Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Bùi Giáng - Bước đi trong cõi thơ

Bùi Giáng - Bước đi trong cõi thơ
Thời trẻ yêu thơ. Cùng với bạn bè, chúng tôi chép thơ đầy kín những quyển tập học trò. Rất thảng hoặc trong các tập thơ ấy mới có được một bài của Bùi Giáng.
Tôi không băn khoăn lắm về sự vụ vì sao thơ ông vẫn chưa phổ cập kể từ bấy đến giờ? Chỉ biết rằng với riêng mình, càng lớn lên, khi mà cuộc sống bắt phải bôn ba bận rộn với những thực tế chẳng thơ mộng gì, thì hầu hết những bài thơ yêu thích ngày xưa trở nên kém mặn mà và rơi dần vào quên lãng. Duy chỉ có thơ Bùi Giáng thì vẫn giữ được sự nguyên sơ trong cảm hứng.
Điều đó chắc chắn không có căn nguyên từ một ân tình riêng chung nào. Cho dù tôi đã được đôi lần tiếp xúc, rong chơi và được thỏa thích nghe ông nói chuyện cà kê như là một người bạn...
Gần hai mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ như in hình bóng ông: Một gương mặt già cỗi, cau có, ghét bẩn. Quần áo lôi thôi cũ kỹ, và thường thì ba bốn áo mặc chồng vào nhau, khi thì cột bằng dây chuối, lúc thì thắt bằng dây thun...
Bùi Giáng Nhiều người bảo ông điên. Thì đúng là ông điên thật. Ông điên uyên bác. Ông điên bác học. Ông điên ngây thơ. Ông điên thơ mộng. Ông điên để có thể dâng tặng mọi người máu xương tâm huyết. Ông điên để có thể để lại cho mọi người một sự nghiệp đồ sộ các tác phẩm từ Triết học, khảo luận, dịch thuật, đến Thi ca. Đặc biệt là Thi ca. Một thứ Thi ca mênh mông dàn trãi mà dồn tụ. Thứ thi ca trừu tượng xuất thần. Đọc lên một lần rồi cứ vang vọng mãi, đọng mãi trong hồn để rồi bất kỳ một lúc nào, một hoàn cảnh nào đọc lên cũng nghe réo rắt, cũng thấy đồng cảm tương thích, từ vui tươi hoan lạc đến bi thảm, tàn tạ, thống thiết nhất.
Họ bảo ông điên và đúng là ông điên thật. Điên một cách tình nguyện vui tươi. Ông từng bảo: "... Hãy để cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi, và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hòai vọng. Một mai tôi chết, nghĩa là tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống..." Vậy nên:
"Nghe tin con chết giữa đường
Mẫu thân Phùng Khánh càng thương con nhiều
Con bèn tái điệp dấn liều
Chết thêm một trận hoang liêu song trùng"...
Ông điên vì sung mãn minh triết hay điên vì thường xuyên trong trạng thái đãng trí, thơ thẩn? Có lẽ cả hai. Dù sao, khi nói về ông tôi chỉ muốn nói về đời sống thi ca của ông, còn cái uyên bác triết học kia, cái sung mãn đến nhức nhối quằn quại kiểu Zarathustra kia tôi muốn để im cho ông mang theo về với cõi vĩnh hằng...
Hoài Thanh bảo rằng Lưu trọng Lư là nhà thơ có đời sống rất thơ. Cũng như thế, tôi thấy Bùi Giáng là nhà thơ có đời sống thơ đích thực. Ông luôn luôn trong trạng thái mộng mị chiêm bao: "Bình sinh đi giữa phố thị thì mộng mị chuyện trong rừng, mà trong chiêm bao đang cư lưu ở trong rừng thì lại mơ mòng về phồn hoa phố thị với cà phê, phở tái lai rai..."
Hãy nghe:
"Cõi đông bắc một mình tôi chân bước
Miệng ca ngâm tìm kiếm mộng tây nam
Đi suốt xứ khắp đường ngang lối dọc
Hồn chiêm bao một thế giới muôn vàn"
Với đời sống thơ đích thực đó, ông tự thấy mình không thể đồng điệu với xung quanh. Ông luôn cảm thấy cô đơn không bạn bè. "... Vào trong bờ cõi nào bát ngát, Trung niên thi sĩ cũng tự biến mình làm người khách lạ mênh mông..."
Người khách lạ ấy như luôn bị một lực gì thôi thúc phải ra đi. Đi, nghĩa là chấp nhận giã từ cõi xuân xanh, là chấp nhận biệt ly với bến đào nguyên xa xưa mà một thời người đã từng ...
"Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoát áo khinh cừu"
Càng đi càng thấy cách xa bờ cõi ban sơ nguyên màu. Nhưng lữ khách vẫn phải đi mãi trong sự kiếm tìm và hoài vọng.
"Từ giấc ngủ mùa xuân tôi bước
Thu miên man ở trước mặt chào
Vần thơ tim máu nghêu ngao
Hùng tâm nửa chặng chiêm bao giật mình
Từ giấc ngủ nín thinh tôi bước
Họ và tên tôi khước từ luôn
Mùa xuân hạ tứ buông tuồng
Diện tiền viễn vọng cội nguồn sau lưng"
Bùi Giáng có rất nhiều mẹ trong cõi thơ. Bởi vì ông "bạ đâu gọi đó là mẫu thân". Ông viết:
"Một lần mẹ đẻ con ra
Hai lần, hai mẹ đẻ ra một lần".
Mà đã hai lần được thì "ba lần, ba mẹ đẻ ra một lần", và rồi bốn, rồi năm, rồi trăm lần trăm mẹ đẻ ra một lần, cũng thế thôi.
