Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Hãy trao cho thi sĩ một vòng hoa

Hãy trao cho thi sĩ một vòng hoa
(ĐỌC “CHẮP TAY DÒNG ĐỜI…”)
Hơn cả chục năm trước, ngồi với Hoàng Ngọc Tuấn, tôi mới biết: lâu nay Tuấn - kẻ vô gia cư trên quê hương mình, không nhà không cửa không cả hộ khẩu lẫn giấy CMND - mỗi tuần vẫn ghé về nhà Võ Chân Cửu ngủ 3-4 đêm (mấy đêm còn lại thì đến tá túc nhà một người bạn khác).
Tuấn có tiếng khó tính, khó chịu, khó gần. Vậy mà anh chấp nhận “nương nhờ sau cửa Phật” (nhà Cửu ở sau lưng chùa Già Lam tại Gò Vấp, một ngôi nhà có cây cối um tùm mát mẻ, sớm và tối đều nghe tiếng kinh, tiếng mõ). Như vậy đủ biết Cửu là “tay” quý và thương bạn đến dường nào!
Tất nhiên toàn là bạn hữu trong giới văn nghệ Miền Nam từ trước 75, đông hằng hà sa số vô thiên lủng. Từ bậc lão trượng như Quách Tấn, Bùi Giáng, đến các bậc trung niên Nguyễn Mộng Giác, Joseph Huỳnh Văn, Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn… Rồi lớp bằng vai phải lứa Thế Vũ, Vũ Hữu Định, Lê Xuân Tiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Thái Ngọc San, Phù Hư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Từ Kế Tường, Phạm Chu Sa, Lê Nguyên Ngữ, Trần Dzạ Lữ, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Trần Từ Duy, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Đạt…
Cái danh sách còn dài này cho thấy tính “quảng giao” của Cửu “không bờ không bến. Đẹp như kiếp bôhêmiên”.

Mà giới văn nhân thi sĩ này, trên chốn giang hồ trường văn trận bút thì ai cũng biết trong ta bà thế giới, mỗi người một cá tính, mỗi người một phách, mỗi người là một quả núi; ít ai chịu ai. Thế nhưng Võ Chân Cửu có cái hay là chịu được tất cả. Và hầu như tất cả cũng “chịu” anh. Ấy là bởi Cửu có tấm lòng đôn hậu, chân thật đối xử với mọi người tình nghĩa, bản chất lại hiền lành như tự nhận mình vốn là người “dĩ hòa vi quý”, sẵn sàng hòa đồng với bạn, sẵn sàng nhường nhịn bạn, nhận phần thiệt thòi về mình.
Một con người biết thương bạn bè thì làm sao không thương đồng hương và quê nhà mình cho được. Đó là đất và người Bình Định nuôi mình lớn lên vẫn để lại dấu ấn đậm đà, và xứ cao nguyên B’Lao nơi anh lui về “ẩn khuất”…Những kỷ niệm gợi lại nơi đây rất trang trọng từ “Rau tập tàng”, “Hoa lưỡi cọp”, đến “Tiếng thác non xa”...
Với một nhà thơ, vốn sống chừng ấy đã là quá nhiều rồi. Có dư của để dành để làm thơ kiểu “Anh chống mái che cho con khỏi ướt/ Nơi em thèm viên gạch đứng rửa chân”. Để viết được nhiều thứ nữa như tập sách này, tập sách muốn xem là hồi ký văn học, hồi ức văn nghệ sĩ , hay tản mạn văn nghệ đều được. Và để có nội lực diễn đạt những điều cao xa bằng giọng văn đôi khi tưng tửng, có duyên ngầm.
Chính cái “vốn” bạn bè này của Võ Chân Cửu đã làm sinh động, phong phú những suy nghĩ về thơ và nghiệp làm thơ mà ông muốn gửi gắm trong tập sách “Chắp tay dòng đời”: 
“Vào đêm, lối đi trước cửa bỗng ngân lan thoảng một mùi hương thanh khiết. Tìm kỹ, mới hay nó từ mấy chuỗi hoa lưỡi cọp. Nhiều nơi chỉ trồng nó vô chậu nhỏ, đặt ở góc nhà hay trên kệ đầu giường, vì nghe nói ban đêm lá tuôn thêm dưỡng khí. Cánh hoa bé, không đẹp, mùi hương âm thầm chỉ dành cho bạn tri âm. Cõi thơ ca hình như cũng vậy.”
Hay: “Con người có thể làm ra được nhiều thứ, kể cả chuyện “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Nhưng tạo ra được những đường vân gỗ, thì các họa sĩ tài ba nhất, cũng đều phải thua sức các dòng thực vật… Cần có thời gian để cho dó hóa trầm, để cho cây hóa gỗ”… Văn học và thơ ca cũng vậy, dòng chảy đến hồi cực thịnh, nó phải tự chuyển mình..”
Hoặc: “Những lá vú sữa trên tàn cây đã nói với tôi rằng hai màu lá đối nghịch vì lẽ tự nhiên do trời sinh. Nó hợp thành một chiếc lá. Với con người, tâm hồn có khi rất trẻ có khi rất già nua. Nhưng qua chữ nghĩa anh dùng trước sau rồi cũng khẳng định: Văn là người!”
Chưa chắc. Nhìn bề ngoài Võ Chân Cửu, coi chừng lầm. Trông anh thô kệch, đen đúa giống y nông dân, chỉ khác là kèm đôi kính cận thị, thành ra “nông dân trí thức”! May mà lạy Chúa tôi bên trong còn có một chiều sâu tinh tế cộng thêm cái tính tốt bụng chí tình với bạn bè…
Từ đó không phải lo chuyện “Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa. Và mời hắn ra khỏi thành phố”! Câu nói của triết gia Platon từ khoảng 350 năm trước Công nguyên đến nay như vẫn còn đúng. Làm sao để họ không gặp cảnh này?”
Giải quyết dễ ợt thôi, hãy cứ làm như bạn đã và đang làm: Hãy khoác cho thi sĩ một vòng hoa, và mời hắn… ở lại nhà mình!.
SG, tháng 8.2012
Cao Huy Khanh
Theo http://haibogiay.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...