Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Nỗi lòng ai tỏ

Nỗi lòng ai tỏ?
Đầu năm nay, “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa đã thật sự làm sống lại sức biểu hiện ban đầu của một từ được dùng đi dùng lại đến thành trơn lỳ - từ “hiện tượng”. Đúng là một hiện tượng văn chương hàng chục năm mới thấy xuất hiện một lần. Biết bao ý kiến khen chê sôi động dưới những hình thức khác nhau xoay quanh cuốn sách. Có thể rút ra nhiều điều bổ ích và thú vị từ đó. Dưới góc độ phê bình, tôi nhận ra một vài điểm đáng lưu ý sau:
1. Quả là đông đảo bạn đọc đang rất cần đến phê bình trong việc xem xét, đánh giá lại những tác giả và tác phẩm văn chương cho đến giờ vẫn được coi là những giá trị tương đối ổn định.
2. Các nhà sáng tác viết phê bình có cái hay và có cái mạnh riêng, song các bài viết của họ không thể thay thế được hình thái phê bình đã tồn tại và chứng tỏ sức sống từ hàng ngàn năm nay.
3. Có sự khác biệt rõ rệt trong đánh giá cuốn sách giữa các nhà sáng tác với các nhà phê bình vốn thuộc các xu hướng khác nhau.
Cả ba điều trên ít nhiều liên quan đến chức năng của phê bình và chức phận của nhà phê bình. Đành rằng, đó là vấn đề muôn thuở, nhưng theo ý tôi, nó vẫn còn đang là vấn đề nóng bỏng phần nào liên quan tới sự phát triển của nền văn chương chúng ta hiện giờ.
Không khó dẫn ra những lời trách cứ lắm khi nặng nề về sự yếu kém của phê bình văn chương. Nhận định về tình trạng phê bình trong 10 năm gần đây, nhà văn Nguyễn Đình Chính lạnh lùng viết: “Giai đoạn này có thể tóm gọn một câu sỗ sàng: Chẳng có cái gì cả. Cảnh trí phê bình nghệ thuật buồn như một nét vẽ nguệch ngoạc, cô độc và thỉnh thoảng ồn lên một vụ xì căng đan” (Một câu hỏi, cần câu trả lời, Tạp chí Sông Hương số 126, tr.78). Đọc những lời lẽ này, nhiều người e ngại các nhà phê bình rồi sẽ nổi đóa lên. Không hẳn vậy đâu! Họ quen nghe những lời báng bổ tương tự. Và họ cũng luyện thói quen nín lặng, cam chịu lâu rồi.
Tôi bỗng giật mình, rồi nhói đau trước vẻ chai lỳ của giới phê bình khi nghe giới sáng tác chê bai (Chỉ chê bai thôi vì đã từ lâu có ai khen ngợi đâu!). Có lạ không, mọi tội vạ gây ra sự chậm trễ, sự hạn chế của sáng tác dường như đều đổ lên đầu các nhà phê bình! Xin được nói ngay, tôi không có ý chỉ bênh vực cho giới phê bình. Nhiều cây bút phê bình không còn giữ được nỗi đam mê với nghề mà bản thân xem là nghiệp như buổi đầu. Người ta trông chờ nhưng chưa thấy sự đổi thay triệt để trong tư duy và cả trong thi pháp phê bình. Nhất là đội ngũ phê bình vốn đã yếu và mỏng, lại bị phân hóa âm thầm mà dai dẳng và quyết liệt hàng chục năm nay… Tôi cho rằng chẳng cần thông thái gì cũng nhận ra ngay những hạn chế ấy của phê bình và giới phê bình ở ta.
