Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Sự nhiệm màu của thi ca

Sự nhiệm màu của thi ca
Tôi bắt đầu để ý đến cây bút thơ trẻ Lê Đình Trọng vào năm 1993. Khi ấy người Đà Lạt chúng ta cùng hướng tới 100 năm hình thành nên thành phố thân yêu của mình. Một cuộc thi thơ có quy mô tương đối lớn được tổ chức, thu hút nhiều cây bút ở địa phương trong khu vực và cả nước tham gia. Tôi được mời vào Ban giám khảo và đã bỏ phiếu trao giải chính thức cho bài thơ Lời trần tình với Đà Lạt của Lê Đình Trọng. Một sự tương hợp thú vị giữa “Thành phố mộng mơ” và tác giả của những vần thơ Gửi Đà Lạt:
Trong thế giới của tôi
Có cây đàn thông treo lơ lửng trời xanh
Hát mãi khúc tình ca của đất
Có sự hóa thân
Dựng tượng tình rất thật
Chàng Lang và nàng Bian!
Thật ra Lê Đình Trọng đã làm thơ trước đó, ngay từ lúc anh còn học ở Khoa Ngữ Văn Đại học Đà Lạt kia. Tôi muốn nhớ tới điều này, bởi nó có liên quan đến đường hướng chính và cả những thành công bước đầu của thơ anh. Ấy là sự am hiểu khá sớm, khá tường đặc thù thi ca của người viết.
Đã tồn tại hai thiên hướng trái ngược nhau trong cách ứng xử của người đời với thơ. Có người kéo thơ sát gần với đời sống trần tục, lại có người nâng cánh của nàng thơ lên tận mây xanh. Phải nói, cả hai khuynh hướng tầm thường hóa hay thần thánh hóa thi ca như vậy đều xa lạ với cách nhìn của chúng ta. Nhưng dẫu thế nào, thơ dứt khoát phải có cái khác biệt so với lời nói thường ngày. Nào phải vô cớ mà ngày ở thuở sơ khai, thơ chứ không phải thể tài văn chương nào khác đã được sinh ra trước tiên. Nét riêng biệt của thơ từ hồn đến xác, đã góp phần phân biệt nghệ thuật với đời sống. Và điều này rất cần được nhấn mạnh vào cái thời “văn, sử, triết bất phân”. Tôi đọc được những vần thơ sau trong bài Mùa xuân qua vườn của Lê Đình Trọng:
Vườn anh đó, có rào thưa mấy lớp
Có vầng trăng khi tỏ, khi mờ
Có dây leo mọc lên từ nỗi nhớ
Có nàng Thơ trông cánh cửa khép hờ
Thơ chấp nhận mọi thứ, song mọi thứ vào thơ lại được soi sáng bởi một vầng dương khác lạ, tạo nên cái gọi là “khoảng không mầu nhiệm thi ca”. Có lẽ chất thơ ẩn chứa ở đó chăng! Mà ai càng sớm “ngộ” ra được sự khác biệt này là càng có điều kiện đi gần tới thi ca đích thực chăng!
Sự khác biệt dễ thấy ở bề mặt. Ngôn từ thi ca đậm đặc những cách nói cho phép làm đẹp lời. Nào ẩn dụ, hoán dụ, nào so sánh, nhân hóa... đi kèm theo định ngữ “nghệ thuật”, nhờ sức tưởng tưởng phóng túng đến khó ngờ. Tôi bắt gặp không ít lời thơ như thể ở tập Vầng trăng của mẹ. Không mấy ai không biết Một thoáng/ Bất chợt/ Giữa ban ngày của hiện tượng nhật thực. Có điều từ đấy lại liên tưởng tới sợi tóc đen của người tình đi ngang qua đời anh bỏ quên, đủ làm nhật thực thấy mùa trăng thì phải nhờ cậy đến tâm hồn nghệ sĩ. Cũng vậy, tôi khá sững sờ trước những câu thơ Lê Đình Trọng viết về tóc mây bay lưng chừng của một bạn gái trong bài Hạ nhớ:
Gió gỡ hương Mười tám
Cái ngang chiều bâng khuâng
Nhạc điệu trong thơ anh có được cũng nhờ vào sự cách điệu của ngôn từ: Cây vườn/ Tách vỏ/ Đơm hóa/ Nửa đêm/ hương bỗng vỡ òa không gian/ Ô hay!/ Lá ngọc cành vàng/ Khi không một nhánh/ Vắt ngang thơ mình (Bút hoa). Như một điều giao ước giữa người làm thơ và người đọc thơ, rằng lời thơ là phải thế, nó được phép đi một cách khác thường như cách di chuyển của người vũ nữ so với cách di chuyển thông thường của người đời.
Tuy nhiên, suy cho tới cùng, thì sự khác lạ nơi hình thái thi ca bắt nguồn từ một sự khác lạ của một lối tư duy riêng biệt. Hãy xem cây bút trẻ này vận dụng quyền cường điệu ý thơ của người làm thơ ra sao? Xin được chứng minh bằng bài Đám cháy rừng. Bài thơ ngắn thôi: Hai đứa/ Cùng/ Đi chốn cơn mưa/ Tôi chạy về phía em/ Ướt áo!/ Dưới tán dù xanh/ Dịu dàng/ Cơn bão/ Em nép vào tôi/ Thành đám cháy rừng. Đám cháy bùng lên của tình yêu, của hai trái tim trẻ trung đầy khao khát - Ta có thể chấp nhận được lắm chứ! Ngay cái vẻ vênh vang “dễ ghét” của tuổi trẻ nhiều đắm say ở những vần thơ sau cũng rất nên được thể tất trong sự bao dung của chúng ta: Vay cái Tết phố người dăm miếng mứt/ Một ít sương/ Đủ hào phóng ba ngày/ Em và thơ dẫu là rượu mạnh/ Bữa tiệc trần gian không đủ để ta say (Đêm trừ tịch).
Cần thấy con đường phía trước với cây bút trẻ Lê Đình Trọng, cũng như nhiều bạn làm thơ trẻ khác, quả còn dài và lắm gieo neo. Nhưng tôi thì không khi nào không tin vào sức trẻ cùng những giấc mơ bay bổng đã được hiển hiện bước đầu ở những người cầm bút như anh:
Mơ ôm vũ trụ về nhà
Để thơ dệt khúc tình ca siêu phàm
Trên tinh thần ấy, tôi xin được trân trọng giới thiệu tập thơ Vầng trăng của mẹ với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi.
Đà Lạt, 21/9/2000
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ‘Nhà thơ thế giới’ và những trò bịp trong văn nghệ 27 Tháng Mười Hai, 2022 Hiện tượng tôn vinh “nhà thơ thế giới” Tống Thu Ngân không ...