Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Con đường đến với văn chương của Xuân Thiều

Con đường đến với 
văn chương của Xuân Thiều
Để đến được với văn chương như quan niệm của mình, Xuân Thiều đã trải qua một con đường dài không ít khổ ải. Cũng hợp lẽ thôi! Mọi tìm kiếm và sáng tạo đích thực ở lãnh vực nào chả vậy, lại chẳng đi cùng bao nỗi trăn trở, ưu tư. Còn chông chênh nữa. Đúng như nhận thức của ông khi bàn về văn tài Nguyễn Minh Châu: “Tôi cho rằng... sự tìm tòi sáng tạo thường mấp mé giữa cái đúng và tưởng như đúng, cái hay và tưởng như hay, cái thật và tưởng như thật” (2, tr.26). Trớ trêu thay, tài năng lại phát lộ chính ở cái nơi giáp ranh ấy đấy. Dám đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm, lại đứng vững vàng, không rớt xuống vực, bí quyết của mọi cái cống hiến lớn lao trong khoa học cũng như trong nghệ thuật là ở đó chăng?
Như bao cây bút trẻ khác, ở chặng đường đầu tiên, Xuân Thiều rất giàu khát vọng, và cũng rất giàu tự tin. Ông nhớ lại một kỷ niệm không quên với Nam Hà, Văn Ngữ và Nguyễn Minh Châu tại Hội nghị Bạn viết toàn quân năm 1959: “Vui mừng vì được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chúng tôi bắt chước các nhà văn đàn anh kéo nhau ra quán làm một bữa liên hoan... Đang tuổi sôi nổi, có chén rượu làm ấm lòng, chúng tôi bắt đầu bốc giời, tưởng rằng chẳng mấy chốc mà đuổi kịp Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, ...” (2, tr.16-17). Tuổi trẻ là vậy, có bồng bột đôi chút, nhưng thật đáng yêu và cũng thật đáng quý. Nhớ lại, ta có thể cười cợt, mà tiếc lắm, tiếc đến ngơ ngẩn. Cái hay và cái dở cùng tồn tại trong một thực thể trinh nguyên. Tôi muốn ngợi ca cái can đảm dứt khoát của lòng tự tin ấy. Đâu như Eptusenkô viết trong bài Ghen tỵ:
... Chỗ tôi xua tay: “Thôi chẳng đáng phiền hà”
Em bảo: “Đáng quan tâm”
Và em cầm lấy bút
Chỗ tháo gỡ không ra
Em cầm dao chặt phứt
Còn tôi làm rối tinh
Đành chỉ biết bó tay.
Dẫu nói vậy, tôi và có lẽ cả Xuân Thiều cũng thế, chả bao giờ chỉ lấy cái trẻ trung ra để đương đầu với đá rắn của nghề. “Tinh” ở nghề nào cũng đòi hỏi phải “luyện”, huống gì nghề văn.
Lúc mới quen nhà văn Xuân Thiều, tôi nghĩ thầm, chắc con đường văn chương của ông thênh thang, rải toàn hoa thôi. Và xin được thú nhận, tôi đã rất mừng vì sự nhầm lẫn ban đầu của mình. Tôi vốn e ngại cho những nhà văn có số phận trơn tru, suôn sẻ. Văn họ do vậy cứ như mời mọi người vào một bữa tiệc thịnh soạn đã dọn sẵn, món nào cũng đều thơm nức mũi cả. Sau bữa ăn kiểu ấy, chỉ cần một lời khen kèm theo một lời cảm ơn là đủ. Chả vương vấn gì bởi chẳng có gì vấn vương cả. Còn với Xuân Thiều? Xin giở một vài trang nữa trong Nhật ký đọc sách của tôi.
Đọc Thành bại một đời văn mới hay Xuân Thiều cũng từng ăn trái đắng của nghề. Ban đầu, ông làm thơ. Thấy bạn bè cùng lứa văn nghệ ở Liên khu 4 viết truyện ngắn và được đăng, ông sốt ruột: “Nghe gà người ta gáy, cũng tập vỗ cánh xem sao”. Một truyện ngắn được viết. Rất nhanh và cũng rất nhanh chuyển về Tòa soạn Văn nghệ Quân đội: “Hồi hộp chờ đợi khoảng một tháng sau - Xuân Thiều nhớ lại  - thì nhận được thư trả lời của tòa soạn do anh Hà Mậu Nhai viết. Đọc xong, tôi vừa ngượng ngùng vừa xấu hổ” (2, tr.160). Tuy vậy, Xuân Thiều không nản. Và thành công đã đến với ông. Truyện Dưới hầm bí mật được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và truyện Trăng đêm thì được nhận giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sự khích lệ không nhỏ. Con đường văn chương rộng mở phía trước, tưởng không hề có chông gai, trăn trở. Thì...
Ai chả muốn thử sức mình qua tiểu thuyết, cái thể tài có sức ôm chứa nhiều điều mà một truyện ngắn không thể làm nổi. Bản thảo tiểu thuyết đầu tiên của Xuân Thiều có tên là Chuyển vùng viết về một vùng đất nổi tiếng du kích chiến ở Thừa Thiên. Ông bỏ hẳn về nông trường Rạng Đông do Trung đoàn bộ đội địa phương Thừa Thiên cũ đứng ra xây dựng để thu thập tài liệu. “Phải mất cả năm, vừa công tác vừa viết - Xuân Thiều nhớ tiếp - tôi mới hoàn thành bản thảo khá dày, ước 500 trang in, mang đến nạp ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân”. Nhưng không thành. Vì sao? Xuân Thiều tự hỏi. Rồi dần dần mọi chuyện sáng tỏ trong ông: “Chẳng lẽ lại chỉ minh họa lại một vùng du kích chiến? Phải có vấn đề gì về con người, cho con người chứ? Tôi tắc tị, không trả lời được. Nghĩa là cả quãng thời gian dài bỏ sức cày bừa cuốn tiểu thuyết này, cái chủ yếu vẫn chưa đến” (2, tr.165) Xuân Thiều viết Thành bại một đời văn năm 1994, khi ông thật sự đã vươn tới một tầm cao trong nhận thức nghề nghiệp. “Cái chủ yếu” của văn chương chính là những vấn đề của con người vì lẽ sống chính của văn chương là cho con người. Hoàn toàn gần gũi với quan niệm của Nguyễn Minh Châu. Cái gì làm nên tác phẩm văn chương? Sinh thời nhà văn khả kính của chúng ta có lần nêu ra câu hỏi cốt tử ấy, và ông trả lời: “Cuối cùng nói gọn lại là, những con người và cái triết lý sống của con người ấy”. Chân lý thường ngắn gọn và giản dị. Nhưng con đường đến với chân lý lại hay khúc khuỷu và gập ghềnh.
Sau những chệch choạc khó tránh khỏi ban đầu, Xuân Thiều đã đến được với cái điểm tưởng chừng cần phải đến của nghề văn. Trước hết là trong nhận thức và sau đó là trong thực tiễn sáng tạo. “Tưởng chửng” thôi, vì có ai dám quả quyết là trên đường đi tới không còn gì nghĩ tiếp để tự hoàn thiện. Chẳng hạn, đọc đoạn văn sau trong Những bước đi ban đầu được Xuân Thiều viết vào năm 1980, tôi thấy vẫn còn ái ngại lắm: “Có lẽ, khi cầm bút viết truyện kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ cứu nước, những người viết chưa thấy được rằng mình đang làm văn học. Họ chỉ kể lại những kỷ niệm của mình hoặc của bè bạn, kể sao cho chân thật, cho hay, cho bổ ích. Với cách nghĩ giản dị như thế, họ đã cho ta những tác phẩm văn học thật sự” (2, tr.193). Tôi không có ý đánh giá thấp những truyện viết về kỷ niệm sâu sắc trong chiến tranh. Nhiều truyện được viết cẩn trọng, xúc động và bổ ích. Cũng phải thừa nhận là nhiều nhà văn quân đội sau này trưởng thành lên từ việc thử sức ban đầu ở loại truyện có chất văn chương nhưng nặng chất báo chí này. Theo tôi, chưa thể xem đó là những sáng tác văn học thật sự. Hư cấu sáng tạo ở đây còn chịu nhiều ràng buộc, chưa thể khoáng đạt như văn chương nghệ thuật đích thực đòi hỏi.
Suy cho cùng, chẳng ai có thể khẳng định là mình có thể đi đến tận cùng bản chất thật sự của văn chương cả. Mọi lý thuyết đều có giới hạn. Nếu có đưa ra một đôi ý kiến nào đó về văn chương thì cũng chỉ là những mảnh nhỏ, có thể cơ bản và then chốt, nhưng bao giờ cũng chỉ là những mảnh nhỏ trong cái đại dương vô cùng vô tận của quan niệm văn chương kia. Nhà lý luận hay nhà văn - những người am hiểu - đều nghĩ vậy. Xuân Thiều chắc cũng nghĩ vậy. Chả thế mà ông đã không nhại dùng đi dùng lại những từ phù trợ như “dường như”, “có lẽ”... khi có dịp bàn luận chung về văn chương. Bảo là khiêm nhường cẩn trọng thì cũng đúng. Nhưng có lẽ đó là thái độ khoa học cần phải có mà ông rất có ý thức thấm nhuần. Và, trong chuyện này, nếu không may có khiếm khuyết, kể cả lầm lạc đi nữa, thì ông cũng không vì thế mà cảm thấy quá áy náy, phiền lòng.
Tuy nhiên cho đến năm 1992, nghĩa là hơn 10 năm sau, trong bài Tâm sự viết truyện ngắn, Xuân Thiều đã hoàn toàn có cơ sở để đưa ra một định nghĩa về văn chương khá đĩnh đạc, đường hoàng. Ông viết: “Văn học, nhất là ở thể loại truyện ngắn phải phát hiện những điều mới mẻ của con người, đào xới sâu vào con người, thể xác lẫn tâm linh, cả hành động lẫn tư duy, để cuối cùng hướng con người tới chân, thiện, mỹ” (2, tr.120). Ôi, như một nhà lý luận văn chương thực thụ! Chặt chẽ và súc tích. Bao quát và hiện đại. Tôi xin lưu ý đến từ tâm linh Xuân Thiều sử dụng. Có một kỷ niệm nghề nghiệp nhỏ nhỏ thú vị đối với tôi. Khoảng năm 1995, tôi có viết tiểu luận Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong đó tôi biện luận đại để là giai đoạn 1945 - 1975 do hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, để tồn tại và chiến thắng, trong đời sống cũng như trong văn chương, một số mặt trong bản chất con người tên thực tế nổi trội hẳn lên. Đó chủ yếu là con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường. Từ sau toàn thắng 1975, tình hình trên đại cục đã hoàn toàn đổi khác, đã đến lúc chúng ta cần lưu tâm đến tính toàn diện của bản chất người, tính đa dạng của quan hệ người. Cùng với những mặt trên, nhà văn cần coi trọng bổ sung thêm con người siêu việt, con người tâm linh, con người tự nhiên, con người nhân loại, con người cá thể và con người đời thường.
Gửi một bản đến một tạp chí uy tín nọ, tôi nhận được thư phản hồi. Vị Tổng biên tập là một nhà văn danh tiếng đề nghị tôi sửa từ tâm linh thành từ nội tâm. Tâm linh nghe như siêu thoát, mơ hồ quá. Trong thư phúc đáp, tôi có giải thích rõ ý của mình, rằng con người là một thực thể kỳ diệu lắm, rằng văn chương đi vào đời sống bên trong của con người không thể lúc nào cũng rành mạch tỏ tường cho được. Trong toán học hai với hai là bốn. Trong khoa học nhân văn thường không vậy. Nó mờ ảo, biến hóa khôn cùng. Nguyễn Duy viết:
Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
Để mang về cái nhớ bâng quơ
Xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
Tôi vốn không rành mạch bao giờ
Cũng may vị Tổng biên tập hiểu tôi và cho qua. Do vậy, từ tâm linh trong ý kiến của Xuân Thiều khiến tôi thán phục lắm. Và không phải chỉ một lần tôi thán phục ông. Ví như quan niệm của Xuân Thiều về một thể ký văn chương - thể hồi ký. Ông viết: “Cuốn hồi ký sẽ không trung thực, nếu tác giả tự ý đề cao mình, coi mình là người tạo ra sự kiện lịch sử. Và ngược lại, cuốn hồi ký sẽ kém hấp dẫn nếu tác giả chỉ chăm chú tới sự kiện mà né tránh cái riêng của mình” (2, tr.310). Phải coi đây là ý kiến bổ sung thích đáng cho lý thuyết ký ở ta mà cho tới giờ xem ra còn có chiều hời hợt, thậm chí lệch lạc. Nếu giải quyết được khâu mắc then chốt này, tôi dám chắc là rất nhiều tập hồi ký đã công bố sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn hẳn. Hay như, quan niệm sau của Xuân Thiều về truyện ngắn: “Truyện ngắn là một mảng đời soi tỏ một kiếp người. Và từ mảng đời ấy bùng nổ sự khám phá, khiến ta ngạc nhiên, say mê và lòng ta trở nên không yên khao khát cái đẹp” (2, tr.118). Tôi không bảo ông có phát hiện táo bạo trong lý thuyết truyện ngắn. Ý tôi là Xuân Thiều đã bàn vấn đề từ hiểu biết và từ trải nghiệm của chính ông. Đọc lý luận kiểu ấy thấm thía lắm, khác xa với lối tư duy của những nhà lý luận kinh viện, học đường. Cách đây chừng mười lăm năm, ở ta có một cuốn sổ tay về truyện ngắn thu thập khá phong phú các lời bình luận Đông Tây kim cổ. Sao ta không thể làm một cuốn sách nữa của các tác giả Việt Nam để có dịp đưa những ý kiến như của Xuân Thiều vào nhỉ?
Xin được nhắc lại, tôi có phần ngỡ ngàng trước nhiều quan niệm văn chương đúng đắn và thuyết phục của Xuân Thiều. Cứ như sự ngỡ ngàng của Tư Thiên trước lý lẽ sắc sảo, rành rọt của Lưu Dương khi buộc phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống tình cảm: “Quái lạ, ông Lưu Dương này đào đâu ra những ý nghĩ lạ lùng đến thế” (Tư Thiên - Tập I, tr. 101).
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...