Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Tiếng chổi khuya

Tiếng chổi khuya
Bấy giờ dễ đã hơn hai giờ sáng. Thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) sau một ngày ồn ã giờ thiêm thiếp mơ màng. Ðường Trần Phú co ro thu mình trong đêm lạnh. Một vài chiếc xe hơi lướt nhanh trong đêm, bỏ lại sau lưng con đường quạnh vắng, xạc xào gió và giăng giăng mưa. Lạnh giá trùm lên trên khắp cõi vật, cõi người. Phố xá đã ngủ say. Ánh đèn đường vàng vọt, lờ mờ soi rọi những bóng người thấp thoáng.
Tôi đứng từ xa, lắng nghe những tiếng chổi trong đêm khuya khoắt cứ miết trên mặt đường, nhọc nhằn và nhẫn nại. Bất giác, tôi nhớ mấy câu thơ của Tố Hữu, những câu thơ thật chân thành và cảm động về những người quét rác. Ở đó, ta có thể nghe, trong đêm hè, cũng như những đêm đông, tiếng chổi tre vẫn cứ xao xác, đi về, cho sáng mai ra, đường ta, hoa Ngọc Hà thơm ngát. Ðêm nay, tôi thức cùng những người quét rác, công nhân của Công ty Môi trường đô thị Nha Trang.
Trong những tòa nhà im ỉm đóng kín kia, giờ mọi người đang cuộn tròn ngon giấc trong chăn ấm. Ngoài này, gió rít từng cơn lạnh cóng. Nhìn chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết chỉ trong bộ đồ ka-ki mỏng, tôi thấy thật ái ngại. Chị quét rác khu vực đường Trần Phú, công viên bờ biển. Công việc bắt đầu từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.
Có mặt đều đặn ở đây, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Ánh Tuyết dường như thuộc từng gốc cây, từng mô đất cũng như cái "nết" vệ sinh của từng gia đình, từng cơ quan. Quét dọn, thu gom rác cho lên xe đẩy về điểm tập kết để xe lớn đến đưa ra bãi rác, công việc của chị cứ thế, miệt mài, cặm cụi, từ đêm cho tới sáng, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thật cực. Mùa mưa, gió biển cứ thông thốc, bao nhiêu áo mưa cũng rách. Ðành chịu ướt và lạnh thâu đêm. Bãi biển khu vực Công viên Phù Ðổng nhiều nơi rất tối. Giữa bốn bề lặng ngắt trong đêm đen, ở tuổi chưa đầy ba mươi, nhiều khi nghĩ đến thân gái, chị lại chạnh lòng.
Nhiều lúc thấy thèm vô cùng một đêm trọn vẹn ở nhà trong hơi ấm cùng chồng, cùng con. Nhưng biết làm sao được. Thôi thì cũng vì nghề, vì chồng, vì con. Tôi chợt nhớ rằng đã có lần trò chuyện cùng một chị làm nghề này, tuổi đã ba mươi, có người yêu công tác ở một cơ quan nhà nước đã mấy năm mà không hề dám cho gia đình anh ấy biết nghề mình đang làm. "Sợ họ chê! Thôi thì cứ giấu, được đến đâu hay đến đó", chị nói. Chao ôi, sao mà xót! Cũng nghiệp, cũng nghề. Tôi cố động viên đến mấy, chị cũng bảo: "Biết vậy, nhưng sao cứ thấy sợ...".
Chồng chị Ánh Tuyết, anh Ðặng Thanh Tùng, cũng làm nghề này, nhưng anh làm ở đội khác, ca làm việc từ 16 giờ đến 2 giờ sáng. Anh chị có một cháu nhỏ, mới 7 tháng tuổi. Vợ chồng đi đêm về hôm, gửi cháu cho ông bà ngoại. Có nhà trẻ nào giữ cả ban đêm đâu. Không còn cách nào khác, đành phải gửi cháu như thế mà thương ông bà vất vả, hết khổ vì con rồi tới khổ vì cháu. Rồi lại thương con thơ trẻ dại thiếu hơi ấm ẵm bồng của mẹ. Bước chân đi làm nghe con khóc mà lòng mẹ cứ xốn xang. Ðêm khuya trên đường phố âm thầm, một tiếng trẻ khóc của nhà ai đó trong lặng vắng, khiến lòng chị nôn nao. Bầu sữa căng tức trong ngực, mà con ở nhà lại phải uống từng thìa sữa lon. Ðau, nhưng biết phải làm sao (?).
Tôi khéo nhắc "chuyện chồng con khó nói" khi thấy lịch cả vợ lẫn chồng đều phải làm việc ngoài đường suốt cả đêm, chị Ánh Tuyết nheo mắt cười cười: "Biết làm sao được, công việc mà anh. Cũng may là ông xã làm cùng nghề, nên rất hiểu mình".
Ðêm tháng giêng năm nay cứ như những đêm đông năm nào. Cứ gió. Cứ mưa. Cứ lạnh cứa da, cứa thịt. Tôi đi khắp nẻo phố phường, tìm đến những chiếc áo xanh trên đường như tìm những người quen. Dừng tay chổi trong chốc lát, các chị kể thật nhiều câu chuyện về nghề. Thành phố hiện còn nhiều con đường chưa đủ ánh sáng.
Ở những nơi này, đã có nhiều trường hợp các chị bị kẻ xấu chọc ghẹo, bị chặn đường cướp xe, bị tai nạn...
Anh Hồ Văn Ðừng, Ðội trưởng Ðội Môi trường 1 cho biết: "Ðội chúng tôi có nhiệm vụ quét đường phố, thu gom rác ở ngoại vi thành phố Nha Trang. Nghề bọn tôi là nghề làm dâu trăm họ. Khổ thì còn cố gắng được nhưng sợ nhất là cách đối xử rất thiếu tình người của nhiều người. Ðường sá sạch đẹp thì không thấy ai khen nhưng quét lỡ có bụi một chút liền bị la, bị chửi. Chẳng hạn như khu vực bán hàng ăn ở Mả Vòng, họ bán thâu đêm, không nghỉ lúc nào, nên chị em quét rác đến đây luôn bị chửi bới thậm tệ.
Hoặc như ở các khu chung cư cũ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, cả chung cư có một vài lòng máng để đổ rác vào, nhiều khi chị em đang vào lấy rác ở dưới mà ở trên người ta cứ đổ rác, đổ nước bẩn xối xả xuống đầu, hôi thối không thể tả được. Bị la, bị chửi, khổ sở thế nhưng vẫn cứ cố cắn răng mà làm cho xong nhiệm vụ".
Cực nhọc là như thế, nhưng anh Ðừng cho biết, mỗi đêm làm việc chỉ được phụ cấp 4.500 đồng tiền độc hại. Nghe con số này, một lần nữa tôi lại thấy ái ngại. Cứ theo tình hình giá cả như hiện nay, các chị phải làm mấy đêm mới có tiền phụ cấp đủ mua một bát phở nóng bồi dưỡng cho đủ sức thức trắng đêm dài!
Nhiều người nói rằng muốn biết đời sống người dân cao thấp thế nào xin cứ hãy nhìn vào... đống rác. Xem ra chí lý lắm. Ngày trước, đời sống còn khó khăn, rác thải ra cũng rất "nghèo", vừa ít, lại cũng vừa đơn giản. Nay, đời sống khá lên, rác cũng "giàu" lên, nhiều hơn và cũng phức tạp hơn. Những ngày giáp Tết, người ta thấy có cả những bộ sa lông hay một vài chiếc tủ gỗ còn khá nguyên vẹn cũng được đưa ra bãi rác. Lượng rác thải ra ngày càng tăng.
Mỗi ngày, Công ty Môi trường đô thị Nha Trang quét, hốt và đưa ra khỏi thành phố khoảng 270 tấn rác. Riêng những ngày Tết Nguyên đán, con số nói trên lên đến hơn 300 tấn, cá biệt trong đêm 30 Tết, lượng rác gần 556 tấn. Theo Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nha Trang Lương Khánh Thuận, lượng rác thải tăng nhanh, nhưng nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về gìn giữ vệ sinh môi trường còn rất thấp. Hàng rong buôn bán không có giỏ đựng rác, vứt lung tung, bừa bãi, bất kể lúc nào.
Ngay cả trên đường Hùng Vương, trước mặt công ty, rác từ trên những chiếc xe khách du lịch cứ bay xuống đường vèo vèo. Còn trong khu dân cư, vẫn có rất nhiều hộ gia đình xả rác, đổ rác rất bừa bãi, tùy tiện, không đúng vị trí, thời gian quy định nên gây mất vệ sinh. Anh chị em dọn rất khổ mà vẫn cứ bị kêu ca, vì vừa mới dọn xong đã thấy có rác. Hiện chưa có chế tài xử phạt các hành vi xả rác không đúng quy định nên công ty chưa xử lý được. Do đó, trước hết phải liên tục tuyên truyền giáo dục nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh đường phố, kèm theo đó là xây dựng chế tài xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm.
Không dừng ở đó, trong các khu dân cư, phải đưa tiêu chí này vào để xét công nhận gia đình, tổ, khu dân cư văn hóa.
"Mỗi buổi sáng, lúc 6 giờ xong ca, nhìn con đường sạch sẽ, tinh tươm, mình thấy thích lắm. Nhưng thật buồn, công khó mình quét suốt đêm qua, mới buông chổi ra đã thấy rác trở lại, bởi khi thức dậy, nhiều người lại thản nhiên vứt đủ mọi loại rác ra đường". Chị Vương Thị Lệ Thủy, công nhân quét rác khu vực đường từ Tháp Bà đến Cầu Vượt tỏ ra bức xúc. Và, đó là tâm sự không chỉ của riêng chị Lệ Thủy.
Về đến nhà, tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 4 giờ sáng, người ướt sũng từ lúc nào. Bên ngoài, trời vẫn mưa. Trong cơn thức ngủ chập chờn, tôi vẫn còn nghe miên man đâu đó những tiếng chổi khuya, những tiếng chổi hằng đêm cần mẫn, cho mỗi sáng mai ra, phố phường lại tinh tươm, gọn ghẽ như vừa được gột rửa bởi một phép mầu nào đó. Và cả những lời căn dặn cùng một ai đó vốn hay vô tình: "Nhớ nghe hoa/ Người quét rác/ Ðêm qua"...
17/9/2010
PHONG NGUYÊN
Theo https://www.nhandan.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...