Sau trăm năm, gạn đục và khơi trong không phải là chuyện của
người đã nằm xuống. Ở chốn về vĩnh cửu chỉ còn im lặng. Trong và đục
là chuyện nơi chốn trọ của những kẻ còn đang ở trọ. Là chuyện để nói với những
lữ khách còn xuôi ngược bước trần gian. Và trong trường hợp Trịnh Công
Sơn, xin nói ngay, trong là bụi. Ðục là nước.
Nước đục!.
Ghê rợn và kinh hoàng, đục ngầu một màu máu đỏ. Ðau xót hơn, máu của anh, của em, của chị, của mẹ. Có người chết hai lần,
thịt da nát tan. Trong từng vùng thịt xương có mẹ có em, anh đã hát,
tiếng hát đến thẳng từ trái tim. Giữa tiếng đại bác đêm đêm dội về thành phố và bên cạnh người phu quét đường dừng chổi đứng nghe, anh đã nhắc đến gia
tài của mẹ. Còn gì? Một bọn lai căng! một lũ bội
tình. Tôi có hỏi Sơn, Sơn không sợ à? Phản chiến giữa khi người
ta hò hét đâm chém nhau là cách hành xử của một tên tử tội, nhát dao thường bổ
xuống từ hai phía. Sơn cười... lúc đó mình sẵn sàng. Chết, như tự
tử. Nhưng rồi sống... và bây giờ chỉ muốn quên thời gian đó
đi. Quên là quên cả những bài hát? Không! Tôi thì không
quên. Lời những bài trong Ca khúc da vàng là tiếng nói của
lương tâm. Trước cái chết của một người, kẻ còn sống động lòng thương
thân. Trước cái chết của một xã hội, thì thương mọi người để cất giọng
tìm cách hồi sinh, bất kể thân thế của mình. Giữa hai lằn đạn thuở đó,
Sơn là một hạt bụi. Một hạt bụi trong ngần.
Nước vẫn đục. Sau 1975, Sơn tiếp tục... đi về đâu hỡi
em, khi trong lòng không chút nắng và kể tâm sự những cây cành, giờ giới
nghiêm. Sơn nhớ. Và với những kẻ lưu vong, Sơn hỏi Em còn nhớ
hay quên? rồi dặn dò Em ra đi, nơi này vẫn thế. Vẫn có em,
trong tim của mẹ.... Nơi này vẫn thế. Thế là thế nào? Vẫn thế, là không đổi. Không đổi được! Ơ, chẳng nhẽ Cách Mạng rồi
mà thế ư? Và Sơn lại có vấn đề. Hỡi những ai đã ồn ào gọi Sơn bằng
thằng khi anh đã nằm xuống, xin hãy nghĩ lại.
Nước vẫn cứ đục. Sơn hát, Sống có trăm năm, vui vui
buồn buồn, người người ngợm ngợm. Chữ ngợm này có lẽ là chữ ngợm đầu
tiên trong ca khúc Việt Nam. Và nước đục, vì ngợm? Ðể sống
chết trăm năm như thân cỏ hèn mọc đầy núi sông. Núi sông ở bản đầu, khi
Sơn hát cho tôi nghe, lâu rồi. Sau này, núi sông thành núi non. Dĩ
nhiên thế là nhẹ đi, nhẹ đi nhiều lắm... Nhưng xin nói, Sơn không làm chính trị. Anh hát điều anh cảm nhận. Ở chỗ này, nhà chính trị thập
thò nhìn người nghệ sĩ, nửa hoài nghi sợ sệt, nửa lại cơ hội đòi nắm bắt cái cảm
nhận kia để dùng nó mà giữ ổn định. Ở đây, ổn định đồng nghĩa với quyền lực
của mình (và phe phái).
