Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Thời của đổi mới tư duy

Thời của đổi mới tư duy
Bấy lâu, ta nghe nói nhiều đến đổi mới tư duy văn học, đặc biệt là tư duy tiểu thuyết. Đúng và trúng quá rồi! Đã đi vào quan niệm, nghĩa là vào gốc gác của vấn đề. Nhưng xem ra, ta mới dừng ở lời nói, ở mong đợi hơn là ở hành động. Cứ đọc bất cứ cuốn tiểu thuyết nào ra đời chừng mươi năm trở lại đây là đủ rõ. Chúng từa tựa như nhau, từ lối dẫn chuyện đến cách kết cấu, từ kiểu hành văn đến việc sử dụng chi tiết, từ thể hiện ý tưởng đến xây dựng nhân vật… Đó chủ yếu là dạng tiểu thuyết hiện thực đã được khẳng định ở Pháp, Anh, Nga… ngay từ thế kỷ thứ XIX, rồi được vận dụng khác nhau ở nước ta trong thế kỷ XX. Chừng như không ai cảm thấy hài lòng. Riêng nhà văn thì thấy sốt ruột. Càng chờ đợi càng sốt ruột. Nhìn qua nhìn lại, chưa thấy động tĩnh gì nhiều, không sốt ruột sao được. Cuộc hội thảo mới đây về Đổi mới tư duy tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức vào cuối năm 2002 đã phần nào chứng tỏ trạng huống ấy. Mong mỏi phải nói là da diết. Bắt tay vào làm mới khó làm sao! Riêng quan niệm về tiểu thuyết và cách viết tiểu thuyết thì hầu như chưa có gì là thật sự mới mẻ. Vậy nên nghĩ và làm như thế nào đây? Tôi xin được góp đôi lời.
1. Nên tập một thói quen mới là biết từ bỏ những thói quen cũ.
Ta luôn đòi hỏi sự sáng tạo trong nghề viết. Một đòi hỏi không cùng, vì có lẽ là một đòi hỏi quan thiết nhất. Xắn tay lên làm mới thấy khó trăm bề. Khó nhất là lối mòn trong cách nghĩ và cách viết. Nó níu kéo, nó kìm giữ,  chặt và dai lắm! Không dễ vùng thoát đâu. Chả cứ giới viết văn. Bất kỳ ai có ý định ươm ướm ý nghĩ, cảm xúc của mình  lên trang giấy đều cảm thấy rất rõ điều này. Lãnh vực khác thì dễ cho qua, nghề viết lại không thể. Dấu hiệu của một trí sáng tạo tầm vóc là tạo ra được bước nhảy bí ẩn trong đầu óc. Trước tất cả mọi sự là sự can đảm - can đảm bứt ra khỏi lối mòn. Thật thấm thía câu nói của nhà tâm lý học Mihali: Chúng ta cần tạo lập cho mình một thói quen lâu lâu lại có ý thức tránh những lối mòn trong suy nghĩ hàng ngày (Tia sáng, Số Xuân Nhâm Ngọ). Đặc biệt thích hợp với lao động của nhà văn. Nghệ sĩ lớn bao giờ cũng đồng thời là nhà cách tân lớn. Lịch sử văn chương đã cho ta không ít minh chứng. Những Rimbaub, Pruost, Kafka, Marquez, Kundera… Không thể nào kể hết cho được. Để giải phóng sức sáng tạo tiềm ẩn, họ cố tình vi phạm những quy ước trước đó. Chúng vốn tồn tại như những điển phạm. Nương theo thì thành, không theo thì bại. Chừng như chúng muốn nói với mọi người như vậy. Các thiên tài lại nghĩ khác. Họ không tin vào bất cứ điều luật nào. Họ chỉ tin vào tài năng của chính mình. Có lẽ theo ý nghĩa này mà người ta đã gọi Giả Bình Ao là một biện sĩ đi bộ một mình trên văn đàn Trung Quốc.
Cũng xin thú nhận là giới lý luận phê bình chúng tôi không phải hoàn toàn vô can đâu. Lời trách cứ sau của Ôvetskin là hoàn toàn có thể chia sẻ được: Người ta đẩy chúng tôi đi tìm những hình thức mới, những thể loại mới. Thế mà khi chúng tôi đi tìm được chúng, thì các nhà nghiên cứu văn học lại không tìm được những thuật ngữ mới (Nhà văn bàn về nghề văn, Tr.220). Bằng việc tạo ra các phạm trù, các khái niệm, các nhà lý luận thực chất đã xây nền móng cho thành trì những quy phạm, quy chuẩn. Hầu như ai cũng thấy nghịch lý ấy. Nhà lý luận phải tạo dựng các chuẩn mực, hơn thế, các hệ thống chuẩn mực. Nhờ có chúng mà mọi hoạt động văn chương trở nên tự giác và tích cực hơn nhiều. Nhưng sinh ra rồi, thì chúng dễ quay lại chế ngự, trói buộc người sáng tác, nhất là đối với những ai chưa trải nghề hoặc yếu bóng vía. Cần tháo gỡ thôi! Mà phải tự mình làm, dần dà mà hiệu quả.
Đọc tiểu sử Ray Bradbury, một trong số ít nhà văn Mỹ đương đại đang sống mà đã có tên trong Bách khoa toàn thư Britannica, tôi rút ra nhiều điều rất thú vị. Thú vị nhất là ông chỉ mới hoàn tất trung học vào năm 1938, rồi sống tự lập bằng nghề làm báo và viết văn. Ông chưa từng học trường đại học nào cả. Có lẽ vì vậy mà Ray Bradbury tránh khỏi làn gió của mọi chủ thuyết, không bị chi phối bởi các lớp dạy viết văn. Ông chỉ đọc và viết những cái chính ông cho là hay. Ở một ý nghĩa nhất định nào đó có thể nói ông không mất công sức, thời giờ xóa bỏ những ràng buộc cũ, để đi ngay, đi nhanh trên con đường sáng tạo của mình. Nói thế, tôi tuyệt nhiên không có ý xem thường lý thuyết. Tôi chỉ xem thường những nhà văn bị lý thuyết chung ngự trị đến mức không cất đầu lên nổi.
2. Tuyệt nhiên không chỉ có một dạng tiểu thuyết duy nhất.
Ta vốn quen với dạng tiểu thuyết hiện thực, quen đọc và quen viết. Lâu ngày quá nên nhiều người tưởng chỉ có một dạng tiểu thuyết ấy thôi. Không đúng đâu, ngoài trời này còn có trời khác nữa! Mà chả cứ gì tiểu thuyết, văn chương nói chung là vậy. Cuộc đời luôn đổi thay lẽ nào văn chương lại định hình. Tôi tán thành với P.Meijer: Lịch sử của các thể loại văn học cần được coi là một sự thay đổi liên tục của các cách hỗn hợp, những cách hỗn hợp này có thời đã vững chắc đến mức làm người ta tưởng như chúng phải như thế (Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2002, Tr. 294). Rồi sẽ còn xuất hiện những thể tài, kể cả những loại hình văn chương chưa từng có bao giờ. Ta cần chuẩn bị trước tâm thế này để có thể chấp nhận mọi điều lạ kỳ nhất sẽ xảy ra. Không thế, ta sẽ trở thành kẻ đứng ngoài cuộc, tiếc và buồn lắm. Trong khi văn chương cũng như cuộc đời cứ thẳng tiến về phía trước, không gì và không ai có thể ngăn cản nổi.
Để thích ứng với những chuyển biến bất ngờ nhất, tôi nghĩ, có lẽ ta nên lấy tinh thần văn chương, tính chất văn chương để mà xem xét. Có nghĩa, cách nhìn phải thật sự phóng đạt và uyển chuyển. Thực tại vốn huyền bí và biến đổi kia mà! Để lý giải thực tại ấy, lôgic cổ điển với những luật đồng nhất, mâu thuẫn và bài trung, giờ đã phải nhường bước cho lôgic phi cổ điển: lôgic xác suất, lôgic đa trị, và mới đây nhất là lôgic mơ hồ. Tôi đặc biệt thích thú khi đọc bài thơ Fractan của Ngô Văn Phú. Fractan là gì? Đó là quan niệm hình học chỉ một khối hỗn độn trên cùng một không gian gồm những đường không rõ đường, mặt không rõ mặt, khối không rõ khối, hàng nghìn, hàng triệu đơn vị tập hợp lại gây cảm giác vừa tỏ vừa mờ, vừa thật vừa ảo. Vẻ đẹp Fractan là thế. Đó là vẻ đẹp của chính sự sống mà văn chương, nghệ thuật cần giành giật, chiếm giữ. Vẻ đẹp Gờ của lá. Bờ của biển, đặc biệt vẻ đẹp của con người Em đến giản đơn đâu là thần thánh/ Mà chính khi màu nhiệm, hào quang, sự biến báo của đời người: Khi ta tưởng với tới thiên đường/ Tai họa lại gần kề đâu đó. Câu kết ẩn chứa sự khái quát rộng rãi:
Bởi trải nghiệm muôn hình fractan thế sự
Anh mới có em trong hư tĩnh chiều nay.
