Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Chiều đông nghe vẳng tiếng thơ Tạ Ký

Chiều đông nghe vẳng tiếng thơ Tạ Ký
Định viết cái gì để ghi nhận mình đang hiện diện trong thời khắc giao mùa - tống cựu nghinh tân - nhưng sao cứ lần khân mãi. Bóng câu như ánh chớp. Tân niên 2019 thập thò ngoài cửa. Sau một hồi "count down“ hô vang. Nhạc happy new year trỗi dậy. Pháo hoa bung nở đầy trời. Chào xuân mới tràn căng sức sống. Tôi lùi nhanh vào bờ bãi đón con sóng sau trườn lên chiếm lĩnh!
Mùa đông đã hiện diện. Khí trời trầm trệ. Thành phố mờ ảo trong lớp sương mù khô, tích tụ bởi khói bụi ô nhiễm lơ lửng sát mặt đất, phát sinh từ hoạt động của con người. Sài Gòn vốn chỉ có hai mùa mưa nắng - đông về chiếu lệ, có chăng thoáng chút se se vừa vặn tấm áo khoác mong manh làm duyên, làm dáng.
Ngồi trong thanh tịnh, nghe vắng tiếng thơ Tạ Ký (1928 - 1979) bài thơ ”Anh cho em mùa xuân" (tặng Phạm Công Thiện), cứ như kim châm buốt tim. Nỗi buồn được bóc đến tận cùng lớp lõi bên trong khiến hương sầu bay lên lên cay mắt!
Mỗi đêm một gói thuốc
Hút nhiều nứt cả môi
Nỗi buồn không nói được
Nỗi buồn ăn vào tôi
Trời mùa đông rừng núi
Đời mùa đông vô cùng!
Bánh xe nào tung bụi
Nhịp chim nào đã ngưng
"Anh cho em mùa xuân”
Giọng ca buồn quá sức!
Cô gái đầu cúi gục:
Anh cho em mùa xuân
Mớ tóc xanh đã bạc
Mớ môi hồng đã phai
Anh cho em gió lạ
Anh cho em mưa dài!
Trời mùa đông rừng núi
Đời mùa Đông vô cùng
Hút thuốc trong bóng tối
Khói có bay lên không?
Nỗi buồn rụng xuống lênh láng theo bọt tràn men cay bên quán cóc vỉa phố Chợ Đũi* nằm ngay ngả tư Trần Quý Cáp và Lê Văn Duyệt (nay là Võ Văn Tần và CMT8), quận 3 Sài Gòn - đoạn đường có hai hàng me xanh quanh năm - nơi gặn gỡ bằng hữu tri kỷ túy lúy có hôm quá giờ giới nghiêm bị hốt về bót.
Buồn như ly rượu cạn, 
Không còn rượu cho say. 
Buồn như ly rượu đầy, 
Không còn một người bạn. 
Buồn như đêm khuya vắng, 
Qua cửa sổ trông trăng. 
Buồn như em nói rằng: 
Nhớ anh từng đêm trắng. 
Buồn như yêu không được 
Dù người yêu có thừa. 
Buồn như mối tình xưa 
Chỉ còn dòng lưu bút. 
Buồn như buồn như thế, 
Buồn như một kiếp người. 
Đây coi lòng quạnh quẽ 
Buồn như đóa hoa rơi! 
(Buồn Như - Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)
Mâu thuẫn và bi kịch của nhà thơ là ở chỗ: nhập cuộc - kỳ vọng - rồi thất vọng - bế tắc! “Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất” chỉ còn là những huyền từ hoa mỹ rỗng ruột.
… “Thuở xưa kia mười tám, hai mươi
Có chàng trai cười vẫn nở trên môi
Tin tưởng lắm chuyện trên trời dưới đất
Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất
Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm!
Khi ba mươi biết được chuyện xưa lắm
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ
Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ
Rồi cô đơn như một trẻ chăn cừu
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu
Tôi hốt hoảng như một người phạm tội
Tôi muốn chạy nhưng mà đường nghẽn lối
Chúa thì xa Phật cao vút từng không
Tiếng chuông Chúa không ru hồn kẻ khổ
Một chiếc linh hồn mang mang thiên cổ
(Thêm buồn - Tăng Lê Khắc Lý)
Theo Phong Châu: “Tạ Ký là một nhà giáo nhưng anh không có mấy cái dáng dấp của một nhà mô phạm. Với bản chất là một nghệ sĩ, một người ưa phiêu bạc, anh có rất nhiều bạn bè, yêu mê đến cuồng nhiệt cái “chân thiện mỹ" mà anh nói là “khó có được” lẫn những cái “xấu” “đáng yêu mà anh bắt gặp rất nhiều…”
Hà Thượng Nhân nhận xét: “Tạ Ký là một thiên tài. Anh hình như có một tâm sự u uất gì đó, không thể nói ra lời. Cho nên cố quên bằng rượu. Ngày nào cũng uống lade, không phải một chai mà là cả két. Lại phải uống ở chợ Đũi mới ‘đã’…”
Thơ Tạ Ký thấm đẫm nỗi buồn hoang liêu giá lạnh, ngập ngụa không gian: Trời mùa đông rừng núi/ Đời mùa Đông vô cùng/ Hút thuốc trong bóng tối/ Khói có bay lên không?. Thái độ hoài nghi - Dẫu sao đó cũng là tâm thế: bằng lòng hay không bằng lòng. Chuyện băn khoăn chọn lựa trước thời cuộc xưa và nay đâu phải ít người hành xử như Tạ Ký.
Mấy vần ngắn xin chia sẻ cùng thi sĩ.
“Sầu ở lại”*, cho đời tan chảy
Đầm đìa lịch sử trút  nguồn cơn
Bọt tràn ly, nỗi buồn nốc cạn
Trống vắng cõi người, ta cô đơn!" (PVT)
Khi tôi viết những dòng này đất trời chuyển mình sang xuân. Hy vọng vũ trụ tràn đầy nắng ấm và thơ Tạ Ký thôi không buồn nữa.
*Tập thơ Sầu ở lại của Tạ Ký, ấn hành 1970, được giải thưởng Văn học Nghệ thuật TT 1971 - (Tham khảo nguồn: thaita.wordpress.com)
Phan Văn Thạnh
Theo https://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...