Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Nguyễn Đức Thọ và cuộc hành trình tự hoàn thiện mình

Nguyễn Đức Thọ và cuộc hành trình
tự hoàn thiện mình
Nhà văn Nguyễn Đức Thọ tâm sự: “Mỗi con người đều không hoàn thiện nên luôn tự đi tìm bản thân mình. Tôi viết trong sự ám ảnh ấy” (Nhà văn Việt Nam hiện đại. tr 643). Muốn vậy, phải tự đào xới bản thân qua cuộc đào xới không ngừng mảnh đất nhiều lớp lang, có mặt sáng và khoảng tối, mang tên là kiếp người. Chẳng phải thế sao nếu cái cốt lõi đích thực của sự viết là qua mình để khám phá ra người, và rồi lại từ người để phát hiện ra mình. Cứ thế, cùng với trang viết, nhà văn và cõi đời đều được hoàn thiện để vươn tới vương quốc thần tiên của Cái đẹp. Chỉ trừ khi trái tim ngừng đập, chứ còn một giây phút để sống để viết, thì không một nhà văn chân chính nào lại không thôi ấp ủ trong nỗi trăn trở không nguôi về cái điểu cốt tử đó.
Cuối năm 1999, Nguyễn Đức Thọ cho in tuyển tập truyện mang tên một tác phẩm từng đoạt giải của anh - truyện ngắn Hồi ức làng Che*. Đúng 15 truyện đánh dấu 15 năm - “Một suất Kiều” như cách nói nhiều ẩn ý của một cây bút đàn anh - bắt đầu từ tập Đêm dưới  núi đá chồng. Ôi! Biết bao khúc nhôi trong 15 năm ấy. Từng câu chữ như lòng anh trải ra trên trang giấy trắng, rõ ràng mà tâm huyết, chân thực mà nhức buốt, dung dị mà sâu lắng… Cứ như cuộc đời tự lên tiếng vậy!
Ai có dịp dõi theo con đường viết văn chưa dài của Nguyễn Đức Thọ đều biết anh không thuộc trong số những nhà văn ham viết nhiều. Đọc nhiều, đi nhiều, nghĩ nhiều, nhưng nếu không có gì thì thật day dứt trong lòng, anh không sao buộc mình ngồi vào bàn viết cho nổi. Rồi một khi thấy có một điều cần nhắn gởi với cuộc đời thì anh đắn đo từng con chữ, lật lên đặt xuống, khá là chật vật. Nhưng đó cũng là những giây phút hạnh phúc nhất của đời anh - “những giây phút thần tiên” - với tư cách là một nhà văn. Càng quý hơn khi được biết vài năm trở lại đây, sống giữa thành phố công nghiệp sôi động vào bậc nhất nước, Nguyễn Đức Thọ lại còn phải chạy ngược chạy xuôi trong cuộc mưu sinh không phải là dễ dàng và dễ chịu, nhất là đối với những người hay cả nghĩ, chạnh lòng như anh. Thôi thì đành “bán” một chút vàng ròng của tâm hồn mình đi như cách nghĩ chua chát của thi sĩ tài danh Nguyễn Duy. Trong những cái không thể, anh đã tìm ra cái khả dĩ, để tồn tại cùng một gia đình ấm êm, và cái chủ yếu là để nuôi dưỡng sức bút của mình.
Chập chờn trong con mắt Nguyễn Đức Thọ mỗi khi có sự thúc bách sáng tạo từ bên trong là hình ảnh Nguyễn Minh Châu, nhà văn đồng hương có ảnh hưởng sâu sắc tới anh ngay từ bước chập chững đầu tiên vào nghề viết. Thật ra Nguyễn Đức Thọ - đàn em trực tiếp gặp Nguyễn Minh Châu - đàn anh không nhiều, chỉ đôi ba lần gì đó. Nhưng ảnh hưởng của nghề văn đâu có phụ thuộc hoàn toàn vào những lần tiếp kiến. Ấn tượng qua trang viết mới quyết định. Tôi không xem là chuyện lạ nếu người đi trước cho ra đời tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu (1987) mà người đi sau không chút ngại ngùng lấy Xứ sở tình yêu đặt tên cho cuốn tiểu thuyết công bố 2 năm sau đó, vào 1989.
