Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Trông em mùa gặt

Trông em mùa gặt

Sa bị đánh thức bởi những tiếng lộp khộp gấp gáp trên sàn nhà, nó quàng tay sang bên cạnh không thấy mẹ đâu, chỉ sờ thấy một khúc chắc lẳn, mềm mại và ấm ấm, đó là thằng Thim, em út của nó. Nó mò mẫm vén chiếc màn đen ở trên đầu lên. Bên ngoài, mảnh vườn hiện lên mập mờ đen trắng. Trời vẫn chưa sáng hẳn, sao mẹ dậy sớm vậy nhỉ?
Thật ra là cả nhà đã dậy hết, chỉ còn mỗi hai chị em nó ngủ. Lúc con bé bò ra ngồi trước cửa buồng dụi mắt, bố với anh Hưởng, anh Hòa đang lục khục trong kho phía bên kia gian thờ lấy ra một đống đồ, nào bao tải với liềm, nào là mũ với nón; chị Lanh, chị Hạnh thì ở ngoài hạn chan cầm sào móc những chùm vải đỏ thẫm trên ngọn cây cho vào ca tá. Nó mới nhớ ra hôm qua mẹ đã bảo là sớm mai cả nhà đi gặt.
– Sa dậy rồi đấy hả? Ra đây với mẹ nào lả!
Tác giả trẻ Vàng Ly ở Lai Châu
Nó nhìn sang đầu hồi, mẹ nó đã quay mặt về phía ánh lửa bập bùng nơi góc bếp. Hôm nay mẹ mặc chiếc áo cóm xanh lá mạ tay dài, chiếc áo bó eo lại khiến thân hình đẫy đà của mẹ nom như chiếc bánh chưng gù vừa được vớt ra khỏi nồi còn nóng hổi. Mẹ ngồi dạng chân trên chiếc ghế mây, tay thoăn thoắt đảo một chảo cơm đầy với tóp mỡ. Tiếng nổ tách tách bật lên mùi thơm của cơm tám dẻo với mỡ lợn đen và rất nhiều hành lá. Con bé thích ăn món này với đậu phụ nhự nhất. Đậu phụ nhự do mẹ nó làm bùi bùi, thơm thơm lại cay cay, ngọt ngọt, chẳng cần thịt cá mà nó vẫn ăn hết hai, ba bát cơm. Con bé đứng vịn vào vai mẹ nuốt nước miếng ừng ực. Mẹ nó xoay người lại cười hiền từ, bảo:
– Hôm nay cả nhà đi gặt lúa bận lắm đấy, lả ở nhà trông em Thim cho mẹ. Làm gì cũng phải nhớ nhìn lấy đồng hồ, khi nào kim ngắn chỉ đến số chín thì địu em đi lên lán tìm mẹ, như mọi lần ấy nhớ chưa!
– Vâng ạ!
Bố nó đi từ ngoài gác cầu thang vào, ghé lại xoa xoa lên đầu tóc nó:
– Chị Sa sắp lên lớp hai rồi, biết trông em cho bố mẹ làm việc, giỏi lắm!
Nói đoạn, bố nó bế nó lên cao, con bé ấp đầu vào ngực áo còn thơm mùi chàm của bố, lòng thấy nhớ về những ngày trước khi mẹ đẻ thằng Thim, nó vẫn thường được bố mẹ cưng yêu như vậy. Bây giờ nó phải nhường cho thằng Thim làm lả trong nhà, nhường cả bố mẹ cho em. Nhưng nó cũng không buồn lâu, nó đi học trường mới với các bạn thấy vui hơn ở nhà nhiều. Kể từ lúc thằng Thim biết ngồi, Sa đã biết trông em, nhưng một tháng nay được nghỉ hè, trông em mới trở thành nhiệm vụ hàng ngày của nó. Cũng chẳng có gì khó nhọc, nó nhét tấm ga thổ cẩm cũ vào chiếc ghế mây để ngược rồi bế em vào ngồi bên trong là thằng bé yên vị. Có lúc nó trải chiếu rồi lấy đệm vuông nhồi bông lau chặn các phía cho em không bò ra ngoài, lúc em khóc thì mới gọi mẹ. Nếu cả nhà đi vắng mà muốn đi chơi thì chỉ cần ra đầu cầu thang gọi bà Cởm nhà bên đến địu em lên lưng giúp là được.
Chiếc kim ngắn của đồng hồ chỉ đến số sáu thì ông mặt trời ló mặt ra khỏi chân núi Pú Sung, những tia nắng rát một màu vàng óng ả lên khắp bản Mương Nọi. Nhà chỉ còn Sa với thằng Thim, bố mẹ và anh chị chắc đã lên đến nương và bắt đầu gặt lúa. Sa thích nhất là những ngày gặt lúa, cả bản thật là đông vui, người người đi lại tấp nập, thóc lúa được phơi vàng hết các hạn chan, đến nhà ai cũng ngửi thấy hương lúa mới thơm thơm. Mấy hôm sau đấy thế nào cũng được ăn bánh dày và chúng nó lại có chỗ chơi trốn tìm khi ở góc nhà đã đầy những bao thóc tạo thành địa hình phức tạp để ẩn náu.
Ngay sau khi thằng Thim vừa dậy là Sa đã gọi bà Cởm đến địu em lên lưng rồi xuống nhà chị Én chơi. Chị Én là con bác ruột của Sa, nhà chị có cái nhà sàn to nhất, có cây vải cao nhất, có nhiều chuồng chim bồ câu, lại có mương nước ở sau nhà nên mùa này có nhiều trò cho chúng nó chơi lắm.
Con bé địu thằng em đi như mèo tha chuột. Con chị nhỏ thó nhưng bước đi chắc nịnh, nhanh nhẹn và khỏe. Thằng em sau lưng ngúng nguẩy lắc đầu, thích trí ngịch đuôi tóc cháy nắng của chị, hai chân nó vung vẩy đá vào đùi chị theo từng nhịp bước.
Lúc hai chị em nó đến thì cái Én đang loẹt quẹt quét sân bê tông ở cạnh nhà sàn. Nhìn thấy Sa, cái Én đứng ngay người reo lên:
– A! Đến rồi à, đợi chị một tí, chị quét sân cho khô, bố mẹ chị về còn phơi thóc. Chút nữa chúng mình gọi cái Ón với thằng Kim, thằng Biên sang chơi trốn tìm như hôm qua nhé!
Hai đứa ríu rít nói tiếp chuyện hôm qua, thằng Biên chơi ăn gian đi trốn xa quá, ra tận ngoài vườn. Hôm nay phải quy định lại chỉ được trốn trên nhà và dưới gầm sàn thôi. Con bé Én bảo hôm qua trốn vào chuồng gà bị nhiều mò cắn, cả đêm ngứa không ngủ được, giờ nhớ phải chừa chỗ ấy ra.
Từ trên hạn chan nhà sàn, hai đứa trẻ chắp tay thành loa gọi tên từng đứa bạn, chúng nó cũng nhanh chóng đáp lại rằng sẽ đến ngay. Én giúp Sa cởi địu, chúng nó rải chiếu, lấy sai eo buộc một đầu quanh bụng thằng Thim, một đầu vào cái cột giữa nhà. Thằng bé quanh quẩn chơi với mấy cái bát nhựa, thi thoảng thấy anh chị nô đùa cũng cười theo khanh khách. Ở nhà sàn có rất nhiều chỗ để chúng nó trốn nhau: các buồng ngủ, kho, đằng sau gian thờ, bên ngoài hạn chan, dưới đống củi hay trong chuồng gà, chuồng vịt. Bọn con trai giỏi leo trèo còn treo ngược người dưới cầu thang hoặc gầm sàn, nếu không tinh ý sẽ không nhìn thấy. Chỉ có việc trốn với tìm mà bọn chúng chạy rậm rầm như muốn sập sàn, đứa nào đứa nấy cười khàn cả tiếng, thở hồng hộc, mặt đỏ như con gà chọi. Chơi trốn tìm chán chê, chúng nó bảo nhau đi hái mận về chạ ăn. Cây mận máu trong vườn nhà Én sai quả trĩu trịt nhưng rất nhiều sâu róm, chúng nó cầm cái sào dài vụt lấy từng quả rơi xuống mặt đất. Những ngày hè nắng nóng thế này, người dân bản Mương Nọi hay tụ tập nhau quanh bát mận chạ xóc với muối ớt, vừa ăn vừa nói chuyện. Bọn trẻ con cũng thích thế lắm. Thằng Biên giành lấy cái chạ bằng gỗ đã mòn vẹt và lõm vào phía trong. Nó kê chạ lên miệng bát tô, hai tay mở hai thanh gỗ ra đợi cái Én đút quả mận vào thì kẹp chặt rồi nhả ra, hết quả này đến quả khác. Nó làm khéo lắm, cứ như cái máy, chẳng có giọt nước nào bắn ra ngoài. Thì bao nhiêu lần nó chẳng bảo là nó nghiện món này đấy thôi. Cái thằng loắt choắt ấy, miệng nó nói khôn hệt như ông cụ:
– Tao rất cảm ơn Then đã cho tao sinh ra làm người Thái, vì người Thái mới có chạ. Hôm nọ tao lên nhà thằng Páo lớp tao chơi, nhà nó không có cái này, ăn quả mận chua toàn chấm muối rồi cắn, chán ơi là chán!
Chúng nó xúm xít lại tranh nhau bốc ăn, một bát mận chẳng đã, lại phải kẹp thêm bát nữa. Quả mận giòn, chua ngọt, được cho thêm muối ớt cay cay ăn không muốn dừng. Nước mận đỏ lòm bám lấy tay đứa nào đứa nấy trông như vừa nghịch dại bị chảy máu. Chúng nó nhìn nhau cười hỉ hả.
Tiếng người bình bịch đi qua ngoài đường. Đó là những người phụ nữ đầu đội khăn vuông thổ cẩm, tà váy buộc lên ngang gối, đang hăm hở đeo thóc ướt từ ngoài đồng về. Thằng Kim nhìn thấy mẹ, vội bỏ về trước, nó còn phải giúp mẹ phơi thóc. Thằng Biên cũng theo về luôn. Chúng nó hẹn chiều muộn cả bọn cùng ra suối tắm.
Mặt đường bắt đầu hắt lên ánh nắng chói chang, Sa nghĩ cũng sắp đến giờ địu em lên tìm mẹ. Nó bảo Én với Ón lên giúp nó địu em, nhưng lên nhà lại không thấy thằng Thim đâu cả. Chúng nó hoảng hồn, dưới cột nhà chỉ còn chiếc sai eo xanh lá bị vứt lại chỏng chơ. Chúng nó tìm quanh nhà, trong buồng cũng không thấy em đâu cả. “Ôi Thim ơi!” Cái Sa lo lắng gọi, nó mới biết bò, hay là nó bị rơi xuống dưới nhà? Nhưng dưới gầm sàn cũng có thấy nó đâu. Sa chợt nhớ đến lời mẹ dặn: “Con mà mải chơi không để ý em, Then giận là sẽ phạt bắt mất Thim của mình đi đấy!”. Nó ngồi thụp xuống khóc hu hu. Ón với én dỗ dành, bây giờ phải bình tĩnh và suy nghĩ xem thằng Thim có thể đi đâu. Có thể có người lên chơi lúc chúng nó ở trong vườn đã bế em đi mất. Chúng nó chạy dọc theo đường bản gọi với lên hỏi từng nhà:
– Bác Mín ơi, bác có thấy thằng Thim nhà cái Sa không ạ?
– Bác không thấy!
– Chị Thủy ơi, thằng Thim nhà cái Sa có ở nhà chị không?
– Không có!
– Ông Khỏ ơi, ông có thấy ai bế thằng Thim nhà cái Sa không ạ?
– Không, chết chưa, chúng mày lại mải chơi không trông em hả! Đi tìm nhanh, không về nhà bố mẹ đánh chết!
Cái Sa như người mất hồn chạy hộc tốc theo sau Ón và Én, chúng nó nghĩ hay thằng Thim đã bò xuống cầu thang và rơi xuống cái mương đằng sau nhà? Thế là cả bọn đi xuôi tìm theo con mương. Mùa này nước mương cạn, chắc em sẽ không việc gì, Sa nghĩ. Nó vừa đi vừa chạy trên bờ mương, gặp ai cũng hỏi có thấy thằng Thim trôi qua không, nhưng ai cũng lắc đầu. Chúng nó tìm đến tận giữa cánh đồng, con mương nhỏ đã bị rẽ nước vào ruộng hết rồi mà chẳng thấy thằng bé đâu. Con bé Sa đành khóc quay về, nghĩ thương em và trách mình vì đã để Then giận bắt em đi mất.
Đến bản, Sa chạy thẳng về nhà, phải báo ngay cho bố mẹ thôi. Con bé sợ bị ăn đòn lắm nhưng chỉ có bố mẹ mới biết cách đòi Then trả em quay lại. Trên hạn chan, chị Lanh đang trải cót chuẩn bị phơi thóc. Thấy chị, Sa khóc lu loa:
– Chị ơi, chết rồi chị ơi!
– Làm sao?
– Then bắt mất thằng Thim rồi chị ơi!
Chị nó dừng tay lại, trố mắt lên, ngơ ngác hỏi:
– Cái gì?
– Thằng Thim ấy, Then bắt mất rồi chị ạ! Giờ phải làm thế nào?
Chị nó kéo khăn ra lau mồ hôi cười khành khạch như lên cơn dại. Bực mình quá, chắc mẹ không cho chị biết rằng không trông em thì Then sẽ bắt em đi mất. Con bé Sa vội chạy lên cầu thang định nói cho rõ đầu đuôi câu chuyện. Nhưng vừa bước vào cửa đã thấy mẹ ngồi tựa vào vách cho thằng Thim bú ngon lành. Những lời định nói mắc ứ trong cổ họng:
– Ơ, mẹ, sao thằng lả lại ở đây? Hả mẹ?
Mẹ cầm lấy nón quạt vù vù, mặt nghiêm lại:
– Ối dô! Con lại mải chơi không trông em hả! May mà mẹ về kịp mới tranh được em từ tay Then đấy. Lần sau có bỏ em một mình như thế nữa không?
Con bé nhìn mẹ, nhìn em đầy áy náy, nó ngồi thụp xuống thơm vào má em đang mút vú chùn chụt, tay nó năm chặt lấy tay em đang bấu vào bầu vú bên kia:
– Con không dám nữa mẹ ơi, con yêu em mà!
Hóa ra hôm ấy, ông cụ Khỏ lên nhà cái Én hỏi mượn mấy cái chổi chít nhưng lại thấy chúng nó đang mải vụt mận không ghe thấy tiếng ông gọi. Giữa nhà chi có một mình thằng bé ngồi mút ngón tay, ngằn ngặt khóc. Ông mới tháo sai eo, bế thăng cu về cho chúng nó chừa cái tội mải chơi. Đến tận bây giờ, cái Sa đã lên huyện học nhưng thi thoảng về bản gặp ai, nó cũng bị nhắc cẩn thận trông em không Then lại bắt mất. Nó chỉ biết gãi đầu gãi tai ngây ngốc cười.
Chú thích:
1. Hạn chan: Khoảng sàn lộ thiên ở bên ngoài nhà sàn của người Thái thường được dùng làm nơi rửa ráy, phơi phóng.
2. Lả: Cách gọi em út trong nhà của người Thái.
3. Ca tá: cái gùi của người Thái, được đan bằng cây giang; có hình trụ vuông, cao khoảng 50cm, có dây đeo lên đầu cũng được đan bằng giang.
4. Sai eo: dây thắt lưng của người phụ nữ Thái, dài khoảng hai mét, rộng khoảng 20cm, được thêu hoa văn hai đầu.
5. Chạ: vật dụng người Thái hay dùng kẹp quả mận, mơ ăn; được làm bằng hai thanh gỗ dài khoảng 30cm, được cố định một đầu lại chắc chắn.
9/10/2022
Vàng Ly
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuốn tự truyện của Andersen và những điều chưa biết về đại văn hào của thế giới 30 Tháng Tư, 2022 Andersen (1805-1875) là đại văn hào ...