Lời tác giả Câu chuyện tình có thật, thánh thiện, chân thành và xúc động
của công chúa Mai Hoa và cha cố Tây Ban Nha Cevallots diễn ra trong lịch sử Việt
Nam thế kỷ XVI, đã trao cho tôi cảm hứng sáng tạo tiểu thuyết Mây Trắng Tình
Yêu với ý tưởng khám phá cuộc hành trình hướng thượng của con người: từ đời
sống vật chất - đời sống xã hội… đến đời sống tinh thần cao siêu thần thánh… từ
thể xác đến linh hồn… Những trang viết phảng phất hồn Kinh
Thánh là chất liệu tinh hoa của tiểu thuyết, dựa trên câu chuyện thật và là sự
giao thoa giữa hai nền văn hóa Á - Âu. Những chi tiết về cuộc sống của các nhân
vật và không gian, thời gian trong tiểu thuyết hoàn toàn ước lệ, là bông hoa
nghệ thuật… nở ra cuộc phiêu lưu tâm trí của con người hiện đại. Nghệ thuật của
tiểu thuyết là những âm vang điệp trùng của những câu chuyện được kể với những
giọng điệu khác nhau, hòa thành giai điệu tình yêu tỏa sáng… Tiểu thuyết dành cho những ai đã từng
yêu, từng sống như một cá nhân độc lập, tự do trong hình khối của cây thông đứng
thẳng, vút lên trời, biểu tượng của triết lý phương Đông ”Thiên - Địa - Nhân” hợp
nhất… và cả những ai mong muốn được sống, được yêu như vậy. Bên Hồ Gươm mùa Giáng Sinh 2005 MAI THỤC CHƯƠNG 1 Bãi biển miền Trung Đại Việt sau cơn bão lớn, những
ngày cuối năm 1590. Sóng dồn lên bãi cát hoang lạnh. Sóng bạc đầu. Sóng âm u.
Rác rưởi từ mênh mông đại dương đổ vào bờ cát. Những người đàn ông nhỏ thó, da
vàng đen cháy, đang gỡ lưới trên một con thuyền thúng đan bằng tre đã nát vì
sóng. Họ vừa lấy tay quệt mồ hôi trên trán vừa trò chuyện. Tiếng nói của họ líu
ríu như tiếng chim lạ trong khu rừng nhiệt đới, với nhịp điệu ngắt quãng, dập dồn,
hoảng loạn giữa tiếng gầm rú của hổ báo, tiếng hú ghê rợn của rừng già… Họ lầm
rầm khấn nguyện cho người chủ thuyền xấu số “Xin linh hồn sống khôn chết
thiêng, hãy thoát ra khỏi tấm lưới rách tả tơi này, về với ông bà, tổ tiên, phù
hộ độ trì cho gia quyến còn sống sót và cho cả chúng tôi. Thân xác người trôi dạt
về đâu hãy linh báo cho chúng tôi biết để chôn cất…” Sóng ào ào đổ vào đất liền, chuyển thành những âm vang kinh
hãi. Hình như có tiếng kêu cứu của con người lẫn trong tiếng gầm gào của biển?... Gió
bão đã ngừng, mà tiếng gầm rú cứ rung lên. Họ ngẩng đầu nhìn ra biển. Xa xa, có
một con thuyền lớn chồm lên trên sóng, có những bàn tay chới với, ông dân chài
thốt lên: - Thuyền to như quái vật từ mô tới bay à. Tiếng gầm gào mỗi lúc một rõ hơn… Mặt trời tròn như quả cầu lửa nhô lên mặt biển chừng một con
sào, tỏa nắng lung linh như phả hơi ấm sưởi mặt đất giá buốt. Người trẻ nhất
trong bọn cởi phăng chiếc áo tơi mo cau bám lủng lẳng bên mình, chạy ra phía
con thuyền chao đảo muốn xô vào bờ. Anh huơ tay liên tiếp ra hiệu đón tiếp con
thủy quái khổng lồ. Bảy chiếc cột buồm cao lênh khênh, gắn trên con thuyền to
như ngôi nhà quan huyện, tăng tốc chạy về phía anh. Gió làm cho vô số những lá
buồm dùng để điều khiển tốc độ rách tứ tung. Con thuyền dừng lại trước mặt anh,
thành sắt cao lút đầu, trên tầng cao có một khẩu pháo, mũi thuyền có hình mặt
người, đầu rồng, râu tua tủa… Người thủy thủ quăng neo sắt xủng xoảng, thả cầu
thang xuống mặt cát, nhiều người trên thuyền bước xuống. Anh nhìn kỹ bọn họ. Da họ trắng, tóc hung hung, dáng người
cao lênh khênh. Họ xì xồ gì đó. Vẻ mặt ai nấy đều mệt mỏi, bơ phờ, nhưng họ
không có gì tỏ ra sợ hãi hay dữ tợn. Anh quay về đám bạn chài la to: -Thuyền buôn của người Tây dương. Các ông lại đây xem họ muốn
cái chi. Đừng sợ. Họ không bắn bọn ta đâu. Mấy cái bóng nhỏ lòng khòng chạy xô lại. Họ bấm ngón tay đếm
được mười bảy người Tây, những đôi mắt xanh sâu thẳm đợi chờ, cầu cứu. Đám dân
chài cảm thấy hể hả trong bụng. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, họ có cứu được ai
đâu. Thân còm chống chọi với giặc trời, giặc người, giặc triều đình, cơm không
đủ ăn, áo không có mặc, họ bám vào biển, đêm đêm, chèo thuyền mủng ra khơi kiếm
dăm chú cá lẹp, tôm moi... Họ dựng nhà lá trong các mảnh ruộng cát, chỉ trồng
được một loại khoai lang. Đêm tối mù mịt tràn xóm lạnh, những cặp vợ chồng ôm
nhau trong bóng tối dăm mười phút, tòi ra những thai nhi. Người đàn bà đẻ mười
bận chỉ nuôi sống được ba đứa là may… Họ hiểu rằng mình mỏng manh và bất lực
trước cái gọi là cuộc sống. Nhưng sự sống như chim trời, như cỏ dại, như hoang
thú, đi cùng họ khi mặt trời lên. Lão Bạng đến gần một người Tây dương định hỏi xem họ cần gì.
