Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Đọc tập truyện "Bạn đường" của Nam Hà

Đọc tập truyện "Bạn đường" của Nam Hà
Nam Hà là một trong những nhà văn quân đội tiêu biểu. Nhiều tác phẩm thành công viết về chiến tranh và người lính của anh đã trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc ở nhiều lứa tuổi. Nhà văn từng tâm sự: “Tôi nhớ mãi lời những người lính ở chiến trường, mỗi khi tôi cùng họ ra trận: Anh xuống tận đây là được rồi, anh không nên ra chốt, không được ra đó, ra đó thế nào anh cũng chết. Nếu cần chết đã có chúng tôi, còn anh thì cần phải sống để sau này còn viết về chúng tôi chứ!” (1). Hàng ngàn trang văn xuôi của anh được viết trong sự hối thúc của sức mạnh tinh thần thiêng liêng và vô giá kia... 
Nhiều người hay nhắc tới bài thơ lay động một thời của anh - Bài “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” Đọc tập truyện “Bạn đường”, trong lòng tôi luôn vang lên những câu thơ đầy hào khí thuở nào:
Đất nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt.
Đây có thể xem là một tuyển tập bao gồm những truyện ngắn sáng giá nhất chủ yếu được viết trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhà văn. Anh lấy tên một trong những truyện ngắn đặc sắc và tâm đắc của mình làm tên chung cho cả tập truyện. “Bạn đường” kể về một mối tình có thể xem là điển hình cho những đôi lứa thời kháng chiến. Huỳnh và Thu cùng mồ côi cha mẹ, phải tha phương cầu thực từ nhỏ. Họ bị “ném vào giữa cuộc đời, giống như một con chim ăn quả thả rơi cái hột vào một khu rừng hoang. Cái hột nằm trong đất chịu ảnh hưởng của mặt trời, mọc thành một cái cây giữa bao nhiêu thứ cây khác. Khi đã mọc thành cây rồi, thì nó phải chen nhau với mọi thứ cây xung quanh, tự hút lấy khí trời, tự tìm lấy thức ăn ở dưới đất để vươn lên mà sống” (tr 300). Đời họ “đẫm mồ hôi và nước mắt” nên họ không khỏi mặc cảm ban đầu khi tiếp xúc với thế giới mà họ chưa từng được biết - thế giới của tình đồng đội bao la. Nhưng chính cái gia đình lớn đó cho họ biết yêu thương và căm thù. Họ đã đến với nhau một cách tự nhiên khi cùng đi trên con đường nhiều thử thách mà cũng thật nhiều hạnh phúc mà cách mạng đã mở ra. Người đọc hoàn toàn có cơ sở để tin vào câu nói của Thu: “Dù có phải lên thác xuống ghềnh, có đi cùng trời cuối đất thì em vẫn vui vẻ đi tới cùng, anh ạ” (tr 303). “Đi tới cùng” trên con đường chung cũng là “đi tới cùng” trên  con đường riêng của đời họ.
Đọc tập truyện “Bạn đường” cũng như phần nhiều những trang viết về chiến tranh thời ấy, ta có dịp gặp gỡ những con người, chia sẻ những số phận, cảm thông những tâm tình như thế. Song, trên hết và trước hết, chúng giúp ta lý giải thấm thía và thuyết phục câu hỏi: Vì sao dân tộc ta có thể chiến thắng những đế quốc lớn như Pháp và Mỹ? Ở đây có sức mạnh cuộn chảy không ngưng nghỉ của truyền thống. “Chuyện một người cha” đi theo hướng này. Không phải vô cớ khi diễn biến câu chuyện được kể qua lời của người mẹ với người con. Còn mãi trong tâm tưởng Quân không khí sôi động của thời Xô Viết Nghệ Tĩnh “thật là ầm ầm hơn một trận bão”. Hình ảnh những đoàn biểu tình “đàn ông buộc khăn chéo, khăn thả rìu, có người buộc khăn đỏ, những người ấy là đội xích vệ; Phụ nữ cũng túm ống quần, giải khăn buộc ngang lưng. Kẻ có dao vác dao, người có mác vác mác, không có thì gậy tre, cào sắt, có người nhổ các gốc tre la ngà, rễ gốc tua tủa và đi” hình ảnh ấy sống động như mới xảy ra hôm qua hôm kia đây thôi! (tr 159). Nổi lên giữa cảnh tượng chung ấy là bóng hình lồng lộng đầy khí phách của người cha. Tính bi tráng của sự hy sinh khi người chiến sĩ cộng sản điềm tĩnh bước tới “chiếc mâm đồng đã đỏ lừ lên ghê gớm”, cũng như khi “đứng trên chiếc ghế, hai năm nắm vào bó nứa sắc nhọn” giữa lúc kẻ thù hý hửng, vênh váo còn đồng bào thì lo lắng, bưng mặt, “có người khóc thút thít” làm tăng thêm sức nặng của ngòi bút. Người con từ đó ra đi, vũ khí giết giặc bén nhọn hơn từ đó...
Truyện “Đất” góp phần lý giải chiến thắng của dân tộc từ một góc độ khác. Khi những chiến sĩ như Huỳnh, Sơn... chiến đấu không tiếc máu xương, vì sự sống của mảnh đất này thì chinh mảnh đất thân thương ấy sẽ luôn chở che, ấp iu họ. “Đất đã trở thành máu thịt của tôi rồi. Đất đã chịu đựng mọi thử thách ác liệt để che chở cho tôi. Tôi bỗng thấy đất cũng như một người mẹ và tôi là một đứa con nhỏ. Tôi là một chiến sĩ của đất, chỉ chốc nữa thôi, bọn trực thăng sẽ ném quân xuống đây, và tôi sẽ từ dưới đất vọt lên trên diệt chúng nó. Chính trên mảnh đất tôi đứng, không cho chúng nó làm bẩn đất, và còn bởi vì đất đâu phải của chúng nó. Đất bảo toàn tính mạng cho tôi và tôi phải vì đất mà tiêu diệt địch” (tr 274). Không như ở truyện “Mùa xuân”, ở truyện ngắn này người đọc có thể dễ dàng chia sẻ những đoạn trữ tình sâu xa và nồng ấm như vậy.
Khi đi tìm nguyên do sức mạnh của dân tộc, ngòi bút Nam Hà đặc biệt tập trung vào phẩm chất sáng chói của con người Việt Nam thời chống Mỹ. Đó quả là một cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh hiếm thấy. Tham gia vào cuộc chiến đấu là những phụ nữ luôn thủy chung với cách mạng như chị Tư trong “Như những ngày xưa”, luôn mưu trí, quả cảm trong đánh giặc như chị Hai trong “Chuyện chị tham mưu trưởng”. Đó còn là những Từ và Út Mai (Mẹ con thím Ba), bé Phi (Mùa xuân)... những chiến sĩ “tuổi nhỏ nhưng chí lớn”, thiệt thòi nhiều thứ “nhưng lại có một cái qúy khác mà nhiều trẻ con trên thế giới không có được, đó là việc hiểu sâu sắc kẻ thù, lòng căm ghét kẻ thù và tinh thần dũng cảm gan dạ” (tr 407). Nhiều khi họ chỉ là những người dân bình thường nhưng luôn gan góc và tỉnh táo làm nên những chiến công thầm lặng trong việc chống chọi có hiệu quả mọi mưu mô chước qủy của kẻ thù (Bác Kiều, anh Tiêm và anh Chước trong “Những người bình thường”). Đặc biệt nổi lên là những người lính quả cảm thông minh trước quân thù, chân tình yêu thương trước đồng đội, giàu đức hy sinh, thấm nhuần tinh thần kỷ luật và ý thức tiến công, quyết chiến thắng trên từng mặt trận trong từng trận đánh.
“Đôi bạn” là một truyện ngắn hay. Không rơi vào kể lể có phần dàn trải như “Tuổi hai mươi”. Ở truyện này, tác giả biết khai thác chất văn chương ở những số phận riêng với những tình huống riêng. Cường và Vị cùng quê, vốn là bạn chí thân từ nhỏ, khi nhập ngũ họ là đồng đội của nhau, người là chiến sĩ, người là chỉ huy. Xử sự sao đây trước sai phạm của bạn, nhất là trước những mệnh lệnh liên quan đến sinh mệnh của bạn? Tình bạn cao hơn hay nhiệm vụ cao hơn? Trước mắt Cường lúc đó hiện lên hình ảnh già yếu của cha mẹ Vị, hình ảnh vợ Vị đã sinh con giữa “ngôi nhà nhỏ bé” với “bao kỷ niệm của tuổi thiếu thời”. “Nhưng còn mấy chục con người cần phải sống, cần phải vượt khỏi vòng vây để tiếp tục chiến đấu. Nếu khẩu trung liên của Vị rút thì tình thế sẽ thế nào?” (tr.74). Thật cấp bách, phải hành động ngay, không thể chần chừ. Cuối cùng, Cường đã làm cái việc mà người chỉ huy chân chính cần làm. Vị đã hy sinh anh dũng. Thật xúc động trước tiếng thì thào đau đớn của Cường: “Vị ơi! Ta chiếm lại trận địa rồi. Mày còn giận tao nữa không, Vị?” (tr.78).
Truyện “Đồng đội” cũng đạt tới chuẩn mực của những áng văn chương hay. Có điều, để viết được những tác phẩm như thế, tác giả phải thật sự là một người trong cuộc. Đây có lẽ là sự khác biệt dễ thấy của “người binh nhì” và “người sĩ quan” viết về chiến tranh như các nhà nghiên cứu từng nói tới chăng? Luôn cọ xát với thực tế chiến trường nóng bỏng phải thấy là mặt mạnh của nhà văn Nam Hà. Nhưng từ chất liệu đến tác phẩm là một chặng đường dài đầy trắc trở. Nam Hà đã vượt qua, thể hiện khả năng làm chủ ngòi bút của mình. “Đồng đội” hay ở tính tập trung, ở tài dẫn chuyện, nhất là ở khả năng mô tả tâm lý tự nhiên mà hấp dẫn. Người đọc hài lòng trước kết cục tất yếu mà câu chuyện không rơi vào sơ lược, giản đơn: “Anh em trong tiểu đội nhìn tôi bằng những cặp mắt rất lạ, vừa tha thiết vừa nghiêm khắc. Những cái nhìn của anh em làm cho tôi tràn ngập một cảm xúc mới. Tôi hiểu anh em sẽ không tha thứ, không nể nang đối với khuyết điểm của tôi, nhưng điều vui sướng nhất là tôi vẫn được sống trong tình đồng đội thiêng liêng... Tôi hiểu là mình đã vượt qua được một chướng ngại trong đời, còn gay go hơn vượt qua cái gờ đất trong trận chiến đấu” (tr 341). Đó quả là “tấm huân chương cao qúy” đối với đời người chiến sĩ.
Có thể nhận ra giá trị cơ bản của văn xuôi viết về chiến tranh và cách mạng trong thời kháng chiến qua “Bạn đường” của Nam Hà. Qua tập truyện ngắn, ta còn có điều kiện hiểu thêm một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ văn chương một đi không trở lại ấy. Tôi muốn nói đến sự hòa nhập của tinh thần công dân và ý thức nghệ sĩ trong người cầm bút. Về điều này, theo tôi, không ai nói hay như Chế Lan Viên từng nói:
Vóc nhà thơ đúng ngang tầm chiến lũy
Trang thơ, trang văn giàu ý nghĩa chiến đấu vì thế được đặc biệt đề cao.
Tuy ở góc độ khác mà xem xét, ta thấy dường như các nhà văn bị cuốn theo thực tế chiến đấu và chiến thắng hào hùng của dân tộc. Dấu ấn cá nhân có lẽ vì thế không được sâu đậm như cần phải có. Ở đây, một đoạn trong “Mùa xuân” gợi cho tôi một ý nghĩ tương đồng thú vị. Bé Phi có lần hỏi Liên:
- Má ơi, có đúng thằng Mỹ nào cũng giết ba cả phải không má?
Liên gật đầu và ôm lấy con:
- Đúng đó con à, thằng Mỹ nào cũng giết ba. Tụi nó ác lắm.
Thằng Phi nhận xét:
- Chú Minh nói với con cũng giống như má nói với con.
Rồi nó bỗng thắc mắc:
- Có phải má bày cho chú Minh nói như vậy không? Hay là chú Minh bày cho má?
Liên cười và lắc đầu:
- Không phải có ai bày cho ai đâu con ạ. (tr 400 và 401)
Liên đã nghĩ đúng: Tình cảnh đưa đẩy, chả ai bày cho ai cả. Có điều sự giống nhau ở trong truyện này là hay, còn sự giống nhau trong nghề viết truyện (cố nhiên là về đường hướng) vị tất đã là hay. Đáng mừng là sau này các tác phẩm viết về chiến tranh và người lính đã nhiều phần khác trước. Nam Hà không phải là một trường hợp ngoại lệ.
Sau toàn thắng 1975, đề tài chiến tranh và cách mạng tiếp tục được các cây bút giàu tâm huyết và tài năng kiên trì khai thác. Không ít thành tựu rất đáng được ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, chưa phải đã hết những vấn đề cần được nghiêm túc suy nghĩ và giải quyết kịp thời mà điểm khởi đầu chính là việc soát xét lại những gì chúng ta đã làm được. Tôi muốn đọc tập truyện “Bạn đường” của nhà văn Nam Hà trên tinh thần ấy. Riêng về mặt xã hội thì việc in lại những tác phẩm được viết trong thời kháng chiến hẳn nhiên có ý nghĩa nhận thức và giáo dục sâu sắc. Tự hào về quá khứ hiển hách vốn là một trong những động lực tinh thần to lớn giúp dân tộc ta vững bước tới tương lai:
Ta hát bài ca đất nước
Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc
Cho mắt ta nhìn tận cùng trời
Và cho chân ta đi cuối đất
Ôi Tổ quốc mà ta yêu qúy nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!.
  Đà Lạt, 2/1998
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...