Kết luận này giải thích tại sao cả ngàn năm, nước Hồ Gươm mãi
xanh màu Lục Thủy, đúng như tên khai sinh cụ kỵ ta đã đặt “hồ Lục Thủy”.
Tại sao nước Hồ Gươm có màu Lục Thủy?
Để trả lời chính xác câu hỏi này, năm 2002, các nhà khoa học
thuộc Trung tâm công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống (BIOLAP) đã
nghiên cứu dự án ”Bảo vệ nguồn gen vi tảo, đặc hữu quí hiếm ở hồ
Hoàn Kiếm”.
Sau quá trình nghiên cứu với phương pháp: thu các mẫu tảo
trên nhiều địa điểm khác nhau của Hồ Gươm; nuôi cấy và phân lập vi tảo; nuôi cấy
tảo thuần khiết; thảo luận, định loại và kết luận… các nhà khoa học phát biểu:
“Nước hồ Hoàn Kiếm luôn luôn có màu xanh lam. Đó là sự nở hoa
của nước. Phân tích các mẫu nước nở hoa dưới kính hiển vi cho thấy chúng rất
phong phú về thành phần loài vi tảo, bao gồm tám mươi mốt các taxon, trong đó
có mười tám loài vi khuẩn lam hay tảo lam( chiếm 22%), sáu mươi loài tảo lục(
74%), một loài tảo mắt… Tảo lục và tảo lam chiếm đa số tuyệt đối trong thành phần
nước nở hoa.”
Hồ Hoàn Kiếm đứng vị trí thứ năm về diện tích so với các hồ ở
Hà Nội( hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Thanh Nhàn), chu vi khoảng gần hai
cây số. Là một hồ tự nhiên, xa xưa có nối với sông Hồng, nhưng nay hoàn toàn bị
cô lập, nằm giữa Trung tâm thành phố Hà Nội, là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng
của Việt Nam.
Người Hà Nội bao đời nay ngày
càng làm cho hồ đẹp thêm về cảnh quan, thêm huyền thoại Rùa thần đòi gươm chở
nặng khát vọng hòa bình của người Thăng Long- Hà Nội, mang đậm giá trị lịch sử,
về những cụ rùa đã sống trường kỳ cùng thăng trầm thế sự.
Nước Hồ Gươm nở hoa.
Hồ Gươm còn cả sự sống bất diệt của những vi sinh vật
quang tự dưỡng, có kích thước nhỏ cỡ hiển vi, sống phù phiêu hoặc bám trên những
vật thể nằm trong nước.
Chính sự sống ngàn đời của những loài vi tảo này đã làm cho
nước hồ Gươm luôn xanh màu Lục Thủy như tên khai sinh thuở trước.
Nhà khoa học soi tận đáy Hồ Gươm, thấy thành phần tảo
ở đáy nhiều hơn so với thành phần nước nở hoa. Tảo nở hoa sinh sống dưới đáy hồ
và các thực vật ở đáy có thể dễ dàng chuyển lên mặt hồ do tác động của sóng và
sự xáo lộn của các động vật ở trong nước. Họ tìm ra trong số các loài vi tảo sống
ở Hồ Gươm có ba mươi ba taxon (đơn vị khoa học) là mới đối với khoa học và mang
tính đặc thù của Hồ Gươm. Chúng thuộc bốn loài, gồm mười ba thứ và mười sáu dạng,
trong số đó có ba mươi ba taxon thuộc về chi Scenedesmus. Cho đến hiện nay,
chưa có công trình nghiên cứu nào tiến hành phân lập, nuôi dưỡng và bảo quản
các chủng Scenedesmus Hồ Gươm, cũng như chưa có công trình nghiên cứu nào xác định
sự sai khác giữa các taxon của Scenedesmus bằng ADN.
Để bảo vệ nguồn gen vi tảo, các nước trên thế giới đã thiết lập
các bảo tàng vi tảo sống để nuôi dưỡng trở thành nguồn gen mang tính chất ổn định,
bảo quản được cùng năm tháng, tránh được sự mất mát nguồn gen do tác động của
ngoại cảnh.
