Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Cõi thơ như một bảo tàng ký ức

Cõi thơ như một bảo tàng ký ức 
(Đọc “Trăng và thơ đọc chậm”  
NXB Hội nhà văn, 2012)
Phối kết một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn dòng suy tưởng nhân văn truyền thống với tâm thế thiền trong một thi pháp mới mang tinh thần hậu hiện đại dưới lớp vỏ cổ điển, tập thơ mới của Nguyễn Việt Chiến đã tạo ra được những hô ứng âm vang trùng điệp và tinh tế.
Tập thơ pha trộn đan xen nỗi niềm hoài cổ và nỗi khắc khoải ở mức thượng thừa, với cái nhìn tích cực biết nhìn ra cái đẹp và khát vọng văn hóa ẩn sâu trong cái thực tại mù lòa, rách nát, bi thương. 
ÁM ẢNH NƯỚC VÀ KHÁT VỌNG “THOÁT NƯỚC”
Nguyễn Việt Chiến luôn sống trong tâm thế của người trí thức đi tìm chữ, nuôi nấng chữ, vớt chữ từ trong nước. “Mỗi ngày trước mắt anh là những trang sách mở ra”. Nhưng chữ không nằm sẵn trong trang sách ấy, mà bị vùi lấp trong mưa, lay lắt trong bóng đêm và lặn sâu trong đáy nước của những dòng sông cuồn cuộn mà những đại thi hào như Nguyễn Du cũng phải âm thầm kiên nhẫn ngồi câu từng chữ để có một Truyện Kiều. Thế giới thơ Nguyễn Việt Chiến luôn dập dềnh chìm nổi trong nước mưa, nước biển, nước sông, nước hồ và nước mắt. Nước luôn luôn là hình tượng nghệ thuật trung tâm để Nguyễn Việt Chiến gửi gắm những cảm xúc và thông điệp sâu sắc nhất về lịch sử và thế sự.
Trong “Trăng và thơ đọc chậm”, Nước hiện ra như là bản mệnh thi ca của Chiến cộng thông với bản mệnh của bao nhiêu kiếp người đau khổ trầm luân trên quê hương Việt Nam bất hạnh ngàn đời. Và trong thế giới thi ca đầy nước ấy, có “một người bị ướt thức trong ta”. “Người bị ướt” đó chính là cái Tôi trữ tình của Nguyễn Việt Chiến luôn thao thức trong tâm hồn nhà thơ để cùng hững chịu, sẻ chia với một thế gian đầy nước mưa, nước mắt:
Tiếng mưa đêm lăn vào giấc ngủ
Có một người bị ướt
thức trong ta
không có lẽ nước mắt nhiều đến thế
ta còn nguyên một đêm mưa về nhau chưa kịp đọc
nước mắt dễ bị vỡ
những mảnh vỡ làm hỏng
một người bị ướt thức trong ta
(Có một người bị ướt thức trong ta)
“Nước mắt không bao giờ ngừng chảy”, nó chảy ngược chảy xuôi như con thoi đan dệt những phận người đau khổ. Nước mắt vừa là không gian, vừa là nguyên liệu, vừa là những viên gạch xây nên ngôi đền nuôi giữ niềm tin và hy vọng:
bóng mẹ in trên vách thời gian
như pho tượng tạc bằng nước mắt
Mẹ bảo nước mắt ban ngày chảy xuôi
đánh thức những ngôi đền
còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong
thấm đến một đức tin cứu rỗi...
rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt
(Chiều xuống rồi, về nhà đi con)
Sông văn. Chảy. Dọc cuộc đời
Nguyễn ngồi câu chữ. Dưới trời mưa đêm
Có cô gái trẻ làng bên
Ra sông. Giặt lụa. Vào đêm Nguyễn về
Thế rồi. Đêm ấy. Bờ đê
Mưa. Thì đã tạnh. Trăng. Thề đã rơi
Hình như họ. Đã thành đôi
Sông thơ.Chảy. Suốt một trời. Nguyễn Du
(Gặp Nguyễn Du trên sông đêm)
Hồ Gươm với màu xanh ký ức ngàn năm vẫn được các thi nhân xưa nay ca ngợi và tin cậy. Nhưng trong ám ảnh nước đầu ưu tư  của Chiến, nước Hồ Gươm vẫn là nỗi âu lo cho sức sống của biểu tượng Rùa thiêng. Nước Hồ Gươm trong ký ức lịch sử là chốn thanh tao, là không gian thiền bình yên nơi cụ Rùa ngủ yên trong huyền thoại:
mặt hồ chiều
như một đóa sen xanh
cụ đang ngồi thiền trên sóng
đóa hoa chiều không tỏa hương
sốt mấy trăm năm
Tháp Rùa lạnh
cụ rùa đang ngủ
(Vẫn phải ngoi lên thở)
Nhưng nước Hồ Gươm hôm nay không còn giữ được cái thanh bình, tĩnh lặng, thanh khiết của huyền tích, mà đã bị khuấy đục trong những toan tính ô trọc và thực dụng của con người thời đại, khiến cụ Rùa bừng tỉnh giấc ngủ ngàn năm, “phải ngoi lên thở/ trên mặt báo hàng ngày”. Và ngay cả khi hy vọng nước hồ Gươm sẽ trong trở lại, nhà thơ vẫn thấy cụ Rùa phải ngoi lên:
nước có thể sẽ trong hơn
và huyền thoại về Hồ Gươm có thể sẽ thơ mộng hơn
Nhưng đâu phải chỉ có thế
Bởi cụ Rùa vẫn phải ngoi lên thở
Nghĩa là, cái sức sống văn hoá tâm linh của nước hồ Hoàn Kiếm không phải nằm trong vẻ thanh bình của nước hay trong cái thi vị của câu chuyện Vua Lê trả gươm, mà nằm trong trong thế thái nhân tình và tâm tưởng của con người thời đại. Nước trở thành nền móng, chất liệu và bệ phóng cho tứ thơ và suy tưởng thi ca.
