Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Cây cỏ vườn nhà

Cây cỏ vườn nhà

Màu thời gian tiệp màu cây cỏ vườn nhà! 
Từ hằng thủy cổ sơ, con người đã sống trong bầu sinh quyển um tùm cây cỏ, và cộng sinh cùng vạn vật chúng sinh. Cũng từ đó, mối liên hệ giữa người và cây cỏ đã hình thành. Điều này, nhà bác học Cleve Backster, tuyên bố: “Cây cỏ có trực giác tâm linh”. Vì vậy, “Những cây cỏ xung quanh bạn biết bạn đang nghĩ gì” và nếu như, những cây cỏ xung quanh bạn biết bạn nghĩ gì thì hẳn nhiên “Cây cỏ có tình với nhau, có ân oán với người và chúng còn biết cảnh giác với những mối nguy hiểm đến gần”. Chẳng tự nhiên, học giả Carolus Linnaeure (1707 – 1778) cho rằng: “Đất là bụng của thục vật, mạch dịch dưỡng là rễ, xương là thân, phổi là lá, quả tim là nhiệt, Đây là lý do vì sao người xưa gọi thực vật là động vật lộn ngược”. Điều ấy, nhà nghiên cứu thực vật học Schulltz (Đại học Missouri, Columbia) xác quyết rằng “tổ tiên chúng ta không hiểu lầm về sinh học cơ bản. Thực vật chiến đấu giành lãnh thổ, tìm kiếm thức ăn, trốn tránh kẻ săn mồi và cạm bẫy” và đồng thời ông khẳng định “Thực vật cũng có biểu hiện hành vi”. Song, nhà khoa học Chamovitz phản bác: “Tôi không nghĩ cây trồng thông minh. Tôi nghĩ cây trồng rất phức tạp”. Rồi, Chamovitz kết luận: “Sự phức tạp không nên nhầm lẫn với trí thông minh”. Rõ ràng, có hay không, thực hay hư… “thực vật có nhận thức, hành vi, và cảm xúc?” vấn đề này, các nhà khoa học trên thế giới vẫn còn tranh cãi chưa hồi kết.
Ở quê tôi, miền châu thổ Cửu Long, người dân chân lấm tay bùn đều nghĩ cây cao bóng cả là nơi trú ngụ của thần linh hoặc ma quỷ và họ, coi cây cỏ là loại sinh thể đặc biệt, một thực thể đầy sống động, có sức mạnh ngăn phong ba bão táp, có trí khôn che chắn các loài vật gặp lúc nguy nan, có cảm xúc chia ngọt sẻ bùi cùng đồng loại và hơn thế, những gì người mong muốn có khi cây cỏ cũng hiểu được. Do vậy, người nông dân quê tôi trọng thị xếp cây cỏ vườn nhà ngang tầm bằng hữu; đồng thời những lúc trái gió trở trời, họ biết dùng cây cỏ điều hòa môi trường sống và coi đó là mạch sống của con người. Nếu một ngày nào đó mạch sống ấy đứt, môi trường sinh thái không tồn tại và vạn vật sẽ tuyệt chủng.
Nhà văn Trần Bảo Định
Thấm ngấm nguyên lý ấy, tiền nhân Việt đã truyền lại hậu thế tục thờ cây rất phổ biến, ăn sâu vào tâm thức trở thành văn hóa người Việt.
1. Cây cỏ như sinh cảnh
Trong ký ức của mỗi con người, mấy ai không mang đậm hình ảnh quê nhà và hình ảnh đó, gắn liền mái lá đơn sơ với tối lửa tắt đèn có nhau tình làng nghĩa xóm. Người sinh ra, lớn lên ở thành thị khó cảm nhận vị trí mái nhà quê cũ trong tâm thức kẻ tha phương. Người nhà quê sau nhiều năm bôn ba xa xứ, hẳn không ít lần bụng dạ cồn cào nhớ mái nhà xưa, nhớ con đường dẫn vào lối nhỏ đôi bờ mọc đầy cỏ dại; nhớ cây mít, cây xoài, cây bưởi, cây mận… nhớ ơi là nhớ mùi hoa cau nhè nhẹ hương thơm dưới ánh trăng sáng vằng vặc trong vườn cau trước sân, nhớ đêm trăng sáng, hương cau phảng phất nhè nhẹ trong đêm. Sinh cảnh bọc tình quê, sinh cảnh tô điểm sinh hoạt gia đình và cây cỏ vườn nhà tạo thành sinh cảnh tâm thức, phần không thể tách rời trong ký ức sinh thái của mỗi con người. Ký ức sinh thái dần trở thành ký ức nhân sinh, vừa làm hành trang vừa làm vật nâng đỡ che chắn hồn người trước tổn thương trong đời sống. Thiếu gốc mận, cành bưởi, nhánh xoài tổ điểm; thiếu hương cau nhè nhẹ dưới ánh trăng đêm; thiếu cây ổi trèo hái trưa hè; thiếu chùm khế ngọt kiến vàng làm tổ; thiếu buồng chuối chín cây vàng rực ban mai; thiếu gốc dừa ngã mình rợp bóng cầu ao;… thì không còn mái nhà tuổi thơ chỗ dựa sinh thái cho tinh thần. Đánh mất nhận thức sinh thái tự nhiên sẽ dẫn tới khiếm khuyết nhận thức sinh thái tinh thần và cũng là nhận thức nhân tính trong “hệ sinh thái” người nói chung. Gắn liền khung cảnh gia đình, cây cối vườn nhà trở thành phần không thể thiếu trong nhận thức quê hương. Tình yêu xóm làng thân thuộc hun đúc từ tình yêu thiên nhiên bởi cuộc sống sẻ chia gần gũi giữa cây và người. Nhớ thời chinh chiến, anh Tư Bình[1] lạc rừng U Minh Hạ, ngủ trên chang đước, khát uống nước mưa còn đọng lại trong bọng cây mắm, đói nhai mấy hột bắp rang (dân quê miền Tây sông Hậu thường nhắc nhau: “Ăn bắp rang đở khát nước) và di chuyển, chuyền chang đước nhằm tránh lưu dấu chưn trên đất. Hồi đó, nếu không có cây rừng, chắc gì anh Tư Bình và các chiến binh sống được dưới mưa bom bão đạn của đối phương. Ngẫm lại, rõ là cây gìn đất, đất giữ nước cho cây sống và người, bảo vệ đất nước để sinh tồn.
Màu xanh cây cỏ vườn nhà dường như có sức mạnh kỳ lạ. Mỗi sớm mai, khi đưa tay rờ rẫm cành lá, ngó nhìn liếp rau…, màu xanh cây cỏ cơ hồ tắm mát tâm hồn khô cằn, cái mát rượi cây xanh cũng giống như thả lòng nhảy ùm xuống sông quê. Có lẽ, nước phù sa quê hương nhuộm thắm cành lá khiến cây cỏ tươi mát dưới bầu trời xanh và hình như, đánh thức phần bản thể thiên nhiên trong con người. Nhất là sau nhiều năm xa quê trở về, hay sau một trận bệnh thập tử nhất sinh… Mái nhà xưa khu vườn cũ, buổi sáng, ta thức dậy, hơi lạnh từ sau cơn mưa đêm còn đọng những hạt nước trên đọt rau ngọn cỏ ngoài vườn. Cánh lá quýt rung sương như dùng dằng chưa muốn tan dưới vệt nắng ngày… Bản thể thiên nhiên trong thân tâm người cũng trở mình sống động và tươi tắn. Tâm hồn thiên nhiên phủi sạch đau nhức cuộc đời và cũng là dịp, sửa sang sinh cảnh tinh thần nhiều năm hoang phế.