Cuối năm 1998, tôi ở với Sơn một tối. Sau khi cả
hai chúng tôi từ chối dự một bữa cơm thân mật với lãnh đạo, có tiếng điện
thoại. Sơn bắt máy. Tôi chỉ có thể kể những gì tai nghe. Có một
đoạn, Sơn nói Thôi, mấy cái mẫu đất ấy dân người ta còn ở.... Im lặng
(không phải đầu dây bên kia im lặng). Không anh, cám ơn
anh... Tôi không lấy đâu. Tôi chẳng biết lấy đất làm gì cả. Im lặng (không phải đầu dây bên kia im lặng). Thôi... ai lấy cứ
lấy, anh cho ai thì cho...
Người không tham, nhưng ngợm? Người thì... đôi khi
cho tôi tiếng nói vui tươi. Còn ngợm... cho tôi tiếng nói đôi khi ngậm
ngùi.... Anh ngậm ngùi kể, lần đầu ra Hà Nội, anh có một buổi thật
vui với Bùi Xuân Phái. Hai người vẽ nhau trong một cuốn sổ tay thì phải. Vẽ suốt đêm, và Phái tặng hết cho Sơn. Bạn anh mượn. Ai? Anh
không kể tên. Rồi có tiếng phao lên là anh định hiếp con gái bạn. Sơn bảo, xì căng đan thế là nhằm xí xóa sạch. Tập tranh Sơn - Phái hóa
thành bụi, đòi không được! Khi tôi nói... chắc là hiểu nhầm thì Sơn
thở dài... xin moa, moa cho. Ðặt điều thì.... Thuở đó, tranh
Phái đang lên giá. Một bức nhỏ bằng ba bàn tay cũng năm, bảy nghìn
USD. Tôi lại ba phải... tranh Phái giữ được không bán cho ba Tầu ở
Singapore thì trong tay ai cũng thế!. Lần này, Sơn cười, cười rất buồn.
Nhưng Sơn im lặng. Những bức tranh đó nay đâu? Trời biết!
Nói chuyện người. Chênh chếch Vương Cung Thánh Ðường
Sài Gòn cách đây trên hai mươi năm có một cô gái bán nước dừa. Tôi có cái
duyên ghé uống, vội đến háo hức lôi Sơn đi. Cô ta độ đôi mươi, áo bà ba
đen, quần cũng đen, chít một cái khăn rằn. Dưới ánh nắng Sài Gòn, da cô
rám hồng, cặp mắt thăm thăm màu nước, và trời ơi, trên mép cô những hạt li ti mồ
hôi óng ánh kim cương. Hai thằng điên đội trời nắng rát trầm trồ thì
thào, trời ơi, đẹp quá, như phép lạ. Rồi cứ dăm ba ngày, lại đúng giữa
trưa, đến uống để ghé thăm những giọt mồ hôi bên trên cái khóe mép đã nhếch lên
cười khi thấy khách không còn lạ mặt. Tôi bảo, để tôi làm quen nhé. Sơn
can, chớ, thế là quen rồi, từ xa thì giữ được cái đẹp. Từ xa là cái khoảng cách
giữa những người đàn bà và Sơn. Oái oăm thay, anh lại là tác giả một số
lượng những tình khúc đẹp nhất trong âm nhạc của chúng ta. Trong các tác
phẩm đó, nhiều là chỉ có môi hôn ngọt, bờ vai nhỏ, ngón tay gầy... lãng
đãng. Những người tự nhận là người yêu (của) anh vênh vang giữ vẹn tiết trinh. Ai lòng nào rêu rao buộc anh vào những thô bạo khó hiểu?. Thôi, thây kệ!
