Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Tri thức truyền thống qua một vài hiện tượng ngôn từ

Tri thức truyền thống qua một
vài hiện tượng ngôn từ

Tri thức truyền thống là cả một kho tàng kinh nghiệm được tích tụ qua nhiều thế hệ của cộng đồng diễn ngôn. Trong đó, không ít tri thức dù được cảm nhận có tính chất trực giác nhưng lại rất gần gũi với lý thuyết khoa học.
1. Bạn có bao giờ chú ý đến cách nói lạ lùng kiểu như: nghĩ thầm trong bụng, bụng nghĩ, ấm bụng, hẹp bụng, thiệt bụng, tính không để bụng, bóp bụng, ưng bụng, sống để bụng chết mang theo, bụng đàn bà dạ con nít;  sáng dạ, tối dạ, hả dạ, phỉ dạ, mát dạ, sâu ao béo cá, độc dạ hư mình; vỡ lòng, học thuộc lòng, nóng lòng, thật lòng, đem lòng thương nhớ, phải lòng, dằn lòng, mở lòng, dối lòng, rối lòng, cầm lòng chẳng đậu, hả lòng hả dạ, ghi lòng tạc dạ; sốt ruột, nát ruột, nát gan, đứt ruột, rút ruột, buồn ruột; lớn gan, dạn gan, gan dạ, bạo gan, cả gan, gan thỏ đế v.v..
Nhà nghiên cứu Trịnh Sâm
Như vậy, bụng, dạ, lòng gan, ruột là những biểu tượng vừa cho lý trí, nhận thức, suy nghĩ, vừa cho ghi nhớ, cảm xúc, tình cảm, tính tình và cả nhân cách.
Ta đừng vội xem thường loại tri thức này, tuy, có thể chỉ là những cảm nhận và đúc kết có tính chất trực giác, nhưng đó là những gợi mở cho những tiền đề khoa học. Kết quả nghiên cứu của một số công trình y học công bố  ở Pháp (2011, Berthelot L. et Warnet J.) và Hoa Kỳ (1999, Michael D. Gershon), chứng minh được rằng, bụng, lòng, ruột, nói rộng ra là hệ tiêu hóa chính là cơ quan não bộ thứ hai (second brain) của con người.
Thế nhưng, Tự Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, 2009), lại giải thích, đầu con người được coi là biểu tượng của suy nghĩ, nhận thức; tim là biểu tượng của tình cảm, tình yêu. Ghi nhận như thế cũng không sai, tiếng Việt hiện đại có nhiều chứng cứ củng cố cho nhận xét này như: nghĩ nát cả đầu, điên đầu, cơ quan đầu não, tên ấy đầu óc lắm đấy ; trái tim nhân hậu, trái tim mềm yếu, tiếng gọi của con tim, trái tim sắt đá v.v..
Có thể ghi nhận, trường nghĩa bụng, dạ, gan, lòng, ruột là các biểu đạt cũ, thuộc tri thức truyền thống thể hiện cách nhận thức thơ ngộ của dân gian. Còn sự lưỡng phân, đầu /tim là cách biểu đạt mới, là hình thức vay mượn. Ở đây dấu ấn của sự phân chia nhị nguyên phương Tây thể hiện rất rõ: lý trí/ tình cảm, hồn/ xác, tự nhiên/ Con người. Sự phân lập đầu/ tim  còn dựa vào phương thẳng đứng, trên quan trọng hơn dưới, lý trí quan trọng hơn tình cảm, nghĩa là cách lý giải có nguồn gốc ngoại lai. Trong khi đó, cách tri nhận bụng, dạ gan, lòng, ruột truyền thống của người Việt lại thiên về nhất nguyên, theo phương nằm ngang và bình đẳng như nhau.Và tất cả đều được coi là tri thức nghiệm thân (Embodiment), tức con người dùng hiểu biết của cơ thể để tri nhận thế giới.
2. Hiện nay với nhiều người, trong nhiều tài liệu, việc xác định bờ trái (tả ngạn) và bờ phải (hữu ngạn) của một con sông, là chuyện không cần bàn cãi, được hình dung như sau: Hữu ngạn được xác định là bờ bên phải của sông, nhìn theo hướng nước chảy từ nguồn xuống; tả ngạn là bờ bên trái của sông, nhìn theo hướng nước chảy từ nguồn xuống. Đây là cách định vị khá phổ biến trong văn hóa phương Tây.
Thế nhưng,trong tâm thức người Việt xưa đã từng tồn tại cách định vị phương hướng theo chiều ngược lại: từ hướng biển nhìn lên nguồn. Quả nhiên, chỉ xuất phát từ điểm nhìn này, ta mới giải thích được, tại sao cha ông chúng ta ngày xưa lạ đặt tên cho hai con sông vốn là thượng nguồn của Sông Hương ở Huế là Hữu Trạch (bên phải sông Hương, nhìn từ biển lên nguồn, bờ Bắc sông Hương) và Tả Trạch (bên trái sông Hương nhìn từ biển lên nguồn, bờ Nam sông Hương).
Thật ra,còn nhiều cứ liệu khác cho thấy khi định vị tả/ hữu và tả ngạn/hữu ngạn, tổ tiên ta đã xuất phát điểm nhìn từ dưới biển lên nguồn, ít nhất là đối  khu vực miền Trung mà tiêu biểu là Huế. Không phải ngẫu nhiên, cư dân miền Trung khi mở móng làm nhà đều hướng về hướng Đông, gác cây đòn dông làm  nhà thì gốc bao giờ cũng hướng Đông, ngọn hướng Tây. Và theo phong thủy dân gian Việt Nam, hướng Nam là hướng tốt (Lấy vợ  hiền hòa, Xây nhà hướng Nam; Nhà hướng Nam, Không làm cũng có ăn), đặc biệt là hướng Đông Nam.
