Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Đêm qua sân trước một cành mai

Đêm qua sân trước một cành mai
Lời tựa
Những mẩu chuyện này được viết trong những ngày cuối hạ, đầu thu 1988.
Lúc đầu, tác giả không có ý định xuất bản, chỉ muốn tập hợp lại vài tâm tư và quan sát trong nhiều năm qua, cho một số bạn hữu và chính mình. Vì vậy, người viết cảm thấy tự do, không ngại sử dụng nhiều ý tứ và cách dùng chữ xạ lạ khó hiểu. Người đọc, có ai tìm được vài pháp lạc thì đó là niềm vui cao quý cho tác giả.
Tập truyện này xuất bản được là nhờ khuyến khích và giúp đỡ từ nhiều phía. Xin chân thành cảm ơn tất cả. 
Tháng 2 năm 1989
Nguyễn Tường Bách
Lời tựa in lần thứ hai
Hơn mười năm sau khi in lần thứ nhất ở nước ngoài, tập truyện Đêm qua sân trước một cành mai (1) được in lại lần thứ hai với vài bổ túc nhỏ.
Tác giả trân trọng cảm ơn Nhà Xuất bản Trẻ đã tạo điều kiện cho cuốc sách này được ra đời.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng mười hai năm 1999
Nguyễn Tường Bách
“Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, trích trong bài kệ của Thiền sư Mãn Giác.
Mãn Giác (1052-1096) tên thật là Lý Trường, người đất Lũng Triền, hương An Cách. Theo các nhà địa lý học lịch sử Hà Bắc thì nay đó chính là xã Lũng Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc.
Ngài xuất thân dòng hoàng tộc. Cha là Lý Hoài Tố, từng làm đến chức Trung thư ngoại lang dưới hai triều Lý Thánh Tông (1051-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1128). Thiền sư Mãn Giác thuở nhỏ được vua Lý Nhân Tông sủng ái, đặt tên là Hoài Tín. Ngài xuất gia, được thiền sư Quảng Trí trụ trì chùa Quân Đinh truyền tâm ấn. Ngài tiêu biểu là truyền thừa thứ tám của dòng Thiền Quang Bích.
Ngày 30-11-1096, sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc kệ rằng:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
“Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”
(Ngô Tất Tố dịch)
Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) là tên của người đời sau đặt và cho đến nay, bài này vẫn được xem là bài kệ duy nhất mà người đời sau tìm thấy được, mặc dù Ngài viết rất nhiều.
Thân thế của Thiền sư Mãn Giác được trích trong bài “Mãn Giác và bài thơ nổi tiếng của ông”, tác giả Nguyễn Huệ Chi đăng trong Tạp chí Nhà Văn số 1-2000
Xin khiêm cung đa tạ. 
Chuyện người kỹ nữ
Vùng nọ, có một đô thị sầm uất, dân cư đông đúc, khí hậu điều hòa. Thương thuyền lui tới tấp nập bất kể ngày đêm, người đi như hội.
Đô thị ngày càng mở rộng nhưng chỗ đẹp nhất vẫn là khu phố cổ, nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp ẩn mình dưới hàng liễu rũ xanh tươi. Khách xa tới đây đều tấm tắc khen là thiên đường hạ giới.
Trong khu phổ cổ có một kỹ viện, xây dựng lên từ đời nào không rõ. Kỹ viện có nhiều nàng kỹ nữ xinh đẹp, múa rất hay. Thương nhân đến đây lắm kẻ quên đường về.
Trong các nàng kỹ nữ, có một nàng kiều nữ, mặt đẹp như ngọc. Nàng không múa bao giờ, chỉ ca hát. Đặc biệt nàng tự ôm đàn, vừa đàn vừa ca, không hát cùng ai, không để cho ai đàn họa theo. Hàm răng trắng đều, nàng thường nở nụ cười tuyệt đẹp. Khách ra về bâng khuâng không biết lưu luyến tiếng hát hay nụ cười. Tông tích người kỹ nữ này không ai rõ, chỉ biết nàng đã vào kỹ viện rất sớm. Cũng không ai biết ai dạy nàng hát, chỉ thấy mỗi lần hát, nàng đưa hồn vào lời ca tiếng hát, khách nghe đôi khi không biết mộng hay thực. Khách yêu tiếng hát thì nhiều nhưng không ai dám hỏi nàng làm vợ. Còn nàng thì hình như cũng chẳng thiết tha tới ai, sống một mình một bóng.
Ngày qua ngày, người kỹ nữ hát càng điêu luyện, nhưng nàng chỉ còn thích hát một vài bài đắc ý, mỗi lần hát hầu như nàng lạc qua một thế giới khác.
Một buổi chiều kia, trời mưa dầm, nàng cảm thấy cô đơn vô hạn. Khách nghe thì nhiều nhưng thế giới hầu như trống rỗng, vắng lặng. Nàng nhìn mưa rơi tự hỏi “trời đất bao la thế này thôi sao, trượng phu quân tử chỉ chừng đó thôi sao?”
Nàng bất giác ôm hồ cầm:
Tích tịch tình tang
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ.
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường hề! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương, biển Đông nổi sóng sinh cuồng loạn
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong heo hút cát chạy đá giương
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về phương Nam, trời Nam mờ mịt.
Có người quá chén như điêng như cuồng (1)
Hát xong lệ tuôn như mưa, khách nghe ngậm ngùi, không ai nói điều gì.
Bỗng trong đám người nghe, có một người khách lạ đứng dậy nắm lấy cây hồ cầm. Người này có vẻ là một lữ hành, áo quần mang nét phong sương, mặt còn trẻ, dáng điệu có chút bối rối. Vừa so dây, người lữ khách vừa nói:
Chú thích:
(1) Trích Hồ trường, một sáng tác của Nguyễn Bá Trác (đầu thế kỷ 20).
- Mời nàng hát lại bài Hồ trường, lần này ta xin đàn cho nàng hát.
Người kỹ nữ ngỡ ngàng nhìn lữ khách. Nàng chưa kịp nói gì thì y đã tấu lên vài tiếng nhạc. Đàn hồ cầm vốn quen nhạc réo rắt, nhưng trong tay kẻ lữ hành lại khác hẳn. Âm sắc vang lên ấm như mùa xuân, tươi như hoa nở, sáng như bình minh.
Tích tịch tình tang
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ.
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây (1)
Cùng tiếng đàn của người khách lạ, nàng cảm giác như có đôi nam nữ sóng vai nhìn bốn phương tám hướng, niềm cô đơn tan biến tự bao giờ.
Nàng vừa hát xong, còn vương niềm vui sướng, người lữ khách đã đặt cây hồ cầm lại chỗ cũ, nói:
- Đường vào đạo có tám vạn bốn ngàn ngõ, thanh âm cũng là đạo. Trong các loại thanh âm thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất.
Chú thích:
(1) Trích Hồ trường, một sáng tác của Nguyễn Bá Trác (đầu thế kỷ 20).
Người kỹ nữ nghe câu nói, không kịp suy nghĩ gì thêm, nàng ngước mắt nìn lữ khách, mắt long lanh, muốn hỏi tên tuổi. Y im lặng đầm ấm nhìn lại, không nói gì, xoay người đi thẳng.
Mấy ngày sau, chiều nào người kỹ nữ cũng đợi lữ khách nọ trở lại. Nhưng ngày qua ngày không còn thấy tăm dáng của người đó đâu. Ngỡ rằng y là thương nhân, nàng ra phố xá, bến sông để tìm kiếm, nhưng y vẫn biệt tăm.
Sau một thời gian chờ đợi, người kỹ nữ tuyệt vọng, ngày càng mòn mỏi. Nàng chỉ biết hát bài Hồ trường, tự ôm đàn mà hát, lời ca càng ảo não hơn xưa.
Cứ thế, ngày qua ngày, mấy mùa xuân trôi qua nàng không còn để ý tới.
Một sáng kia, còn chưa tỉnh giấc, nàng bỗng nghe tiếng hát:
Như mẹ hiền thương yêu con một
Dám hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như bể như non (1)
Chú thích: 
(1) Kinh Từ Bi (Metta-Sutta), Kinh ngắn gồm 10 đoạn, mỗi đoạn 4 câu.
Nàng nhìn qua cửa sổ, thì ra đó là tiếng hát của một bà cụ ăn xin. Cụ bà ngồi bên vệ đường, đầy người qua kẻ lại. Mặt mày ủ dột, vai mang một cái bị nhỏ bạc màu. Giọng người ăn xin yếu ớt, sắc âm thô kệch, nhưng lời ca nghe rõ từng tiếng. Khách qua đường không mấy ai để ý, nàng thương xót sai trẻ cho ít nắm cơm.
Ngày tháng trôi qua, tuy không nguôi thương nhớ người lữ khách ngày xưa, nàng kỹ nữ cũng không còn mong ngày gặp lại. Còn cụ bà ăn xin ngày nào cũng ngồi xin gần cửa sổ của phòng nàng, chỉ thuộc vỏn vẹn một bài hát, hát lui hát tới chỉ một bài đó. Nàng kỹ nữ nghe hoài cũng thuộc lòng.
Một buổi sáng kia, nàng thức giấc lúc bình minh chưa rạng hẳn. Đứng ngắm mặt trời vừa lên, nàng bổng nhớ âm sắc rực sáng của tiếng đàn người lữ khách chiều nọ. Hốt nhiên nàng cất tiếng hát bài ca của bà cụ ăn xin, đưa hồn vào từng ý nhạc. Nàng đứng nghe tiếng mình hát như nghe tiếng ai hát. Đến đoạn:
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở nơi xa
Đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc. (1)
Bỗng nhiên nàng như lạc vào thế giới của chim chóc đang sống xung quanh. Tiếng chim hót dường như không phải chỉ có nhạc mà còn có lời, bỗng một tiếng chim cất lên:
- Vái chào cô nương! Vái chào cô nương!
Nàng ngỡ ngàng nhìn quanh. Bỗng một con chim câu sà xuống bên cạnh, nàng nhìn chằm chặp, hỏi chim:
- Ngươi hiểu tiếng người, hiểu ta nói chăng?
Chim đáp:
- Em hiểu cô nương, hiểu cả ý tứ cô nương nữa. Cô nương hát hay lắm nhưng âm thanh buồn quá.