Dẫu sao, vì trước lúc lên đường, những người mẹ đã vô tình trao cho ông một niềm trắc ẩn:
"Mẹ về trong cõi người ta
Một hôm mẹ gọi con ra bảo rằng
Trần gian thơ mộng lắm chăng
Hay là đau đớn? Hử thằng chiêm bao?"
Niềm trắc ẩn cứ gợi hòai những nỗi niềm riêng chung, nên người đi cứ phải mãi chạnh lòng. Chạnh lòng với cả những gì đơn sơ nhất. Đơn sơ như bàn chân người con gái dẫm lên làn nước lạnh của suối nguồn:
"Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè".

Một khi niềm trắc ẩn đã mở được cánh cổng tâm hồn thì nỗi khắc khoải, băn khoăn sẽ theo hoài với lữ khách trong từng chân bước. Cho nên:
"Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm
Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm"
Cuộc giao thoa giữa những niềm trắc ẩn man man và những dâu bể đa đoan trãi nghiệm trên những nẻo đường, mà âm thanh đồng vọng là những tiếng thở dài của trần gian từ trong cái khoảng giữa của Sở Kiến và Sở Đắc làm cho bước chân của lữ khách có lúc bâng khuâng, có lúc chùng. Cũng từ độ đó, cuộc đi và người đi bỗng trở nên buồn bã và cô đơn như vầng ráng còn sót lại trong buổi hoàng hôn một cuối thu se lạnh...
Nhưng cô đơn tức là một mình một cõi hoặc giả bước đi trong một cõi ít bóng người. Đâu phải cô đơn là thóat được những phiền tóai, những lận đận xảy đến từ xung quanh? Bởi cái cõi mà lữ khách bước đi là cõi trần thế. Nên muốn hay không muốn thì những muộn phiền lận đận cũng đã nhuốm màu lên mỗi một khung cảnh ở ven đường.
"Người xuống theo dòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi xương mây
Suối đá gập gềnh hôm sớm tụ
Khói mù mịt thổi xuống đồi cây
Người xuống theo thu thổi gió trời
Hàng hàng mưa chảy tuyết đông rơi
Một đời lận đận đo rồi đếm
Mỏi gối người đi đứng lại ngồi"
Và trong từng khoảnh khắc của cuộc đi, niềm rung động với những sắc màu của chân trời phía trước cũng hiện hữu đồng thời với cảm giác hoài vọng luyến tiếc những gì xưa cũ thuộc khung trời phía sau.
"Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn
Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau"
Hoặc giả:
"Em cho phép ta ngồi đây hỏi lại
Và gọi về trăng mùa cũ lang thang
Màu thời đó để ngàn sương hớt hãi
Xuống li ti là dựng vội con đường"
Như vậy là từ khởi thủy bị thôi thúc phải ra đi. Ra đi mang theo niềm trắc ẩn để mãi băn khoăn và kiếm tìm nơi chân trời phía trước. Rồi những muộn phiền lận đận, những hoài vọng khung trời phía sau lưng... Cho đến một lúc nào, người đi bỗng sực tỉnh sau những đa đoan dâu bể, và kịp nhận ra rằng phía trước hun hút cuối con đường, là chốn nguyên sơ, hay là chốn nguyên xuân. Nơi từ đó ta đi. Nơi từ đó ta về.
Ra đi từ cõi mộng nguyên xuân. Cõi ta về vẫn là chốn sơ nguyên mộng. Ấy vậy nên:
"Lên mù sương xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh"
Nhưng con đường thì hun hút xa dịu vợi mà bước mãi rồi cũng chỉ quẩn quanh trong giới hạn của một kiếp người. Nên có một lúc người đi chợt thấy mình như úa đi một cách tàn tạ. Trong chiêm bao thường mơ thấy mình được yên ả nơi bến bờ xa xưa cũ...
"Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Mộng xanh ngần giậy nối mộng em xưa
Ngó non nước giữa sớm chiều tư lự
Đón mơ màng về thổi gió lưa thưa"
Bây giờ thì ông đã đến được với bến bờ ông mơ ước.
Để về được với cái cõi mộng xanh ngần kia, ông không thể bước những bước như đã từng bước đi, mà phải ra đi theo thể điệu của chàng Hòang tử bé của Saint Exupéry ...
"Người đã định một lần thôi để hỏng
Đường vu vơ về chốn cũ trăm năm
Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm"
Dù đi theo thể thái điên khùng thơ dại, hay theo thể thái của giác ngộ tinh anh, thì ông cũng đã có những bước đi bước về kỳ diệu.
Nói cách khác là ông đã hòan thành sứ mạng mà thượng đế đã giao cho một kiếp người nghệ sĩ. Một kiếp người chỉ biết sống để sáng tạo và hiến dâng.
Bùi Giáng Cũng giống như chú Hoàng tử bé kia, lúc ra đi đã phải biến mình thành một ánh vàng giữa sa mạc. Duy chỉ khác một điều là ánh vàng của ông không về với bất kỳ một tinh cầu xa xôi nào, mà vẫn tồn tại mãi ở trần gian như là một tặng vật ông muốn dâng tặng cho tất cả...
"Tặng vật của ngàn năm
Đi về trong sương tuyết
Phân phối đêm trăng rằm
Dàn chia trời mắt ngước
Lãng đãng bóng xa trôi
Khép mở liễu thông đồi
Nhành Lê bên cửa rụng
Rừng tía giữa khung đời
Mùa hoa đầu đi biệt
Kỷ niệm đầu lãng quên
Nhành Sim đầu phai lục
Tường Vi nhạt bên thềm".
* Những câu thơ trong dấu "..." là thơ Bùi Giáng.
Thanh Nguyên
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...