Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Hai mươi mùa nắng lạ

Hai mươi mùa nắng lạ
Đã lâu lắm rồi, tôi ít có dịp nghe nhạc hay nghe tin tức khi bước vào xe, hay đang ngồi làm việc. Dạo này, tôi thích viết nên thích yên lặng hơn, thích ngồi một mình để những dòng suy tư có dịp nối kết với nhau. Miền yên lặng hay mang tôi về vùng ký ức xanh và tôi thường chìm lĩm trong ấy! Là thế đấy, nhưng rồi âm nhạc vẫn mãi là chỗ dựa cho tôi nghỉ mệt, là nơi vỗ về tôi những khi tôi cảm thấy mình cần được xoa dịu.
Trước khi đi ngủ, tôi có thói quen mở hộp thư ra xem. Một dãy email của bạn bè xa gần hiện ra với màu đen đậm nét luôn làm tôi thấy ấm áp. Đó là một hạnh phúc thật nhẹ nhàng. Hôm nay, vừa mở hộp thư ra, bỗng dưng cặp mắt tôi dán vào email với chủ đề Hai Mươi Mùa Nắng Lạ. Mở ra mới biết đó là bản nhạc Hai Mươi Mùa Nắng Lạ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sao tôi bị lôi cuốn vào cái email này? Chắc là cái tựa chăng?
Tôi chưa từng nghe qua bài này. Tôi không biết bài này ra đời lúc nào. Tôi mở ra nghe và tôi như bị cuốn hút vào từng chữ, từng lời. Tôi đã không ngần ngại thả hồn mình lang thang cùng với những nốt nhạc dịu êm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơnvà bồng bềnh theo tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly. Bạn tôi biết tôi mê nhạc Trịnh với giọng ca Khánh Ly. Với tôi đó là một hài hoà đặc biệt mà tôi chưa tìm thấy một sự hài hoà nào phá vỡ được cảm nhận này trong tôi. Giọng ca của bà thôi miên tôi khi bà nhả tròn từng ca từ của từng bản nhạc Trịnh Công Sơn. Bà đã chuyển tải ý thơ, âm điệu với một cung bậc rất trầm lắng. Giọng bà không cao vút nên tôi không cần phải nhón chân, ngửa cổ để nhốt vào lòng từng nốt nhọn nhưng bà lại làm tôi cuối xuống, nhìn vào ngực mình mà nghe trái tim mình thổn thức. Tôi không hiểu nhiều về lý thuyết âm nhạc nhưng tôi biết một điều là tôi yêu giọng ca bà và yêu những lời thơ của ông Trịnh Công Sơn.
Với tôi, ông là nhà thơ. Ông chỉ mượn những nốt nhạc để chuyển tải ý thơ mình đến với mọi người. Với những ý nghĩ rất riêng của tôi, âm nhạc dễ đến với lòng người, ở lại với lòng người lâu hơn bởi những âm vực lên xuống, tiết tấu dài ngắn của nó nên ông, vì quá muốn lời thơ của mình bay bỗng, lan toả trong không gian, sống mãi với thời gian và đi vào lòng người nhanh hơn, bền vững hơn mà tình cờ ông trở thành một nhạc sĩ tài ba. Âu đó cũng là định mệnh! Và chúng ta may mắn có ông trong đời sống âm nhạc của chúng ta.
Có những bài nghe một lần rồi thôi, có bài nghe thêm vài lần, nhưng có bài cứ thích nghe đi nghe lại. Và bài Hai Mươi Mùa Nắng Lạ là một trong những bài tôi thích nghe đi nghe lại nhiều lần. Chắc có lẽ tôi bắt gặp tôi, bắt gặp bạn bè tôi trong ấy, bắt gặp nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Đôi khi nắng chưa đầy mà mưa đã nặng hạt, ướt nhòe cả phố, ướt vội cả vai!
Em hai mươi tuổi em là nắng
Em hai mươi tuổi em là mưa

Một ví von đẹp và ngọt ngào của tuổi đôi mươi làm ký ức xanh của tôi trôi về, đánh thức trái tim tôi. Tôi đã từng bước qua tuổi đôi mươi. Tuổi nồng nàn, tuổi chỉ biết yêu thương và nhìn tương lại lúc nào cũng hồng, cũng đầy sức sống. Đáng lý ra phải là thế. Thế nhưng cái tuổi đôi mươi của tôi và của bạn bè tôi đã không là màu hồng, màu xanh mà là một màu đen tối của một đoạn đời! Và Sài Gòn với hai mùa mưa nắng chỉ còn là hạt bụi giữa hư vô.
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Lại một ví von quá nên thơ và lãng mạn. Như bài thơ, như bài thơ thì như thế nào nhỉ? Có phải ông muốn nói đến vẻ đẹp của chữ nghĩa. Dù bài thơ làm nhiệm vụ chuyên chở niềm vui hay nỗi buồn thì tự bản thân nó đã là một hạnh phúc sáng ngời trong trắng, một dịu dàng, một nồng nàn, một thoáng hương bay, phải thế không?