Nhưng cả hai đám người không thể nói với nhau. Vài người Tây vội giơ tay ra dấu
rằng” Chúng tôi đói. Chúng tôi khát”. Lão Bạng hiểu ý, bảo thằng Bần là cháu nội
mình: - Mi về luộc một rổ khoai lang mang ra cho họ. Thằng bé hãnh diện nhảy chân sáo về xóm rừng phi lao. Thằng
Sào con hàng xóm đứng cạnh lão Bạng không được sai làm gì, nó tức khí định trèo
lên con thủy quái đang phơi mình như xác chết trên bãi cát lục soát đồ đạc. Lão
Bạng ngăn hắn lại: - Mi có biết thế nào là người quân tử không? Thằng Sào cúi đầu nhận lỗi. Nó biết nhà lão Bạng có sách Tàu.
Nó lí nhí nói: - Tui về nhà mang nước mưa cho người Tây uống. Nhìn thái độ của lão Bạng và đám dân chài, những người Tây
dương thấy ấm trong dạ, dù cái đói, cái khát sắp đánh gục họ. Họ nhắc nhau cố gắng
lịch lãm trước những con người nghèo khổ này. Họ xem la bàn, biết đây là miền
Trung Đại Việt. Một đất nước nhỏ bé bên bờ Đông Thái Bình Dương, từng đương đầu
chống chọi với nước Trung Hoa khổng lồ và cả đội quân Nguyên hung tợn của châu
Á. Một thủy thủ nói: - Trông bề ngoài họ có vẻ yếu mọn, nhưng đôi mắt họ tinh ranh
lắm, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị họ chặt đầu ném xuống biển trong
giây lát. Chàng làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa và tiến gần lại thổ dân,
chìa bàn tay ra. Lão Bạng ngập ngừng nắm bàn tay to trắng bệch của chàng. Bốn mắt
nhìn nhau, đôi mắt xanh màu nước biển quấn quyện trong đôi mắt màu nâu đen mờ đục.
Hai linh hồn giao nhau. Tình người dâng trào, chàng nhớ đến cái tháp Ba-bên
trong kinh Thánh. Chuyện kể rằng ngày Chúa mới tạo ra loài người, cả thiên hạ đều
có một giọng nói và một thứ tiếng. Nhưng tại một đồng bằng trong xứ Si nê a,
người ta bàn nhau” nặn đất làm gạch nung trong lửa, làm hồ dính kết, xây một
cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời, để nhớ đến nhau,
phòng khi ta phải chia tay tản lạc khắp trên mặt đất”. Đức Chúa Trời ngự xuống
xem cái thành và cái tháp của loài người xây nên. Chúa phán nếu chỉ có một thứ
dân, cùng đồng một thứ tiếng, thì chẳng có sức mạnh nào ngăn họ làm những việc
động trời. Chúa quyết định làm lộn xộn tiếng nói của loài người. Từ đó, họ
không nghe được tiếng nói của nhau. Chúa làm cho loài người tản khắp trên mặt đất.
Họ thôi không xây thành nữa, đặt tên thành là Ba - bên (nghĩa là lộn xộn) để ghi
nhớ nơi Chúa đã chia rẽ loài người. Hình như Chúa vẫn gắn kết loài người lại mỗi khi họ gặp nguy
nan và cầu đến Chúa. Hai đám người da vàng, da trắng này không hiểu được tiếng
nói của nhau, nhưng họ đã cảm thông sau cái nhìn thương mến và đôi bàn tay chạm
nhau… Thằng Bần khệ nệ bê ra một thúng khoai lang bốc hơi nóng. Thằng
Sào cùng chị nó khiêng đến một vại nước mưa, vài cái bát sành sứt miệng, một
cái gáo dừa. Những chiếc áo tơi làm bằng mo cau được trải trên cát. Lão Bạng
đưa từng củ khoai to bằng cổ tay lẻo khẻo của lão cho người Tây dương. Họ đỡ củ
khoai nóng đưa lên miệng. Khoai bở tắc nghẹn nơi cổ họng, chàng thủy thủ lại gần
cô Nhài, chị thằng Sào, xin nước uống. Thiếu nữ làng chài da nâu, cặp mắt sáng
như sao đêm, cầm chiếc gáo dừa, duyên dáng múc từng gáo nước mưa trong vắt, đựng
trong chiếc vại sành màu đất nâu, đổ vào bát gốm màu thanh thiên, đưa cho chàng
thủy thủ. Chàng nâng bát nước trong tay, chuyển cho bạn. Nước từ gáo dừa trên
tay cô Nhài chảy xuống như dòng sữa của Mẹ Đồng Trinh, truyền sức sống cho người
Tây dương sắp lả đi vì khát. Chàng thủy thủ nhìn cô như ngây dại. Chàng thầm
thì: ”Tạ ơn Chúa, người cứu rỗi chúng con mọi lúc, mọi nơi”. Càng nhìn Nhài,
chàng càng ngây ngất, gương mặt nàng thánh thiện, đôi môi đỏ hình trái tim, cặp
vú của nàng tròn mơn man ôm bộ ngực, chiếc yếm nâu khoe cái cổ cao ba ngấn khêu
gợi, đôi chân dài, thon thả lộ ra dưới chiếc váy màu đen xòe nếp như sóng.
Chàng không thể ngờ rằng ở cái xứ sở nhiệt đới tận cùng thế giới này lại có thiếu
nữ đẹp như vậy. Chàng vẽ trong đầu mình hình ảnh nàng khỏa thân, từng đường
cong mịn màng da thịt, hương thơm tỏa ra từ nơi ấy, kín đáo, âm thầm. Chàng lặng
người, mặt nóng bừng. Chàng thì thầm như trong cơn mơ: “Một con rắn đang ngự
nơi mình nàng. Nàng sẽ sinh ra sự sống và sự chết ở thế gian này”. Đám người Tây dương đã no nê bởi khoai lang và nước lã, lão Bạng
bảo thằng Bần lên cửa quan trình bẩm về chuyện này. Nó chạy vụt đi. Một lúc sau
hai người nhà quan tới kèm theo thông ngôn người Tàu, biết đây là tàu của người
Tây Ban Nha bị bão trôi về đây, anh mời họ về công đường. Những người Tây chia
tay đám dân chài trong im lặng. Một ông Tây dáng điệu trang nghiêm, thánh thiện
đã thầm cầu nguyện: ”Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Sự thương xót và sự chân thật đã
gặp nhau. Sự công bình và bình an đã hôn nhau. Sự chân thật nứt mộng từ dưới đất.
Sự công bình từ trên trời ngó xuống. Ngài sẽ phán bình an cho dân sự và cho người
thánh của Ngài”. Họ lê bước trên con đường cát quanh co. Gió từ dãy núi xa mờ
phía Tây thổi lại làm da thịt họ khô lạnh. Chẳng ai nói một lời nào. Họ đưa mắt
nhìn quanh, những ngôi nhà lá hoang sơ bám vào những gốc phi lao khẳng khiu, mặt
đất không có cây rau, hoa quả. Dăm đứa trẻ còm nhom, tóc cháy nắng, tò mò chạy
theo họ. Bãi biển lùi xa. Công đường là một ngôi nhà hình chữ nhật xây gạch,
mái lợp lá, nằm sâu giữa vùng dân cư, nhiều cây to xung quanh. Họ phải cúi đầu
đi qua cái cổng, lính gác dẫn họ vào nhà. Căn phòng lớn có nhiều cột, viên quan
ngồi sẵn trên bộ bàn ghế gỗ màu nâu gụ dành riêng cho mình. Ông mặc bộ quần áo
lụa dài màu xanh đen, đầu đội khăn xếp, vẻ mặt không đến nỗi hống hách. Đoàn
khách vẫn đứng giữa nhà. Thông ngôn ra lệnh: - Các ngài quỳ xuống lạy quan lớn. Họ lật đật quỳ hai đầu gối, mặt sát đất, mười mấy cái lưng
dài lòng khòng lom khom trông phát phì cười. Riêng có một người cứ đứng như cột
chống trời. Ngạc nhiên và tức giận, anh thông ngôn lớn tiếng: - Ngài quỳ xuống. Đôi mắt xanh màu nắng gió biển khơi phóng vào người thông
ngôn, lặng lẽ mỉm cười. Nụ cười hàm tiếu. Quan huyện thấy vậy ngỡ ngàng. Ông ngắm nhìn vị khách bướng bỉnh.
Chàng bao nhiêu tuổi, ông không thể nào đoán được. Nhưng phong độ chín chắn,
cái mũi cao, cằm vuông, trán rộng, thân hình cao cân đối, gương mặt tươi tắn,
an lạc, nhẹ nhàng như được nuôi dưỡng bằng không khí, ánh sáng và cỏ thơm của
chàng, dâng cho ông một cảm tình đặc biệt. Ông gọi thông ngôn: - Ông Lý cùng tôi trò chuyện với người này. Lý cúi đầu: - Bẩm quan lớn, người cứ tự nhiên, con xin tận tụy cung phụng
quan lớn. Lý nhìn chàng Tây, vẻ mặt mềm lại, thông dịch từng lời quan
huyện thốt ra: - Ngài từ đâu tới đây? Ngài làm nghề gì? - Chúng tôi từ Tây Ban Nha vượt biển sang Trung Hoa, chẳng
may bị bão, thuyền trôi giạt về xứ sở của quan lớn đây. Chúng tôi xin quan lớn
cho phép lưu lại một thời gian để sửa tàu thuyền, chuẩn bị thực phẩm và lên đường
sang Trung Hoa làm tròn phận sự của mình. - Tôi muốn biết tên của ngài. Tại sao ngài không quì trước mặt
tôi như các ông bạn của ngài? - Tôi chỉ quỳ lạy một mình đấng tối cao toàn năng. Bởi người
là ánh sáng của ánh sáng. Người là tình yêu, là chân thiện mỹ, là sự sống vinh
quang. Hãy gọi tên tôi là Cevallos, - Pedro Ocdoniez Cevallos. Lần đầu tiên quan huyện nghe được những lời nói hay như hát của
chàng trai Tây phương, ông nghĩ đây là một con người thánh thiện và cao thượng,
có thể chàng là hoàng tử của đất nước Tây Ban Nha xa xôi tới đây. Ông bảo: - Tôi đồng ý để các thủy thủ của ngài ở lại đây sửa tàu. Người
của tôi sẽ đưa ngài tới gặp vua Lê Thế Tông ở Yên Trường. - Tạ ơn Chúa. Xin quan lớn cho hai người bạn của tôi đi cùng. CHƯƠNG 2 Trống điểm canh năm. Tiếng gà xao xác gáy. Lý được lệnh
cùng hai người lính dẫn ba ông Tây về Yên Trường (Thanh Hóa). Họ xuống con thuyền
gỗ hai đầu vút nhọn lao ngược dòng sông. Cevallos ngắm đất trời Đại Việt. Hai
bên bờ sông, ruộng mía, nương dâu, rau màu tươi tốt. Những người đàn bà lúi cúi
lưng còng xuống gần mắt đất cuốc cỏ, bón cây, bóng họ mờ trong sương mù, gió
rét. Càng ngược lên, sông càng gần với núi, dòng nước xoắn cuộn vào nhau. Núi
chồng lên núi, vút nhọn chập chờn vẽ lên bầu trời màu xanh lam và màu đen thẫm.
