Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp

Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp
“Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” là tên của buổi tọa đàm do Khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội kết hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức vào sáng ngày 9/11/2018.
Tọa đàm tập trung đọc lại và đánh giá đầy đủ, đa chiều hơn về sự nghiệp văn chương Nguyễn Nhược Pháp, tác giả lâu nay chỉ được biết đến với tư cách một nhà thơ. Đây cũng là dịp để Nhà xuất bản Phụ nữ và gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh giới thiệu tập sách “Hoa một mùa”, tập sách đầu tiên tập hợp toàn bộ các sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch và phê bình văn học, trong số đó phần lớn bằng tiếng Pháp của Nguyễn Nhược Pháp. Buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ đến từ nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu như PGS.TS La Khắc Hòa, nhà nghiên cứu phê bình (NCPB) Chu Văn Sơn (Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Trương Đăng Dung, nhà NCPB Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Đức Mậu (Viện Văn học), GS. Trần Ngọc Vương (Đại học KHXH&NV), TS. Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ), nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền…, cùng các thế hệ con cháu trong gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên Khoa Viết văn, Báo chí.
Trong lời giới thiệu đề dẫn cho buổi tọa đàm, PGS. TS Ngô Văn Giá, đại diện chủ tọa đã nhấn mạnh: “Lâu nay, do sự hạn chế trong việc tiếp xúc tư liệu và chưa được chuyển ngữ nên công chúng, bạn đọc chỉ biết đến Nguyễn Nhược Pháp trong tư cách một nhà thơ, thậm chí coi ông chỉ là tác giả của một bài thơ duy nhất là bài “Chùa Hương”, sau này đã được phổ nhạc. Cho đến hôm nay, chúng ta bắt đầu được tiếp xúc với các tư liệu và có cuốn sách trong tay thì rất nhiều người ngỡ ngàng rằng: lao động văn chương nghệ thuật của Nguyễn Nhược Pháp trải trên một không gian và thể loại rất rộng chứ không phải chỉ với tư cách một nhà thơ. Với ý nghĩa đó, chúng tôi lấy tiêu đề cho buổi tọa đàm này là Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp, tức là nhìn nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp trong cái nhìn của mặt bằng nghiên cứu văn học của ngày hôm nay. Đó chính là tinh thần chung của buổi tọa đàm này”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Nhà thơ Vũ Quần Phương là người đầu tiên nêu một vài cảm nhận của mình về nhà thơ tài năng mệnh yểu Nguyễn Nhược Pháp. Ngay từ đầu ông đã nêu lên băn khoăn của mình về nhan đề của tập sách là “Hoa một mùa”. Ông nói:  “Tên sách chắc do nhà biên soạn đặt với ý định nói lên cuộc đời ngắn ngủi của Nguyễn Nhược Pháp, chứ thơ ông thực sự không phải hoa một mùa mà là một loài hoa đồng hành cùng tứ quý trong vườn thơ dân tộc. Thế nên, nếu lần sau có tái bản thì nên tính lại có nên đặt tên này nữa không”. Vũ Quần Phương khẳng định: không khí thời đại và những cách tân văn chương, nghệ thuật toàn diện thời đó đã làm xuất hiện một loạt tài năng văn chương chín sớm như Nguyễn Nhược Pháp – 24 tuổi, Vũ Trọng Phụng – 27 tuổi, Thạch Lam – 33 tuổi, … Họ đều còn rất trẻ nhưng vào các độ tuổi đó đã làm xong sự nghiệp văn chương của mình rồi. Vũ Quần Phương “tiếp xúc” với Nguyễn Nhược Pháp từ khá sớm, lúc 12 tuổi, khi còn học trung học, khi được học bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh và đến hôm nay vẫn giữ nguyên ấn tượng và cảm xúc đó. Thơ Nguyễn Nhược Pháp trong ấn tượng của Vũ Quần Phương thực sự có những nét đặc sắc và cái đặc sắc đó thực sự đọng lại ở hai bài là Sơn Tinh, Thủy Tinh và Chùa Hương. Sơn Tinh, Thủy Tinh, theo ông, là một thế giới thần tiên nhưng hết sức gần gũi với đời sống con người. Bài thơ có nét riêng, có sự tinh tế, ngây thơ trong quan sát và phát hiện tâm lí của Nguyễn Nhược Pháp. Còn bài thơ Chùa Hương thì quá quen thuộc với công chúng một phần nhờ sự đóng góp của âm nhạc. Thơ Nguyễn Nhược Pháp bộc lộ một cái nhìn hiền hậu, hài hước nhằm đánh thức sự xấu hổ của con người để người ta tự nhận thức mà thay đổi… Ba truyện ngắn trong tập này của Nguyễn Nhược Pháp chưa đủ để bộc lộ hết tài năng của ông nhưng người ta có thể dễ dàng nhận ra Nguyễn Nhược Pháp chú trọng vào tâm lí nhân vật, diễn biến tâm lí nhân vật của ông rất có tính kịch như trong Tình trẻ thơ hay trong Mẹ và con,… Sức bút của Nguyễn Nhược Pháp có lẽ tập trung nhiều nhất ở Kịch. Kịch Nguyễn Nhược Pháp cũng là kịch tâm lí và ông thực sự đã có những phát hiện tâm lí hết sức tinh tế qua sự tự bộc lộ của nhân vật, thông qua ngôn ngữ. Chính vậy mà người đọc nếu không tinh tế sẽ không nhận ra đâu là nhân vật chính diện, đâu là nhân vật phản diện trong kịch của ông. Kịch là nơi mà Nguyễn Nhược Pháp bộc lộ được nhiều quan điểm nghệ thuật và thi pháp văn chương. Qua đây người đọc có cơ sở để cho rằng, Nguyễn Nhược Pháp còn là tác giả tài năng về kịch. Các bài viết phê bình của Nguyễn Nhược pháp khá ngắn, gọn, chỉ như những ghi chép góp nhặt dọc đường văn chương của ông mà thôi.
Thế nhưng, bạn đọc cũng có thể nhận ra sự nhạy cảm và thẳng thắn của ông trong phê bình. Nhất là trong các bài tranh luận, ông có lối nói thẳng, nói thật, khen chê từ trong lòng ra, không thiên kiến. Điều này có thể làm mất lòng người này người kia, nhưng trong tranh luận ông luôn giữ được giọng ôn tồn, có khi mỉa mai một cách lễ phép khiến cho giọng văn phê bình của ông rất có duyên. Tất nhiên, ở tuổi đó chắc chắn Nguyễn Nhược pháp vẫn chưa thể có được sự nhìn nhận chín chắn trong văn học, cũng chưa nhiều kinh nghiệm sáng tác. Cho nên, dù nói thẳng nói thật nhưng không phải lúc nào ông cũng nói đúng. Chẳng hạn như việc ông chê bài thơ Nhớ rừng của nhà thơ Thế Lữ, một bài thơ của một tác giả mà thế hệ sau này đánh giá rất cao… Nhưng có thể thấy rằng, năm 1938 khi Nguyễn Nhược Pháp mất thì các tài năng Thơ Mới mới thực sự xuất hiện, nên những nhận định nhầm lẫn ban đầu như vậy là chuyện bình thường. Vũ Quần Phương cho rằng những nhận định trong phê bình của Nguyễn Nhược Pháp có giá trị của người làm chứng cho một trào lưu, một giai đoạn văn học. Tóm lại, tuyển tập tác phẩm Hoa một mùa này giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về một tác giả Nguyễn Nhược Pháp ngoài danh xưng cũ là một nhà thơ. Đó là một con người tài năng, giàu văn hóa nhưng luôn có một phong cách nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Qua cuộc tọa đàm này, nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ mong muốn việc phục dựng những chân dung văn học, văn hóa như thế này ngày càng được nhân rộng ra ở nhiều tác giả khác để bổ khuyết vào những thiếu sót của các giáo trình văn chương trong trường học.