Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Chất văn một tập ký viết về Điện Biên Phủ

Chất văn một tập ký viết về Điện Biên Phủ
Trong tay tôi là tập bút ký Sông núi Điện Biên của Trần Lê Văn do Hội Văn học Nghệ Thuật Lai Châu ấn hành năm 2000. Cuốn sách được in lần thứ hai. Kỷ niệm tròn 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào 2004 này, tôi chắc nó sẽ được tái bản, và sẽ còn tái bản dài dài. Một tập sách thật giàu ý nghĩa. Và cũng thật công phu. Trần Lê Văn đi nhiều: khắp mường trên bản dưới. Ông đọc nhiều: ngồn ngộn sách trong và ngoài nước viết về Điện Biên Phủ. Nhất là ông nghĩ nhiều: về quá khứ và hiện tại, về sông núi và con người, về chính trị, kinh tế và văn hóa… Đáng nói nhất là cuốn sách do bàn tay nhà văn viết ra, một nhà văn từng gắn bó, buồn vui sướng khổ cùng Tây Bắc, cùng Điện Biên. Ý nghĩa của tập sách được gia tăng nhờ sức cảm hóa của văn chương, của nghệ thuật. Chất văn ấy nằm ở chỗ nào?
Tôi có được sự thú vị lần theo lời giảng giải những địa danh liên quan tới chiến công lẫy lừng của dân tộc ta. Chẳng hạn, sao gọi là Điện Biên Phủ? Phủ thì dễ hiểu rồi, nghĩa rộng là toàn bộ địa hạt của huyện (xưa là châu) và nghĩa hẹp là thủ phủ, là cơ quan huyện đóng. Biên cũng không khó hiểu. Đó là biên giới. Điện Biên Phủ chẳng là vùng đất giáp ranh nước Lào anh em là gì! Tôi nhớ tới đoạn sau của tập ký: “Đứng trên đỉnh 1897 mét của dãy núi Pú Xam Xao (núi Ba cô gái) ở phía nam, chắc có thể nhìn bao quát cả vẻ đẹp hai bên được nhiều. Ở Tây Trang và nhiều bản khác của Điện Biên giáp Lào, “con gà gáy, hai nước nghe tiếng”. Đêm đêm nhà sàn bên này và nhà sàn bên kia đều ấm thêm vì thấy nhau cùng sáng lửa (tr.33). Khó thống nhất là nghĩa của thành tố Điện. Tôi phục cách hiểu của tác giả: Điện là vững vàng; Điện Biên là biên giới vững vàng. Để xác minh, nhà văn dẫn ra câu thơ nổi tiếng của ông vua đời Trần được dịch là:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
Vững âu vàng là dịch ba chữ điện kim âu. Tôi càng phục hơn khi để củng cố cách hiểu trên, tác giả dẫn ra những câu thơ của Lê Lợi khi vị vua dũng mãnh này cầm quân vượt lòng sông Đà lên Mường Lễ (tức Mường Lay) đánh Đèo Cát Hãn vào năm 1432:
Biên phòng năm liệu mười lo
Sao cho xã tắc muôn thu thái hòa.
Tuy nhiên, tôi không chỉ phục mà còn thật sự ngạc nhiên khi đọc những dòng sau: “Nực cười khi đọc câu của Giuyn-lơ Roa, tác giả người Pháp cắt nghĩa ba chữ Điện Biên Phủ: “Điện” nghĩa là to. “Biên” là biên giới. “Điện Biên Phủ” có thể dịch là “thủ phủ lớn về hành chính ở biên giới”. Còn gì vô vị hơn!”. Hiểu biết của Trần Lê Văn không chỉ chắc mà còn rộng. Không thể viết nổi những trang bút ký sâu lắng nếu thiếu những hiểu biết như vậy.
Còn một địa danh thân thuộc khác: Mường Thanh. Đó là theo cách phát âm của tiếng Việt phổ thông. Theo tiếng Thái địa phương phải đọc là Mướng Theng, từ Mướng Then (nghĩa là Mường Trời) mà ra. Một cái tên nghe rất thần thoại! Mướng Then là Cõi Trời (do ông trời làm chủ); Mướng Phi là Cõi Ma (cõi của thần linh và người đã khuất); Mướng cốn là Cõi Trần (cõi của người đang sống). Ở đây rất nhiều hiểu biết dân tộc học của tác giả được phát huy. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Cầm Trọng thì bản sở tại trung tâm của Mường Thanh cũ là “Chiếng Chu” hiện nay ít ai còn nhớ. Trong trường hợp này, Mướng và Chiếng trùng với nhau. Chiếng (Chiềng, đọc theo âm phồ thông) là từ chuyên dùng để chỉ bản sở tại của thủ phủ to hay nhỏ. Mường Thanh là vùng đồng bằng rộng như những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở miền xuôi. “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ  Tấc”. Thanh là Mường Thanh, Lò là Nghĩa Lộ, Than là Than Uyên, Tấc là Mường Tấc. Đấy là bốn đồng bằng rộng ở Tây Bắc mà Mường Thanh là nhất. Câu này thì nhiều người từng sống ở Tây Bắc đều biết. Riêng đoạn rút từ Kiến văn tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn thì ít người ngờ tới: “Thế núi vòng quanh… ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ… công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch gấp đôi…”.  Lê Quý Đôn không kìm nổi lòng tự hào về núi sông kỳ vĩ, trù phú của đất Việt, và khi dẫn lại, nhà văn của chúng ta cũng rạo rực lòng tự hào không kém.
Giải thích địa danh theo cách của nghệ sĩ không đâu rõ rệt hơn, ấn tượng hơn cái tên Him Lam. Đáng lẽ ra phải đọc là Hin Lăm mới đúng cách phát âm của người bản địa. Tiếng Thái, hin là đá, còn lăm là đen. Hin lăm đã rõ là đá đen (liên quan đến địa chất, địa lý). Hin Lăm người miền xuôi phát âm thành Hin Lam, rồi Him Lam.
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng
(Thơ Tố Hữu)
Theo tác giả: “Tên gọi này trở thành cố định, đã gắn chặt với nội dung, có lẽ không nhất thiết phải đính chính cho đúng phát âm gốc”. Ông còn đề xuất: “Nhưng trong những tài liệu nghiên cứu, có lẽ nên chua hai chữ “Hin Lăm” bên cạnh “Him Lam” thiết tưởng cũng có lợi về một mặt nào đó” (tr.146). Phải chăng là giải pháp trung dung? Tôi không nghĩ vậy. Ông đã đứng từ góc độ văn chương liên quan đến ý nghĩa xã hội rộng rãi mà xử lý tư liệu. Thật cao tay!
Có điều, chất văn chương đậm đặc nhất chính là ở khả năng sử dụng chi tiết. Biết bao điều cần nhắc tới, cần ghi lại. Buộc lòng phải chọn lựa. Mà phải là những chi tiết đắc địa nếu muốn viết hay như tác giả mong mỏi. Hầu như trong toàn bộ tập sách dày ngót 500 trang, tác giả khắc họa hình ảnh Hồ Chí Minh chỉ có một đôi lần. Mà thật nổi rõ vai trò của Người:… “Ngày 7 tháng 5 năm 1959, nhân kỷ niệm lần thứ năm ngày Chiến thắng Điện Biên, Bác lên thăm đồng bào Tây Bắc. Bác nhắc đến từng dân tộc, kể cả những dân tộc chỉ có vài chục người, ở nơi heo hút nhất. Rồi Bác hỏi:
- Còn dân tộc nào tôi quên chưa nêu tên không? Nếu sót thì tôi xin lỗi.
Sau khi nói với đồng bào những điều hay  lẽ phải, nghe giản dị mà thấm thía, Bác hỏi bằng tiếng Thái:
- Pi noọng hụ báu? (Đồng bào hiểu rõ không?)
Ai cũng xúc động đến rưng rưng nước mắt (tr.78).
Vẫn con người Hồ Chí Minh quen thuộc mà ta từng bắt gặp trong đời thường và trong sách vở. Nhưng ở đây lại phát lộ những nét riêng thật khó quên. Mà cũng không thể khác. Rồi việc tạo dựng hình ảnh vị Đại tướng Tổng tư lệnh nữa. Nhiều người đã viết, đã nói. Trần Lê Văn viết, nói sao đây? Ông đặc biệt nhấn mạnh cái chất người bình dị trong tâm hồn khoáng đạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà văn trích cuốn Vài hồi ức về Điện Biên Phủ phác hoạ cảnh đẹp của Thẳm Púa thật nổi bật: “Trời không lạnh lắm, trăng rất trong. Dòng suối lấp lánh ánh trăng. Những hòn núi đá hiện lên dưới trăng như những công trình kiến trúc, điêu khắc đồ sộ của con người đã tạo nên để tô điểm cho thiên nhiên… Trong đêm trăng, đất nước ta tại miền Tây này quả là đẹp như một bức tranh”. Đại tướng nói với mấy nhà báo nước ngoài có mặt ở đây:
- Chúng tôi lại sắp chiến đấu, chính là để cho trên khắp mọi miền của đất nước chúng tôi đêm nào cũng đẹp như đêm nay (tr.32).
Đã rõ là nhà văn soi rọi đối tượng bằng thứ ánh sáng riêng, giàu tính phát hiện. Văn chương đích thực luôn đòi hỏi cao tính khám phá, tính sáng tạo. Cái mà nhiều người dễ bỏ qua, lắm khi đọng lại thật sâu, thật đằm trong con mắt người nghệ sĩ. Ví như, cây phượng và hoa huệ trên đồi A1. Mấy ai không rung động trước hoa. Nhà văn càng vậy. Nhưng đây là hoa giữa di tích lịch sử hào hùng. Vậy viết sao đây? Để nói điều gì đây? Tôi đọc được những dòng này: “Hai bên phía trước (Đồi A1), hai cây phượng đã cứng cáp, có lẽ trồng từ khi xây Đài kỷ niệm. Mùa này phượng sắp ra hoa, tiếp lấy những ngọn lửa của hoa vông trên núi… Hai mươi năm trước, đúng vào cữ này đây, hoa phượng cũng phô màu và ve rừng cũng tấu nhạc…”. Và tôi còn được đọc tiếp những dòng sau: “Nay xung quanh miệng hố hình phễu (dấu tích của trận nổ khối bộc phá nghìn cân đánh sập đồi A1) vào cữ cuối xuân đầu hạ này, hoa nghệ rừng nở đầy. Hoa nghệ rừng là thứ hoa nở nhiều trong những ngày chiến dịch Điện Biên. Cả thân cây đều là hoa, bố cục từa tựa như bông hoa bèo Nhật Bản, nhưng màu sắc phong phú hơn, dưới vàng trên hồng ngả sang tím. Chiến sĩ Điện Biên thường hái hoa ấy vào những phút nghỉ ngơi, đem về nơi trú quân, cắm vào những chiếc lọ làm bằng vỏ đạn pháo. Giuyn-lơ Roa ghi: ”Những người chiến sĩ gầy gò ấy xúc động với những bông hoa trước khi lao mình vào cái chết. Điều đó làm cho tôi lạnh cả sống lưng” (tr.125). Trong cuốn sách, có nhiều chi tiết tưởng thoáng qua nhưng biết neo vào lòng người bởi ý nghĩa sâu sắc của nó. Chẳng hạn chiếc ca của tên lính lê dương làm bằng nhôm. Trong lúc ngồi buồn, y đã trổ chữ và trổ hình trên đó. Mặt ngoài ca trổ hình một người đàn bà châu Âu đứng trong một trái tim có mũi tên xuyên qua. Còn cái câu trổ trong lòng ca bằng tiếng Pháp đã bộc lộ hết sự chán trường trong lòng y: Mẹ kiếp! Nó rỗng không! (tr.209).
Chi tiết đời sống đã đi vào tập ký giàu chất văn chương của Trần Lê Văn như thế đó. Tôi còn lưu tâm tới những tài liệu lịch sử, tài liệu sách vở được tác giả sử dụng một cách uyển chuyển, vừa tự nhiên vừa nổi rõ ý nghĩa. Xin bắt đầu bằng những tư liệu lịch sử. Vực nào cao bằng chí căm hờn, lời hò kéo pháo luôn vang lên trong tâm trí chúng ta. Và thật không một chút ngẫu nhiên, khi dừng chân ở đồi Độc Lập, ký ức của tác giả lại trở về với dĩ vãng đau thương: “Đồi Độc Lập có tên cũ là Pú Vắng (Đồi Vực). Sở dĩ gọi thế là vì có một cánh đồng trũng dưới chân đồi. Giặc Phẻ bắt hết trẻ con trong vùng đem giết. Trẻ còn ẵm ngửa, chúng cho vào cối, giã. Trẻ lẫm chẫm biết đi hoặc lớn hơn thì chúng ném xuống cánh đồng trũng rồi tháo nước vào cho chết hết. Xương trẻ con trắng xóa cánh đồng. Từ đấy thành tên Tông Khao (Cánh đồng trắng)” (tr.178). Đấy là sự ăn nhập về tinh thần giữa quá khứ và hiện tại.
Còn đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ của lịch sử. Ngày 13 tháng 3 năm 1954 ta mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Đúng 12 năm sau, ngày 13 tháng 3 năm 1966, pháo mặt đất của ta hạ chiếc máy bay của Mỹ cũng ở Điện Biên Phủ. Ngày 15 tháng 3 năm 1954, trước sức mạnh không ngờ của pháo binh ta, tên quan năm chỉ huy pháo binh của Pháp Pi-rôt tuyệt vọng tự sát ở gần cầu Mường Thanh. 12 năm sau, ngày 15 tháng 3 năm 1966, một chiếc máy bay nữa của Mỹ lại bị pháo mặt đất của ta bắn rơi (tr.198). Có thể những sự trùng hợp trên là tự nhiên. Còn sau đây là sự trùng hợp được cố ý sắp đặt. Nhân vụ tự sát của Pi-rôt, nhà văn nhắc lại lịch sử: “Mờ sáng ngày 30 tháng 1 năm 1789 (mồng 5 Tết Kỷ Dậu), một đạo quân Tây Sơn do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ bao vây, tiêu diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội) ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Tướng chỉ huy đồn Khương Thượng là đề đốc Sầm Nghi Đống khiếp sợ, phải thắt cổ tự tử (tr.188).
Trần Lê Văn hình như rất có ý thức trong việc sử dụng sức mạnh tối đa những tư liệu sách vở viết về Điện Biên Phủ. Ai cũng biết, khi đó Điện Biên Phủ là trung tâm chú ý của cả thế giới. Chưa bao giờ báo chí lại vào cuộc nhanh nhạy đến thế. Tôi nhớ đến chi tiết này, một hãng thông tấn lớn của Mỹ điện cho một nữ y tá của Pháp ở tập đoàn cứ điểm xin mua 1000 đô la cho hai trang viết về Điện Biên Phủ (tr.266). Cái tài của người viết là gợi được không khí sôi động, nóng hổi khiến ta có cảm giác của người trong cuộc, hay ít ra là của người đang chứng kiến. Mụ nhân ngãi của Đờ Cát trong lúc chờ đợi mở màn chiến dịch đã nói: “Quân Việt phải tấn công Điện Biên Phủ đi chứ, nếu không thì anh Cơ-rit-xchi-ăng đã ngoài 50 tuổi chả bao giờ được ngôi sao tướng”. Một sỹ quan Lê Dương nghe thấy thế, bực mình, nói: “Bà thích đánh nhau thì đi mà đánh nhau!” (tr.280). Rất, rất nhiều những chi tiết như thế xuất hiện trong tập ký.
Ký là thể tài nằm giáp ranh giữa văn chương và báo chí. Chính ở chỗ nhạy cảm này mà đặc thù của văn chương được thử thách. Nếu vượt qua, tác phẩm sẽ đứng vững và xứng đáng được tưởng thưởng. Phải chăng Sông núi Điện Biên của Trần Lê Văn đã vượt qua những thử thách thể loại để vươn tới những đòi hỏi của một tác phẩm văn chương đích thực.
 Đà Lạt, 13/03/2004
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...