Chuyện người đối với anh, trước hết là gia đình. Anh
yêu mẹ, như một đứa trẻ. Có lần ở xa, anh thốt lên... moa nhớ mạ moa
quá. Rồi anh cười khoe... mỗi khi làm xong một ca khúc, moa hát cho mạ
moa nghe. Cái mạ bảo được, thường là ai cũng thích. Nếu không, moa
sửa... lắm khi bỏ luôn. Sau là các em anh, đặc biệt với Vĩnh
Trinh, anh cứ tội cô em nhỏ này sinh ra là mồ côi cha. Cái tình anh san sẻ
cho gia đình không nhỏ. Em dâu em rể anh quý anh như ruột thịt. Các
cháu anh coi anh còn hơn cha. Phải chăng bống bồng, bống bồng ơi! là
tiếng lòng anh đến con trẻ? Hồn nhiên, anh hát, vì thực sự anh vẫn giữ
được trong sâu lắng con người anh tâm hồn một trẻ thơ.
Chuyện người với anh, sau gia đình là bè bạn. Với bạn,
Sơn chân tình và rộng lượng. Moa chơi với ai, là chỉ moa với người
đó. Dẫu có kẻ nói này nói nọ, moa cũng mặc... Nhà Sơn lúc nào cũng
rầm rập khách. Khách đến uống rượu của anh, lê la vài câu văn nghệ vui vẻ
tìm chút tự tin. Khách đến, khoe cái này, chê cái nọ. Từ bốn
phương. Từ Tây, từ Mỹ, từ Úc, Canada. Rất ồn và hỗn tạp. Nhưng bạn
khác khách. Cô bé người nhà tên Síu ê a Cậu Sơn ơi... có cậu... đến chứ không phải, như khi gập người lạ mặt, nói máy móc... dạ thưa, cậu
Sơn con đi vắng!. Nghe riết, một số chúng tôi thành cậu tuốt. Có cậu Cường. Sơn có lẽ yêu nhất cậu. Có một lần Sơn chép miệng ... Nó tròn quá, đầy quá. Chứ nó góc cạnh một chút thôi thì nó là grand
maitre đấy! Ê, Sơn! Toa có thấy mấy bức họa vài năm sau này của
Cường chưa? Góc cạnh đấy chứ! Có cậu Quỳnh. Cậu hiền lành nhỏ nhẹ
hết lòng tận tụy với bạn. Có cậu Cung. Cậu này là cái cậu kêu ... Ừ thôi em về để cậu Sơn phổ nhạc (có lẽ là lần duy nhất?).
Cậu ăn lẻ được thì cậu lỉnh đi ăn một mình nhưng xong lại hồn nhiên kể lại. Thỉnh thoảng vào chơi, có Bửu Ý, người Sơn rất quý mến tin cậy. Vài năm
cuối, có cậu Quế. Sơn nói với tôi Toa bảo xừ lũy cho moa nghỉ, moa mệt
lắm. Tôi biết là Quế yêu Sơn, lại rất dai sức, lúc nào cũng cặp kè chuyện
thơ văn. Nhưng đôi khi yêu nhau lại chẳng bằng mười phụ nhau...
Và lần cuối gặp, tôi hiểu là Sơn đã rất mệt, mệt nhoài. Thường Sơn ngồi trong ghế bành, mím miệng, mắt nhìn xuống đăm chiêu, có cái nét
nghiêm nghị của một người kiệt sức. Anh ngồi, ai muốn nói gì thì
nói. Anh có mặt, nhưng anh ở đâu? Những người khách quanh anh cứ
thế, ô nhiễm ồn ào. Bạn anh, sợ khách, lảng và tìm những phút anh chỉ có một
mình. Hiếm hoi làm sao những phút ấy. Hệ quả tất nhiên, anh cô đơn.

Ngoài bạn bè, còn tình yêu trai - gái. Tôi đã thấy nhiều
người đàn bà yêu Sơn. Một người đã định làm vợ Sơn than... anh ấy yêu chai
rượu hơn em!. Có kẻ đến từ ngoài khơi, ở đâu đất Phù Tang xa lắc, đeo đuổi đến
cảm động. Sơn nhận. Và cái anh cho lại, hình như là cái gì khác với
tình yêu. Như anh - em. Ðôi khi như bè - bạn. Với Khánh Ly. Với Hòng
Nhung. Có lẽ chỉ trừ một lần. Anh đã sắm xe hơi và định lấy vợ thật. Lần này, a ha, vui được rồi đây. Nhưng không. Mối tình đó vuột đi.
Chuyện lại xảy ra hình như sau sự ra đi vĩnh viễn của mạ anh, và có điều gì gần
như niềm tuyệt vọng... Gần như thôi, chứ chưa phải là... Anh viết:
... May thay trong cuộc đời này vừa có tình yêu vừa có tình
bạn. Tình bạn thường có một khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình
bạn cũng có nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn
có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng
không tái tạo được nữa.
Ru tình à ơi!
Viết về Sơn, không thể không nói nghệ thuật Sơn. Phần
này, tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ nói, còn nói. Và đã có Ðặng Tiến, có
Cao Huy Thuần. Tôi có thêm thắt, cũng là thêm thắt thôi. Với ca
khúc, Sơn đi từ hình thức lãng mạn, sang siêu thực, mang mang chất Thiền để rồi
cuối đời anh trở về với nỗi lòng anh một cách trực tiếp, giản đơn, không chút
phù phiếm chữ nghĩa. Bàn với nhau về thơ, cách đây đâu mười năm, Sơn chủ
trương không chơi chữ, viết ngắn (hai câu), chỉ một hình ảnh để dẫn đường cho
một tư tưởng. Ðó là những câu lục bát khi anh lang thang ở Paris,
tôi giữ và đã trao lại Vĩnh Trinh. Ðó là những câu lục bát khi anh lãng
đãng ở Montréal. Anh không muốn phổ biến, anh cẩn thận, và anh không bao giờ
nhận là nhà thơ. Mặc dầu, có lẽ anh là một nhà thơ lớn.
Nhà thơ lớn? Là thế nào? Tôi có nói với
Sơn về một số hình tượng trong ca khúc của anh, dẫu cùng một cung bậc rung, vẫn
là những hình tượng mới so với thơ Ðường. Nhưng ngoài hình tượng, còn
ngôn ngữ.
Sơn là người đầu tiên nói với
tôi rằng cách phân chia động, tĩnh, danh từ đều phần nào giả tạo. Anh cố
ý đảo, chẳng hạn như viết em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh. Bình minh
không còn là danh từ mà thành tĩnh từ.
Anh thường sử dụng tính mơ hồ
của ngôn ngữ, như ru ta ngậm ngùi. Ta ngậm ngùi, hay ru ngậm ngùi? Cả hai. Và mơ hồ nhân lên nhiều lần lượng thông tin trong ca từ
Trịnh Công Sơn. Rất nhiều thí dụ như tôi vừa nêu ra. Anh giầu là vì vậy.
Sơn cũng là người có những
cách ghép ngôn từ hết sức bất ngờ. Sóng lao xao bờ tôi... chẳng
hạn. Sóng mà lao xao? Bờ, không phải bờ biển, bờ sông, bờ vực mà bờ tôi. Hoặc đêm gội mưa trong. Ghép chữ độc đáo tạo ra những kết hợp
hình ảnh rất lạ. Như Chim... ngậm hạt sương bay. Như vuốt mái tóc bạc
mà thành chập chờn lau trắng trong tay. Hoặc những câu hỏi siêu hình,
hỏi ta xô biển lại, sóng về đâu?.
Ðếm tên ca khúc, ta thấy có ru và tình. Ru ta ngậm ngùi. Giọt lệ ru người. Ru em. Ru đời đã mất. Ru em từng ngón xuân hồng. Ru đời đi nhé. Ru tình. Tôi ru em
ngủ. Tình thì bài nào cũng nhắc, nhưng tựa có Tình xót xa vừa. Tự tình khúc. Tình khúc Ơ Bai. Tình nhớ. Tình xa, Tình
sầu. Tình yêu tìm thấy... Nếu chịu khó đếm từ trong toàn bộ
trên tám trăm ca khúc Trịnh Công Sơn, có lẽ ở bài nào cũng có chữ tình. Và về thân phận con người, rất nhiều hư vô, tuyệt vọng, tàn phai, mong
manh... Tám trăm ca khúc? Bỗng nhiên tôi muốn làm một so sánh (mặc
dầu thấy mình lố bịch). Với J Brel, G Brassen, với B. Dylan... Sơn của
chúng ta có một độ dày so những kẻ nòi tình vừa kể trên. Ðó, có lẽ vì
Sơn trả giá để cho và chúng ta có cái may được nhận.
Hình tượng, ngôn từ... đến từ tài hoa. Ðiều kiện cần, nhưng
chưa đủ để thành một nghệ sĩ lớn. Sơn lớn, theo tôi nghĩ, là vì Sơn dâng cả
trái tim để vẫy gọi chúng ta, những con người.
Bụi trong...
Trong 128 ca khúc in ở Tuyển tập những bài ca không năm
tháng của Sơn, tự nhiên có những cái tựa rất lạ. Bống không là bống, Bống
bồng ơi và Thuở bống là người. Trong ba ca khúc này, Bống ở
nơi nao? Ði đâu mà vội? Là những câu hỏi đi hỏi lại... Và
ngỡ ngàng, em đi bống về, em về bống đi, Tìm tình trong nắng. Em gặp cơn
mưa. Tìm tình giữa ngọ. Buồn lưa thưa về. Rồi ngày bống,
mẹ bồng. Nhẹ quá tơ tằm, lay nhẹ bống bồng bông để kết cục Ngày xưa
ngần ngại, xõa tóc trên vai. Hư vô bỗng về, câu thề đã bay... Tôi
có cảm nghĩ Sơn hát bống bồng là hát cho riêng mình. Rất ngỡ ngàng, như trẻ
thơ.
Ngỡ ngàng bởi nước đục, như chẳng thể khơi trong. Ngỡ ngàng,
người với ngợm. Ngỡ ngàng bởi mong manh. Bởi chia ly, bởi phụ
bạc. Ngỡ ngàng, với vinh quang tung hô, ca tụng trần trụi và những
«cuộc đời hết sức ngây ngô».
Ngỡ ngàng, anh nhận. Ngỡ ngàng, anh cho. Phải nói
Sơn cho rất nhiều. Ngày Sơn chia tay đời, một người chị gái gọi cho tôi,
bảo Sơn là người tình của cả triệu phụ nữ Việt Nam. Khi hôn mê giữa dở
dang, bội bạc, sống chết, họ lắng nghe lòng và rồi họ hát Trịnh Công Sơn. Những tiếng hát về thân phận. Và về tình yêu. Nhưng dẫu ngỡ ngàng, Sơn
không ngần ngại rủ chúng ta:
Hãy yêu như đang sống và sống như đang yêu. Yêu để sự sống
tồn tại và sống cho tình yêu có mặt.
Bởi thế, tôi xin với Tố Như rộng lòng cho phép đổi
hai chữ lỡ làng của người thành ngỡ ngàng cho Sơn. Và còn hai con mắt, tôi dành một con khóc người. Con kia, để tôi còn nháy với hư vô,
vì bầy vạc (í a) bay qua, hát lời (ối a) mệnh bạc, từng giọt (í a) vô
biên, trôi chìm (ối à) tiếng tăm.
Sơn suốt một kiếp ngỡ ngàng, nước đục bụi trong. Và chắc Tố Như cũng đồng tình với kẻ hậu sinh này rằng hạt bụi trong ngần kia,
như một nghệ sĩ lớn, đã trăm năm để một tấm lòng từ đây. Ðó
là cách duy nhất, như Sơn từng hát, tạ ơn người tạ ơn đời.
Nam Dao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét