Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

10 khuôn mặt thơ trẻ đương đại

10 khuôn mặt thơ trẻ đương đại
Một thế hệ mới
Đó là một thế hệ có trình độ học vấn, đa tài và hoạt động ở nhiều lĩnh vực xã hội. Họ sáng tạo nghệ thuật và có nhiều điều kiện giao lưu quốc tế. Họ khẳng định một thế hệ trẻ hôm nay của một đất nước mở cửa và hội nhập, hoàn toàn khác với thế hệ nhà thơ đi trước  trưởng thành trong chiến tranh. Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: “Có xu thế thăm dò và cổ vũ mọi tìm kiếm, mọi thể nghiệm trong nghệ thuật Thơ của người viết trẻ… Đó là thế hệ dò tìm, phác họa chân dung, gương mặt của chính mình sau chiến tranh. Nói cách khác, giả sử cha anh chúng tôi đã sinh trưởng vào thời điểm như chúng tôi, thế hệ của e-mail, chat, internet…, khi thông tin đang mở rộng và thu hẹp lại thế giới, thì chắc họ cũng phải trăn trở, cũng phải thể nghiệm như chúng tôi... Dò tìm gương mặt mới của thế hệ “ (1)
Xin đơn cử một vài trường hợp
Nguyễn Vĩnh Tiến, Đại Học Kiến Trúc Hà Nội, tốt nghiệp loại giỏi, Cao học Pháp Ngữ (Master Francophone) “Toulouse-Hà nội 2001-2004”. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Kiến Trúc và Thương Mại Việt Pháp (T-group), là người "bay giữa kiến trúc, nhạc và thơ”. Văn Cầm Hải, Cử nhân Văn Khoa, Cử nhân Luật khoa. Tu nghiệp báo chí tại Hà Lan 2002 - Được mời tham gia chương trình Viết Văn Quốc Tế tại University Of Iowa (The University of Iowa, International Writing Program), Mỹ, 2005. Nguyễn Thúy Hằng, họa sĩ, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, học  nâng cao về hội họa đương đại tại Mỹ. Lê Vĩnh Tài,  Đại học Y Khoa Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, làm nghề tự do. Phan Huyền Thư, tốt nghiệp đại học Tổng hợp khoa Văn năm 1993, là biên kịch hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương. Nguyễn Vĩnh Nguyên khoa ngữ văn, Đại học Đà Lạt, 2001, là phóng viên văn hóa của báo Sài gòn Tiếp thị. Vi Thùy Linh, Đại học báo chí, Trần Ngọc Tuấn, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nhà thơ. Nhà văn. Nhà báo, từng được trung tâm văn học Literaturwerkstatt (Berlin) và Viện Goethe Institut (Munich) tổ chức dịch tác phẩm và mời sang Đức nói chuyện, giao lưu, đọc thơ, được giới thiệu trên tạp chí Thi Bình (số 5.2005) Hàn Quốc, được đánh giá là một trong số ít những nhà thơ trẻ triển vọng, có nhiều cách tân đột phá của thi ca Việt Nam hiện đại.
Nguyễn Huy Thiệp đã từng nhận xét như thế này, và tôi tin rằng ông đã ngộ nhận. ”Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. (2)
Trong bài viết này, tôi sẽ tiếp cận thơ trẻ ở ý thức sáng tạo của tác giả, ở thi pháp và phong cách (nếu có) để thử phác họa chân dung từng nhà thơ, định hình gương mặt của một thế hệ nhà thơ mới qua những tên tuổi ít nhiều đã tự khẳng định mình trong thơ ca.
Những gương mặt mới
1. Nguyễn Hữu Hồng Minh là người được tạp chí Thi Bình (số 5.2005) Hàn Quốc, đánh giá là một trong số ít những nhà thơ trẻ triển vọng, có nhiều cách tân đột phá của thi ca Việt Nam hiện đại.
Thơ của anh là thơ tư tưởng. Anh suy tư sâu sắc những trải nghiệm;
”Sự sống thật là sự sống réo trên đầu sự chết”
(Sự  Sống Thật)
Anh thấy sự chết hiển hiện trong tất cả tồn tại.
“Tôi thấy cái chết ló dạng trong những câu thơ tôi vừa viết…
“Chúng ta người đã chết lại bàn cãi quá ồn ào về cái chết “
(Sự Vụ)
Hiện hữu đối với NHHM là hiện hữu thừa và dơ bẩn (Ghi Chép Rời), hiện hữu phân rã (Sóc Trăng, Lỗ Thủng Lịch Sử). Con người xa lạ với chính mình, xa lạ với tha nhân. ”Giữa chúng ta những bến không bờ/ Những bờ không bến/ Chúng ta nhị nguyên“ (Giữa Chúng Ta). “Đôi khi tôi giật mình vì một tiếng nói xa lạ/ như tôi tìm được thanh đới mình từ cổ họng những người đã chết” (Tiếng Nói Bội Trương). NHHM không thể hình dung nổi người yêu của mình Giữa một “cuộc tồn tại không tình yêu, không em trơ vắng hoang điạ những ngón tay đồ tể khai quật hoa văn xác ướp“ (Mẫu Tự). Tất cả vui lấp trong cát, tuyệt vọng. “Em ơi, hãi bới cát tìm cuống họng cho anh/ để anh tập đánh vần lại chữ A/ A!A!A!/ Trước một đời sống cát“ (Bài Cát).
NHHM mất phương hướng trong cõi hiện sinh chỉ là những mảnh vỡ. Hắn là một kẻ không đầu, không tay chân, không cả dương vật, không tiếng nói. Một Ngày Tự Do cũng là tự do ý thức về cái chết, hiện sinh Chậm Như Thùng Thuốc Nổ.
“Nhưng khi hắn cần dương vật thì hắn biết bỏ quên ở Sài gòn
Hắn cần đầu thì mới hay vứt ở Hà Nội
Hắn cần khua khoắng chân tay thì đã rụng rơi đâu đó ở Cà Mau
Trong giấc mơ hắn không rõ hắn đã nói điều gì với Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang
Dạng háng! Hãy dạng háng!
Hắn kêu lên với những tiếng của lỗ đít...”
(Lỗ Thủng Lịch Sử)
“Y lang bang đâu khi không đầu?
(Ăn Hải cảng)
NHHM trăn trở nhiều về thơ ca, nhưng thơ ca cũng chết, anh bế tắc
Mi không phải là thi sĩ!
Khốn nạn mi không phải là thi sĩ!
Đừng ảo tưởng!
Chữ nghĩa đã hoá gạch đá xây mồ táng mi…
… Giã từ thôi, giã từ.
Trên bàn tay bại liệt của mi ngòi bút trơ cạn dòng suối máu...
(Giã từ)
Có thể nhận thấy NHHM còn đang trải nghiệm, anh chưa đạt tới ý thức về nỗi chết bằng Haller trong Sói Cô Đơn (Steppenwolf) của Hermann Hesse. Anh nhận ra một thế giới xa lạ nhưng chưa nhìn thấy cái xa lạ, phi lý như trong Kẻ Xa Lạ (L’étranger) và Ngộ Nhận (Le malentendu) của A. Camus. Anh vẫn còn hăm hở “ăn“ trong cuộc hiện sinh và “Không nghĩ mình có thể ăn nhiều thế “(Ăn Hải Cảng) mà chưa chưa trải nghiệm trạng thái buồn nôn của J.P.Sartre. Anh chưa vượt qua được hiện sinh như S. Kierkegaard hay Nietzsche. NHHM mới chỉ chạm tới tư tưởng về hiện sinh. Có thể anh sẽ còn đi tiếp hành trình tư tưởng của mình trong thơ ca.
Về nghệ thuật, Thơ NHHM chưa vượt qua được những thành tựu  của  người đi trước. Thơ anh giàu chất suy tưởng, nhưng suy tưởng của anh không phong phú bằng Chế Lan Viên, anh thể hiện tư tưởng hiện sinh nhưng  anh chưa tiếp cận được cách viết dòng ý thức như thơ Thanh Tâm Tuyền (bài thơ Phẫu Tích là một bài có cách viết gần  như bài thơ ĐEN của Thanh Tâm Tuyền). Khi anh viết về những trải nghiệm ăn chơi, người đọc còn nhận thấy ảnh hưởng cuà Đỗ. KH. Anh đem cái tục vào thơ chẳng khác gì những nhà thơ “hậu hiện đại“ nói tục như những kẻ đầu đường xó chợ
“Hoảng loạn và kinh sợ khi hắn phát hiện ra mình vẫn sống mà làm việc với những xác chết
Đi đứng ngoằn nghèo như ma trơi, linh hồn quỷ nhập tràng luôn dụ khị hắn làm những trò mê cuồng và quái đản
(Lỗ Thủng Lịch Sử)
Đọc những dòng thơ trên, người đọc hẳn hoài nghi về ý thức sáng tạo của anh. Anh cho rằng: “Thực ra ngôn ngữ rất ít hoạt động. Nó “ngủ” là chính. Nó chỉ thức dậy và quậy tung náo loạn do ý thức điều khiển của bộ não và cảm giác. Nó cũng không có từ đẹp hay từ xấu. Từ đẹp hay xấu là do cảm quan cá nhân của người sử dụng và bối cảnh sử dụng...”. Nói về nhà thơ nhà văn, anh chủ trương: “Tại sao khi họ dám xây dựng, tạo ra được một nhân vật thì lại không dám để mình biến thành một nhân vật trong mắt kẻ khác?”, vì thế anh dùng từ “vô tư” và nêu đích danh những đồng nghiệp văn chương làm đối tượng chơi chữ của mình. Tôi nghĩ rằng, văn chương, ngôn ngữ không chỉ là con chữ trung tính, mà còn là văn hóa, tư tưởng, và thẩm mỹ. Anh đã lật đổ những “đại tự sự“ để  dùng cái ấy vỗ vào mặt đồng nghiệp của anh. Xin nhớ, họ là những người có nhân cách, là những nhân vị xã hội, một Con Người với tất cả giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc. Anh đánh đồng họ với cái giống của anh và muốn đối xử với họ chỉ bằng cái giống bản năng sinh vật thì hẳn đó là một sự tha hóa, không còn là nghệ thuật nữa.
NHHM chưa định hình một khuôn mặt thơ với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật  của riêng anh.
2. Vi Thùy Linh
Đối với Vi Thùy Linh, tình yêu và thơ là định mệnh. Nhà thơ tâm sự: ”12 năm làm thơ, sống cho thơ, tôi ngày càng thấm thía thơ là định mệnh của tôi… Có hai lĩnh vực trường tồn qua mọi thời đại, bởi sức mạnh thiêng liêng vượt qua mọi ranh giới, khác biệt, màu da, ngôn ngữ: đó là Tình yêu và Nghệ thuật. Sống cho thơ và vì thơ mà sống đẹp, tôi vẫn tiếp tục hành trình thơ, hành trình tình yêu của mình.” (Sống Thơ, 6.2007). Trước Vi Thùy Linh (VTL) đã có nhiều người làm thơ tình, VTL đã làm mới thơ tình như thế nào?
Thơ tình VTL là thơ tình của người đang yêu, đang đắm say hạnh phúc và hoan lạc. VTL miêu tả cuồng nhiệt hạnh phúc nhục thể hòa trong hạnh phúc tinh thần trong nhiều bài thơ như Âu Cơ, Tình Tự Ca, Trên Ngực Anh,...
Hồi hộp đến cuối đường tơ lụa
Tây Tạng mê ảo cuồng hoa
Trứng nhộn nhịp thụ thai
Âu Cơ rũ váy rũ nghiệt ngã
Lại hứng hứng gió thốc
Thôi miên những cánh cửa chồi răng
Hoa Thùy Linh
Đàn đàn mũi tên bay từ giữa hai đùi
Bắn nát sự cam phận.
(Âu Cơ)
“suốt đêm suốt đêm/
Những khát khao được giải phóng“
(Bản Đồ Tình yêu...)
Trong đam mê và say đắm nghiệm sinh tình yêu nhục thể, VTL đặt thành những tín niệm... Tình yêu làm nên nhân loại “Trong lòng em, anh khai thị thế gian“ (Âu Cơ). Tình yêu là ánh sáng, là ngày mới là sự sống
“Cả thế giới chật ních buồn phiền bỗng nhiên vắng lặng
Để loài người học yêu nhau trở lại
Để loài hoa không bao giờ mãn khai, hé mở“ (Đường Ong)
Tình yêu cứu rỗi nhân loại
“… Thế giới loạn ly vì lũ khủng bố cuồng man ngu muội cực đoan quá khích
Nắm lấy tay nhau, những bàn tay không biên giới!..
… Những làn môi mọng đỏ đòi hôn như dâu tây đòi nước và ánh sáng
Nếu cả loài người đều yêu nghệ thuật và thơ hay, sẽ không còn cái ác”
(Hãy phủ thơ khắp thế giới của em!)
VTL kêu gọi giải phóng phụ nữ
“Hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu
Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động
Hãy yêu nhau, đừng chần chừ nữa
Đừng giam đời trong hèn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ những kẻ vô hồn bạc nhược
Nào cùng đi Hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu
Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động
Hãy yêu nhau, đừng chần chừ nữa
Đừng giam đời trong hèn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ những kẻ vô hồn bạc nhược
Nào cùng đi”
(Bản Đồ Tình yêu)
Em giải phóng em trong thế giới tâm hồn
Hỡi những người phụ nữ, hãy yêu và sống đến cùng như mình muốn
Đừng mặc cảm giấu che! Nín đi! Bắt đầu cuộc sống không cần chịu đựng, chờ chiếu cố
(Yêu cùng George Sand)
VTL khai thác triệt để những phần thân thể và những hoạt động giao hoan tình dục, những cảm giác vật chất và tinh thần: Bàn Tay, Đôi mắt Anh, Trên Ngực Anh, môi hôn, làn da, ”lưng anh lưng em tự sóng” “anh hòa em vào máu“
Anh hạ trời xuống Anh nâng đất lên
Anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên
Trên lưng Anh, bơi mải miết ngón ngón em dài trắng
Môi em trườn đêm căng
Duỗi chân dài, em nối những ranh giới, những núi đồi, sông biển, nhịp nhịp qua cầu đùi muốt
Vào lúc Anh lên em lên Anh
Thụ tạo giấc mơ ấp ủ
Em đạt khát khao làm Mẹ
(Nơi Ánh Sáng)
Yêu là liều, bất chấp ngặt nghèo ngăn cấm
Chẳng có gì trói buộc, hoãn, sợ run
Lúc 12 giờ đêm đến gần Anh đang đợi
Phòng ngủ biển xanh mây bay thiên thanh
Chiếc giường đàn hương - máy bay bằng gỗ
Dâng mình lên theo cơ thể ngụt ngàn
Dâng từng đợt mưa say đợt cắn
Anh trai tráng hệt như chưa lần nào
Em nữ tính nhiều mà sao vẫn thiếu
Đóa nhung đen nở mịn đường cỏ ấm
Còn nợ mùa thu vì em trắng quá
Suốt đời mải miết chạy theo tình yêu
(Tình Tự Ca)
Tuy say đắm nhục thể nhưng VTL vẫn đủ tỉnh táo để suy tư về tình yêu trong những tương quan nhân loại, nhìn  đời tươi xanh
Anh dắt em đi mãi trong màu xanh thành phố, trên triền xanh của sóng, giữa không tận bầu trời                                              
Chúng mình đã đi qua bao thế kỷ bất an, sao loài người yếu đuối đến thế?!
Chúng mình đã đi qua ánh sáng bao nền văn minh huy hoàng,  mà nhân gian vẫn tìm gì mãi thế?! Điều quan trọng nhất, bí mật hệ trọng nhất là biết yêu nhau trong sự sống tận cùng 
Đi bộ qua những vòm trời, anh nằm bên em giữa thời đại mệt nhoài  rạn bóng những thế kỷ
Nhắm mắt để chuỗi ánh nhìn vẹn nguyên phát hàng triệu tia bích ngọc
Máu anh truyền em truyền đời xanh thẳm
(Xanh)
Ta đi tìm thời gian đã mất trong thời gian đang trôi
Ta ước về tháng ngày chưa đến trong thời gian đang trôi
Thong thả yêu nhau bằng khí lực thanh xuân, giữa chớp nhoáng ngày đêm - tình huống nghiệt ngã của tạo hóa
Tận hưởng xuân ngưng lại mùa huyền bí
Làm như quên tình tiết trai gái hôn cháy cả giao thừa...
Trên da thịt đôi ta, theo hơi thở Anh, mưa xuân đang ấm
Gió lên tình, vờ không phân biệt nổi mùi nàng với ngàn hoa
(Ngưng lại mùa xuân)
VTL cũng có những bài thơ tạo được những xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ, khổng chỉ về niềm hoan lạc và về cả nổi buồn (Nhật Thực, Phía Ngày Tắt Nắng)
Khi anh đẩy em bằng mắt
Trăng vừa tròn mười chín!
Em đã thả đi bao nỗi buồn
Buộc bằng tóc rụng,
Tóc đã rụng mùa mùa nhiều rồi
Mà chưa thấy nắng lên,
Em òa vỡ,
Những nỗi đau chèn nhau,
Em lầm lũi đến trước cổng nhà anh!
Nhặt xác nỗi buồn còn tươi nguyên,
Đốt lên thành lửa ném lên trời,
Đốt lên thành lửa ném lên trời
(Phía Ngày Tắt Nắng)
Nếu so sánh với thơ tình Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Nguyên Sa, thơ tình Vi Thùy Linh đã mới hơn nhiều. Người đọc vẫn nhận thấy trong thơ VTL chất đắm say của Xuân Diệu, chất suy tư tỉnh táo và đằm thắm thủy chung của Xuân Quỳnh, những tinh tế ngôn ngữ của Nguyên Sa, nhưng ở VTL, đúng như nhà thơ tự nhận định, thơ VTL được viết bằng ngôn ngữ tinh ròng, phong phú, bằng giọng tâm sự chân thành gần gũi giàu nữ tính
“Trổ nhiều ô cửa bằng vòm chữ, ngôn ngữ là di sản văn hóa              
Viết bằng tiếng Việt thật đẹp và cuốn hút, miệt mài quá mức”
(Yêu cùng George Sand)
Vì thế dù miêu tả tình dục, ngôn ngữ thơ VTL không trần tục thô thiển, mà vẫn giữ được sự chừng mực, vừa đủ bộc lộ tất cả những mê đắm, vừa đủ tỉnh táo giữ được cái đẹp của thơ ca trong cái đẹp cuộc sống tươi xanh để tạo nên những giá trị mới cho thơ tình. Tuy nhiên, về nghệ thuật, thơ VTL không mới.
Tôi nghĩ rằng tình yêu, tình dục, niềm hoan lạc trong tình yêu không phải là tất cả. Cuộc sống có bao nhiêu vấn đề cần tiếng nói của thơ ca. Khi tuổi thanh xuân qua đi, khi những trách nhiệm xã hội chồng chất lên vai và khi tình yêu chỉ còn lại những giông bão sau những sắc màu của cầu vồng rực rỡ,  thịt da chai lỳ nhục cảm, thay vào đó là những đớn đau  thân xác (bệnh tật, sự tàn phai...), không biết VTL có còn viết được những dòng thơ sung mãn như những gì chị đã viết. Không phải trong thơ chị đã ánh lên những nét nhăn muộn phiền rồi đó sao. Dù sao VTL vẫn còn đang rất trẻ.
Tự nhủ không thể yêu ai nữa
Người đàn bà sống một mình, vừa muốn quên, vừa mong ngóng
Chị cố tránh con đường xưa…
Lại đêm…
Lại đêm…
(Thiếu Phụ và Con Đường)

Quả không vui chút nào khi bài viết này chưa kịp công bố thì tôi nhận được tin: “tháng 11 này VTL sẽ ngừng làm thơ, Ít nhất là 5 năm tới cô sẽ không làm thơ nữa. Vì cô không muốn mãi làm thiếu nữ trong thi ca. Cô muốn làm người đàn bà từng trải.” (theo Thùy Vân - An Ninh thế giới - phongdiep.net 23.10.2008)
3. Lê Vĩnh Tài
Thơ Lê Vĩnh Tài khó đọc. Anh chủ trương vậy. “Thơ, theo tôi nghĩ, nên bí ẩn chứ không nên bày tỏ, nên lỏng lẻo chứ không bắt buộc…” “Thông điệp của thơ mang tính ẩn dụ và đôi khi khá kiên nhẫn (và lắm lúc khá tàn nhẫn), không thể “bày tỏ hàng ngày”. (trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng) Người đọc không đủ kiên nhẫn sẽ bỏ thơ anh mà đi. Nhưng thơ anh có sức ám ảnh. Chữ nghĩa của anh trùng trùng điệp điệp, chữ gọi chữ, lời tiếp lời, như không bến không bờ. Tôi không hình dung nổi anh lấy đâu ra chữ để làm phong phú thơ anh đến thế. Đó chính là phẩm chất thi sĩ ở anh, và hơn nữa, khả năng sáng tạo thật dồi dào. Anh không trau chuốt lời như nhà thơ Lãng Mạn, không dụng công chữ nghĩa như Lê Đạt, không sử dụng những kỹ thuật của thơ Hình Thức hay Hậu Hiện Đại. Làm thơ, với anh tự nhiên như sự sống. Anh cho biết: ”Làm thơ là một việc tự nhiên và “tuôn chảy” vô cùng, nhiều thứ cùng đến và cùng chồng mờ lên nhau cùng một lúc,... ”Tiếng Việt trong thơ anh là tiếng Việt mộc mạc chân thực, tự nhiên, bởi thơ anh là thơ tâm sự, là lời chia xẻ những suy tư về cuộc sống. Tuy nhiên tư duy nghệ thuật của anh là từ hiện thực, qua so sánh liên tưởng trở thành ẩn dụ. Có những ẩn dụ gần gũi dễ nhận ra, nhưng có những liên tưởng đứt đoạn, nhảy vọt, tạo ra những ẩn dụ đứt lià với cái gốc hiện thực, thành ra khó hiểu. Đọc thơ anh vì thế có lúc mệt nhoài mà vẫn bất lực, bởi vì như anh nói “nhiều thứ cùng đến và cùng chồng mờ lên nhau cùng một lúc”, đành để cho những cảm giác mơ hồ, những ẩn nghĩa lãng đãng mãi trong hồn, chờ mong một lúc nào đó hiện hình trở lại trong cõi nhân sinh.
Thơ của anh hay ở  cách nhìn, cách thể hiện và cách đặt vấn đề, tất cả đều rất riêng, một kiểu tư duy nghệ thuật của riêng anh. Xin đọc:
Sự bình yên đã vắng bóng người
những tấn bê tông rơi như thiên thạch
vỡ đôi để lại bầu trời
xanh đến mức không làm sao tin nổi
máu của người lại có thể rơi
những giấc mơ chồng lên nhau lộn xộn
khi người từ 30 mét... ừ, thôi
không kịp lau mồ hôi và bùn sau mấy ngày mưa dầm và lạnh
từ nay mưa cũng thiếu hơi người
những tấn bê tông như mặt trời đang buồn và lặn
trong tưởng tượng của người
đêm đồng bằng những ngôi nhà đèn chong bên cửa sổ
cứ nhìn lên như mắt của người
còn khối bê tông trách nhiệm không rơi được
vì bắt đầu thấm máu
dù muốn chìm xuống sông Hậu
thật sâu
Anh nói đến vụ sập cầu Cần Thơ. Đó là điều không làm sao tin nổi, một tai họa khủng khiếp  như thiên thạch vỡ đôi để lại bầu trời. Máu, mồ hôi, bùn đất, ước mơ của bao nhiêu người đã bị vuì lấp, nhưng rồi người ta quên rất nhanh như ngày tàn (mặt trời đang buồn và lặn) Chỉ có gia đình những nạn nhân, và chính nạn nhân, những ngôi nhà đèn chong bên cửa sổ/ cứ nhìn lên như mắt của người. Anh lên tiếng quyết liệt đòi phải có trách nhiệm. “còn khối bê tông trách nhiệm không rơi được/ vì bắt đầu thấm máu/ dù muốn chìm xuống sông Hậu/ thật sâu. Bài thơ có sức lay động xâu xa lòng người bởi những hình ảnh cứ soi vào mắt người đọc. Những người đã chết, mắt cứ nhìn lên, trong khi những người có trách nhiệm lại muốn sự việc chìm xuống thật sâu. Những ngôi nhà đèn chong bên cửa sổ  héo hắt biết là chừng nào. Tứ thơ rất lạ. ”Những công nhân đã chết đột ngột, “… không kịp lau mồ hôi và bùn sau mấy ngày mưa dầm và lạnh/ từ nay mưa cũng thiếu hơi người”. Họ đổ mồ hôi cả khi trong mưa dầm và lạnh, họ làm cho mưa nắng thấm mồ hôi và tình người.
Thơ Lê Vĩnh Tài là thơ của tình người thẳm sâu những kiếp nghèo, kiếp khổ, hun hút bóng đêm. Anh nói nhiều đến nước mắt. Thế giới thơ của anh là thế giới của bóng đêm. Anh xác nhận: “Vì xét cho cùng, “những điều chỉ tìm thấy trong thơ” chính là nước mắt, thiếu những điều tìm thấy đó thì cũng không còn đôi mắt nữa.“
...” nước mắt tràn trên mặt
tôi quên mất mình còn gương mặt
không biết mình còn là người hay không
(xa quá không sao biết được)
đêm ơi
ví dụ như ta đang bình minh
mặt trời trên trang giấy ngày xưa ta vẽ (*)
mỗi lúc một đỏ hơn
mỗi lúc một đớn đau hơn
đêm còn muốn một điều gì nữa?
(như một gợi nhớ của đêm)
Anh có những bài thơ xúc động về những thân phận của bóng đêm, những người chết ngoài biển, bị tàn phá trong giông bão (Những Căn Nhà Bây Giờ Nền Cát Trắng, nếu mỗi người dân sau cơn bão bị mua hoá giá một ngôi biệt thự), Người trồng bưởi lao đao vì tin đồn ăn bưởi ung thư (Trong Thời Đại Nguy Cơ), nỗi khát khao tự do của nhân dân Tây Tạng (Ba Khúc Một Giấc mơ), dân nghèo trong kinh tế thị trường (bài 8%, Bù Lỗ, Nằm Vạ), những đứa trẻ bị bỏ rơi (Một Mai Qua Cơn Mê) về những tương phản đau lòng (Thế là Chịu Thua, Đố Vui, Những ngày Mưa Mưa Mãi Không Thôi, Viết Được 26 Câu)... nhất là những đoạn thơ viết về cha mẹ, về người yêu và bạn bè, trĩu nặng ưu tư xót thương. Bài Hay Là Gió Làm Em Nước Mắt, Đêm và Những Khúc Rời của Vũ là những bài một bài rất hay về tình yêu, tình bạn và những suy tư thân phận
“đừng tìm môi trong môi
chỉ nước rơi trong mắt
chảy thương nhớ lên trời
nước ơi luân hồi sinh ra từ giấc ngủ
Vũ nghĩ gì khi cựa quậy trong áo quan…
… Vũ đã cố gắng ngủ
không còn hy vọng gì
cuộc đời này xanh xao màu xám
pha hai màu trắng và đen
như lá cờ màu cam
pha hai màu vàng đỏ
sự sống pha vào cái chết
Vũ mơ được nhiều không?
người chết không còn giấc mộng
người chết không còn yêu
Vũ yêu được nhiều không?
(Đêm và Những Khúc Rời của Vũ)
LVT ưu tư nhiều về hiện sinh, về thế sự. Anh tra hỏi “sống để làm gỉ/ sống sẽ làm gì/ sống sẽ còn gì và một loạt câu hỏi tại sao, tại sao, tại sao (Xa Quá Không Sao Biết Được). Anh nhận ra sự phi lý vô nghĩa, nỗi bất lực hiện sinh, con người lạc mất trong một thế giới xa lạ (Rồi Sớm Mai Im Lặng sương Mù) con người phải sống giả dối, phải đeo mặt nạ, “nói thật là một tội”. Tuy nhiên thơ anh không phải là thơ tư tưởng, anh nghiêng về nghiền ngẫm cuộc đời
“những ngày mưa bốc khói không thôi
tàn tro đã bay như phù thuỷ
cái gì cũng phi lý
sự nghèo nàn tất tả thức khuya”
(những ngày mưa mưa mãi không thôi...)
Nỗi day dứt lớn nhất trong thơ LVT là nỗi day dứt về thơ, về chính sự tồn tại của nhà thơ. Thơ bất lực trước cuộc sống, còn nhà thơ bị cuộc sống tha hóa (Những Câu Thơ Như Gió Rã Rời, Thi Sĩ, cãi Nhau Với T, Ngang qua festival thơ, 2008, hãy Nhìn Gần Hơn Nữa Hỡi Nhà Thơ...)
tại sao cứ nhìn thấy điều này thơ nói về điều khác
hay thơ không còn mắt để nhìn
hay nhàu nát đã thành ngơ ngác
thơ thật mềm trên trang báo bị mưa
nhiều nơi phố đã bắt đầu cúp điện
những hàng cây đổ gục tắc đường
bông hoa giấy giả vờ suy tưởng
cố thông minh hơn kẻ làm vườn
với chiếc kéo không xương
tỉa tót giam mình -> bốn bức tường tưởng tượng
tội nghiệp
không ai biết trái tim của chàng
thi sĩ đang vo tròn = nắm đấm
mưa ướt đẫm
một cái gì làm chàng khó thở
đám mây nằm bất động bãi đờm
(những câu thơ như gió rã rời)
Thơ đánh số (30 bài) của LVT là sự tự phê bình về thơ và nhà thơ. LVT biến nỗi ưu tư day dứt thành nụ cười khôi hài tràn nước mắt về thực tại thơ. Anh có tài sáng tạo ra những câu chuyện mang ý nghĩa ẩn dụ, khả năng sáng tạo thật phong phú. Cái nhìn sắc xảo, phê phán mạnh mẽ nhưng hiền lành (Khác với cái nhìn lật đổ của Xuân Sách trong Chân Dung Nhà Văn) Anh vận dụng một vài thủ pháp Hậu Hiện Đại, nhưng vừa đủ chừng mực, như ta và quen gặp trong cái hài dân gian
“có một bài thơ vì quá trớn đã té nhào ra trang giấy, vỡ tung ra những tiếng kêu, khóc, chửi bới, đau đớn... nhưng không thấy văng ra một chữ nào một người tò mò lại xem, khen, chê... nhưng không nhìn kịp bài thơ (vì cũng không có chữ nào) mà tha hồ bình luận khi chỉ cầm trên tay mảnh vỡ một người nữa hùa theo cũng xem, khen, chê... và trên tay cũng là mảnh vỡ (nhưng vụn và nhỏ hơn mảnh vỡ hồi nãy) thêm người nữa, người nữa, người người nữa... mọi người vào hùa xúm lại xem, khen, chê... và lần này chỉ còn là những hạt bụi trên tay bài thơ quá chán (mệt) nên đã bốc hơi bay đi hết (thành mưa, rơi xuống một khu rừng nào đó... thành gió, cũng bay đến một đến một chỗ nào đó) không ai thấy trang giấy nằm khóc òa”( thơ 2)
4Phan Huyền Thư
Nhìn Phan Huyền Thư cười, tôi không nghĩ được rằng tâm hồn chị lại hoang vu lạnh lẽo đến như vậy. PHT là nhà thơ “tắm gội nỗi buồn“ trong băng giá cô đơn, “chỉ có đêm hiểu/ nỗi đau tôi... Tôi khóc/ trăng tà biết/ giọt nước mắt vô nghĩa...” (Chia sẻ)
Nếu chỉ đọc riêng lẻ từng bài, người đọc chỉ thấy những dòng thơ lạnh lẽo đến vô cảm, bởi vì những câu thơ ấy viết bằng cảm thức của một người đã cáo phó đời mình trong tình yêu, viết bởi trái tim rỗng ngực
Em thở dài
buốt mùa đông rỗng ngực
buồn xa xa thương cũng xa xa
Thoát xác vọt lên trần nhà
nhìn thi thể co ro
góc giường than khóc
(Rỗng Ngực)
Tôi muốn tự mình
lồng ảnh vào khung
"Đóng vào không
tìm nơi treo trang trọng?"
Như đã qua đời
(Cáo Phó)
PHT đã trầm mình “chèo thuyền vớt xác mình trên sông“ cô đơn. ”nuốt vào những thì thầm/ ghìm nén yếu đuối/ nhếch môi/ Anh ở kia/ ở ngay đây/ khoảng cách ngàn tiếng gọi/ vô thanh (Bi Ca) Đó là những thảng thốt hiện sinh. PHT năm mơ thấy mình chết, có những người tình xếp hàng, những kẻ thù yêu, những bạn bè, tất cả tụ về đông đủ để tiễn đưa, PHT trong áo quan cười xúc động “duy một người cả đời tôi đơn phương yêu thầm nhớ trộm là đương nhiên chẳng thấy đâu (Giấc Mơ) Ta hiểu nỗi yêu ấy, nỗi cô đơn ấy, khát vọng ấy sâu thẳm đến thế nào
Rỗng Ngực, Nằm Nghiêng, Gió, Khắc Thạch, Sương, Tạ ơn... là những bài thơ diễn tả rất hay nỗi cô đơn. Lý trí tỉnh táo sắc xảo nhưng con tim, phía sau khối giá băng, chập chờn,  ám ảnh nỗi yêu không rời
Dịu dàng nhé anh
mơ rất dễ tan,
sương rất dễ vỡ
gió rất dễ đổ
Tình thường hay tận
người vẫn thường đau
(Tạ Ơn)
Tay em
níu đám mây lang bạt
đòi bắt một hạt mưa
Cũ và thừa
Tay em
lúc quấn quít thành giường
lúc mỏi mòn ngậm miệng
Anh biết không
em vẫn chìa tay
Thế kỷ sau
biết đâu có một ngày
(Van Nài)
Niềm kiêu hãnh
đã ngủ vùi
bởi lời ru lâm ly.
Em chỉ dám giữ anh bằng ánh mắt van nài
bàn tay do dự.
Góc vườn ngái ngủ
Biết thế nào cũng sẽ rụng
lá úa
liều mình
nhắm mắt chọn điểm rơi
(Liều)
Vách đá tôi nằm
còn chỉ hốc rêu cong
Đợi mưa xuống
(Khắc Thạch)
Không có tình yêu, PHT thấy mình là người thừa trong cõi thế gian (Nằm vạ Tháng Giêng), không yêu trong hiện thực, PHT yêu trong những phút lãng mạn (Lãng Mạn Giải lao, Rỗng Ngực). Không giữ được tình yêu thì PHT sống độ lượng, lấy việc viết làm trải nghiệm sự sống:
Thôi chẳng chờ
lấp lánh hạnh phúc
dưới cát nóng buổi trưa
(Độ Lượng)
Viết
nỗi buồn của tôi thành tình yêu của anh
tình yêu vô sinh
nỗi buồn thụ tinh ý nghĩ…
Viết
viết
viết đi, chữ không còn là chữ…
Viết
nỗi sống buồn của tôi
(Viết)
PHT biết rõ trái tim mình trong biển đa đoan: “Em u mê từ thuở/ theo gió đi chăn mây”
Ngủ mê suốt mùa lũ
tỉnh dậy cũng sông
cột buồm đã gẫy
biển đa đoan cần lầm lỗi
để viện cớ trở về.
Em xanh xao từ thuở
không dạy bảo được tim.
(Nghĩ Lại)
PHT thả linh hồn mình theo những hoa đăng trên ngã ba sông Tiền Đường
Thêm chút hơi ấm
em sẽ được hong
sưng nằng nặng dìu nhau ngã ba Tiền Đường
chìa tay đi anh, cho em nắm…
… Em về phía dòng sông
Rất nhiều hoa đăng trầm hồn bình yên
yếu đuối
lập lờ trôi theo tiếng cầm hải
bập bùng
chập chùng
khơi.
(bài số 2)
Thơ của PHT cũng không dễ đọc dễ cảm, đó là thơ của lý trí. PHT sử dụng cách nói ngụ ý, từ đó tứ thơ phát triển thành ẩn dụ. Những liên tưởng nhiều khi nhảy vọt, đứt đoạn, lắp ghép, khiến cho trí tưởng tượng của người đọc không theo kịp. Mỗi bài thơ là một mảnh của suy tư và tâm trạng, vì thế cần ghép nhiều mãnh lại với nhau mới có thể đọc được tiếng nói trái tim nhà thơ. Chỉ khi người đọc cùng nhà thơ thâm nhập sâu vào thế giới cảm thức đằng sau hình ảnh, ngôn từ, lúc ấy mới nhận ra ánh sáng rất riêng trong thơ PHT
5. Ly Hoàng Ly
Ngôn ngữ là ký hiệu được mã hoá, nó chứa đựng những tín niệm của cộng đồng. Ngôn ngữ trong tay nhà thơ lại được mã hóa một lần nữa. Tùy theo kiểu tư duy nghệ thuật, mỗi nhà thơ có cách mã hoá ngôn ngữ khác nhau. Muốn đọc được thơ, người đọc phải tìm được cách giải mã, tức là cái chìa khóa để mở cửa vào vườn thơ. Ly Hoàng Ly có cách mã hóa riêng, tạo nên khuôn mặt thơ riêng. Ly Hoàng Ly vừa là nhà thơ, vừa là họa sĩ, nghệ sĩ của nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn (Installation art và Performance art). LHL thổ lộ: “Installation, Performance art nó cũng ảnh hưởng và tạo cảm hứng rất nhiều khi Ly làm thơ… khi làm thơ thì dĩ nhiên nó xuất phát từ những con chữ, nhưng con người Ly lúc đó đầy hình ảnh về Installation, Performance art, những suy nghĩ về nó, chắc chắn không cần phải cố tình gì cả, tự nó bật ra thôi“ Như vậy muốn đọc được thơ LHL nhất thiết phải đọc trong tương quan nghệ thuật sắp đặt và trình diễn
Theo Như Huy (3), tác phẩm cuà Nghệ Thuật Sắp Đặt chỉ tạo nên một không gian giúp người xem thư giãn và thưởng thức, để rồi tự diễn giải, chứ không áp đặt một thông điệp hay quan điểm tư tưởng rõ rệt nào từ tác giả. Người xem hãy huy động tối đa trí tưởng tượng của bản thân và điều cốt yếu là phải tin vào chính mình, vào chính câu chuyện mà mình tìm thấy.
Nghệ Thuật Trình Diễn (Performance Art - P.A) là tác phẩm được trình bày bằng cơ thể nghệ sĩ trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, trong đó sự giao lưu tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả là yếu tố chủ chốt. P.A là sự kết hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, âm nhạc, múa, đan xen nhiều phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau trong đó có nghệ thuật khái niệm, sắp đặt, video, âm nhạc, nhiếp ảnh... Nếu những yếu tố này tách riêng thì tác phẩm không được coi là P.A. (4)
Thử đọc Phòng trắng
Tôi trong phòng trắng
Tại sao to tiếng với tôi
Tại sao nhìn tôi hằn học
Tôi trong phòng trắng
Tại sao õng ẹo với tôi
Tại sao cầm tay tôi rồi giật giật
Tôi trong phòng trắng
Tại sao uống nước mắt tôi
Tại sao cài tóc tôi vào lược
Tôi trong phòng trắng
Tại sao bẹo má tôi
Tại sao rót đầy bia vào giày tôi
Tôi kêu gào
Không ai nghe thấy tôi
Không ai nhìn thấy môi tôi cử động
Tôi trong phòng trắng
Tại sao giận dữ với tôi
Tại sao ném rau xanh vãi khắp người tôi
Tôi trong phòng trắng
Tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn
Tại sao làm cho tôi thương tổn
Tôi trong phòng trắng
Không ai nhìn thấy tôi
Không ai nhìn thấy
phòng trắng
Tôi cũng không nhìn thấy tôi
Tôi cũng trắng như phòng trắng
Tại sao tôi lại trắng và lại trong phòng trắng
Đó mới chính là câu hỏi phải được hỏi ngay từ đầu
Nhưng vì đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.
Bài thơ như lời thoại của một màn kịch độc diễn. Không gian là một phòng trắng, không gian tù hãm... Quay hướng nào cũng là  phòng trắng. Nhân vật tôi độc thọai với chính mình, cũng là đối thoại với mọi người “Tại sao to tiếng với tôi/ Tại sao nhìn tôi hằn học”... “Tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn/ Tại sao làm cho tôi thương tổn“. Mỗi thời thoại đều có thể diễn thành một  hành động kịch, có thể  được nói lên bằng mọi cung bậc âm thanh và tâm trạng, có khi nhẹ nhàng, có khi gay gắt, có khi tủi thân, có khi van nài, có khi thất vọng: ” Không ai nhìn thấy tôi/ Tôi cũng không nhìn thấy tôi/ Tôi cũng trắng như phòng trắng. Nỗi bi đát lên đỉnh điểm của cao trào kịch là khi nhân vật tôi nhận ra rằng: “… đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.
Người đọc (người xem diễn) có thể đọc thông điệp trực tiếp từ màn diễn,  thông qua lời thoại và thái độ diễn. Thực tại của nhân vật tôi là thực vong thân, một thực tại bi đát không sao cứu giải... Bắt đầu bằng sự bị đối xử tàn nhẫn, sự ruồng bỏ: bị to tiếng, bị hằn học, bẹo má, giận dữ, ném rau, rồi làm thương tổn, không thèm nhìn... sau cùng tôi đánh mất mình trong mắt mọi người và cả với chính tôi: Tôi cũng không nhìn thấy tôi/ Tôi cũng trắng như phòng trắng. Nỗi bi đát không kìm nén được là ở sự vong thân của chính ý thức về  tồn tại. Tra hỏi về tồn tại nhưng lại đánh mất cả ý thức về sự tra hỏi. Nhưng vì đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.
Cũng có thể có những cảm nhận theo góc nhìn của người xem, khác với thông điệp của nhân vật tôi. Người đọc có thể nghĩ rằng tôi là một nhân vật hoang tưởng, đang trong trạng thái tâm thần. Anh ta ở đó trong căn phòng, hiện diện sờ sờ ra đó, đang diễn trò hỷ nộ... trước mặt mọi người, ai cũng thấy anh ta, chẳng ai làm tổn thương gì anh ta. Tình cảnh hoang tưởng của anh ta là đáng thương. Người xem có thể mủi lòng, nhìn anh, nghe anh ta hỏi Tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn/ Tại sao làm cho tôi thương tổn, rồi tự vấn rằng, mình có vô tâm không, có ác tâm với anh ta không.
Tuy nhiên cảnh diễn ấy không có trong đời thực, bài thơ chuyển hoá thành ý nghĩa tượng trưng hay một bức tranh ẩn dụ. Đó là tình trạng vong thân của con người trong thế giới tù hãm vô cảm. Màu trắng trong thơ Ly Hoàng Ly không phải là màu trắng, mà là sự trống không, sự đánh mất tất cả, là vong thân. Vì là một cảnh diễn được miêu tả trực tiếp, tự nó có nhiều ẩn nghĩa, cho phép người đọc tham gia vào để tự tìm lấy ý nghĩa nào đó cho mình. Không có sự áp đặt những thong điệp của tác giả.
Những bài thơ như Người Đàn Bà và Căn Nhà Cổ, Thuật Ướp Xác, Perfomance Ham bơ gơ, Ăn Xin Hạnh Phúc, Performance Trứng, Hành Xác và Thử Nghiệm, Performance Foto, Khắc Hoạ.. đều được viết và được đọc như xem Nghệ thuật Trình diễn. Tác giả đặt người đọc (người xem) trước những thực tại nghê thuật, từ đó tự mình nhận ra ý nghĩa thực tại đó. Chẳng hạn, bài thơ Người Đàn Bà và Căn Nhà Cổ  là một bức tranh ẩn dụ, một sáng tạo nghệ thuật để thể hiện tư tưởng. Trong căn nhà cổ lạnh lẽo, hoen rỉ, ẩm mốc, đầy dán, người đàn bà mặc áo trắng ngồi bắt chéo chân, hút cạn đêm, nhà cổ ngập tiếng khóc, sau đó bà ta rã xác, hoài thai một  đưá bé gái mặc áo trắng đi ra ngoài trong đêm mưa, đêm vụt tắt và nắng như mưa rơi rơi, rưả sạch bụi bặm. Căn nhà cổ là hình ảnh của thế giới thực tại rêu mốc lạnh ngắt, u uất, cáu đen, rỉ sét, chỉ có lũ gián tủa ra, chúng gặm nhấm những gì lành lặn cỏn lại, nhưng cái đẹp (người đàn bà mặc áo trắng) vẫn tồn tại trong tư thế ung dung và thách thức, cái đẹp hoài thai cái đẹp, làm hồi sinh ngôi nhà cổ, đem đến ánh sáng, rửa sạch bụi bặm của sự hoang vắng và tàn phai.
Bài Permormance Ham bơ gơ là cảnh diễn của một nhà ảo thuật ăn bánh hambơgơ cùng với đinh, trong trạng thái buồn, vui, chán, mệt, phiền bực, cáu, vứt và hát lên rằng
- Ơi buồn ơi vui ơi mi là đinh hay là ham bơ gơ? - Ơi vui ơi buồn ơi mi ở trong bụng ta hay ghim vào mắt ta?. Nhìn cảnh diễn ấy, sau mười hai phút bất động/ Khán giả vỗ tay ra về. Khán giả cũng buồn. vui, chán, mệt, phiền bực, cáu, vứt vui. Cảnh diễn ấy có ý nghĩa gì? phải chăng là tình trạng buồn nôn (J.P.Sartre) trước thực tại.
Trong những bài được viết theo nghệ thuật trình diễn, nhà thơ vẽ lại cảnh diễn trực tiếp, trần trụi như nó đang diễn ra trước mắt người xem. Và có khi với tư cách người xem, tác giả thêm vào vài nhận xét, còn lại, cảnh diễn tự nó mang thông điệp tư tưởng và người đọc hoàn toàn tiếp nhận thông điệp ấy theo cảm nhận của mình. Ly Hoàng Ly đã tạo ra một cách thể hiện mới khác rất xa với thi pháp thơ Lãng mạn (1930-1945) và thơ Hiện thực XHCN (1945-1975), đồng thời cũng khác hẳn với những nhà thơ cùng thời như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài
Ly Hoàng Ly còn có những bài thơ viết theo nghệ thuật hội họa, có thể là ấn tượng hay tượng trưng. Điều này, khi sáng tác, Ly Hoàng Ly không bận tâm tới. Nhưng nếu người đọc không nắm được những đặc trưng của thi pháp thì không thể lĩnh hội điều Ly Hoàng Ly muốn nói. Xin đơn cử bài
Khúc Đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm

Phía trước mặt là đêm
Phía trước mặt là đêm
Phía trước mặt là đêm
Phía trước mặt là đêm
Không muốn đêm cũng thấy đêm
Không muốn đêm cũng thấy đêm
Trên đầu là đêm
Dưới chân cũng là đêm
Có người nằm trong đêm
Có người ôm lấy đêm
Có người sống trong đêm
Có người chết trong đêm
Có người sinh trong đêm
Có người khóc trong đêm
Có người cười trong đêm
Có người cưới trong đêm
Có người điên trong đêm
Nhắm mắt
Trùm kín chăn
Nghe đêm cuộn quanh mình
Người đọc nhận ra ngay ĐÊM là một hình ảnh tượng trưng. Con người tồn tại trong Đêm, sống, chết, sinh nở, khóc cuời, cuới hỏi, điện trong Đêm, Quá khứ là đêm, tương lai cũng là đêm, không thể chạy trốn khỏi đêm dù có nhắm mắt lại trùm kín chăn, tuy nhiên con người lại không nhận ra tình trạng Đêm của mình trừ khi, Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm. Bài thơ thoát ra ý nghĩa tư tưởng. Nhưng Đêm là gì?
Ly Hoàng Ly có nhiều bài thơ dẫn người đọc khám phá Đêm. Đêm của những kiếp người lam lũ đời này sang đời khác (Ngưạ Đêm Bắc Hà) Đêm của những con thiêu thân trong trụy lạc trong những  Discotheque. Đêm của những người đàn bà nghèo gói mưa, gói nắng vào lá chuối, tảo tần ngày, đêm mà vẫn trắng tay (Mỏng Mòng Mong), đêm tồn tại “vì nỗi buồn của những cô gái thích ngủ ngày“ (Lụt Đêm) đêm của những tương phản gái điếm và chị lao công (Ảo Giác), Đêm là nỗi buồn trước thực tại ảo giác, “tất cả tất cả tất cả/ chỉ là ảo giác rơi rơi” (Lô Lô), nhưng Đêm còn là nỗi cô độc dày đặc của nhà thơ.
LHL cô độc trong tình yêu, trong những khát vọng lửa cháy nguội lạnh bất lực, một nỗi cô độc đen, đặc quánh thê thiết
Em không biết đến tình yêu nồng nàn
Rượu tình yêu có say những đêm không anh
Người phụ nữ tự trói mình
Bằng sự dửng dưng của anh
Em không biết đến mây quấn quýt trăng
Ồn ào đưa gió lên cây
Người phụ nữ tự làm lạnh mình
Bằng sự hời hợt của anh
Em không biết đến tiếng hót đắm say
Đôi chim sẻ rúc rích bên nhau
Người phụ nữ tự trầm cảm
Bằng giấc ngủ của anh.
(Trầm cảm)
… Thức được nữa không anh
Đem tình yêu
rọi nắng
Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình
Sao nỡ ngủ
hở anh
Em đành thức một mình
Những đêm đèn sáng trưng
Chiếc chăn bò trước ngực
Lạnh buốt
(Đêm là của chúng mình)
Đêm giật mình thức giấc
Không thấy anh bên cạnh …
Không hiểu sao lòng bàn tay đầy nước
Đêm rót lên mình những giọt lạnh
(Nửa Đêm)
Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo…
… Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu trời đêm trong lồng ngực
Mở mãi, muốn mở mãi

Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
Bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
(Mở nút đêm)
Trầm cảm và bất lực, tâm hồn người phụ nữ tê liệt. Mắt quầng thâm. Không thể nhìn thấy anh bằng xúc giác, không thể nhìn thấy anh bằng vị giác, không thể nhìn thấy anh bằng thính giác (Đêm và anh). Đêm Trong Vườn, em lạnh buốt óc, buốt hơi thở, buốt ánh mắt. Em đi nhặt xác hoa, cũng là ôm lấy xác của mình trong  đỉnh đêm cô độc, vong thân,  chỉ còn lại trái tim khô. Tuy vậy, người phụ nữ vẫn nhìn lên
Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ
Khâu đêm lại bằng tóc…
Cắt ta ra từng mảnh nhỏ
Khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm
(Cắt)
Em vượt qua nỗi buồn bằng chế ngự
Quả tim chứa những dòng chảy lặng lờ
Những dòng - đỏ - lặng - lờ
Không mùi vị
Và không ướt
Em vượt qua nỗi buồn bằng chế ngự
Nhìn đôi chim kia
chết
(Đôi Chim Sẻ)
Đêm về đi để sáng
Khuôn mặt người đàn bà ngước nhìn lên
Sáng bừng đêm
(Đêm về đi để sáng)
Ly Hoàng Ly ngước nhìn lên là sáng bừng đêm, muốn “lau sạch nước mắt phụ nữ“, muốn cuộc sống nở hoa
Tôi muốn
Căn nhà tôi ở tỏa hương ngào ngạt
Những cành lá trong vườn giũ chất diệp lục lên da mặt
Để tôi lúc nào cũng xanh men mét tôi muốn
Biến thành thiên thần xanh trên cao bồng bềnh
Nhìn ổ trứng cuộc đời nở trên những người thân của tôi
Trong căn nhà ngộp hương hoa
(Tôi muốn)
Ly Hoàng Ly còn đang trải nghiệm hiện sinh, chị đã đi rất sâu vào Đêm của nghiệm sinh cô độc, tưởng như đã chạm đến cái chết, tồn tại là tồn tại chết. Trái tim đã khô, máu chỉ còn là dòng đỏ lặng lờ không mùi vị và không ướt,  hiện hữu chỉ còn là xác người đàn bà trong bức tranh “thấy mình rời ra từng mảnh/ không đau đớn“ (Người Trong Tranh), và hơn thế, là sự vong thân trắng hếu.
Trong tư thế trói gô
Người phụ nữ không tìm thấy xác mình
Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường
Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt…
(Performance Foto)
Ly Hoàng Ly đã khắc hoạ được chân dung của mình vào thơ Việt Nam đương đại với những đường nét, tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Chị đã vượt qua những nhà thơ nữ đi trước và mở ra một con đường mới của thơ ca. Thơ chị vẽ đậm nét hai màu đen trắng. Màu Đen của những bất hạnh và cô độc, màu Trắng của vong thân của nỗi chết. Những bài thơ viết theo Nghệ thuật trình diễn là những cảnh diễn đầy tư tưởng và thẩm mỹ,  nó gọi mời người đọc tham dự vào cảnh diễn để cùng trải nghiệm hiện sinh. Năng lực sáng tạo của chị thật dồi đào và độc đáo. Chắc chắn chị sẽ làm được điều này
Hãy bắt đêm
Nhốt trong lon đựng dế
Để đêm gáy lên
Gáy lên
Cho đến khi trời xanh
(gáy)
6. Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguyễn Vĩnh Nguyên có cùng một cách viết như Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư. Anh cũng dùng nhiều ẩn dụ. Câu thơ gần với văn xuôi. Thơ Nguyễn Vĩnh Nguyên (NVN) là tiếng nói trăn trở của người trẻ trong đời sống công nghiệp hiện đại. Dường như người trẻ mất hết niềm tin vào cuộc sống, bởi vì họ không thể tự khẳng định được mình trong những cơn lũ quét của thời đại. Họ không giữ được gì cho mình trong cuộc sống tràn ngập vật chất, nơi những giá trị tinh thần, kể cả tình yêu cũng chỉ là bong bóng bay
Hãy xem NVN phác thảo chân dung người trẻ
rời từ trường ẩm ướt của đất
chúng ta chưa kịp bay lên đã phải rúm lại trước dự cảm  cơn mưa bão phía bên kia bán cầu
gió hồng hoang thổi chùng nỗi sợ!
… và nằm lại
như bầy thú nhìn nhau ngơ ngác
trên hoang mạc buồn!
những bài ca ký ức ru ngoan hiện thực trắng
những ý nghĩ hèn hạ khuyến dụ bước chân nhu nhược, cầu an!
… và nằm lại
chờ cơn lũ đến, cuốn trôi
không vết dấu sự ngụ cư tạm thời!
mặt đất tiếp tục mở ra những ảo ảnh khác
nơi linh hồn bệnh hoạn của chúng ta còn vật vờ
chưa miền trú ngụ
trong đêm xanh bần cùng, trong ngày hồng mê man…
những bài ca vẫn hào hùng cất lên
rồi chìm tan trong gió!
của trùng trùng thiên thu
… và trùng trùng thiên thu…
khi những bóng người hôm sau chưa kịp đến, gọi tên!
(Phác thảo 3)             
Người trẻ chưa kịp bay lên thì đã co rúm lại vì sợ và nằm lại ngơ ngác, nhu nhược chờ cơn lũ đến, cuốn trôi. Linh hồn người trẻ vật vờkhông nơi trú ngụ bần cùng mê man. Thế giới là hoang mạc buồn, tương lai là những ảo ảnh…
NVN vẽ ra hình ảnh người trẻ thật thảm hại. Tôi không hiểu do những ám ảnh gì mà NVN lại hình dung ra người trẻ như vậy, trái hẳn với thực tế, rất nhiều người trẻ thành đạt, đi đông đi tây, làm việc ở những công ty đa quốc gia, có người còn đạt đến những vị trí quan trọng trong những tổ chức quốc tế.
Những ám ảnh ấy là gì? có thể là một sự tuyệt vọng trong tình yêu, như Trương Chi tương tư Mỵ nương xưa
chân cầu Thị Nghè
Mỵ nương chết đuối
Trương Chi bỏ đò lên bờ đi ăn mày qua ngày chút cháo…
… nhưng giữa khuya, có khi chàng bật dây, gào lên:
- Mỵ nương ơi, bơi đi!
Và khóc…
(Thất Bát yêu)
Mỵ Nương không chết đuối, mà chạy theo những bong bóng bằng những bước chân Eva, ngả vào vòng tay kẻ khác, bỏ mặc xác Trương Chi, thân phận đàn ông rẻ rúng trong thế giới chỉ có tiền và thân xác đàn bà
Mặc xác tôi với bàn tay phung hủi, cơn sốt giữa trưa, cơn mưa giữa chiều…
bong bóng bay…
em mãi đuổi theo bong bóng bay… bằng bước chân Eva hoang dã địa đàng!
khi thế giới bùng nổ Adam!...
… em xỉu vào vòng tay hắn
rất đúng lễ nghi của giới thượng lưu!)
Và mây. Và mưa
đường phố dài mang khăn tang loài chim di trú
còn gì vui hơn thế không em?
(Mặc xác)
Thực tại đổ vỡ, chỉ còn trong mơ, nhưng cả trong mơ cũng đi lạc, cũng hư ảo, vô vọng
“… trước đó một ngày nàng ghì thơ tôi vào đôi bầu ngực căng non, và hát ru
khi những câu thơ bất lực như cuộc đời người sinh ra nó
trước đó ba đêm, trong giấc mơ tôi thấy nàng khỏa thân bất động bên lũ rắn phun nọc độc/ trên sân thượng toà cao ốc/ giữa lòng thành phố/ rất xa mái đầu ổ chuột tôi…
… trước đó nhiều đêm nàng khóc vật vờ và âu yếm tôi qua mobile
tôi chạy quanh thành phố và huýt sáo tìm cơn mê đi lạc như đứa trẻ xưa chạy qua đồng hoang tìm cánh diều lỗi gió
không một điểm hẹn
không một môi hôn
không một bóng hình
cuộc tình chay tịnh ít nhất năm tuần lễ từ độ quen nhau và bảy cơn mưa từ thuở nói lời yêu nhau
trong cơ chế ẩn danh, trong cơn mê tàng hình phố thị
những câu thơ rời xa đôi bầu ngực nàng để nhường cho từng cơn bão lửa dã man khác chế ngự nhịp sinh học đương thì...”
(Ảo)
Ta nghe thấy tiếng kêu bi thương của một trái tim rạn vỡ không sao khâu vá lại được. Bi thương, tuyệt vọng đến nỗi NVN muốn xóa đi sự hiện hữu của chính mình
“… tôi xóa tên tôi
tôi xóa tên tôi
như đứa trẻ chơi trò nghịch cát
dưới mặt trời
dưới đám mây
dưới bóng cây
dưới mái nhà
trước dòng sông
tôi nhập liệu và kích hoạt phản ứng:
Delete!/ Delete!/ Delete!
để sau bài thơ này,
sau câu thơ này,
sau con chữ này là
những khoảng trắng
những khoảng trắng
những khoảng trắng
vô cùng
- Không Save!
(Xóa)
Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng gặp bi kịch khi đối diện với những con chữ. Anh được lệnh tung hê những câu thơ rởm đời chết yểu, anh phải thỏa hiệp trong những hội họp, báo cáo, rằng nói chung tình hình tốt đẹp. Dù có coi văn chương là trò chơi vớ vẩn, nhưng bi kịch là ở chỗ “mang sự nghiệp vào đời mà cứ tưởng trò chơi”, cùng với “cuộc áo cơm ghì hồn anh sát đất, tha lực kiệt cùng sau chuyến bay bồng bột vô phương“, anh lại phải tự phủ định mình vì bất lực
…” Cuộc hành trình của chúng ta đi về phía lãng quên. Trái tim tôi chưa vỗ máu dấn thân. Tôi đấm ngực như một tội đồ ngoan đạo:
- Xin thề!       
- Xin thề!
- Xin thề! Tôi yêu tôi hơn yêu một ai khác!
Những con chữ rạp xuống thân tôi.
Khép lại một cuộc chơi!”
(đối diện với những con chữ)
NVN đã khóa lời, biết câm lặng, không muốn nghe giọng nói của mình. Người trẻ lâm vào bi kịch không sao thoát ra được, bi kịch tinh thần thời đại vật chất thống trị con người. Họ sống  trong thế giới ảo, đồng hóa với vật chất, không còn điểm tựa tinh thần, chết đuối chới với…
người gọi nhau huyễn giọng
người chờ nhau huyễn bóng
 những ánh mắt buông trôi trong chiều/ như lá
mùa hoang di rộng mấy nẻo vườn
cơn gió nào ngủ quên trên cành/ mơ giấc
tàn sương  
chiều hoang…/ chiều hoang…  
(Chiều Đi)
Phải chăng bi kịch của người trẻ cũng là bi kịch của thơ trẻ? Nếu không thoát ra khỏi cái tôi đầy mặc cảm, nếu không hoà mình vào với cuộc sống của tha nhân, dù “tha nhân là điạ ngục“ (J.P.Sartre), thì chắc chắn NVN sẽ khoá lời vĩnh viễn, sẽ câm lặng vĩnh viễn trong bi thương, hoang lạnh. Thơ anh không thể bay lên được.
7. Nguyễn Vĩnh Tiến được mệnh danh là người “bay giữa thơ, nhạc và kiến trúc. Anh cho biết: “Tôi thấy trong kiến trúc có nhạc tính, có nhịp điệu, có thi ca của vật liệu, có cảm xúc của không gian và ngược lại trong âm nhạc và thi ca có những kết cấu và biểu hiện của kiến trúc
Về nghệ thuật, anh nghiêng về tinh thần Hậu Hiện Đại. Anh thổ lộ: Tôi đang rất thích nghệ thuật hậu hiện đại, nói đúng hơn là tinh thần hậu hiện đại. Đó là những mảnh rời rạc không liên kết, không bị ràng buộc, vô cùng tự do.Cuộc sống đầy những lát cắt khác nhau, thậm chí là nhát cắt dở đột ngột bị nhát cắt khác cắt ngang, hoặc đổi hướng, hoặc bị tác động không ngừng, và đó chính là hậu hiện đại, nó là thứ tổng hợp, đầy cảm xúc (5)
Một cội nguồn sáng tạo khác nữa làm nên Nguyễn Vĩnh Tiến là gia đình và quê hương. Anh khẳng định: Ở thế hệ chúng tôi, chất dân gian rất tự nhiên, nó thấm thía vào trong người qua những chương trình trên radio và những đoàn văn công lưu diễn. Tôi sinh ra trên quê hương của hát xoan, hát ghẹo Phú Thọ - một kho tàng âm nhạc rất phong phú. Chú tôi là nhạc sĩ và ngay từ nhỏ, ông đã dạy tôi rất nhiều bài hát cổ. (6) Tuổi thơ của tôi phải xa mẹ nhiều vì mẹ tôi hết học ở Hà Nội lại đi công tác nước ngoài... Tôi đã sống một tuổi thơ của mình với bố, các em của mình, với bà ngoại. Một ấn tượng làm nên bài thơ cũng như chất liệu cho bài hát chính là bà luôn đưa các cháu của mình ra đến tận đầu làng và bà đứng ở đó rất lâu tới khi khuất bóng. Khi tôi đã đi xa 1, 2 cây số và quay đầu lại vẫn nhìn thấy một chấm đen giữa cánh đồng mênh mông ấy, ấn tượng đó rất mạnh mẽ và theo tôi suốt cuộc đời.
So sánh với các nhà thơ trẻ khác, Nguyễn Vĩnh Tiến có được một cuộc sống thành đạt, lại có đuợc những cội nguồn sáng tạo phong phú, nhưng những điều ấy có làm nên một diện mạo thơ ca đặc sắc cho riêng anh không? Anh nổi tiếng ngẫu nhiên nhờ âm nhạc, chủ yếu nhờ công nghệ quảng cáo, bởi vì anh không phải là “dân chuyên nghiệp” trong làng nhạc. Anh làm thơ chưa nhiều. Tôi nghĩ rằng, anh chưa định hình được một khuôn mặt thơ với những nét riêng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, dù rằng thơ anh ít nhiều đã có những dấu chỉ một khả năng có thể đi xa trên con đường sáng tạo
Những bài thơ có nét riêng của anh làm người đọc xúc động là những bài anh viết bằng ngôn ngữ biểu cảm, thể thơ truyền thống, diễn đạt tinh tế và mới lạ tình yêu gia đình như Ông Tôi, Ba Hôm Nữa, Héo Mòn Một Xâu (bài này viết thành ca khúc Bà Tôi).
Ông tôi vẫn chỉ lên trời
Bảo rằng nơi ấy có thời vàng son
Bao nhiêu những cái méo, tròn
Nếu đem cộng lại, chỉ còn số không
Bấy giờ tôi chẳng nghe ông
Toàn đem những thứ mênh mông về nhà
Tôi yêu dàn mướp của bà
Cái kim mẹ giữ, chậu hoa bố trồng
Yêu bài thơ mới viết xong
Dẫu bạn bè đọc, bảo: không hiểu gì
“Một cánh chuồn chuồn”
(bài thơ viết thời sinh viên)
Cười cười một chuỗi
Ta thử bụng ta
Có mùa thóc lép
Lợp trên mái nhà
Có mùa hoa cà
Tự nhiên tím tái
Bà ví lông gà
Vàng như vườn cải
Ông ví mặt trời
Như lời mối lái
Ta ví tình ta
Như trò nghịch dại
Ta lên kẻ chợ
Có buôn được đâu
Khi về lúc lắc

Héo mòn một xâu
Qua đò lộn túi
Anh lái gật đầu.
(Héo mòn một xâu)
Đó là những ký ức tuổi thơ được ghi nhận một cách tài hoa, nó khơi được nhiều tình tự trong lòng người đọc, nó gần gũi như ca dao, đồng dao. (Bài Héo Mòn Một Xâu còn có hơi thơ Trần Đăng Khoa trong bài Hạt Gạo Làng Ta)
Những bài thơ anh viết bằng ngôn ngữ ẩn dụ chưa định hình một các viết, một khuôn mặt tư tưởng và một cốt cách nghệ thuật. Nhiều ẩn dụ của anh trở thành siêu thực, khiến cho người đọc khó lần ra những điền anh suy tưởng. Những câu chuyện anh kể như trong một giấc mơ hoang tưởng, mà giấc mơ thì không dễ gì giải mã, nó chập chờn mơ hồ, và đôi khi chỉ là do rối loạn tâm lý. Anh lung túng Giữa hoang tưởng và hiện thực, Giữa nghệ thuật và tư tưởng
Tôi gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn những cánh tay người
Khi mặt trăng nhe ra một nụ cười
Tôi che thân bằng một tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh
Đi hết khu rừng
Tôi chui vào một căn nhà tranh
Sưởi ấm cùng một người con gái
Bếp lửa bập bùng, suối tóc bập bùng
Bức tường lờ mờ, đôi mắt dại.
Không ai nói một lời
Giữa ngàn cánh tay vẫy
Tôi để riêng cho đôi mắt mình một đôi tay con gái
Khi trời hừng lên - vẫn một cái que dài
Dựng đứng lên bên những que dài khác
Tôi ngước nhìn lên tia nắng chiếu qua mình
Và tiếp tục vươn đôi bàn tay bỏng rát
Không thể kéo được mặt trời vào lòng
Không thể bám vào cái que dài - đi mãi
Không thể quay đầu với khu rừng tay vẫy
Tôi ngả người ra trên bãi cỏ xanh.
(Bãi cỏ xanh)
Anh kể rằng, trong một đêm, trăng nhe ra cười, anh gặp cái chết của anh, “đó là cái que dài vô tận/ Tôi che thân bằng một tàu lá chuối/ Rón rén đi theo cái chết của mình. Đi hết khu rừng/ Tôi chui vào một căn nhà tranh/ Sưởi ấm cùng một người con gái. Khi trời hừng lên/ Tôi ngước nhìn lên tia nắng chiếu qua mình/ Tôi ngả người ra trên bãi cỏ xanh”. Cái chết của anh là một cái que dài vô tận có nghĩa là gì? như một giấc mơ hoang tưởng trong đêm có nghĩa gì? Sau một đêm hoang tưởng, và bất lực với sự hoang tưởng ấy, anh trở về thực tại, ngả người ra trên bãi cỏ xanh.
Tôi nhận thấy sự lung túng tư tưởng của anh là ở chỗ,  anh định nói điều gì đó về nỗi chết hiện sinh trần trụi, che thân bằng lá chuối, trong một thế giới như một khu rừng trồng toàn bằng cánh tay người, và bất lực không thể giữ được gì, không thể bám víu được gì, không thể trở lại nơi xuất phát. Nhưng những suy tưởng ấy lại trên một bối cảnh rực rỡ, tươi vui. Có trăng cười, có trời hừng lên, tia nắng chiếu qua mình, có bãi cỏ xanh. Dường như anh an nhiên trong ánh sáng, sự sống, chứ không lạc mất trong hiện sinh quy tử, không thấy cuộc hiện sinh là phi lý là đáng buồn nôn
Cũng có khi anh run sợ trước hiện sinh, tất cả cứ trôi đi, con người trở nên xa lạ, trở nên đất đá hiện hữu nỗi chết
Những bầu trời đang mọc trên tường
Mây trôi đi
Người thấy mình một bức tranh thật buồn thảm
Không mọc nổi mật ngọt
Ngoài tường con chim hót líu lo chợt bay đi
Khách khứa mọc trên tường
Không ai biết hát ca trù
Không ai biết uống cạn giếng nước
Đất đá mọc trên tường
Tiểu sành và khói mộ
Còn ngươi
Hãy cứ đứng đó mà run sợ
(Mọc trên tường)
Có lúc anh cũng cảm nhận được cuộc sống nhàm chán, cả cái chết cũng nhàm chán, vô nghĩa (Bản Tin Cuối Ngày), “thấy phi lý nhảy dựng lên” và tất cả đều phát điên lên trong những  giấc mơ lòe loẹt, nhưng anh vẫn bình tĩnh châm thuốc hút, và cười Giữa đống chăm buổi sáng (Phát Điên). Giữa những buồn, cô đơn và nhớ quên, anh vẫn nhớ, “ Sực nhớ/ Có một ngày xưa/ Có một ngày đung đưa/ Có một ngày rất lưa thưa (Quên Bẩm Sinh). Bị lạc mất trong những mải mê cuộc đời, Tôi lao như mũi tên mê theo quả bàng chín ẩn hiện trong lá tim, anh vẫn còn những kỷ niệm quê hương và tuổi thơ giữ cho trái tim mình một sức sống tươi trẻ “… Sông Thao lẽo đẽo chảy trong người Trung du thở những cánh cung căng cứng.”(Trung Du). Anh  anh bị hiện sinh rượt đuổi, bị trôi đi trong dòng thời gian, nhưng anh đủ tỉnh táo để trở về hiện thực “Tôi không muốn trôi đi một cách miễn cưỡng nữa... Tôi vừa quyết định một cách nghiêm túc/ Rằng tự tôi sẽ dừng lại...” (Giữa Mùa Động Vật Âm Vang)
Có thể cuộc sống thành đạt của anh chưa đủ cho anh trải nghiệm hiện sinh, vì thế trong thơ anh, mới chỉ là những chập chờn siêu thực về hiện sinh (Bàn tay Múa, Trong Căn Phòng, Bãi Cỏ Xanh), chưa định hình tư tưởng, có đôi khi lóe lên một chút ánh sáng  (Những Ý Nghĩ Trên Đại Lộ Tư Duy), nhưng tất cả vẫn còn mơ hồ. Bài Con Chồn Hoang được Nguyễn Hữu Hồng Minh cho là một bài hay nhất, nổi tiếng nhất của Nguyễn Vĩnh Tiến thì tư tưởng thơ vẫn chưa hiện hình lên được (nghĩa là vẫn lúng túng Giữa nghệ thuật thể hiện và tư tưởng chưa định hình)
Tôi nghĩ, nếu Nguyễn Vĩnh Tiến chuyên tâm làm thơ và biết phát huy cái tài hoa của mình, anh sẽ là một khuôn mặt thơ có nhiều nét duyên.
8. Văn Cầm Hải
Văn Cầm Hải không dễ đọc. Cũng như các nhà thơ trẻ khác, VCH sử dụng ẩn dụ. Có những ẩn dụ được liên tưởng quá xa khiến người đọc khó lần ra manh mối điều anh muốn nói.Thơ VCH khó đọc bởi  một kiểu thi pháp có những đặc điểm Hậu Hiện đại. Phá  vỡ cấu trúc, phá vỡ không gian thời gian, các yếu tố hoang tưởng, ngẫu nhiên đan xen với những ý tưởng chủ đạo. Hiện thực phân mảnh, vung vãi trên mặt giấy. Các câu thơ kết hợp lỏng lẻo, có thể thay đổi vị trí mà không tạo ra sự khác biệt nào. Bài thơ không đóng khung trong một nghĩa cụ thể mà người đọc tự tìm lấy nghĩa cho mình. Đó là một hệ thống cấu trúc mở. Những bài như Hoe Chân Lời, Sinh Tồn, Vĩnh Biệt Mặt Trời... được viết như vậy
“Thuở nào xanh xao
mặt trăng má hồng hiện qua sông mây
cơn đẻ đã đến
kim loại nhành hoa
ngôn ngữ thơm máu thịt
rung rinh lưỡi chàng cuội
rì rào thắp sáng dương gian
trầm tư sinh khí
sữa trắng làm chiếc nôi cho tiếng khóc
bơi chập chững
nhiệm màu
thánh thót
tiếng khóc vạn kỷ
đêm rụng cánh đơm hoa
cho tay người xin thêm
mồi lửa.”
(Sinh Tồn)
Mỗi dòng thơ là những mảnh vỡ, trải ra không theo một cấu trúc logic. Người đọc cố lắp ghép lại tìm một cấu trúc tư tưởng nào đó, laị bị những yếu tố ngẫn nhiên làm vỡ nát thêm cái cấu trúc mới định hình. Cái tư tưởng mới hoài thai, vỡ nát thành trứng nuớc. Cứ như vậy, người đọc đuổi theo chính mình qua những câu thơ như có ma lực cuốn hút mạnh mẽ, bởi đó là những hình ảnh chưá đựng tư tưởng và nhiều sức gợi.
Ngay câu đầu tiên đã có sứ ngân vang mạnh mẽ Thuở nào xanh xao/ mặt trăng má hồng hiện qua sông mây. Nhưng câu thơ cơn đẻ đã đến/ kim loại nhành hoa ném người đọc vào một thế giới khác. Từ kim loại là một yếu tố ngẫu nhiên, ghép bên từ nhành hoa, phá vỡ cái cấu trúc vừa thấp thoáng mơ hồ. Một loạt những từ mang yếu tố ngẫu nhiên như kim loại, ngôn ngữ, bơi chập chững, mồi lửa... liên tục công phá vào nỗ lực cấu trúc bài thơ để định hình một nội dung, một chủ đề và để lần ra tư tưởng mà VCH muồn nói. Ý nghĩa bài thơ vì thế cứ mơ hồ, ngoài tầm nắm bắt của người đọc.
Có lẽ không nên phí sức để đuổi theo những ảo tưởng như thế, người đọc phải trở về lòng mình, nhận lấy những gì bài thơ gợi ra cho chính mình. Có thể  đọc nội dung bài thơ như thế này: từ thuở xanh xao, mặt trăng hiện qua sông mây, rung rinh lưỡi chàng cuội, (nói dối như cuội, chưa điều gì là thật) tức là thời mà lịch sử, ý thức của con người  còn mơ hồ, thì sự sinh tồn đã xuất hiện, cơn đau đẻ đã đến, như một màu nhiệm. Đêm lịch sử, đêm của u minh rụng cánh, cuộc sống đơm hoa. Nhành hoa trong câu Kim loại nhành hoa như một chứng ngộ của Cadiep, cất thành lời, ngôn ngữ thơm máu thịt. Lời là  sự sống thơm tho. Sự sống tràn khắp nhân gian, rì rào thắp sáng dương gian/ trầm tư sinh khí. Thế nhưng sự sinh tồn khởi đầu là tiếng khóc, dù là tiếng khóc thánh thót, sữa trắng làm chiếc nôi cho tiếng khóc/ tiếng khóc vạn kỷ. Trong  sự sinh tồn vạn kỷ, con người mới chỉ bơi chập chững chưa vượt qua được con sông mây thuở nào xanh xao, cần mồi lửa (ngọn lửa của Prométhée - bi kich của Eschyle. 525-456 tr. CN) sưởi ấm đêm mới vừa rụng cánh. Bài thơ hiện ra sự trầm tư của VCH về sinh tồn qua cái nhìn Phật Giáo
Đó chỉ là một cách đọc, một cách hiểu, không chắc gì như nội dung tác giả định nói. Dù vậy cấu trúc mở của bài thơ cho phép người đọc tham gia vào tác phẩm và tự tìm lấy ý nghĩa cho mình.
Vâng, nếu VCH nói cái ý như tôi đã hiểu ở trên thì thơ anh đã đạt tới tư tưởng  đi tìm tới cái tận cùng khởi nguyên ý thức về sinh tồn. Bài Giếng Đôi tiếp tục hành trình tư tưởng ấy. Anh suy tư về Phật, về Chúa: “Vận trời vô thường nên có gì đâu thấy được cõi vĩnh hằng nhưng không vì vậy mà không gắng sức hóa giải cho đời sống những sản vật của ý thức đã làm nên muôn màu thế giới”...” văn minh tự do đi trên những đường biên sinh tử khóc cười ma quỷ hồn nhiên tiên giới nạ dòng hợp hôn một cõi ta bà không màng thanh trì tâm giới không cỏ êm gió lặng bói trời qua mây ngắm người qua mắt chỉ mong chân bùn thơm rơm trâu cày phúc âm vỡ nát chiêu thức thần tượng nhận cát là cha nhận hồ là mạ hoài mong hóa thân vào chốn không lời chộn rộn màu sắc soi sáng chủng tử cùng nhau bước qua những hạn độ miên man”...” giọt nước miền samarie/ long lanh quẻ tỉnh/ xanh nguồn Ô châu/ rực rỡ u sầu/ trong chiều sâu của hạn hữu đời người một mênh mông thế giới biến dịch trong hai mà một trong một mà hai/ trình diễn/ âm dương“.
Câu thơ không chấm phẩy, người đọc phải tự ngắt ý để tìm nội dung. VCH luận về tư tưởng Phật, về lẽ vô thường của vạn pháp..., luận về tư tưởng Chúa, trong tường thuật việc Đức Giêsu xin nuớc giếng của người phụ nữ xứ Samarie, để mặc khải cho chị về nước sự sống (Phúc Âm Gioan, 4,7- 27). VHC cho rằng “Thánh thần ba hoa“. Nhân gian quê muà nguyên thủy tự tình mới là nỗi hoài mong chân bùn thơm rơm, hóa thân vào chốn không lời,... bước qua những hạn độ mien man’. Quả là đầu óc VCH còn rối rắm lắm khi anh tiếp cận với tư tưởng tôn giáo, bởi vì tôn giáo cần đức tin, không cần lý trí. Chân lý chỉ được mặc khải cho những người đơn sơ. Những người trí tuệ bi mắc bẫy trong chính cái trí tuệ mạng nhện của mình
Rất may là VCH khong viết nhiều về những suy tư như vậy. Thơ anh là tiếng bi thương sâu thẳm của một cuộc tình trắng tay khi người yêu qua sông, cuộc tình không thể quên lãng, để lại những vết thương sỏi đá khô đặc nghìn thu. Anh như “con Sphanh buồn bã/ khi bọn cướp đục thủng lấy mất quả tim“ (Quên Lãng), như người đã chết từ lúc nào không biết (Ảnh Tượng), trái tim bị đâm nát (Vô Tư) chỉ còn lại cô đơn, tuyệt vọng (Tình Yêu Của Đất  như Trương Chi (Tình yêu). Kỷ niệm dày vò (Nhà Năm Tháng). Nhiều đêm hút thuốc, tàn lửa soi đời mình (Cô Đơn), “Với trái tim trần trụi hát bình minh“ (Em). Anh kêu thương vô vọng khi hình dung ra người yêu “trong buồng tim cọp dữ (Mùa Chết). Anh lo lắng cho người yêu “tôi lo ngay ngáy/ bên ấy/ có kẻ nào cầm cung tên hạ trăng. Anh lâm vào bi kịch và những mặc cảm như ÊĐíp, Prômêtê, Hăm Lét (mặc cảm ÊĐip) Trong tận cùng nỗi bi thương, anh chỉ còn là cái bóng của chính mình “tôi trở thành cái bóng của bóng tôi/ đêm mơ không uống lành cốc rượu/ bởi cốt cách nghìn năm vốn đã chia ly“ (Sinh Ngày 20.1).
Xin đọc một bài
Chột dạ nhìn máu thấm qua nhiều trang giấy
thời đại
và tiếng đàn níu kéo
những quả táo rơi vào vực tối
Trương Chi
cũng áo quần đủ loại
mặc trên thân thể thôi
tôi mùa đau cởi áo mắc lên cầu hoang
nhưng mốt đời lận đận
áo rách khâu một ngọn đèn trong mơ.
(TÌNH YÊU)
Trương chi như một ẩn dụ để VCH diễn tả lòng mình: Tôi như Trương Chi, áo rách, đời lận đận, mắc lên cầu hoang thời đại. Muà nào cũng đau, máu thấm qua nhiều trang giấy (thơ). Tôi như quả táo rơi vào vực tối, trong mơ, dưới ngọn đèn, khâu áo rách đời mình
Có lẽ chưa nhà thơ nào diễn tả được nỗi sâu thẳm bi thương và tuyệt vọng trong tình yêu như VCH. Anh dấu rất sâu nỗi đau của mình trong ngôn ngữ ẩn dụ, anh vùi nó duới mớ ngôn ngữ hỗn độn ngẫu nhiên, để người đọc khó nhận ra nó. Anh thổ lộ chuyện tình bằng trí tuệ, để nỗi đau không chỉ đâm nát trái tim, mà còn đày đoạ anh trong suy tư bi kịch, như tình trạng nung nấu dữ dội khốc liệt của Prômêtê,  ÊĐip, Hamlet.
ngồi bên bờ biển cả
gọi đò
nghìn trùng muôn đôi mắt màu mỡ
như bài thơ khó thuộc lòng
cánh vạc đời em mải miết
ước ao ăn những mảnh gan lửa
của chàng Prômêthê
(Tình yêu Của Đất)
Văn Cầm Hải cũng có những suy tư thế sự về chiến tranh (Chiến Tranh), về thơ (Apollinair), anh thương kiếp nghèo (Thời gian), anh thương gia đình ông bà, cha mẹ, chị “trĩu nặng tiếng khóc“ (Ngôi Nhà xưa Khôn Cũ), đặc biệt là người chị (Người Đi Chăn Sóng Biển, Đời Chị). Anh đau đáu nỗi đau miền Trung bão lũ “xoáy vào long tổ quốc“ (Đỉnh em), suy tư về “đất nước tôi“ (Kinh Nghiệm xanh), về thời đại đồ họa “vỗ mặt lương tâm“ (Gánh Lúa)... Ở những bài thơ này, âm điệu thơ là âm điệu tâm hồn, tự nó chưá đựng nội dung, vượt qua câu chữ. Nếu chỉ sa đà vào câu chữ thì người đọc sẽ bế tắc, như mắc vào lưới không gỡ ra được. Anh có những tứ thơ khá hay, những suy tư sâu sắc, mạch cảm xúc dào dạt, mãnh liệt, nhưng thâm trầm.
Tình ca cắt cổ
dông bão nôn nao tìm anh đòi hoá thơ
lão Ngư ngồi câu trăng trên ngọn thủy triều
rong rêu nụ cười xanh biếc
rồi một ngày lũ lừa bỗng đọc sách
kẻ ly dị cầu hôn với thơ anh
dù thời đại lưỡng tính
anh không ăn bóng một thời thơ đã qua.
(APOLLINAIRE)
Tôi tin rằng Văn Cầm Hải còn có thể đi rất xa trên con đường thơ của anh, vì tôi hé thấy anh có khả năng đi rất sâu vào tâm thức, trái tim anh tuôn chảy nguồn mạch cảm xúc mãnh liệt, tư duy ngôn ngữ khá độc đáo, và buớc đầu tiếp cận được với kỹ thuật thơ hậu Hiện Đại về cấu trúc tác phẩm, nó cho phép anh thể hiện được cả những mơ hồ trong sáng tạo, cho người tham gia vào quá trình sáng tạo của anh. Với riêng tôi, những bài thơ tình của anh là một đóng góp đặc sắc vào thơ tình Việt Nam đương đại, VCH như một chân dung rất lạ.
9. Nguyễn Thúy Hằng là một tác giả có cá tính mạnh, Chị nói: “Tôi xung khắc với bất kỳ thế giới/ môi trường xung quanh nào. Tôi không thể hòa nhập hoặc thoả thuận được với nó. Có lẽ vì tôi quen sống cách sống của tôi, theo một kiểu phát triển tự do phù hợp nhất. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng tôi luôn có cảm giác xa lạ với chính môi trường tôi đang sống. Tôi luôn trong trạng thái “có vấn đề” và “dị ứng” về giáo dục, xã hội... Trong bất kể môi trường nào tôi cũng muốn sống, tìm kiếm và phát triển con người của chính tôi. “ (trả lời Vietnamnet 2/4/2006). Tôi nghĩ đó là một phát ngôn nghiêm túc, thẳng thắn. Nó chứa đựng tư tưởng của Nietzsche. “Hãy là mình", câu nói của Nietzsche trở thành châm ngôn sống cho nhiều thế hệ ở phương Tây thế kỷ 20. Tuy nhiên, Ở thế kỷ XXI, mà Nguyễn Thúy Hằng sống với tinh thần ấy, tôi nghĩ chị không mới.
Vậy ý thức sáng tạo của Nguyễn Thúy Hằng có gì mới? Chị cho biết: “tôi từ chối một cách sống và một lối viết ngăn nắp, có trình tự và tử tế. Nó đả phá những quy tắc và tiêu chuẩn mà cuộc sống đề ra: sự hợp lý, tính thực tế, sự dễ hiểu, khuôn khổ, đạo đức, số đông, bình tĩnh, sạch sẽ. Sự mất phương hướng, té, không cân bằng, mặc cảm, stress, xấu xí, thiếu thốn, đói, không hòa nhập, nói năng lảm nhảm… luôn có chỗ đứng và có lý do của nó.” “...Tôi không có chủ đích về nội dung mà làm tác phẩm dựa trên cảm hứng. Khi hình dung về một tác phẩm, tôi luôn cảm thấy thích hình dáng hơn là ý nghĩa của chúng. Nó khác với những người khác ở chỗ khi sáng tác họ thường bắt đầu từ ý niệm, hay chủ đích còn tôi thì bắt đầu từ sở thích một hình dáng, chất liệu nào đó. Người xem có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng phong phú khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật. Tôi rất sợ những "nghệ sĩ" cứ nhăm nhăm chỉ cho người ta thấy bằng được ý nghĩa (hạn hẹp) mà trước đó họ đã cố nhồi nhét vào tác phẩm.”(đd)
Ý thức sáng tạo ấy chính là tinh thần Hậu Hiện Đại, là sự lật đổ những Đại Tự Sự, thay vào đó là những Tiểu Tự Sự. “Quan điểm mỹ học Hậu Hiện Đại mang những đặc điểm như: xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hóa quý phái và văn hóa đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thủy của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lập lại; nhấn mạnh đến phong cách trộn lẫn giữa nhân vật và sự can thiệp của chính tác giả vào tác phẩm; tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt, là điều khá phổ biến trong các tác phẩm hậu hiện đại.” (Nguyễn Minh Quân. chủ nghĩa Hậu Hiện Đại - những khái niệm căn bản - Nguyễn Minh Quân - Vietnamnet 2/11/2006) .
Nguyễn Thuý Hằng để cho người đọc có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng phong phú khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật mà không áp đặt ý nghĩa chủ quan, đó cũng là quan điểm của Thuyết Người Đọc. Thuyết Người Đọc cho rằng ý nghĩa của tác phẩm là do người đọc quyết định. “Theo Hirsch, tác giả quyết định ý nghĩa trong khi người đọc tạo dựng liên nghĩa; ý nghĩa chỉ có một và cố định trong khi liên nghĩa có thể thật nhiều và biến đổi theo thời gian. (Nguyễn Hưng Quốc - Các lý thuyết phê bình Văn Học). Như vậy, về nghệ thuật, Nguyễn Thúy Hằng cũng không mới, cũng không đi trước so với những nhà thơ đồng trang lứa. Vấn đề là từ ý thức sáng tạo, NTH co viết thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo hay không.
Trước hết hãy đọc vài truyện ngắn của chị, chẳng hạn: Cõng Người lạ, Cô Gái Có Cái Mồm Năm Mươi Lăm chiếc Răng Cắn Phập Mặt Trăng, Thời Kỳ Đỏ/ Thuốc Ho - Những Đường Gân Thắt Bím, Gió, Ngủ - Đi Đâu Đó Giữa Trưa. Những truyện ngắn này được viết bằng thi pháp của loại truyện Hiện Thực Thần Kỳ (Magical Realism), kết hợp với cảm thức Hậu Hiện Đại, chuyển tải một vài tư tưởng Hiện Sinh dưới dạng một dụ ngôn. Không phải vô tình mà Nguyễn Thúy Hằng viết tiếp truyện Người chết trôi đẹp nhất trần gian, một truyện ngắn của Gabriel Garcia Márquez. Điều này khiến cho tác phẩm của NTH không dễ đọc.
Bruce Holland Rogers nói về tác phẩm Hiện Thực Thần Kỳ như sau: ”Những tác phẩm hư cấu hiện thực thần kỳ mô tả thế giới thực của những người mà đời sống thực tại của họ khác với đời sống thực tại của chúng ta. Đó không phải là một cuộc thí nghiệm ý tưởng. Đó không phải là phóng tưởng. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ nỗ lực cho chúng ta thấy thế giới này qua đôi mắt khác… các nhà văn hiện thực thần kỳ diễn tả những chuyện bình thường như những điều kỳ diệu và diễn tả những điều kỳ diệu như những chuyện bình thường…. Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là một dạng thức đặc thù của văn chương hư cấu nhắm đến việc trình bày kinh nghiệm của một thế giới quan phi khách quan. Những kỹ thuật của nó được dành riêng cho thế giới quan đó, và, trong khi người ta có thể thoạt tưởng rằng chúng cũng giống như các kỹ thuật của loại truyện huyễn tưởng tinh xảo, thì chủ nghĩa hiện thực thần kỳ lại đang cố gắng làm một điều gì khác hơn là chỉ chơi đùa với những quy tắc của hiện thực. Nó đang chuyển tải những thực tế mà những người khác thực sự trải nghiệm, hay đã từng một lần trải nghiệm.” (7) Những đặc điểm ấy đều tìm thấy trong truyện của Nguyễn Thúy Hằng
Cõng Người Lạ là “câu chuyện kể về một người đàn ông có tấm lưng rộng khủng khiếp”, suốt đời cõng vợ con trên lưng. Bốn đứa con đến mười tuổi thì nhảy xuống đất tập đi, còn bà vợ thì không rời lưng chồng, cả khi đã về già. “Bà mẹ giờ đây được quấn trong một cái khăn choàng lớn và treo trên lưng bố. Kì lạ thay, cho đến giờ này, khi lưng cũng còng vì tuổi tác, nhưng ông càng ngày càng muốn giữ chặt vợ trên người mình. Hai vợ chồng quấn lấy nhau...”. Phải chăng Nguyễn Thúy Hằng muốn nói đến tình trạng cam chịu, ý thức lệ thuộc của các dân tộc, của châu lục đen, và của mỗi người? Trong thực tế, mỗi người chúng ta cũng phải cõng bao nhiêu thứ gọi là trách nhiệm, và có không ít những kẻ cưỡi trên lưng người khác cả đời không chịu xuống!
Gió là một truyện có nhiều yếu tố “thần kỳ“. Một túm năm người, không biết từ đâu, đến đến một vùng đất lạ, có gió khắp nơi tụ về. Họ ăn cát, và đẻ ra hai nắm đất. Họ bắt gió cho vào bao và treo lên để gió bốc mùi xác chềt. Con gái quyết định rủ Bố đến thụ thai cho mình, nhưng khi ông định kéo con gái lên giường thì Bố biến thành gió. Con gái bắt Bố cho vào bao treo lên, “Khoảng một thời gian dài sau đó, trong một lần nằm mơ, tôi mới biết mình đã ra tay giết bố, con đực già nhất làng, người có công duy trì nòi giống và tạo ra lương thực cho chúng tôi. Ngủ dậy sau giấc mơ đó, tôi ra cây cọc treo xác bố, tháo xuống và mở ra, bên trong cái xác đã xẹp lại, khô như tờ giấy, và tôi hoàn toàn không nhận ra hình dáng ông“. Người đọc sẽ tự hỏi câu chuyện hoang tưởng có tính chất ngụ ngôn này có ý nghĩa gì. Truyện được viết đúng như ý thức sáng tạo của Nguyễn Thúy Hằng: “Bạn có thể xem nó là trạng thái mông lung, không thực tế, phi lý, kỳ quặc, quái dị, điên, hoang tưởng, chứng tự kỷ ám thị... Tôi vừa xóa đi một thế giới nào đấy, vừa tạo dựng “những cái gì có thể từ nơi khác thông qua tôi mà đến một nơi khác” mà đồng thời cũng mong tìm một đôi điều quen thuộc ở thế giới tôi thiết lập được“ (Trả lời Vietnamnet, sđd) Nguyễn Thúy Hằng viết về một thế giới hỗn mang, phi lý, với ý thức hẳn hoi. Chị nói: “Cõi sáng tạo - cấp độ hỗn mang hoặc sự vô định hình mà bạn nghĩ rằng tôi đang muốn với tới cũng chỉ là một phương thức/ hành động của tôi nhằm trả lại cho thế giới bên ngoài sự phong phú.”
Truyện Ngủ - Đi Đâu Đó Giữa Trưa không có yếu tố thần kỳ, nhưng vẫn có khuynh hướng tư tưởng. Peter, một người thợ sửa xe, cũng là một nghệ nhân tuyệt vời. Bỗng dưng anh ta bỏ đi đâu không ai biết. Nhân vật Tôi thấy Peter đi vắng thì vào nhà ăn cắp bộ sưu tập của Peter. Tôi giúp Peter  việc sửa xe, thanh toán các món chi tiêu, chờ Peter về. Nhưng hắn đã ra đi không trở về. Tôi đâm nản và ra đi, không biết mình nên xuất phát từ hướng nào và đi bao lâu, đi về một nơi chẳng còn ai thân thuộc, chẳng còn ai quen biết để mà hỏi thăm chốn cũ. Ở mảnh đất xa lạ. Tôi quên mất mình là ai, từ đâu tới. Tôi là một kẻ lãng du, “đi chỉ để mà đi, và quên sạch hết mọi thứ“. Phải chăng đó là ý thức về sự phi lý và vô nghĩa của cuộc đời, một phạm trù Hiện Sinh, con người không biết mình là ai, từ đâu tới. Sống là đi, không biết đi đâu và quên sạch mọi thứ.
Tôi đã thử đọc vài truyện của Nguyễn Thúy Hằng với sự cho phép của chị, rằng: “Người xem có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng phong phú khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật.”, chưa hẳn những điều tôi đọc đã đúng với ý nghĩa câu truyện mà tác giả đặt vào, và bạn đọc có thể tìm thấy những cách hiểu khác. Có vậy tác phẩm mới sinh sôi và người đọc mới thực sự tham gia vào quá trình sáng tạo cùng với tác giả. Các đọc truyện như trên có giúp ích gì cho việc đọc thơ Nguyễn Thúy Hằng không?
Nhiều bài thơ của Nguyễn Thúy Hằng cũng được viết với một thi pháp như truyện, chẳng hạn: Tôi - Vị Thần Ngủ Quên, Chế Nhạo và Phỉ Báng, Tai Nạn kép, Cinema, Tình Trạng x, Những Tâm Thần Không Đúng Hẹn, Cái chết trước… đó là những câu chuyện có những yếu tố hoang tưởng, nhưng mang thông điệp nhân sinh
Thử đọc cái chết trước
Tôi giành giật nó từ gia đình/ bữa cơm cuối tuần/ bọn trẻ/ câu chuyện làm ăn/ cơn nhức đầu người mẹ/ cưới hỏi lôi thôi của người anh
Tôi kéo nó khỏi những người bạn lâu lâu tặng quà, lái xe đường dài để nói về cuộc sống khi trước
Tôi buộc nó chuyển chỗ ngồi từ quán café quen thuộc, rời bỏ trang sách để ngắm nhìn tôi
Tôi làm tất cả mọi thứ để biến nó thành người khác, không tự điều khiển chính bản thân, nó ngồi nhìn đoàn người chỉ vì tôi đang quan sát họ
Nhưng cũng có lúc nó đòi trở về vị trí cũ, cái giường cọt kẹt, nhìn mạng nhện quen thuộc trên trần nhà
Nó nối dây điện để gọi một vài người quen, mời đi uống beer, tối đến nó làm vài điếu thuốc trước khi ngủ, trầm mình trong bể nước một tiếng đồng hồ, sau đó pha một cốc trà để sẵn trên đầu giường và chợp mắt
Nhưng sáng hôm sau, mọi chuyện vẫn như cũ, tôi vẫn thuyết phục được nó quên đi thói quen đó, chỉ quan tâm đến tôi đang nghĩ gì trong đầu, tôi cảm giác được cái gì, tôi muốn cuộc sống xoay quanh ra sao, những chuyện sắp tới tôi muốn làm
Thế mà, chính tôi cũng không hiểu vì sao vẫn thấy thiếu một điều gì đó, có lẽ vì sự bất ổn đến từ tính tình gần đây
Tổ ấm của chúng tôi là sự chiếm ngự bởi tình yêu duy nhất
Bắt đầu từ đêm hôm qua ­­- la khóc, nghiến răng, ở lỳ trong bathroom nhìn nước chảy
Từ giường cũ
Con ma trở mình nhìn cái chết trước
Đó là câu chuyện Giữa Tôi với Nó trong bối cảnh gia đình, một câu truyện được kể theo tuyến thời gian, qua cảm nghĩ  hành động của nhân vật tôi. Nhưng Nó là ai, một tha nhân, người yêu, Tôi muốn chiếm hữu nó, biến nó thành người khác. Nhưng có lúc nó đòi trở về vị trí cũ, nó vẫn giữ thói quen gọi một vài người quen, mời đi uống beer, tối đến nó làm vài điếu thuốc trước khi ngủ, trầm mình trong bể nước một tiếng đồng hồ, sau đó pha một cốc trà để sẵn trên đầu giường và chợp mắt... tôi vẫn thuyết phục được nó quên đi thói quen đó. Thế mà, chính tôi cũng không hiểu vì sao vẫn thấy thiếu một điều gì đó, có lẽ vì sự bất ổn đến từ tính tình gần đây. Tôi như con ma đã nhìn thấy trước cái chết của hạnh phúc gia đình mình. Bài thơ gửi đi thông điệp gì? Phải chăng con người bất lực trước thực tại. Con người đã chết  trong  tương quan với kẻ khác, dù đó là người thân yêu?. Tôi liên tưởng đến Ngộ Nhận của A.Camus. Trong đời thường, mỗi người đều có những trải nghiệm như vậy, khi yêu nhau, người ta trói buộc nhau ghê gớm lắm, người ta muốn biến người yêu thành người khác. Hạnh phúc chết trong tham vọng trói buộc tha hóa ấy. Mỗi người trở thành con ma ngay trên giường  của mình, ngay trong ngôi nhà của mình, nhìn cái xác chết hạnh phúc của mình
Bài thơ văn xuôi Tôi - Vị Thần Ngủ Quên của Nguyễn Thúy Hằng dường như có bóng dáng cách viết Hậu hiện Đại trong truyện Ngọn Núi Thủy Tinh của Donald Barthelme? Yếu tố hiện thực đan cài yếu tố hoang tưởng. Nguyễn Thúy Hằng kể: Thành phố gồm những tòa nhà cao lớn. Dân chúng ngước cổ tôn sùng vẻ đẹp này. Giữa lúc ấy “một bức tượng cổ, vai đeo giáp sắt, cưỡi một con ngựa, tay cầm một đoạn roi bước xuống bục, chỉ tay vào đám đông, bảo “trả đất cho ta.” Mọi người ngơ ngác, hình như lâu lắm rồi mới thấy một người rừng giữa đô thị như thế này.” Dân chúng cười, dựng bức tượng lên tượng đài cũ. Họ nói “Đây mới là chỗ của ông, cứ đứng yên như thế”. Họ muốn đưa ông về một nơi xa nào đó, nhưng bức tượng trở nên nặng trịch không sao dở xuống được, họ đành để ông ở đó và buộc thêm xích kéo chân ông lại.” Thành phố, thập kỉ của những em bé, phụ nữ, dân quyền, kết hôn đồng tính, cây cối mọc lan nhanh, chặt bỏ cành dương vật xanh um nẻo đường. Rồi nhà cửa, xe cộ và từng nhà máy rác sạch sẽ bỗng lớn nhanh vùn vụt, ùn ùn xô đẩy những thứ thừa thãi vào một hố chôn sâu nhất. Bức tượng giờ đây là nơi trẻ con thường hay lui tới, đùa giỡn, bày đồ chơi. Còn bệ xi măng nơi ông đứng thành nơi hò hẹn của các bà góa, những cặp tình nhân thường mút kem sữa rồi thở phào trong hứa hẹn. Đôi lúc, họ giật phắt vì ông lại nhảy xuống, đòi lại đất đai.”Nhưng rồi ông đã ngủ thiếp đi giấc ngủ vượt ngàn thế kỷ, ngàn niên đại, lớp người kế thừa đương thời đặt cho ông cái tên vị thần ngủ quên. Nhưng, ông nào có biết.Và bọn nó, Vâng, chính chúng, những đứa trẻ của/ tập đoàn khát máu, chuyên săn lùng, chém giết kẻ ngủ quên.
Câu chuyện chứa đựng cái lộn xộn của một thành phố với rất nhiều vấn đề phức tạp. Nguyễn Thúy Hằng mượn một bức tượng nào đó trong thành phố, hư cấu như một ngụ ngôn, để nói về thời đại của tập đoàn khát máu, chuyên săn lùng, chém giết kẻ ngủ quên. Nhưng chưa hẳn thông điệp chỉ mang những tín hiệu thời sự trực tiếp như thế, mà còn mang cái thao thức về thực tại ngủ quên, giấc ngủ vượt ngàn thế kỷ, ngàn niên đại của dân tộc . Có một sự trùng hợp thú vị về chủ đề Giữa Tôi - Vị Thần Ngủ Quên với Trạng Nguyên Ngủ của Phan Bội Châu. Cả hai truyện đều có cái nhìn thế sự sâu sắc và một giọng trào phúng nhẹ nhàng nhưng buồn thắm thiết. Như vậy, ngay trong những câu chuyện hoang tưởng, Nguyễn Thúy Hằng cũng gửi những thông điệp thế sự có thể làm nhức nhối trái tim đồng cảm với chị. Người đọc hời hợt lười biếng thì chẳng hiểu chị nói gì
Thơ Nguyễn Thúy Hằng còn là tiếng nói của một cái tôi bất an, vô định, cô đơn, xa lạ ngay trong thực tại. quan hệ với người là quan hệ xa lạ. ”Giữa tôi và ông/ bóng đêm, mùi lữ hành“ (1&2). Nguyễn Thúy Hằng thức tỉnh Giữa mọi ngộ nhận (Người Chết Trôi Đẹp Nhất Trần Gian)
tôi (thật nguy hiểm, nhưng thích thú, có bao giờ bạn nhàm chán với nỗi
bất an của mình đâu)
(Beckett’s, tôi và Khuyên)
tôi có gương mặt thật xấu xí, vì thế tôi muốn chúng méo mó hơn nữa, trở thành một dị biệt,
xương kéo dài hoặc thình lình thu ngắn lại, chóp mũi hay chóp nhà thờ,
tất cả đều xoay quanh quả địa cầu, lỗ tai, rún, vì chỉ có gương mặt tôi mới có đủ sức
tiếp cận sát bề mặt nóng bỏng đó, mông, má, giấy tờ.
tôi cứ thế quay không ngừng
cả ngày lẫn đêm
tôi rất thích trạng thái đi xiêu vẹo của mình, những người mù nắm tay nhau đi trong
cơn giông bão, thèm băng qua đường trong buị mù xoắn xuýt.
(Những tâm thần không đúng hẹn)
Ví dụ như: tôi - chết mà vẫn nhăn răng cười trên màn ảnh lớn như diễn viên xiếc
Ví dụ như: tôi, sau khi phục sinh, tay vẫn thò vào túi và chơi trò sấp ngửa rồi chỉ tay ra đất trống
Tôi được vùi ngoài kia, bia bọt, lồng kính nhỏ dày đặc các sao hình chiếc mông, nắng ấm, thối rữa, rong chơi bên kia tinh cầu, lũ chim câu bay vù: rên rỉ, khát nước, không đường về
(Thời hôm nay, khoái cảm, điên rồ hợp lý)
Và kia, hình như tôi trong bấn loạn đã viết lên tường lảm nhảm vô lý về một ai đó
Không thể xác định đó là tình trạng gì. Vì đôi khi nóng nực, bức bối làm biến dị tất cả. Tôi không thấy tôi nữa mà là con vật thô bỉ. Đối xử với đồ vật nghiệt ngã và luôn thích nhìn chúng với thất bại thảm thương.Tôi nhớ trong một tuần đã đứng trước đồ vật để nói với chúng về sự thật, đã bày tỏ u uất của tôi và khuyên chúng bằng mọi cách hãy tan biến đi, đừng để bọn người sử dụng và làm cho mới lên [những màu mè tạm bợ, hợp chất và ô nhiễm, đường gân, chất vải, kim loại, gốm sứ…
Tôi không thể kể câu chuyện này với ai được. Tôi trở nên thụ động và chờ người ta bỗng dưng hiểu được để tôi không phải giải thích. Từ lâu tôi ăn nói vòng vo và ngồi suốt buổi nhưng không làm sáng tỏ điều gì... (Chế nhạo và phỉ báng)
tôi vẫn chạy trốn
gói gém hành lý biến mất trong tư thế gập người (tay chân còn bấu chặt ghế, ai đó giãy dụa liên hồi…tôi đang mơ tưởng...)
một cái bóng khổng lồ ập lên đám đông, tất cả chạy ra xa trong sự hỗn loạn
“hãy đi đi vào ngã này” - tiếng loa vắt ngang hàng nghìn người quỳ gối, họ khóc
tôi vẫn tìm đường chạy
tôi thích sự kiệt sức, tháo mòn hết nước. Khi ấy người ta sẽ cưỡi được lên người tôi, lên mông, lên tai, lên chiếc lưỡi mằm cứng đơ
(GÀO THÉT NỮA ĐI)
Tôi không thể hình dung được rằng, đằng sau một Nguyễn Thuý Hằng có cá tính mạnh mẽ, một năng lực hoạt động và sáng tạo dào dạt, luôn bất hoà gay gắt với thực tại, lại là một nghệ sĩ, một nhà thơ u uất, cô độc, bất an, hoảng loạn chạy trốn,” Tôi không thấy tôi nữa mà là con vật thô bỉ”
Về nghệ thuật, Nguyễn Thúy Hằng có đưa một số yếu tố kỹ thuật mới vào thơ. Thơ của chị là thơ văn xuôi, thơ có tính truyện. Nhiều bài tính truyện lấn át tính thơ. Về kỹ thuật thơ, chị cho biết: “đa số tôi áp dụng sự đa dạng về bố cục trong hội họa, tập hợp ý tứ thành một khối thống nhất và sau đó phá nó đi. Ví dụ như trong bài “Chơi game với Chủ Thể”, sự ngẫu hứng đến từ chiếc bàn vừa để chơi game, vừa có thể ngồi cafe, và tôi thích cách người ta sắp xếp những dòng chữ trong bảng hướng dẫn chơi game với bố cục rất đẹp. Tôi đã viết bài “Chơi game với Chủ Thể” dựa trên bố cục như thế. “(Vietnamnet, sđd). Hoặc chị vẽ tranh đi kèm với những bài thơ, dùng hình thức nhật ký, thống kê các chi tiết, tập trung vào hình ảnh để tạo ấn tượng... Tôi nghĩ đó chỉ là những yếu tố kỹ thuật. Yếu tố quan trong trọng là tư tưởng thẩm mỹ và thi pháp, ở chị có sự tương tác phức hợp, tạo nên một diện mạo riêng. Và hơn hết, dưới những câu thơ hỗn độn, nổi loạn, hoang tưởng, bí hiểm… là những thông điệp, chứa đựng những nỗi buồn thế sự, nỗi buồn nhân sinh, nỗi buồn hiện sinh muốn được chia xẻ. Nhưng người đọc chưa kịp nói lời nào với chị thì Nguyễn Thúy Hằng đã vẫy chào chúng ta, phải chăng chị hoài nghi cả chúng ta:
“này nhé, bạn đâu biết rằng mình đã chết từ buổi sáng hôm nọ chúng ta
gặp nhau (và rồi chúng ta mồi chài nhau bằng im lặng)
cứ cái đà liên tưởng, hình ảnh, tôi đã ăn bạn và nhấm nháp từng mẩu
nhỏ trong buổi sáng lượn lờ sài gòn, và quả thật cái đầu bạn cứng lắm,
toàn những ký tự sắt trong đó, xin lỗi vì ăn mà không báo trước, và sau
đó cũng không thèm cám ơn, tục tĩu quá đi mất)
thôi nhé, chấm dứt buổi tối nhỏ
tôi sẽ ra đi với nỗi bất an mới
một tình nhân mới “
(Beckett’s, tôi và Khuyên)
10. Trần Ngọc Tuấn (8) là người thơ tài hoa, người thơ của tình người, tình đời đằm thắm, nhẹ nhàng, tinh tế,  mênh mang. Anh giao cảm xâu xa với người thơ xưa, người thơ  nay. Anh đi nhiều, nơi nào anh cũng có những câu thơ giăng mắc tình son, gặp ai anh cũng chia xẻ cái tình nhân gian đau quặn
Một khúc sông quê
Mẹ mấy lần đưa tiễn
Đêm không trăng
Gió buốt
Sông gầy
Mẹ nhóm bếp
Khói bay
Nhoà ngõ
Tiếng ai qua
Cũng ngỡ buớc con về
(Mẹ - Chân Chim Hóa Thạch)
Tôi ngồi tím giọt mưa ngâu
Người ngồi nâng chén bên cầu sông Ngân
Bể dâu ai cũng một lần
Khổ đau cũng chỉ đến ngần ấy thôi
Chúng sinh phách lạc hồn trôi
Thân hoa xác cỏ nhờ tôi tạ lời
(Rằm Tháng Bảy Nhớ Nguyễn Du - Chân Chim Hóa Thạch) 
Tự mình quẩy gánh trần gian
Đa mang chấm đất, lang thang dính trời
Một đời không đủ rong chơi
Tự mình hoá cỏ luân hồi nỗi xanh
(Nỗi xanh - Con Mắt Dã Quỳ)     
Bao người đến, bấy trái ngang
Tôi xin làm suối giải oan cho mình
(bên Suối Giải Oan - Giữa Cỏ)
Trần Ngọc Tuấn đã xuất bản các tập thơ: Giác quan biển (1994); Giữa cỏ (1996); Chân chim hóa thạch (1998); Con mắt dã quì (2000); Gửi dòng sông Đồng Nai (2004). Tập Suối reo (2006) là một bước thăng hoa tư tưởng của anh .
Nếu bạn hỏi tôi rằng tập thơ Suối Reo có gì đặc  sắc ? tôi có thể nói ngay điều này, Suối Reo là một tập  thơ Thiền,  nhiều bài  đạt đến cái thần của  những bài thơ Thiền trong truyền thống  thơ phương Đông. Đó là một điều lạ, vì Trần Ngọc Tuấn là một nhà thơ trẻ. Những nhà thơ trẻ hôm nay  đang loay hoay  thử nghiệm với những cách tân phương Tây, thì Trần Ngọc Tuấn lại tìm về phương Đông, “thung dung tiếp cuộc đăng trình“ Ở Suối Reo, Trần Ngọc Tuấn hiển lộ một cốt cách thơ tài hoa hiếm thấy của thơ trẻ.
Nhưng, dấn thân vào con đường thơ tư tưởng, Trần Ngọc Tuấn phải chọn lựa sự thử thách vượt qua hố thẳm. Cái thiếu lớn nhất của văn chương Việt Nam đương đại  nói chung và của thơ nói riêng là thiếu tư tưởng. Nguyễn Huy Thiệp đã từng thốt lên tuyệt vọng: “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn“ (Sông Hương - Tháng 4 / 1990). Đã có những thử nghiệm nhưng thất bại.
Tất nhiên Trần Ngọc Tuấn không phải là nhà thơ tư tưởng, nhưng thơ Trần Ngọc Tuấn trong Suối Reo là thơ tư tưởng. Giá trị thẩm mỹ của nó là ở tư tưởng và ở cách thể hiện tư tưởng. Vì thế người đọc chỉ có thể tiếp cận tư tưởng trong thơ Trần Ngọc Tuấn bằng lăng kính của mỹ học Thiền, bằng cái tâm Bát Nhã và cách đọc thơ vô ngôn. Hơn nữa Trần Ngọc Tuấn có kiểu tư duy thơ rất riêng khiến cho thơ anh không dễ đọc. Nhưng khám phá được thế giới nghệ thuật ấy người đọc sẽ nghe thấy suối reo trong tâm hồn mình
Suối Reo có một sự khác biệt với thơ Thiền truyền thống ở chỗ tác giả của thơ Thiền truyền thống là các Thiền sư, còn  Trần Ngọc Tuấn là nhà thơ hiện đại. Vì thế Suối Reo là thơ của đời ánh lên sắc Thiền, thơ của một con người còn  đang “qua dốc sương mù“
“Gánh củi qua dốc sương mù
Mồ hôi giọt gịot gió ù ù bay
Nghìn tia nắng dệt trang ngày
Bước chân hoan hỷ, đêm này lửa reo“
Sống là gánh lấy bao nhiêu nỗi vất vả như người gánh củi. Ngày đêm phải vượt qua con dốc sương mù và đương đầu với gió ù ù thổi bay.Với cách nhìn đời như thế, bài thơ thường sẽ chuyển về những tâm tình thở than. Thế nhưng Qua Dốc Sương Mù lại rực rỡ ánh sáng của sự thăng hoa. Đó không phải là thứ ánh sáng thiên nhiên của nghìn tia nắng, hay ánh sáng của đêm lửa reo, mà là ánh Phật quang. Nỗi vất vả, thống khổ trở thành con đường hạnh ngộ. Người gánh củi kia tự sáng trong “bước chân hoan hỷ‘. Bài thơ không còn là sự minh giải cho ý nghĩa hiện thực mà trở thành khoảnh khắc “đốn ngộ“ khi con người đã vượt qua được “dốc sương mù“, nhìn đời bằng Trí Huệ Bát Nhã (Prajna - Chữ của nhà Phật)
Nhưng làm sao vượt được “dốc sương mù“? Trần Ngọc Tuấn vẫn đang tự hỏi.
“Hỏi thăm người trốn chơi xa
Mà sao râu tóc phôi pha bụi trần
Hỏi thăm người biệt giai nhân
Mà sao nhan sắc tần ngần ngóng trông
Hỏi thăm người có hay không
Mà sao chuông vọng âm âm gió mùa“
(Hỏi Thăm)
Trần Ngọc Tuấn đã “trốn“, đã “biệt ‘cuộc đời này, trốn biệt những sắc dục giai nhân, thế sao con người ấy vẫn râu tóc phôi pha vì bụi trần, vẫn ngóng trông nhan sắc giai nhân? vẫn mê đắm, không hay, không biết, không nhận ra tiếng chuống thức tỉnh, dù tiếng chuông ấy "vọng âm âm“ trong gió mùa? Hình hài, thân xác, cuộc đời này nặng nề biết bao, nó trói buộc con người mãi trong cõi vô minh. Hỏi cũng là trả lời. Tiếng chuông thức tỉnh ấy là tiếng chuông vọng trong tâm, mà dũng lực của nó có sức  khai mở  Tâm Bát Nhã
Với Tâm Bát Nhã con người sẽ nhận ra  mình đang đánh bắt đời mình
“Chẳng chấp gì bé lớn
Một mình nghe lặng thinh
Mây trên đầu luẩn quẩn
Ông ngồi câu bóng mình“
(Ngồi Câu)
Một ông ngồi câu trong thinh lặng, mây bay trên đầu. Câu chỉ để câu, không cần được cá lớn hay cá bé. Nhưng ngồi mãi chẳng được con cá nào, bóng ông đổ trên cần câu.
Tất nhiên bài thơ không nói đến việc câu cá. Bỏ cái vỏ ngôn ngữ ấy đi, tư tưởng Thiền bừng sáng lên. Con người luẩn quẩn trong mê trong chấp, không nhận ra mình đanh đánh bắt (câu cá) chính mình. Mình vừa là người buông lưỡi câu lại vừa là nạn nhân bị lưỡi câu móc vào. Thực tại hư ảo (câu không được gì) mà điều tìm kiến cũng hư ảo (câu cái bóng). Vậy mà con người lại lẩn quẩn móc dính vào cái hư ảo ấy không sao gỡ ra được.
Bài thơ có thể làm người đọc “ngộ“ ra được điều gì đó về cuộc đời này, về thực tại “thất vọng, vô thường, vô ngã“ (dukkha, anicca và anatta).
Trong cái thực tại thất vọng, vô thường, vô ngã ấy, con người còn lại gì?
Đất nứt nẻ đồng khô mùa khát
Ta còn gì ngòai nắng lặng im
Tâm địa chấn rung rùng biển động
Ta còn gì ngòai sóng lặng xô
Mưa trút nước lũ tràn đê vỡ
Ta còn gì ngòai mây lặng trôi
Cây trụi lá trơ thân giông bão
Ta còn gì ngòai gió lặng yên
Mùa cuối đông vườn không ong bướm
Ta còn gì ngòai hoa lặng rơi
Chuyến hạnh phúc còn không vé vớt
Ta còn gì ngòai em lặng đau
Thanh tịnh một vì sao lẻ bóng
Ta còn gì ngòai ta lặng thinh
(Lặng)
Câu hỏi “ta còn gì“ là câu hỏi của “hố thẳm“: “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng“ (N. Kazantzaki). Con người phải chịu lấy tất cả những phũ phàng, mất còn ở đời, như chịu đựng cơn khát nắng hạn, chịu đựng những kinh hòang rùng rùng địa chấn, chịu đựng sự tàn phá của lũ tràn đê vỡ, giông bão càn quét trụi không, chịu đựng  giá rét mùa đông vắng bóng sự sống, chịu đựng những nỗi đau bất hạnh và sự cô độc như vì sao lẻ bóng.
Tư tưởng của bài thơ không lộ ra trong cái quay quắt những đau đáu mất - còn, mà hiển minh trong cái im lặng. “Ta còn gì ngoài ta lặng thinh“. Sự im lặng bộc lộ tất cả dũng lực vượt qua 
có - không. Cái còn tồn tại trong chính cái mất, vượt qua mất -còn  là Chân Như.
Bài thơ mang một khí vị Thiền đặc biệt ở thi pháp. Khí vị này đem đến những mỹ cảm trí tuệ cho người đọc. Cái tĩnh trong cái động, cái còn trong cái mất. Những tứ thơ được triển khai trong  kiểu tư duy nhị nguyên tương phản còn - mất, dẫn người đọc vào sự rối bời vô minh của ngôn ngữ, cũng như sự rối bời của thực tại có - không. Khi còn có Ta, và khi cái Ta bị nhận chìm trong những khốc liệt địa chấn, giông bão, khô khát, mong chờ hạnh phúc, mong chờ hoa bướm, thì cái Ta ấy còn đau, còn cô độc, còn sợ hãi, còn vọng tưởng… Vì  làm gì có “cái ta“. Bản chất của “cái ta” là “vô ngã“.
Chỉ  khi đạt tới cái “vô ngã“ "không bóng, không hình“, con người mới nhẹ nhàng qua sông (“Đáo bỉ ngạn“ - Chữ của nhà Phật)
Nhẹ nhàng cánh nhạn qua sông
Nhạn không lưu bóng, sông không bóng hình
Thung dung tiếp cuộc đăng trình
Mặc con sống vỗ một mình ra khơi“
(Ra khơi)
Đạp lên sóng vỗ mà ra khơi, thung dung như cánh nhạn ruổi rong đăng trình, Con Người ấy có sức mạnh của cả vũ trụ, cao hơn cả vũ trụ. Tứ thơ mang khí vị câu thơ làm rung chuyển thái hư của Không Lộ Thiền Sư
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đĩnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Ngôn Hoài)
Qua sông (đáo bỉ ngạn) rồi, lại sống như chưa qua sông, con người hồn nhiên biết bao, cuộc đời tươi xanh biết bao, một đọt lá trên cành cũng trổ sinh  bao la sự sống
Đâu ngờ một ngọn gió lay
Mà hoa rơi rụng mà mây tan tành
Đâu ngờ một đọt đầu cành
Rừng xưa lại thắm, mùa xanh lại về
(Đâu ngờ)
Và tất cả cùng tỏa sáng, cùng reo cười.
Trăng tự sáng giữa tầng không
Suối tự chảy giữa mênh mông đất trời
Kìa ai bất chợt tự cười
Trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên
(Tự Nhiên)
Niềm hoan lạc vô biên
 Suồi reo, biển lặng, sông đầy
Vầng trăng tròn trặn, mây bay yên bình
Cánh én liện, nụ hoa xinh
Tình người chân thật, hồn mình an nhiên
(Kho Báu)
Thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn dẫn ta vào cõi sáng của tư tưởng và cõi an bình của tâm tư và niềm hỷ hoan của bước chân người gánh củi thung dung vượt qua dốc sương mù cuộc đời. Phải có một trình độ “giác ngộ“ nào đó của tâm thức, phải trải qua bao nhiêu tra vấn, bao nhiêu giông bão, nắng hạn, bao nhiêu mất còn, phải bao nhiêu kiếp hóa thân, Trần Ngọc Tuấn mới có thể viết được những câu thơ của “trái tim tự hát lẽ đời tự nhiên“ như thế.
Nhiều bài tứ tuyệt có phẩm chất cổ điển nhưng thật mới lạ (An Nhiên, Trắng, Trên Núi Tuyết, Ngồi Câu, Trà Sớm...). Nó vừa dẫn ta về suối nguồn thơ cổ điển vừa làm ta ngạc nhiên về những phát hiện tư tưởng ngay trong đời thường. Bài Ngồi Câu là một cặp sánh đôi rất tuyệt với Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên (773-819). Hình ảnh bướm hoa trong Vậy Thôi dẫn ta về vối Xuân Vãn của Trần Nhân Tông. “giọt sương tan trên lá xanh“ trong Lên Đồi Tịnh Độ mới lạ hơn “giọt sương phô trên ngọn cỏ“ trong Thị Đệ Tử của Vạn Hạnh Thiền sư. Hình ảnh “cuối vườn hoa khai“ rong Vô Thường phải chăng là một với tứ thơ “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai“ trong Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096). Bài Rỗng Rang âm vang lời Thiền: Chư Phật và chúng sinh đều có chung một tánh giác. Chư Phật hằng sống với tim rỗng rang thanh tịnh. 
Tứ tuyệt Lục bát của Trần Ngọc Tuấn vừa có cái giản dị chân tình của ca dao vừa có sự sang trọng trí tuệ của Tứ Tuyệt  cổ điển .Đó là sự làm mới Lục bát truyền thống, cũng là cách Việt hóa Tứ tuyệt của thơ Đường... Suối Reo bay trong cái cao rộng của thơ cổ điển, sang trọng hồn nhiên bên cái đằm thắm lục bát thơ Thiền của Phạm Thiên Thư. Và Trần Ngọc Tuấn có cái tài hoa riêng của anh. Tôi tin rằng nhiều bài thơ trong tập Suối Reo có thể sống lâu dài với thời gian. Tuy vậy, khi anh viết thơ Thiền chỉ bằng khái niệm nhà Phật thiếu cái chiêm nghiệm máu thịt của bản thể, thì hồn thơ của anh không còn cái diễm tuyệt mênh mang quyến rũ như là phẩm chất thẩm mỹ vốn có trong thơ anh. Ta hiểu làm thơ tư tưởng khó biết bao, và thật đáng trân trọng những bài thơ đã hóa thân từ chính tâm thức Trần Ngọc Tuấn.
Phác thảo chân dung
Tôi vừa vẽ những nét phác thảo chân dung 10 nhà thơ trẻ đương đại, bạn đọc có thể hình dung được một thế thệ thơ không? Tất nhiên với chỉ 10 khuôn mặt thơ thì chưa đủ cho một khái quát ở diện rộng, vì người làm thơ trẻ có đến hàng ngàn. Dù vậy, 10 khuôn mặt thơ tôi vừa giới thiệu ít nhiều đã hé lộ những điều mới mẻ mà thơ của thế hệ đi trước chưa hề có. Thơ trẻ không dễ đọc, bởi đó là thơ thiên về thể hiện tư tưởng. Thơ trẻ không còn là thơ Lãng Mạn, cũng không là thơ kể người, kể việc.Thơ trẻ tiếp cận với thủ pháp và tinh thần Hậu Hiện Đại, pha trộn với Nghệ Thuật Sắp Đặt, Nghệ Thuật Trình Diễn... Họ dùng nhiều ẩn dụ, nhiều liên tưởng, nhiều hoang tưởng, ngẫu nhiên. Có những so sánh ẩn dụ đi quá xa, làm cho người đọc mệt nhoài chạy theo thơ. Các nhà thơ trẻ đã có ý thức sáng tạo, có những quan điểm mới và có cách thể hiện mới. Họ giàu có về ngôn ngữ, có bề rộng  trải nghiệm, sức sáng tạo thật đáng nể. Trong những nhà thơ trên, tôi thấy có những khuôn mặt thật đặc sắc (Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng, Trần Ngọc Tuấn). Trong sâu thẳm của hồn thơ, nhà thơ trẻ tha thiết với tình yêu, tình người, tình đời, với cuộc sống nhân sinh. Họ khao khát cái đẹp và tin tưởng cái đẹp sẽ bừng sáng trong đêm đen thẳm và đặc quánh. Tôi nghĩ họ sẽ làm nên một diện mạo thi ca mới cho thơ Việt Nam đương đại. Con đường của họ còn đang mở ra trước mặt. Đọc thơ họ, nếu đọc từng bài riêng lẻ, thì thật khó tiếp cận, bởi đó chỉ là những mảnh vỡ nhận thức - tư tưởng - thẩm mỹ của họ. Cần đặt thơ họ trong hệ thống thi pháp và kiểu tư duy nghệ thuật, và nhìn bài thơ theo ý thức sáng tạo của từng tác giả, người đọc mới mong đi vào thế giới tâm hồn của họ. Nếu hiểu được họ thì thật thú vị, bởi họ chủ trương một lối viết không dễ hiểu, một cách thể hiện dành cho đối tượng người đọc có  chọn lọc.
Ghi chú:
(1) Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bản chất ngôn ngữ và tính hư cấu trong thơ hiện đại.
(2) Nguyễn Huy Thiệp, Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn, Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 6, 15.3.2004).
(3) Lý Đợi phỏng vấn Như Huy: (2003) Nicolas De Olivera, Nicola Oxley và Michael Petry,  Nghệ thuật sắp đặt ở thời điểm thiên niên kỷ mới (Installation Art in the New Millenium - Thamed and Hudson xuất bản).
(4) Theo định nghĩa về P.A của Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam.
(5) Trả lời phỏng vấn của Vnexpress.
(6) Đặng Thiều Quang thực hiện Văn Nghệ Trẻ số Tết - Xuân Mậu Tý 2008.
(7) Thực ra, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là gì? - Rogers, Bruce Holland, Bản dịch của Nguyễn Hoàng Văn, Hoàng Ngọc Tuấn hiệu đính).
(8) Một phần đã đăng trên Văn Nghệ Trẻ: Một Mình Ra Khơi, ngày 28/1/2007.
10/2008  
Bùi Công Thuấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...