Riêng với một nhà lý luận phê bình như tôi, quan niệm fractan giúp bản thân có được sự hư tĩnh để chứng kiến mọi sự chuyển động, xoay vần  của đời sống văn chương. Chẳng hạn, tôi có thể chấp nhận được cái nhìn của Kundera khi nhà văn danh tiếng người Czech này cho rằng, cái mà tiểu thuyết khảo sát không phải là hiện thực mà là hiện sinh (tức tình thế nhân sinh), nghĩa là những cảnh huống của con người cá nhân trên cõi đời luôn thay đổi. Hay Kundera nói dứt khoát: Tiểu thuyết không phải là một thứ tôn giáo của tác giả… nghĩa là không nhằm thuyết phục, truyền bá một tư tưởng, mà nhằm gây hứng, đánh thức sự phát triển của tư tưởng khác, làm cho tư tưởng đó chuyển động (Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Tr.281 & 280). Đối với những ai chỉ tin vào tiểu thuyết hiện thực thì tôi xin đảm bảo là chính nó hiện cũng đổi khác nhiều rồi. nhà văn Urugoay A.Graniva khẳng định: Theo ý tôi, chủ nghĩa hiện thực hoàn toàn cho phép sử dụng trong văn chương những kết quả tưởng tượng hoang đường nhất nếu như nhờ chúng mà đạt được cái nhìn trung thành vào những mặt cốt yếu của đời sống xã hội. Trữ lượng của chủ nghĩa hiện thực chưa hề vơi cạn, trữ lượng đó được phát triển thường xuyên chính vì thực tại hết sức biến động, hết sức giàu có đến mức buộc nhà văn phải căng sức ra mà tìm tòi những phương tiện để phản ánh nó đúng đắn (Số phận của tiểu thuyết, Nxb Tác phẩm mới, 1983, Tr.304).
Cũng phải thừa nhận là những tiểu thuyết mới lạ chưa thể có nhiều độc giả ngay được. Ý kiến của Tiến sĩ Phạm Thành Hưng về thực tế tiếp nhận các tác phẩm của Kafka và Kundera đáng để chúng ta suy ngẫm: Đọc trọn vẹn, đọc một cách hứng thú một tiểu thuyết của Kafka là chuyện không dễ. Những tác phẩm của Kundera hiện nay cũng vậy. Đó là thứ văn chương khó đến được với độc giả phổ thông. Cả hai ông đều đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh, mang tính nhân loại sâu sắc (Văn nghệ, Số 14/2003). Từ đó tôi tán thành với nhà thơ Phạm Đức là song song với sự thay đổi của tư duy sáng tạo cũng cần tới sự đổi mới cả tư duy tiếp nhận tiểu thuyết nữa.
Tuy nhiên, khởi đầu bao giờ cũng từ người sáng tạo. Mà nói tới tiểu thuyết là nói tới quy mô, tới rất nhiều công sức và thời giờ bỏ ra. Nhà văn Ôvetskin hình dung thế này: Cứ viết xong một tác phẩm mới là một đoạn đời bị tiêu ma. Và không tiêu ma một cách đơn giản như anh ngồi viết thì một đoạn đời trôi qua: viết ba tháng thì hiển nhiên ba tháng đã mât đi khỏi cuộc đời. Không. Viết ba tháng thì một năm bị tiêu ma. Viết một năm thì ba năm bị tiêu ma (Nhà văn bàn về nghề văn, Tr,223). Ôi! Chuyện đó lại vào cái thời buổi con người không thể sống thiếu thốn, kham khổ như trước được. Mình và cả người thân của mình nữa chứ! Thế là người viết tiểu thuyết chạm ngay phải vấn đề cơm áo đời thường. Ai đây trong chúng ta có thể nghĩ và làm được như Giả Bình Ao nhỉ? Ông tự xác định: Chỉ cần có cơm ăn là tôi vẫn viết văn. Ta đành chờ đợi vậy!
Để kết thúc, tôi xin được tỏ bày hai điều:
1. Đã lâu rồi, tôi có đọc một ý nghĩ sau của Minh Hồng, người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực: Mình không thích một cuộc sống bình lặng. Những thử thách và nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách - đó mới chính là ý nghĩa của cuộc sống (Nhân dân hàng tháng, Số 9/1998). Liệu mỗi người cầm bút chúng ta có thể học được gì từ cô gái nhỏ nhắn, trẻ trung này?
2. Còn mới đây, tôi được đọc bài thơ Những gợn sóng của KoUn qua bản dịch của Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Hàn Quốc này, theo sự giới thiệu của Tổng thư ký Hữu Thỉnh, thì năm 2002 vừa qua ông được số phiếu đề cử Giải Nobel Văn chương rất cao, chỉ đứng sau người trúng giải. Bài thơ cực ngắn:
Hãy nhìn!
Có phải tất cả gợn sóng chuyển động
Bởi một gợn sóng bắt đầu chuyển động?
Không.
Tất cả những gợn sóng cùng chuyển động.
Mọi vật đều nghiêng từ cái thế bắt đầu.
Đừng e ngại thế nghiêng của sự bắt đầu. Cho phép tôi được đặt niềm tin và lòng mong mỏi vào sự cùng chuyển động ở tất cả chúng ta.
Vũng Tàu, 15/04/2003
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...