Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Xuân Thiều với Nguyễn Minh Châu

Xuân Thiều với Nguyễn Minh Châu
Sẽ là khiếm khuyết nếu muốn hình dung trọn vẹn gương mặt văn học của Xuân Thiều mà không nhắc đến mối quan hệ bè bạn, quan hệ nghệ nghiệp gần gũi và sâu sắc giữa ông với Nguyễn Minh Châu. Họ cùng tuổi, đều sinh năm 1930. Trước khi được điều về Phòng Văn nghệ Quân đội, rồi ở hẳn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, họ đều từng là Trợ lý văn hóa, văn nghệ cấp trung đoàn. Có khác chăng là Nguyễn Minh Châu được học trường lớp bài bản hơn, như từng theo học Trường Sĩ quan Trần Quốc Tuấn (1951), Trường Văn hóa Lạng Sơn (1961). Họ gặp nhau ở Hội nghị Bạn viết toàn quân đầu năm 1959, và sau đó trở nên thân thiết. “Hồi còn trẻ - Xuân Thiều nhớ lại - có lúc chúng tôi đã dùng lẫn quần áo của nhau. Đi tắm cũng rủ nhau đi để có đứa kỳ lưng” (2, tr.24). Rồi lần lượt kẻ trước người sau, họ được điều động về Tòa soạn Văn nghệ Quân đội. “Một ngày còn sống với nhau đã nên quen thân - Xuân Thiều nhớ tiếp - huống gì ba mươi năm ở số nhà 4 Lý Nam Đế. Biết bao kỷ niệm buồn vui, biết bao tâm sự, từ chuyện nước đến chuyện đời tư mà chúng tôi cùng chia sẻ” (2, tr.18). Tôi đặc biệt muốn lưu ý tới tình đồng nghiệp chan hòa giữa hai người. Xuân Thiều thừa nhận: “Chúng tôi quấy quả nhau cũng nhiều mà giúp nhau cũng không ít. Một ý đồ truyện ngắn vừa được hình thành, một dự tính cho chuyến đi sắp tới, chúng tôi đều trao đổi với nhau. Tôi là độc giả đầu tiên của Châu và ngược lại Châu cũng sẵn sàng đọc bản thảo nóng hổi của tôi. Đôi lúc chúng tôi chẳng câu nệ gì, thò bút vào chữa vài chữ hoặc đánh dấu vào lề bản thảo nên cắt bỏ đoạn này, câu kia” (2, tr.20). Mối quan hệ thân tình có thể nói đến là hiếm thấy trong nghề văn. Mộ người bạn tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đưa ra nhận xét: Hai ông cứ như là cặp bài trùng. Hiểu tình cảm, nhất là tương giao về văn chương giữa hai nhà văn, tôi thấy anh hoàn toàn có lý.
Con người bình thường ai chẳng có tính cách và cá tính riêng. Ở nhà văn, và nghệ sĩ nói chung, cá tính và tính cách nổi lên càng rõ. Phải có sự hòa hợp về lẽ sống và lối sống đến mức nào mới tạo lập được mối quan hệ tốt đẹp, ít sóng gió, lại duy trì trong quãng thời gian khá dài tới 10 năm như Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu. Chất kết dính giữa họ chắc phải sâu xa, bền vững lắm. Đó là gì? Rất nhiều lần đứng trước Ngôi đền văn học số 4 Lý Nam Đế câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu tôi. Và dường như lần nào mọi ý nghĩ của tôi đều xoay quanh các từ khát vọng và trăn trở. Đúng rồi, điểm gần gũi nhất khiến hai con người, hai nhà văn đến được với nhau, cùng bước và sát cánh bên nhau, trong đời và trong nghề, chính là khát vọng sáng tạo không cùng và nỗi ưu tư trăn trở không dứt đấy thôi. Tác phẩm của họ đều cùng hướng về những con người từng chịu bao thiệt thòi, khổ đau và mất mát do chiến tranh, bất công và ngu muội. Đọc họ không khi nào ta bình thản cho được. Trong nhận thức cũng như trong tình cảm. Tác giả như đối thoại cùng ta, trung thực, thẳng thắn và bình đẳng. Chỉ có cái Chân, cái Thiện hòa quyện trong cái Mỹ mới là đích tới của thứ văn chương vĩnh hằng. Thế nhưng, chân ngụy, thiện ác, đẹp xấu nào phải lúc nào và ở đâu cũng được phân định rạch ròi.
