Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Mỗi người rẽ về một lối

Mỗi người rẽ về một lối

Thông thường tác giả rất hiếm khi kể lại câu chuyện mình đã viết. Cái phần tinh chất của nó là ngôn ngữ văn phong làm sao có thể kể được, kể lại tác phẩm tức là làm hại nó.
Dù sao, để người đọc hiểu được câu chuyện có thật mà tôi sẽ nói ở phần sau, thì tôi vẫn cần phải kể lại một chút nội dung truyện ngắn Cuộc săn đuổi.
Câu chuyện trong ấy xảy ra từ đầu thập kỷ 1970. Một anh chàng mười lăm tuổi, mùa hè về chơi ở một tỉnh nhỏ. Ở đấy cậu ta làm quen với một cậu bạn cùng lứa nhưng lớn trước tuổi. Cậu bạn tên là Biên, con nhà thợ may, mười sáu tuổi đã bóng bẩy chải chuốt. Biên thích cái áo của anh bạn mới, cái áo sơ mi đuôi tôm đang mốt lúc ấy, Biên thức qua đêm để tự cắt may cho mình một chiếc áo giống hệt. Ngày hôm sau Biên diện chiếc áo đuôi tôm, chiếc quần ống tuýp, tức là loại quần ống bó, rủ cậu bạn lượn lờ trên đường phố trước nhà một cô bạn cùng lớp. Cô bạn ấy quả thật là xinh đẹp. Hai anh chàng cứ lượn qua lượn lại mong người đẹp một lần đưa mắt nhìn ra. Cứ trong cảm xúc mới lớn như vậy, họ lang thang qua những đường phố tỉnh lẻ êm đềm.
Nhà văn Hồ Anh Thái ở Sa Pa
Không may cho họ, hôm ấy không hề êm đềm. Người ta bất ngờ mở một trận truy bắt đám thanh niên mà người ta cho là càn quấy ăn mặc lố lăng bắt chước  bọn tư bản phương Tây đồi trụy. Áo đuôi tôm, quần ống tuýp, đầu đít vịt, bắt hết, bắt sạch, bắt tiệt. Đầu đít vịt là thế nào? Kiểu tóc của bọn con trai học theo mốt những ban nhạc Âu-Mỹ đang thịnh, tóc để dài, ở chỗ gáy tóc dài vuốt cong lên bị mạt sát là trông như cái đít vịt.
Hai anh chàng mới lớn của chúng ta, cảm xúc lãng mạn về một cô bạn xinh đẹp còn đang vấn vương thì thình lình bị đuổi bắt. Bị cuốn theo đám thanh niên rầm rập xô nhau chạy trên đường. Từng tốp từng nhóm chạy ngang chạy dọc, chạy cắt đường, chạy chéo cánh sẻ. Hai chú nhóc chạy vào nấp trong đài liệt sĩ, bị lộ, lại phải trèo lên tháp nước của thành phố. Từ trên ấy, nơi các chiến sĩ cách mạng từng treo cờ ủng hộ Việt Minh chống Pháp, Biên đóng vai trò của một hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho anh bạn về thành phố quê hương Biên. Bắc nam đông tây, cả thành phố đều trong tầm nhìn từ trên cái tháp nước lịch sử.
Rốt cuộc, chỉ vì một sơ suất nhỏ mà hai người bạn bị chộp bắt trong một căn nhà đổ nát chưa kịp xây lại sau một trận bom Mỹ. Họ bị giải về trụ sở tiểu khu. Ở đấy hàng chục thanh niên đã bị bắt gom lại, đang bị cờ đỏ và công an xử lý. Đầu đít vịt bị vài nhát kéo cắt cho sát gáy, nham nhở như thế chỉ còn cách ra hiệu cắt tóc mà cắt trọc. Quần ống tuýp bị rạch từ dưới gấu lên đến đầu gối, cũng chỉ vài nhát kéo. Có đứa bị kéo cắt cả vào chân.
Đầu tóc rũ rượi, áo quần tơi tả tan nát, hai anh chàng mới lớn tất nhiên không dám đi về nhà trong dáng vẻ ấy, đường về lại phải đi qua trước cửa nhà cô bạn gái kia. Thành phố đã lên đèn, đèn hình như lại còn sáng hơn mọi ngày. Hai chú phải đi vòng ra phía sau khu phố, qua những khu nhà bị bom đổ nát và tối om. Rồi hai chú bước thụt xuống một cái hố bom khô, cứ nằm đấy ngửa mặt nhìn lên những cành hoa phượng chỉ còn thoi thóp cuối mùa hè.
Truyện viết đến đây, tôi tưởng tượng thêm cái kết:
“Sau mấy ngày cuối kỳ nghỉ hè ấy, tôi trở về Hà Nội, bước vào năm học mới. Từ bấy đến nay, tôi đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, ở lại chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, sau đó lập gia đình và có một con trai.
Tất cả những việc đó, Biên đều không đạt được. Biên tốt nghiệp phổ thông, nhưng phần lý lịch của ông bố không sáng sủa lắm, vả lại Biên không có được những nhận xét tốt của khu phố. Mãi đến gần đây tôi mới gặp lại Biên, khi tôi có dịp ghé thăm ông chú. Biên kể cho tôi nghe về hai chuyến vượt biển, nhưng không thành. Lần thứ nhất, thuyền bị bão đánh dạt vào bờ, hóa ra là bờ biển của ta. Trên người mang bộ quần áo công nhân, Biên lẩn vào giữa toán thợ mỏ đi làm sớm. Lần thứ hai anh ta ôm được một mảnh ván sau khi thuyền bị chìm, bập bềnh trên biển một ngày thì được tàu hải quân vớt lên. Biên bị giam giữ cải tạo mấy lần. Giờ đây sống bằng đôi ba nghề độ nhật. Tài sản đã tiêu tán hết vào những chuyến đi.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào
Tôi lặng ngồi nghe chuyện Biên. Mãi đến khi vang lên tiếng con gái cười khúc khích và gọi bạn, tôi mới giật mình nhìn ra. Tôi đâu quen cô gái nào ở đây, mà lại trẻ thế? Chẳng qua tôi giật mình vì bất chợt nhớ đến giọng cười và câu nói thuở nào: “Tớ thì có ai mà chờ?” Đấy là tiếng cười khúc khích và câu nói của cô bạn xinh đẹp cùng học với Biên mười mấy năm trước.
Vậy mà chính Biên lại vẫn ngồi yên, không giật mình, không quay lại, không đưa mắt nhìn ra, thậm chí không một chút xao động trong ánh mắt. Vẻ mặt hoàn toàn bất động và không có dấu hiệu sực nhớ. Đến lúc đó, tôi mới thực sự tin rằng Biên đã mất nhiều trong cuộc tháo chạy ráo riết từ bấy đến nay”.
***
Biên là nhân vật có thật. Tôi chỉ đổi tên anh hơi khác đi một tí. Ngoài đời, chúng tôi lạc nhau đúng bốn mươi năm, tưởng không bao giờ gặp lại. Khi truyện ngắn trên in ra, tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ Biên đọc được. Biên không thể biết mà đọc. Tôi đã tưởng tượng ra cái kết gặp lại Biên như ở trên, thực ra thì không phải. Chuyện Biên vượt biển bị bắt, tôi tình cờ nghe được từ một người khác.
Khoảng năm 1983, trên một chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi ngồi cạnh một anh, vốn là công nhân nhà máy dệt, nhưng nhà máy giải tán, anh vào Nam tìm đường làm ăn. Hỏi chuyện một lúc thì hóa ra anh là người hàng phố của Biên. Đời nó lang bạt lắm, anh kể. Nó vượt biên hai lần đều bị bắt lại, bị đi tù, rồi bây giờ phiêu bạt làm ăn khắp nơi.
Mười năm sau khi đất nước thống nhất, người vượt biển ra đi rất nhiều. Nghe kể thế, tôi cảm thấy chắc là Biên còn đi nữa, nếu không đi thì một cái lai lịch như thế, ở lại mưu sinh cũng thật gian nan. Tôi cảm thấy con đường của chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau.
Đến năm 1988 tôi mới ngồi viết lại chuyện của Biên thành truyện ngắn Cuộc săn đuổi, nhưng mãi đến năm 1995 mới in lần đầu trên báo. Trong truyện, tôi tưởng tượng thêm rằng tôi đã gặp lại Biên. Truyện in ra, tôi thở phào như đã trút được gánh nặng. Gánh nặng về Biên. Chúng tôi sẽ không còn gặp lại, nhưng lòng tôi đã vơi nhẹ, ký ức về một người bạn cũ đã có thể xếp lại.
Năm 2015, trước một chuyến đi lâu ra nước ngoài công tác, tôi có trở lại cái thành phố nhỏ ấy. Ban đêm, tôi lang thang qua đài liệt sĩ và cái quảng trường bị săn đuổi ngày xưa. Qua hai hiệu sách ngay trên đường phố chính là nơi ưa thích ngày xưa của chúng tôi. Không một gợn nghĩ tìm đến nhà Biên. Tôi mặc nhiên coi là anh bạn hai lần vượt biển như vậy thì giờ cũng lận đận mưu sinh tận những nơi nào rồi. Buổi tối hôm ấy, tôi tìm đến nhà một người quen cũ, cũng phải hỏi han mãi vì người ấy đã chuyển sang đường phố bên cạnh. Gặp được người quen. Chuyện trò một lát, người bạn bảo: Biên nó đang ở đây đấy.
Điện thoại. Nửa tiếng sau thì Biên đến. Chúng tôi gần như không nhận ra nhau. Đúng bốn mươi năm rồi. Từ lúc mười lăm tuổi mà bây giờ đã năm lăm. Biên nhớ tôi ngày xưa trắng bóc tóc xoăn bồng bềnh, giờ không có. Tôi nhớ Biên lớn trước tuổi, chải chuốt phong nhã, giờ cũng không có. Nước da sạm đi, thuần một vẻ doanh nhân bậc trung, kiểu người bị công việc làm ăn cuốn đi. Chỉ còn lại nụ cười trắng lóa đào hoa là của ngày xưa.
Biên kể sau hai lần bỏ chạy mà thất bại, bị bắt lại, Biên lao vào làm ăn. Những chuyến xe tải từ Bắc vào Nam. Lập được công ty, thì bị bạn làm ăn lừa, mất trắng. Lại những đêm triền miên sau tay lái từ Nam ra Bắc. Gây dựng lại từ đầu. Bây giờ Biên có một nhà máy ở Thái Bình, một công xưởng ở Hà Nam và cả trong Nha Trang. Sản phẩm đã xuất được sang Mỹ và một số thị trường khác. Nhớ lại những năm từ tay trắng đi lên. Lặn lội Bắc Nam, đầu tắt mặt tối. Đêm đêm trên từng cây số. Năm 1988, có lần Biên dừng xe trước một hiệu sách ở Nghệ An và mua được quyển Người và xe chạy dưới ánh trăng. Lúc ấy mới biết bạn mình viết tiểu thuyết. Đêm xuống, nửa nằm nửa ngồi trên ghế xe, giở sách ra đọc. Rồi mấy năm sau Biên lại mua được quyển sách có truyện Cuộc săn đuổi, đem về đưa cho đứa con nhỏ: Đọc đi con, bạn bố viết về bố đấy.
Bốn mươi năm, gặp lại một buổi không đủ hàn huyên. Biên hẹn tôi một hôm khác ra Hải Phòng. Tôi từ Hà Nội xuống. Biên lái xe từ một công xưởng ở Nam Định sang. Từ Hải Phòng, Biên đưa tôi sang Hạ Long, ghé vào nhà mấy người họ hàng. Bạn đấy, đúng bốn mươi năm mới gặp lại. Biên nói với họ.
Chiều tối trở về Hải Phòng, chúng tôi đi dạo qua những đường phố. Qua quảng trường nhà hát lớn thành phố. Qua mấy cái quán hoa mái ngói cong cong đặc trưng Hải Phòng, khiến tôi nhớ Hà Nội ngày trước cũng có mấy cái quán hoa mái ngói tương tự bên hồ Gươm, rồi người ta nghĩ thế nào mà phá đi mất. Đi dạo quanh hồ Tam Bạc. Một lát, chúng tôi dừng lại bên hồ. Bên kia đường là một tòa nhà màu vàng, bức tường cao cũng màu vàng. Một cái cổng vòm cuốn hẹp, trước cổng có bốt gác hình lục lăng, một kiểu kiến trúc thời Pháp.
Chúng tôi cứ đứng chỗ ấy mà nói chuyện một lúc. Rồi tôi lại nhìn tòa nhà màu vàng bên kia đường mà hỏi, nhà gì thế nhỉ. Biên bảo trại giam Trần Phú đấy. Tôi đoán người Hải Phòng nói với nhau trại giam Trần Phú thì cũng như người Hà Nội nhắc đến Hỏa Lò, Hỏa Lò đấy. Biên kể bên trong ấy có cái cây này cây nọ, rồi ở phía bên phải kia là phòng nọ phòng ấy. Tôi nghe tai nọ ra tai kia mà không để ý lắm. Cho đến một lúc sau, bất chợt giật mình tự hỏi. Gì vậy? Đấy là nhà tù mà, sao lại biết rõ cây này cây nọ, biết cả vị trí phòng giam?
Hóa ra nãy giờ mình vô tình. Còn Biên thì hẳn hoi chủ ý dẫn tôi đến đây. Biên bị bắt vài lần khi dạt vào bãi biển, rồi bị giam vào đây vài lần. Chung trại giam với mấy ca sĩ nổi danh cũng là diện vượt biên không thành. Việc Biên đi tù, dạo trước tôi viết vào truyện là do nghe anh bạn cùng phố của Biên kể lại. Bây giờ, Biên muốn dẫn tôi đến đây để tự mình kể lại những truân chuyên của mình. Kể trực tiếp.
Biên hẹn tôi ngày nào đó gặp nhau ở Nam Định và Nha Trang, hai nơi Biên sống đồng thời có cơ sở sản xuất. Một lần chúng tôi hẹn nhau ngồi uống bia bên hồ Vỵ Xuyên, Nam Định. Cuối thu gió từ hồ thổi vào lành lạnh. Lại thêm bia lạnh. Tôi chủ quan bước ra khỏi ô tô chỉ mặc một chiếc sơ mi, trong khi Biên và hai họa sĩ Kim Duẩn và Đặng Hồng Quân đều có áo khoác. Bia lạnh, gió lạnh, mọi người nhìn tôi cười giễu một ông già muốn tỏ vẻ thanh niên. Biên chạy ra xe mình, mang vào một chiếc áo vét và một chiếc mũ phớt. Áo choàng lên người tôi, mũ đội lên đầu. Giờ thì yên tâm, gió kệ gió.
Chiếc mũ phớt màu boóc đô, Biên bảo tôi mang về Hà Nội làm kỷ niệm. Đấy là lần gặp cuối cùng. Thời kỳ dịch virus Wuhan căng nhất, Biên đi. Ung thư vòm họng.
Đường đời chúng tôi không song hành. Biên và tôi như hai người đạp hai chiếc xe thơ thẩn bốn phương tám hướng, mấy chục năm mới chạm nhau một cái, rồi lại đường ai nấy đi.
24/5/2022
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...