Màu xanh là nơi ngự của thánh thần hiện lên mờ mờ, ảo ảo trong sương sớm. Màu
đen nặng nề phủ lên đường chân trời những hình khối đồ sộ, kỳ quái, nơi hoành
hành của quỷ Sa tăng và quái vật. Chúng mượn muôn hình thù của núi sông mà ẩn
hiện. Này đây bộ mặt của quái nhân đầu bò, miệng rắn… và kia những con vật lông
lá lởm chởm khắp người, đứa chột mắt, đứa thọt chân, đứa phình bụng, đứa gầm rống
rít, đứa có hai lỗ mũi rộng bằng cái hố đang phả hơi độc lên trời… Chúng là hổ,
báo, chó rừng, lợn rừng, sư tử, trăn tinh, bọ cạp, sâu róm, yêu ma… Chúng là bọn
thích rong chơi, khát máu người, mộng làm vua chúa của rừng hoang. Hai chỏm núi
đen xì kia có hình của gã hai đầu, mặt thú. Gã giang tay vung kiếm loạn xạ. Những
hình thù khác chồm dậy, rú lên tiếng hô hét man rợ. Những cuộc giao tranh hỗn
loạn diễn ra. Rừng bốc cháy. Những ngọn núi đen ngòm che lấp ánh trăng sao.
Cevallos nhắm mắt lại. Chàng thiếp đi trong cú sốc tưởng tượng. Bỗng một làn
gió đưa hương đánh thức chàng dậy. Bầu trời dần sáng lên. Những tia nắng vàng lấp lánh. Đàn chim
bay qua, tiếng hót rộn ràng. Hương thơm từ không trung sà xuống vuốt ve khuôn mặt
tê dại vì rét của Cevallos. Làn hương thơm đằm thắm tràn ngập tâm hồn chàng.
Hương của cây hoa gì nhỉ? Chàng thầm reo lên ’’Hương trầm. Đây là xứ sở của trầm
hương. Cây gỗ trầm trong rừng già thâm u ngàn năm, nhẫn nại tinh cất hương thơm
của hoa rừng. Cây chết, hương còn giữ lại trong thớ gỗ. Người ta chặt gỗ chẻ
thành từng mảnh nhỏ, đốt lên, dâng Chúa. Hương trầm ngào ngạt hương hoa của mặt
đất, hương thơm của tình người, chỉ ở xứ gần mặt trời mới có. Người Tây Ban
Nha, Bồ Đào Nha, đã phải vượt muôn trùng biển lớn tới đây buôn bán, mua hương
trầm về châu Âu quê hương của Chúa”. Cảm giác sung sướng tự hào lâng lâng theo
làn gió hương trầm, chàng muốn bay lên. Bay vào khu rừng đầy bóng cây xanh kia,
chàng sẽ tự trải thảm lá cây khô rụng xuống mặt đất, nằm xuống giữa không gian
thơm mà nghe tiếng chim hót râm ran trên cành cao. Tiếng chim tỏa hương trầm.
Tiếng chim nâng tâm hồn chàng lên bầu trời xanh vời vợi, từng đám mây trắng bồng
bềnh trôi. Và Chúa Thánh thần hiện xuống. Anh Lý chia cho Cevallos chiếc bánh gai, làm tan giấc mơ của
chàng. Lý dạy ba chàng Tây cách ăn bánh: - Đây là bánh lá gai bọc trong lá chuối. Lá gai được hái từ rừng
về cho vào cối giã trộn với đường. Hạt đậu xanh nấu chín, viên thành từng miếng
bằng nửa bàn tay, lá gai đã giã bọc ngoài, dùng lá chuối gói thành những chiếc
bánh hình tháp bốn cạnh vuông. Đặt bánh gai đã gói lên chiếc vỉ tre, cho vào nồi
hấp, bánh chín bằng hơi. Cevallos cầm chiếc bánh còn nóng ấm, vừa bóc lá chuối ra, mùi
của lá gai dâng lên thơm lạ. Chàng nhẹ nhàng cắn vào lớp da lá gai đen bóng, dẻo,
hương thơm nức, bắt gặp vị bùi, ngọt của đậu xanh ở cái nhân vàng óng bên
trong. Chàng ngâm nga hương thơm, vị ngọt bùi của chiếc bánh, sản vật của rừng
xanh, mà cảm mến con người ở xứ sở hoang vu này. Hương thơm cây cỏ núi rừng được
bàn tay, khối óc con người chưng cất thành món ăn tinh khiết là vẻ đẹp tuyệt mỹ
trong mọi vẻ đẹp. Con người đã thoát khỏi cảnh “ăn lông ở lỗ”. Con người biết
tinh luyện hương thơm từ khoảng sâu kinh dị của hung thần, quỉ quái để tạo nên
hơi thở tinh khiết của mình. Con người trở thành người. Con thuyền nhẹ trôi trong gió đầy ắp hương thơm. Cevallos
nhìn dòng nước trong xanh in bóng rừng xanh. Lý nói tên của dòng sông. “Sông
Mã”. Tiếng Hán ”Mã” là con ngựa. Con thủy mã chảy từ đất nước Ai Lao qua đây rồi
ra biển. Cevallos cảm thấy mình đang trườn trên con ngựa của thủy thần tới cung
vua. Trên mình nó pha trộn dòng máu của hai giống người, Ai Lao và Đại Việt.
Hình như họ thương nhau lắm. Cevallos khéo léo gợi người thông ngôn kể chuyện
xưa. Lý sinh ra và lớn lên, được học hành ở đất này, nên tinh tường sử sách.
Anh kể: - Đất này tên gọi Lam Sơn, hơn một trăm năm trước có người
sơn trang dân tộc Mường dũng mãnh đứng lên dựng cờ, tụ hợp dân lành lầm than,
đói khổ, vùng lên chống lại triều Minh, xâm chiếm Đại Việt. Nhân tài từ Thăng
Long( Đông Kinh) cũng đổ về dâng kế sách. Mười năm giao chiến với quân Minh,
thây chất thành núi, máu đổ thành sông. Quan quân Đại Việt nhờ lấy đức, nhân,
nghĩa, làm đầu nên giặc Minh cảm phục mà bỏ chạy về Trung Hoa. Người Mường lập
triều đình nhà Lê, nắm quyền hành, giữ ngôi được mười đời, một trăm năm, thì
trong triều bất yên, đầu rơi, máu chảy, oán thù triền miên. Vàng son lộng lẫy một
thời đổ sụp thành tro bụi, bởi kẻ nắm quyền lực cậy quyền, chặn ép, áp bức dân
lành, phải trái, đúng sai tùy kẻ cầm quyền, thi cử đối trá, mua quan, bán chức…
Người dốt nát, xấu xa, chiếm được quyền lực, thông đồng vu cáo, chém giết, hãm
hại nhân tài. Những ông vua trở thành “vua quỷ”, “vua lợn”, khiến muôn dân
khinh bỉ, chán chường. Đến nỗi sứ nhà Minh phải thốt thành thơ: “An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giáng quỷ vương”
(Vận nước An Nam còn dài bốn trăm năm
Ý trời sao lại sinh ra vua quỷ) Oán hận ngút trời, nhưng người người không được nói ra. Trước
cảnh triều chính thối tha, quan đầu triều Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, lập nhà
Mạc. Nhà Lê hồng phúc còn cao nên Lê Ninh, con vua Lê Chiêu Tông, mười một tuổi
được các tướng sĩ trung thần mượn đường trốn sang Ai Lao, bí mật khôi phục triều
đình nhà Lê. Năm năm nương nhờ đất Ai Lao, xưng vua hiệu là Trang Tông nối dòng
Lê, đóng đô ở trại Sầm Hạ, giao kết thân thiện với vua Ai Lao. Mạc Đăng Dung ở
Đông Kinh tấn công vào Tây Kinh. Viên tướng họ Trịnh cầm quân chống Mạc. Mùa
đông 1540, Trang Tông về nước đóng đô ở Tây Kinh, tức là nơi sông núi tiên đế
Lam Sơn dấy nghĩa. Từ đó Đại Việt chia cắt hai miền. Hai thế lực Lê Mạc đều
xưng vua, tranh chấp nhau quyền lực. Vua Lê giữ Nam triều, từ vùng Thanh Hóa trở
vào phía Nam. Vua Mạc Đăng Dung giữ phía Bắc, chiếm giữ đất đai sông núi Bắc
Hà. Dân chúng mỉa mai trong nước mắt, thành khúc ca buồn: Bắc Nam đều có hoàng gia
Vua Lê - vua Mạc hai nhà phân tranh
Dân đen chịu cảnh cơ hàn
Đầu rơi máu chảy tan hoang cửa nhà
Xót thay cho một quốc gia
Nước cường, dân thịnh, bỗng ra tương tàn (2) Cevallos chăm chú lắng nghe, rất phục chàng trai “lai giống”
Tàu kể chuyện lịch sử Đại Việt như hát hay. Có lẽ linh hồn của quan ngự sử
trung nghĩa trở về, ngự trên cái miệng rộng, môi thắm của chàng mà rót vào đó
những thanh điệu thành thực. Chàng muốn tiếp tục khám phá sự thống trị ở đất
này, nên ngồi im lặng, mắt sáng lên, nghe Lý kể mãi, kể hoài, không biết chán: - Sự thật trớ trêu. Vua Lê ngồi trên ngai vàng, nhưng là vua
bù nhìn. Quyền lực rơi vào tay Trịnh Kiểm, con rể Nguyễn Kim, người giúp Trang
Tông lên ngôi ở Ai Lao, được phong Thái phó Quốc Công. Kim bị đầu độc. Kiểm nắm
giữ quyền binh, định đoạt công việc trong cung, ngoài triều. Bề ngoài hắn mượn
cớ phù Lê, bên trong nham hiểm âm mưu thu cơ đồ về tay mình. Kiểm thu thập quân
lương, lừa lọc hiền tài trừ giặc Mạc triều ”cho trăm họ yên vui muôn đời”. Vua
Trang Tông chống chọi không nổi, ốm nặng, ba mươi tư tuổi đã lui về chín suối.
