Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Số phận của folklore Tây Nguyên và cái Tâm của một nhà văn nữ Êđê

Số phận của folklore Tây Nguyên 
và cái Tâm của một nhà văn nữ Êđê
Sau tập truyện Con rắn màu xanh da trời, bạn đọc yêu quý cây viết nữ người Êđê H’Linh Niê lại vừa vui mừng đón nhận tập ký Trăng Xí Thoại do Nxb Văn hóa Dân tộc và Hội Văn học Nghệ thuật Đắc Lắc ấn hành. Tập sách bao gồm 18 bài viết, đề cập tới nhiều vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội ở Tây Nguyên và nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, mà nổi bật là số phận của nền văn hóa dân gian phong phú và độc đáo.
Tây Nguyên là khu vực giàu tiềm năng trong lòng đất và trong truyền thống. Sự khai thác mới chỉ bắt đầu mà đã đầy hứa hẹn. Có điều, trên thực tế còn tồn tại sự mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa, giữa mục đích trước mắt và lâu dài, giữa những gì hiểu hiện và những cái ẩn tàng sâu xa ở bên trong thuộc về tâm linh của con người. Và rồi văn chương đã xuất hiện, lên tiếng nói. Trong nhiều tiếng nói có một giọng nói quen thuộc của nhà văn dân tộc Êđê H’Linh Niê.
H’Linh Niê đến với văn chương khá muộn mằn nhưng như một định mệnh, nếu có thể nói được như vậy. Chị học âm nhạc có bài bản nơi trường lớp. Nhiều bài hát giàu chất Tây Nguyên hoang sơ, hùng vĩ mang tên chị từng vang lên trên các sàn diễn và sóng phát thanh, truyền hình. Rồi chị trở thành người hoạt động văn hóa chuyên nghiệp ở nhiều hình thái khác nhau, khi là nhà folklore Tây Nguyên không thể thiếu, khi lại là nhà báo vùng dân tộc xông xáo, giàu tâm huyết. Và thế là chị tìm đến văn chương bằng một thái độ nghiêm cẩn và khiêm cung đặc biệt. Một kỷ niệm, không, đúng hơn là một bài học nghề nghiệp luôn sống trong tôi liên quan tới lao động sáng tạo của chị. Đó là vào những ngày chúng tôi cùng dự trại viết của Hội Nhà văn ở Đại Lải năm 1996. Tất cả đều là các cây bút thơ, văn xuôi, duy có tôi là làm phê bình nên thường được các bạn tin cậy nhờ đọc bản thảo và góp ý. Ở trại lần ấy, H’Linh Niê hoàn thành nhiều truyện ngắn trong đó có truyện được chị viết đi viết lại nhiều lần, lại bằng những cách viết khác nhau, như Cánh hồng rụng. Chị khẩn khoản yêu cầu tôi góp ý thẳng thắn và thật lòng - Chả là chị rất biết các nhà phê bình chúng tôi hay tránh né và vòng vo mà! Tôi tuân thủ yêu cầu của chị như một mệnh lệnh, chỉ có điều đây là mệnh lệnh của trái tim. Chị không quên cảm ơn tôi. Qua ánh mắt chị, tôi hiểu lời cám ơn không phải được nói ra từ đầu môi chót lưỡi. Giờ nghĩ lại, nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: ai phải cám ơn ai đây, chị hay tôi? Chị đã cho tôi bài học thấm thía về cách ứng xử nghiêm túc đối với nghề viết văn. Xin chớ coi văn chương là một khu vui chơi, cho dầu giải trí, vui chơi cũng có ý nghĩa nhất định đối với con người và xã hội. Hình như chị muốn nói với tôi như vậy. Và chính cái động lực căn bản ấy đã đưa H’Linh Niê đến với văn chương như không thể nào khác được. Và giờ đây, khi nhìn lại chặng đường viết văn chưa dài của chị, tôi chợt nghĩ tới câu nói của Trần Đăng Khoa - bạn thân của cả hai chúng tôi - rằng không rõ là H’Linh Niê đã tìm đến văn chương hay chính văn chương đã tìm đến H’Linh Niê? Điều này trở nên đặc biệt rõ rệt khi tôi đọc tập ký Trăng Xí Thoại”.
Trong nhiều vấn đề ngổn ngang đang đặt ra ở Tây Nguyên, rộng ra là ở miền núi, H’Linh Niê chọn riêng vấn đề số phận của folklore vốn phù hợp với sở trường của người viết. Hàng loạt bài ký mang tên những câu hỏi xoáy vào vấn đề này như: Đi về đâu hỡi... thổ cẩm Tây Nguyên?, Folklore Tây Nguyên -  độc đáo và giàu có - còn chăng ?, “Mất, còn của văn hóa dân gian Tây Nguyên?... Không riêng gì ở bài thứ hai mà ở hầu khắp cuốn sách, tôi thấy vang lên một tiếng kêu khẩn thiết đến nao lòng: “Dù chỉ một lời nói, một việc làm, bạn cũng sẽ giúp chúng tôi gìn giữ được kho báu ấy một cách vững vàng. Thời gian nào có chờ một ai. Hãy giữ lấy, bạn bè ơi, giúp chúng tôi giữ lấy.
