Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Bút ký văn học

Bút ký văn học 
(Phần Xuân Thiều)
Dường như ai cũng mắc căn bệnh nghề nghiệp mà đôi khi bản thân không ý thức được hết. Có phải vì thế mà đọc ai cũng cứ hay liên tưởng đến mình, đến cái nghề của mình, hoặc nhiều hoặc ít. Trực tiếp thì chẳng bàn làm gì, lắm khi gián tiếp, xa xôi đế mức không thể ngờ tới. Như những đoạn văn, đoạn thơ sau của Xuân Thiều…
Ở trang 343, tập I, tiểu thuyết Tư Thiên có một đoạn bình luận về chiến tranh cứ khiến tôi nghĩ đến những khái quát lý luận văn chương sống động giàu ý nghĩa thực tế: “Chiến tranh được coi là có quy luật, diễn biến chiến đấu được coi là có bài bản đều do những con người sau những sự cố xảy ra, đúc kết lại. Còn trong thực tiễn, dường như chiến tranh xảy ra không theo quy luật nào cả”. Xuân Thiều viết về sự thật chiến tranh cứ như đang viết về sự thật sáng tạo văn chương, và liên quan đến nó là sự khái quát về mặt lý luận. Quy luật diễn biến văn chương tồn tại trong các hiện tượng văn chương muôn hình vạn trạng. Người làm lý luận, nếu thật sự mong muốn hệ thống lý luận của mình mang tính khoa học, đáp ứng được những đòi hỏi cao của thực tiễn sáng tạo, thì phải tìm hiểu mọi hiện tượng văn chương tiêu biểu, thuộc mọi thể loại và mọi khuynh hướng, phân tích đối chiếu chúng với nhau, rồi bằng tư duy trừu tượng và phương pháp loại hình rút ra những nét khái quát chung được gọi là các nguyên lý lý luận. Đừng bao giờ quên hiện tượng bao giờ cũng phong phú hơn quy luật. Chớ lấy làm lạ nếu gặp những ngoại biệt. Ấy là chưa nói, những bậc thiên tài nghệ thuật khi nào cũng coi sự sáng tạo ra cái chưa từng xuất hiện là mục đích theo đuổi của mình. Họ không bị trói buộc bởi bất kỳ thứ lý luận khuôn cứng nào. Họ sáng tạo và sáng tạo. Và dường như họ chỉ bắt chước một đối tượng duy nhất: đó là cái tôi của người nghệ sĩ (sau khi đã bồi đắp nên bởi chất phù sa giàu có của cuộc đời, hẳn nhiên là vậy!). Thế rồi họ để lại công việc ngổn ngang cho các nhà lý luận, các nhà mỹ học...
Đọc Xuân Thiều, tôi còn rút ra nhiều bài học quý giá khác cho người nghiên cứu văn chương. Nhà văn, khi viết về chiến tranh, phải tự trang bị cho mình đầy đủ như Thiếu tướng Phó chính ủy Quân khu Tám Lê nghĩ: “Về huấn luyện và kỷ luật, về tổ chức và tư tưởng, về trang bị và hậu cần” (Tư Thiên, tập I, tr.43). Ai cũng chỉ viết bằng những gì mình thấu hiểu hơn tất cả. Hiểu ít, tựa như người đi chợ mang không nhiều tiền, mua gì cũng khó và chẳng thể toại nguyện cho được.
Tuy, với nghề văn, chỉ những hiểu biết cụ thể, kỹ lưỡng, phong phú không thôi thì hình như vẫn chưa đù. Xuân Thiều bảo rằng, ấn tượng, chính ấn tượng về đời sống mới thúc bách nhà văn cầm bút, mới làn nên những trang văn có hồn. Ông viết về hiệu quả của một chuyến đi thực tế lấy tư liệu sáng tác: “Nhân vật và bối cảnh của thiên truyện là sự tổng hòa của những ấn tượng mạnh mẽ trong những chuyến đi ấy” (Tiếng nói cảm xúc, tr. 300). Đó là sự thật! Chỉ những ai trải nghề mới như Xuân Thiều mới có điều kiện thấm thía sự thật này. Đơn giản là vì: Tại sao bao người, bao sự, bao chuyện trong một chuyến đi lại chỉ  những cái đó mới đi được vào tác phẩm, tự nhiên và nhuần nhuyễn đến vậy. Những cái đó nằm trong cảm nhận của nhà văn tuyệt nhiên không phải bằng sự quan sát lạnh lùng, cho dầu nhiều khi là sự quan sát sắc sảo và tinh tường. Những cái đó chính là ấn tượng được hun đúc đồng thời bởi nhận biết và cảm thức. Vậy thì, dùng từ vốn sống như bấy lâu khi bàn về vốn liếng tinh thần của nhà văn, hay nên dùng một từ khác thay thế, chẳng hạn, chất sống?
Rồi còn một chuyện phải được coi là hệ trọng bậc nhất trong các điều hệ trọng này nữa: đổi mới lý luận. Với nhà văn, sự đổi mới phải toàn diện và triệt để. Với nhà lý luận cũng vậy, không thể khác. Khi đó, mọi điều lớn nhỏ đều được soi rọi bởi một thứ ánh sáng mới tinh khôi, trước đây không thể có nổi. Một ví dụ, lời thề của nhân vật Vũ Lâm trong lễ kết nạp Đảng: “Tôi xin thề hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng dưới lá cờ vinh quang của Đảng là tôi nói thật lòng, chứ không phải cốt nói cho đẹp đầu môi đầu lưỡi” (Tư Thiên, Tập II, tr. 240). Xin được lưu ý, Tư Thiên, Tập II được hoàn thành vào tháng 9 năm 1994. Xuân Thiều nhấn mạnh đến sự thành thật “không phải cốt nói cho đẹp đầu môi đầu lưỡi” trong lời thề là có ý của mình. Phải chăng trong những ngày chúng ta đang sống đây, động cơ vào Đảng của một số người đã đổi khác, không còn trong sáng và đẹp đẽ như thời chiến tranh? Một lời nhắc nhở thấm thía và kịp thời. Sự Đổi mới đến từng chi tiết nghệ thuật là như vậy. Còn nhà lý luận? Tôi không thật hiểu vì lẽ gì mà cho đến giờ vẫn còn nhiều nhà lý luận khư khư ôm lấy những nguyên lý cũ kỹ đã bị thực tiễn sáng tạo vượt qua từ lâu. Họ ngại mọi sự đổi thay hay tư duy của họ không còn đủ nhạy bén để tiếp thu cái mới? Đến được cái mới đích thực thật khó lắm thay. Cái giá phải trả đâu có nhỏ! Kém chi cái khó, cái giá phải trả khi lăn một trái núi trong cuộc chuyển dời về tư tưởng chính trị - “bên bờ tư tưởng ta lìa ta” (Tế Hanh).
Lại nhớ đến cái chết rất đáng nhớ của Đại úy Song, Chính trị viên Tiểu đoàn trong Tư Thiên. Anh không tán thành chủ trương trụ lâu ở Huế trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tương quan lực lượng giữa ta và địch chưa cho phép. Trụ lại không phải là không có tác dụng, nhưng giữa cái được và cái mất, thực tế chứng tỏ mất nhiều hơn được. Nhưng ý kiến đầy tâm huyết của anh khi ấy chưa được chấp nhận. Một vài người cho anh là kẻ hèn nhát, tham sống sợ chết. Để tỏ rõ phẩm cách chiến sĩ trung kiên của mình, anh tình nguyện dẫn đầu tiểu đoàn xung trận và đã hi sinh thật quả cảm. Những giọt nước mắt nhỏ xuống trước anh không chỉ vì tiếc thương mà còn vì khâm phục - khâm phục khí phách, khâm phục lương tri của một người Cộng sản. Xuân Thiều bình luận về những giọt nước mắt của Mai: “Dành cho người anh hiền lành, độ lượng và đầy trí tuệ”. Lưu Dương nói: “Thôi cậu nằm lại! Cuối cùng cậu đúng” (Tư Thiên, tập II, tr.116). Đặng Thà thổ lộ: “Tôi kính trọng phẩm chất anh Song, sự hy sinh dũng cảm của anh là lời đối thoại, rằng lời đề nghị rút quân ra khỏi thành phố là vì sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân” (Tư Thiên, tập II, tr.156). Giá phải trả cho chân lý ở đây là mạng sống - cái quý vào bậc nhất của con người. Còn các nhà lý luận? các nhà phê bình? Đã mấy ai có can đảm và khí phách như Đại úy Song? Trong lý luận và trong phê bình vẫn còn đó bao điều gai góc, bao điều mới mẻ rất cần lòng can đảm và khí phách của nhà lý luận phê bình. Chẳng hạn, việc đánh giá lại văn chương cách mạng 1945-1975.
Giờ đây, chúng ta đã có đủ sự gián cách về thời gian và đủ sự bình tĩnh, sáng suốt để xem xét tất cả những gì xảy ra vào 30 năm ấy, trong đó có văn chương, nghệ thuật. Cần phải đưa ra những nhận định xác đáng về thành tựu và hạn chế của giai đoạn văn chương được sinh ra và nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt này. Mục đích? Không chỉ để xét đoán lịch sử một cách công bằng, mà chủ yếu là để rút ra những bài học quý giá, nhằm đưa nền văn chương dân tộc chuyển sang một thời kỳ mới với những thành tựu mới, phù hợp với xu thế chung của nhân loại hiện đại. Và đây, một đoạn thơ trong bài Gửi em của Xuân Thiều đã gợi ý cho tôi nghĩ về một trong những đặc điểm của văn chương thời ấy:
Thư em viết liêu xiêu nét chữ
Chỉ báo tin vui những chuyện tốt lành
Em giấu kín nhiều điều thắc thỏm
Để yên lòng người đối mặt chiến tranh.
Cần có con mắt lịch sử - cụ thể để xem xét, đánh giá. Nếu không, ta sẽ phủ nhận những cái đáng trân trọng gìn giữ và khẳng định những cái đáng rút kinh nghiệm để vượt qua. Biết bao điều hệ trọng đang đặt ra trước các nhà lý luận, phê bình văn chương... Chẳng lẽ ta cứ lẩn tránh hoài!.
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...