Thái tử Duy Huyền con trưởng vua nối ngôi (Trung Tông) khi vua cha đã xây dựng
lại hào lũy, kinh đô, dọn cỏ dại tứ bề. Trung Tông tính tình khoan rộng, mười
lăm tuổi làm vua, quyền triều chính giao hết cho Trịnh Kiểm quyết định, không cần
tấu vua. Vua học các tiên đế, mở khoa thi chọn hiền tài. Nhiều quan Bắc Hà bỏ
nhà Mạc ở Đông Kinh vào Tây Kinh làm cho thế lực Nam triều mạnh hơn. Cuộc tranh
giành Lê Mạc quyết liệt không ngưng nghỉ. Dân chúng chết chóc, lầm than, điêu
linh cùng cực. Vua được hai mươi hai tuổi đã băng, không có thái tử nối ngôi. Đây là cơ hội tốt cho Trịnh Kiểm lên chiếm đoạt ngai vàng.
Nhưng hắn sợ trời không dung, đất không tha, sợ lòng người điên đảo, hắn phái
người tâm phúc đi tìm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xin Trạng xem vận hạn, số
mệnh thế nào. Nghe đến chuyện tiên đoán số mệnh, Cevallos bị cuốn hút mạnh,
xứ sở này cũng có thần thánh tiên tri. Tuyệt quá! Chàng ngắt lời Lý: - Tôi xin lỗi. Tôi muốn hiểu kỹ về Trạng Trình của Đại Việt.
Người có khả năng tiên tri? - Vâng. Đúng vậy thưa ngài. Trạng Trình quê ở Vĩnh Bảo, tỉnh
Kiến An, sinh năm Tân Hợi (1491) triều Lê Thánh Tông, một triều đại rực rỡ về
Nho học, triết học và thơ ca, dân chúng sống no đủ, yên bình. Cha ông học rộng,
tài cao, mẹ là con gái Thượng thư Bộ hộ, bà có học vấn và tính cách mạnh mẽ
khác thường lắm. Thuở nhỏ, mẹ đem thơ Quốc âm dạy con học. Lớn lên, Nguyễn Bỉnh
Khiêm đựợc học người thầy nổi tiếng là bảng nhãn Lương Đắc Bằng, tinh thông Lý
học, đã đem sở học Dịch lý và bộ sách Thái Ất Thần kinh ra truyền dạy
cho Bỉnh Khiêm. Lên bảy tuổi, mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm bỏ nhà ra đi do bất hòa với
chồng vì việc dạy dỗ con cái. Cậu bé sống với cha, lao tâm khổ tứ học hành.
Chàng thanh niên vào đời dưới thời vua Lê Uy Mục (1505-1509). Vua tồi tệ đến mức
sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết: ”Nhà vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc,
làm sai, giết hại người tôn thất, giết ngầm từ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm
họ oán giận, người đời gọi là vua Quỉ, điềm loạn hiện ra từ đấy” Tiếp đó là triều vua Lê Tương Dực (1510- 1516) dân gọi là vua
Lợn. Sử gia cau mày đặt bút ghi vào Đại Việt sử ký toàn
thư “Ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất
nghiệp, trộm cướp nổi dậy đến nguy vong là buổi đấy” Sứ thần nhà Minh khoái trá tiên đoán ”Quốc vương An Nam
mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua Lợn, loạn vong sẽ không lâu
đâu” Sống dưới oai quyền của vua Quỉ, vua Lợn ấy, hỏi người dân sẽ
thành ra cây gì? Con gì? Con người là hạt giống vĩ đại của Thượng đế, phải được
gieo trong mảnh ruộng tốt. Phải có một vị vua anh minh, trong sáng như thánh thần
cai trị, chăm sóc, hạt giống mới nở thành cây xanh cành, trĩu quả. Nhưng những
người được gieo trên đồng vắng, bị vua Quỷ, vua Lợn cai trị, họ đã thoát lên
thành người bằng học vấn sách vở và tri thức dân gian. Nguyễn Bỉnh Khiêm lặng lẽ
học và học. Chàng tầm sư, học đạo, trau dồi kiến thức, im lặng chờ thời. Qua
hai lần thi Hội, chàng không tham dự, năm bôn nhăm tuổi, khi thời cuộc đã ổn, mới
dự thi và đỗ tiến sĩ. Năm 1530, sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm
quan cho nhà Mạc, được cử làm đến chức Lại Bộ Tả thị lang kiêm Đông các đại học
sĩ. Tám năm tôn phù nhà Mạc. Hằng ngày nhìn đám lộng thần dốt nát, nịnh bợ, chạy
chọt, múa may như con rối, hành động độc ác, xấu xa, đê tiện, ức hiếp dân lành,
Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy ghê tởm, dâng sớ xin chém mười tám kẻ gian thần. Không
được vua Mạc Phúc Hải chấp nhận, Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan, từ chức, lui về
trí sĩ dạy học ở tuổi năm mươi ba. Là một người am hiểu sâu sắc Kinh Dịch, tinh
thông Lý số, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã áp dụng kiến thức này để nhận định, tiên tri
mọi việc của con người trong cuộc sống thường nhật, cũng như dự báo các đổi
thay của thời cuộc. Cụ là một bậc túc Nho thông kim bác cổ, một sĩ phu tài danh
lỗi lạc, một nhà giáo dục đã đào tạo được nhiều cử nhân, tiến sĩ. Nguyễn Bỉnh
Khiêm còn là một nhà thơ, một nghệ sĩ có tâm hồn phóng khoáng, cao thượng, hướng
tâm hồn lên cao, hướng về ánh sáng: Cơ tạo hóa
Phép đổi dời
Đầu non mây khói tỏa
Mặt nước cánh buồm trôi
Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi
Lầu Hán trăng lên ngẫm mệnh trời
Tuổi già thua kém bạn
Văn chương gởi lại đời
Dở hay nên tự lòng người cả
Bút nghiên soi hoa chép mấy lời
Bí truyền cho con cháu
Dành hậu thế xem chơi Lý cao hứng ngân nga thơ Trạng Trình bằng tiếng Đại Việt.
Không phải Lý ngâm thơ, mà là hồn Trạng Trình đã nhập vào Lý, đọc thơ của mình.
Cevallos nhìn vẻ mặt đơ đơ, nửa tỉnh nửa say như linh hồn ẩn hiện, nghe những
âm thanh bằng, trắc, lặp đi, lặp lại thành nhạc, ngân nga ý tình, sâu thẳm hư
vô, vang lên từ cặp môi dày của Lý, tâm hồn chàng ngất ngây. Chàng mỉm cười tạ
ơn Chúa luôn ở khắp mọi nơi. Chúa dạy mỗi người là một linh hồn dù thể xác, màu
da, tiếng nói khác nhau. Linh hồn bất tử. Tiếng ai xa xăm rót nhẹ vào tai
chàng: “Thánh đường cũng là đây, cả không gian thơm mùi đất lạ, rừng hoang này
là một thánh đường. Những linh hồn tinh khiết sẽ gặp nhau.” Tiếng ngâm thơ vừa dứt, Lý tỉnh táo trở lại, chuyển giọng kể
chuyện sôi nổi, cuốn mọi người trên thuyền vào câu chuyện Trịnh Kiểm phái Trạng
Phùng Khắc Khoan mang lễ vật ra tận Kiến An hỏi Trạng Trình về giấc mộng làm
vua của Kiểm: - Trạng Trình không trả lời chính người hỏi, quay đầu bảo các
gia nhân: “Lúa vụ này không được mấy, chỉ tại thóc giống không tốt, vậy
hãy đi tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói xong, cụ ra chùa bảo các chú tiểu quét dọn
và thắp nhang. Phùng Khắc Khoan hiểu ý. Tạ ơn và giã từ . Họ Trịnh nghe lời Trạng Trình, tìm Lê Duy Bang (Anh Tông) con
cháu họ Lê, phò làm vua, mượn cớ phù Lê cứu đời. Trịnh Kiểm nắm giữ toàn quyền.
Vua Lê chịu thân phận bù nhìn. Trịnh Kiểm lộng hành. Trung thần phẫn uất mà vẫn
phải cúi đầu cam chịu. Năm 1750. Trịnh Kiểm qui tiên. Anh em Trịnh Tùng, Trịnh
Cối tranh giành ngôi Chúa. Bè cánh. Phe phái. Giằng giật. Triều đình suy. Vua
Anh Tông phải trực tiếp điều hành, dàn xếp mâu thuẫn trong cung, ngoài triều.
Vua thân chinh cầm quân đi đánh nhà Mạc, lập chiến công, khôi phụ uy thế triều
đình. Trịnh Tùng mưu hãm hại Anh Tông, cướp quyền lực, giết người trung nghĩa.
Nịnh thần xui vua giết Trịnh Tùng. Việc bại lộ. Mối căm ghét hận thù chất cao.
Trịnh Tùng nắm binh. Vua sợ hãi. Ăn không ngon. Ngủ không yên. Một đêm, vua
cùng gian thần trốn khỏi kinh thành. Trịnh Tùng truy lùng giết Anh Tông và chọn
hoàng tử Duy Đàm, con thứ năm của Anh Tông, bảy tuổi, lên ngôi năm 1573, hiệu
là Lê Thế Tông. Đức vua mà chúng ta sắp vào chầu đấy! - Chúng ta sẽ gặp đức vua hai mươi bốn tuổi, trị vì vương quốc
mười bốn năm. - Đúng vậy. Đó là một vị vua thông minh, mày ngài, mắt sáng.
Ngài lên ngôi, ban chiếu dụ thu phục lòng người: “Ta nghe Thượng đế mở rộng
công nuôi dưỡng muôn loài, tất ngay dịp Xuân mà ban ân đức, vương giả, giữ gìn
buổi đầu tức vị, phải ra mệnh lệnh dụ bảo thần dân. Trên dưới hợp nhau, đồng
lòng một chí. Nước nhà ta nhân thời cơ mà mở vận, gây dựng nước bằng lòng
nhân”. Nghe Lý dịch lại lời chiếu dụ, Cevallos thấy vua nhắc đến Thượng
đế và muôn loài. Chàng vững tâm. Bởi ông ta đã biết tới đấng thiêng liêng, sáng
tạo ra con người và muôn loài, có nghĩa là đã sống cả phần hồn lẫn phần xác.
Chàng rất sợ ai đó chỉ sống với phần xác thịt. Không có linh hồn, con người chỉ
là những tấm phản thịt đầy máu, vật lộn, chém giết, ăn thịt lẫn nhau và ăn thịt
muôn loài. Tạ ơn Chúa. Vị vua xứ nóng này sẽ nhanh chóng hiểu Chúa. Bởi ông ta
có linh hồn. Không cần biết Cevallos nghĩ gì, Lý vẫn chậm rãi kể: - Các danh tài được mời vào dạy vua. Thế Tông học giỏi. Hiểu
sâu. Biết rộng. Văn thơ toàn tài. Bản tính vua thông minh, mẫn tuệ, sáng chữ
Tâm, hội tụ được nhân tài, sĩ phu. Sau năm năm trị vì, ngài cho khôi phục khoa
trường, tổ chức thi Hội, tìm nhân tài. Nguyễn Văn Giai, Quang Hòa đỗ tiến sĩ,
được vua giáng chỉ làm quan triều đình. Nhưng Nam Bắc triều liên tục đánh nhau
to. Trịnh Tùng đem quân ra. Nhà Mạc tiến quân vào. Đánh nhau bằng gươm đao, máu
nhuộm đỏ các dòng sông. Bắn nhau gục tơi tả dưới chân ngựa, trên thớt voi, thây
phơi, xương chất đầy rừng núi. Kinh hoàng lắm. Khủng khiếp lắm. Có đêm quân Trịnh
chém gần một nghìn thủ cấp phơi trên bờ sông. Dân vùng này gồng gánh nhau, chạy
toán loạn. Tiếng kêu khóc. Tiếng trâu, bò, lợn, chó, mèo… xáo xác khắp mặt đất.
Vua quan trú ngụ ở Yên Trường. Đào hào sâu. Đắp thành lũy cao lút đầu. Triều
đình như một lũ chồn cáo nằm trong hang ổ. Trời đất nổi giận. Lụt triền miên. Sao chổi mọc, đổ dài những
tia lửa lớn như đốt cháy Đại Việt. Nước trong giếng tự nhiên sôi lên. Sấm động
trái thì. Nhật thực. Nguyệt thực. Bóng đen phủ mặt đất, bầu trời. Vua, quan,
lính, tướng, dân chúng hãi hùng. Năm Bính Tuất (1586) tháng sáu, vùng Thanh
Hoa. Không mưa. Không gió. Nước sông Mã bỗng dâng cao. Thành Tây Đô bị ngập.
Ngoài sông, nước xoáy, chảy xiết như bắn. Cây trong rừng đổ xuống lấp mặt sông.
Các nhà ven sông trôi ra biển. Tháng bảy lụt lớn. Đêm rằm mặt trăng có quầng đỏ,
bóng sáng lờ mờ, sắc phun như máu. Các nhà chiêm tinh đoán điềm xấu. Qua rằm
tháng tám vài ngày, bỗng dinh Yên Trường cháy lớn. Gió to. Lửa mạnh. Cháy lan
các khu dinh, trại lính, phố xá… Cháy rụi vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín bầu
trời. Khói đen phủ đặc một vùng. Thái vương Nguyễn Thị Ngọc Bảo, mẹ Trịnh Tùng
chết cháy. Ngày cuối tháng tám, trong dinh Yên Trường nổi cơn lốc lớn đến hai dặm.
Người ngã. Nhà tốc. Đá bay. Cát cuộn. Gãy cây. Sụt tường… Mặc đất trời nổi cơn
thịnh nộ. Hai vua Lê- Mạc vẫn cầm quân đánh nhau. Mới đây, Trịnh Tùng tung quân
ra, đánh đuổi quân Mạc tới chỗ hiểm núi Tâm Điệp, chém được hơn nghìn thủ cấp,
bắt sống hơn sáu trăm người… Lý kể đến đây thì ngưng bặt. Một linh hồn vừa rời khỏi thân
xác anh. Mặt anh hơi tái, mồ hôi vã trên trán. Người lái đò bê đến cho Lý bát nước chè xanh. Nước xanh lóng
lánh sắc nắng như màu rừng xanh in vào bát nước. Lý uống một hơi, khoan khoái
như được uống ánh trời. Lý bỗng nghe tiếng ai như tiếng cụ Trạng Trình: “Đến
nay đã tròn năm mươi năm nội chiến. Năm mươi năm. Một kiếp con người đã bị bọn
khát quyền lực biến thành kiếp chó ngựa. Con người sinh ra phải được quyền sống.
Tại sao bọn chúng dám đẩy con người vào lò lửa chiến tranh ngập ngụa máu và nước
mắt? Năm mươi năm. Mười thế hệ trai tráng Đại Việt, máu đỏ da vàng, cùng một bọc,
cầm gươm giáo giết nhau. Ruột thịt giết nhau. Máu lửa tương tàn. Thật là một cuộc
tàn sát cuồng điên. Bọn vua chúa say quyền lực, tranh ngôi cao, đã biến thành
những tên đồ tể, giết dân lành. Dân chết như ruồi bọ. Họ không biết vì sao mình
phải rơi vào cảnh nồi da, xáo thịt?” Im lặng. Hàng vạn linh hồn réo đòi sự sống. Lý lạnh gáy nghe
một giọng thơ ngâm: “Lời thần trước đã ứng linh. Hậu sinh phải đoán cho
hay mới tường. Lê tồn, Trịnh tại. Lê bại, Trịnh vong”. Lý ngồi xích lại gần Cevallos, nhìn sâu vào đôi mắt xanh biển
cả của chàng, như xin lỗi vì biết câu chuyện của mình thật nặng nề. Nhưng đó là
sự thật. Dù muốn hay không, chúng ta đã đến đây, phải hít thở bầu không khí ấy.
Nó sẽ đè lên tâm trí của ta. Nó quất vào hành động của ta. Dù ta là người Tây
hay người Tàu. Ngài có cảm thấy thế không? Cevallos nắm chặt bàn tay Lý. Lặng lẽ cảm ơn chàng trai thánh
thiện đã được Chúa chọn để thông dịch cho mình hiểu được nội tình đất nước Đại
Việt, mà cơn bão đã xô chàng tới như một định mệnh. Họ đắm vào mắt nhau thật lâu. Chiều buồn như nhật thực. Im lặng
mênh mông. Nước sông Mã cuộn lên màu đỏ. Như để xua tan nỗi sợ, hai chàng chèo
đò cất tiếng hò sông Mã: “Dô khoan, dô hò, hò lên cho nhịp, để chèo thuyền
lướt ra khơi. Dô khoan. Dô hò”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét