu chân Bình Phước hắt hiu đại ngàn/ Hồn tôi đã mấy mùa sang/ Còn thăm thẳm giữa bạt ngàn cao su" (Bình Phước). Hay với Minh Châu trong Nhớ mùa hạ cũ: “Phương Nam ngày đó ta đi/ Bâng khuâng sắc phượng nhớ gì nắng xưa/ Ai về lật sách... hương thừa/ Chút buồn sang hạ, dàn thưa cuối trời"...
Bằng những cách "tiếp cận" và giãi bày riêng, 79 tác giả góp mặt trong "Ân tình phương Nam" đã phác dựng được một tình yêu riêng có, nhiều cung bậc. Chỉ với ngần ấy và xét trên ý nghĩa ấy, đây đã là một tập thơ thành công, vượt hẳn ra ngoài không gian có phần chật hẹp của một CLB - cả về chủ thể sáng tạo lẫn hàm lượng thi ca. 
(*) Nhà xuất bản Văn nghệ, 11-2009.
BẢO ANH
 Theo http://baoquangnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...