Điều này cho thấy, vai trò của hướng Đông trong thế đối lập với Tây trong hệ thống Đông – Tây, Nam – Bắc của người Việt so với hệ thống Bắc- Nam, Tây – Đông của phương Tây.
Cách sắp xếp nội dung trong Đại Nam Thống Nhất Chí (1861) cho thấy cách định vị tả/ hữu cũng xuất phát từ cái nhìn từ biển nhìn lên nguồn như đã biện giải bên trên. Cụ thể Huế (Kinh Sư) và Thừa Thiên ở vị trí trung tâm, bên trái Huế – Thừa Thiên, tả trực là quảng Nam, Quảng Ngãi, tả kỳ là từ Bình Định đến Bình Thuận; bên phải Huế – Thừa Thiên, hữu trực là Quảng Trị, Quảng Bình, hữu kỳ là từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa. Và như Tổng tài Cao Xuân Dục cùng nhóm tác giả công trình này, trong Biểu dâng sách thừa nhận, cách sắp xếp như thế là phỏng theo Phàm lệ của Lê Quang Định trong bộ sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí soạn  năm Gia Long thứ năm (1806). Như vậy, ở Việt Nam, cách định vị này đã có từ lâu .
3. Dân gian hay có lập luận rất lạ, kiểu như: sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.Tạm thời tách khỏi ngữ cảnh truyện  cổ tích với nhiều dị bản. Hãy xem như một diễn ngôn độc lập, thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn. Nhưng suy gẫm kỹ, không hề đơn giản vậy. Có thể xem đây là kiểu tư duy hệ thống, tất nhiên là ở dạng thức không hiển ngôn. Nó  gợi mở cho ta nghĩ đến mối quan hệ giữa toàn thể và bộ phận, giữa hệ thống và yếu tố, giữa yếu tố và yếu tố. Nói theo, quan điểm cấu trúc, khi hệ thống xuất hiện một yếu tố mới thì lập tức yếu tố đó thiết lập một quan hệ mới, và đảm nhận một chức năng mới và hình thành một hệ thống mới. Ở đây con xét trong quan hệ với cha và ngược lại, con xét trong quan với mẹ và ngược lại. Không có yếu tố con sẽ không có chức năng cha, không  có yếu tố con sẽ không có chức năng mẹ. Với ý nghĩa đó, bất chấp quy luật sinh học, yếu tố con có trước yếu tố cha và yếu mẹ. Mối quan giữa cháu và ông, giữa cháu và bà cũng thế. Cứ như những gì phân tích,  ngữ nghĩa của  thành ngữ trên không hề phi logic. Hay chỉ với câu tục ngữ: Ruột để ra, da bỏ vào,với nhiều trải nghiệm, cha ông chúng ta, lại một lần nữa, đã ít nhiều hình dung ra được lý thuyết nghiệm thân của tri nhận luận. Cụ thể ở đây xem cơ thể  người là vật chứa, có sự đối lập giữa bên trong/ bên  ngoài; giữa quan trọng, huyết thống/ không quan trọng, người dưng nước lã (Ca dao: Anh em là ruột là rà, Vợ chồng như áo thôi rồi là xong)… dân gian đã dựa vào tri thức nầy để đưa ra thông điệp, bà con máu mủ, huyết thống thì xa lánh, không quan tâm, không giúp đỡ trong khi người dưng nước lã thì hành động ngược lại. Liên hệ với thành ngữ Ruột để ngoài da biểu trưng cho tính tình, đứt từng khúc ruột biểu trưng cho cảm xúc và cả với bụng, dạ, lòng, gan thì thấy cách hình dung của người Việt rất gần với nguyên lý nhất nguyên đa vị.
4. Cũng như một số ngôn ngữ khác, tiếng Việt, bên cạnh một số cách diễn đạt hiện đại rất khó nhận ra nguồn gốc, còn có cách diễn đạt truyền thống, thuần việt. Từ góc nhìn văn hóa, đây là chuyện đương nhiên, bởi trong thế giới phẳng ngày nay, khó lòng tìm thấy một nền văn hóa nào đó mà không chịu ảnh hưởng hay không vay mượn ít nhiều từ hệ giá trị của một hệ thống khác. Tuy nhiên, bao giờ kinh nghiệm truyền thống cũng  giữ một vai trò đặc biệt trong toàn bộ tri thức của nhân loại, dựa vào đó có thể giải thích cách thức mà con người tư duy. Nó chính là giá trị cần được bảo tồn. Lý giải này rất phù hợp với tri nhận luận, một trào lưu  phê phán rất gay gắt chủ  nghĩa khách quan, lẫn chủ nghĩa chủ quan và đặc biệt đề cao chủ thể kinh nghiệm với nguyên lý lấy con người làm trung tâm (Dĩ nhân vi trung, Anthropocentrism), mở ra một hướng tiếp cận đang thu hút nhiều giới học giả trong nhiều ngành khoa học khác nhau.
2/11/2020
Trịnh Sâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Fujiko Fujio: Bộ đôi lẫy lừng của truyện tranh Nhật 7 Tháng Năm, 2022 Bộ manga (truyện tranh Nhật Bản) nổi tiếng Doraemon là đứa con t...