Ông làm tôi rất ngạc nhiên khi tôi hát theo. Cái quán tính bình thường của người không hiểu nhiều về âm nhạc như tôi làm tôi chia bản nhạc ra nhiều khổ thơ với từng bốn câu. Nên khi hát, nhịp của tôi lại dài thêm ở nốt cuối của khổ thứ 3. Ông bất ngờ làm tôi giật mình, lần này ông bắt ngay vào đoạn nhạc kế tiếp không cho tôi kịp lấy hơi. Một chút ngỡ ngàng nhưng thích thú! Có lẽ ông muốn gắn kết chuyện ngày xưa ấy bỗng là chiêm bao với hai mươi giấc mộng xanh hồng quá như một níu kéo vỗ về?
Và "Em hai mươi tuổi em đâu ngờ", đâu ngờ một ngày nào đó, quê hương chỉ nằm trong tâm tưởng. Và Sài Gòn với hai mươi mùa nắng lạ làm chân em bước mà phố phường ngẩn ngơ...Và năm xưa vui buồn chút phù du, có thật là phù du? Phù du như cuộc đời của mỗi chúng ta!
Đi trong lòng phố Sài Gòn, đi trong hạnh phúc quê nhà mà bỗng thấy hai mươi năm qua, ngày xưa chuyện ấy như một giấc chiêm bao. Âm điệu và lời ca sao mà quyện vào nhau tài tình đến thế. Nó ray rức, nó ngọt ngào, nó lặng đọng trong tôi đặc sệt như hồ. Nó bắt tôi sống lại một đoạn đời quá khứ của tôi ở đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn, những lần trốn chạy.
Và "Sài Gòn xin tan nghìn dấu lệ. Cho em bây giờ mắt tình đưa". Đưa trong nỗi nhớ và trong hai mươi giấc mộng hồng chỉ còn là dĩ vãng.
Mở đầu bài nhạc với em hai mươi tuổi em là nắng, em hai mươi tuổi em là mưa như một rạng ngời của nắng và lãng mạng của mưa nhưng lại dẫn dắt tôi đến cuối bài là nghìn giọt lệ.
Đây là lần đầu tiên tôi ghi lại cảm nhận về một bản nhạc. Không biết điều gì bắt tôi làm một chuyện điên rồ này bởi vì tôi biết chắc một điều là cảm nhận là một điều gì đấy rất thật ở khoảnh khắc này và không thật ở khoảnh khắc kia nên không chắc vài phút sau đó tôi có còn bơi lội trong cùng một giòng sông cảm xúc. Nhưng có hề gì, bắt được khoảnh khắc nào đẹp trong đời và ghi lại dù khoảnh khắc ấy có bay theo gió, tan cùng mây thì khoảnh khắc ấy cũng đã là một hạnh phúc trong tôi rồi.
Bên ngoài trời đang đỗ cơn mưa. Mưa Minnesota mà nhớ quá Mưa Sài Gòn! Mưa làm ướt những hàng me tây trên những đại lộ năm xưa, một thời yêu dấu ở quê nhà. Bên tai vẫn còn văng vẳng giọng ca mê hoặc của Khánh Ly, một giọng ca rất tròn, đầy và tình cảm!
Hình như tôi đang miên man về lời nhạc hơn là điệu nhạc. Tôi chỉ có thể nói về những cảm nhận ngọt ngào khi nghe từng chữ, từng lời gói ghém trong những khuôn nhạc thật chậm rãi; thong thả đi, thong thả bước, nhẹ hẩng trong hư vô như Sài Gòn chỉ còn là hạt bụi và cuộc đời là cánh phù du!
Tôi xin cảm ơn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly đã cho tôi những ray rức, khoắc khoải đáng yêu với bản nhạc "Hai mươi mùa nắng lạ" mà rất tình cờ tôi nghe được.
Hai mươi mùa nắng lạ
Trịnh Công Sơn
Em hai mươi tuổi em là nắng
Em hai mươi tuổi em là mưa
Sài gòn nắng mưa em ngày ấy
Còn là hạt bụi giữa hư vô
Em hai mươi tuổi em bây giờ
Chân qua phố phường phố ngẫn ngơ
Sài gòn hai mươi mùa nắng lạ
Em mây hoang đường sớm chiều qua
Đi trong chuyện cũ ngày xưa
Trong lòng thương nhớ cơn mơ lạ kỳ
Đi trong hạnh phúc quê nhà
Chuyện ngày xưa ấy bỗng là chiêm bao
Hai mươi giấc mộng xanh hồng quá
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Sài gòn nắng mư em chợt đến
Làm lời mộng mị giữa thiên thu
Em hai mươi tuổi em đâu ngờ
Năm xưa vui buồn chút phù du
Sài gòn xin tan nghìn dấu lệ
Cho em bây giờ mắt tình đưa
30.3.2011
Nguyễn Kim Tiến
Theo https://amnhac.fm/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...