Dù nhịp sống hiện đại thời nay, vung ném lòng người vào vòng xoáy bộn bề lo toan xã hội khiến con người ngày càng rời xa thiên nhiên thì, bản thể thiên nhiên vẫn còn đó trong cuộc hiện hữu. Không thể chối hiện hữu người và tồn tại thiên nhiên cùng bản chất. Con người tồn tại nghĩa là tồn tại như tồn tại cùng, tồn tại trong thiên nhiên. Cây cỏ vườn nhà đóng vai trò sinh cảnh và sinh quyển cho người tồn tại. Bởi vậy, cuộc sống nơi thị thành càng bề bộn, càng thôi thúc nhiều người ưa thích ắp iu tạo mảnh vườn nho nhỏ trên sân thượng ngôi nhà hoặc trồng và chăm sóc vài chậu cải ngọt, hành lá, nhúm rau…ở ban công. Đó là biểu hiện vật chất của khu vườn tiềm thức trong hồn người. Điều này, có lẽ xác tín thêm con người là một hiện thể hài hòa giữa khía cạnh xã hội và khía cạnh thiên nhiên. Sự hài hòa ấy, góp phần hun đúc trạng thái hài hòa tâm hồn. Biết yêu cây cỏ, người cũng biết sống chan hòa yêu thương giữa nhân quần xã hội. Vẻ tự tại cây xanh cũng nhắc người đối diện với chính mình, không bỏ rơi khoảnh khắc nhiệm mầu của đời sống. Người biết cách sống với chính mình, sống với đồng loại và sống với “phi nhân”. Sống với cõi phi nhân, người có dịp mở rộng sự tồn tại và diễn hoạt sinh mệnh trong vũ trụ. Nhờ đó, người mở rộng sinh cảnh, nối dài hiện hữu, đặc thù nhân tính cũng sống động triển hạn. “Mảnh vườn cổ sơ” trong tâm thức là biểu tượng ký ức thiên nhiên mà nhân loại cất giữ từ buổi hồng hoang.
Xã hội vận động, nhận thức con người phát triển. Nghiên cứu học thuật liên tục đối diện nhiều vấn đề mới. Ta không thể phủ nhận giá trị của khoa “cảnh quan học” hay “sinh cảnh học” như bộ phận của khoa “sinh thái học” nói chung. Nhưng, phải chăng, các ngành học này vẫn “đánh mất nhân loại” như mối ưu hoài của Heidegger về một nền triết lý vô nhân của triết học Tây phương. Tình trạng “vô nhân” bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Từ hiện đại tới hậu hiện đại, người ta rầm rộ đề xuất nhiều quan điểm khác nhau về “cảnh quan học” (càng tiến về phía hậu hiện đại, xã hội người càng tán loạn về tư tưởng). Nhìn nhận thiên nhiên như tổng thể địa lý, loại hình hay nhóm cá thể, chẳng khác gì tách biệt cảnh quan với nhân giới. Tư duy phiên biệt giúp ta cứu xét hai đối tượng để đánh giá mối liên hệ giữa chúng thì, đồng thời cũng phá vỡ cô kết vốn có, đánh mất chữ “hòa” giữa nhân giới và phi nhân giới. Thực tế, “nhân” với “phi nhân” không phải hai đối tượng riêng biệt để lập thành đối chiếu. Vấn nạn môi sinh thành ra cớ sự như hôm nay chính vì thói quen “chia biệt” và “so sánh” trong tư duy người. Tách mình khởi sinh giới/ sinh cảnh, người cho mình quyền đứng riêng rồi dần dà đứng cao hơn tự nhiên. Loài người sanh tật. Tật gây ra bệnh. Căn bệnh môi trường hôm nay cũng là căn bệnh trầm kha trong bản thân con người. Nhân loại mắc bệnh suy giảm nhân tính! Căn cơ ở chỗ, người tách mình khỏi tự nhiên. Sớm muộn gì thù hằn, tham lam, sợ hãi, khủng hoảng, điên loạn, sụp đổ cũng đặt dấu chấm hết cho nền văn minh nhân loại, nếu con người không kịp thời cứu chữa hệ miễn dịch giá trị nhân bản.
Loài người thích sử dụng trí khôn (của giới tinh hoa trưởng thượng) để giải quyết mọi việc. Những “ông trạng” bốn bể năm châu hè nhau lập ra “bản đồ sinh thái cảnh quan”, khiến ta liên tưởng tới “rào chắn giãn cách” của nhiều trận đại dịch mà nhân loại đã trải qua suốt chiều dài lịch sử. Hồ như trí khôn các “ông trạng” chỉ khiến cho sự sạt lở giữa nhân loại và giới phi nhân càng thêm lở sạt, khoảng cách giữa người và sinh giới ngày càng mở rộng. Phải vì các “ông trạng” cứ trì giữ chữ “đối” mà cốt lỏi vấn đề nằm ở chữ “hòa”. Càng lập bản đồ sinh cảnh thì sinh cảnh càng tan rã… và vô phương cứu!
Sinh cảnh gợi nghĩa: cảnh là nơi sinh, sự hoạt sinh lập thành cảnh. Và, sự hoạt sinh đó thuộc về cảnh. Sự hoạt sinh tách rời cảnh thì, sự hoạt sinh đó dần vận động về phía hủy diệt; đồng thời, cảnh cũng lần hồi tan rã sụp đổ. Viễn cảnh đó ngày càng cận kề nếu không nói là “sát nách”. Loài người đã thấy và tỉnh ngộ. Nhưng, bấy nhiêu nỗ lực cứu vãn hiện thời có vẻ chưa “xi nhê” gì so với vực thẳm sạt lở giữa sinh và cảnh. Liệu có khi nào, nhân loại phải lấy thân mình lấp đầy vực thẳm đứt gãy giữa cảnh và sinh hay không!
2. Cây cỏ như sinh dược
Tuệ Tĩnh có lời bàn: “Nam dược trị Nam nhân”
Người với cây cỏ cùng bản thể tự nhiên. Cây cỏ với người cùng bản chất sinh dưỡng. Do đó, từ xa xưa, thể trạng mất cân bằng, người đã biết dùng cây cỏ làm thuốc chạy chữa.
Đối với người bình dân Nam Bộ, nhiều loài cây cỏ trong vườn nhà là cứu tinh lúc ốm đau thắt ngặt. Phận nghèo và thuộc người yếu thế trong xã hội, người bình dân Nam Bộ nào dám đâu nghĩ tới thần dược hay thuốc quý tốn nhiều tiền; thôi thì “có chi dùng nấy” theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Đời sống gắn bó với đất quê, người bình dân Nam Bộ biết “để ý” mọi vật chung quanh, phát hiện tính chất và khả năng dược liệu của loài cây cỏ, phòng khi trái gió trở trời. Dần dà tích góp thành kiến thức “y dược” dân gian quý báu. Thật sự quý báu bởi vì nhiều loài cây cỏ cứu nguy cho lưu dân trong buổi đầu đến vùng đất mới, khẩn hoang lập điền đầy rẫy rắn rít sấu cọp rình rập, càng quý báu bởi kịp thời tại chỗ, sẵn sàng cứu nguy trong trường hợp cấp bách. Hồi ở khu chiến Đồng Tháp Mười, các chiến binh ngoài chết vì bom đạn còn chết bởi nọc độc rắn cắn do thiếu thuốc điều trị. Một hôm, anh Chín Xanh (Ngô Văn Xanh, trước nghỉ hưu anh là Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa, Long An) tình cờ có dịp xem trận đấu sinh tử giữa rắn hổ mang chúa và chuột cống nhum ở gò Ông Lễ. Rắn hổ mang chúa là vua của dòng họ rắn hổ, nó có thể di chuyển với tốc độ chóng mặt và săn mồi với khả năng cự phách. Anh Chín Xanh quan sát thấy trên đỉnh đầu rắn hổ mang chúa có hai vảy lớn, đôi mắt lồi to; màu nâu xám phần đầu, phần lưng và màu vàng nhạt phần dưới bụng. Chuột cống nhum to, vẻ ngoài sồ sề xấu xí, hung dữ, tiếng kêu như tiếng rắn và sẵn sàng tấn công khi gặp đối thủ. Rắn dùng nọc cực độc, chuột sử dụng đôi răng bén ngót quần thảo nhau trên bãi chiến từng chập và từng chập, chuột cống nhum buông đối thủ, rời bãi chiến chạy nhanh ra rìa đất gò bươi củ cỏ cứu nhai ngấu nghiến và sau đó, quay lại bãi chiến tiếp tục cuộc chiến đấu một mất một còn. Rốt cuộc, rắn hổ mang chúa giẫy chết do dập cổ, nát mặt, bể đầu bởi những đòn cắn hiểm của chuột cống nhum. Anh Chín Xanh nhiều đêm tự hỏi: vì sao chuột cống nhum đang chiến đấu với rắn hổ mang chúa vội “buông đối thủ, rời bãi chiến chạy nhanh ra rìa đất gò bươi củ cỏ cứu nhai ngấu nghiến” và anh nghiệm ra: củ cỏ cứu có tác dụng giải độc nọc rắn. Từ đó, trong bồng (ba lô) của người chiến binh đều có nắm củ cỏ cứu phơi khô phòng khi chạm phải rắn độc.
Rõ là, cây cỏ vừa “sinh dưỡng” vừa “sinh dược” trời ban cho người. Lúc thường, cây cỏ chỉ là cỏ nội hoa hèn nhưng khi đụng chuyện, thì hoa hèn cỏ nội bỗng trở thành cứu tinh. Ví như cỏ mực, loài cây mọc dại trong vườn nhà, có công dụng cầm máu, tiêu viêm. Làm đồng lỡ xắn vô chân, cắt cỏ đứt tay, dân quê bứt vội mấy đọt cỏ mực vò nát đắp vô cầm máu. Cũng như chùm hôi mọc dại bụi bờ thành từng vạt um tùm. Loài cây dại này thường kết nụ mỗi khi gió chướng về, bông nở trắng từng chùm từng chùm rất đẹp dẫu mùi hăng hăng hôi nhưng khó quên và có lẽ vậy, dân gian “thấy mặt đặt tên’, gọi là bông chùm hôi. Bông chùm hôi nở trắng, người nhà quê biết năm tàn tháng tận. Bông chùm hôi héo rũ tàn rụng báo hiệu năm hết Tết đến. Không chỉ vậy, bông với lá chùm hôi còn là loại thuốc quý với người lao động nghèo – cầm máu có ngãi cứu, cỏ mực – và còn có chùm hôi; đồng thời, nó kháng viêm cao, trị bịnh lỵ, tiêu chảy hoặc ghẻ, lở, nổi nhọt…
Trong vườn còn có chùm bao, thân dây nhiều mắt, mỗi mắt đều mọc lá với tua cuốn, hoa có màu trắng phần trong tím nhạt, trái chùm bao có lớp vỏ rế bao bọc bên ngoài. Chắc vậy mà dân gian gọi chùm bao. Loài cây này có công hiệu chữa bịnh mất ngủ, giúp an thần, tâm ý không bồn chồn lo âu. Còn như bịnh đàn bà, cỏ gấu là thần dược. Dền cơm hái luộc hoặc nấu canh, ăn vô mát lòng mát dạ mà còn chữa đau đầu chóng mặt rất hay. Rau má dùng ăn sống trong bữa cơm hằng ngày, nấu canh nấu lẩu càng dịu ngọt, lại có khả năng thanh nhiệt chữa mụn nhọt. Rau má giã nát vắt lấy nước uống hằng ngày giúp điều trị chứng chảy máu cam. Mấy khi trái gió trở trời người già hay đau nhức xương khớp, sau hè sẵn có đám lá lốt. Loài cây này có vị nóng, tính ấm, ôn trung, tán hàn, giảm đau.
Người bình dân Nam Bộ xưa nay chia sẻ và gìn giữ những bài thuốc dân gian. Lúc mạnh phòng khi lúc yếu cũng là “cư an tư nguy” vậy thôi, bởi thời tiết phương Nam lắm khi u chướng, trở chứng. Con người với trời đất cùng một thể. Ông trời trở mình thì con người cũng trở mẩy. Cho nên, người bình dân để ý công dụng chữa bệnh từ cây cỏ trong vườn nhà. Và, họ sẵn sàng chia sẻ nhau những bài thuốc dân gian. Vì, cây cỏ là trời cho; dược lực cây cỏ là thiên tính trời phú; cứu người là thiên đức do trời ban tặng cây cỏ.
Đơn giản hóa mối quan hệ siêu hình giữa người và cây, đồng thời làm sâu sắc thêm kết nối giữa cây và người trong đời sống thường ngày. Thống nhất giữa cõi trời đất, người cũng như cây lấy “hài hòa” làm gốc. Tồn tại chính là giữ được trạng thái cân bằng. Dựa trên nguyên tắc cân bằng hài hòa, dân quê dùng cây cỏ bù trừ phần thiếu hụt, san sớt phần dư thừa, trung hòa và giải độc trong cơ thể. Con người mạnh giỏi khi thể trạng cân bằng với thiên địa. Cây cỏ giúp người giữ được cân bằng thiết chế “tam tài”. Giữ được thế cân bằng nội tại (tiểu vũ trụ) là giữ được cân bằng với sinh quyển (đại vũ trụ), giúp con người khỏe khoắn cả về thể xác lẫn tinh thần. Cân bằng và hài hòa là nguyên lý điều tiết của bài thuốc dân gian, dần trở thành nguyên lý của đời sống xã hội, trở thành nguyên tắc ứng xử đạo đức giữa người với người.
Đói ăn rau, đau uống thuốc, Rau với thuốc tuy hai mà một. Đa phần thuốc Nam xuất xứ từ những cây cỏ quen thuộc trong vườn nhà, có khi là loài cây dại mọc hoang nơi chốn thôn dã đồng quê. Khác với thuốc Bắc, thuốc Nam thường dùng tươi hoặc sấy khô, rất hiếm khi trải qua quá trình tinh luyện bào chế cầu kỳ. Thuốc Nam dùng cả thực vật lẫn động vật, nhưng việc dùng các vị thuốc có nguồn gốc động vật (nhện, nhộng…) rất hiếm (có thể nói không đáng kể, không tiêu biểu). Trong khi thuốc Bắc có tỷ lệ vị thuốc nguồn gốc động vật đa dạng phong phú hơn. Trong thuốc Nam, các vị thuốc có nguồn gốc thực vật chiếm đa số. Và, các loài thực vật được xem như vị thuốc phần lớn có mặt trong vườn nhà. Quá trình lưu truyền kiến thức y dược dân gian khiến cho các vị thuốc này được người bình dân gieo trồng “để dành” trong vườn. Cây cỏ vừa là bài thuốc dân gian vừa là rau xanh dùng làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Đây cũng là lý do giải thích sự phổ biến của các loài rau mang dược tính trong khu vườn của người nhà quê Nam Bộ. Thậm chí, cái ăn hằng ngày cũng chính là uống thuốc. Ăn để sống mà ăn cũng để chết. Cái ăn ẩn chứa nguy cơ bệnh tật nếu mất cân bằng âm dương. Biết vậy, người bình dân Nam Bộ luôn điều tiết cái ăn khiến món ăn dân dã hằng ngày cũng là bài thuốc chữa bệnh cho người.