Nàng kỹ nữ ngạc nhiên cười khanh khách nhưng giọng bỗng chùng xuống:
- Ta buồn sao ngươi biết được?
Chim câu thong thả trả lời:
- Cô nương buồn vì gã thiền sư đó, ai lại không biết.
Nàng kỹ nữ ngạc nhiên cực độ. Chim hiểu ý nói tiếp:
- Người gảy đàn cho cô nương mấy năm về trước là một gã thiền sư phiêu bạt, không gia đình, không bè bạn.
Nàng nửa tin nửa ngờ hỏi:
- Thiền sư sao vào kỹ viện nghe hát?
- Gã thiền sư đó đã tu dưỡng tới trình độ phi thường, nhưng y vướng nghiệp mê tiếng hát kỹ nữ. Có lần y đi khất thực, bên song nghe tiếng hát của cô nương…
Nghe nói đến người lữ khách, nàng hỏi dồn dập:
- Thế bây giờ y ở đâu, ta còn gặp lại y được nữa không?
Chim lắc đầu:
- Y đã qua cảnh giới hòa âm thiên, một thế giới xây dựng thuần túy bằng thanh âm, y không trở lại đời này nữa.
Nghe xong, nàng kỹ nữ hết sức đau đớn. Nàng ôm đàn nức nở:
Giờ còn mong chi người hát theo đàn
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn
Lời đàn năm xưa xe kết đôi lòng
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời (1).
Chú thích:
(1). Trích Cung Đàn Xưa, nhạc Văn Cao
Tiếng đàn giọng hát chưa bao giờ u uất như vậy. Cùng tiếng hát, nàng bỗng chốc đi vào một thế giới mưa gió sầu thảm, xa xa có tiếng suối reo sóng vỗ. Khắp nơi nước xanh trong một màu, không còn tiếng chim chóc nữa.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, nàng lại cất tiếng hát với ước mong gặp lại chim để hỏi chuyện thiền sư. Nhưng lần này nàng không rời bỏ được tâm ý loài người. Nàng hát suốt một ngày bài ca ăn xin với hy vọng nghe hiểu được tiếng loài chim nhưng vẫn không được.
Ngày tháng trôi qua, nàng kỹ nữ thương nhở người lữ khách kia vô hạn nhưng tâm tư nhẹ nhàng thảnh thơi. Một ngày kia, nàng ngạc nhiên thấy mình rũ bỏ tâm bi lụy tự bao giờ. Tiếng hát vút cao:
… Nhưng thôi, tiếc mà chi,
Chim rồi bay, anh rồi đi
Đường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng
Gửi gió cho mây ngàn bay… (1)
Chú thích: 
1. Trích Gửi gió cho mây ngàn bay, nhạc của Đoàn Chuẩn, Từ Linh.
Một đêm trăng nọ, trăng sao vằng vặc, nàng ngắm ánh trăng đọng trên cành cây ngọn cỏ. Ánh trăng trong mát, soi sáng muôn vật, không sở cầu, không phân biệt. Lòng không gợn chút cầu mong, hồn nhiên như ánh trăng, nàng bỗng hát bài ca người ăn xin. Đến đoạn:
Tung rải từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng tình thương không giới hạn
Tầng trên, tầng dưới và khoảng giữa
Không vướng mắc, oán thù, ghét bỏ.
Bỗng nhiên, nàng thấy mình đi từ thế giới này qua thế giới khác, như đi cả vũ trụ. Tâm tư thế nào, thế giới ấy liền biểu lộ, không hề vướng mắc. mỗi thế giới đều có một thanh âm khác nhau, chỗ nhẹ nhàng, nơi bi lụy, chốn say đắm, nơi thâm trầm. nàng sực nhớ lời người lữ khách “Trong các loại thanh âm, thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất”. Vừa nhớ tới câu đó, một thế giới thù thắng hiện ra, đầy âm thanh mỹ diệu trầm bổng mà nàng chưa bao giờ được nghe.
Nàng đang bỡ ngỡ thì kẻ lữ khách năm xưa hiện ra, ánh mắt đầm ấm không hề thay đổi. Nàng bồi hồi cầm tay người lữ khách, mắt long lanh. Y cầm sẵn trong tay một cây đàn, vừa tấu lên vài tiếng nhạc, nàng cảm thấy sung sướng không thể nào tả xiết.
Từ đó, trong thế giới hòa âm đầy thiên nhạc có tiếng tịch tình tang của một cây hồ cầm.
Một ngày kia, nàng kỹ nữ muốn trở về thăm quê cũ. Lấy nhân dạng của một bà già, nàng quay lại phố xưa. Đô thị ngày càng phát triển nhưng khu phố cổ với những ngõ ngách dưới rặng liễu xanh vẫn không thay đổi. Kỹ viện xưa vẫn còn, kẻ ra người vào không ngớt. Nàng đi đến cửa sổ phòng ngày xưa của mình, cảnh vật không hề đổi thay, kẻ ăn xin ngày nay nhiều hơn trước. Tại chỗ bà cụ ngồi ngày xưa, ai đã xây một cái miếu thờ, đề chữ “Hành Khất Miếu”. Nàng hỏi chuyện thì có bà cụ giải thích:
- Mấy mươi năm trước, có một bà cụ ăn xin ngồi đây từ năm này qua năm khác. Bỗng một buổi tối sáng trăng, cụ đứng dậy bỏ đi. Có người hỏi đi đâu, cụ nói: “Chuyện cần làm đã làm xong, ta không trở lại đời này nữa”. Nói xong biến mất. Có lẽ đó là một bà tiên giáng phàm thử lòng người trần. Từ đó dân chúng ở đây xây miếu thờ, hương khói không khi nào dứt.
Nàng kỹ nữ rùng mình, tới trước miếu thờ vái lạy. Trên bệ miếu, nàng thấy túi vải bạc màu của bà cụ ngày xưa. Mởi túi vải ra chỉ có một cuốn sách nhỏ nhàu nát ghi mấy hàng chữ, đọc kỹ chính là bài ca ngày đó. Gấp cuốn sách lại, bìa đề ba chữ “Kinh Từ Bi” (1).
Người kỹ nữ nao nao trong dạ. Thì ra bài này là một bài kinh, tên gọi là “Kinh Từ Bi”. Bất giác nàng ngồi xuống vệ đường, thương nhớ và biết ơn cụ già vô hạn, ca lại bài ca.
Trẻ con thấy một người ra vẻ ăn xin ca bài ca lạ tai, vỗ tay reo cười.
Trong kỹ viện, có ai đó vừa ngưng đàn.
Chú thích:
1. Kinh Từ Bi (Metta-Sutta), Kinh ngắn gồm 10 đoạn, mỗi đoạn 4 câu.
Người nuôi thú bên bờ biển
Bên bờ biển nọ, có một người nuôi thú, y cô đơn vì không có ai bầu bạn. Y nuôi gia súc từng đàn, nhưng không phải để kiếm ăn, vì không thấy y giết thịt bao giờ. Thú rừng, chim muông cũng kiếm ăn, làm tổ xung quanh căn chòi lá nghèo nàn của y. trẻ con thường đến thăm y, chơi với thú vật và nghe y hát.
Nhưng hình như y băn khoăn một điều gì không rõ. Những lúc chơi với trẻ con, y vẫn lẩm bẩm:
- Sinh vật trong thế gian nhiều vô số kể, cái gì giống nhau, cái gì khác nhau.
Lúc thú vật già bị chết đi, y đem chôn cẩn thận. Mỗi lần làm thế, y lại hỏi lũ trẻ:
- Thú này sẽ đi về đâu?
Trẻ con ngẩn ngơ không hiểu. Chiều chiều, y thường ra biển ngắm trời mây và ngẫm nghĩ điều gì. Trẻ con thấy y chăm chú nhìn từng đợt sóng dồn và nghe y giải thích rằng cứ sau bảy tám đợt sóng thì đợt sóng kế tiếp vỗ vào bờ theo như dạng của đợt sóng đầu tiên. Nhìn sóng nước, y lại lẩm bẩm:
- Sóng vỗ cũng như sinh vật, không giống nhau mà cũng không khác nhau.
Trẻ con không để ý gì đến các thứ sóng lớn, sóng nhỏ. Còn y, dù bây giờ tiên đoán được sóng nào sẽ xuất hiện, nhưng xem ra càng tư lự hơn.
Một buổi chiều y cùng đám trẻ con ngồi xem kiến bò. Đàn kiến bò luân lưu thong thả như dòng nước chảy. Có lúc bị vật gì ngăn cản không rõ, kiến ùn lại từng đàn. Sau đó, đàn kiến lại thong thả bò tiếp. Trẻ con xem chán rồi bỏ đi, chỉ còn lại một đứa bé, nó hỏi:
- Đàn kiến ùn lại, đã đi về đâu?
Y chỉ đàn kiến đang bò. Đứa bé hỏi vặn:
- Không, đây là đàn kiến đang bò thong thả.
Y bỗng la lên một tiếng cực lớn, đứa bé giật mình kinh hãi.
Người nuôi thú xem ra hết băn khoăn. Y ca hát luôn mồm. Trẻ con đến chơi bắt chước hát theo, rằng: “Sóng không rời nước nhưng nước không phải sóng. Tứ đại khi có khi không, không đến từ đâu, không đi về đâu, không có phương hướng xứ sở gì”.
Người nuôi thú bình an và đàn kiến vẫn tiếp tục bò…
Con vượn lông đỏ
Vùng kia, có một ngọn núi lửa, mấy mươi dặm xung quanh không có người ở. Thú rừng, chim chóc cũng không sống được, cảnh vật vô cùng hoan vắng.
Trong vùng rừng núi đó chỉ có độc nhất một con vượn sống đã lâu. Vượn có màu lông đỏ như lửa, người ta gọi là “hỏa hầu”. Những lúc núi phun lửa, vượn vui mừng nhảy nhót, tắm mình trong ánh lửa. Vượn mê thích lửa hồng và hơi nóng, tự nhủ suốt đời sẽ không bao giờ xa ánh lửa.
Một thời gian dài, núi không phun lửa. Vượn trông ngóng đợi chờ, ngày càng bồn chồn. Bỗng một đêm khuya, y thấy từ xa một ánh đèn leo lét. Men theo ánh lửa, thì ra đó là trú xá của một tu sĩ. Kể từ đó, y làm bạn với người tu sĩ, ngày ngày hái hoa quả biếu tặng. Vị tu sĩ tụng kinh văn suốt ngày, vượn không hiểu gì nhưng y yêu thích tiếng tụng kinh ngân nga êm đềm ấy.
Vượn sống giữa ánh lửa và lời kinh như thế từ năm này qua năm khác. Một ngày kia, bỗng vượn khởi lên tâm ý muốn rời bỏ ánh lửa, tìm một nơi xa lạ. Tâm ý vừa khởi, vượn lập tức thấy mình đã ở cảnh giới khác, nhộn nhịp người qua kẻ lại. Vừa móng ý muốn thành người, hỏa hầu đã biến thành một con người cao lớn, lanh lẹ, quần áo chỉnh tề có sắc hồng nhạt.
Trong cảnh giới con người, y sống lẫn lộn không ai hay biết. Y ngạc nhiên nhận ra loài người có tâm ý cực kỳ phức tạp. Họ sống chung với nhau tưởng chừng như trong cùng một thế giới, nhưng cứ mỗi người lại ở một thế giới riêng biệt của mình. Các thế giới tiêng đó hòa vào nhau, tác động lẫn nhau, không trở ngại nhau, như hai nguồn sáng từ hai ánh lửa hòa vào nhau không ngăn lại. Tâm ý loài người càng phức tạp thì mỗi thế giới đầy buồn vui của họ càng biến ảo, chuyển dịch, phát triển không bao giờ ngừng nghỉ.
Sống một thời gian, vượn càng ngày càng sợ cảnh giới đầy hạnh phúc và đau khổ của loài người và càng nhớ tới ngọn núi đầy lửa và miền rừng hoang vắng của y.
Một ngày kia, y thấy dâng lên trong lòng niềm thèm khát một ngọn lửa hồng. Vừa móng ý, y đã đến một nơi vắng vẻ không người qua lại. Nhìn lên, trời mây đỏ như máu. Bỗng nghe tiếng ai than khóc, y lần bước bên đường. Nhìn người đàn bà kiệt sức, vượn thương xót, lấy nắm cơm bỏ vào tay. Cầm nắm cơm, người đàn bà bỗng la lên “lửa, lửa”, và đưa mắt nhìn vượn vừa sợ hãi vừa ái ngại.
Vượn ôm đầu đau đớn:
- Thì ra nghiệp lửa của ta nặng đến thế ư, tất cả những gì vào tay ta cũng thành lửa chăng?
Bỗng từ đâu xuất hiện một người trẻ tuổi, vẻ mặt buồn rầu. Y xót thương nhìn người đàn bà rồi lại vái chào vượn:
- Người hãy hoan hỉ, đó không phải là nghiệp của người, đó là nghiệp của mẹ ta.
Vượn phân vân không hiểu sao người kia biết được tâm mình thi người đàn bà bỗng ngước nhìn người đàn ông, mắt đầy bóng tối:
- Mục Kiều Liên, con không cứu ta được nữa đâu, tôi nghiệt ta đã quá nặng rồi.
Người đàn bà nói xong bỗng sấm trời vang dậy, điện quang sáng lòa, đại địa rung chuyển dữ dội, hất tung vượn lên cao. Vượn vừa uốn mình đứng vững thì nhác thấy trời mây đổi màu, xanh như ngọc. Thoảng nghe tiếng nói của Mục Kiều Liên:
- Mẫu thân, mẫu thân vừa tự cứu mình!
Lòng vượn dạt dào bâng khuâng, ước mơ trở về lối cũ. Ý vừa khởi, vượn đã về chốn xưa. Giờ đây rừng đã xanh tươi, miệng núi lửa đã trở thành một hồ nước trong xanh. Vượn ngơ ngác nhìn quanh thì thấy một cụ già vừa đến. Vượn vội rùng mình lấy nhân dạng, vái chào hỏi han cảnh vật. Cụ già đáp:
- Nơi đây ngày xưa là một vùng núi lửa, không có người ở. Thú rừng và chim muông cũng không hề lui tới. Đặc biệt chỉ có một con vượn lông đỏ sống đến già và chết ở nơi đây. Chỗ người đang đứng chính là chỗ chôn con vượn đó.
Lòng vượn nao nao, thì ra mình đã hết nghiệp làm vượn nhưng nghiệp lửa vẫn còn phảng phất nơi nắm xương tàn. Y bỗng nhớ tới vị tu sĩ ngày xưa vô hạn, không biết người đang ở cảnh giới nào.
Ý vừa khở, y bỗng thấy người tu sĩ đang tụng kinh văn, êm đềm như xưa. Lắng tay nghe lời kinh văn vẫn khó hiểu nhưng giọng tụng đầy âm thanh du dương sảng khoái. Vận dụng tâm ý loài người, bỗng vượn nghe lõm bõm ra mấy chữ “…muôn sự tại tâm, vạn pháp tại thức…”.
Y rùng mình tỉnh ngộ.
Người đạo sĩ bên gốc thông già
Vùng nọ, bên triền núi, có một rừng thông cổ. Thông mọc có đến hàng vạn cây, gió thổi rì rào, tiếng thông vi vu suốt ngày không ngưng nghỉ.
Trong rừng thông có nhiều loại chim muông, thú vật. Đặc biệt nhất là một loài chim phượng, chúng sống từng đàn nhỏ dăm ba con trên các ngọn thông và chỉ ăn trái cây rụng. Thân phượng to lớn, cành dài hơn thước, đen thẫm. Cổ chim trắng toát, chân và mỏ một màu đỏ đậm. Loài phượng này có tiếng kêu không hay, nhưng dáng bay cực kỳ mạnh mẽ, cánh quạt phần phật trong gió.
Một buổi trưa hè kia, rừng thông im vắng không một tiếng động. Loài phượng ngủ nghỉ trong các tàng cây, muông thú như chìm trong giấc ngủ dài.
Bỗng xa xa một dáng người đi tới, tốc độ rất nhanh. Nhìn kỹ đó là một người cao lớn, với áo trắng rộng bồng bềnh trong gió. Mặt mày xem ra như một tay võ nghệ, râu ria đầy cằm, lông mày chổi xề. Chân không mang giày vớ, để lộ đôi gót hồng như son. Ngoài một chiếc dép lắc lư trên tay, y không mang theo một hành trang nào khác.
Đến giữa rừng thông, y đưa mắt nhìn cỏ cây muông thú, ra chiều khoan khoái. Bỗng y nhíu mày, nhìn một cây thông cổ thụ, thân lớn phải đến mấy người ôm. Rồi rảo bước đến gốc cây, y cất tiếng nói:
- Kính chào lão trượng! Mừng người công đức sâu dày, che mát cho cả một vùng rộng lớn.
Tiếng nói nghe vang như sấm động. Chim chóc giật mình nghiêng đầu lắng nghe.
Bỗng có tiếng thông reo vi vu, âm lực cực kỳ thâm hậu rồi một giọng nói rất trầm phát ra từ cây thông cổ thụ:
- Kính chào đạo sĩ. Mời người yên nghỉ. Ta vừa trải qua môt giấc mộng dài. Duỗi chân trong đất đá, gối đầu trong mây gió, không phải là thú vị ư?
Thì ra người áo trắng là một vị đạo sĩ. Y ngước nhìn lên cây, thấy cành lá xanh tươi, chim muông quấn quít, ong kiến làm tổ từng đàn.
Người yên nghỉ ở đây kể cũng đã hơn trăm năm. Nhưng trước đó, hẳn người lắm nghiệp hồng trần, nợ nần trần thế? 
- Ha ha, ta làm kiếp người nhiều lần, làm vua quan cũng lắm. Loài người thật đáng xót thương, nên lần nào ta cũng dẫn dắt cho kẻ bần cùng, cứu giúp người cô thế. Như sen mọc trong bùn vẫn tìm cách vươn lên, loài người dù không mấy ai hiểu đạo, họ vẫn hướng về cái đẹp. Ai nỡ làm ngơ!
- Lão trượng nói phải. Đáng thương thay, loài người thời nào cũng thế, trước sau phải chịu nhiều đau khổ. Tuyệt đại đa số con người là trong sáng tốt đẹp, nhưng cũng chính đa số đó lại chịu nhiều đau khổ nhất.
Thông cổ thụ vi vu, nghe như tiếng thở dài:
- Thế giới của loài người cũng như mọi sinh cơ khác chịu ảnh hưởng của qui luật vi lượng thắng đạo (1). Chỉ một nhóm người rất nhỏ quyết định số phận của toàn thể địa cầu. Ngoài ra đâu phải chỉ có loài người tham gia vào quyết định đó. Biết bao tác động của thế giới song hành mà loài người không biết được. Ôi, làm thế nào giải thích cho hết được, ta đành chỉ làm những việc không tên.
Đạo sĩ nghĩ ngợi điều gì rồi nói:
- Đau khổ hay hạnh phúc khó nói cho tới cùng. Nhưng người đi đêm thấy cây gậy tưởng lầm con rắn và sinh lòng sợ hãi. Con rắn không có nhưng sự sợ hãi lại có thật. Khổ đau cũng như sợ hãi, nó không đáng có nhưng lại có thật. Xoa dịu những niềm đau đó là một hạnh nghiệp rất lớn. Mừng lão trượng đã đạt tới hạnh bồ tát. Thiền sư đi vào chợ, bồ tát giữa chốn triều đình, như thế mới gọi là thượng thừa. Xin hỏi lão trượng kiếp trước người ở đâu?
Chú thích:
1.“Vi lượng thắng đạo”, tạm dịch “thiểu số chỉ đạo”. Nghĩa: yếu tố có số lượng nhỏ đóng vai trò then chốt trong mọi hệ thống sinh cơ và xã hội.
Thông cổ thụ trầm ngâm một lúc:
- Kiếp vừa qua ta làm quan tại nước Việt, dẫn dắt dân nghèo, dạy nghề ruộng nương, kể cũng nhiều vui thú. Đã hơn trăm năm mà chúng dân vẫn còn nhắc tới Nguyễn Công Trứ (1).
Thình lình đàn phượng kêu xao xác. Từ xa bỗng bay tới một con chim cực lớn, sức bay cực kỳ khỏe mạnh. Chim bỗng đậu xuống cây thông cổ thụ, kêu “khặc khặc” mấy tiếng. Đây cũng là một con phượng hoàng, nhưng to gần gấp đôi loài phượng bình thường, lông từ đầu đến chân trắng như tuyết. Đàn phượng bông yên lặng, bay tới gần chim phượng trắng, quì xuống ra vẻ thần phục. Phượng trắng kêu “khặc khặc”, từ từ đến gần lũ chim phượng. Thân chim phát ra một khí lực ghê gớm, vừa mãnh liệt vừa nhu hòa. Thần điêu đi đến đâu, cỏ cây dạt tới đó.
Bỗng nhiên thần điêu kêu “khặc” một tiếng, đá tung một còn phượng đánh “chát”. Đàn phượng kêu thất thanh, lùi ra xa. Thần điêu không tha, bay lên thật cao, bất thình lình đâm bổ xuống tấn công chim phượng, rồi lấy đà bay lên lại, điệu bộ hết sức dũng mãnh. Đàn phượng kêu réo thất thanh rồi nhanh chóng bay đi mất.
Chú thích:
1. Nguyễn Công Trứ, sinh ngày 19.12.1778 làm quan dưới thời Minh Mạng, mất ngày 7.12.1859. Ông là tác giả hai câu thơ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Thông cổ thụ bắt đầu tiếng reo vi vu, còn người đạo sĩ trước sau không nói lời nào. Bỗng cổ thụ cất tiếng nói:
- Thần điêu, ngươi không biết thương xót lũ chim sao? Chúng muốn thần phục, tôn sùng người. Làm như thế sao đành?
Thần điêu cất tiếng nói:
- Vì thương xót lũ chim, ta đành phải tấn công chúng!
Đạo sĩ bây giờ mới lên tiếng:
- Tại sao vì lòng thương mà người làm cho chúng đau khổ?
Thần điêu “khặc” một tiếng:
- Ta vừa rời bỏ thế giới loài người. Loài chim cũng như loài người, chúng suốt đời đi tìm những nương tựa giả dối. Chúng cần lý thuyết, hệ thống; chúng cần giáo chủ, minh sư; chúng cần hình thức, danh tự; chúng tìm cách xây dựng một tòa nhà mà nội tâm chúng có thể an trú. Cho chúng những cái đó chỉ giúp cho những loại giả hợp đó thêm kiên cố, càng làm cho chúng xa lìa chân lý, đẩy chúng thêm trôi lăn trong biển sinh tử.
Thần điêu nói tiếng người hết sức khúc chiết, nghe như một người thầy giáo.
Thông cổ thụ bỗng cất tiếng nói:
- Người khỏe manh biết đi thì để họ đi, người đi không được thì cần cho họ một chiếc gậy. Đạo bao la như trời biển, cho nên học đạo phải có chỗ bắt đầu. Lý thuyết hệ thống chỉ là phương tiện, nhưng lại là phương tiện cần thiết. Tỉ như họ trò đang ồn ào, thấy giáo phải gõ bàn cho học tro yên, khi học trò yên rồi, tiếng gõ bàn tất nhiên cũng phải dứt.
Giọng cây cổ thụ cực kỳ đầm ấm, nội lực phát ra nhu hòa đôn hậu.
Thần điều lắc đầu:
- Tiếng gõ bàn của thầy giáo ngày hôm nay trong thế giới loài người chỉ gây thêm hỗn loạn. Ta đã thử và vứt bỏ mọi phương pháp. Cuối cùng ta chỉ còn nhắc lại lời của Thích-ca dể nói với muôn loài “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy y tự nơi chính mình, đừng y tựa người khác”. Như một chén nước đã đầy, không thể rót thêm được gì. Loài người hôm nay đã đầy mọi lý thuyết và hệ thống, mỗi hệ thống đều đi tìm chân lý, thượng đế, tâm vật… Xin hỏi đạo sĩ, trả lời với loài người sao về chuyện đó?
- Đạo sĩ áo trắng nhíu mày:
- Đáng thương tay hành tung của ý thức, cưỡi trâu đi tìm trâu không phải là dạy dột lắm sao? Thượng đế chan hòa khắp nơi, đầu cây ngọn cỏ còn có. Ngài ngủ trong dạng đất đã, mơ màng dạng cỏ cây, thức dậy trong dạng muông thú, hoạt động trong dạng con người. Tâm vật như hai mặt của một đồng tiền, chúng hoán chuyển lẫn nhau, sinh thành ra nhau, không có cái nào trước, cái nào sau. Như ngươi vừa từ trên cao đâm xuống xua đuổi lũ chim, độ cao và tốc độ đã sinh thành ra nhau, cái này mất thì cái kia có, cái này giảm thì cái kia tăng. Vậy nên:
Thần dữ vật
Nhất tụ nhất tán, nhất tiến nhất thoái
Nhất động nhất tĩnh, nhất hạp nhất tích
Đồng quy nhi thù đồ (1) 
Chú thích:
1. Tạm dịch:
Thần đối với vật
Một tụ một tán, một tiến một thoái
Một động một tĩnh, một đóng một mở
Khác lối nhưng cùng về
Trên cành cây, đàn chim phượng đã trở lại lúc nào không rõ, nghiêng đầu lắng nghe, im lặng không dám kêu tiếng nào.
Đạo sĩ nhìn thần điêu:
- Krishnamurti(1), ngươi là thầy của các bậc thầy, hãy tùy phương tiện mà chữa bệnh cho chúng sinh.
Nói xong, đạo sĩ quay người đi thẳng. Thần điều trân trối nhìn theo, gọi lớn:
- Đạo sĩ, người là ai?
Đạo sĩ cười ha hả:
- Sự vật không có hình tướng, không có danh hiệu, sá gì một cái tên người đời đặt cho.
Chú thích:
1. Krishnamurti được xem là thầy của các bậc thấy trong thế kỷ 20. Ông sinh ra ngay 25.5.1897 tại Mandras trong một gia đình Ấn Độ. Năm 15 tuổi, người ta đã khám phá ra ông là một “thánh nhân” và đưa sang Anh Quốc giảng dạy trong khuôn khổ một giáo phái. Sau một thời gian thử nghiệm, ông giải tán “Hội ngôi sao Đông phương”, vứt bỏ mọi lý thuyết hệ thống, từ chối mọi phương pháp kỹ thuật, kể cả những phương pháp cổ điển như tham thiền. Ông đi mọi nơi, chuyện trò với mọi giới, kể cả học sinh trung học, chỉ cho họ thấy “cơ chế tâm lý” của mọi khái niệm vốn là giả hợp, danh tự. Theo cách nhìn của đạo Phật, ông chủ trương “kiến tánh thành Phật”, Henry Miller đã nói về ông “Sau một thời gian dài khổ công tìm kiếm, tôi đã tìm được vàng ròng”. Krishnamurti mất ngày 14.12.1986.
Tiếng cười vang động cả một vùng sơn cốc.
Thần điêu đậu trên cao, nhìn theo dáng đạo sĩ ngày càng xa, lung linh trong nắng. Y nhìn theo chiếc dẹp lắc lư trên tay đạo sĩ, bỗng nhớ ra điều gì, “khặc” một tiếng rất lớn rồi vừa bay theo vừa gọi:
- Bồ đề Đạt ma (1) xin đợi, cho ta hỏi một lời!
Gió bỗng thổi mạnh, thông cổ thụ reo vi vu trong nắng.
Chú thích:
1. Bồ đề Đạt ma, Sơ tổ của thiền Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Đạt ma là tổ thứ 28 sau Thích-ca Mâu-ni của dòng Thiền Ấn Độ, sinh năm 470. Năm 520, Đạt ma từ Ấn Độ đến Trung Quốc, giảng pháp cho Lương Vũ Đế không thành, lên núi Tung Sơn, đến Thiếu Lâm tự. Ở Thiếu Lâm tự, Đạt ma áp dụng phép “diện bích”, ngồi nhìn vào tường chín năm trời. Sử không nói rõ Đạt ma mất tại Thiếu Lâm tự hay rời Trung Quốc về Ấn Độ sau khi ngài truyền ấn lại cho Nhị tổ. Theo một truyền thuyết khác thì Đạt ma sống tới 150 tuổi và được chôn tại Hồ Nam. Sau đó có người thấy Đạt ma trên núi Hồng Nhĩ, tay cầm một chiếc dép. Về báo cho học trò, học trò đào tháp lên thì thấy trong quan tài không có gì cả, chỉ còn một chiếc dép.
Gã chèo đò và sáu cây chùy
Vùng nọ, trên bến sông, có một gã chèo đò gốc gác từ đâu không ai rõ. Không có vợ con gia đình, y sống bằng nghề chèo đò ngày này qua ngày khác.
Đặc biệt, trên chiếc đò, y luôn luôn đem theo sáu cây chùy. Chùy bằng gỗ lim, năm cây có hình dáng giống nhau, riêng cây thứ sáu lớn gấp đôi các cây kia. Những đêm trăng sáng, y chèo thuyền ra giữa dòng sông, múa chùy suốt đêm, la hét om sòm. Y đổi từ chùy này qua chùy khác, nhưng không hế thấy y đụng tới cây chùy thứ sáu.
Nhiều người lấy làm lạ, hỏi chuyện múa chùy, y trả lời:
- Ta múa chùy chống mấy tên giặc.
Rồi cười ha hả nói tiếp:
- Người đời cho rằng có năm tên giặc, ta bảo rằng sáu, nên có sáu cây chùy.
Không ai hiểu gì cả, vì vùng này làm gì có giặc, nhất là chẳng có ai gây sự với một gã chèo đò như y. Trẻ con tò mò hỏi sao y không múa cây chùy lớn, y bảo:
- Cây chùy này đặc biệt, công lực của ta chưa sử dụng được.
Càng không ai hiểu.
Càng ngày y múa chùy càng nhiều, có lúc múa không kể ngày đêm.
Một chiều nọ, bên bờ sông, trẻ con thấy y lảo đảo tay ôm mặt, tay ôm chùy. Thì ra trong lúc múa chùy, y vô ý tự đập vào mặt mình. Vài ngày sau người ta thấy y mù cả đôi mắt, đang quờ quạng trên bến sông. Sau đó vào một đêm trăng sáng, có người thấy y ra giữa dòng sông ném một cây chùy trôi theo dòng nước. Hỏi, y trả lời:
- Mắt đã mù rồi, đâu cần cây sắc chùy nữa.