Còn việc bảo vệ nguồn gen vi tảo đặc hữu quí hiếm
ở Hồ Gươm thì sao? Các nhà khoa học đã tiến hành phân lập vi tảo nước Hồ Gươm,
đã thu được mười mẫu tảo thuần khiết thuộc chi Scenedesmus và phân lập, bảo quản
hai mươi chủng khác từ Hồ Gươm, được lưu giữ tại bảo tàng quốc gia vi tảo Việt
Nam - Đại học Quốc gia Hà Nội và phòng thí nghiệm BIOLAP. Các chủng này hiện
đang được tiến hành thực nghiệm xác định ADN tại phòng sinh học Hàn Quốc và Nhật
Bản.
Nhờ nghiên cứu khoa học, chúng ta biết Hồ Hoàn Kiếm không chỉ
là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, với huyền thoại Rùa thần
đòi gươm, và hình ảnh cụ Rùa có thật, được ướp hồn Thăng Long linh thiêng đang
sống vui cùng dân chúng, mà Hồ Gươm còn là nơi lưu giữ những nguồn gen vi tảo
quí hiếm, những vi sinh vật quang tự dưỡng có kích thước cỡ nhỏ hiển vi, sống
phù phiêu hoặc bám trên những vật thể nằm sâu dưới nước.
Sự sống mãnh liệt, âm thầm của những vi tảo này đã làm cho nước
Hồ Gươm hơn nghìn tuổi vẫn giữ mãi một màu xanh Lục Thủy, để muôn đời, muôn kiếp
con người say đắm màu xanh nước biếc.
Nếu bạn được bước chân đến Hồ Gươm, hãy thành kính ngắm nhìn
nước hồ nở hoa từng tích tắc, tỏa màu xanh ngọc biếc, mà nâng niu sự sống của
muôn loài.
Sự phát triển với tốc độ xô bồ của Hà Nội những năm gần đây
đã làm cho nước Hồ Gươm bị ô nhiễm, dẫn tới sự thay đổi về thành phần các loài
vi tảo. Một số loài vi tảo đặc hữu của hồ đã chết. Một số loài vi tảo độc hại
sinh sôi. Từ sâu thẳm tâm linh, nhà thơ Lê Hoài Nguyên thốt lên nỗi lo âu thảng
thốt:
Nếu như một ngày
Loài tảo xanh ngắt kia chết đi
Những con rùa của tổ tiên để lại chết đi
Hồ Gươm chết.
Nhà thơ thấu thị thấy sự sống vi diệu, chẳng khác một nhà
khoa học nhìn kính hiển vi, mà viết nên những câu thơ báo động tận tầng tâm
linh.
Hồ Gươm trong tâm linh Hà Nội là Mắt Ngọc của kinh thành, là
huyệt chính linh diệu của vùng đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ, đáy Hồ Gươm có mạch nước
vàng, kho báu trong lành của đất trời ban tặng.
Hồ Gươm không chết.
Bởi nếu ai vì tham tiền mà phá hoại Hồ Gươm, sẽ có hàng trăm
tiếng nói vang lên, bảo vệ “mắt ngọc” lung linh giữa mây trời.
Giờ đây nghĩ lại chuyện cũ quanh hồ Gươm mà kinh! Người ta định
xây khách sạn Hà Nội Vàng nuốt chửng hồ Gươm, mong kiếm đô- la, chẳng khác gì
nhà Trịnh đặt ly cung trên đảo Ngọc giữa hồ Gươm, nên cả triều đại sớm băng hà.
Kinh hoàng hơn họ còn định thay nước Hồ Hoàn Kiếm, nạo vét lòng hồ, mà không biết
rằng nơi đó là sự sống nguyên sinh của thủy cung, vương quốc của Rùa thần và thế
giới của các loài vi tảo phát sáng… bằng một dự án ngoạn mục trị giá bốn mươi
tư tỉ đồng (tương đương với bốn triệu đô la thời điểm đó).