Bài thơ Thương nhớ sâm cầm là một đám tang thi ca bên Hồ Tây buổi chiều vắng sóng và không nắng, với tiếng sáo buồn của anh xẩm mù như đưa tiễn những cánh chim sâm cầm thi vị gắn liền với Hồ Tây từ hang trăm năm  trước đã chết trong cả trong đời thực và trong ký ức của con người hôm nay. Câu thơ lục bát ngắt vụn ra một cách táo bạo bằng những dấu chấm liên tục, bất thường, gây cảm giác nấc nghẹn trước sự  mất mát văn hóa, mất mát ký ức  lịch sử, mất mát một cõi thơ hằng có trong tâm cảm ngàn xưa. Và, dường như nhà thơ cảm thấy tiếng chim xưa vẳng lại trong điệu sáo của người mù làm chúng ta như được khai sáng:
Đã mấy chục năm qua
Ông vẫn gọi mãi
bầy chim sâm cầm
Bằng tiếng sáo hoang sơ
Tiếng sáo trúc
Khiến ta
Thấy Tây Hồ chập chờn
Vỗ cánh bay về phía ngàn xưa
Thương nhớ
Sâm cầm
Điệu sáo của người mù
Khiến mắt chúng ta trong lại
Trong như một tiếng chuông
(Thương nhớ sâm cầm)
Nhà thơ đến bên hồ để tìm cánh chim xưa, nhưng lại thấy tiếng chim đã tắt còn vương trong tiếng sáo của người mù! Và người mù, bằng những tiếng sáo gọi chim đã có con mắt biệt nhãn bên trong nhìn sâu thẳm vào ký ức văn hóa cộng đồng, như gióng tiếng chuông chùa khai sáng văn hóa tâm linh cho những người sáng mắt. Chỉ mấy câu thơ ngắn mà Nguyễn Việt Chiến đã đi xuyên ba cõi: Cõi văn hóa tâm linh với ký ức sâm cầm, cõi khổ đau trần thế với tiếng sáo người mù mang khát vọng văn hóa âm thầm bền bỉ và cõi tâm linh khai sáng cái nhìn với tiếng chuông trong vắt.
Không chỉ nước mắt, nước mưa, nước biển, nước hồ, luôn ám ảnh quậy lộn và biến đổi trong thơ Nguyễn Việt Chiến, mà nước sông giờ đây cũng trôi đi không giống ngày xưa. Nó vừa ngủ vừa đi trong những không gian rách nát, phai tàn, lập lòe ma quái:
Sớm nay. Lác đác. Sen đồng
Một bài bông. Nở bên sông. Lập lòe
Con sông. Vừa ngủ. Vừa đi
Áp phù sa bạc. Mấy khi được lành
Em về. Vá áo sông anh
Về. Mau kẻo sóng. Nhuộm. Thành sông mê
(Mây tơ tằm)
Nước hồ nước sông nước biển trong thơ Chiến đều hòa trộn nước mưa và nước mắt và luôn trĩu nặng nỗi buồn mất mát: Mất ký ức, mất hình hài, mất im lặng, mất văn hóa, mất thơ, mất cõi thiêng, mất cái nguyên vẹn trong trẻo ngàn năm và mất cả những giá trị tâm linh đích thực.
Nhưng Rùa thiêng Hồ Gươm, sâm cầm thơ mộng Hồ Tây và những ký ức lịch sử văn hóa gắn bó với những dòng sông có thể bị chôn vùi trong nước, song vẫn sẽ sống mãi trong tâm tưởng con người, nơi ấp ủ muôn đời những tiếng sáo gọi chim và cũng là nơi mãi mãi cụ Rùa thiêng nương náu. Những liên tưởng hết sức tự nhiên mà táo bạo của Nguyễn Việt Chiến trong hang loạt bài thơ có hình tượng nước đã bộc lộ một khát vọng sâu thẳm của nhà thơ muốn “thoát nước”, thoát những hình tướng quen thuộc như nước mưa trong đêm cô đơn, nước hồ Gươm nhạt nhoà huyền tích, hay nước hồ Tây vắng bóng sâm cầm… để tìm kiếm ký ức trong tâm tưởng con người, thứ tâm tưởng không lệ thuộc vào hình tướng, như anh xẩm mù kia không thể nhìn thấy nước, nhưng tiếng sáo gọi chim cất lên từ tâm tưởng của anh, niềm thủy chung văn hóa của anh đã cất giữ cả tiếng chim và hồ nước ngàn năm. Những tâm tưởng cưu mang ký ức và văn hóa đó lại cộng sinh và kết nỗi với những chuỗi hình tượng và liên tưởng khác nhau, tạo nên hai cõi riêng trong thế giới nghệ thuật của tập thơ. Đó là Cõi thơ và Cõi trăng - hai cõi  đan xen nhau, cùng vương vấn cõi đời và ẩn hiện trong cõi mộng, nhưng mỗi cõi lại lung linh những ánh sáng nhân văn và thẩm mỹ khác nhau, tạo nên những cảnh giới thi ca riêng biệt, không thể lẫn vào nhau.
CÕI THƠ NHƯ MỘT BẢO TÀNG KÝ ỨC
Trong ý thức của Nguyễn Việt Chiến, thơ ca là nơi cất giữ những ký ức về cõi đời tục luỵ, gánh sứ mệnh bảo toàn quá khứ, không để mất đi một ký ức, một ấn tượng, một biểu tượng nào của cõi nhân văn, của tình thương trần thế:
Thưa mẹ
hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
trong con vẫn còn một chuyến tàu
ba mươi năm trước chưa trở về
phải chăng vì thế
những câu thơ bây giờ
vẫn phải lên đường
làm một cuộc ra đi
Thơ ca là bảo tàng ký ức, luôn chất nặng những ký ức của cõi đời đau khổ, nơi nhà thơ cất giấu trong câu thơ chật hẹp của mình những may chiều, nắng hạn, gió đông, tri thức thuở xưa và hơi ấm của những câu hát cũ:
Bởi thế
Tôi chỉ dám cất giấu trong câu thơ chật hẹp của mình
một ít gió còm cõi từ mùa hạ cũ
một ít nắng đăm chiêu từ mùa đông cũ
một ít mây chiều bơ vơ trên mái phố cũ
một chút bụi tưởng rơi ra từ cuốn sách cũ
(Để nhớ về em, trang 25, 26).
Nhưng ngay cả khi đã làm tròn sứ mệnh với ký ức, thơ vẫn chưa đáp ứng được khát vọng nhân văn của nhà thơ với cõi đời đau khổ.
Không có lẽ
Mẹ chỉ là ký ức
một  tượng đài trầm mặc ở trong thơ
Ký ức vẫn níu kéo mẹ vào quá khứ, vào những mất mát chiến tranh thuở trước. Cõi thơ luôn lôi con người về quá khứ để “gặm nhấm trái tim yêu đuối của anh bằng những chiếc răng thú”, “những vết răng ngủ quên trong lớp muối sâu của dĩ vãng” (Muối). Tội lỗi lớn nhất của thơ là sự lãng quên.
khi làm xiếc
trên sợi dây ngôn ngữ
chúng tôi bắt chước thiên nhiên
gieo một tiếng thở dài
vào cái cây bóng tối
nhưng chúng tôi
lại quên lãng
rời xa tiếng thở dài
trên cái cây nhân loại...
sự lãng quên vô tình
hoặc cố ý
đang dập tắt tất cả
cả sự yên ổn trong tâm hồn và mỗi câu thơ
(Thơ đang bị lãng quên)
Nguyễn Việt Chiến coi thi ca luôn gắn với cõi đời hư ảo theo quan niệm nhà Phật, nên khi đi tìm nguồn gốc thi ca, nhà thơ giác ngộ lẽ vô thường của cõi thế:
khi chúng ta đi tìm nguồn gốc của thi ca
con người chợt nhận ra
đời sống này chỉ là
một cơn mơ ngắn ngủi
trong giấc ngủ dài tối tăm
có tên là cái chết                               
(Nguồn gốc của Thi ca)
Và, trong suy tưởng của thi nhân, thi ca có sức mạnh “vượt lên cõi chết”, nó có sức chịu đựng lớn lao: chịu đói rét, chịu cô đơn, để vượt qua hoang mạc:
bởi con lạc đà thi ca
đã từng cõng
một cơn khát trên lưng
đi qua bóng đêm
của một cơn khát lớn hơn
để vượt qua hoang mạc
(Nguồn gốc thi ca)
Có điều, con lạc đà thi ca đó chẳng biết mình sẽ đi đến đâu! Dường như nhà thơ cưỡi lên con lạc đà thi ca chở nặng những ký ức khổ đau trần thế để vượt qua cõi đời khổ đau và mộng ảo, nhưng lại ngước lên một vầng trăng vĩnh cứu luôn đi theo từng bước chú lạc đà thơ! Nhưng, cho đến khi con lạc đà ấy đã vượt qua sa mạc khổ đau, nó vẫn ở rất xa vầng trăng ấy. Vì vầng trăng ấy là một cảnh giới hoàn toàn khác mà cảm xúc và trí tưởng tượng thi ca của nhà thơ đã đạt tới như một bừng ngộ của thiền sư khi chăm chú nhìn sâu vào nghệ thuật, tình yêu.
CÕI TRĂNG - MỘT CẢNH GIỚI CỦA TÌNH YÊU VÀ CÁI ĐẸP
Nếu như nước là hình tượng phổ quát trong thơ Nguyễn Việt Chiến, nơi thi nhân ký gửi một thực tại đau khổ, một ký ức ngổn ngang nát vụn, một số phận đắng cay đầy may rủi, âu lo, thì cảm hứng vượt thoát khỏi nước, khỏi những ám ảnh trĩu nặng  lo âu để bay tới cõi trăng cao vợi - nơi tràn ngập ánh sáng của tình yêu và cái đẹp - là cảm hứng mãnh liệt nhất của nhà thơ. 
Trăng trong thơ Nguyễn Việt Chiến không đem đến một giọt nước cho kẻ lữ hành trên sa mạc vô thường, nhưng nó có một quyền năng vĩ đại: Nó cho thi nhân cảm giác về sự sống và ý thức về sự sinh tồn. Ánh trăng là hình tượng của nguồn sinh lực tối thượng có khả năng hồi sinh cho nước:
Sông Hồng
vẫn lặng chảy
giống một người đàn bà
khi đêm xuống (…)
nàng
lặng lẽ đón nhận
ánh trăng đêm
thấm vào thịt da mình
những giọt thanh xuân
(Sông Hồng của mẹ)
Ngược lại với cõi thơ chất đầy ký ức, cõi trăng lúc nào cũng cứ trong veo như tâm hồn trẻ thơ chưa từng vương kỷ niệm. Trăng trong thơ Chiến luôn vượt lên cõi tục, để toả sáng trong miền siêu thoát, lãng quên. Nhưng cũng có lúc nó sà xuống cõi trần để soi rọi miền ký ức lịch sử đầy thi vị:
Đêm nay. Vua Nguyễn ngủ đâu
Mấy cung nữ trẻ. Lên lầu ngắm trăng
Gặp Hàn Mặc Tử. Thi nhân
Người. Từ Vĩ Dạ. Về thăm. Hoàng thành
Lấy thơ làm mộng. Du hành
Lấy trăng. Làm chốn nhân tình ghé qua
(Trăm năm mắt Huế)
Trăng ở đây vẫn là “chốn nhân tình ghé qua” trong giây lát, là một thứ ký ức tiềm năng, không phải là trăng của cõi tịch nhiên tịch lặng ngập tràn ánh sáng của thiên đường tình yêu vĩnh cửu. Đây vẫn là vầng trăng của ký ức, của thơ, của cõi đời tục luỵ bể dâu, không phải cõi trăng thi sỹ hằng mơ đến. Cõi trăng dích thực của Nguyễn Việt Chiến luôn gắn liền với hình bóng người yêu:
Ta đã chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn
không ai đến được với ta
nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia
ta vẫn nhận ra hơi ấm của em
vị mằn mặn của anh trăng
thưa ánh sáng không bị hủy hoại
bởi bùn tối của những đáy sâu
và có lẽ ta được cứu thoát bởi chất muối ấy
riêng điều bí mật này
em không được biết
ánh trăng không được biết
cả những đáy sâu cũng không được biết
khi ta lạc đường trong biển tối cô đơn
chỉ có trăng mới làm ta ấm được
người đàn bà trong suốt
đã đi vào trăng (…)
khi nàng tưới đẫm ta bằng những giọt trăng lành
để cho bụi bặm tối trôi khỏi cuộc đời ta
thì ta lại trốn vào những câu thơ mộng mị
nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia
ta vẫn nhận thấy hơi ấm của em
vị mằn mặn của ánh trăng
thứ ánh sáng không bị hủy hoại bởi bùn tối của những đáy sâu
Nếu cõi thơ là nơi cất giữ những ký ức trần thế đầy nước mắt, thì cõi trăng là nơi cư trú vĩnh viễn của ánh sáng tình yêu và cái đẹp vĩnh hằng.
Sau năm trăm năm nữa
Trăng trên hồ còn soi
(Hoàn Kiếm hồ)
Cái ánh trăng vĩnh cửu đó cõi thơ không chứa nổi. Nguyễn Việt Chiến lần đầu tiên xác định cái hữu hạn về dung lượng nhân văn và kích thước vĩnh hằng của thơ ca.
Nếu trước đây các thi sỹ nói riêng và người yêu thơ nói chung coi trăng chỉ là vật trang sức vĩnh cửu của thơ, thì nay Nguyễn Việt Chiến đưa vầng trăng lên ngôi vị mới, ngôi vị của một cõi thiêng, thánh đường của tình yêu nơi giao hoà ánh sáng huyền diệu của tình yêu và cái đẹp:
trước mùa trăng sinh nở
Nguyễn Du là người mộng du ân ái cũng trăng
nhưng chưa đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viết xong
và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường
để lại một bông trăng
nở trong chiếc bình đêm
nở thành một nàng Kiều trắng trong
giữa vẩn đục cõi người
(Trăng Nguyễn Du)
Không phải gánh nặng ký ức như cõi thơ, cõi trăng trong thơ Chiến là nơi gửi gắm những khát vọng về cái siêu tuyệt, nơi thi nhân giải thoát khỏi cõi đời tục luỵ để lâng lâng phiêu diêu bay lên cõi thiên thai, sống với tình yêu và cái đẹp trong ánh sáng ẩn dụ của một tôn giáo thi ca tinh khiết:
Lần tay. Mở áo đêm ra
Trăng. Nhu nhú sáng. Như. Là trăng non
Trăng ngoài kia. Đã san hô
Mà trăng anh. Vẫn còn mờ mịt trăng
(Thời gian của trăng)
Trăng thật ngoài kia vẫn là thứ san hô tỉnh táo khô cằn trong vũ trụ, còn trăng trong cõi yêu cõi đẹp của thi nhân là vầng trăng mãi mãi mịt mờ hư ảo. Cái mịt mờ hư ảo của trăng ở đây mới sâu, mới đắt làm sao! Nó là niềm kiêu hãnh của những mê man trong giao hoà, những mơ hồ trong ân ái, những hoà trộn tận cùng của cảm xúc vượt lên những tỉnh táo và toán tình đời thường:
Vầng trăng trong thơ Chiến đã soi chiếu vào cuộc đời những ánh sáng tình yêu, nó rút tỉa và chưng cất những gì trong ánh tinh khiết nhất của tình yêu và cái đẹp để làm nên cõi trăng nơi thi nhân có thể thanh thản sống với những gì đẹp nhất của cõi thơ trần thế:
Ta hỏi quê trăng ở đâu
sao trăng không trả lời
hình như ta và trăng lâu rồi
đều đã mất quê
(Quê)
Cái tiêu đề “Trăng và thơ đọc chậm” là một Slogan thi ca hiện đại, nhuốm đậm màu thiền. Giống như các thiền sư “quán bức tường” tập trung nhìn thật lâu vào một điểm trên bức tường để đến một khoảnh khắc đạt tới sự bừng ngộ, thi nhân cũng đọc chậm thơ và đọc chậm vầng trăng để ngộ ra ánh sáng của tình yêu rọi về từ cõi khác:
Và anh đã gặp em
trên con đường thật chậm
trăng và những câu thơ đọc chậm
đôi mắt em mở ra
một đêm mưa lớn
anh chẳng thể tìm được ánh trăng xưa
thành phố cũ ngủ quên trong lá
(Trăng và thơ đọc chậm)
Nhà thơ luôn tìm trăng, luôn mơ trăng, luôn giành cho vầng trăng những liên tưởng về một cõi đẹp miên trường, vĩnh cửu, đầy phép lạ, đầy những hình ảnh thanh tao mà mê dụ của tình yêu. Và nhà thơ nuôi nấng vầng trăng ấy bằng những lời ca buồn, chậm:
Anh đặt cọng lá đêm lên môi
thổi một điệu ca rỗng buồn thật chậm
mong đánh thức
mấy que diêm vừa cháy
đêm mai chúng sẽ mọc thành trăng
(Trăng và thơ đọc chậm)
SỰ GIAO THOA CÕI TRĂNG, CÕI THƠ VÀ CÕI TỤC
Dù là những cõi thuộc những cảnh giới khác nhau, nhưng cõi trăng, cõi thơ và cõi đời tục luỵ trong thơ Nguyễn Việt Chiến không tách biệt nhau một cách thô thiển và lộ liễu, mà vẫn phản chiếu nhau, lồng ghép vào nhau trong một hoà điệu trữ tình đa dạng và tinh tế. Vẫn quằn quại day dứt trong cõi đời và lẩn trốn trong cõi thơ, nhưng cõi trăng của Nguyễn Việt Chiến không phải là thứ tháp ngà của thơ mới, cũng không phải là cõi tịch nhiên tịch lặng trong suốt, thảnh thơi như trong thơ Nguyễn Đình Thi, mà vẫn đầy ứ những giằng xé giữa ranh giới của cõi Thiền và cõi tục. Luôn thể hiện một khao khát mỹ học của cái siêu tuyệt, muốn vượt lên chủ nghĩa nhân văn truyền thống, vượt thoát cõi tục để nhập vào cõi đẹp, cõi yêu, vươn tới một thứ ánh sáng của cõi trăng vĩnh cửu “không  bị hủy hoại bởi bùn tối của những đáy sâu”, nhưng nhà thơ vẫn không muốn dứt bỏ cái cảm thức đau đời thương người  của một dòng thơ gắn với thế gian đầy bụi, đầy nước mắt.
Bài thơ văn xuôi Sự nổi loạn của tranh thể hiện rõ quan niệm của Nguyễn Việt Chiến về tương quan giữa cõi Đời, cõi trăng và cõi đẹp, theo đó, cõi đẹp, cõi thơ cũng đều mang âm vang của những khổ đau trần thế, thi sĩ cũng phản ứng với những vui buồn yêu thương tục luỵ, nhưng vẫn là những cõi riêng với những chuẩn mực nhân văn và thẩm mỹ khác nhau. Thơ là một cảnh giới gắn với những cảm xúc linh thiêng, day dứt, oai hùng, yêu thương dữ dội. Còn trăng là một cảnh giới khác gắn với sự siêu thoát nhẹ nhàng, vô hình, vô địa chỉ. Trăng là sự thăng hoa của tình yêu và cái đẹp vượt lên mọi ký ức, nhưng vẫn cho nó một khả năng phục sinh. Nguyễn Việt Chiến lặn ngụp trong cõi đời ồn ào, nhốn nháo và ô trọc, nhưng anh lại hướng tới lắng nghe những tiếng nói khẽ khàng, rụt rè, ấp úng của tình yêu, từ những hình nhân trong tranh, trong cõi đẹp.
Cõi trăng của Nguyễn Việt Chiến là cõi thiên thai dịu lành xa thẳm, nhưng lại cũng là cõi hiểm nguy khi nó luôn gần kề chiếu rọi vào cuộc sống trần ai để mời gọi những con người đang bơi trong bể khổ. Bài thơ văn xuôi “Nước mắt của trăng” dựng lên cảnh tượng những con người khổ đau, đói nghèo và nhếch nhác trong cõi tục cố dìu nhau  bay tới cõi trăng:
Ánh trăng trên sân ga đọng thành vũng trên cỏ tối mấp mô. Nó chợt thấy một người đàn bà điên ngồi phía bên này sân ga. Chị ta cởi trần mình cho ánh trăng ve vuốt, rồi chị bế nựng vầng trăng đêm trong vòng tay xương xẩu của mình
Chốc chốc người đàn bà điên lại cất lời ru vầng trăng bằng cái giọng khan khan u ám của mình. Thỉnh thoảng chị ta lại cười rú lên, khạc nhổ vào những thanh ray sắt và cái đầu tàu đen ngòm cứ định câu móc vầng trăng kia vào cái chốt nối toa, đặt lên đường ray rồi sềnh sệch kéo tuột vào bóng đêm cho mất dạng (…)
Nhờ có một vài lát sang mờ ảo của trăng đêm lọt qua vách tàu, thằng bé mới phát hiện thấy máy người trong toa đều cởi trần giống như người đàn bà điên ngoài sân ga. Thằng bé còn phát hiện thấy trên sàn chiếc toa đen những thân thể cuốn lấy nhau như muốn vắt kiệt ánh trăng thành nước.
Bóng tối là một thứ áo quần mà tự do phân phát cho những kẻ không cam chịu tù túng. Vậy mà thằng bé lo cho họ. Nó nghĩ mấy người ấy sắp hóa điên, giống như người đàn bà ở truồng, đang ru nựng vầng trăng ở phía bên kia sân ga.
Nó đập vào thành tàu, để đánh thức con sốt của mấy kẻ đang vật vã âu yếm nhau với những mảng lung, mảng ngực trần nhờn nhẫy mồ hôi trăng…
Thằng bé không biết những người trần truồng đó đang vươn tới sống trong cõi trăng của Nguyễn Việt Chiến. Khi thấy đầu tàu khổng lồ đang lũi lúi lao thẳng về toa tàu tình ái đầy ánh trăng ấy, nó đã sợ hãi bằng nỗi lo của cõi tục, nó quyết cứu họ khỏi bị nghiền nát bằng cách đứng giữa đường tàu khua tay ngăn đoàn tàu lại:
Thằng bé bắt chước người phụ tàu, hàng ngày vẫn dùng cờ hiệu để nối toa và cắt toa trên sân ga. Trong tay chú bé lúc ấy, vật duy nhất có, không phải lá cờ hiệu mà lại là vầng trăng xanh xao.
Nó vừa chạy lùi trên những thanh ray, vừa dùng tay phất lên đầu thứ ánh sáng nhợt nhạt kia, mong người lái tàu thấy nó mà dừng lại. Nhưng chiếc đầu tàu hung hãn như con trâu sắt vừa mù vừa điếc vẫn lao thẳng đến. Chú bé vấp ngã và những bánh sắt nhảy chồm lên, đề nát tiếng kêu trẻ thơ dưới vòng quay man rợ…         
Bài thơ mô tả một cách ấn tượng và dữ dội khoảnh khắc những con người khổ đau quằn quại trong cõi thế giác ngộ thấy cõi trăng. Một chiều kích vũ trụ của cõi trăng phát lộ bất ngờ trong đời sống trở nên một hành vi điên dại. Cái khoảnh khắc giao thoa giữa cõi tục và cõi trăng mới khốc liệt làm sao. Con người không thể dễ dàng bay lên cõi trăng bằng cách quên đời. Cõi đời khốc liệt vẫn luôn rình rập để níu con người lại trong bẻ khổ. Những nhân vật trong truyện ngắn thơ này giống như Lý Bạch nhảy xuống nước vớt trăng. Nhưng họ không chết một mình như Lý Bạch mà còn làm cho đứa bé ngay thơ lao xuống hồ cứu họ phải lìa đời! Bài thơ rất thản nhiên mà sâu sắc, khắc nghiệt và đau xót!
Các bài Nguồn gốc thi ca, Thời gian của trăng, Trăng và thơ đọc chậm cho ta thấy rõ hơn cõi trăng của Chiến đã liên thông với cõi tục ra sao. Hoá ra Cõi trăng kia không phải là cõi mộng mị thoát tục, mà lại là kho báu cất giữ những ký ức nhân văn hóa thân từ cõi đời tục luỵ. Ký ức của trăng mang phép lạ giải thoát, mở ra một cánh cửa khác cho nhà thơ thoát khỏi những bế tắc và bệnh tật trong thực tại. Nhưng muốn bước qua cánh cửa giải thoát siêu tuyệt đó, con người cần sống chậm:
Người nuốt
những cơn ho thật chậm
vào lúc trăng say
rồi thở ra một trăng tươi
màu rượu đục
Gương mặt ấy  như một quá rượu vắng
nơi người ta
có thể trở về thật chậm
và đi ra thật chậm
từ một cánh cửa khác
nhờ ký ức của trăng
(Trăng và thơ đọc chậm)
Các đoạn thơ về Trăng trong Thăng Long sử thi, Trăm năm mắt Huế… còn cho ta thấy Cõi trăng trong thơ Nguyễn Việt Chiến rất mong manh và tinh khiết. Đó là cõi sáng tạo sinh nở, cõi hóa thân, thoát tục, vĩnh hằng… Nhà thơ luôn mặc cảm bởi sự dấn thân vào cõi đời tục lụy, sự lẩn trốn vào cõi thơ mộng mị, xa cách cõi trăng thuần khiết thanh cao.
BÚT PHÁP HẬU HIỆN ĐẠI BẮT RỄ TỪ TÂM THỨC
Những dấu chấm câu bất thường ngắt vụn câu thơ ra được Nguyễn Việt Chiến sử dụng một táo bạo mà rất tự nhiên, như một thủ pháp mới mẻ và hiệu quả. Cách chấm câu bất chợt, bất chấp ngữ pháp này là một sáng tạo hậu hiện đại thành công, tạo ra những hiệu ứng thi ca nhấm nhẳng, đa chiều. Trước nguy cơ “mê hóa” của dòng sông, nhà thơ không đay nghiến, vỗ ngực kêu trời như thường thấy, mà dung những dấu chấm câu phá cách để thể hiện một cách ấn tượng sự nghẹn ngào, nén lại nỗi đau và đong đếm lại những mảng vụn ký ức của sông xưa:
Ngàn dâu. Xanh. Suốt thoi ngang
Đất. Như lụa dệt. Bóng. Làng quê xưa
Đầu làng.Ngựa đá. Gặm mưa
Cuối làng. Chó đá. Sủa chờ trăng lên
Xứ Đoài. Thăm thẳm. Mắt sen
Mây tơ tầm. Nở trên miền. Đá ong
Cũng là những dấu chấm câu phá cách táo bạo, bẻ vụn câu thơ giống những bài thơ về Hồ Tây, về Huế trong tập thơ này, nhưng nó lại đem đến một hiệu ứng thi ca hoàn toàn khác. Nó gợi lên sự nát vụn của không gian kỷ niệm, sự tần ngần kìm nén của nhà thơ trước bao nhiêu mất mát vô hình. Những dấu chấm đầy hồn vía, đầy năng lượng thi ca  vọt ra từ tâm thế, từ vô thức ấy đã đem đến cho bài thơ lục bát một khí vị nhấm nhẳng hậu hiện đại. Ký ức bị xé vụn, cắt dán, ngàn dâu hiện lên như một bức tranh ấn tượng về trạng thái rách nát của cảnh vật, không còn là cái ngàn dâu mượt mà nguyên vẹn của thơ xưa:
Cùng quay lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh mướt một màu
(Chinh phụ ngâm)
Cách bẻ gãy câu thơ đó vừa tạo sự vụn nát của thực tại, vừa tạo ấn tượng về sự nấc nghẹn của tâm tư lại vừa tạo nên cuộc ú tim của hình tượng thi ca khi chiếu rọi hình ảnh bằng những tia chớp vô thức mong manh vụt lóe. Những dấu chấm câu phá cách của Chiến đã đem lại cho câu thơ lục bát một hiệu ứng rất mới mẻ từ kiểu văn hóa chớp lóe, văn hóa đom đóm của thị trường quảng cáo trên TV mà những hình ảnh ngắn ấn tượng bắn thẳng vào tâm thức người xem đã tạo nên ám ảnh về hàng hóa trong tiềm thức. Hơn thế nữa, nó tạo ra một cảnh giới của thiền sư khi đăm đăm nhìn vào bức tường nham nhở của thực tại, để bóc tách tất cả những lớp vỏ ô trọc và tục luỵ đang che khuất “bản lai diện mục” của không gian văn hóa ngàn đời, phục hiện nó, làm cho nó hiện lên đậm nét, lung linh trong những tia chớp ngắn ngủi nhưng ám ảnh. Toát lên từ tất cả, ta cảm nhận được tâm trạng của một thi nhân luôn mong muốn “gắn hàn chút giá trị mong manh” vẫn ám ảnh trong nứt vỡ, tản mát và vụt lóe..