Giọng nói ra chiều sảng khoái.
Sau khi mù, công lực y lại ngày càng mạnh mẽ. Y bắt đầu múa cây chùy lớn, gió lộng ù ù. Thời gian sau, người ta thấy y chỉ múa chùy lớn, không thấy đụng tới các cây chùy nhỏ. Nhiều đêm y lấy một cây chùy nhỏ tên gọi là “thanh chùy” gõ mạn thuyền mà ca. Lời ca khó hiểu, tiếng ca khàn đục, nhưng âm sắc vô cùng thanh thản.
Một buổi sáng trên bờ sông, trẻ con thấy y múa chùy như vũ bão. Bỗng y dừng lại rất lâu rồi “chat” một cái, y đập mạnh cây chùy lớn xuống mặt nước. Công lực gã chèo đò thật kinh người. Cây chùy bằng gỗ lim đập xuống dòng nước mà vỡ ra từng mảnh, bập bềnh trôi trên sông. Trẻ con tiếc rẻ chạy theo cây chùy, y cười ha hả mà rằng:
- Một niệm cũng không còn thì cần cây chùy này làm gì nữa.
Sau đó gã chèo đò bỏ đi đâu cũng không ai rõ.
Tên tiểu đồng trên cây đào tiên
Ở cảnh giới nọ, có một tên tiểu đồng tử lai lịch không ai rõ. Dáng người y cục mịch. Hai bên trán, tóc để hình hai trái đào, ai nấy cũng thương mến, muốn xoa đầu.
Y suốt ngày rong chơi không chịu tu tập. Mỗi buổi sáng lúc chúng hội tụ tập nghe bồ tát giảng kinh, thuyết pháp, thì không ai thấy y đâu cả. Bồ tát dùng thiên nhãn sáng soi thường thấy y ngồi trên cây đào tiên hái trái.
Gần chốn vườn đào có một ngọn núi đá hoa cương. Núi cao lớn hùng vĩ, đá hoa cương bong ngời dưới ánh sáng, hòn núi toát ra một cương khí ngất trời. Cho dẫu là một tên đồng từ nghịch ngợm, không biết sợ là gì, y cũng chưa bao giờ dám leo lên núi.
Một ngày kia, bỗng có một lão trượng tới từ đâu không rõ, tay cầm một miếng vải nhung. Lão trượng thoăn thoắt leo lên núi, lấy khăn nhung chùi đỉnh núi một cái rồi leo xuống, điệu bộ dễ như trở bàn tay. Tên đồng tử ngây người đứng nhìn, lòng vô cùng khâm phục. Y chạy tới vái chào hỏi han lão trượng, người đáp:
- Ta leo lên chùi núi đá để hiểu thế nào là “thời gian”.
Lần đầu tiên nghe nói đến hai chữ “thời gian”, đồng tử không hiểu là gì, lại càng không hiểu tại sao phải chùi núi đá mới hiểu được thời gian. Y đoán thầm đây là một phép tu khổ hạnh đặc biệt. Thấy lão trượng hiền từ, y hỏi tiếp:
- Tại sao chùi núi đã mới hiểu được thời gian?
- Trong kinh, Thích-ca có nói về “thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai”. Ta không hiểu thời gian là gì, và chúng hội ở đây cũng không ai biết. Đọc kinh sách ta biết rằng muốn hiểu được thời gian là gì chỉ có một cách là mỗi lần hoa đào nở thì leo lên đỉnh, dùng miếng vải nhung này mà lau núi đá. Cứ như thế cho tới lúc núi đã mòn hết thì đó là một “tiểu kiếp”. Cứ năm trăm “tiểu kiếp” là một “đại kiếp”. Ta lau núi đá gần một đời mà xem ra chưa thấm vào đâu với một “tiểu kiếp”. Mới hay thời gian là tuyệt đối vô cùng, vô tận.
Tên đồng tử nghe xong lắc đầu le lưỡi, tưởng tượng ngẫm nghĩ; cố gắng tới mấy y vẫn nghĩ không ra bao giờ núi mới mòn, càng không hiểu thời gian là gì.
Một hôm tên đồng tử ngồi trên cây đào nghe chúng hội đi phía dưới tụng đọc:
Đức Thế Tôn cao cả
Ba cõi chẳng ai bằng
Không hiểu “ba cõi” là gì nhưng sợ bị la mắng không lo tu học, y không dám hỏi chúng hội cũng chẳng hỏi han bồ tát, y đành nắm áo hỏi lão trượng:
- Tiểu đồng tử xin hỏi “ba cõi” là gì?
- “Ba cõi” chính là không gian vô cùng vô tận.
Tên đồng tử vẫn chưa hiểu:
- “Không gian” đo đâu sinh?
- Đồng tử hỏi chuyện ngớ ngẩn, không gian có sẵn, không sinh không diệt.
Y vẫn không hiểu rõ lắm không gian là gì, chỉ biết đại khái không gian to lớn lắm.
Càng lớn, y càng ham chơi không chịu tu học.
 Ngồi tham thiền, y thấy đau lưng, kinh văn thì khó hiểu, tụng đọc càng mau chán.
Một ngày kia, y khám phá trên cây đào tiên một trái đào đỏ chín to lớn chưa từng thấy. Y vội hái trái đào, nhưng trước khi ăn, y cẩn thận bẻ trái đào ra. Trong ruột trái đào bỗng bò ra một đàn kiến. Y đang mứng suýt phải ăn nhằm kiến, bỗng nghe tiếng ai nói:
- Chư huynh đệ, đây là đâu?
Đồng tử ngơ ngẩn nhìn quanh, không thấy ai cả. Y nhìn lại thì mới phát hiện kiến biết nói. Y khoái chí nhìn đàn kiến, lắng nghe chúng nói chuyện. Mấy tên kiến nhìn quanh quẩn, bỗng một tên cất tiếng nói:
- Chưa biết đây là đâu nhưng rõ ràng chúng ta đã tự giải thoát khỏi cảnh giới loài kiến chúng ta.
Tên đồng tử cười thầm “Ruột trái đào mà cũng gọi là cảnh giới, nghe đúng giọng các tên mọt sách”. Một tên kiến khác lên tiếng:
- Chúng ta tu dưỡng đã lâu, nay vừa tới ngày đắc đạo.
Đồng tử muốn cười thành tiếng “Nếu ta không bẻ trái đào ra thì chúng bay đã nằm trong bụng ta rồi, liệu còn đắc đạo nữa ư?”.
Một tên kiến khác trầm ngâm chưa nói, bây giờ mới lên tiếng:
- Chúng ta tu học biết bao nhiêu kiếp, kể ra cũng vài trăm năm chứ không vừa.
Nghe tới đây tiểu đồng tử nhớ lão trượng và “tiểu kiếp” của lão vô cùng. Y không hiểu “vài trăm năm” là gì, nhưng nghe có vẻ lâu dài lắm. Nhưng đào này cũng mới kết trái đây thôi thì có gì là lâu?
Bỗng một tên kiến quy đầu nhìn một tên khác, hỏi:
- Đại sư huynh, phong cảnh thế giới này hình như có gì hơi khác.
Tên kiến này được gọi là “đại sư huynh” nhưng thân hình y lại nhỏ con nhất trong bọn, trước giờ chưa nói tiếng nào, râu ngo ngoe mấy cái rồi phán:
- Ta ngờ rằng chúng ta đã qua một không gian khác, khác với không gian loài kiến của chúng ta.
Đồng tử lại cười thầm “Từ ruột trái đào chui ra thì tất nhiên là khác rồi, có gì mà ngờ với không ngờ”.
Tên kiến sư huynh nói tiếp:
- Không gian tùy theo nghiệp của chúng sinh mà sinh diệt. Loài kiến chúng ta là một loài sống trên mặt phẳng, nên không gian của chúng ta là mặt phẳng, không gian chúng ta chỉ có hai chiều, bề ngang và bề dọc.
Nghe tới đây, tên đồng tử tự nhủ “Ruột trái đào thì tròn, nhưng các tên kiến bé nhỏ nên chúng cứ tưởng sống trên mặt phẳng, ha ha”. Đàn kiến yêu lặng nghe sư huynh của chúng giảng tiếp:
- Vì vậy, chúng ta không thể tưởng tượng ra và cảm nhận được các loại không gian khác nhiều chiều hơn. Trong kinh sách có nói về không gian của một loài tên gọi là “loài người”. Không gian của các vị ấy có tới ba chiều. Ngoài chiều ngang và chiều dọc như chúng ta, họ còn có một chiều nữa gọi là “chiều cao”. Thời gian và không gian của loài ngươi khác hẳn thời gian và không gian của chúng ta. Thân thể họ lớn gấp muôn lần thân thể chúng ta, thọ mạng họ cũng dài gấp muôn lần đời sống chúng ta.
Lần đầu tiên nghe nói đến hai từ “loài người”, nên tên đồng tử chú ý lắm.
Đàn kiến ngơ ngẩn không tưởng tượng ra nổi làm sao có ai lớn gấp muôn lần thân thể chúng và sống được lâu dài như vậy, nhất là chúng không sao nghĩ ra được chiều thứ ba. Có tên có vẻ không tin lắm những gì sư huynh chúng nói, cất tiếng:
- Thật ra tiểu đệ cố gắng hết sức rồi mà không nghĩ ra chiều thứ ba chạy hướng nào. Chiều hướng nào rồi cũng quy lại trên hai chiều ngang dọc cả. Theo ngu ý của tiểu đệ thì không gian không thể có chiều thứ ba.
Tên kiến này nói “ngu ý” nhưng giọng điệu y nghe rất tự tin, y vốn là nhà toán học trong đàn kiến. Tên sư huynh vẫn kiên nhẫn:
- Tâm sanh ra thân nhưng rồi tâm lại bị thân trói buộc. Thân kiến của chúng ta là loài chỉ bò trên mặt phẳng nên tâm cũng chỉ cảm nhận được hai chiều. Thì cũng tương tự như thế, loài người họ cũng không thể tưởng tượng ra được không gian có thể có bốn chiều hoặc nhiều hơn vì thân họ thuộc loại sống trong không gian ba chiều.
Bỗng một tên kiến cất tiếng hỏi:
- Sư huynh nói chúng ta “cảm nhận” không gian hai chiều thôi chứ thực sự không phải thế, thì tiểu đệ xin hỏi không gian tự nó như thế nào?
- Tên kiến này nhấn mạnh hai chữ “tự nó”. Tên đồng tử cười thầm. Y nhớ rắng đã hỏi lão trượng, không gian do đâu sinh và thầm nhủ “Tên kiến này hỏi một câu có vẻ được đây!”. Kiến sư huynh ngo ngoe râu mấy cái rồi đáp:
- Không gian do “không” sinh ra. “Không” này là “không” bát nhã, trong “không tức thị sắc, sắc tức thị không” mà chư huynh đệ hay tụng đọc đó.
Tên đồng tử nghe nói lắc đầu “Thì ra loài kiến nhãi nhép này cũng tụng đọc một thứ kinh sách như chúng hội thường đọc”.
Thấy các tên sư đệ chưa hiểu, kiến sư huynh tiếp:
- Trong “không” chứa sắc, chứa cả tâm lẫn vật. Tâm tùy nghiệp lực mà sinh ra thân vật chất rồi thân cảm nhận ra một không gian xung quanh mình. Không gian đó phù hợp với tính chất của thân vật chất.
Đồng tử nhớ lão trượng nói không gian “có sẵn”, bây giờ lại nghe tên kiến sư huynh này nói không gian do tâm thân dựa lên nhau mà có, y cảm thấy phân vân. Tất nhiên y tin lão trượng hơn tin loài ong kiến, nhưng nghe tên kiến sư huynh này lý giải, văn phong khảu khí có vẻ giống giọng bồ tát, y cũng có phần nể nang, không biết làm sao.
Một tên kiến khác cất tiếng hỏi:
- Như thế khi chư Phật không còn thân vật chất nữa thì không gian cũng diệt theo luôn hay sao? Niết bàn như thế chỉ là một cảnh giới hư vô đâu còn gì thú vị!
Đồng tử nghe nói câu này lấy làm hợp ý vô cùng.
Tên kiến sư huynh bác ngay:
- Danh tự của loài kiến chúng ta cũng như của mọi loài vốn là phương tiện của thân bày ra nên danh tự không thể diễn đạt những gì nằm ngoài phạm vị của thân. Như loài tôm cá sống dưới nước, chúng không thể hiểu được đời sống trên đất liền như chúng ta. Bởi vậy không thể dùng danh tự thông thường để mô tả niết bàn. Ở đây nói sao cũng mê cả, không phải là ngộ.
Đàn kiến nghe tới đây có vẻ hoang mang cực độ, tên kiến sư huynh nói tiếp, giọng ân cần an ủi:
- Loài kiến chúng ta bị trói buộc trong thế giới hai chiều nên không hiểu các cảnh giới khác. Không gian và thời gian mỗi cảnh giới khác nhau vô cùng vô tận, nhưng tâm lại đồng nhất một thể. Như nước có khi ở dạng lỏng, có khi ở dạng băng tuyết, khi thành hơi sương, nhưng chỉ là một chất nước. Cũng thế, các loài trong thế giới khác nhau vì hạnh nghiệp của chúng, nhưng cùng một thể. Cho nên tâm phật và tâm kiến chúng ta cũng đều là một.
Nghe tới đây đàn kiến cực kỳ phấn khởi.
Tên đồng tử bỗng thấy một mùi thơm hết sức quyến rũ. Y quay lại, thì ra một trái đào đỏ mọng, thơm ngon chưa từng thấy. Y liền vươn tay bẻ trái đào. Vừa cầm trái đào trong tay, bỗng nghe “rắc” một tiếng, cành đào dưới chân y gãy đôi, y ngã lộn nhào xuống gốc cây, mê man bất tỉnh.
Chúng hội đang nghe giảng kinh, bỗng thấy bồ tát mĩm cười khó hiểu.
Lúc tên đồng tử ngã xuống gốc cây, tại thế giới mà tên kiến sư huynh gọi là “thế giới loài người” đang trải qua những ngày hè nóng nực của năm 1878.
Mùa xuân năm sau, một đứa bé mở mắt chào đời, mặt mày bầu bĩnh. Cậu bé càng lớn càng không thích học hành, suốt ngày rong chơi. Đến khoảng 15 tuổi, y bị nhà trường đuổi học vì lý do “sự hiện diện của y chỉ làm phiền nhà trường và làm cho học sinh mất hết sự kính trọng đối với thầy cô”.
Hơn mười một năm sau, cậu học trò ngỗ nghịch đó được cả thế giới biết tới tên tuổi. Lúc đó tuổi mới 27, tên y là Albert Einstein (1).
Lúc mở mắt tỉnh dậy thì đồng tử vẫn còn thấy mình nằm dưới gốc đào tiên. Y ngơ ngác nhìn quanh thì thấy lão trượng, lão mừng rỡ lên tiếng:
- Ngươi đã tỉnh dậy rồi ư? Ngươi bị ngã trên cây xuống mê man bất tỉnh đã hơn ba ngày làm ta rất lo lắng!
Chú thích:
(1) Eistein (1879 - 1955), giải Nobel 1921, được xem là thiên tài của ngành Vật lý trong thế kỷ này. Với “thuyết tương đối đặc biệt”, ông đã chứng minh rằng thời gian và không gian phụ thuộc vào trạng thái di chuyển của vật chất. “Thuyết tương đối tổng quát” đã chứng minh sự hiện hữu của vật chất đã làm “co giãn” thời gian, “méo mó” không gian. Nhờ Einstein, ngày nay người ta biết rằng chính vật chất và sự vận động của nó đã phát sinh ra thời gian và không gian. Thời gian và không gian là “thuộc tính”, là “phát biểu” của vật chất. Không có một sân khấu bất di bất dịch mà chính là diễn viên ở đâu thì ở đó có sân khấu. Không có diễn viên thì không có sân khấu.
Tên đồng tử nhớ lại điều gì, đáp:
- Thưa lão trượng, tiểu đồng tử thì ra đã rời cảnh giới này đi sống một thế giới khác. Ở đây ba ngày mà ở đó gần trăm năm.
Lão trượng ngạc nhiên hỏi:
- Thế ư, ngươi còn nhớ đã đi đến đâu không?
- Tiểu đồng tử lần đầu tiên mới biết thế giới loài người.
Lão trượng kinh ngạc, lẩm bẩm:
- Thế ư, thì ra ngươi cũng đã đến đó rồi ư?
Nghe thế, đồng tử ngạc nhiên:
- Lão trượng cũng đã từng làm người hay sao?
- Haha, dòng dõi cũng như sự nghiệp của ta trong giới loài người phải kể vào hàng danh gia vọng tộc. Tên ta, loài người gọi là Issac Newton (1).
Chú thích:
(1) Newton (1643 - 1727) được xem là người mở đường cho nền cơ học của loài người. Là một bá tước người Anh, ông đã thống nhất công trình của Kepler, Galilei, Guericke trong một hệ thống cơ học vững chắc và hoàn chỉnh. Ông cũng là người phát biểu nguyên lý của động lực học và nguyên lý hấp dẫn của trường trọng lực. Trong hệ thống cơ học này, Newton xem không gian và thời gian là tuyệt đối, cố định, liên tục. Vật chất vận động trong không gian cũng như diễn viên trình diễn trên một sân khấu có sẵn. Sân khấu lúc nào cũng tồn tại, độc lập với diễn viên.
Tên đồng tử nhớ ra điều gì, y nhìn lão trượng đang cầm chiếc khăn nhung trong tay, ôm bụng cười ha hả.
Chúng hội đang nghe giảng kinh, nhíu mày thầm trách tên tiểu đồng làm ồn. Bồ tát lại mĩm cười khó hiểu.
Dưới tòa sen, một đàn kiến vừa bò ngang, râu ngo ngoe.
Bên đàn vịt trời
Có một vùng hồ núi, cỏ cây xanh tốt, ít người qua lại. Vùng này nhiều đầm lầy, sinh vật sống từng đàn, không thiếu loài gì. Quanh năm khí hậu điều hòa, loài chim trốn lạnh thường về trú ẩn nơi đây.
Đặc biệt vùng này rất nhiều giống vịt trời, bay lượn từng đàn, chúng có bộ long màu xám thẫm. Vùng này vốn ít người lui tới, nên đàn vịt trời rất dạn dĩ, càng ngày sinh sản càng đông.
Một buổi sáng nọ, nghe đâu đây văng vẳng có tiếng trẻ con ca hát. Loài vịt vội bay lên ngọn cây, nghiêng đầu lắng nghe. Tiếng hát vừa rõ tìh một đám trẻ con đi tới. Đi sau các đứa trẻ là một lão trượng mập mạp, mặt mày tươi vui, lưng đeo một cái túi lớn.
Trẻ con vừa thấy hồ nước và đàn vịt trời, reo hò ầm ĩ. Đàn vịt phành phạch vỗ cánh, lão trượng nhìn theo, cười vui lẩm bẩm:
- Đàn chim bay đi, bầu trời lại yên tĩnh.
Trẻ con vừa tản ra đi chơi bốn phía, loài vịt lại hạ cánh bên hồ. Lão trượng lại lẩm bẩm:
- Lúc tụ, lúc tán, pháp cứ thế mà sinh diệt.
Bỗng đàn vịt xao xác sợ hãi. Lão trượng quay người lại thì thấy một nhân trạng hình thù quái dị. Y mang cái bụng to như cái trống. Cổ y cực dài, ốm nhỏ như ống trúc. Tứ chi lỏng khỏng, đi không giống đi, bò không giống bò, mắt gần như hai ngọn đèn, mặt mày xem ra cực kỳ đau khổ.
Lão trượng chưa kịp nói gì, bỗng nhân trạng quái dị kia nhoài người chụp một con vịt trời. Vịt trời đã nhanh mà y còn nhanh hơn. Y tóm cổ một con vịt trời đưa lên miệng định nuốt sống. Cổ y phát ra một tiếng “ục, ục” cơ hồ đắc chí. Vừa đưa lên miệng, y bỗng bỏ xuống, buông thả con vịt trời đang kêu quàng quạc. Mặt mày quái nhân càng thêm đau khổ, nước mắt tuôn chảy từng dòng.
Lão trượng bỗng cất tiếng nói:
- Ngạ Sa, đáng thương thay, ngươi chỉ ăn được cháo lỏng.
Ngạ Sa khóc lên thành tiếng, vừa đi vừa bò, la liếm trên cành cây ngọn cỏ, phút chốc đã bỏ bờ hồ xanh biếc đi mất dạng.
Lão trượng nhìn theo, suy nghĩ điều gì không ai rõ. Bỗng có ai cất tiếng nói:
- Xin hỏi lão trượng, Ngạ Sa là loài gì?
Lão trượng quay người lại, thì ra là một con vịt trời. Con vịt trời này giống hệt những con vịt khác, chỉ khác chỗ màu long trắng bạc. Lão trượng mĩm cười nhìn vịt lông trắng:
- Ngạ Sa là một loài chúng sinh gần như loài người, nhưng hạnh nghiệp của chúng phần nhiều xấu ác. Nghiệp nặng nhất của chúng là tham lam, hiện thành nghiệp đói.
Vịt lông trắng rùng mình mấy cái:
- Chịu nghiệt đói sao y không ăn được, chỉ ăn cháo lỏng?
- Đó chính là ác nghiệp đã nhiều đời chồng chất. Bụng y đã đầy thức ăn, không chứa chất thêm được nên cổ họng y nhỏ như sợi chỉ. Vì không ăn được, y lại càng thèm khát.
Vịt lông trắng nhìn đàn vịt đang kiếm ăn bên bờ hồ, nghiêng đầu lắng nghe tiếng cười của trẻ con đâu đó:
- Sung sướng thay cho loài người, không phải chịu ác nghiệp như vậy.
Lão trượng cười đôn hậu:
- Người tưởng loài người không có nghiệp tham lam sao, không có nghiệp đói sao? Nếu có loài thèm khát thức ăn thì cũng có loài thèm khát những điều vi tế hơn như cái mà loài người gọi là danh vọng, tri thức, trình độ, niết bàn…
Vịt lông trắng nhớ lại tướng Ngạ Sa mà còn rùng mình:
- Nhưng hình tướng loài người đẹp đẽ hơn loài Ngạ Sa!
- Nghiệp tham lam thuộc thân thì sanh quái dạng ở thân, nghiệp tham lam thuộc tâm thì sanh quái dạng ở tâm, đâu có gì khó hiểu. Ngươi không thấy, chứ quái dạng thuộc tâm còn muôn hình muôn vẻ, còn đáng sợ hơn quái dạng thuộc thân. Biết bao chúng sinh mang dạng người mà hành xử còn hơn loài yêu quái.
Vịt lông trắng tỏ vẻ nghi ngờ:
- Theo lời lão trượng thì như thế không có gì khác biệt nào giữa loài người và súc sinh. Loài người có ý thức tất phải khác loài không có nghĩ suy.
Lão trượng thở dài một tiếng:
- Ý thức chỉ là phần cạn cợt của tâm, đâu phải là cốt lõi. Người đang mang dạng súc sinh, người vẫn có ý thức đó. Khác biệt giữa người và súc sinh và tất cả chúng sinh trong cõi ta bà này nằm ở hạnh nghiệp của chúng mà thôi. Nghiệp làm cho chúng cảm ứng với cái đẹp cái xấu, nghiệp làm chúng sinh thấy ra cảnh giới của mình, nghiệp chủ động sinh ra hình tướng thuộc tâm, thuộc thân.
Lão trượng nhìn vịt lông trắng chăm chú:
- Vịt trời lông trắng, ngươi sẽ làm kiếp người và hãy nhớ mọi suy nghĩ, hành động không xuất phát từ ý thức mà xuất phát từ nghiệp. Ngươi gọi nghiệp là “bản năng” hay “tiềm thức” hay “vô thức” tùy người, còn ý thức chỉ có nhiệm vụ kiểm soát tư duy và hành động cho hợp với những lề luật do xã hội loài người đặt ra.
Vịt trời lông trắng ngẩng đầu nhìn lão trượng:
- Hành tung của nghiệp kỳ bí như thế, làm sao nắm bắt được nó?
Lão trượng ha hả cười:
- Như con mắt nhìn được muôn vật, nhưng không thể tự thấy. Đúng là khó hiểu được nghiệp của chính mình. Nghiệp tạo ra thân tâm và cảnh giới, rồi chính thân tâm và cảnh giới tiếp tục tạo ra nghiệp, cứ ròng rã như thế. Sự vật cứ dựa lên nhau mà có, mà biến hóa, mà sinh thành. Trong quá trình đó, không có gì bất biến, không có ngã. Người hãy theo dõi những loại nghiệp ngắn ngủi như một cơn giận dữ, một phút giây sợ hãi của chính ngươi, may ra ngươi có thể hiểu được nghiệp của mình.
Vị trời lông trắng cúi đầu ngẫm nghĩ. Bỗng đàn vịt bên hồ xôn xao sợ hãi, bay tán loạn. Sau tàn cây, hình thù Ngạ Sa xuất hiện. Mới qua một giây mà bây giờ Ngạ Sa đã già yếu, mặt mày thiểu não cực độ. Cổ y bây giờ như cây tăm, có lẽ y không tìm đâu ra cháo lỏng.
Ngạ Sa bò lết đến trước mặt lão trượng, cất tiếng người:
- Lão trượng, xin cứu đệ tử!
Vừa nói, y vừa nhìn túi vải trên vai lão trượng.
Lão trượng cười hiền hậu, giơ tay vung túi vải như một đám mây trắng chụp trên đầu Ngạ Sa. Trong túi vải đổ ra vô số kẹo bánh. Ngạ Sa vừa mừng rỡ, bỗng nhớ ra điều gì, nước mắt lại hai hàng. Lão trượng gọi lớn:
- Ngạ Sa, người chỉ ăn được cháo lỏng!
Vừa nghe tiếng gọi, Ngạ Sa thấy túi vải biến thành một cái nồi cực lớn, bánh kẹo đã biến thành cháo trắng, lỏng như nước. Y say sưa húp cháo, húp tới đâu cảm thấy sinh lực tràn trề tới đó.
Một giọt nước mắt còn đọng lại trên mặt nhỏ xuống nồi cháo, Ngạ Sa sực nhớ điều gì, ngẩng đầu hỏi lão trượng:
- Lão trượng, tại sao bánh kẹo bây giờ lại hóa thành cháo lỏng?
Lão trượng nhìn trừng trừng Ngạ Sa, quát:
- Ngạ Sa, nếu chính người không biết điều đó thì ai biết?
Tiếng quát cực lớn, vang động cả một vùng hồ núi.
Ngạ Sa ngơ ngác một giây, rồi nấc lên một tiếng, ngã gục bên túi vải đầy kẹo bánh.
Lão trượng mĩm cười đưa mắt nhìn lên, trên không tự nhiên vang lên tiếng người:
- Kính lễ Bồ Tát Di Lặc.
Lão trượng quay nhìn vịt trời lông trắng:
- Lành thay, chỉ một tiếng quát mà Ngạ Sa đại ngộ, bỏ được nghiệp quỉ đói.
Trẻ con vừa trở lại, thấy lão trượng nói chuyên với vịt trời, ngạc nhiên hỏi:
- Lão trượng, loài vịt hiểu được tiếng người sao?
Vịt trời lông trắng sẽ làm kiếp người, loài người gọi y là Konrad Lorenz (1).
Chú thích:
1. Konrad Lorenz, (1903 - 1989), là nhà bác học nổi tiếng người Áo, một trong những nhà sáng lập thuyết ‘tập tính học” hiện đại, chuyên nghiên cứu “thái độ và cách phản ứng của loài người và loài vật”, nhất là loài chim. Ông cho rằng động lực của mọi phản ứng là “bản năng”, vốn do tác động qua lại của các “gen” bẩm sinh. Năm 1973, ông được lãnh giải Nobel về y khoa với hai động nghiệp khác. Công trình của Lorenz có ảnh hưởng sâu đậm trong ngành y khoa và tâm lý học. Ông yêu mến đặc biệt loài vịt trời. Lúc lên năm tuổi, ông đã thích chơi với vịt trời và giữ niềm vui đó cho đến cuối đời.
Chuyện người văn sĩ
Vùng nọ, có một người lữ hành cô đơn không ai bầu bạn. Suốt mấy mươi năm y rong ruổi từ vùng này qua vùng khác, không chủ ý, định hướng gì rõ rệt. Đời sống và hoàn cảnh thay đổi như dòng nước chảy mau, tâm tư y cũng thăng trầm nhiều nỗi, nhưng dần dần đọng lại một điều gì khó tả.
Một buổi sáng nọ, trên một hoang đảo đầy nắng, trong cơn mơ tỉnh, dường như có ai kể cho y nghe một câu chuyện ngắn. Tỉnh dậy, y ghi lại câu chuyện khó hiểu lên giấy. Như mạch nước được khơi, kể từ đó y bắt đầu viết văn, tự cho mình đã trở thành một văn sĩ.
Như những lần rong rủi đường dài, y miên man trong thế giới tư tưởng nhiều màu sắc, đầy tự do phóng khoáng. Truyện của y viết ra như nỗi niềm ào ào tự ý tuôn trào, không trau chuốt, không giải thích. Bởi vậy không mấy ai hiểu và yêu truyện của y. Y thầm nghĩ “Ý tứ của ta đối với người hiểu rồi thì hóa ra dư thừa, còn đối với người chưa hiểu lại là tối tăm, hoang đường giả tạo; mi viết ra làm chi!”. Nhưng rồi y lại tự nhủ “Mọi sự trên đời, từ nhận thức đến cảm giác, đổi với người đời cũng đều như thế, hỡi tên văn sĩ quèn, mi đừng thắc mắc”.
Yêu văn chương của y nhất lại chính là y. Viết được một vài câu chuyện, y đóng thành một tập truyện. Rong ruổi trên đường, lúc nào y cũng mang theo tập sách đó trong túi đeo vai. Những lúc nghỉ ngơi, y lấy tập truyện đọc say mê như đọc lần đầu.
Đến một ngày, chàng văn sĩ thấy mình không còn ý tứ viết truyện gì nữa. Tâm tư và quan sát nằm lạc loài từng mảnh không sao kết hơp được. Y giở tập truyện cũ ra đọc lại, cố tìm thử những bí quyết văn chương. Càng đọc, y càng yêu văn mình, càng mong viết được những chuyện tương tự.
Ngày qua ngày, người văn sĩ càng già yếu. Y không viết được câu chuyện nào nữa. Rong ruổi đường dài, đã bắt đầu gối mỏi chân mòn, túi vải đeo vai ngày càng nặng. Tâm tư chỉ còn văng vẳng những mẩu chuyện đã viết, y buồn rầu tự nghĩ “Văn nghiệp của ta chỉ chừng đó thôi ư?”. Bây giờ y không còn đọc tập truyện, vì sau nhiều năm y đã thuộc lòng rồi.
Một ngày kia, trên bước đường phiêu bạt, người văn sĩ già đến bên bờ một con sông nhỏ. Bên kia sông, cảnh vật xanh tươi, khác hẳn con đường đất đỏ phía bên này. Người văn sĩ bây giờ đã già yếu cực độ, y đã vứt bỏ mọi thứ trong túi đeo vai cho bớt nặng, chỉ còn giữ lại tập truyện. Y không còn sức bơi qua sông, chỉ đi lần theo bờ. Bỗng thấy xa xa một chiếc cầu, y mừng rỡ đi nhanh tới cầu. Vừa bước lên bực thềm, chân y run rẩy ngã sóng soài. Túi vải đập lên ngực như một cú đấm trời giáng.
Người văn sĩ già đau đớn muốn gục. Y bổng nổi cơn giận dữ nhìn túi vải chỉ còn duy nhất một tập truyện. “Ta đã cưu mang sinh thành ra mi, không lẽ bây giờ ta chết vì mi!.” Y lẩy bẩy mở túi vải, lôi tập truyện ra. Lạ thay, tập truyện biến thành tảng đá tự bao giờ. Nhìn kỹ, thấy nét chữ trên bìa còn sắc sảo, nhưng giấy đã biến thành đá, cân nặng chắc cũng cả trăm cân. Người văn sĩ trân trối nhìn tập thạch thư, không hiểu mộng hay thực. “Thì ra ta đã mang hòn đá tảng này hơn mười mấy năm qua. Ta già yếu không phải vì tuổi tác mà chính vì sức nặng của mi”. Y dùng hết tàn lực đẩy tập thạch thư qua một bên. Hòn đá rơi xuống chân cầu kêu một tiếng như tiếng kim loại chạm nhau. Vừa nghe tiếng kêu, người văn sĩ bỗng nhiên thấy mình mạnh khỏe như hồi niên thiếu. Y nhẹ nhàng bước qua cầu.
Vừa bước qua cầu, cảnh vật hoàn toàn khác hẳn. Ở đây như có tiếng nhạc từ trên cao vọng xuống, đâu đây sực nức hương thơm. Khắp nơi trái cây chín đầy, lấp lánh ngũ sắc.
Đi lần thêm một đoạn, bao nhiêu cung đài nguy nga tráng lệ hiện ra, tầng tầng lớp lớp. Người người ra vào mặt mày hoan hỉ, như có thần thông, nói không nghe tiếng, đi không chạm đất.
Bỗng có tiếng ai đi tới. Người văn sĩ quay người lại thấy một bà cụ, trên vai với đôi quang gánh. Nhìn kỹ, cụ gánh hai đầu hai cái giỏ, bên trong sóng sánh nước. Y kinh ngạc thấy nước không chảy ra, còn cụ bà đi đứng nhẹ nhàng như không. Biết gặp thần nhân, y vái lạy, hỏi:
- Phải chăng đây là nơi mà người ta gọi là niết bàn?
Cụ bà cười khanh khách:
- Đây chỉ là cảnh giới tam thập tam thiên, một cõi cao hơn cõi loài người đôi chút.
- Phải chăng các loài sống ở đây chính là chư Phật?
Cụ bà lắc đầu:
- Các loài thọ sinh ở đây phần lớn có hạnh nghiệp tốt đẹp, đặc biệt các hạnh nghiệp thuộc phạm vi ý thức. Các giống Thanh văn, Duyên giác, các giới tu tiểu thừa hay thọ sinh ở đây, trong cảnh giới sung mãn như vầy. Các loài này còn cách Phật hay Bồ tát rất xa.
- Nhưng có lẽ các vị này cũng đã đắc đạo?
Cụ bà cười lớn:
- Hạnh nghiệp ý thức của chúng thì tốt đẹp, nhưng có phải vì thế mà phá được chấp ngã, phá được vô minh đâu. Người không thấy các lâu đài nguy nga tráng lệ kia sao, đó chính là nơi ẩn náu kiên cố của y thức của chúng, chúng bào giờ dám chịu rời xa, và vì vậy không còn tiến bộ.
Người văn sĩ ngập ngừng, cụ bà nói tiếp:
- Như có người dùng thuyền qua sông, khi tới nơi, tiếc con thuyền, không chịu rời bỏ dòng sông, hoặc lên bờ tiếp tục vác chiếc thuyền đi tiếp.
Nghe tới đây, người văn sĩ rùng mình, một cảm giác lạnh toát ập đến.
- Cũng có người, nương theo ngón tay thấy mặt trăng, chấp rằng ngón tay là mặt trăng. Cũng có kẻ, được thọ sinh ở đây, không còn thấy khổ đau, cho rằng đây là niết bàn, lại tiếp tục chịu cảnh sinh tử. Cũng có loài, tu được chút thần thông, thoát được vài trói buộc của thân, đã vội cho mình đắc đạo. Ôi, chấp trước của chúng sinh thật vô cùng vô tận.
Người văn sĩ cúi đầu ngẫm nghĩ, cụ bà nói tiếp:
- Trong mọi thứ chấp thì ngã chấp là vi tế nhất, nó đeo đuổi người học đạo tới mức cuối cùng. Nhớ rằng ngã không phải chỉ là thân tâm mình, mà là toàn bộ nghiệp lực, kể cả đạo nghiệp. Ngã chấp và vô minh theo nhau như hình với bóng, tràn đầy khắp nơi, ngay cả trong cõi tam thập tam thiên này.
Người văn sĩ ngẩng đầu nói:
- Nhưng dù sao các loài sống ở đây vẫn dễ hiểu đạo hơn loài người.
Cụ bà cả cười:
- Không phải, kiếp người nhiều khổ đau, nhưng cũng vì thế mới dễ hiểu đạo. Lúc ngươi đang mê man vui thú đọc văn chương của chính mình và lúc tập thạch thư đau khổ rơi xuống bờ sông, lúc nào ngươi dễ hiểu đạo hơn? Vì không thoát nổi sự ràng buộc của chính văn chương ngươi, nên ngươi không còn sáng tạo được gì nữa.
- Người văn sĩ nghe xong, định nói điều gì, bỗng có tiếng chân từ dưới bờ sông lên. Nhìn kỹ thì đó là một nhà sư, dáng đi mạnh bạo. Nhà sư nhìn đôi quang gánh của bà lão, cúi đầu vái chào, hỏi:
- Chẳng hay người có thấy hai vị đạo sĩ áo trắng tới đây không?
Cụ bà đáp:
- Hai vị đó đã học xong đạo tiên, và đã rời đây để trở về chốn cũ.
Nhà sư nổi giận đùng đùng:
- Chúng cũng là kẻ tu hành sao có nhị tâm! Ta giao ước với chúng cùng chung học đạo, thế mà chúng nỡ tâm lừa dối, bắt ta đợi mấy ngày trên bến sông để chúng học lấy một mình.
- Từ Đạo Hạnh (1), ngươi và chúng có duyên nghiệp sâu xa. Mọi sự đều có nhân duyên.
Nói xong, cụ bà ghé tay Từ Đạo Hạnh nói nhỏ điều gì, rồi lẳng lặng gánh nước đi tiếp.
Từ Đạo Hạnh nghe xong quày quả bước đi, xem chứng lòng còn giận dữ. Người văn sĩ ngơ ngác một giây xong bước theo nhà sư. Y thấy mình đi như bay, phút chốc đã về chốn xưa.
Tới một cây nọ, bỗng Từ Đạo Hạnh lẩn vào gốc cây, xa xa vừa có bong người đi tới. Nhìn kỹ, đó là hai người đạo sĩ mặc áo trắng. Đợi họ vừa tới gốc cây, Từ Đạo Hạnh quát lên một tiếng rất lớn, nghe như tiếng hổ gầm, nhảy xổ ra:
- Minh Không, Giác Hải, các người là kẻ hai lòng, nhưng đi đâu cho thoát tay ta.
Hai người đạo sĩ giật mình rồi cười vang dội, người tên Minh Không cất tiếng nói:
- Từ Đạo Hạnh, ngươi được Phật bà truyền cho phép thu ngắn đường đi. Tưởng gì khác, chứ người muốn làm hổ thì ngươi sẽ được làm hổ!
Người văn sĩ giật mình đánh thót, thì ra cụ bà chính là Quán Thế Âm. Vừa nghe tiếng đấu phép, y chán ngán quay người bước đi, phút chốc đã đến cây cầu cũ. Nhìn xuống bờ sông, thạch thư vẫn còn đó, rêu xanh bám đầy. Y nhón một bước, đã tới nơi, vận lực nâng hòn đã lên. Nào ngờ thạch thư bây giờ nhẹ như bông.
Y búng ngón tay, thạch thư biến thành tơ vàng bay đong đưa trong gió.
Chú thích:
(1) Tương truyền rằng, Từ Đạo Hạnh muốn báo thù cho cha là Từ Vinh, đi học phép tiên, cùng với Giác Hải, Minh Không. Sau khi bất hòa trên đường học đạo, ba người chung nhau tu tập, Từ Đạo Hạnh được tôn làm sư huynh, Minh Không vừa là sư đệ, vừa là đệ tử. Báo thù cho cha xong, giết được Đại Điên, Từ Đạo Hạnh đi tu. Huyền sử chép, Từ Đạo Hạnh chính là tiền kiếp của vua Lý Thần Tông, nhà vua lên ngôi năm 1128. Đến năm 1133, Lý Thần Tông bị bệnh, lông tóc mọc dài, kêu réo như hổ gầm. Minh Không đợi hai mươi năm mới trả được ơn thấy, nấu một nồi nước, thả vào một cây đinh, cho vua tắm. Vua khỏi bệnh, Lý Thần Tông mất năm 1137.
Nguyễn Tường Bách
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...