Sau sự ra đi đột ngột gây cảm giác hẫng hụt đối với nhiều người của Nguyễn Minh Châu, nhà văn trẻ Nguyễn Đức Thọ (có thể gọi thế vì lúc đó anh mới 35 tuổi) lập tức viết Dấu chân tiên để tưởng nhớ tới ông. Đọc xong truyện ngắn có dung lượng của truyện vừa ấy, tôi mới thật sự hiểu cái nguyên cớ sâu xa khiến anh có can đảm lật ngược lại nhiều vấn đề khi đó còn khá mơ hồ nếu không nói là còn khá rối rắm trong đầu óc của không ít người. Thì ra có dấu ấn nghề nghiệp của Nguyễn Minh Châu trong đấy. Đây, cái ý kiến mang sức soi sáng của ông: "Các nhà văn ta viết về nông thôn nhưng lại nhìn người nông dân bằng đôi mắt nông dân, tại sao không nhìn người nông dân bằng con mắt trí thức?” được Nguyễn Đức Thọ nhắc tới trong cuốn  Nhân chứng của thiên nhiên - tập bút ký và chân dung do Nhà xuất bản Thanh niên vừa mới ấn hành năm 2000. Nếu tôi không lầm thì đó cũng là một trong những nguyên do chính yếu khiến các tác phẩm viết về nông thôn, nông nghiệp và nông dân chưa gặt hái được nhiều thành tựu khiến ta có thể hài lòng.




Giờ xin được trở lại với tập Hồi ức làng Che. Quả đúng như tên gọi của nó, ở những mức độ và bình diện khác nhau, mỗi truyện ngắn là một chuỗi “hồi ức” được soi rọi bởi cái nhìn tỉnh thức của ngày hôm nay. Biết bao sự kiện lớn nhỏ của ngày hôm qua được phơi bày ra ánh sáng, đối diện với lương tâm và lương tri, buộc ta phải tỏ thái độ trên cơ sở lý giải đến tận chân tơ kẽ tóc bằng con mắt biện chứng của lịch sử. Ta dễ dàng bắt gặp nụ cười mỉm của Nguyễn Đức Thọ, để nói như Marx, tống tiễn quá khứ một cách nhẹ nhõm, không hề mảy may nuối tiếc. Ta không thấy chất giọng hằn học, chì chiết thường gặp ở các cây bút ác ý, ác tâm. Anh cảm thông mà không hề oán thán. Đó là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử kéo dài, muốn vượt qua cần có thời gian, không thể bốc đồng, nóng vội.

Tôi nhớ đến nhân vật Chính trong Người của ngày xưa  nguyên là Chủ nhiệm Tổng kho hậu cần tại Cung đường 15 máu lửa thời chống Mỹ. Anh đã có gia đình nhưng thật lòng yêu mến bác sĩ Ngàn dưới quyền mình, một thiếu nữ  trẻ đẹp và đầy quyến rũ. Chị cũng yêu mến anh, âm thầm nhưng không thể bảo là không rõ ràng và mãnh liệt. Giữa cảnh B52, đất trời chao đảo, rừng cây ngả nghiêng, Chính đã không do dự lấy thân mình che chở cho Ngàn. “Hai người lăn lốc xuống lòng khe cạn. Bom nổ liên hồi, mặt đất đong đưa  xô dạt. Ngàn thu mình trong vòng tay rắn chắc của Chính, thân thể cô mềm mại và nóng ấm. Chiến tranh… biết thế nào là sống với chết,… biết thế nào là ngày mai. Bom cứ rung lên dồn dập, khiến Ngàn bấu chặt vào anh, hai thân thể chìm trong cơn hoảng loạn”. Thế rồi, như có một sức mạnh lạ lùng khó hiểu từ bên trong, Chính bỗng buông Ngàn ra, vùng chạy ra xa, rơi xuống một hốc đá. Đó là sức mạnh gì vậy? Sức mạnh của nỗi sợ phải xem là kỳ cục nhưng vào thời ấy có thể hiểu được, anh sợ hai người chết chung dưới lòng khe cạn “lỡ đồng đội tìm ra trong tư thế ấy thì ai sẽ thanh minh cho đây”… Nguyễn Đức Thọ có đặt vào miệng Ngàn lời trách cứ Chính trong tiếng nấc rền rĩ tủi thân: “Anh ác lắm! Tại sao anh bỏ em một mình. Anh hèn lắm!”. Cho  dẫu là vậy, người đọc vẫn không cảm thấy một chút xem thường hay ác cảm với Chính. Anh không thể vượt qua cửa ải mà thời đại chưa cho phép vượt qua. Tất nhiên, có đôi chút ân hận và nuối tiếc… Cũng là chuyện thường tình mà thôi!
Cái nhìn của Nguyễn Đức Thọ như vậy là có phần bao dung trong sự thể tất cần thiết. Tuy nhiên, không được phép né tránh, cũng không được phép hồ đồ. Tôi giật mình trước nhận xét của cụ Tú Viên trong Dấu chân tiên: “Thời này làm người hồ đồ không khó khăn lắm đâu”. Rồi cụ thở dài ngán ngẩm ngay sau câu nói đó (tr.187). Cũng theo cụ, thời trước không như thế đâu: “Nan - đắc -  hồ - đồ” (nghĩa là: làm điều hồ đồ khó lắm, làm kẻ hồ đồ khó lắm, khó lắm!) - tr.183. Sinh ra, con người được trời phú cho bộ óc để suy xét mọi chuyện, mọi sự trong đời. Cái gì tồn tại cũng có “lý” của nó, nhưng muốn “hưng”, “lý” phải thuận theo “đạo”. Không như vậy sẽ “phế”. Điều này diễn ra ngoài mọi ý muốn ngay cả ở những người thiện chí, thiện tâm. Chẳng hạn, chả ai lại đi dùng văn vần theo thể trên sáu dưới tám để đấu tố địa chủ như ông bố của Trần Khởi cả: “Nghe đây, địa chủ Hồ Châu/ Mày coi bần cố như trâu như bò/ Tội mày to lắm là to/ Đề nghị ông Đội xử cho: Tử hình!” (tr.189). Nếu người nghe, trong không khí trang nghiêm đến căng thẳng, mà “phải nhịn cười đến tức cả bụng”, cũng là khó tránh khỏi. Văn thơ đặt không đúng chỗ thành trò cười rẻ tiền nhảm nhí. Cười xong, ngẫm nghĩ lại thấy buôn buốt ở nơi tim, đau đau ở nơi óc!
Đọc Nguyễn Đức Thọ, tôi hay nghĩ về sự khám phá sáng tạo đích thực của nghề văn. Ai cầm bút có ý thức đều phải thường xuyên đối diện với câu hỏi: Vậy thì sự tìm tòi trong nghệ thuật khởi nguồn từ đâu? Ở cách viết, ở cách xử lý tư liệu ư? Không hẳn vậy. Bắt đầu từ sức nghĩ, từ điểm nhìn. Về con người và về đời sống. Thi pháp là chuyện đến sau. Tôi biết Nguyễn Đức Thọ sớm lường trước được những thách thức nghề nghiệp khi đụng chạm vào những vấn đề xã hội - lịch sử nhạy cảm lại phức tạp, không dễ đưa ra những cách giải quyết xác đáng, nhận được ngay sự đồng tình rộng rãi. Có va chạm và xung đột giữa cũ và mới, giữa bảo thủ và năng động, giữa những kẻ cơ hội đớn hèn và những con người chân chính. Với anh, lường trước mọi rủi may có thể xảy ra để chủ động đón nhận thử thách chứ không phải để chùn bước, nản lòng. Anh thành thực nghĩ: “Có một nỗi ám ảnh về lưỡi gươm Đamôcơlet treo lơ lửng trên đầu cùng với bao sự quy chụp đến đau lòng của một thời - nhà văn là đối tượng dễ bị đánh giá về quan điểm lập trường cách mạng. Chính vì thế hạnh phúc của nhà văn là sự đam mê sáng tạo, là sự phập phồng vui mừng và lo sợ sau khi đặt dấu chấm hết cho một tác phẩm (Nhân chứng của thiên nhiên, tr.190).
Cái dũng khí dám cất tiếng nói “phản tỉnh”, tôi bắt gặp không phải một lần trong Hồi ức làng Che. Bạn đọc thường dẽ tán đồng cùng anh. Chẳng là, không ít lầm lạc nặng như đá đeo trong quá khứ vẫn còn kìm hãm, ngáng trở sự hoàn thiện nhân cách và đời sống hiện tại. Cần tháo bỏ dần, không nóng vội, phải bình tâm nhưng đồng thời phải kiên quyết. Trước hết là từ quan niệm nghệ thuật. Vì sao? Một thời, do hoàn cảnh chiến tranh, cả dân tộc buộc phải dồn mọi tâm lực, sức lực, trí lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Văn chương, nghệ thuật đã tìm đến một hình thái tồn tại thích ứng, vừa hữu ích đối với thời cuộc vừa không hoàn toàn mất đi những nét đặc thù cần phải có. Thực tế chứng tỏ sự chọn lựa của phần đông các nhà văn, các nghệ sỹ là cần thiết và đúng đắn. Đáng phàn nàn là mươi mười lăm năm sau Toàn thắng 1975, cái hình thái ấy vẫn cứ được một số người, vô tình hoặc hữu ý, gắng sức bảo vệ và cổ vũ. Cái hại của những quan niệm nghệ thuật lỗi thời đã rõ. Không kiên quyết vượt qua thì mọi chuyện sẽ còn xấu hơn tệ hơn nhiều. Nguyễn Đức Thọ đã thẳng thừng bày tỏ qua niệm của mình, bằng cả ý kiến chính luận, nhưng nhiều hơn là bằng hình tượng. Thật mừng là nhiều nhân vật có xương có thịt của anh đã góp phần thức tỉnh người đọc với nỗi ám ảnh khó quên. Như nhân vật Cương trong Thung lũng xưa. “Ngoài năng lực cầm cày” lại “nhờ có học võ vẽ trường dòng”, “có năng khiếu cắt chữ, kẻ khẩu hiệu” nên xã rút anh ta lên làm Ban Văn hóa Thông tin lo coi sóc “phần hồn” của cả địa phương. Cương luôn đơn giản hóa đời sống tinh thần vốn vi diệu của con người và xã hội đến mức tầm thường, thô thiển. Trong cả nhận thức và hành động, nhất là trong hành động. Thung lũng Trận Đồ ở quê anh ta với 4 lèn núi đá mang những hình thù riêng biệt bao quanh.
Lèn Hai Vai “giống hình người vạm vỡ bị cụt đầu, đoạn cổ trồi lên giữa hai vai lực lưỡng”; Lèn Cờ “hình tam giác, trên đỉnh lua tua đuôi nheo…, giống kiểu cờ đám ma”; Lèn Trống “tròn trĩnh, lưng chừng có một miệng hang xuyên qua lòng núi thấy rõ khoảng trời như nhìn vào miệng giếng thơi”; Lèn Voi to nhất “giống con voi trận chết gục xuống…, đầu voi cùng vô số đoạn ngà gãy vụn vãi xung quanh”. Từ đó mới có câu: “Tướng cụt đầu, cờ rách/ Trống thủng, voi gãy ngà”. Sự thật là bi thảm, rành rành ra đấy. Vậy giải thích sao đây? Thất bại của ta ư? Đầu óc của Cương không chấp nhận nổi. Anh ta phịa ra, khi thì là dấu vết xâm lược của đế quốc Tàu, khi thì là chiến bại của đế quốc Chiêm Thành, đế quốc Ai Lao… Càng phịa càng khó tin. “Cái đồ tâm thần bất định” - Anh ta bàn luận người khác nghe cứ như đang lên án chính mình. Mà đáng lên án lắm chứ! Phim chiếu qua tay anh, cắt đầu cắt đuôi. Cảnh âu yếm nhau, cắt; cảnh tạm thời địch thắng ta thua, cắt… Đúng như lời đội trưởng đội chiếu phim: “Cắt vụn như thế chỉ còn nước chiếu dân cái tên phim với chữ hết phim. Phim có phải bánh tét đâu, cắt ra rồi muốn ăn khúc nào thì ăn” (tr.121). Những sự việc, những câu chuyện được chọn lựa kỹ càng, sáng lên tư tưởng thẩm mỹ một cách tự nhiên, không cần viện đến những lời giải thích dài dòng, tẻ nhạt.
Truyện Hồi ức làng Che đặc biệt chú tâm chế nhạo thứ văn chương thực dụng theo sát sạt nhiệm vụ chính trị, chẳng còn thấy đâu bóng dáng của thứ văn chương nghệ thuật đích thực. Cái hại khôn lường nhất là khi quan niệm phản ánh đời sống giản đơn, máy móc xâm nhập, ngự trị ở học đường - nơi nhào nặn tâm hồn trong trắng của trẻ thơ theo cái hướng ngày càng xa dần chất thẩm mỹ của một giờ dạy văn. Học sinh ưa làm văn nghị luận chính trị - xã hội, đi theo con đường không thật “chính danh” cho lắm. Nếu có buộc lòng phải chọn bình văn, bình thơ thì cũng lại là văn thơ của những nhà chính trị; chất thời sự, tính chiến đấu, xu hướng xã hội lấn lướt chất văn, chất thơ. Cái thứ “thi trung hữu sự”, “văn dĩ tải đạo” có thể chỉ thích hợp với một giai đoạn văn chương đặc biệt nào đó lại vẫn cứ ngang nhiên chiếm lĩnh văn đàn, thống soái trường ốc, phải xem là một ngáng trở lớn cho công cuộc phục hưng nền văn hóa, nền văn chương dân tộc trước những đòi hỏi mới, cao sâu hơn nhiều.
Nguyễn Đức Thọ thường khéo đưa ra quan niệm văn chương mới mẻ của mình thông qua những nhân vật cao niên, trải nghiệm nhiều, nhục nhiều hơn vinh. Lão Trạch bảo Nhọi: “Ngày xưa làng Che chỉ có ông nội mày biết làm thơ, thơ hay hẳn hoi, thấu hết cái tình sâu nghĩa cả… Thơ mày đọc ông ổng như hô khẩu hiệu vận động vào hợp tác xã làm sao thấu được lẽ đời” (tr.173). Lời nói giản dị, không một chút lên giọng đại ngôn mà lại có sức thuyết phục lớn. Ông nói cái điều ông tin, không nói theo cái đầu, cái miệng của người khác. Để được thế, nhận thức thôi là chưa đủ. Phải được thực tế sàng lọc, kiểm nghiệm. Cũng không chỉ có cái thực tế một chiều, êm thuận. Có phải chính vì thế mà một loạt nhân vật trong tập truyện được Nguyễn Đức Thọ gửi gắm ít nhiều tâm sự của mình như Cố Tiệu (Bóng dáng người yêu nhau), Đậu Trạch (Hồi ức làng Che), Cụ Tú và Học Trị (Dấu chân tiên)… thường gặp phải những ẩn ức, trắc trở, thua thiệt ở đời. Có một niềm tin để sống quả không dễ. Cuộc đời quá thênh thang, ít khúc quanh, ít chông gai khó tìm đến được một niềm tin đích thực. Dường như Nguyễn Đức Thọ muốn trao gửi điều đó tới bạn đọc? Và nếu đúng vậy thì cần xem các nhân vật loại này như là một phần lương tri luôn thức tỉnh của nhân dân. Để rồi, cần xem cuộc hành trình tự hoàn thiện của Nguyễn Đức Thọ cũng nằm trong cuộc hành trình tự hoàn thiện của cả dân tộc, lớn lao và dữ dội, trước những vận hội cùng những thách thức mới của thời đại.
* Hồi ức làng Che, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1999.
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...