So với thuốc Bắc, bài thuốc Nam tích góp nhiều kiến thức y dược trong chốn dân dã và lưu truyền rộng rãi hơn. Dường như thuốc Bắc thiên về y học hàn lâm, còn thuốc Nam thiên về y học dân gian. Thuốc Nam, lưu truyền trong đời sống sinh hoạt thường nhật gần gũi, được gìn giữ trong gia đình nên cũng gọi là y học gia đình. Hơn nữa, cái gì bác học hàn lâm đều thuộc về tầng lớp thống trị, cái gì giản dị đơn sơ thuộc về thứ dân. Cho nên nói cây cỏ vườn nhà là sinh dược, tức là sinh dược của người bình dân. Đó là loài cây cứu người yếu thế, nghèo khổ.
Sâu xa hơn, cây cỏ còn là thứ sinh dược cứu chữa tâm hồn. Thường nghe nói cây cỏ làm bài thuốc cứu chữa thể xác. Nhưng, một khi lòng người biết nhìn cách thức cây cỏ sống giữa trời đất, lấy đó làm thước đo nhân tính, rút kết bài học đạo đức ở đời thì, cây cỏ trở thành bài thuốc chữa bệnh tâm hồn. Lúc nào bụng dạ được hương đồng cỏ nội đánh thức, bấy giờ lòng người sẽ du hành về miền tâm thức trở lại nguồn cội nhân tính. Đó cũng là cội nguồn quê hương, cội nguồn sinh trưởng. Trở về nguồn cội con người là trở về nhận diện tính người. Ngó nhìn cây cỏ vườn nhà, con người liệu có nhận diện được nhân tính trong buổi đương thời bát nháo. Từng ngọn cỏ gốc cây có thể làm tấm gương phản chiếu bóng hình con người hiện đại. Nhập thức vào hương đồng cỏ nội, người cũng trở về hòa mình vào khí thiêng sông núi. Đất nào cây cỏ nấy, nhận diện bản mệnh trong mối quan hệ với cỏ cây, cũng như gắn mình vào đặc thù của đất quê nhà. Nhờ vậy, người quay về nhập thức vào hồn dân tộc.
Vườn nhà chẳng khác gì vườn thuốc cứu chữa thể xác và tâm hồn.
3. Cây cỏ như sinh nghiệp
Khởi nghiệp tay trắng, không có cục đất chọi chim nên vợ chồng mới cưới ra riêng, cất tạm chòi tranh vách đất che nắng mưa “ở đậu” trên đất người chòm xóm hảo tâm. Ngoài việc làm thuê mướn, vợ chồng gieo hạt trồng rau theo thời tiết trong năm. Mùa nào rau đó, và rau đó ngoài sinh dưỡng, sinh dược còn là nguồn tích góp dành dụm góp phần vốn liếng lập nghiệp về sau. Chuyện kể rằng, Vợ chồng Tư Đực, vốn nông dân nghèo khó ở Phú Mỹ sống nghề trồng rau, cắt cỏ lát, năn, bàng…đem ra chợ Phú Mỹ bán cho người dùng. Lắm khi mưa nắng thất thường, nghề trồng rau thất bại nên vợ chồng Tư Đực quay sang hái rau choại hay còn gọi là rau chạy hoặc đọt chạy thứ rau rừng đặc trưng vùng đồng Tháp Mười bán buôn sinh nghiệp. Tháng Hai (thiếu), năm Bính Dần (tức tháng 4, 1866) quân Pháp tổng lực tấn công nghĩa binh Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) ở căn cứ Đồng Tháp Mười. Trước tình hình nguy cấp đó, vợ chồng Tư Đực tâm đầu ý hợp mang hết sản nghiệp gầy dựng từ rau cỏ đóng góp cho lực lượng nghĩa binh chống giặc Pháp xâm lược.
Với quan niệm cây cỏ trời ban phát, người dân quê xem đó là lộc trời và đã là lộc trời thì ngoài cái ăn, người dân quê đem bán cho người cần dùng với giá rẻ như chia sẻ. Cây cỏ trong vườn nhà dẫu phạm vi canh tác cũng như giá trị kinh tế tuy khó có thể sánh bằng những loài cây trồng (hàng hóa) trên ruộng rẫy, nhưng nhiều loài cây cỏ trong vườn nhà cũng góp phần phong phú thêm sinh kế gia đình. Nhiều khi người phụ nữ trong gia đình nhờ bó rau trong vườn, sẵn đem ra chợ bán hoặc bỏ mối tạp hóa kiếm thêm ít tiền lẻ, chắt chiu tằn tiện cho gia đình, phòng khi giáp hạt thắt ngặt. Bởi vậy, những đọt chùm bao, mấy cọng rau đắng, mấy lá bình bát dây… xem ra chẳng đáng giá là bao, song ấy vậy nó vẫn gói ghém được tính chu toàn vén khéo trước sau của người phụ nữ trong gia đình nhà quê.
Và, bàn tay tần tảo của người phụ nữ với bó rau vườn khiến ta bâng khuâng nghĩ ngợi về tính hiện đại, so sánh ngày xưa với thời nay, so sánh đời sống quê mùa với xã hội văn minh. Được nhiều, nhưng có lẽ, cũng mất nhiều. Công nghệ vô cơ phát triển, không còn những bó rau xanh non từ chất hữu cơ mang đậm tình quê. Cây cỏ bây giờ nhìn rất bắt mắt nhưng là cái bắt mắt ẩn chứa hàng hà chất độc nguy hại sức khỏe con người. Sinh nghiệp e rằng, cũng là tử nghiệp. Cây cỏ rau củ trong xã hội văn minh hình như thành phương tiện để con người gieo rắc cái ác và sự nhẫn tâm vì lợi nhuận.
Ngày nay, truyền thông đưa tin về đất nước hạnh phúc nhất thế giới[2] với nền nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn 100%, đề cao sức khỏe con người, không cho phép tàn phá khai thác thiên nhiên để canh tác. Bhutan cũng là quốc gia có tỷ lệ diện tích rừng bao phủ nhiều nhất thế giới. Ngẫm lại, xưa kia chẳng phải mỗi ngôi nhà Nam Bộ vườn tược bao quanh, mái gia đình chẳng phải là phần nối dài của rừng tự nhiên hay sao! Con người sống với cây cỏ, ăn ở với cây cỏ trong mỗi ngôi nhà mỗi khu vườn bao phủ mặt đất quê hương. Xưa kia, người đâu biết lấy khí đá tưới lên đọt khóm để kích thích khóm trổ hoa đồng loạt và cho thu hoạch sớm; trước đây người đâu biết bơm thuốc kích thích cho trái to lớn hoặc phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ… và người đâu biết xử lý ra hoa kết quả trái mùa.
Bây giờ xã hội tân tiến, canh tác phát triển, bởi sự phá triển của khoa học kỹ thuật và cạnh tranh thời kinh tế thị trường khiến người nhà quê Nam Bộ cũng như nhiều nông dân trên khắp thế giới, không thể đứng ngoài cuộc đua kỹ nghệ nông nghiệp. Đề cao công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đòi hỏi hầu như bắt buộc của tất cả quốc gia đang phát triển. Với các nước phát triển hiện đại có trình độ văn minh cao, nền nông nghiệp hữu cơ cũng không có chỗ đứng (có chăng cũng rất hạn chế). Văn minh càng cao, xã hội càng hiện đại thì kỹ nghệ trong nông nghiệp càng tân tiến. Thực tế cho thấy, nhu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường buộc người ta không thể quay lại với nông nghiệp hữu cơ. Vì lợi nhuận, con người không thể dứt mình khỏi quá trình tích lũy tư bản. Phải chăng, quá trình tích lũy tư bản cũng là quá trình vong bản. Người xưa có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng, trong nền nông nghiệp kỹ nghệ hôm nay, phú quý không sản sinh nâng cao lễ nghĩa mà có lẽ, nhằm kích hoạt thêm lòng tham cùng sự đố kỵ. Hóa chất độc hại trong từng lá cải, bó rau, trái ớt, cọng hành… chỉ là biểu hiện cho sự ô nhiễm độc hại trong khối óc và trái tim con người. Ai cũng thấy văn minh hiện đại là nền văn minh cạnh tranh, văn minh và hiện đại không có đủ cho toàn nhân loại. Thực trạng tranh giật đua chen bộc lộ bản chất tranh giành sinh tồn của các loài vật. Văn minh con người có khác chăng là ở mức độ và phạm vi đấu tranh sinh tồn đáng sợ và kinh khiếp hơn loài vật. Trái tim đỏ thắm của nhân loại bị ích kỷ, cá nhân, chiếm hữu, tham lam, tàn ác,… nhộm đen! Mặt dày tim đen của nhân loại tự nhiễm độc trước khi bị nhiễm độc bởi những hóa phẩm do chính mình tạo ra.
Biết ơn là bản chất của lòng trọng nghĩa. Ở Tây Nguyên, người Ê Đê không bao giờ vô cớ đốn chặt cây và nếu phải đốn chặt cây làm áo quan lúc có người thân chết, thì người cao niên trong họ có trách nhiệm giải bày, tâm sụ với cây sắp bị đốn chặt, rằng: “Này cây, mầy có biết gia đình tau vừa có người mới chết không? Tau buồn lắm khi tau đốn chặt mày để cùng chôn người thân. Xin lạy mầy tha lỗi bỏ qua…”. Người miền Tây sông Hậu, khi phá rừng lên giồng (vồng) làm rẫy lập nghiệp, bao giờ họ cũng cúng tam sênh (trứng vịt, miếng thịt heo ba rọi, con tôm – tất cả đều luộc chín) vái lạy xin phép cây cỏ và đồng thời, chọn lựa chừa lại một cây lớn nhất trong rừng cây để dựng miếu thờ Ông Tà cùng chư vị chiền sĩ trận vong cũng như hồn cây cỏ bị chặt phá chết oan.
Với họ, bưng chén cơm ăn nhớ người làm ruộng. Mong rằng, ai đó đừng lạm dụng sự văn minh phát triển công nghệ vô cơ để làm giàu từ cây cỏ và biến cây cỏ sinh thành tử nghiệp!
4. Cây cỏ như sinh linh
Sống một đời chan hòa với những loài cây cỏ khác nhau. Người với cây không biết đã giao tiếp ra sao, nhưng rõ ràng người với cây biết nương nhau mà sống. Nương nhau ở đây, là người dưỡng cây, cây dưỡng người. Nhưng, người còn biết nhìn cây để sống, học ở cây cỏ vườn nhà tính tình chan hòa hiền hậu. Lâu dần giữa người với cây có mối giao tình đặc biệt. Hễ trong nhà có chuyện vui, gốc mít nhánh xoài trong vườn xem ra cũng cùng tươi mát, xanh non trổ thêm cành lá. Khi trong nhà hữu sự chẳng lành, cây cỏ trong vườn hình như cũng cùng buồn rũ tiếc thương. Lắm lúc, người trồng cây không còn thì cây cỏ trong vườn xác xơ, cuốn héo lá vàng rụng và lần hồi khô chết. Người với cây cỏ vườn nhà Nam Bộ xưa nay vẫn nguyên vẹn cái tình nghĩa trước sau như vậy.
Người miền châu thổ Cửu Long, xem cây cỏ vườn nhà có linh hồn và có đời sống riêng. Cây cũng cảm biết nhịp sống và tình cảm con người. Tết nhà, người nhà quê không quên Tết cây, dán giấy đỏ lên thân cây vừa mang ý tạ ơn vừa có ý cầu may cầu phước. Người trồng, chăm sóc cây cỏ trong vườn qua đời, tất cả cây lớn trong vườn đều chịu tang bằng tấm vải trắng quấn thân cây. Nhớ năm quân viễn chinh Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, đóng ở căn cứ Đồng Tâm, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Quân Mỹ dùng hóa chất khai hoang diệt sạch cây cỏ lẫn vườn tược quanh vành đai căn cứ. Tưởng rằng cây cỏ rụi tàn, không dè lớp cây cỏ này rụi tàn, lớp cây cỏ khác tiếp tục mọc sống lại và lập trình cứ thế được lập đi lập lại… Trung sĩ Brian – cái tên mang ý nghĩa kẻ quyền lực – tức tối. Hắn nghe lời đồn rằng, trên con đường độc đạo từ Long Định (QL 4 nay là QL 1) dẫn vào quận Sầm Giang (nay là thị trấn Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có cây me độc chiếc, thuộc hàng cổ thụ tuổi mấy trăm năm do thần linh tướng quân Lê Xuân Giác – người kỳ sĩ đất Sầm Giang giúp Nguyễn Huệ đánh tan mấy vạn quân Xiêm trận Rạch Gầm, Xoài Mút – trấn giữ và làm nơi ở chốn về. Cây me cổ thụ độc chiếc này, được thần linh tướng quân họ Lê giao nhiệm vụ hồi sinh cây cỏ bị hủy diệt bởi chất độc; cũng là địa điểm du kích địa phương treo cờ Mặt trận. Vậy là, cây me cổ thụ độc chiếc ấy trở thành gai trong mắt của Trung sĩ Brian. Hắn xin lịnh trên và cho lính công binh đến cưa cây me cổ thụ hoành thân cây áng chừng ba vòng tay người. Hôm đó, buổi sáng ngày 13. 3.1967, toán lính công binh Mỹ dưới sự chỉ huy của Trung sĩ Brian, hì hụp cưa cây tới chiều xế nắng, gãy hơn chục lưỡi cưa mà thân cây mẹ cổ thụ thì không hề hấn. Giận mất khôn – giận quá hóa ngu – Trung sĩ Brian cho đào hố đặt mìn. Mìn nổ, cây me cổ thụ bật gốc, Trung sĩ Brian – kẻ quyền lực – bị hồn cây khiến cây ngã đè bẹp dí chết không kịp trối; dù hắn đã cẩn thận ẩn núp và hại lây thêm mấy người lính công binh bị thương nặng.
Trước sự kiện trên xảy ra, người làng Vĩnh Kim không lấy gì làm ngạc nhiên lắm và họ cho rằng Brian dại dột chạm vào hồn cây. Tiếc rằng, Trung sĩ Brian – kẻ quyền lực – kém trí, chưa đọc “Tam quốc chí”[3]; nếu Trung sĩ Brian đã đọc, chắc chắn hắn không dám manh động bật gốc cây me cổ thụ ấy. Bởi, khi xưa Tào Mạnh Đức tay gian hùng, ngạo nghễ, giang hồ dọc ngang chiến trận nhưng khi rút kiếm chém vào cây, máu từ thân cây phún bắn thẳng đầu họ Tào và sau đó, họ Tào chết vì chứng đau đầu. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam, từng khẳng định: “Cây cũng giống như con người đều có tâm hồn, có năng lượng tâm linh. Mỗi cây trồng đều có chủ nhân của nó. Cho nên, khi con người có sự tác động xấu đến cây thì một là người hại cây sẽ bị tác động xấu, hai là cây sẽ tự héo dần mà chết”.
Người quê đồng bằng sông Cửu Long xem cây có linh tính.
Thường ngày, vào những đêm trăng sáng đi dưới rặng dừa nghe đong đưa xào xạc tiếng lá, nếu ai tinh ý có thể thấy trời đất với vạn vạt đang lên tiếng chào hỏi. Đó là cuộc đối thoại, đại hòa âm của đất trời quê hương. Và, vì yêu cái đẹp hòa điệu vạn vật đất trời nên mọi động tịnh cây cỏ đều ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý con người. Những đêm mưa, “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày…” lòng người nghe “tiếng nước mưa như tiếng suối reo”, hoặc tiếng lá lắt lay âm vang hiu hắt buồn theo gió cuốn khi người gặp cảnh ngộ trái ngang. Dẫu sao, người cũng như cây cỏ biết rằng trời đất oằn mình điều tiết, đưa vạn vật trên mặt đất trở lại trạng thái cân bằng. Cây cỏ hòa vào vạn vật chung quanh vang ra tiếng đồng vọng của “chúng sinh”. Đó là, nhịp thở và linh tính của cây cỏ gắn với cuộc sống muôn loài. Nếu, chẳng có linh tính sao có thể lay động hồn người! Ví như, tiếng cu gáy trên vòm tre dưới nắng hè gay gắt, khiến những người con sống tha phương bồi hồi nhớ đất quê; nhớ nhịp võng đong đưa theo tiếng gió thời gian rát mặt đời người. Ai xa xứ mà không nhớ da diết quê nhà và nỗi nhớ da diết ấy có người nói rằng, đó là phần sinh linh cây cỏ nhập hồn vào người lúc người vừa cất tiếng khóc chào đời nơi chôn nhau cắt rún! Người xưa nói: trời sanh người và trời cũng đẻ ra cây cỏ, người có hồn thì chẳng lẽ cây cỏ vô tri. Đất và nước nuôi dưỡng người, đồng thời nuôi dưỡng cây cỏ. Chung cùng một nguồn nuôi dưỡng nên “con người và cây cối đều có năng lượng sinh học giữa các mô sống và đều phải chịu ảnh hưởng của nguyên khí năng lượng vũ trụ” (theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh). Mỗi môi trường sống có thể có năng lượng khác nhau. Điều này, thể hiện rõ ở người trồng và chăm sóc cây cỏ. Cây cỏ mau lớn, bông trái sum sê trĩu cành khi người trồng và chăm sóc cây cỏ có năng lượng cùng hoặc hạp tầng số sóng; ngược lại, cây cỏ lụn tàn dù có sống cũng không tươi tốt, chăng ra hoa kết trái.
Năng lượng người và cây cỏ tương tác nhau. Nghịch mùa trái tiết, cây cỏ vườn nhà xác xơ héo úa thì người làm vườn cũng xót dạ tiếc thương. Người và cây cỏ đồng cảm: người buồn cây cỏ buồn theo! Vì vậy, người vin cây cỏ gởi ý ký thác tâm tư khi bế tắc không biết ngỏ cùng ai:
Ai làm bầu bí đứt dây,
Thiếp ở bên này chàng ở bên kia
Hay:
Anh về chợ Mỹ hôm nao
Gió lay cây choại, lệ trào mi em 
(Ca dao).
Cây cỏ thấu hiểu, sẻ chia với con người bao nỗi vui buồn, được mất trên bước đường đời. Có lẽ vậy, thường thì người cao tuổi hay chống gậy ra vườn và hình như, đang thì thầm điều gì đó với cây cỏ. Rồi, nâng niu rờ rẫm gốc cây hồi xưa do người đầu gối tay ấp đã trồng như thể chăm sóc người bạn đời từ lâu khuất bóng. Giữa cây và người dựa trên sự trân trọng, niềm tin sự sống phổ truyền khắp cõi chúng sinh. Người tin cậy cây cỏ và cây cỏ xem người là bằng hữu chi giao. Việc này, hằng hà sa số câu hò, ca dao miền sông nước Cửu Long từ đời này sang đời khác đã minh chứng. Người quý trọng cây cỏ và cây cỏ hiến đãi người. Từ những loài hoang dại vì “thuận duyên” thành ra cây nhà[4]. Vườn nhà, cây cỏ dần xuất hiện trong mọi phương diện đời sống bình dân, đồng thời tạo nên quy luật tự nhiên của tâm hồn. Cây cỏ vừa gợi tưởng vừa là phương tiện cho người bộc lộ tâm tưởng. Mặc nhiên người nhìn nhận linh tính của loài cây cỏ xung quanh.
Trèo lên chót vót ngọn gòn,
Thấy em gò má trắng, mặt tròn anh mún hun
(Ca dao)
Hay:
Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về
(Ca dao)
Rõ ràng, cây cối giữ vai trò đánh thức tình cảm và hồi ức con người. Đời người tựu trung trải qua bốn giai đoạn. Tuổi ấu thơ, thanh niên, trung niên và cao niên. Càng nhỏ tuổi càng trẻ trung, người ta càng thích những nơi náo nhiệt ồn ã, càng lớn tuổi xế chiều, người ta lại càng thích những nơi vắng vẻ, ưa những gì gần gũi hiền hòa. Có phải vì sau khi bôn ba đủ khắp phương trời, đôi bàn chân mỏi nhừ cần nơi yên lặng cho tâm tư bỏ qua bon chen tranh giành, cho đôi bàn chân được dịp nghỉ ngơi. Mỗi người hẳn có cách kiến giải khác nhau. Thế nhưng, có một điều dễ thấy, dường như càng bước vào tuổi xế chiều thì người với cây ngày càng xích lại gần nhau. Hồ như có liên hệ vô hình nào đó. Tuổi già có cách cảm nghiệm mà người trẻ trung không có được. Ông bà xưa thường nhắc con cháu tuổi trồng cây. Ở lứa thanh xuân nên trồng cây gì đó trong vườn nhà. Loay hoay cả tuổi trẻ, giựt mình ngó lại thì mái đầu sương phủ. Cây hồi xưa trồng bây giờ tỏ bóng sum xuê. Nhìn lại cây như thể nhìn lại chính thăng trầm năm tháng đã qua trong đời. Bây giờ tay chân lụm cụm, run yếu, thường cứ ra vườn rờ rẫm gốc cây xù xì, mân mê cái từng cái lá, như kiểu trò chuyện với cây. Cuộc đối thoại thời tính!
Đời sống đô thị hóa hiện đại khiến người xa cây (thiên nhiên) nhưng lòng nhớ cội và vì nhớ cội, người không thể quên, không thể phụ rẫy vườn cây. Đời sống hiện hữu còn có vô hình và vô hình tương tác hiện hữu, thành ra người – cây chẳng tách rời. Sự chẳng tách rời đó, khiến người – cây có linh tính, trực cảm từ xa. Người xưa – từ thời lưu dân về phương Nam –  cho rằng, nếu người có thần giao cách cảm thì cây cũng có thể có như người. “Thần giao cách cảm là khả năng truyền ý nghĩ không dùng những kênh giác quan thông thường” (theo Từ điển Bách khoa thư Britannica). Chuyện kể rằng, Đêm cuối tháng Ba, Mậu Thân (1968) bầu trời Miền Nam sáng loáng ánh hỏa châu che khuất ngàn sao. Mưa bom bão đạn chưa hồi kết đợt 1 “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân”, trong căn hầm bản doanh chỉ huy, ông Tám Chí[5] đang tập trung theo dõi tình hình diễn biến chiến trận Sài Gòn – Gia Định; bỗng dưng cây dầu phía ngoài miệng hầm gãy đổ – sự gãy đổ không do đạn bom, không do trời bão tố – Cuộc chiến đang hồi ác liệt và thảm khốc, không ai đủ thời giờ ngẫm suy luận giải hiện tượng kỳ hoặc ấy. Mùng 4 tháng Ba, năm Mậu Thân (nhằm ngày 1.4.1968), quân Mỹ phục kích ở bìa Trảng Dầu và lúc ấy, sáu người trong đoàn đi tải gạo lọt vào tầm bắn của quân Mỹ. Anh Thắng, anh Giỏi hy sinh ngay loạt đạn đầu và ba anh chạy thoát. Riêng Lan Khanh (con gái anh Tám Chí), cặp kính cận độ nặng văng mất nên chị không thấy đường chạy; loay hoay chị dính đạn ở đùi và bị bắt. Quân Mỹ đưa chị lên máy bay trực thăng và từ trên trực thăng, chị lao thẳng xuống… thi thể chị vắt vẻo đong đưa nhịp lá xanh rừng tiệp màu thời gian! Sau này, những người biết câu chuyện về cái chết bi tráng của Lan Khanh[6], thường nhắc lại sự kiện cây dầu gãy đổ báo điềm “Nửa chừng xuân thoát gãy cành thiên hương” (Kiều – Nguyễn Du)
Việc đoán định cây cối có ý thức (tình thức – theo quan điểm Phật giáo) vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau và chưa thể nói dứt khoát về linh tính hay Phật tính của các loài cây cỏ. Thế nhưng, mối quan hệ hỗ tương giữa cây và người vẫn hằng có trong dân gian. Mối quan hệ này, thực tế đã xảy ra và có thật. Bởi, người chuyển cảm, đặt quan điểm thẩm mỹ và sự cảm thụ thẩm mỹ vào đối tượng, hay chính đối tượng đã kết liên trường năng lượng với người, khiến người khởi dậy mối tương giao cảm xúc. Nhiều cách giải thích khác nhau dưới nhiều quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng và khoa học. Dù chưa có cách giải thích nào rốt ráo, dứt khoát, phổ biến trong xã hội loài người nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của cây cối trong xã hội người như chỉnh thể thống nhất.
Song, dẫu sao, người vẫn tin rằng cây cỏ vốn có sinh phách, sinh tình, sinh tính, sinh ý!
5. Cây cỏ dưới góc nhìn chuyển cảm và thực nghiệm sinh trắc
Một số lập luận Tây phương rằng, từ địa hạt triết lý và tâm lý học tới khoa học thực chứng trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiện nay. Hẳn nhiên, không thể bì với các nhà khoa học liên ngành mà chỉ có thể, dựa trên những cứu xét đã được công bố. Vin vào đó, nhìn lại sinh cảnh quê hương, thử dò sinh khí cây cỏ vườn nhà để tìm hiểu thêm những gì tưởng đã phôi phai nơi tâm thức người.
Trước hết, cần xác lập đôi điều về thuyết chuyển cảm (Empathetics). Cốt lõi nằm ở quan niệm chuyển cảm (Einfühlung/ feeling into/ empathy). Robert Vischer đã đề cập đến thuật ngữ “Einfühlung” ở công trình “On the Optical Sense of Form: A Contribution to Aesthetics” (1873)[7] nhưng Theo dor Lipps mới là người phát triển và đưa thuật ngữ này từ bình diện tâm lý thuần túy đến bình diện tâm lý học nghệ thuật – tức là vấn đề mỹ cảm[8]. Lý thuyết của Lipps nhắm đến việc giải thích các hiện tượng ảo quang thị giác (optical illusions). Mặc dù đi từ phía tâm lý học đến cơ học mỹ cảm (esthetic-mechanical) song quan niệm của Lipps khá gần gũi với tư duy sáng tạo phương Đông. Đặt vấn đề có vẻ phức tạp, nhưng có thể gói gọn lại trong vài câu thơ:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
(Kiều – Nguyễn Du)
Chuyển cảm (Einfühlung) đề cập đến trạng thái tương thông, hiệp nhất giữa đối tượng và người quan sát, dẫn đến sự phóng chiếu tinh thần người quan sát vào đối tượng. Đối là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Sự chuyển cảm diễn ra, trước hết phải có mối liên hệ, phải có tương tác giữa hai đối tượng. Trong đó, bản năng tự tính (natural instinct) và phóng chiếu nội tại (inner imitation) đóng vai trò là động lực thúc đẩy cũng là cơ chế vận hành của quá trình chuyển cảm. Nói cho đơn giản, cây côi vườn nhà với con người sống bên nhau gần gũi. Mối liên hệ tâm linh hình thành một cách tự nhiên. Người nhìn cây, phóng chiếu lòng mình vào cây, cũng phát hiện đặc tính của cây để rút ra nhận thức cho bản thân mình. Cây và người tự nhiên tiếp thông lẫn nhau.
Một chậu cây trước sân, vài đọt rau sau vườn, cây mận cây xoài nơi hàng ba hiên nhà, … lắm khi người bộn bề ưu phiền, ngó thấy cây cối dường như lòng dạ cũng điều hòa, sống chậm lại. Màu xanh cây lá quanh vườn níu bước chân người, giữ lòng người lặng lẽ trầm lắng, làm cho những dao động tâm trí chìm xuống. Con người trở về với thiên nhiên, chợt thấy lòng an nhiên, thảnh thơi, tự tại. Nhìn thấy gốc cây nhãn xù xì đứng đó thật vững chãi, bình lặng biết bao. Cây bám chặt lấy đất, cắm rễ vào đất sâu trầm tịch, ngưỡng mặt hấp thụ khí trời, nhơn nhơn vươn mình trổ ra cành nhành giữa khoảng trời đất. Người thấy phận người trong dáng cây, cũng như cây cối con người là sinh thể trong cõi chúng minh, có linh tính có nhận biết (dù cách thế nhận biết của người và cây hẳn khác nhau). Nhưng, cây lẫn người đều sinh hữu giữa khoảng trời đất, là phần cân bằng trong tam tài, cầu nối giữa thiên địa, biểu thị sự nhiệm màu của sinh hóa.
Xã hội bộn bề, được mấy người nhìn ra kết nối nhiệm mầu giữa trời đất và chúng sinh, mà người và cây cỏ trong số đó. Dần rồi người đánh mất bản nguyên. Phải chăng vậy, người thành thị hôm nay vẫn thèm thuồng trở lại thôn quê, du ngoạn ngắm cảnh, trầm mình vào không gian xanh mát sum sê vườn tược, vóc tay trên mặt nước sông quê, hít thở làn gió đồng nội ùa vào người… Mối quan hệ chuyển cảm giữa người và cây cỏ như đòi hỏi, sự khát khao cần thiết. Song, cái mỹ cảm nhiệm mầu này ngày càng xa vời khiến con người bây giờ phải bỏ tiền ra để kiếm tìm “sinh quyển” nguyên thủy mà người đã đánh mất.
Xét về phạm vi tâm lý, quan điểm của Lipps mới đầu vấp phải sự phản đối của lối nghiên cứu thực nghiệm và hành vi luận; nhưng điều này không cản trở sự tồn tại của quan niệm này. Bởi lẽ, chuyển cảm là hoạt động tâm lý phổ biến và càng phổ biến trong thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Từ khía cạnh đó, nhiều vấn đề tâm lý học nghệ thuật, mỹ học và triết học được khai mở. Chẳng phải khi không Freud nhận rằng Lipps đã truyền cảm hứng cho ông. Cũng như nhiều nhà tư tưởng cũng chịu ảnh hưởng từ quan niệm chuyển cảm của Lipps (Edmud Husserl, Wilhelm Dilthey, Max Weber, Edith Stein). Sự phản đối quan điểm của Lipps đến nay đã được giải tỏa bởi thực nghiệm sinh trắc[9].
Cây cỏ cũng như con người, là sinh vật sống. Vì sống nên cũng có sinh mạng. Cây cỏ trong vườn nhà cũng có năng lượng sống nhất định, mang khả lực tâm linh nhất định. Con người với cây tạo thành cuộc giao ứng giữa hai trường năng lượng. Mối quan hệ khăng khít này chẳng khác gì sự cộng hưởng. Người vun trồng chăm bón cây thì cây cũng bồi đắp năng lượng sống cho người, khiến cho người gần cây cũng trở nên khoan khoái, khỏe khoắn. Do cộng hưởng năng lượng, hễ xa nhau người bồn chồn bứt rứt, thiếu hẳn nguồn cảm hứng tâm hồn và ngược lại, cây cũng trông chờ người quay về.
Vì lợi ích cá nhân hay lợi ít nhóm, nhân danh sự phát triển và nhân danh của nhân danh hãm môi trường hiếp sinh thái; tận diệt rừng, ngăn nguồn nước sống… thảy đều là hành động phi nhân tính. Kẻ đó, đích thị nhận diện thú tâm!
Tạm kết
Quan sát và phát hiện những biến đổi của cây cỏ trong vườn nhà trước sự dịch chuyển của thời tiết, mùa màng, nắng gió mưa dông,… cho thấy cấu trúc vận động sinh thái thống nhất, tương tác ảnh hưởng chặt chẽ; người và cây cùng nhất thể với vũ trụ. Người bình dân Nam Bộ không chú trọng nguyên lý sâu xa trong mối quan hệ ấy, chỉ giữ gìn mối quan hệ tình cảm bền chặt với cây cối thiên nhiên. Qua đó, người bình dân rút kết thành bài học đạo đức sinh thái, để biết sống tử tế với thiên nhiên.
Ngày nay, khi cuộc sống kỹ nghệ tân tiến bao bọc cuộc sống con người, mối quan hệ giữa người và “giới phi nhân” chung quanh hầu như cách ngăn, tách biệt. Nhưng, xa rời “giới phi nhân”, người loay hoay trong việc định vị “nhân tính”. Nói khác, người đứng trước cuộc khủng hoảng nhân tính.
Từ tình cây nghĩa đất, người bình dân Nam Bộ cho tới nay còn gìn giữ mối quan hệ tình cảm thắm thiết với cây cỏ vườn nhà, mở rộng đến vạn vật muôn loài trong tự nhiên. Kiếp người và đời cây dẫu cách thế hiện hữu khác nhau, nhưng vẫn hài hòa chung bản thể tự nhiên. Người cần đến cây cỏ làm sinh cảnh, lập thành sinh quyển, lấy đó làm nền cho nhân tính, lập thành nhân bản và họ, có cách nói đơn giản thấm thía “Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau!”. Lấy thiên nhiên làm sinh cảnh, người lập thành tính người bởi cái nhìn đối sánh với phi nhân giới. Cách đối sánh của người bình dân Nam Bộ dẫu là đối sánh nhưng vẫn hài hòa. Biện chứng nhân tính phương Nam!
Cây cỏ có đời sống riêng, lặng thầm; chỉ có linh cảm người tâm giao với nó họa hoằng mới có thể đoán biết. Người hữu duyên cây cỏ, lặng lẽ nhẹ bước trong khu vườn tiềm thức khi bóng chiều buông và nghe ra bản thể nguyên thủy của mình trở dậy. Rồi, bỗng dưng chợt nhớ vườn xưa cây cỏ ngày cũ, lòng người chạnh lòng hoài hương!.
Chú thích:
[1] Vũ Đình Liệu (1919 – 2005), nguyên Bí thư tỉnh ủy Cà Mau, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9. Sau 1975, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
[2] Frank Bracho (2004), Hạnh phúc là sự giàu có nhất của con người, Trong: Karma Ura và Karma Galay (chủ biên), Tổng Hạnh phúc và phát triển quốc gia: Kỷ yếu hội thảo quốc tế đầu tiên về vận hành về Tổng hạnh phúc quốc gia, Trung tâm nghiên cứu về Bhutan, Thimpu, tr.430-443.
[3] Tam quốc diễn nghĩa, tập 3, Nxb Thời Đại, 201
[4] Trần Bảo Định (2018). Bông trái quê nhà, Nxb. Tổng hợp TPHCM, tr.218-235.
[5] Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989), nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó thủ tướng chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
[6] Huỳnh Lan Khanh (1948 – 1968), cựu học sinh Trường nữ Trung học Gia Long (Sài Gòn), con gái của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và bà Bùi Thị Nga. Năm 1965, Huỳnh Lan Khanh thoát ly tham gia kháng chiến. Ngày 1.4.1968, Huỳnh Lan Khanh hy sinh trên đường tải gạo. Ngày 25.4.2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh được truy tăn danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
[7] Robert Vischer (1873). “On the Optical Sense of Form: A Contribution to Aesthetics,” in Harry Francis Mallgrave and Eleftherios Ikonomou (ed. and trans., 1994). Empathy, Form, and Space: Problems in German Aesthetics, 1873–1893. Santa Monica, CA: Getty Center for the History of Art and the Humanities, pp. 89-123.
[8] Agosta L. (2014). From a Rumor of Empathy to a Scandal of Empathy in Lipps. In: A Rumor of Empathy: Rewriting Empathy in the Context of Philosophy. Palgrave Macmillan, London, pp 53-65.
[9] Câu chuyện của Cleve Backster và việc ông phát hiện ra cây cối cũng có nhận thức cảm tính bằng cách sử dụng máy phát hiện nói dối. Xem thêm
– Cleve Backster (2003). Primary Perception: Biocommunication with Plants, Living Foods, and Human Cells (1st edition). California: White Rose Millennium Press.
– Kenneth Horowitz, Donald Lewis and Edgar Gasteiger. (1975). Plant Primary Perception: Electrophysiological Unresponsiveness to Brine Shrimp Killing. Science, 189. pp. 478-480.
– John Kmetz (1975). An Examination of Primary Perception in Plants. Parapsychology Review No. 6, p. 21.
– Peter Tompkins and Christopher Bird (2018). The Secret Life of Plants: A Fascinating Account of the Physical, Emotional, and Spiritual Relations Between Plants and Man. US: HarperCollins.
4/11/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...