Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Sông nước Tiền Giang 1

Sông nước Tiền Giang 1

Chương 1
Trời mới sáng tinh mơ, bác Phó Từ mở cửa bước ra sân, quay nhìn tứ phía, miệng lẩm bẩm:
- Chà! Bữa nay trời mù sương dữ, chả nom thấy gì hết, như thể giòng Tiền giang và hòn Reng không còn nữa.
Thời tiết vào cuối thu lành lạnh. Bác phó bước đi, lưng đeo chiếc túi đựng đồ nghề và một gói cơm nắm để trưa dùng bữa.
Xa xa chiếc cầu nối liền cù lao Reng sang thị xã Cao Lãnh chỉ thấy lờ mờ những khung sắt trên cao, còn phần dưới thì lẫn vào màn sương dầy đặc. Bác Từ tự hỏi không hiểu ban đêm các trụ cầu đã bị nước cuốn đi mất chăng?
Bờ sông vắng ngắt, không một bóng người. Đi được hơn trăm thước, bác nghe như có những tiếng kêu là lạ, từ mé sông vọng lên. Xưa nay bác vẫn quen với những tiếng cò, vạc, giẽ, bìm bịp, nhưng tiếng này lại khác hẳn.
Bác lắng tai nghe kỹ. Không! Không phải là tiếng cầm thú mà hình như là tiếng… trẻ con khóc. Bác dừng chân quay gót trở lại, lần xuống mé sông để quan sát. Bổng nhiên, trong bụi sậy, bác thấy một con đò nhỏ được cột vào bờ bằng một sợi dây.
“Lạ quá! Hình như một con đò bỏ không!”. Bác nắm dây kéo con đò vào sát bờ và trông thấy dưới đáy một bọc nhỏ.
Bác cúi xuống để nhìn cho rõ thì bỗng tiếng khóc phát ra.
- Trời ơi! Một hài nhi!
Đó là một đứa nhỏ độ 5, 6 tháng, được quấn kỹ càng. Mặt nó đỏ gay vì đã khóc từ lâu, và có lẽ nó đói.
“Tội nghiệp, bác nói, ai đã đem mày tới đây?”
Bác vội bồng đứa nhỏ lên tay, ngắm nghía nó một lát rồi rảo bước về nhà.
- Mình ơi! Coi này, anh vừa bắt được đứa nhỏ này trong chiếc đò ở mé sông!
Bác gái tỏ vẻ ngạc nhiên, dơ tay đỡ lấy đứa bé, vừa dở chăn xem vừa hỏi:
- Mình thấy nó ở đâu vậy?
- Ở mé sông, trong một chiếc đò con.
- Đây là một bé gái. Ai lại bỏ nó như vậy?
Bác phó Từ cầm lấy chiếc túi nói:
- Anh phải vội đi kẻo trễ giờ, mình ở nhà trong nom đứa trẻ này nhé. Cho nó ăn cháo sữa rồi chiều anh về sẽ tính.
Bác bước ra khỏi nhà, lần theo mé sông, băng qua cầu, rẽ tay mặt và đi một quãng dài nữa thì tới trang trại của Ông Hội Đồng Thái Xuân Hải, là nơi bác làm việc.
Ở đây đang xây cất một ngôi nhà thờ lộng lẫy cho nhà họ Thái, dựng trên những cột bằng gỗ lim, lớn cả người ôm, Bác phó Từ lãnh công việc chạm trổ rất công phu cho các cột này, và các xà gỗ bên trên.
Bác phó rất yêu nghề của mình, bác cảm thấy niềm vui thanh cao mỗi khi, qua những nhát đục do bàn tay khéo léo của bác điều khiển, đã xuất hiện trên mặt gỗ những hình Vân, hình Triện, hình Long, Ly, Quy, Phượng rất nghệ thuật. Bác tự hào nghĩ rằng một phần ngôi nhà thờ này là công trình kiến tạo của bác, và một ngày kia, khi bác đã nằm ngủ yên dưới lòng đất, những hình chạm trổ kia hãy còn sống mãi mãi.
Nhưng bữa nay bác không chăm chú lắm vào công việc. Đầu óc bác còn đang bận suy nghĩ nên mấy lần, bác đập búa trúng ngón tay.
“Đứa nhỏ này là con cái nhà ai?” Bác tự hỏi đi hỏi lại, “Và tại sao người ta lại bỏ nó cách nhà mình chừng một trăm thước mà thôi? Chung quanh chỗ đó chẳng có nhà ai khác, vậy bàn tay vô danh nào đã cột con đò ở đó là vô tình hay hữu ý?”
Trong khi các bạn khác vừa làm việc vừa cười nói vui vẻ, riêng bác Từ vẫn trầm ngâm suy nghĩ để tìm câu giải đáp điều thắc mắc.
Cuối cùng bác tự nhủ: “Thôi! Rồi ta sẽ tính. Biết đâu giờ này người cha hay người mẹ đứa bé đã chẳng thấy hối hận và đã trở lại mang nó về rồi, Chuyện này cũng thường xảy ra lắm”
Xế chiều, khi mãn giờ làm việc, bác đi thẳng một mạch về nhà. Sau khi qua cầu và lần theo mé sông, bác thấy con đò vẫn buộc nguyên chỗ cũ. Vậy là không có ai đến cả.
Tới nhà, bác vừa đẩy cửa bước vào vừa hỏi:
- Thế nào mình?
Bác Từ gái chỉ đứa nhỏ đang nằm ngủ trong chiếc nôi cũ, đáp:
- Em đã xem kỹ các tả lót của con nhỏ, tất cả đều bằng vải xấu, duy có một chiếc này là trắng đẹp mà thôi. Giữa hai lượt chăn, em thấy mảnh giấy này, mình thử đọc xem.
Bác phó Từ cầm mảnh giấy đọc: “Thủy”.
Bác Từ gái lập lại “Thủy”, tên nghe cũng hay đấy chứ!
Bác Từ quay lại hỏi vợ :
- Bây giờ, chúng ta phải làm gì? Đứa nhỏ này đã bỏ ở gần nhà ta đó.
Bác gái cúi đầu đáp:
- Em thấy cũng tội nghiệp, mình ạ, nhưng vấn đề này cũng hơi khó giải quyết, vì nhà ta đã có hai đứa con gái rồi, và mai mốt có lẽ trời còn cho thêm con khác.
- Tuy nhiên…
- Em thấy bên kia sông, các bà phước dòng “ Mến Thánh giá ” vẫn nuôi những đứa trẻ vô thừa nhận. Mấy tháng trước đây cũng có vài đứa được mang tới.
- Đúng vậy, những đứa trẻ ấy đã được mang tới trại của các bà phước, nhưng đứa này thì lại được bỏ ở gần nhà ta. Như vậy là người ta đã chủ ý mang tới cù lao này đấy chứ.
- Nhưng trại mồ côi còn có nhiều phương tiện hơn nhà mình.
- Đành rằng vậy, nhưng ta có phận sự…
- Vâng, ta có phận sự nuôi các con ruột của ta trước hết đã.
Bác phó Từ lặng thinh không đáp, bác và nốt mấy miếng cơm, rồi bỏ đũa bát tiến ra cái nôi. Lúc ấy, con Hồng và con Hương là hai đứa con gái chừng 3 – 4 tuổi cúa bác, đang đứng cạnh chiếc nôi để xem đứa bé.
Bác gọi nho nhỏ: “Thủy, Thủy!”
Đứa nhỏ nhìn bác, như hiểu tên gọi của nó, rồi một nụ cười nở thoáng trên khuôn mặt bầu bĩnh.
“Mai ta sẽ bàn chuyện này với ông Trưởng, để xem ý kiến ông ra sao”
Bác làm đúng như ý định. Sáng hôm sau, khi tới trang trại, bác kiếm ngay ông Trưởng, một vị bô lão mà ai cũng kính nể, và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ông trưởng đáp :
- Ta hiểu vấn đề này rồi. Ta biết rõ anh lắm, anh là người thực thà tốt bụng. Anh yêu nghề nghiệp, thương vợ con. Chắc không phải ngẫu nhiên chiếc đò đã tới đậu ở đó. Anh nên tin ta, chiếc đò được buộc gần nhà anh tức là người ta đã chọn nơi anh để gởi gấm đứa nhỏ. Vậy anh nên giữ lấy nó mà nuôi. Thêm bận rộn lo lắng thật đấy, nhưng lương tâm anh sẽ được yên ổn, anh sẽ làm được một điều phúc đức.
- Nhưng vợ tôi…
- Ừ, vợ anh có lẽ cũng như những phụ nữ khác. Chị ấy tưởng chỉ có thể thương yêu những đứa con ruột của mình mà thôi. Nhưng ta chắc rằng chẳng sớm thì muộn, thế nào chị ấy cũng bị chinh phục bởi nụ cười ngây thơ của con nhỏ.
Như trút được nổi băn khoăn, bác Từ vui vẻ bắt tay vào công việc. Buổi chiều khi về tới nhà, bác đi thẳng tới chiếc nôi, bồng con nhỏ trên tay và tuyên bố với vợ :
- Từ nay con nhỏ này là con của chúng ta.
Và bác đặt tên nó là Hà Thu Thủy.
Chương 2
Thủy đã lớn lên, nhưng lời tiên tri của ông Trưởng không thành sự thực, vì sự phục tòng, bác Từ gái chịu nuôi con từ nhỏ, nhưng bác không thể nào coi nó như con ruột. Và hai năm sau, khi Đào một đứa bé gái ra đời, thì Thủy lại càng bị coi như một kẻ xa lạ. Bốn đứa con gái ! Nhiều quá..một đứa là thừa… và sẽ là thừa mãi mãi.
Thủy nhận thấy trong gia đình, chỗ đứng của nó nhỏ bé hơn của ba đứa con kia. Nó trở thành lầm lỳ, ít nói ít cười, ánh mắt nó đanh lại. Lớn lên, tính nết nó thành kỳ quặc, khùng khùng, có khi thành tàn nhẫn nữa. Tuy nhiên, một người vẫn thương yêu nó hết mực: bác phó Từ. Đối với cha, Thủy tỏ ra rất ngoan ngoãn, dịu dàng, nghịch ngợm, ranh mãnh, nhưng khổ nổi bác không mấy khi có nhà. Hằng ngày, bác phải đi làm từ lúc tờ mờ sáng, chiều tối mới về vào lúc mặt trời đang lặn xuống giòng Tiền giang.
Lâu dần, con nhỏ thành thói quen, cứ sáng ra là đi khỏi nhà, bữa ăn mới trở về, còn suốt ngày chỉ sống lang thang ngoài đảo nằm lăn trên bãi cỏ, hoặc lấy củi khô chất thành đống rồi nhóm lửa đốt chơi. Những khi trời nóng bức, nước cạn, nó xuống sông lội bì bõm. Rồi lâu dần nó biết bơi lặn như những con nhà thuyền chài. Có lần nước to nó suýt bị chết đuối. Những người thuyền chài vớt được nó cách xa đấy hàng trăm cây số trong khi nó đang bám vào một cành cây và kêu la thất thanh.
- Con điên! Đúng là con điên! Bác Từ gái than vãn. À, bây giờ ta mới hiểu vì sao người ta đã bỏ rơi nó. Chắc là mẹ nó cũng loạn óc như nó chớ gì.
Không, không phải! Đầu óc Thủy không trống rỗng. Trái lại, trong đó biết bao những ý nghĩ, biết bao những giấc mơ đã trôi qua lẫn với những đám mây ảm đạm đượm nổi u sầu.
Lúc chiều tà, khi bác Từ ở trong trại về, nó đến ngồi bên cạnh để thủ thỉ nói chuyện. Cái trang trại tường vôi trắng xóa mà hàng ngày nó ngồi ngắm từ bên này sông, kích thích óc tò mò của nó.
- Ba ơi ! Nó thở dài nói: Ước gì ngày nào con được vào trang trại ấy xem thì thích quá !
- Trong ấy nhiều chó dữ lắm, con vào làm sao được.
- Nhưng hằng ngày ba vẫn vào mà.
- Ba khác, ba vào làm việc chứ có phải vào chơi đâu.
- Con cũng muốn được xem ông Hội Đồng thế nào.
- Ít khi ông ở nhà, ông thường đi Lái Thiêu để trong nom xưởng kỹ nghệ của ông.
- À, xưởng Lái Thiêu ! Ba thường nói chuyện với con, có phải đẹp lắm không ba?
- Ừ, người ta nói đẹp lắm, nhưng chính mắt ba cũng chưa được trông thấy ra sao.
- Có xa không ba?
- Ngót hai trăm cây số.
- Xa quá ba nhỉ.
Hơn một năm sau, công tác xây nhà thờ đã hoàn tất. Nay bác Từ phải lo công việc đóng các đồ thờ bằng gỗ quý rồi khảm xà cừ. Ngoài ra, còn phải thiết lập một vườn kiểng thật công phu với mọi thứ cây lạ. Công việc phải kéo dài trong nhiều năm.
Bây giờ Thủy đã 12 tuổi. Nó lớn hơn những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi, nhưng khổ người mảnh mai như những cây lau tha thướt bên bờ nước. Cù lao Reng đã thành chậc hẹp đối với lòng khao khát của nó. Càng lớn nó càng man rợ thêm, cả ngày sống ngoài đồng ruộng, đến tối mới về nhà cùng lúc với bác phó Từ. Rồi nó quen đến tận cổng trang trại để đón bác.
- Thủy, bác Từ la nó, ba đã dặn con không được tới thị xã lúc chiều tối kia mà. Thế con không sợ mẹ mìn sao ?
Thủy cười giòn tan. Nó chẳng sợ mẹ mìn, vì ai thèm bắt cóc một đứa con gái xấu xí như nó. Ở nhà ai cũng chê nó xấu. Để chọc tức nó, biết bao lần các chị nó đã chế riễu mớ tóc rối như tổ quạ và bộ quần áo lam lũ của nó.
Bác phó Từ dắt tay Thủy lững thững đi về. Đây là giờ phút êm đềm nhất trong ngày của con nhỏ. Để kéo dài thêm giờ phút ấy, nó đã dùng đến nhiều mưu mẹo.
Nó tìm cớ này cớ khác để ba Từ phải dừng lại. Một hôm, đứng trên cầu nó chỉ cho ba Từ coi bãi cát đỏ rực dưới ánh mặt trời lặn; một lần khác, những người thuyền chài đang cắm thuyền bên bờ sông để thổi nấu và ngủ đêm, một lần khác nữa, những làn sóng nhấp nhô vẽ lên mặt sông muôn nghìn hình ảnh linh động và rực rỡ. Có lần nó còn kéo bác Từ xuống tận mé sông để coi một tổ chim giẽ.
Hai cha con về tới nhà thì trời đã tối mịt. Con Hồng và con Hương thấy vậy rất ghen tức, nhưng vì có mặt bác Từ, chúng nó không dám nói năng gì cả. Đến khi cơm xong, vào phòng đi ngủ, chúng mới hành con nhỏ.
Vì vậy mà việc gì phải đến đã đến. Một buổi chiều kia, bác phó Từ mang về một cái băng đỏ lượm được ở sân trang trại và bác cho con Thủy để nó cột tóc. Không ngờ một tặng vật nhỏ như thế lại sinh ra to chuyện. Con Hồng con Hương và cả con bé Đào nữa đều sôi lòng ghen tức. Vào tới phòng, chúng vội tấn công Thủy:
- Phải, mày cần cái băng đỏ để trưng cho đẹp, nhưng còn khuya. Mà cái băng đó cũng chẳng đáng ba xu.
- Các chị đã ghen ghét với tôi, vì ba đã cho tôi, phải không ?
- Ai thèm ghen ghét? Có liệng đi chúng tao cũng chẳng thèm nhặt. Mà sao từ sáng đến tối, lúc nào mày cũng nói ba Từ kể chuyện này, ba Từ kể chuyện kia vậy ? Ba là ba Từ của chúng tao, chớ đâu phải ba của mày?”
Đứng bật dậy trên giường, Thủy nắm chặt hai tay hỏi:
- Các chị nói chi ?
- Rằng mày không phải là chị em ruột thịt gì với chúng tao cả. Mười hai năm trước đây, người ta lượm được mày ở chiếc đò ngoài ven sông kia kìa. Thế mày không biết chuyện sao?
Các chị nó biết chuyện này cũng chưa được bao lâu. Hai tháng trước đây, một hôm trong cơn nóng giận, bác Từ gái đã kể hết điều bí mật đó cho mấy đứa con nghe và dặn chúng không được nói lại với ai nhất là với Thủy.
“ Chuyện bịa, chuyện bịa ”, Thủy gân cổ cãi lại.
Con nhỏ thét lên nổi tức giận của nó, nhưng các chị nó nói xa nói gần rằng nó chẳng giống ba, chẳng giống má, và chẳng giống chị em nào khác trong gia đình này cả.
Không chịu nổi nữa, Thủy òa lên khóc.
Nó khóc thút thít suốt đêm, bên cạnh bé Đào nằm cùng giường với nó.
“ Ta là đứa con bị bỏ rơi, nó vừa khóc vừa nhắc lại, không! Nhất định không phải thế, chắc vì ác ý mà họ nói vậy”.
Tuy nhiên, hình như một tiếng nói nhè nhẹ vang lên trong đầu nó bảo với nó rằng lần này các chị nó không nói dối. Nó nhớ lại cả ngàn chi tiết. Đúng là nó chẳng giống Hồng, Hương, Đào từ con mắt, cái mũi, cái miệng, đến cả tính nết và sở thích nữa.
Đêm đó, nó không thể nào chợp mắt được. Khi trời mới tản sáng, nó chùi hai con mắt đỏ ngầu vì nước mắt và rón rén trở dậy. Các chị nó vẫn còn ngủ. Xuống tới bếp, nó trông thấy trên bàn một chiếc đĩa không và biết rằng ba Từ đã mang gói cơm nắm đi làm rồi. Nó vội chạy theo, hy vọng đuổi kịp bác. Như một con điên, nó băng qua cầu, hai chân dẫm đất bị xây xát vì những hòn đá nhọn trên mặt đường. Tới trang trại nó thấy cổng đóng kín, nó ghé mắt nhìn vào trong, những con chó lớn thấy bóng người vội chạy ra sủa um sùm. Sợ quá, nó vội bước lùi lại, đứng nhìn thêm một lúc rồi đành lủi thủi bước đi, lần theo mấy con đường thị xã. Đi chán, nó thấy đầu nhức nhối vì cả đêm trước không ngủ, dạ dầy thì trống rỗng. Thất tha thất thểu, nó lên cầu để trở về, thỉnh thoảng phải dừng lại tựa vào lan can để nghỉ cho đỡ mệt. Về tới khu đồng ruộng trên đảo, nó vấp phải một rễ cây và ngã lăn xuống đất. Đau quá, nó ngồi dậy không nổi và cứ nằm thiêm thiếp một chổ. Mặt trời vẫn cứ từ từ di chuyển từ Đông sang Tây và sắp lặn xuống lòng sông. Thủy hồi tỉnh lại và dần dần mở mắt ra, nhưng nó không buồn đứng dậy để về nhà.
Rồi những ánh sao đã lấp lánh trên nền trời trong khi các ngọn đèn điện bên thị xã cũng lần lượt bật lên.
“Giờ này chắc ba Từ đã về”, nó nghĩ vậy, nhưng nó vấn không ngồi dậy, đầu óc nó chìm trong một trạng thái gần như ngủ.
Lúc gần khuya, bác Từ tay cầm một bó đuốc đã tìm thấy nó. Thủy vội chạy ra ôm lấy bác khóc nức nở và kể lể cho bác nghe câu chuyện xảy ra tối hôm qua.
Bác phó giận vợ con lắm, vì đã không kín mồm kín miệng, và bác vỗ về an ủi Thủy:
- Con biết rằng ba vẫn thương con và ba không bao giờ phân biệt giữa bốn đứa cả. Thế con chưa bao giờ đoán biết tất cả chỗ đứng mà con đã chiếm trong lòng ba hay sao? Thủy ơi! Tại sao người ta nỡ làm cho con đau khổ như vậy ? Nhưng ba nghĩ rằng có lẽ con nên biết rõ sự bí mật ấy thì hơn. Như vậy, nếp sống của con trong gia đình này sẽ dễ dàng hơn. Thôi, Thủy con, lau nước mắt đi và con nên cố quên sự đau khổ này!
Nói xong, bác phó kéo Thủy đi về.
Chương 3
Bác phó Từ đã nói đúng. Khi đã biết rõ điều bí mật về đời mình, Thủy thấy dễ thông cảm hơn với bác Từ gái và các chị nó, đồng thời dễ chấp thuận rằng nó không thể có đầy đủ các quyền lợi như các chị nó. Nhưng, ngược lại, mái nhà này đã không thấy nó ra chào đời thì đối với nó đã trở thành xa lạ. Và cảm thấy khi mình xa lạ trên một mảnh đất nào, người ta không còn thấy gì lưu luyến và muốn rời bỏ nó không sớm thì muộn. Hằng ngày, Thủy vẫn sống lang thang ngoài đảo, nhưng nhiều khi nó đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông chảy cuồn cuộn, những chiếc ghe mành lướt qua, thì nó trút ra những tiếng thở dài não ruột. Đau khổ những ngày đầu, nay nó cảm thấy cay đắng và ác cảm với tất cả mọi người.
“Ta đương trở thành tàn nhẫn, nó tự nghĩ với lòng hối hận, nhưng ta không cưỡng lại nổi”.
Và, để vơi bớt nỗi hận đời, nó chạy như điên qua những bụi lau, ruộng cỏ trên đảo, hoặc nó nhẩy xuống nước mà bơi rất hăng say cho đến khi mệt nhoài, nó trở lên bờ nằm soài ra trên một phiến đá dưới ánh mặt trời.
Nhiều khi nó leo vào ngồi trong chiếc đò con đã mang nó tới chốn này từ mười hai năm trước. Chiếc đò tuy mỏng manh nhưng vẫn còn chắc chắn vì hằng năm bác phó Từ vẫn kéo lên bờ để sơn phết lại dưới đáy cho khỏi mục. Một hôm Thủy tự nghĩ :
“Có lẽ con đò này vẫn đợi ta để một ngày nào đó sẽ đưa ta đi nơi khác?”
Điều khám phá này dần dần biến thành một sự thật. Con đò này đang đợi nó, và nó chỉ nghĩ đến chuyện đi, đi thật xa.
Một buổi chiều kia, nó đang phơi củi cùng với má và các chị. Thừa lúc không ai để ý, nó lẩn ra mé sông. Con đò vẫn ngoan ngoãn nằm nguyên chổ cũ, cột vào một chiếc cọc trên bờ như một con dê non Thủy tự nghĩ: “ Đúng là nó đang đợi ta ”.
Tuy nhiên, trước khi bước xuống đò, nó còn đứng rất lâu về phía trang trại, nơi ba nó đang làm việc..
Sau một lúc do dự, nó nhất quyết tháo dây buộc ra, nhẩy xuống đò và đẩy ra xa. Mấy hôm trước vì mưa nhiều, nước sông chảy cuồn cuộn, làm ngập kín hết bãi cát và như vuốt ve mớ tóc dài của những cây lau trên bờ sông. Thuận đà, con đò cứ việc trôi theo dòng nước, nhờ Thủy biết cách điều khiển, Khi đã vượt qua mũi hòn đảo, con đò tiến vào dòng sông rộng. Chẳng mấy chốc, chiếc cầu Cao lãnh chỉ còn thấy nhỏ tí ở thật xa, như một mảnh vải căng lên nền trời.
Lúc đó, Thủy có một cảm giác lạ lùng, vừa ân hận vừa thích thú. Nó sẽ trôi về nơi đâu? Nó nghĩ đến ba Từ và trái tim nó thắt lại. Trễ quá rồi, chiếc đò cứ phải trôi xuôi dòng nước, nó không thể kháng lại được.
Nó đi được bao xa rồi? Có lẽ đến năm bảy cây số. Trời lúc đó đã gần tối, nước sông đã xuống màu. Bổng nhiên, khi đến một khúc quanh, chiếc đò bị luồng nước chảy xiết đưa tấp vào bờ. Thủy cố sức lái ra nhưng vô hiệu. Sau khi đụng vào bãi cát, chiếc đò bị mắc cạn trên bờ. Thủy vội nhảy xuống nước rồi vận hết sức bình sinh đẩy con đò ra nhưng không nổi. Nó bèn leo lên một mô đất cao để quan sát tứ phía. Chẳng thấy một mái nhà hay một bóng người nào cả, mà chỉ toàn là ruộng lúa và rừng cây. Ở thật xa, trong bóng hoàng hôn, nó nhận ra lờ mờ chiếc cầu và những mái nhà của thị xã Cao lãnh. Lúc đó chẳng có một con thuyền nào trên mặt sông để nó cầu cứu.
“Đành vậy, nó tự nghĩ, ta ngủ đây đêm nay, rồi sáng mai sẽ kiếm người đẩy giúp chiếc đò cũng được”.
Thủy đứng say sưa thưởng thức cảnh trời nước mênh mông trong buổi hoàng hôn. Ở phía chân trời, mây tím đã kéo lên và chạy dài như một giải Trường Sơn. Giữa cảnh vật đìu hiu hoang vắng, Thủy cảm thấy một nổi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn của một kẻ lữ thứ không nhà, mà cảnh ngộ thật đúng với hai câu thơ của nữ sĩ Thanh Quan:
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Đứng một lúc lâu, Thủy trở xuống đò. Thấy trong người mệt mỏi, nó ngã lưng nằm xuống, rút ra khúc bánh mì đã mang theo để nhấm nháp. Trên nền trời xanh thẳm, các vì sao nối tiếp nhau hiện lên. Nó thấy hình như ở đây trời nhiều sao hơn ở cù lao Reng.
“ Ta đã đi xa quá rồi, nó tự nghĩ, và mai đây ta lại càng đi xa hơn nữa. ”
Vừa ngây ngất vừa mệt mỏi, nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết hai tay kê dưới đầu làm gối. Nó mơ thấy cảnh vật cù lao Reng và căn nhà cũ hiện ra trước mắt. Tai nó nghe thấy tiếng ba Từ gọi thống thiết và khuyên lơn nó trở về. Nó vừa khóc vừa nói : “ Thưa ba, con muốn lắm, nhưng con không làm sao được, vì dòng sông vẫn chảy về xuôi. ”
Sáng ra, khi mặt trời đã lên cao, nó mới bừng tỉnh dậy. Nó ngồi lên, dụi mắt, vươn vai như một con mèo xinh xinh sau giấc ngủ trưa.
Nó tính kéo chiếc đò xuống nước. Nhưng ban đêm, nước đã xuống hơn một tấc, nên chiếc đò bây giờ đã cắn chặt vào bãi cát. Kéo mãi không được, nó đi kiếm mấy viên đá tròn, luồn dưới đáy con đò để kéo như nó vẫn thường thấy những bác lái thuyền thường làm mỗi khi bị mắc cạn. Đang loay hoay bỗng nhiên nó dừng tay vì hình như nó nghe thấy tiếng người kêu cứu từ dưới sông vọng lên. Nó vội trèo lên mô đất cao để nhìn qua hàng cau, thì nó thấy một người đang chới với dưới nước cách đó vài chục thước:
- Chết chưa! Một người té sông sắp bị nguy!
Không do dự, nó vội chạy ra nhảy bổ xuống nước, rồi bơi hết sức nhanh để cứu người đó. Khi còn cách nạn nhân vài thước, nó lặn xuống sâu rồi độ 15 giây sau nó nhô lên ở phía sau người đó. Nó dùng một tay bơi còn một tay thò ra đỡ lấy cầm nạn nhân cho ngã người ra sau để mặt nổi lên khỏi mặt nước mà thở.
Lúc đó nạn nhân như đã kiệt sức và hơi mê man, hai tay buông xuôi để mặc cho số mạng. Nạn nhân nặng cân hơn Thủy khá nhiều nên việc cứu cấp rất chật vật. Để giữ cho mặt nạn nhân luôn luôn nổi trên mặt nước, Thủy phải bơi chìm đầu dưới nước, thỉnh thoảng mới ngoi lên để thở một hơi dài. Sau mười lăm phút phấn đấu với dòng nước chảy siết, Thủy đã dìu được nạn nhân vào bờ.
Vừa kiệt sức vừa mất tinh thần, người lạ mặt nằm nhắm mắt thiêm thiếp, ngực vẫn thoi thóp thở. Thủy nhận thấy đó là một thanh niên trạc 17 – 18 tuổi, trông ra vẻ một thư sinh con nhà lịch sự. Việc cứu cấp đã xong xuôi, Thủy cảm thấy bẽn lẽn muốn bỏ đi nơi khác. Nhưng thấy người lạ mặt chưa hồi tỉnh nên nó đành phải lưu lại thêm ít phút xem sao. Nó ngồi tựa vào một gốc cây cách đó vài thước để vừa nghỉ ngơi vừa canh chừng nạn nhân.
Sau một lúc lâu, nhờ có ánh mặt trời ấm áp, người đó tỉnh lại, từ từ ngồi lên trông thấy Thủy vội hỏi nho nhỏ :
- Có phải…cô bé đã cứu tôi? Bữa nay nếu không có cô bé, chắc tôi đã bị chìm sâu dưới đáy dòng Tiền Giang.
Thấy Thủy ngồi co ro dưới bóng cây, thanh niên vội nói :
- Cô bé ra đây ngồi dưới ánh nắng cho đỡ lạnh và quần áo mau khô.
Sau khi ngần ngừ một lát, Thủy làm theo.
- Ban nãy – thanh niên giải thích – tôi trèo lên cái cầu nhỏ đằng kia của những người thả vó, định ngồi câu. Chẳng may một tấm ván mục gẫy bất thần nên tôi bị rơi xuống sông và dòng nước đã cuốn tôi đi. Vì bơi rất kém nên tôi hoảng sợ, chân tay rối loạn, bơi vào bờ không nổi.
Rồi nhìn Thủy, thanh niên hỏi :
- Cô bé là ai mà lội hay quá vậy? Người ta đồn rằng con gái ở vùng này nhát nước lắm kia mà !
- Nước Tiền Giang là bạn rất thân của tôi. Thủy đáp :
- Tên cô bé là gì? Bao nhiêu tuổi?
- Tôi là Thủy, 12 tuổi
- Cô tên Thủy, thảo nào cô bơi giỏi là phải, “Hậu sinh khả úy”.
- Cậu nói gì tôi không hiểu?
- Tôi muốn nói rằng cô còn nhỏ tuổi mà đã làm được một việc phi thường.
- Tôi thấy chẳng có gì đáng kể.
- Có chứ, phi thường lắm chứ. Thử hỏi ở địa vị tôi mà thấy ai té sông thì tôi làm được trò trống gì, hay chỉ đứng ngó hoặc quá lắm là kêu người ta đến cứu mà thôi? Thật là vô tích sự.
- Chắc cậu không năng tập luyện.
- Vâng đúng. Có một điều làm tôi thắc mắc là lúc ở dưới sông khi cô bé bơi ra còn cách tôi vài thước thì bổng cô biến mất là tại sao. Lúc đó tôi thấy hoàn toàn tuyệt vọng.
- Cậu không hiểu thật à? Đó là bí quyết trong việc cứu người chết đuối. Nếu mình cứ tiến thẳng đến trước mặt để nạn nhân trông thấy thì, trong lúc hoảng kinh, nạn nhân sẽ túm chặt lấy mình, gỡ ra không nổi, cả hai người sẽ chìm xuống đáy sông, gây ra một vụ chết đuối “cá mập”.
- Úi trời! Khủng khiếp! Hôm nay cô bé đã cho tôi một bài học vô cùng quý giá. Hè này, tôi quyết phải tập bơi cho thật giỏi. không thì xấu hổ chết đi được.
Lúc này thấy mình đã bạo dạn hơn, thanh niên hỏi tiếp:
- Nhà Thủy có ở gần đây không?
- Tôi là kẻ không nhà.
Thanh niên quay lại nhìn Thủy với đôi mắt đầy ngạc nhiên:
- Ủa, thế thì Thủy làm gì ở đây?
- Tôi đi phiêu lưu bằng một chiếc đò con đậu ở sau bụi sậy, cách đây vài chục thước.
- Đi phiêu lưu một mình trên dòng Tiền Giang, thế Thủy không sợ?
- Không!
- Thủy đã cứu mạng tôi, tôi sẽ suốt đời nhớ ơn Thủy và tôi muốn làm một điều gì để Thủy được vui lòng.
Thủy mỉm cười:
- Tôi chỉ muốn cậu giúp tôi đẩy chiếc đò kia xuống nước mà thôi.
- Điều đó quá dễ. Nhưng Thủy muốn đi về đâu?
- Đi xuôi dòng sông.
- Có xa không?
- Xa, xa lắm.
Lúc đó, ánh mắt Thủy có một vẻ dịu dàng pha lẫn vẻ kiêu hãnh và dường như che dấu một điều gì bí ẩn, làm cho chàng thanh niên rất xúc động.
- Thủy đi tận đâu vậy? Về Sadec, Vĩnh Long hay Cái bè, Mỹ Tho ?
Thủy ngoảnh mặt đi không đáp, rồi vùng đứng dậy chạy tới chỗ để con đò.
- Trời ơi! Với một con đò bé nhỏ thế này mà Thủy dám xông pha trên dòng Tiền Giang sao?
- Cậu mặc tôi, tôi sẽ kéo đò xuống sông một mình cũng được.
Rồi nó nắm lấy chiếc thừng hết sức kéo. Nhưng chiếc đò đã gắn chặt vào cát, không nhúc nhích. Mặc dầu Thủy không muốn nhưng chàng thanh niên vẫn đến giúp sức. Chàng lớn con khỏe mạnh nên, sau vài phút, chiếc đò đã được đẩy phăng xuống nước. Nhưng trước khi Thủy bước vào đò, chàng giữ lại nói :
- Không, Thủy không thể đi như thế trước khi cho tôi biết Thủy từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Thế Thủy không coi tôi là một người bạn sao ?
Bổng Thủy ôm mặt và òa lên khóc.
Ngạc nhiên, chàng thanh niên nhìn Thủy với vẻ mặt lo lắng. Rồi chàng ngồi vào đò cạnh Thủy.
- Có chuyện chi vậy, Thủy? Sao Thủy không chịu nói? Tuy mới quen biết nhưng Thủy nên coi tôi như người bạn cố tri.
Trước thái độ thành khẩn của chàng thanh niên, Thủy bèn thổ lộ:
- Cậu muốn biết tôi là ai?...Tôi không có cha có mẹ. Bác phó Từ, làm việc ở trang trại của ông Hội đồng Hải ở Cao Lãnh, đã nuôi nấng tôi. Bác đã lượm được tôi một buổi sáng cuối thu trong con đò này và từ chiều qua tôi cùng nó đã từ giã đảo Reng mãi mãi. Còn cậu, cậu là ai?
- Tôi là Thái Xuân Sơn, con cả ông Hội Đồng Hải, năm nay tôi 18 tuổi.
- Chết chửa tôi xin lỗi cậu.
Sơn cả cười :
- Thủy xin lỗi gì?...Xin lỗi đã cứu tôi khỏi xuống chầu Vua Thủy Tề hay sao?
- Ấy không…nhưng tôi không được biết cậu là con ông Hội Đồng.
- Con ông nào đi nữa, mà té sông suýt mất mạng cũng chỉ là một đứa con trai vô tích sự như tất cả những đứa con trai khác mà thôi chứ…Bây giờ Thủy cho tôi biết Thủy định đi đâu bằng chiếc đò này?
- Tôi cũng chẳng rõ nữa.
- Vậy tôi thành thật khuyên Thủy, ở cái tuổi này, chẳng nên phiêu bạt vô bờ bến như thế. Nên trở về nhà là hơn.
- Nhưng về nhà tôi sợ bị la. Mà còn chiếc đò này thì tính sau?
- Tôi sẽ cho người tới mang về đảo cho Thủy.
Nó ngồi im lặng. Một lát sau nó mới quay lại hỏi Sơn:
- Tại sao cậu muốn ngăn cản tôi, không để tôi đi?
- Thế cù lao Reng không có gì đáng lưu luyến hay sao? Thủy không thương mến một người nào hay sao?
- Chẳng ai thương mến tôi cả trừ bác Từ.
- Thế Thủy không thấy khổ tâm khi từ giã bác?
- Có chứ, khổ tâm rất nhiều.
Sơn đã đánh trúng nhược điểm. Thật vậy, nếu Thủy thấy ân hận, đó là vì bỏ đi mà không một lời từ giã bác phó. Nó cúi đầu suy nghĩ. Bổng nhiên một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Ban nãy Sơn đã hỏi có thể làm được điều gì cho Thủy. Nhưng chính Thủy không cần chi cả, mà người cần được giúp đỡ là bác phó Từ, vì công việc của bác tại trang trại sắp hết và bác cần có công việc khác để nuôi sống gia đình.
Cúi nhìn những viên sỏi ở mé sông, Thủy thở dài não ruột và quyết định nói với Sơn ý muốn của mình.
- Thưa cậu, nếu cậu có thể nói với ông Hội Đồng cho ba Từ một việc làm ở trên xưởng Lái Thiêu thì tôi rất sung sướng.
- Được, được, Thủy cứ yên tâm, tôi sẽ nói nhưng với một điều kiện là Thủy phải trở về cù lao Reng cơ.
Rồi đôi bạn lên bờ, đi bộ độ vài chục bước thì đến chỗ đậu chiếc xe Honda của Sơn?
- Tôi chưa ngồi bao giờ, nhưng chắc tôi không sợ.
Và Thủy nói tiếp:
- Tôi chỉ sợ cậu mà thôi.
Sơn bật cười rất giòn và ngồi lên đạp ga. Xe khởi hành như bay, tung bụi mù ở phía sau. Nửa tiếng trôi qua, hai người đã về tới cù lao Reng và Sơn từ giã Thủy để về trang trại.
Chương 4
Thấm thoát đã đến tháng mười mùa gặt đã xong xuôi, nước Tiền Giang lờ đờ chảy để lộ ra những bãi cát dài.
Thủy ngồi bên bờ sông, mắt mơ mộng nhìn về phía trang trại.
“Hai tháng đã trôi qua nó thở dài lẩm bẩm, mà ta không hề gặp lại cậu ta”
Nhiều khi Thủy băng qua cầu, đi về phía trang trại để đón bác Từ, với hy vọng gặp lại chàng thanh niên mà Thủy đã cứu thoát chết trên sông Tiền Giang ngày nào.
Hỏi thăm ba Từ thì ba cho biết chỉ nghe phong phanh là cậu Sơn đã trở lên Sàigòn từ hai tháng nay rồi. Thủy buồn rầu nghĩ:

“Chắc hẳn cậu ấy đã quên ta rồi; ta chỉ là đứa con một gia đình quê mùa… mà cũng chưa được như thế, ta chẳng là con ai cả. Tuy nhiên, hồi đó, cậu ấy đã tỏ ra rất tử tế và coi ta như một người bạn cố tri. Chắc cậu ấy đã quên ta… Và ta lo rằng cậu ấy quên luôn cả vấn đề của ba Từ với ông Hội Đồng”.
Nhưng một buổi chiều kia, khi Thủy lên đầu cầu để đón bác Từ, nó thấy mặt bác lộ vẻ hân hoan.
- Ba có chuyện gì vui quá vậy? Thủy hỏi.
- À, ba… ba… mới gặp được một điều may mắn mà chưa bao giờ ba dám nghĩ tới. Số là bữa nay ông Hội Đồng đã cho gọi ba và bảo cho biết là hồi này công việc ở trang trại đó hoàn tất nên ông đã chọn ba làm quản lý cho xưởng Lái Thiêu của ông. Mới đầu ba tưởng là ông nói chơi cho vui, nhưng đúng là sự thật.
Thủy không đáp, không cho ba Từ hay điều bí mật của nó. Nó cảm thấy rất vui cậu Sơn đã giữ đúng lời hứa và cậu đã không quên con bạn nhỏ này. Nhưng trái tim nó thắt lại khi nghĩ rằng một khi ba Từ lên Lái Thiêu, nó sẽ phải sống một mình ở nhà với bác gái và các chị nó.
- Thưa ba con rất sung sướng được nghe tin này.
- Phải, ba rất vui, và ba cũng rất được yên lòng lên Lái Thiêu, vì ông Hội Đồng sẽ ứng trước cho mấy tháng lương để má và các con chi dùng ở nhà.
Rồi đặt tay lên vai Thủy, bác nói:
- Thủy, con cứ yên tâm ở nhà, trước khi ba đi ba sẽ dặn má và các chị phải thề rằng, sẽ đối xử thật tử tế với con.
Thủy cúi đầu, cắn môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Nó không muốn làm giảm niềm vui của ba Từ.
- Con sẽ đợi khi nào ba thu xếp xong, gia đình ta sẽ lên đó. Thủy nói. Lúc ấy thì nó rất tin tưởng rằng nó sẽ có thể chờ đợi được.
Ngày khởi hành đã đến. Bác phó Từ giã vợ con để lên đường, lòng chứa chan hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Tối hôm đó, Thủy trằn trọc mãi không ngủ được, kéo chăn lên kín đầu nó khóc thầm suốt đêm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, nó thấy cổ họng khô khan, mí mắt nóng lên. Nó cố làm ra vẻ tự nhiên để các chị nó khỏi chế nhạo sự đau khổ của nó.
Hôm sau nữa là chúa nhật. Thường thường trong ngày đó bác Từ nghĩ việc và dùng cơm ở nhà với vợ con. Bác ngồi đầu bàn cạnh Thủy. Để nghĩ rằng bác vẫn còn ở nhà, nó vẫn bày bát đũa của bác Từ ở chổ cũ trên bàn, như là bác sắp trở về vậy.
Con Hương nhún vai nói với một giọng mỉa mai :
- À phải, bộ mày tưởng rằng làm như vậy là ba sẽ về hả? Còn khuya. Thôi, tốt hơn cô nên nghĩ đến chuyện khác và hà tiện nước mắt đôi chút cho chúng tôi nhờ. Còn khuya mới có ba bên cạnh mày để an ủi mày.
Nghe vậy Thủy tái mặt đi. Nó hiểu rằng những ngày kế tiếp sẽ đánh dấu bằng những chữ thập đen. Nó ngồi lặng một lúc trước bát cơm, để phấn đấu với sự đau khổ. Rồi đột nhiên, nó đứng dậy chạy thẳng ra ngoài đảo, chui vào cái lều bằng cành cây mà nó mới dựng lên mấy ngày trước, để che dấu niềm đau khổ vô biên đang làm tan nát tâm hồn.
Nằm trên đống lá khô, nó đếm những ngày những tháng. Phải ít ra gần hai trăm ngày nữa ba Từ mới trở về để đón gia đình lên Lái Thiêu. Như vậy quá lâu. Một lần nữa, nó lần bước ra chổ buộc con đò.
“ Ra đi ! … Ta quyết phải ra đi ”.
Nhưng nó chợt nhớ lại vẻ mặt cậu Sơn, nghe thấy tiếng cậu hỏi: “ Thủy định đi đâu? Rồi Thủy sẽ ra sao? ”. Mắt nó nhìn theo giòng nước Tiền Giang. Nó nhớ lại lần trước, trên con đò này, nó đã định đi thật xa nhưng đã bị mắc cạn. Nên nó phải đành bỏ ý định dùng con đò này để đi phiêu bạt một lần nữa.
Nó lủi thủi ra về, và sau một đêm suy nghĩ, nó quyết chí đi Lái Thiêu tìm ba Từ và lần này nó sẽ dùng đường bộ.
Chương 5
Từ giã cù lao Reng, Thủy không có đến một cắc trong túi. Nó phải nghĩ ngay đến vấn đề kiếm ra một số tiền nhỏ làm lộ phí để đi Lái Thiêu. Qua cầu tới Thị xã Cao Lãnh, nó thơ thẩn bước theo mấy phố đông đúc để tìm cơ hội may mắn.
Đi tới một khu nhà đang xây cất, nó thấy rất đông thợ đang làm việc trong đó có một số phu hồ cùng lứa tuổi của nó đang gồng vôi, gánh cát khuân gạch. Nó bèn mon men đến chổ ông cai thầu đang đứng chỉ huy công việc, để xin một chân phu hồ. Ông cai ngắm nó từ đầu dến chân, thấy nó óc dáng thông minh lanh lẹ thì tỏ vẻ ưng ý. Nhưng đến khi biết nó chỉ xin làm vài ngày thì ông lắc đầu:
- Bác rất tiếc, nếu cháu có thể làm ít nhất trong hai tháng thì bác cho việc ngay, chớ làm vài ngày không bõ, bác phải kiếm người khác. Nó tần ngần cáo từ để đi nơi khác. Qua hết khu đông đúc, nó tiến vào một con đường vắng vẻ hơn, đang vừa đi vừa suy nghĩ, nó chợt thấy một bà đang đứng tựa cửa, hai tay bồng hai đứa nhỏ. Vẻ mặt như trông đợi ai. Nó bèn dừng lại, lưỡng lự một lát rồi đánh bạo lại gần hỏi:
- Thưa bác có việc gì cháu có thể giúp bác được không ạ ?
Bà kia vui vẻ đáp:
- Bác đang đợi chị Tư gánh nước, vì nhà hết nước từ hai ngày nay mà chị không tới. Bác một nách hai con nhỏ mọn, không bỏ cho ai được để đi gánh đỡ.
- Bác để cháu gánh giúp. Nhà có thùng không ạ?
- Có thùng đó, nhưng cháu gánh được à?
- Vâng, được.
Bà Lý chủ nhà mừng lắm, dẫn Thủy vào trong lấy thùng, máy nước cách nhà độ năm chục thước. Đã quen với công việc nặng nhọc, nên việc gánh nước đối với Thủy không có gì khó khăn. Trong ngày hôm đó nó đã gánh được đầy bể nước, bà Lý trả cho nó ba trăm đồng. Chồng bà Lý là một hạ sĩ tại ngũ đóng ở nơi xa, nên gia đình cũng eo hẹp. Bà rất muốn giữ Thủy ở lại để giúp đỡ công việc trong nhà, nhưng khổ nỗi bà không đủ đồng tiền để trả công.
Tối hôm đó Thủy nghỉ tạm ở nhà bà Lý. Sau một ngày làm việc vất vả nó đặt mình xuống giường thấy dễ chịu, thoải mái. Lần đầu tiên trong đời nó kiếm được tiền bằng sức cần lao nên nó cảm thấy một niềm vui giản dị và trong sạch. Vài phút sau, nó đã ngủ một giấc thật say với những giấc mơ đẹp. Sáng hôm sau, nó trở dậy thấy trong người khoan khoái và nó khám phá ra rằng sự làm việc chắc có thể giúp nó tránh được những nổi u sầu và những đêm dài trằn trọc.
Những nhà lối xóm cũng bị thiếu nước vì vắng chị Tư, nên bà Lý đã giới thiệu Thủy đến gánh nước dùm. Sau ba ngày làm việc, Thủy đã kiếm được trên một ngàn bạc, đủ số tiền lộ phí để đi Lái Thiêu. Nó bèn từ giã bà Lý để lên đường, hẹn ngày tái ngộ.
Cuộc hành trình bằng xe đò cũng được suông sẻ. Sau khi đổi xe một lần tại Mỹ Tho và một lần tại Sàigòn, Thủy tới Lái Thiêu vào lúc ba giờ chiều. Nó bèn vội vã đi hỏi thăm, và chẳng mấy lúc xe xe đã đưa nó tới xưởng mỹ nghệ của ông Hội Đồng Hải.
Trông thấy Thủy bác Từ rất ngạc nhiên nhưng không giấu được nỗi vui mừng. Bác thấy yên lòng sau khi hỏi tin tức gia đình. Nghe Thủy kể lại nếp sống khó thở ở cù lao Reng trong khi bác vắng nhà, bác Từ đành phải chấp thuận cho Thủy ở Lái Thiêu, chớ không có cách gì hơn nữa.
Ngày ngày bác đi làm, Thủy ở nhà lo cơm nước, đời sống của hai cha con rất được yên vui. Nhất là về mặt tinh thần, Thủy cảm thấy tâm hồn được nhẹ nhõm, tuy nhiên, trong cảnh một chốn đôi nơi, bác Từ thấy nhớ vợ, nhớ con và thường ước mong sớm đến ngày có thể đón gia đình lên đây xum họp. Bác còn phải để dành tiền để sang một căn nhà cho gia đình.
Một hôm, Thủy nhớ lại hồi trước biết bao lần nó đã xin bác Từ cho vào xem trang trại của ông Hội Đồng nhưng không được phép, nên nó hỏi :
- Ba ơi! Bữa nào ba cho con vào xem xưởng mỹ nghệ đi ba.
- Ừ được, bữa nào ba cho con đi.
Hai ngày sau, Thủy được ba nó dắt đi coi xưởng. Nó có cảm tưởng như lạc vào động thiên thai. Những bức sơn mài vĩ đại, những đồ khảm xà cừ, những đồ chạm trổ, ngà voi, những bức tượng, những đồ gốm.v.v… được bày biện trong mấy dãy nhà rộng rãi, không khác gì một khu triễn lãm, hàng ngày rất đông khách vào xem để đặt hàng.
Chiều về, cơm nước xong, có ông hàng xóm qua thăm bác Từ. Sau khi chuyện vãn một hồi, hai người nói đến chuyện xưởng mỹ nghệ. Bác Từ nguyên có căn bản học vấn cũng khá, lại có tâm hồn nghệ sĩ và rất say mê nghệ thuật. Từ ngày bác về làm quản lý xưởng này bác chú tâm nghiên cứu vấn đề nên bác hiểu rất rành rẽ, ông khách hỏi :
- Bác Quản ơi! Tôi nghe danh xưởng mỹ nghệ này từ lâu, mà chưa hiểu hoặt động ra sao. Những đồ mỹ thuật trong xưởng chế tạo là công trình của ai vậy?
- Dạ, thưa bác, đó là công trình của nhiều người lắm. Đây là một sự hợp tác rộng lớn giữa những nhà họa sĩ, điêu khắc, thợ chuyên môn. Xưởng này phát đạt chính là nhờ ở sự hợp tác đó.
- Lý do vì sao, thưa bác?
- Thưa, vấn đề rất dễ hiểu. Trừ một thiểu số đã có tên tuổi, còn phần đông các mỹ thuật gia chỉ giàu về nghệ thuật, nhưng lại nghèo về tiền tài. Nếu họ hành nghề độc lập, như lẽ tự nhiên ai ai cũng ước muốn, thì rất khó đạt được kết quả. Vì một khi phải lo đến việc sinh sống hằng ngày cho bản thân và gia đình thì tài ba rất dễ bị mai một, và có thể đi đến chỗ giải nghệ.
Xưởng của ông Hội Đồng Hải nhờ được trường vốn nên các mỹ thuật gia có thể yên chí phụng sự cho nghệ thuật mà khỏi lo đến vấn đề vật chất hàng ngày. Cho nên xưởng này không khác gì một hợp tác xã sản xuất.
- Thưa bác, đã có những nhà mỹ thuật, sao trong xưởng còn cần thợ chuyên môn?
- Ấy, thưa bác, cần lắm chứ. Tôi nói thí dụ: một bức sơn mài. Trước hết nhà họa sĩ phải sáng tác ra một bức vẽ, bố cục phải vững vàng, nét vẽ phải điêu luyện, tinh vi. Đến khi thực hiện phải giao cho thợ sơn mài, vì công việc làm tốn nhiều thì giờ lắm. Trong khi đó nhà họa sĩ vẫn phải theo dõi và giúp đỡ những khi cần đến, đồng thời lại có thể sáng tác những vấn đề khác. Nếu họa sĩ phải làm cả công việc mài sơn thì còn thời giờ đâu mà sáng tác nữa?
- Thế những đồ mỹ thuật chế tạo ra bán đi đâu, thưa bác ?
- Dạ, phần lớn xuất cảng ra ngoại quốc. Đây là một nguồn lợi đáng kể cho quốc gia. Không những thế trong những cuộc triển lãm quốc tế đồ mỹ thuật Việt Nam rất nổi tiếng, mang phần vinh dự về cho nước nhà.
- Các nước thiếu gì máy móc tinh vi, người ta không chế ra đồ đẹp hay sao ?
- Thưa bác, đồ mỹ thuật phải cần đến khối óc sáng tác và bàn tay khéo léo của người, máy móc không làm nổi. Chính vì thế mà đồ của ta mới được yêu chuộng trên trường quốc tế.
- Các đồ mỹ thuật mắc tiền như vậy, sao vẫn có người tiêu thụ, thưa bác ?
- Dạ, thưa nó rất quan hệ cho đời sống của con người. Chúng ta nên mừng rằng mặc dầu văn minh vật chất đã lan tràn mạnh, nhưng khi trái tim người ta vẫn rung động trước một bức tranh đẹp, một cuốn sách hay, thì loài người cũng chưa đến nỗi nào. Đó là những giá trị tinh thần có thể làm cho những dân tộc trở nên hiền hòa, đạo đức, bác ái. Loài người phải bảo vệ những giá trị nó.
- Dạ, bữa nay được bác giải thích tường tận, tôi mới hiểu. Xin cảm tạ bác rất nhiều.
Chuyện vãn một hồi nữa, khách cáo từ ra về.
Chương 6
Thủy lên Lái Thiêu thấm thoát đã được hai tháng. Một buổi sáng, đang khi sửa soạn đi làm, bác Từ thấy mặt mày xây xẩm muốn ngã. Thủy sợ quá, vội chạy lại đỡ bác và cố dìu tới giường nằm. Mắt bác nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp.
Thủy cuống quít không biết làm thế nào, chạy đi kiếm lọ dầu gió để thoa cho bác. Bác vẫn nằm lịm, Thủy vừa khóc vừa gọi:
- Ba ơi ba, ba làm sao thế ba?
Một lúc lâu, bác mở mắt, thở mạnh một cái rồi nói yếu ớt:
- Thủy con, ba thấy trong người mệt quá, có lẽ ba sắp chết và ba rất lo lắng cho con.
- Không, thưa ba, con đi kiếm thầy thuốc bây giờ và ba sẽ khỏi ba ạ !
Ba Từ lắc đầu chậm rãi đáp :
- Thủy con, trước khi ba chết, ba phải nói cho con rõ sự bí mật về đời con.
- Ba đã nói hết với con rồi kia mà !
- Chưa…chưa hết… Sau khi mang con về nhà được vài ngày, ở dưới đáy thuyền ba đã thấy…
Bác Từ ngưng lại như bị hụt hơi. Thủy ghé tai gần lại và nhắc:
“Ba đã thấy…
- Dưới tấm ván… một chiếc… một chiếc…
Thủy cố lắng tai nghe, nhưng không rõ, và tự hỏi không biết có phải bác nói mê. Chắc không phải, vì tuy bác quá yếu sức nhưng rất tỉnh táo. Thủy chăm chú nhìn môi bác để cố đoán những lời bác nói lắp bắp, và nghe hình như là chữ hộp.
- Hộp nào, thưa ba?
- Ở đó… cây đa to… cái hốc.
- Ba muốn nói gì ạ?
- Chiếc hộp… cái hốc… ở đó.
- Ở đó… ở cù lao Reng?
Bác Từ chớp chớp mắt như ý gật đầu, vì môi bác không còn mấp máy được nữa.
Vừa lúc đó, một vị y sĩ tới, do bà hàng xóm mới giúp. Sau khi khám bịnh, vị y-sĩ cho biết không thể cứu chữa được vì bệnh nhân bị đứt mạch máu.
Rồi bác Từ lịm đi, một lát sau bác trút hơi thở cuối cùng.
Vừa bàng hoàng, vừa đau khổ, Thủy nhờ bà hàng xóm đi báo tin cho sở biết. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhân viên trong sở, hôm sau bác Từ gái đã lên tới Lái Thiêu, và đám tang được tổ chức chu đáo.
Công chuyện xong xuôi, bác Từ gái trở về cù lao Reng, còn Thủy tạm ở lại để thu xếp mọi việc.
Bác Từ mất đi, Thủy không còn một tí gì trên đời nữa, ngoài tình bạn của cậu Sơn. Nhưng hiện giờ cậu ở đâu, Thủy nào có biết?
Mấy ngày kế tiếp, trong căn nhà tang tóc vắng lạnh, Thủy như bị tinh thần sụp đổ, không hiểu thân phận mình sẽ ra sao.
Thủy nhớ đến lời trối trăng của ba Từ. Cái hốc? Cây đa? Cái hộp? Nó chứa đựng điều gì?
Thủy tự nghĩ hay bây giờ về cù lao Reng. Nhưng khi nhớ đến không khí trong căn nhà cũ và sự đối đãi của bác Từ gái và các chị, nó lại thấy e ngại. Nên nó đành tạm ở lại Lái Thiêu rồi sau này sẽ tính.
Việc đầu tiên của Thủy là kiếm việc làm. Nhờ có người quen giới thiệu, nó được nhận vào phụ giúp cho bà Thảo, nữ quản gia ở nhà bà Phủ Thạch.
Bà Thảo nguyên là người họ xa với bà Phủ, đã làm quản gia trong gia đình này được vài chục năm. Nay bà đã gần sáu mươi tuổi, sức khỏe bắt đầu suy kém, nên bà cần có người phụ giúp.
Buổi đầu vào làm, bà Phủ bảo Thủy:
- Dì Thảo sẽ chỉ dẫn công việc cho con, và con phải giúp đỡ gì trong mọi công chuyện trong nhà. Sau này, khi con đã quen rồi, bà sẽ sai đi đây đó.
Thoạt đầu, dì Thảo lo vấn đề y phục cho Thủy, vì những bộ đồ nó đang mặc trông xuềnh xoàng quá, không xứng với một gia đình sang trọng.
Dì Thảo đối xử với Thủy rất tốt, không khác gì một người mẹ. Và con nhỏ cũng rất quấn quít bà. Trong sự quấn quít này, không phải chỉ có lòng cảm kích mà là một sự yêu thương chân thật, đối với gì Thảo cũng như đối với bác Từ lúc sinh thời, con nhỏ tự thấy nó rất ngoan ngoãn dịu dàng.
Bà Phủ Thạnh làm chủ một dinh cơ lớn, một biệt thư khang trang, những vườn cây ăn trái và vài trăm mẫu ruộng. Nhờ có óc thông minh, tháo vát và sức khỏe bền bỉ, Thủy làm công việc luôn luôn được chu đáo. Từ việc nhỏ lớn hằng ngày trong gia đình, đến việc trông nom vườn trại ruộng nương đều đâu ra đó, việc thâu hoạch ngày mùa cũng không bị mất mát hao hụt. Bà Phủ rất hài lòng, và nhất là dì Thảo không những hài lòng mà còn thấy hãnh diện, vì dì đã có công đào tạo và hướng dẫn Thủy thành một mẫu người hoàn toàn. Kết quả đó một phần lớn là do tình thương mến giữa hai người đồng cảnh ngộ, hợp tính nết, thương nhau như thể ruột thịt.
Trong tương lai, nếu không có gì thay đổi tất nhiên một ngày kia Thủy sẽ nối nghiệp dì Thảo trong nhiệm vụ quản gia cho bà Phủ Thạnh.
Kế bên nhà bà Phủ Thạnh là một gia đình nhà bà Bích Trà, em họ bà Phủ, cũng thuộc giới giàu có, đối với bà Thảo là nơi họ hàng nên cô Mỹ, con bà Bích Trà, thường hay sang chơi với bà Thảo và Thủy.
Tuy công việc hằng ngày rất bận rộn, nhưng Thủy hoặt động rất hăng say, và cảm thấy mình yêu đời vì được sống trong một không khí thân mật gia đình với sự thương mến của mọi người chung quanh, nhất là của dì Thảo.
Chương 7
Thủy ở nhà bà Phủ Thạnh thấm thoát đã được hai năm.
Một bữa kia, trong khi vui câu chuyện, nó hỏi dì Thảo:
- Dì ơi, cháu không hiểu sao dì cứ luôn luôn cưng chiều cháu hả dì?
Dì Thảo mỉm cười và để thay thế câu trả lời, dì kể lịch sử của dì cho Thủy nghe:
- Xưa kia, chính dì cũng đã bị đau khổ. Thân mẫu dì, mà dì rất yêu quý, đã mất khi dì còn nhỏ tuổi. Vài năm sau, ba dì đã tục huyền với một thiếu nữ suýt soát với tuổi dì. Chẳng bao lâu, người này đã tỏ ra ghen ghét với lòng thương mà ba vẫn dành cho dì. Đời sống lúc ấy đối với dì thật là khó thở nên một hôm dì đã bỏ nhà ra đi. Dì tới Lái Thiêu này và vào giúp việc cho nhiều gia đình quyền quý trước khi vào làm quản gia cho bà Phủ. Bây giờ thì chắc cháu đã hiểu tại sao dì rất thương mến cháu rồi chứ.
- Vâng, đời của dì cũng gần giống như đời của cháu vậy. Dì cũng đã đau khổ như cháu.
- Phải, như cháu vậy.
Thủy nhìn bà Thảo hỏi:
- Thế bây giờ, dì còn đau khổ nữa không?
Bà quản gia tóc bạc phơ mỉm cười đáp rất dịu dàng:
- Với thời gian, người ta cũng quen dần và chấp nhận cuộc đời như nó đến với ta. Bà Phủ ở đây rất tin cẩn và trọng đãi dì, nếu dì kêu khổ thì dì sẽ là người không biết điều tí nào cả.
Thủy thở dài :
- Có lẽ sau này cháu cũng sẽ thành một nữ quản gia như dì đó.
- Ồ, dì không chúc cho cháu như vậy đâu. Sống độc thân suốt đời không phải lúc nào cũng vui đâu… Thế sau này, cháu không muốn lấy chồng hay sao ?
Thủy đỏ mặt cúi đầu, đượm một nét buồn sâu xa.
- Cháu sao vậy? Dì Thảo hỏi, cháu không ưng điều đó sao? Cháu sắp mười lăm mười sáu tuổi, sắp thành một thiếu nữ rồi, thì một ngày kia…
- Thưa dì, ngày đó sẽ không bao giờ tới. Những đứa con gái không cha không mẹ như cháu, thì làm sao mà lấy chồng…Nhất là mặt lại xấu xí như cháu?
- Bậy nào! Ai bảo rằng cháu xấu xí?
Ở cù lao Reng các chị nó thường nhắc là mặt nó chẳng có tý duyên dáng, tay chân thì gầy gò nên con nhỏ cứ yên chí là nó rất xấu xí.
- Thôi đi cháu, dì Thảo nói, cháu làm điệu hay cháu thật tình nghĩ như vậy?
- Thưa dì, cháu nói thật tình mà.
Bà quản gia nhìn Thủy một lúc lâu và hiểu nó không nói dối. Bà bèn đi kiếm lược, bàn chải, kéo và kim gài tóc rối bắt đầu làm bộ tóc cho Thủy. Có đôi bàn tay khéo léo và khiếu thẩm mỹ bà rất rành về nghệ thuật sửa soạn bộ tóc cho thích hợp với khuôn mặt của mỗi người. Sau một hồi lâu chải cắt, uốn, kẹp, bà chìa cho Thủy một chiếc gương và soi. Con nhỏ nhìn trong gương và rất ngạc nhiên trước sự biến đổi của nó nhưng chưa dám tin hẳn?
“ Bộ tóc không phải là tất cả, dì Thảo nói. Nó lại chẳng có nghĩa lý gì nếu nét mặt vẫn giữ vẻ đăm chiêu, khóe mắt vẫn đượm niềm khắc khổ. Thủy! Cháu thử mỉm cười đi… Không, không phải thế…Cháu phải mỉm cười như cháu đang có hạnh phúc sự thật kia. Mà hiện bây giờ cháu không phải là người có hạnh phúc hay sao? Cháu được ăn uống thỏa thích khi đói lòng, cháu được sống trong một biệt thự nguy nga, và luôn luôn có dì ở bên cạnh để làm cho cháu cản thấy rằng, mặc dầu cháu đã gặp phải những điều bất hạnh nay vẫn có người luôn luôn nghĩ đến cháu và thương mến cháu”.
Ngượng ngùng, Thủy cúi đầu, rồi nó từ từ ngẩng lên nhìn dì Thảo. Bây giờ vẻ mặt nó bổng tươi hẳn lên như một đóa hoa mới nở.
- Không cháu đừng có nhìn dì, bà Thảo nói, mà cháu phải nhìn vào trong gương đó.
Tới đây, bỗng Thủy như thấy một phát hiện rất lạ lùng. Trong gương nó thấy không phải hình ảnh của chính nó mà là hình ảnh của một Thủy nào khác, chưa hề quen biết bao giờ. Nó vội quay lại phía sau để bắt gặp người thiếu nữ nào đang đứng sau lưng nó để nhìn qua vai nó vào tấm gương. Nhưng nó đã lầm, khuôn mặt trong gương không phải của ai khác, mà chính là của nó, của một Thủy tươi cười, duyên dáng, đẹp đẽ, phải, rất đẹp.
Trong sự ngỡ ngàng và cảm động, con nhỏ vội ôm chầm lấy dì Thảo và òa khóc vì sung sướng.
Thùy Hương
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...