Cũng vẫn là những dấu chấm câu đột ngột như ở những câu thơ về sông mê, về nỗi tiếc sâm cầm Hồ Tây… nhưng khi đặt vào cảnh giới của cõi trăng, nó không làm cho câu thơ nấc nghẹn nữa, mà như có phép lạ làm hiện lên những lời yêu thương run rẩy, hổn hển - ngôn ngữ của cõi trăng pha trộn giữa thịt da, ánh sáng và tiết điệu chung của tình ái với thi ca.
Lần tay. Mở áo đêm ra
Trăng. Nhu nhú sáng. Như. Là trăng non
Đặt môi lên. Đỉnh trăng tròn
Để hư vô. Biết ta còn. Chiêm bao
(Thời gian của trăng)
Nếu việc viết về cái viết là dấu hiệu của bút pháp hậu hiện đại mới mẻ, thì Nguyễn Việt Chiến là một thi sỹ hậu hiện đại đưới dạng giả cổ điển. Cách viết về cái viết của Chiến bật lên từ tâm thức hậu hiện đại một cách tự nhiên, hữu cơ, có bản chất thẩm mỹ chứ không phải là thứ sản phẩm cắt dán, liên văn bản cơ học, thực chất là quảng cáo lén về tác giả, làm giả cõi hỗn độn để tạo dáng bề ngoài che dấu đại tự sự xưa cũ, chỉ đánh lừa được những nhà nghiên cứu phê bình hồ đồ dễ dãi.
Diễn ngôn mang tính chất tự thú trong thơ Nguyễn Việt Chiến xuất phát từ nỗi lo âu của người viết khi phải viết trong môi trường của nước, nơi nước mưa mang tập tính văn hoá của cả một thời trở nên có quyền lực thống trị người viết, sự viết, tạo nên những hình tượng mòn sáo và dễ dãi. Xuyên suốt thơ Nguyễn Việt Chiến là ám ảnh về đáy sâu, về sự chết chìm của cái đẹp, của sự sống, của thi ca dưới đáy nước hồ, nước sống, nước biển. Sự chết chìm đó không chỉ là sự hư mất tàn phai của ký ức văn hóa trong những không gian thực, mà sâu xa hơn, còn là sự chết chìm của trí tưởng tượng thi ca trong những khuôn mẫu chật hẹp mà nước đã tạo nên trong lịch sử văn hóa, thi ca:
Mưa
là một cái cây
trong lành và tươi tốt
đang đòi mọc rễ
trong cái đầu cũ kỹ của anh
Thức ăn của anh
bao năm chẳng có gì
ngoài mưa
và một nắm ngôn từ sống sít (…)
Chữ
là một cái cây
trong lành và tươi tốt
đang đòi nở hoa
trong cái đầu mệt mỏi của anh
(Mưa và chữ)
Thi sĩ sống bằng nước, cộng sinh với nước để sáng tạo thơ, rồi lại phải dần dần tách từng chữ, từng câu thơ ra khỏi bầu nước ối ngàn năm ấy để tạo thành tuyệt tác. Đó là cái hành trình sáng tạo của thi sỹ, được tổng kết cùng lúc với nỗi niềm về thân phận thi nhân. Nước mưa, nước sông ám ảnh của Chiến như một nhà tù giam cầm chữ nghĩa, giam cầm trí tưởng tượng. Nhưng nhà thơ vẫn không lẩn tránh, mà đối mặt với nó để qua nó bộc lộ cái đau của một trí tưởng tượng sáng tạo bị cầm tù. Như vậy, Nguyễn Việt Chiến không chỉ viết về cái viết, mà còn cùng lúc viết về sự cầm tù của người viết trong cái thế giới của những cảm xúc và liên tưởng khuôn mẫu, cũ mòn để qua đó viết về khát vọng vỡ ối của bào thai ngôn từ, khát vọng vượt thoát khỏi cái nhà giam êm đềm muôn thuở của thi ca. 
16/6/2018
Đỗ Minh Tuấn
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...