Nghĩ đi là thế, vậy thử nghĩ lại xem sao? Đã có mấy người trong giới nhà văn cảm thông với các nhà phê bình. “Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?” – Đôi khi tôi ngao ngán tự hỏi như vậy. Không, mọi chuyện đều có nguyên cớ sâu xa của nó, mà nếu những người có trách nhiệm không quan tâm tới những nguyên cớ này thì sự thể khó mà tiến triển theo chiều hướng tích cực cho được. Trong hàng trăm nguyên cớ, đáng nói nhất là thái độ xem thường rất khó hiểu của một vài nhà văn đối với phê bình. Một nhà văn có lần hỏi tôi:
- Ông đọc “Đaghextan của tôi” chưa?
- Rồi, có chuyện gì vậy?
- Raxun Gamzatôp nghe chừng có vẻ hạ thấp giới phê bình của ông lắm đấy!
- Đâu có. Tôi đọc kỹ lắm mà không thấy.
Để chứng minh, anh rút cuốn sách ở cặp ra rồi đọc cho tôi nghe đoạn sau: “Ở trường văn học chúng tôi đã có một sự diễn biến thế này:
Năm thứ nhất – có 20 nhà thơ, 4 nhà văn xuôi và 1 nhà viết kịch.
Năm thứ hai – có 15 nhà thơ, 8 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 1 nhà phê bình.
Năm thứ ba – có 8 nhà thơ, 10 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 6 nhà phê bình.
Đến cuối năm thứ năm –chỉ có 1 nhà thơ, 1 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch, còn tất cả đều là nhà phê bình” (Đaghextan của tôi – Nxb Tác phẩm mới, H., 1977, Tập I, tr.120).
Đọc xong, nhà văn nọ nở một nụ cười khoái trá. Tôi thì nín lặng. Định giải thích ý định thâm thúy của Raxun Gamzatôp nhưng nghĩ lại rồi thôi. Câu chuyện vô tình gợi ra trong tôi một nỗi ngậm ngùi khó tả.
Kể ra, anh bạn văn của tôi đã khứa đúng vào cái thực tế gai góc khó mà biện minh cho nổi. Xin được nêu ra một vài dẫn chứng. Trước hết là chuyện đầu tư cho sáng tác. Có phải trong Hội Nhà văn chúng ta hãy còn tồn tại sự phân biệt giữa các hội viên thuộc Hội đồng Văn –Thơ với các hội viên thuộc Hội đồng Lý luận Phê bình? Cảm giác “chiếu cố” đeo đẳng không ít các nhà phê bình. Trong khi ở năm cuối cùng của thế kỷ 20 này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật của sáng tác, rất cần có sự tổng kết thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm để tạo động lực cho nền văn chương dân tộc trong những chặng đường kế theo. Ngay việc tổ chức trại cũng vậy. Tôi nhớ lễ bế mạc Trại sáng tác văn chương Đà Lạt 1998 do Hội Nhà văn đứng ra tổ chức có ý kiến khá thiết thực của nhà phê bình Lại Nguyên Ân. Anh bảo giá Hội Nhà văn nghĩ tới việc mở trại chuyên về lý luận – phê bình thì sẽ hiệu quả. Các nhà phê bình có thể tập trung năm mười ngày bàn về một vấn đề lý luận hoăc sáng tác nào đấy cho đến nơi đến chốn, rồi trên cơ sở đó ra những tập sách chuyên đề. Nhiều người hôm đấy khen đây là sáng kiến hay, nhưng cái quan trọng là làm kia. Muốn thế phải loại ra khỏi đầu óc ý nghĩ các nhà sáng tác có thể làm thay các nhà phê bình trong mọi trường hợp. Chẳng hạn: Ban lý luận phê bình của tuần báo “Văn nghệ” – cơ quan ngôn luận chính thức có bề dày truyền thống nhất của Hội chúng ta. Ai đảm trách công việc này? Đó là hai nhà thơ. Tôi không có ý nói là những nhà sáng tác thì các anh chị không làm tốt công việc biên tập lý luận phê bình.
Nhất là khi nhiều người biết rõ các anh chị là những người làm ở Báo Văn nghệ đã lâu, ngót hai chục năm ròng, kinh nghiệm nghề nghiệp phải nói là khá già dặn. Tôi chỉ muốn nói, giá bổ sung thêm tìm một nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp lại có kinh nghiệm báo chí như các nhà thơ đó thì có lẽ tốt hơn. Nghề nào muốn thành đạt mà lại chẳng cần chuyên sâu! Nhiều người kêu trang lý luận –phê bình trên “Văn nghệ” nhạt, và quy hết thảy trách nhiệm lên Ban biên tập. Tôi nghĩ, đó là cái khó chung và nó có căn cớ sâu xa nằm trong ý thức của không ít người chúng ta.
Xin dẫn ra một chuyện khác: cơ cấu Ban chấp hành và các Hội đồng xét giải các cuộc thi sáng tác của Hội Nhà văn. Cho đến giờ, tôi chưa từng thấy tên tuổi một nhà phê bình nào lọt nổi vào danh sách các Hội đồng xét giải các cuộc thi. Ở ta thiếu các nhà phê bình tài năng ư? Chẳng phải. Cũng xin được bàn thêm rằng các nhà phê bình chẳng mấy người thích thú làm cái công việc nặng nhọc “quyền rơm vạ đá” ấy đâu. Cái chính là do trách nhiệm, hơn thế là do phận sự. Việc vào Ban chấp hành cũng thế! Số lượng hội viên lý luận - phê bình chiếm một tỷ lệ quá ít ở Hội Nhà văn. Vậy nên bầu bán phải chịu lép vế là hẳn nhiên rồi. Có người bảo tại giới phê bình không có những tên tuổi nổi trội “nặng ký”? Chẳng lẽ tôi lại vặn hỏi, các nhà sáng tác trong Ban chấp hành có phải tất thảy đều nổi trội “nặng ký” cả đâu! Vào Ban chấp hành thiết nghĩ chỉ là một cách trao trách nhiệm. Có danh giá, béo bở gì thật đặc biệt đâu. Hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút là được viết. Với nhà văn hay nhà phê bình đều vậy cả. Hội cần thì phải toàn tâm toàn ý dốc lòng dốc sức ra mà làm thôi…
Tôi đã đưa ra một vài chuyện tế nhị có thể khiến một ai đó phật ý. Đành vậy, khi tôi đau lòng nghĩ đến những nỗi trăn trở có thật ở hầu hết các cây bút phê bình. Nhiều người đã nói ra thành lời rằng cái nghề phê bình “bạc bẽo” lắm! Khen nhà văn thì bị họ khinh, chê nhà văn thì bị họ ghét. Đấy là chưa nói không khí phê bình ở ta không phải bao giờ cũng dễ thở. Nhiều nhà phê bình chỉ cần lộ cái tên trên mặt báo là đã bị “đập” tới số, cho đến khi… không còn dám viết nữa mới thôi. Những tấm gương tầy liếp! Hậu quả là những trang phê bình nhợt nhạt, trơn tru đến mức khó tin cứ đầy ắp ở các trang báo! Ôi! Cái vòng luẩn quẩn đáng ghét: sáng tác nhạt tại phê bình nhạt, phê bình nhạt lại sáng tác nhạt… đến bao giờ mới chấm dứt?
Nghĩ tới mối quan hệ giữa sáng tác và phê bình hiện giờ, tôi cứ hay liên tưởng tới cặp vợ chồng khủng khỉnh với nhau: chồng khinh thường vợ, còn vợ thì cao ngạo với chồng. Tôi chỉ xin các nhà văn có thói quen nặng lời với các nhà phê bình điều sau: trách thì cứ trách, nhưng cũng cần có sự cảm thông với các nhà phê bình chí ít là như những đồng nghiệp. Và quan trọng hơn là trước khi lên tiếng trách cứ, các nhà văn này nên nhắc lại câu nói dân gian quen thuộc trong đầu rằng: đến đá cũng biết đổ mồ hôi cơ đấy!.
Đà Lạt 15/8/99
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...