Nhịp của thiêng liêng núi rừng vọng lại
Nhịp của cha ông bao đời để lại
Cho sống mãi ngàn năm, sáng mãi ngàn năm tâm hồn cao nguyên” (tr.45).
Những lời kêu gọi thống thiết thốt ra từ đáy lòng. Chắc phải có nguyên cớ gì da diết lắm đây? Có đấy! Chỉ xin nêu một dẫn dụ: Lễ đâm trâu. Đã có nhiều cách nhìn, và không phải cách nhìn nào cũng đúng đắn cả đâu. Một nhà văn lịch lãm có lần lên án lễ đâm trâu là “lãng phí cơ nghiệp, không có tí gì là thượng võ khi đâm một con vật đã cột chặt” (tr.240). Và một giám đốc doanh nghiệp cỡ lớn ở Tây Nguyên thì trách móc tác giả: “Sao nỡ ngồi xem người ta đâm trâu dã man quá vậy?” (tr.241). Những bằng cớ hùng hồn, đập vào mắt vào tâm, không chạnh lòng sao được? Cái chính có lẽ là do họ chưa thật hiểu. Phải giảng giải, phải thuyết phục thôi! Để ông Phó Chủ tịch huyện Buôn Đôn Vông Nhi Ksor khỏi phải “đau đầu” khi quyết định tổ chức lễ đâm trâu trong mùa lễ hội đua voi truyền thống tháng ba. Bao lời ong tiếng ve, muốn bịt tai cũng không xong. Nào là: “Cần phải bảo vệ động vật hoang dã”, nào là: “Đâm trâu thật dã man không nên tiếp tục duy trì”. Tôi biết trước khi có ý thuyết phục người, H’Linh Niê phải tự thuyết phục mình. Không chỉ bằng hiểu biết mà còn bằng cả niềm tin thiêng liêng: “Dân tộc nào cũng có đời sống cội nguồn tâm linh... Người Tây Nguyên cũng vậy. Yàng ở khắp mọi nơi. Mưa thuận, gió hòa mùa màng sinh sôi, gia súc nảy nở, con người không ốm đau, dịch bệnh, ấy là nhờ ơn các Yàng. Phải lễ tạ. Lễ vật có giá trị cao nhất, trong sạch nhất là con trâu” (tr.241). Rồi chị lưu tâm người đọc rằng người Tây Nguyên nuôi trâu hàng đàn, béo mượt không phải để đi cày, kéo xe, chở gỗ mà chỉ để làm vật hiến sinh, rằng lúc cột con trâu vào cây cho chắc, rồi đâm một nhát trúng tim cho chết ngay, người thầy cúng đã khóc, rằng sau khi lễ tạ các thần linh những người dự lễ cùng nhau ăn uống, lại còn chia đều phần thịt cho mọi “bếp” trong làng như là sự sẻ chia vui buồn của cộng đồng dân tộc...
Cội nguồn tạo ra sức mạnh của lời nói nằm ở chỗ: nhà văn đâu chỉ viết bằng sự hiểu mà bằng cả niềm tin. Viết về những điều trở thành niềm tin ám ảnh trong tâm trí, nhiều trang trong Trăng Xí Thoại vì vậy có được sự tiếp nhận tự nhiên, để rồi thấm sâu, vang xa trong lòng bạn đọc. Đó có lẽ là biểu hiện dễ thấy của chất văn trong các bài ký văn chương của H’Linh Niê. Chẳng hạn, những con số mà nhiều lần ngòi bút của chị sử dụng một cách cố ý trong tập sách. Ký báo chí có lẽ chỉ dừng lại ở những con số sau: Người Êđê ở Đắc Lắc có xấp xỉ 150.000 người tương đương với gần 30 ngàn hộ. Nếu tạm tính 5 hộ có một bộ chiêng thì ta phải có 6000 bộ. Trung bình mỗi bộ chiêng có chừng 9 chiếc, vậy bình quân mỗi giàn đã là 50 kg đồng, tất thảy đã được 127 tấn đồng. Một khối lượng khổng lồ. Và đồng đang chảy hàng ngày, hàng giờ qua biên giới! Người đọc ký văn chương không dừng lại ở những con số, mà phải biến chúng “thành lời buốt lời đau vào tai” người đọc (tr.42). Nhưng, trước hết phải từ những tư liệu xác thực. Riêng ở điểm này thì chả phải nói mọi người cũng rõ H’Linh Niê là một trong những bậc thầy. Tôi say mê đọc, thực ra là chăm chú học nhạc cụ nhạc khí Tây Nguyên như đàn kni của dân tộc Giarai, đàn đinh tút của người Êđê, cây mbuốt của dân tộc M’nông... Tuyệt nhất là các giai điệu trầm hùng đa dạng của giàn chiêng: “Tuyệt đẹp là giai điệu chiêng aráp Giarai; nguy nga trầm bổng là tiếng chiêng Banar; rộn ràng vui tươi là điệu chiêng Xêđăng; mạnh mẽ dữ dội chính là giàn chiêng Êđê; thủ thỉ âm u là lời chiêng M’nông, Mạ, K’ho...” (tr.35). H’Linh Niê đã thực sự nhập vào văn hóa các dân tộc người Tây Nguyên đến mỗi lời chị thốt ra như lôi kéo, như mời gọi bạn đọc, khó mà cưỡng lại nổi sức lôi cuốn của những lời như vậy! Xem ra, không ai có đủ thẩm quyền như H’Linh Niê - đứa con ruột rà của Núi rừng Cao nguyên - khi làm cái công việc rất khó khăn mà cũng thật ý nghĩa là giới thiệu nền văn hóa dân gian Tây Nguyên lạ lẫm và độc đáo để thế giới tinh thần của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam giàu có thêm lên.