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn bắt đầu phần trình bày của mình bằng việc khẳng định: Nguyễn Nhược Pháp là một ngôi sao tỏa sáng từ rất sớm và là một quầng sáng mạnh nhưng sau đó lại ra đi như một ngôi sao đột ngột rời khỏi bầu trời văn hóa, văn học nước nhà. Ông thuộc type người phổ biến, lấy đi nước mắt của con người và nhân gian rất nhiều - người tài hoa, bạc mệnh. Thời đấy, type người này xuất hiện trong khá nhiều lĩnh vực như văn chương (như Thạch lam, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử…), họa (Nguyễn Tường Lân), nhạc (Đặng Thế Phong)…Họ đều là những tài năng lớn nhưng chết trẻ, trong đó có lẽ Nguyễn Nhược Pháp chết trẻ nhất, khi mới 24 tuổi. Nhưng trước khi mất thì anh hoa của tài năng này đã kịp phát tiết khá toàn diện ở các mảng thơ, văn, phê bình và đặc biệt là kịch
Nếu như nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá mảng kịch của Nguyễn Nhược Pháp rất cao và tìm ra được sợi dây liên kết từ thơ, sang truyện, kịch và phê bình của ông là sự am hiểu tâm lí, vừa mô tả vừa tái hiện tâm lí một cách hồn nhiên và khẳng định đó là sự nhất quán của Nguyễn Nhược Pháp trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thì nhà NCPB Chu Văn Sơn lại chủ yếu tập trung vào việc đánh giá mảng Thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Ông cho rằng: gia tài thơ của Nguyễn Nhược Pháp không nhiều, chỉ một tập mỏng mảnh gồm 10 bài có tên là Ngày xưa nhưng nó lại là minh chứng cho một quy luật trong nghệ thuật: nghệ thuật là lĩnh vực của chất lượng; số lượng chỉ để tham khảo, chất lượng mới quyết định. Bằng chất lượng mà Nguyễn Nhược Pháp đã chinh phục được một trong những nhà phê bình có con mắt xanh vào loại khó tính hàng đầu của Việt Nam là Hoài Thanh, nên ông đã dành được một vị trí trang trọng trong Thi nhân Việt Nam với những lời đánh giá rất cao.
Chu Văn Sơn lí giải, một nhà văn muốn hiện diện trên văn đàn thì anh phải có gương mặt nghệ thuật, nếu không sẽ bị nhòe lẫn và sẽ bị lãng quên. Gương mặt nghệ thuật của một người làm thơ thể hiện ít nhất qua 2 phần là phải có một tư tưởng và có phong cách. Điều đó làm nên sự nhất quán, nét riêng và đặc sắc của gương mặt đó trên thi đàn. Chu Văn Sơn đã vận dụng quan niệm này để nhìn vào trường hợp Nguyễn Nhược Pháp thì thấy rằng mặc dù chỉ có 10 bài thơ nhưng đã làm nên gương mặt nghệ thuật của một tác giả.

Về tư tưởng, có thể thấy, cái mà Nguyễn Nhược Pháp quan tâm là cái ngày xưa, thời cái quá vãng của dân tộc. Nó như cảm hứng bao trùm lên toàn bộ đời thơ. Liên hệ với trường hợp Nhà thơ Phạm Huy Thông, bạn chí thân của Nguyễn Nhược Pháp. Cả hai ông đều quan tâm đến ngày xưa, lấy cảm hứng từ ngày xưa nhưng mỗi người một khác. Chính cái khác ấy làm nên gương mặt riêng của mỗi người. Phạm Huy Thông quan tâm đến ngày xưa trong chính sử và ông viết về những nhân vật thường là có thật trong lịch sử; còn Nguyễn Nhược Pháp thì ngày xưa của ông chủ yếu là dã sử và huyền thoại. Ông viết về Mỵ Châu, Trọng Thủy, Mỵ Ê, Mỵ Nương, đặc biệt là Sơn Tinh, Thủy Tinh… là những nhân vật sống trong dã sử nhiều hơn là thuộc về chính sử, được viết vào tâm hồn của nhân dân, của dân gian nhiều hơn là đi vào các bộ sử. Điều đó làm nên cảm hứng riêng của Nguyễn Nhược Pháp. Cái riêng của Nguyễn Nhược Pháp so với nhiều người cũng viết về dã sử là dù viết về Sơn Tinh, Thủy Tinh, về Chùa Hương hay trong bài Tay ngà … đều đụng chạm trực tiếp đến những sự kiện lớn nhưng ông đều quan tâm đến tính chất lễ hội, như những cuộc lễ lạt rất vui tươi, rất ngộ nghĩnh. Đó là tính chất lễ lạt mà Nguyễn Nhược Pháp làm sống dậy được trong các tác phẩm của mình. Vì vậy, nếu bằng con mắt đánh giá ngày nay thì phải “ghi điểm” cho Nguyễn Nhược Pháp ở 2 phương diện.
Một là, ông là một trong những người đi đầu trong việc mở ra mảng văn học thiếu nhi hiện đại Việt Nam vì trước 1945 ở Việt Nam chưa có mảng văn học thiếu nhi. Cách viết trong Sơn Tinh Thủy Tinh khiến cho cả người lớn lẫn trẻ con đều cảm thấy thú vị, nhưng nếu xếp vào mảng văn học thiếu nhi hiện đại thì rất phù hợp. Vì trong đó có một cái nhìn hóm hỉnh thể hiện qua lời phê phán, cách tỏ thái độ, cách bình giá của người hôm nay, của người hiện đại với những sự kiện có vẻ như rất long trọng của ngày trước. Những sự kiện đó có thể rất long trọng trong mắt của người khác, ví dụ trong mắt Phạm Huy Thông thì bao giờ nó cũng được dừng lại một cách nghiêm trang với tính chất bi hùng của nó, nhưng trong mắt của Nguyễn Nhược Pháp thì nó lại rất tươi vui và ngộ nghĩnh. Rõ ràng Nguyễn Nhược Pháp muốn làm dậy lên tính tươi vui của sự kiện chứ không phải tính nghiêm trọng của sự kiện. Đó chính là sản phẩm của một tâm hồn rất là hồn hậu. Dấu ấn của cái nhìn tươi vui, ngộ nghĩnh này còn lưu lại trong câu thơ: “Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!”- chính câu thơ mà Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã nhận ra sẽ là nụ cười được lưu lại mãi trong thơ ca.
Thứ hai là nếu thời đấy đã có thì chắc Nguyễn Nhược Pháp phải được tính như là người đi đầu trong việc dựng lại sự kiện thơ theo hướng hoạt cảnh rất gần với phim hoạt hình sau này. Kể cả trong Sơn Tinh Thủy Tinh hay Chùa Hương đều có cái lối tư duy hoạt cảnh hóa, sân khấu hóa những sự kiện xưa dưới cái nhìn trẻ thơ, theo kiểu tư duy trẻ con nên các sự kiện trở nên rất ngộ nghĩnh.
Ngoài ra có một điểm mà trước đây Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã từng băn khoăn không biết định dạng cái chất thơ của Nguyễn Nhược Pháp là “chất trẻ con ở một người già hay chất hồn hậu của một người trẻ”. Sau này nhà NCPB Văn Giá đã chỉ ra rất xác đáng trong bài viết “Nguyễn Nhược Pháp - một hồn thơ anh nhi”, đó chính là “chất anh nhi” - con trẻ của hồn thơ Nguyễn Nhược Pháp. Theo Chu Văn Sơn thì có lẽ thơ Nguyễn Nhược Pháp có sự giao thoa giữa cái anh nhi của một người có tuổi và cái chất hồn hậu của một người còn trẻ vì thơ Nguyễn Nhược Pháp có cái nhìn trong sáng, khoan dung khiến cho độc giả “cười khúc khích” (Hoài Thanh), khúc khích trước mọi sự kiện của đời sống. Điều này tạo nên một phong cách ổn định trong cả 10 bài thơ của ông. Vì vậy, Nguyễn Nhược Pháp có một gương mặt nghệ thuật riêng, không lẫn với ai. Chỉ cần 10 bài thơ trong một tập thơ mỏng mảnh và đọng lại ở hai bài xuất sắc thôi cũng đủ để Nguyễn Nhược Pháp trở thành một tác giả trên thi đàn và giúp ông trụ lại được với thời gian. Chu Văn Sơn khẳng định, so với trước đây, văn học nhà trường bây giờ đã mạnh dạn đưa vào nhiều tác giả và tác phẩm mới của giai đoạn văn học này nhưng vẫn rất nên bổ sung thêm nhiều gương mặt thơ ca trong đó có nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Đó là việc làm có lợi cho việc giáo dục những giá trị cho người trẻ thế hệ sau này.
Với nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ (Viện ngôn ngữ) thì ấn tượng đầu tiên của anh khi nghĩ về Nguyễn Nhược Pháp là  một nỗi buồn, một nỗi xót xa vì ông ra đi quá sớm. Theo anh, về thơ Nguyễn Nhược Pháp thì bài thơ Chùa Hương là cái bóng quá lớn và người ta nói về nó quá nhiều mà quên đi các bài thơ khác của ông. Ngoài ra, công chúng cũng bị ảnh hưởng bởi nhận xét của nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cho rằng “đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào cũng như thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười”. Thế nhưng, thực sự khi đọc lại toàn bộ tập Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp, anh lại có suy nghĩ khác rằng: bên cạnh cái giọng tươi vui, ngộ nghĩnh, khúc khích cười đó còn có một giọng điệu khác rất buồn thương, não nùng. Thậm chí anh mạnh dạn cho rằng: cảm hứng buồn thương mới là cảm hứng chính của tập Ngày xưa. Để chứng minh cho điều này, anh dẫn ra một loạt các bài thơ Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Mỵ Ê, Mây, Đi cống, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống và ngay cả Sơn Tinh Thủy Tinh đều nhuốm màu buồn thương, không trọn vẹn: Đêm đêm gió khóc thổi ru cành/ Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh/ Hiu hắt Mỵ Châu nằm, giăng phủ/ Âm thầm sóng thảm vỗ vờn quanh/…/ Phiên Ngung nước cũ, lệ chan hòa (Mỵ Châu); Trọng Thủy nằm trên làn nước sủi/ Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm (Giếng Trọng Thủy); Ủ lệ, tay ngà ôm ngực huyết/ Mỵ vờn theo sóng dạt bờ hoang (Mỵ Ê)…
Nói riêng với tác phẩm Sơn Tinh Thủy Tinh, anh thử phân tích để thấy thực sự nó có tươi vui ngộ nghĩnh như Hoài Thanh nói hay không. Anh cho rằng, khi đọc bài thơ này độc giả thường hay bị hai điều chi phối: một là người ta hay nghĩ đến cái văn bản gốc của bài thơ này là một truyền thuyết dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Vì thế người ta hay nghĩ đến cuộc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên và ca ngợi sức mạnh của  con người trong công cuộc chống lại thiên nhiên. Điều chi phối thứ hai là nhận định nói trên của Hoài Thanh. Nhưng nếu đứng ở một góc độ khác, góc độ của tình yêu ta sẽ thấy tình yêu trong bài thơ là rất ngang trái, xót xa, thuộc về Thủy Tinh. Đó là nỗi hận về sự thất bại và tâm trạng buồn của Thủy Tinh vì thế mà bài thơ mang âm hưởng của nỗi buồn, sự oán hận kéo dài. Thú vị hơn là nếu chúng ta so sánh văn bản thơ Sơn Tinh Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp với một bài thơ cũng tên Sơn Tinh Thủy Tinh của nhà thơ Huy Cận viết năm 1976 ta sẽ thấy một điều bất ngờ. Cả hai bài thơ dung lượng khá tương đương nhau, nhưng cách khai triển và phát triển bài thơ khác nhau, và sự khác nhau rõ rệt nhất là cái kết của hai thi phẩm này. Nguyễn Nhược Pháp kết thúc bài thơ với tâm trạng của Thủy Tinh: Thủy Tinh năm năm dâng nước bể/ Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương/ Trần gian đâu có người giai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường  - nỗi buồn, sự oán hận kéo dài mãi vì tình yêu không trọn vẹn. Còn Huy Cận kết thúc bài thơ với âm hưởng tươi vui về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc: Bão lụt dứt trời quang mây tạnh/ Núi Tản Viên như ngọc xây thành/ Sông lạch chảy như thêu chỉ gấm/ Trên cánh đồng lúa mật màu xanh…Đây là lí do chúng ta nên nhìn lại cảm hứng chính của tập thơ Ngày xưa. Có khi nỗi buồn mới là cái để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và khai thác để thấy được chiều sâu của thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, không phải chỉ có Nguyễn Nhược Pháp hay Phạm Huy Thông như nhà NCPB Chu Văn Sơn đã đề cập ở trên mới có cảm hứng tìm về ngày xưa. Trong thời đại Thơ Mới còn có nhà thơ Chế Lan Viên cũng tìm về cảm hứng của thời xưa cũ, về lịch sử, về Tháp Chàm. Có lẽ vì tất cả họ đều nằm chung trong một không khí bàng bạc nỗi sầu vạn cổ của Thơ Mới (sinh ra đã buồn) thì thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng nằm trong bầu không khí đấy. Thế nhưng, từ trước tới nay khi nói về thơ Nguyễn Nhược Pháp người ta mới chỉ nói đến cái tươi vui, ngộ nghĩnh mà chưa chú ý đến mạch chảy chung, nỗi buồn thương thời đại của một thời kỳ đất nước nô lệ cũng có mặt, cũng chảy trong thơ ông.
Những kiến giải và góc nhìn mới, đầy thú vị của Đỗ Anh Vũ thực sự đưa đến một cách tiếp cận mới, đa dạng hơn về tác phẩm thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Điều này khiến cho thơ Nguyễn Nhược Pháp trở nên đa nghĩa hơn, có giá trị hơn. Chia sẻ với quan điểm và cách tiếp cận này, nhà NCPB Mai Anh Tuấn tỏ ra đồng tình khi anh bày tỏ sự đồng tình với Đỗ Anh Vũ về nhận xét về giọng thơ buồn man mác trong thơ Nguyễn Nhược Pháp chứ không phải tươi vui như nhiều người vẫn nói. Anh còn khẳng định thêm, thực ra ý kiến này đã được nhà văn Vũ Bằng nêu ra từ năm 1970 trong một bài viết của ông rằng: “trong khi các nhà thơ, các nhà phê bình đánh giá Nguyễn Nhược Pháp có một giọng hài hước, trào phúng, hóm hỉnh thì tôi lại thấy ở đó có một nỗi buồn man mác”.
Ngoài ra, anh có ý kiến bổ sung thêm là, những bài thơ trong 10 bài thơ của tập Ngày xưa sở dĩ khiến Nguyễn Nhược Pháp trở nên khác với Phạm Huy Thông không chỉ vì Nguyễn Nhược Pháp tiếp cận sử theo lối dã sử, huyền sử như nhà NCPB Chu Văn Sơn đã nói mà vì còn có một điểm khác nữa là Nguyễn Nhược Pháp nhìn sử từ góc nhìn người nữ. Chính giọng nữ, cái nhìn người nữ ấy khiến cho giọng thơ Nguyễn Nhược Pháp trở nên buồn và khác hơn so với Phạm Huy Thông là giọng rộn ràng, hơi hội hè một chút. Chẳng hạn, nàng Mỵ Ê là một hiện tượng, một điển rất thú vị trong sử và trong văn. Vua Lê Thánh Tông đã từng viết về nàng Mỵ Ê chủ yếu dưới góc nhìn của một bậc minh quân, một nhà nho và vì thế chủ yếu đánh giá về nàng Mỵ Ê dưới góc độ đạo đức. Còn Nguyễn Nhược Pháp lại khác, viết về nàng Mỵ Ê nhưng ông chủ yếu nhìn dưới thân phận của người nữ và cái chết của nàng tuy mang màu sắc tuẫn tiết nhưng rất bi thảm. Hay Nguyễn Nhược Pháp viết về nhân vật người vợ của Lê Chiêu Thống, đặt mình trong tâm sự của người vợ đó trong bài Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, mặc dù chúng ta biết sử chính thống không có thiện cảm với Lê Chiêu Thống nhưng Nguyễn Nhược Pháp vẫn viết về tâm trạng của người vợ, đó là một điều hay và khác của ông. Ngay cả trong bài thơ rất nổi tiếng là Chùa Hương, ta thấy Nguyễn Nhược Pháp đóng vai người nữ và kể lại tâm sự của người nữ: Hôm nay đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương… Có lẽ bằng sự tinh tế và mẫn cảm nào đó mà Nguyễn Nhược Pháp đã nhận ra những sự bất thường, những nỗi buồn, những thân phận những éo le trong phận làm người của các nhân vật đó và viết. Điều đó khiến cho thơ Nguyễn Nhược Pháp có giọng buồn như Vũ Bằng trước đây đã nói và ý kiến vừa rồi của Đỗ Anh Vũ.
Nhà NCPB Mai Anh Tuấn cũng đánh giá cao vị trí của Nguyễn Nhược Pháp trong văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là khu vực văn học lãng mạn. Tuy nhiên, theo anh, nếu quan sát rộng thì việc các tác giả chết trẻ dường như sẽ tạo ra một sự kiện trong việc viết tiểu sử và rộng hơn là viết văn học sử ở Việt Nam. Sự kiện đó khiến cho các chi tiết liên quan đến văn học sử về tác giả đó buộc phải dừng lại và khi nghiên cứu các trường hợp tác giả thơ Mới như Phạm Hầu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Nhược Pháp người ta thường bắt đầu bằng một sự thảng thốt, nuối tiếc về họ. Vì thế, câu hỏi đặt ra là liệu sự thảng thốt đó có ảnh hưởng, chi phối ít nhiều đến việc đánh giá các nhà văn, nhà thơ ấy hay không? Ở đây, tất cả các bài viết về Nguyễn Nhược Pháp trong Hoa một mùa dường như đều dựng lại chân dung, mô hình tác giả Nguyễn Nhược Pháp như là một tài năng yểu mệnh. Phạm vi này còn được mở rộng ra với trường hợp là Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, hay Quách Thoại, những nhà văn chết trẻ như Nguyễn Nhược Pháp.
Tọa đàm còn tiếp tục với các ý kiến trao đổi, đánh giá của GS Trần Ngọc Vương, nhà NCPB Phạm Xuân Nguyên. Họ đều thống nhất cho rằng Nguyễn Nhược Pháp là một tác giả trên nhiều thể loại thơ, truyện, kịch và phê bình. Phê bình của Nguyễn Nhược Pháp rất thẳng thắn nhưng cũng rất ý nhị trong tranh luận, đối thoại với các văn nhân. Mặc dù đây đó trong phê bình văn học, Nguyễn Nhược Pháp vẫn còn những hạn chế do vốn sống, do thời đại quy định. Nhà NCPB Văn Giá bổ sung rằng những năm 1934,1935 ở Việt Nam thì phê bình văn học đang ở giai đoạn sơ khai. Những tác giả phê bình thời đó như Thiếu Sơn, Trương Chính hay Nguyễn Nhược Pháp vẫn dừng lại ở lối phê bình ấn tượng mà thôi nên không thể nói là đã hoàn thiện được. Nhưng điều đáng nói ở Nguyễn Nhược Pháp là một nhân vật tham dự trong quá trình văn học với lối phê bình trên tinh thần đối thoại, thể hiện một phẩm chất văn hóa trong phê bình.
Nguyễn Lân Bình, tác giả biên soạn cuốn sách Hoa một mùa
Một phần quan trọng của tọa đàm là việc giới thiệu cuốn sách tập hợp các sáng tác Hoa một mùa của Nguyễn Nhược Pháp do tác giả Nguyễn Lân Bình, một người cháu ruột của Nguyễn Nhược Pháp biên soạn. Ông chia sẻ với cử tọa lý do vì sao tên sách lại là Hoa một mùa cũng như động cơ thúc đẩy ông biên soạn, quá trình chuyển ngữ cuốn sách, nhằm thỏa mãn những băn khoăn của độc giả về những vấn đề này. Nguyễn Lân Bình bày tỏ: xuất phát từ sự cay đắng, xót xa, thậm chí là ấm ức về một quá khứ lộng lẫy của Nguyễn Nhược Pháp bao gồm các tác phẩm thơ, kịch, phê bình, truyện nhưng người ta lại chỉ biết đến Nguyễn Nhược Pháp với chỉ một bài thơ Chùa Hương. Ông muốn cho độc giả có một cái nhìn công bằng hơn, đầy đủ hơn về gia tài sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp cũng như muốn thế hệ con cháu của gia tộc biết, hiểu, trân trọng và tự hào hơn về cha ông mình, gia tộc mình. Phần trình bày của Nguyễn Lân Bình giúp cử tọa hiểu hơn về tâm sự của ông về một trường hợp Nguyễn Nhược Pháp và rộng hơn là về gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, qua đó chúng ta cũng có điều kiện hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa, văn học thời đó.
Nhà NCPB Văn Giá trong tư cách là chủ tọa tổng kết lại buổi tọa đàm bằng việc khẳng định: qua câu chuyện về Hoa một mùa của Nguyễn Nhược Pháp và những câu chuyện có liên quan, buổi tọa đàm đã thành công trong việc nhìn lại, đánh giá lại một hiện tượng văn học của quá khứ một cách đa chiều và cởi mở. Ông hy vọng buổi tọa đàm này sẽ truyền được cảm hứng, nuôi dưỡng được cảm hứng cho sự “ôn cố tri tân” về những di sản văn hóa tinh thần, tư tưởng của cha ông. Do đó mà hành trình nghiên cứu các di sản tinh thần quá khứ sẽ còn tiếp diễn lâu dài. Vì chắc chắn rằng những người nghiên cứu văn hóa hay lịch sử văn chương dường như vẫn còn một món nợ lớn đối với những người như học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng như những bậc trí thức khai sáng khác, và trường hợp này là Nguyễn Nhược Pháp.
Bài và ảnh: Nguyễn Phi Nga 
Theo http://huc.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...