Sợ cụ Rùa sẽ chết, những Người Hà Nội Yêu Hà Nội chịu không nổi,
ăn không ngon, ngủ không yên, đã lên tiếng. Cuối cùng dự án ngon xơi, béo bở của
đám người bất tài, tham lam bị ngừng, nên Hồ Gươm được giữ lại vẻ đẹp của nó,
dành tặng cho thế kỷ XXI.
Kẻ sĩ Bắc Hà thời nào cũng tinh anh và tràn đầy khí phách. Họ
nhìn rõ bóng tối đen ngòm sau cái vung tay khoác loác của những kẻ không biết
gì về văn hóa, tâm linh, sẵn sàng đạp lên nhân cách con người Thăng Long - Hà Nội,
chỉ vì tham tiền đến mờ mắt.
Hàng trăm tờ báo đồng thanh đưa tiếng nói của kẻ sĩ lên công
luận, nên mộng xây “Khách sạn Hà Nội Vàng” che lấp Hồ Gươm đã không thành.
Thương thay, ai đó hợm mình hiên ngang ngồi trên chiếc ghế
của Nhân Dân mà không biết lắng nghe lời nhà khoa học nói về nước Hồ Gươm nở
hoa; mà không biết rằng xây “Khách sạn Hà Nội Vàng” bên Hồ Gươm - Mắt Ngọc Tâm
linh nòi giống là phạm đạo làm người, phạm tội với nhân quần, với vũ trụ Âm
Dương… kiếp nào mới rửa hết bẩn nhơ mà siêu thoát?
Hỡi những kẻ hám tiền, hám gái, chẳng nhẽ cuộc sống của cộng
đồng người Thăng Long - Hà Nội chỉ có hai thứ: tiền và nhà lầu, khách sạn hay
sao?
Không!
Giữa bụi lầm đường. Giữa ồn ào nhốn nháo. Người Hà Nội âm thầm
nâng niu cái đẹp trong đời sống, hiện qua cách ứng xử với con người và thiên
nhiên từng ngày, từng giờ, từng phút giây được sống làm Người.
Mấy ai chịu khó đưa cây cỏ, hoa lá vào trong ngôi nhà ở nhỏ
bé của mình như người Hà Nội?
Chỉ một nét ấy thôi cũng đủ kết thành
Tinh Hoa Hà Nội.
Và trong khi các nhà khoa học nâng niu sự sống của loài vi
sinh cho nước Hồ Gươm nở hoa, thì các nhà khoa học nhân văn, kẻ sĩ Bắc Hà nâng
niu gìn vàng, giữ ngọc cho nhân cách con người Hà Nội.
Họ cũng âm thầm cất giữ và nuôi cấy nguồn gen nhân cách cho
nó nhân lên gấp bội và tỏa sáng Tinh Hoa Hà Nội bằng con đường giáo dục.
Tinh hoa là đỉnh cao nhân cách con người tỏa hương, phát
sáng. Nó là một dòng chảy xuyên suốt cả nghìn năm nay. Người Thăng Long - Hà Nội
chỉ lựa chọn các giá trị Tinh hoa để tôn thờ.
Họ không mù mờ nhầm tưởng cứ thấy ai có tiền nhiều, chức lớn
mà vồ vập mến yêu. Họ im lặng, bình thản quay lưng lại kẻ khoe của, khoe chức,
khoe danh, khoe vị, khoe giải thưởng, công lao...
Cái im lặng “rất Hà Nội” ấy, ít ai hiểu được.
Người Hà Nội im lặng đi tìm Tinh hoa từ các bà bán bún, bán
phở, từ bác xích lô, em bé đánh giày, bà mẹ già liêu xiêu bên phố cổ mỗi sáng,
mỗi chiều tìm chồng, tìm con… đã khuất vào các cuộc chiến tranh; những thầy
giáo, cô giáo vượt lên đọa đày mà vẫn dịu dàng truyền sức sống Tinh hoa; từ nhà
khoa học đêm ngày chăm sóc cụ Rùa hồ Gươm, người bác sĩ, y tá yêu thương người
bệnh thực long; người họa sĩ già lang thang đi tìm ánh sáng sắc màu Thăng Long -
Hà Nội … đến những sĩ phu ẩn mình truyền tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái cho
“Rồng” bay lên, hay những bác nông dân ngoại thành trồng hoa, ươm quả, trồng
lúa, nuôi thịt sạch, rau sạch…
Người Hà Nội sành điệu, đầy ắp trí tuệ và lương tri, họ không
bao giờ nhầm cái giả dối được che đậy màu mè với những giá trị thật sù sì, gai
góc. Vậy nên chăng những ai đã tốn công, tốn của vô ích cho sự phù phiếm, hoa
hòe, hoa sói, hỏi có ích gì?.
Người Hà Nội tôn vinh các ông vua hiền sáng như Lý Công Uẩn
khai sáng kinh thành Thăng Long nghìn tuổi, Trần Nhân Tông đi tu, học Phật truyền
dạy dân sống có đạo đức và tâm linh, tu thập thiện, không hung hăng, không trộm
cắp tà dâm, không chém giết người, không cả sát sinh, không dối trá, lọc lừa…
Và còn rất nhiều những danh nhân khác đã thắp sáng trái tim Người Hà Nội, kể
làm sao cho hết.
Người Hà Nội tôn vinh các ông quan thanh liêm, các bậc trí thức,
văn nhân dám sống, chết vì dân như Nguyễn Trãi, Chu Văn An…
Biết vậy nên khi ai đó có quyền đặt tên người cho các đường
phố Hà Nội hôm nay, hãy cảnh giác! Chỉ sợ sang đời sau, sự chà sát các giá trị
đích thực sẽ triệt tiêu các giá trị giả, những cái tên cũng mất.
Tinh hoa Hà Nội còn mãi.
Bạn hỏi Hà Nội bây giờ đang mở rộng. Người tứ xứ đổ về nhiều
quá. Phố hẹp. Người đông. Cái sự ăn, ở của người Hà Nội trở nên lộn xộn, xô bồ.
Vậy Tinh hoa Hà Nội có còn không?
Tinh hoa Hà Nội còn mãi mãi.
Đồng tiền không hủy diệt nổi Tinh hoa.
Tinh hoa Hà Nội là đỉnh cao sức sống mãnh liệt của muôn
kiếp con người đã từng sinh sống trên mảnh đất này một nghìn năm nay, được
chưng cất, kết hình chóp nón. Càng lên cao, nó càng nhỏ, càng sạch, càng thơm,
càng cô đọng giá trị tư tưởng lớn: Thiện - Địa - Nhân hợp nhất. Và Tinh hoa trở
thành một dòng chảy xuyên suốt thời gian, không gian…
Vấn đề là ta có tiếp cận được dòng chảy
tinh túy trên cao đó không? Khó đấy. Đôi khi người có rất nhiều tiền,
chức rất lớn, bằng rất cấp cao… lại suốt đời không vươn tới được Tinh hoa.
Tinh Hoa Hà Nội ẩn chứa trong đống rác cuộc đời. Chỉ những
ai biết nâng niu giá trị làm người thì mới chắt lọc được Tinh hoa.
Con người sinh ra thì dễ. Nhưng làm người cực khó. Phải học
làm người. Ông bà ta dạy làm người xoay quanh mấy chữ “Học ăn. Học nói. Học
gói. Học mở.”
Ai khôn sớm còn biết phải “Học thở”.
Tuổi càng cao càng phải “Học ăn. Học thở”.
Năm chữ “Học” ấy, nằm trong kho báu Tinh hoa
Hà Nội.
Bạn hãy tìm chiếc chìa khóa vàng- tự mình mở kho báu ấy ra- học
cách sống làm người.
“Học ăn. Học nói. Học gói. Học mở. Học thở” suốt
đời, là cách giúp bạn chạm tới Tinh hoa.
Học ăn - tưởng dễ, nhưng không phải dễ:
“Có làm mới có mà ăn
Dưng không ai dễ đem phần đến cho”
“Đàn ông may vá giần sàng/ Đến khi vợ đẻ
thì làm mà ăn”.
“Ăn không nên đọi/ Nói không nên lời” đi,
đứng ngả nghiêng làm sao có thể thành Người?