Quyền lực văn hóa mà chị có được không đến một cách ngẫu nhiên. Tôi biết chị đã học hỏi kiên tâm và cần mẫn, học hỏi với một thái độ trân trọng tự đáy lòng mình, với một cảm giác sửng sốt ngạc nhiên không kìm giữ nổi. Một lần, H’Linh Niê đến Làng mặt trời, trông thấy dưới mái nhà rông treo lủng lẳng quanh nhà tới sáu bộ ống nhỏ, gió lay khiến những ống nứa nhỏ xíu va vào nhau kêu lanh canh, và chị buộc miệng kêu lên như một phát hiện: “Ơ hay! Hóa ra chiếc chuông ống màu mè treo trước cửa nhà tôi nơi thành phố Buôn Ma Thuột cũng chỉ là sự mô phỏng lại của những chiếc đàn ống nứa đơn sơ này thôi sao?” (tr.48). Lần khác, chị chỉ bảo tỉ mẩn cách làm cơm lam: Ống nứa lớn nhất chỉ bằng ngón chân cái, đều dài từ 0,6m; phải nướng làm sao để nếp chín mà ống không hề dính muội than... Rồi ngay lập tức người viết trầm trồ khen ngợi: “Ồ, đây phải chăng là nghệ thuật ẩm thực của rừng Tây nguyên?...
Nó đủ sức là bầu bạn của mọi loại ẩm thực của bất cứ nơi nào trên trái đất này” (tr.77) . Cứ như thế, H’Linh Niê đưa chúng ta vào một thế giới vừa quen vừa lạ, vừa thật vừa hư. Ở đây, chất liệu văn chương dân gian quả đã giúp ngòi bút của chị rất nhiều. Nói về bàn tay tài hoa của người phụ nữ Tây Nguyên thì câu ca đụng lên khung cửi chỉ thành hoa kịp đến trong tâm trí chị. Rồi những câu ngạn ngữ, phương ngôn từ ngàn đời chợt sống dậy nhờ bàn tay khéo léo và tấm lòng nâng niu của người viết: Ngại xa chớ đi Pơtó. Ngại khó chớ đi Ya Tul. Đặc biệt, chị luôn sống cùng những thiên sử thi, thần thoại ở một vùng đất chạm vào đâu cũng thấy huyền ảo. Chị kể như người xưa từng kể: “Tôi sững sờ nhìn theo bước chân rung đất của chúa rừng, đi xa dần trong bóng đỏ hoàng hôn huyền bí của dáng núi. Núi ấy do Yàng Nam Ndir nhổ từ miệng ra, cứu người M’nông thoát nạn hồng thủy. Chỉ cần gọi “Ir ơi” là thần nước hung dữ đành dừng lại lưng chừng núi, không dám vượt qua chỉ giới các thần đã định” (tr.100 & 101).
Tôi muốn nói, trong văn chương, ý tưởng nào sẽ có chất liệu ấy. Tôi còn muốn nói, chính cách xử lý chất liệu ăn nhập với ý tưởng sẽ góp phần tạo nên cách viết, phong cách viết riêng. Nếu nhà văn đứng được là nhờ phong cách, thì phải  chờ đến Trăng Xí Thoại, H’Linh Niê mới dần dà định hình được bản sắc của ngòi bút mình. Trong nhiều ấn tượng sâu đậm từ tập ký có ấn tượng về một chất trữ tình nồng ấm trong sáng qua từng con chữ. Nói đến núi rừng là nói đến ánh trăng rỡ ràng, thơ mộng. Ở vùng cao Tây Nguyên trăng dường như huyền ảo, lung linh hơn: “Trăng mười sáu lơ lửng giữa trời khi chúng tôi uống cạn ché rượu nhỏ nhà Amĩ Thúy. Tiếng nước óc ách vỗ đôi bờ sông vắng như rủ rỉ tâm sự nhỏ to. Mặt sông và những con đường sáng rờ rỡ dưới trăng chẳng hề làm mất vẻ huyền bí và thơ mộng của con sông Ayun, đúng như tôi từng hoài niệm về nó” (tr.143). Có thể thấy, trong nhiều trang ký chân thật của cuốn sách, H’Linh Niê không có ý giấu giếm cái tôi của mình đi. Thử hỏi không có cái ám ảnh có phần riêng tư kia thì lấy đâu sức sống bổi hổi bồi hồi cho từng trang viết. Đành rằng hương và sắc hoa cà phê bạt ngàn ở Cao nguyên có sức quyến rũ thực tế. Nhưng trong văn chương, hương và sắc cà phê dường như đậm đà khó quên hơn bởi cảm nhận của người viết: “Hương hoa cà phê ngát lạ! Nó nồng nàn mà không gắt như hoa sữa lại có sức quyến rũ rất riêng của từng cụm hoa dày đặc suốt từ đầu đến cuối cành. Màu hoa trắng tinh khiết nhả hương đến nỗi muốn hít căng lồng ngực, thật sảng khoái” (tr.146). Tôi cứ muốn trích dẫn nhiều, nhiều nữa những đoạn văn lấp lánh như thế. Cho thật thỏa thuê!
Cho thật đã đời! Một dịp may hiếm có để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của một vùng đất qua vẻ đẹp hồn nhiên của từng trang ký. Thế nhưng, thói quen nghiêm khắc của nhà phê bình bắt tôi tỉnh táo trở lại để chỉ ra những hạn chế đáng nói nhất của tập ký. Đó là gì vậy?
Nhiều bài ký quả thật còn tản mạn về ý tưởng. Rõ nhất có lẽ là bài Về quê chồng mùa nước nổi - tác phẩm được nhận Giải ba cuộc thi “Nước sạch nông thôn” do báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Theo ý tôi, đoạn cuối viết về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian Khmer là thừa. Có thể biện minh bằng tình yêu lớn lao và ý thức sâu xa của tác giả đối với kho tàng folklore các dân tộc. Nhưng không thể nhét mọi thứ trong một cái bị hạn hẹp. Mỗi tác phẩm phải được xem là một chỉnh thể duy nhất, có chủ đề và kết cấu riêng. Việc mở rộng ý tưởng của người viết tất kéo theo sự lỏng lẻo về kết cấu nghệ thuật. Một cây bút có nghề thường không xử lý chất liệu kiểu ấy. Đi cùng với sự say mê bao giờ cũng cần một thứ lý trí lạnh lùng.
Có thể nhận ra sự thiên lệch này ở sự giằng co giữa ký nghệ thuật và ký báo chí. Giữa chúng bao giờ cũng có ranh giới dẫu là mong manh. Người khác có thể không nhận ra, người trong nghề dứt khoát phải nhận ra. Theo tôi, không ít bài trong tập này nên được rút ra in thành tập riêng vì chúng thuộc về một thể loại khác nằm ngoài văn chương nghệ thuật. Đó là  lý do khiến một số bài trong tập được viết một cách khiên cưỡng chưa từ một sự thôi thúc mãnh liệt tự bên trong. Ví như bài ký Cuối mùa hoa Mimosa. Ngay một số bài tham luận ở các hội nghị, hội thảo chuyên đề cũng không nên có chỗ đứng trong tập sách văn chương này.
Tôi nói vậy vì tôi luôn đòi hỏi cao, có thể nói là rất cao, nơi H’Linh Niê - một cây bút đầy triển vọng của Tây Nguyên hùng vĩ. Tôi nói vậy còn vì tôi luôn đặt niềm tin vào cái tâm của nhà văn nữ người dân tộc Êđê này trước kho tàng folklore giàu có và độc đáo của Tây Nguyên sâu thẳm. Người Giarai nói: Lời ta cầu, mong được người thuận, lời ta nói, mong được người ưng. Chắc những lời cầu, lời nói của H’Linh Niê sẽ được nhiều người chăm chú lắng nghe và hết mực chấp thuận. Để, nói theo cách nói của chị, tâm hồn Cao nguyên có điều kiện sống mãi, sáng mãi đến muôn đời...
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Lê Lựu: Người cầm cày trên trang viết 27 Tháng Mười Một, 2022 Lê Lựu cầm bút như cầm cày. Ông là người cầm cày trên trang viết...