Bởi thế, cuộc đời và con người mới cần đến văn chương, và văn chương chỉ thật sự có ý nghĩa khi dám đặt ra những vấn đề nhân sinh nóng bỏng và cốt tử, khi dám khai phá những con đường nhân loại chưa từng trải qua để vươn tới hạnh phúc trọn đầy. Tôi hiểu vì sao Xuân Thiều - nhà chính luận lại viết: “Những ngòi bút trăn trở là những ngòi bút sẽ được người đọc háo hức đón đợi” (2, tr.227). Tôi cũng hiểu vì lẽ gì mà Xuân Thiều - nhà văn lại dồn cho lời nói sau của nhân vật Tám Lê nhiều sức thuyết phục đến vậy: “Thuần là thế nào? Nếu gọi là thuần mà chỉ biết vâng dạ thôi là thứ cán bộ chỉ làm vừa lòng những anh cấp trên hách dịch, ưa nịnh. Mình thì không thích loại thuần như thế. Cố nhiên mình cũng không thích những anh chàng gai ngạnh, phá bĩnh, chống đối cấp trên. Nhưng nếu gai ngạnh có nghĩa là luôn luôn có những ý kiến sắc sảo, thậm chí trái ngược với cấp trên, và những ý kiến đó được đề xuất một cách có tính nguyên tắc, thì mình thích thứ gai ngạnh đó” (Tư Thiên, tập I, tr.160). Đó là câu nói của Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu Tám Lê với Trung tá, Chính ủy Trung đoàn Lưu Dương, nhưng nghe cứ như Xuân Thiều đang nói với người đọc và với chính mình. Thì ra văn chương viết về chiến tranh và người lính từ sau Toàn thắng 1975 đã khác trước nhiều quá!
Nhiều nhà lý luận, phê bình có ý phân biệt văn chương viết về chiến tranh trong chiến tranh và văn chương viết về chiến tranh sau chiến tranh. Ở điểm nào vậy? Có phải một đằng là hình thái tuyên truyền còn đằng kia là hình thái nghệ thuật? Xuân Thiều xa lạ với cách xem xét đó. Khác thì khác rồi. Bình thường thôi! Không khác mới là lạ. Nhưng khác ở chỗ nào? Ông viết: “Những tác phẩm viết về chiến tranh đã khác trước kia, ngòi bút nhà văn đào xới sâu đến tận cùng hiện thực chiến tranh, đã đi sâu vào tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, phát triển những vẻ đẹp khác nhau, tái hiện lại khuôn mặt chiến tranh như nó vốn có” (2, tr.57). Rõ ràng, đầu óc nhà văn giờ đây thông thoáng hơn do ít bị những sợi dây trói phi văn chương ràng buộc. Những tác phẩm vừa trung thực, vừa nhân bản có cơ sở được mùa.
Xin ghi lại một đoạn khác trong Nhật ký đọc sách của tôi:
Đọc bài viết Thành bại một đời văn của Xuân Thiều mới hay “số phận” không mấy suôn sẻ của Huế mùa mai đỏ, Tập I của Bộ tiểu thuyết hai tập Tư Thiên. Huế mùa mai đỏ được ông viết từ 1978 đến 1985, ngót 10 năm trời, vào thời điểm sau chiến tranh lại trước thời Đổi mới. Những người có trách nhiệm của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân gợi ý tác giả nên gặp những đồng chí tầm cỡ trong hàng ngũ lãnh đạo xin ý kiến để sửa chữa lại bản thảo. “Tôi hiểu ý Nhà xuất bản - Xuân Thiều viết - muốn tôi sửa tác phẩm theo tư tưởng của các tác giả khác. Tôi thưa rằng...không nên bắt tác giả này viết theo tư tưởng của tác giả khác”. Đúng quá rồi! Nhà văn phải có cái đầu của mình. Học đời, học người, học mọi thứ, nhưng là để bồi đắp cái bản lĩnh kia cho độc đáo và thêm vững vàng. Tư tưởng là điểm cốt lõi của bản lĩnh nhà văn. Tước bỏ tư tưởng riêng thì quá rằng bảo: “Thôi, xin anh đừng viết nữa!”
Tôi cảm thông và quý trọng lòng can đảm của Xuân Thiều. Đó là một cây bút đầy tự trọng, nhất là đầy trách nhiệm trước những con chữ mình viết ra. Đọc Tư Thiên, tôi thấy Xuân Thiều như muốn qua hệ thống các nhân vật để bộc lộ trách nhiệm công dân trước sau như nhất của mình. Nghĩ sao, nói vậy. Thành tâm và trung thực đến cùng. Và đã nói, đã viết là dám chấp nhận những thử thách gay gắt của dư luận. Rồi của lịch sử nữa, nếu đó là những điều liên quan đến sinh mạng của hàng triệu, hàng triệu con người. Nhớ đến nhân vật mang nhiều nỗi ưu tư của Xuân Thiều – Tư Thiên.
Phó Tư lệnh chiến dịch Đặng Thà hỏi: “Có yêu cầu gì, đề nghị gì không?”, Tư Thiên nói: “Chỉ có một đề nghị duy nhất, bất kể cái lệnh này phát ra từ ông Quân khu hay ông Bộ, cũng xin ký tên rõ ràng, xin khắc vào bảng vàng, bia đá hẳn hoi để mai sau con cháu còn biết để phán xét” (Tập II, tr.293).
Thời gian và lịch sử rất công bằng và công minh. Niềm tin trong sáng trước sau gì cũng được chia sẻ. Rồi tạo hóa sẽ đặt mọi chuyện, mọi sự vào đúng vị trí vốn có của nó. Ta hãy xem Xuân Thiều đưa ra những vấn đề gì cho dư luận ngàn đời phán xét? Rõ nhất là Hai Mẫn, Phó Bí thư Khu ủy, kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Huế. Về hành vi: đi công tác trong chiến tranh mà tiền hô hậu ủng, có đến gần hai chục người tháp tùng và phục vụ. Về ý nghĩ: “Tổng Bí thư đối với Hai Mẫn còn là hiện thân của chân lý. Đến nỗi, ông có cảm giác nhân vật lịch sử này vốn được trời sinh ra để hoàn toàn sáng suốt, để không hề phạm sai lầm” (Tập II, tr.149). Chẳng cần phải bình luận gì thêm về con người mà công lao với sự nghiệp thật lớn nhưng tác phong và tư tưởng chưa phải đã hoàn toàn mẫu mực ấy.
Cũng rõ rệt, nhưng ở một cảm hứng khác, có phần đối lập với Hai Mẫn, là Tư Thiên. Nhân vật này đã nghĩ gì về một vần đề then chốt, hệ trọng nhưng nhiều người e ngại đặt ra, càng e ngại hơn khi phải đề ra cách giải quyết: Vấn đề sự lãnh đạo của Đảng. Tư Thiên nghĩ sao? “Đảng ta lãnh đạo cả dân tộc làm cách mạng tức là Đảng ta có khả năng lãnh đạo đủ mọi mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật... Nhưng Đảng ta muốn lãnh đạo thì phải thông qua các chuyên gia của Đảng về các mặt, lắng nghe họ, rồi giao nhiệm vụ cho họ thực hiện ý đồ của Đảng, chứ Đảng đâu có thần thánh gì mà nhảy vào môi trường nào cũng thông hiểu, cũng chỉ huy được” (Tập II, tr.290). Vậy là đúng và rõ. Khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch, đồng thời bàn cho ra nhẽ sự vận dụng nguyên tắc vào thực tiễn. Để đạt được hiệu quả cuối cùng. Mà cũng là để làm tăng thêm uy tín của Đảng.
Như nhiều nhà văn có ý thức công dân khác, qua Tư Thiên, Xuân Thiều luôn yêu cầu bạn đọc cùng suy nghĩ với tác giả, ngay cả về những chuyện tưởng là hiển nhiên, chả còn gì phải suy tính thêm nữa. Tất cả là do thói quen. Trong hành động và trong tư duy. Nhất là trong tư duy. Như cái nếp thứ bậc trên dưới trong lễ ra quân này: “Nơi cái bậc tam cấp ấy đã diễn ra toàn bộ cách sắp xếp thứ bậc, mà ở cái Quân khu Trị Thiên bé nhỏ này cũng không quên” (Tập I, tr.64). Sự phát hiện tùy thuộc ở đâu? Tài quan sát? Hay lương tri? Có lẽ là ở cái sau. Người ta bảo “sáng mắt sáng lòng”, thật ra muốn “sáng mắt” phải “sáng lòng”. Có vậy mới hết nhẽ!
Đổi mới tư duy nghệ thuật viết về chiến tranh sau hòa bình là vấn đề nóng bỏng, phát xuất từ nhu cầu thẩm mỹ đã nhiều phần khác trước. Từ đó nảy sinh ra một xu trào có tính phổ biến. Là nhà văn, Xuân Thiều thực thi. Là người có trách nhiệm trước phong trào, Xuân Thiều phát hiện. Để khuyến khích và nhân rộng. Đọc Chim ém bay ông nhận ra những điều khác biệt trong việc xây dựng hình tượng người anh hùng. “Đã từ lâu - Xuân Thiều viết - chúng ta đọc những truyện anh hùng quá sơ lược, nhàm chán. Những người anh hùng được miêu tả như siêu nhân, dường như sinh ra cốt để suy tư và hành động theo lý trí vạch sẵn. Họ đã bị người viết tước đi cái phần phong phú đa dạng của con người, chỉ còn lại cái lõi xơ cứng...” (2, tr.177). Tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân không vậy, nên nó gây ra một ấn tượng táo bạo và mới mẻ, xứng đáng được quan tâm và đánh giá cao. Hay như, Xuân Thiều đặc biệt chú ý tới tư tưởng khá bén sắc của truyện ngắn Nhịp điệu khải hoàn. Ông nhận xét: “Giống như là giai điệu chủ đạo của bản giao hưởng, cái nhịp điệu những bước chân được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và người đọc dễ dàng nhận ra chủ ý của Đỗ Vĩnh Hà, rằng trong chiến tranh, kẻ chiến bại thì chẳng nói làm gì, còn người chiến thắng thì cũng khốn nạn, cực nhọc lắm. Kẻ chiến thắng mà nhịp điệu bước chân cũng gần giống kẻ chiến bại” (2, tr.237-238). Cái nhìn ấy về chiến tranh có lý lẽ và sức thuyết phục riêng của nó. Tuy khó có thể xuất hiện trên trang sách một cách nhìn tương tự vào thời chiến tranh, chỉ bởi một lẽ giản dị: Chẳng có lợi gì cho một dân tộc đang buộc phải cầm súng tự vệ để giành chiến thắng mọi giá?
Trong nhiều đánh giá khẳng định của Xuân Thiều trước những tác phẩm có nhiều đổi mới khi viết về chiến tranh và người lính, chưa bao giờ nhiệt huyết của ông lại tràn trề như trong bài phê bình truyện Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu. Trước đây, khi cùng toàn thể văn giới vĩnh biệt Nguyễn Minh Châu, ông không hề có ý che đậy cảm tình đặc biệt của mình đối với một tài năng văn chương đột ngột ra đi: “Một sự nghiệp văn chương tài hoa đã dừng, nhưng âm hưởng của nó sẽ còn vang vọng lâu dài” (2, tr.28). Bây giờ, trước bàn làm việc của ông là tác phẩm xuất sắc như là “bản tổng kết về cuộc sống và văn nghiệp” của bạn ông, Xuân Thiều đã đủ bình tâm để nhận ra “tài năng và khát vọng của Nguyễn Minh Châu đều được thể hiện rõ nhất, mạnh mẽ nhất” trong đó (2, tr.303). Mùa trái cóc ở miền Nam viết về những ngày ngay sau chiến tranh với cái nhìn mới mẻ và độc đáo. Theo Xuân Thiều: “Nếu như trước đây, dăm sáu năm, truyện của anh đã manh nha cái mới, nhưng tiếng nói hãy còn rụt rè, e ngại” thì ở truyện này “anh đã thẳng thắn, mạnh dạn hơn nhiều”. Đó là gì vậy? Xuân Thiều viết tiếp: “Đọc xong truyện, tôi có cảm giác đây là tiếng kêu của Nguyễn Minh Châu, tiếng kêu đầy khắc khoải lo âu cho quyền con người. Đấy là quyền được sống trong yêu thương, trong tình nghĩa và công bằng, hãy thể tình cho nhau mà xóa bỏ hận thù, và hãy cảnh giác, đừng để con người phải sống trong thể chế trại tập trung” (2, tr.303).
Nhiều người cho rằng Xuân Thiều thích Mùa trái cóc ở miền Nam do truyện viết đúng “gu”, hợp “tạng” của ông. Theo tôi, nguyên nhân chính có lẽ nằm ở chỗ khác, là do nó phù hợp với nỗi trăn trở của ông, cái mà Xuân Thiều chưa làm được hoặc chưa làm hay như Nguyễn Minh Châu đã làm. Ông chân tình bày tỏ: “Nguyễn Minh Châu mang vào đấy cả kỷ niệm, cả những ấn tượng, cả những suy nghĩ của chúng tôi nữa, không phải chúng tôi vơ vào cho mình, mà chính là nói cái kém cỏi của mình... Giữa một đám nhà văn cũng quan sát, cũng nhận xét, cũng rung cảm với những gì xảy ra chung quanh... mà chỉ Nguyễn Minh Châu viết được, dù phải đợi đến 12 năm sau” (2, tr.302). Đánh giá đến vậy là cao lắm! Mà cũng thật lắm! Rất khác với thái độ của Xuân Thiều khi đọc tác phẩm của một nhà văn đã thành đạt như Nguyễn Kiên. Vẫn còn đây nhận xét của Xuân Thiều khi tập truyện Chuyến xe ra được ấn hành: “Vấn đề anh (tức Nguyễn Kiên) nêu ra thật rõ ràng và thỏa đáng. Chỉ có điều khi đọc xong người đọc xoa tay, yên tâm” (2, tr.247). Thì ra, sự đồng điệu giữa Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu không chỉ ở tư tưởng xã hội mà đặc biệt ở quan niệm văn chương. Đúng như câu kết thúc bài viết vừa nêu về Nguyễn Kiên của Xuân Thiều: “Cái phẳng lặng là cái đáng cảnh giác cho nhà văn” (2, tr.248). Xin nhớ giùm: ông nhận thức ra điều ấy rất sớm, vào tháng 12 năm 1972.
Đã rõ, cái sự gần gũi về nhiều mặt, nhất là về quan niệm nghệ thuật giữa Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu. Hoàn toàn không có gì phải nói nếu như không có chuyện sau... Một lần, vào năm 87 - 88 gì đó, mối quan hệ giữa hai nhà văn quả có trục trặc. Họ giận nhau, đúng hơn là Nguyễn Minh Châu giận Xuân Thiều. “Câu chuyện bắt đầu từ cuộc hội thảo truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu - Xuân Thiều kể - do Tuần báo Văn nghệ tổ chức...Tôi viết bài tham luận khá cẩn thận. Bài tham luận của tôi chủ yếu là khen Châu, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn nói những điều chưa mạnh trong truyện ngắn của anh” (2, tr. 26). Đến đây thì chưa có chuyện gì cả. Trong hội thảo, ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Vậy điều gì khiến tình cảm của hai người đang tốt đẹp lại bị rạn nứt. “Thì ra - Xuân Thiều kể tiếp - Châu nghe một vài người nói thế nào ấy, cứ nghĩ rằng những người tổ chức hội thảo là nhằm mục đích “đánh Châu”, và tôi bỗng trở thành tên đánh hôi, tay chân của ông A, ông B nào đó” (2, tr.26). Theo Xuân Thiều, ấy là do giữa họ có sự hiểu lầm. Tôi muốn nghĩ sâu xa hơn một chút: Giữa hai nhà văn vẫn có nhiều điểm khác, mà cái khác căn bản có lẽ là khi cả hai cùng đi tìm sự dung hòa giữa con người công dân và con người nghệ sĩ thì Nguyễn Minh Châu dường như nghệ sĩ hơn trong khi Xuân Thiều lại công dân hơn chăng? Tôi để ý tới lời tâm sự thật lòng của Xuân Thiều sau chuyện không nên có nhưng tất phải có đã xảy ra giữa hai người: Đây là “một điều tưởng bất ngờ nhưng không hẳn thế” (2, tr.26). Không phải vô cớ, sau khi hai người làm lành với nhau mà, theo Xuân Thiều, vẫn còn đó “một vết sẹo trong tình bạn” giữa họ.
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...