Học nói - đi liền với Học ăn và cách ứng xử, và nhân
cách con người:
“Ăn thì bớt bát, nói năng ít lời”
“Tấm thân giá trọng ngàn vàng/ Dẫu rằng chết đói, quê làng vẫn hơn”
“Đói lòng miệng vẫn còn tươi/ Nào ai đem nét nói
cười đi đâu”
“Khéo thay canh cải nấu gừng/ Không ăn
thì chớ, xin đừng mỉa mai”
“Bữa ăn không biết mùi ngon/Đắng cay mẹ chịu
vì con đêm ngày.”
“Mảng vui cơm tấm, ổ rơm/ Tuy rằng
cũ kỹ, mà thơm sạch lòng/ Hơn ai gạo tám lầu hồng/ Đem thân luồn cúi
vào vòng lợi danh”
“Tay bưng đĩa muối chấm gừng/ Gừng cay muối mặn,
xin đừng bỏ nhau/ Tay bưng đĩa muối sàng rau/ Muối rau có nghĩa, sang
giàu đừng ham.”…
“Muốn ăn cơm tám với giò/ Ra đây mà đẩy
xe bò với anh”
Học gói, Học mở bao gồm nghĩa đen và nghĩa bóng. Đôi bàn
tay “Gói mở” khéo léo và “Gói mở” những công việc, sự việc trong đời sống, để
làm Người:
“Làm người ăn tối, lo mai/ Việc mình hồ
dễ để ai lo lường”
“Làm người suy chín xét xa/ Cho tường gốc ngọn,
cho ra vắn dài”…
“Ở hiền thì lại gặp lành/ Ở ác gặp dữ,
tan tành ra tro”…
Những người Hà Nội hiểu đạo làm người, dạy con “học ăn,
học nói, học gói, học mở” từ tấm bé.
Nhà trường không dạy, về nhà, ông bà, cha mẹ, anh em, cô, dì
chú bác dạy. Người hàng phố dạy. Bé có nền, có gốc xanh tốt, lớn lên, nó tự học
Tinh hoa trong cách “ăn, nói, gói, mở” và ngày càng tiến hóa tới đỉnh Tinh hoa,
sống trọn một kiếp làm người.
Cuộc sống Hà Nội hiện đại chạy sồng sộc. Không ai ngăn
được nó. Song ai muốn vươn tới Tinh hoa Hà Nội thì hãy chầm chậm xoay lại tìm
mình, “học ăn, học nói, học gói, học mở, học thở”. Bạn sẽ tìm thấy
Tinh hoa, hưởng thụ Tinh hoa và sáng tạo Tinh hoa.
Và nếu có phút giây nhẹ gót bên Tháp Bút - Đài Nghiên, bạn hãy
soi lòng mình xuống nước Hồ Gươm đang nở hoa từng tích tắc, bạn sẽ cảm nhận được Tinh
hoa Hà Nội cũng lặng thầm nở hoa như vậy.
Hãy nhẹ nhẹ bước chân. Chớ coi thường!
Nước Hồ Gươm nở hoa.
Tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng nở hoa như nước Hồ
Gươm vậy.
Những tinh túy của cuộc sống hằng ngày nổi chìm như loài vi tảo,
nhờ sóng, nhờ gió nó nổi lên, kết lại, cùng nhau phát sáng, tỏa sự sống màu
xanh linh diệu.
Cảm thức về sự sống muôn loài, đa dạng, đa sinh học, đa chiều
lan tỏa, giao thoa, tràn đây đó khắp đất trời Hà Nội mùa lại sang mùa, mặc cho
cơn bão chuyển hướng, xoay dòng. Các nhà khoa học, kẻ sĩ Bắc Hà sát cánh cùng
nhau phát hiện, nuôi cấy nguồn gen, bảo vệ và nhân giống nguồn gen quý hiếm của
Tinh hoa Thăng Long - Hà Nội cho nước hồ Gươm nở hoa sóng biếc xanh mãi mãi.
Hồ Gươm Thiêng - Mùa hè 2006-2010
Mai Thục
Theo http://vietvanmoi.fr/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét