Chiều
kích đặc biệt của
con người trong nhạc
Trịnh Công Sơn
con người trong nhạc
Trịnh Công Sơn
Nguyễn Hoàn
Con người trong nhạc
Trịnh Công Sơn ban cấp ý nghĩa cho trần gian, con người là thước đo của trần
gian, do vậy trái tim con người cũng có một chiều kích vừa mênh mông, bao la,
rộng lớn, vừa sâu thẳm khác thường và mang một sức mạnh tinh thần đặc biệt...
Đề cao vai trò của chủ
thể tư duy, triết gia Pháp René Descartes có câu nổi tiếng: “Tôi tư duy vậy
tôi tồn tại”. Hẳn là trong ý nghĩa đó, Trịnh Công Sơn đã viết: “Tôi yêu
và tôi tồn tại”, “Tôi hát là tôi hiện hữu”. Có yêu đời, yêu người
đến đắm đuối và tiếc nuối, yêu “bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng”, tuyệt vọng
không phải vì chán đời mà vì yêu quá cuộc đời, vì khắc khoải nghĩ đến lúc phải
lìa xa cõi thế, “thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi, tay chia ly cùng
đời sống này” (Rơi lệ ru người), Trịnh Công Sơn mới viết nổi dòng nhạc “hát
kinh” (“Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông”-Đoá hoa vô thường) xuyên
thời gian cho tình yêu và phận người: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”
(Diễm xưa).
Cái độc đáo mà người
nghệ sĩ mang lại cho đời là ở thế giới nghệ thuật do họ sáng tạo ra, đó chính
là “thiên nhiên thứ hai”, nói theo cách của mỹ học, mà họ góp vào với đời. Đánh
giá tổng quan về thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, Văn Cao viết: “Tôi gọi
Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau
đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Phạm Tuyên gọi
Trịnh Công Sơn là “đỉnh cao của âm nhạc giàu chất thơ và triết lý”. Sơn
Nam viết:“Nhuần nhuyễn, ý tứ gắn bó hữu cơ, không cường điệu, tính thuyết
phục, tính khái quát, nhân bản...bao nhiêu đòi hỏi về lý thuyết văn nghệ quả là
hiển hiện trong nhạc Trịnh Công Sơn”, đặc biệt, Sơn Nam còn chỉ rõ tính
chất dân tộc-hiện đại của nhạc Trịnh Công Sơn và gọi đó là “điệu hát Nam Ai
hiện đại của người ven biển Đông...”. Phạm Duy khẳng định: “Toàn bộ âm
nhạc của anh đẹp như một bức hoạ trừu tượng hơn là tả thực”. Trong thế giới
nghệ thuật đặc biệt của Trịnh Công Sơn mà các nhạc sĩ, nhà văn đã gọi tên bằng
nhiều mỹ từ như vậy, thế giới của nhạc, của thơ, của triết lý hoà quyện, của
hội hoạ trừu tượng, của điệu hát dân tộc-hiện đại Nam Ai..., dĩ nhiên, quan
niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn có nhiều độc đáo và mới lạ.
Trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người được đo
bằng thước đo riêng, và vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những
chiều kích rất lạ, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và
siêu thực.
Trong nhạc Trịnh, con
người ban cấp ý nghĩa cho trần gian
Triết học phương Đông
nhiệm màu nói đến “ba ngôi” Thiên-Địa-Nhân. Vậy con người có vị thế như thế nào
giữa trời và đất, hay chỉ đơn thuần là những sinh linh bé nhỏ rợn ngợp trước vũ
trụ bao la không bờ bến? Trời đất tạo ra con người hay chính con người đã “tạo
ra” trời đất, chính con người đã ban cấp ý nghĩa cho trần gian? Hãy nghe câu
trả lời qua ca khúc “Còn thấy mặt người” của Trịnh Công Sơn: “Một
ngày tình cờ biết em là ngày lạ lùng biết trần gian”. Biết em trước, biết
trần gian sau, vì có em mới có trần gian. Câu hát xui khiến lòng nhớ tới “tội
tổ tông” của nàng Eva thuở hồng hoang. Kinh Thánh kể rằng, Chúa ra lệnh cho con
người có thể ăn mọi trái cây trong vườn địa đàng, nhưng không được ăn trái cây
của cây “biết lành dữ” mọc giữa vườn, vì ăn vào con người sẽ phải chết. Nhưng nghe
theo lời của con rắn xảo quyệt dụ dỗ rằng hãy ăn “trái cấm” đi sẽ biết lành dữ
và sẽ được thông minh, nàng Eva đã ăn và đưa cho chồng là Adam cùng ăn. Chúa
phát hiện được bèn đuổi Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng, khiến cho từ đó,
“Địa đàng còn in dấu chân bước quên” (Dấu chân địa đàng), nhưng tuyệt vời thay,
con người nhờ thế mà đã được biết trần gian trong nỗi bừng thức kỳ thú, trong
niềm đắm say lạ lùng. Nói cách khác, chính con người đã “sáng thế” ra trần gian
với bao sướng, khổ, ngọt bùi, cay đắng, với bao hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục
(mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn) dội xuống cung đàn nhân sinh. Có
con người, trần gian mới có ý nghĩa, chính thế nên nhạc Trịnh Công Sơn đã gửi
đến trời đất một câu hỏi đầy phấn chấn, hào sảng của cõi người: “Trời đất
kia có hay ta về” (Có nghe đời nghiêng). Và theo lô gích cuộc sống được nói
đến trong nhạc Trịnh Công Sơn, khi con người giữ được thế an nhiên tự tại trong
cuộc đời đầy bất trắc: “Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoang trời
vắng chân mây địa đàng” thì trời đất mới yên vui: “Mặt trời đã ngủ yên
xin mặt trời hãy ngủ yên” (Xin mặt trời ngủ yên). Còn khi đời người gặp bất
trắc, lòng người nổi sóng gió, như khi xa người hay mất người, trần gian cũng
bàng hoàng, đau thương hoặc mất dần ý nghĩa. Trái đất quay quanh trục của nó
nghiêng một góc 23,50 so với mặt phẳng quỹ đạo, nghĩa là loài người đang sống
trong một “thế giới nghiêng”. Khi một người đi xa, “thế giới nghiêng” này càng
nghiêng hơn nữa, hay nói cách khác, đấy là “thế giới nghiêng” của một “thế giới
nghiêng”: “Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ” (Biển nhớ), “Người
ra đi bến sông nằm lạnh, này nhân gian có nghe đời nghiêng” (Có nghe đời
nghiêng). Khi một cuộc tình đã mất, thì cây cầu, dòng sông nơi chốn hẹn hò,
tình tự ngày xưa cũng mất theo: “Mười năm khi phố khi vùng đồi, nhìn nhau ôi
cũng như mọi người, có một dòng sông đã qua đời” (Có một dòng sông đã qua
đời). Khi trầm tư về cái chết, trần gian bỗng trở nên không còn là chốn mặn mà,
hấp dẫn: “Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ, tôi nghĩ quanh đây hồ như, đời
ta hết mang điều mới lạ, tôi đã sống rất ơ hờ” (Đêm thấy ta là thác đổ).
Hẳn sẽ có người bảo
rằng, đồng ý là trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con
người đã ban cấp ý nghĩa cho trần gian, nhưng sao có những lúc Trịnh Công Sơn
diễn tả thân phận con người đến là nhỏ nhoi, “tội nghiệp”, khi thì như “cát bụi
mệt nhoài”, khi lại “sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non”
(Giọt lệ thiên thu)? Quả có vậy, nhưng không chỉ có vậy. Nếu chỉ có vậy, nhạc
Trịnh đã không vượt thời gian và vượt cả không gian nước Việt để trở thành
những khúc kinh cầu sâu thẳm của tình yêu và phận người, “không chỉ làm xao
xuyến lòng người Việt, mà còn làm người Nhật say mê, người Anh thán phục”
(Trần Văn Khê). Trong thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, con người được đo
bằng nhiều chiều kích đa dạng, đa diện, ngoài ba chiều không gian, còn có nhiều
chiều đặc biệt của tâm hồn con người đầy nhạy cảm và giàu trực giác, trực nhận,
trực ngộ. Đừng tưởng cát bụi là nhỏ nhoi nên chiều kích của nó cũng bé mọn. Vũ
trụ sinh ra từ vụ nổ lớn Big Bang, tạo ra những “hạt bụi vũ trụ” là các hành
tinh, trong đó có trái đất. Trái đất thành hạt bụi, còn hạt bụi trong ca khúc
“Cát bụi” của Trịnh Công Sơn lại mang được “chiều kích vũ trụ” của trái đất, vì
thế nó cũng được “mặt trời soi” như trái đất: “Để một mai vươn hình hài lớn
dậy, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi”. Có người bảo
Trịnh Công Sơn khi viết “Cát bụi” đã chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh, rằng với
con người, thân cát bụi lại trở về cát bụi. Nói thế chỉ đúng một phần và cũng
chỉ mới thấy “cát bụi” ở cái vỏ ngôn ngữ của từ này. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ
viết: “Ôi cát bụi mệt nhoài...Ôi cát bụi phận này”, thì ta nói dứt
khoát được rằng nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng một trăm phần trăm từ Kinh Thánh.
Điều sáng tạo độc đáo ở đây của Trịnh Công Sơn là đã phát hiện ra “cát bụi
tuyệt vời”. Sự tuyệt vời của “con người cát bụi” thể hiện ở sức mạnh tinh thần,
sức mạnh tình yêu lấp lánh, bất diệt: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để
tình yêu xoay mòn thành đá cuội”. Vì thế, hạt cát phận người trong nhạc
Trịnh Công Sơn đã sáng lên thành “cát bụi lộng lẫy” (chữ dùng của Hoàng Phủ
Ngọc Tường).
Chiều kích đặc biệt
của không gian và thời gian đời người trong nhạc Trịnh
Con người trong nhạc
Trịnh Công Sơn “thân mong manh như lau sậy hiền” (Níu tay nghìn trùng),
nhưng đó là cây sậy của Pascal: “Con người là cây sậy bấy yếu nhất của tự
nhiên nhưng là cây sậy có suy nghĩ”. Tương tự “cây sậy tư duy” của Pascal,
“lá cỏ” của Trịnh Công Sơn là “lá cỏ tự do”: “Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi
hát ca rất tự do” (Đêm thấy ta là thác đổ). Tự do là khát vọng lớn lao và
muôn thuở của con người, bởi thế nên dù với thân phận là “con người hạt bụi”
hay “con người lá cỏ”, con người vẫn cần một không gian sống tự do thoải mái,
đấy là một không gian an nhiên và tự tại, cao sang và hướng thượng của nội tâm.
Thế nên, con người trong nhạc Trịnh Công Sơn mang chiều kích hoành tráng của vũ
trụ vì đã thu nhận trời đất ở trong mình: “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học
về lòng bao dung” (Tin vào niềm tuyệt vọng). Trong tình yêu, một người đẹp
mang đến được cho tình nhân cả bầu trời để thở, để sống, để khát vọng: “Em
đã cho tôi cho tôi bầu trời. Em đã cho tôi yêu thêm loài người” (Em đã cho
tôi bầu trời). Không gian sống của con người là trời đất, là vũ trụ nên mỗi cử
chỉ, động thái hay nỗi niềm của con người đều có sự tác động, ảnh hưởng mạnh
mẽ, sâu sắc, đầy dấu ấn nhân sinh không mờ phai lên không gian sống lớn rộng
đó. Chỉ một tà áo đẹp mà đã chiếm lĩnh huy hoàng cả bầu trời ngưỡng vọng: “Ôi
áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều” (Tình nhớ), “Em đi tà áo phiêu
bồng trời cao” (Mưa mùa hạ). Tình yêu, nguồn sống nhiệm mầu và bất tận của
con người, với sức mạnh mãnh liệt mà người Pháp gọi là “tiếng sét ái tình” đã
được Trịnh Công Sơn sáng tạo nên một cách gọi độc đáo mới trong ngôn ngữ nhân
loại, rằng: “Tình yêu như trái phá, con tim mù loà” (Tình sầu).
Nhưng hơn thế nữa, với Trịnh Công Sơn, tình yêu còn có sức mạnh “chấn động” như
bão nổi: “Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu” (Tình sầu). Một bàn tay
của người tình trong kỷ niệm cũng làm dấy lên những trận bão lòng khó tan, khó
nguôi: “Tưởng rằng đã quên, tay em vẫn còn dựng đời bão lên, làm từng vết
thương hồn nhiên” (Tưởng rằng đã quên).
Con người sống là sống
với chiều kích của không gian và thời gian. Tương ứng với không gian sống mang
“chiều kích vũ trụ”: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm
năm một cõi đi về” (Một cõi đi về), thời gian sống của con người, của kiếp
người trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng mang một chiều kích đặc biệt. Người ta
thường gọi thời gian sống của đời người là tuổi đời, còn Trịnh Công Sơn lại gọi
là “tuổi trời”: “Em xin tuổi nào, còn tuổi trời hư vô” (Còn tuổi nào cho
em), “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời” (Gọi tên bốn mùa). Tuổi con
người là tuổi trời cho và gắn với trời, cái hữu hạn của đời người gắn với cái
vô hạn của trời đất. Ý thức sâu sắc về sự đối nghịch giữa cái hữu hạn và vô hạn
này, ý thức thấm thía rằng đời người là ngắn ngủi, không thể kéo dài “tuổi
trời” được, con người đã chọi lại cái hữu hạn của đời người, bằng cách “cầm
nắm” thời gian, “vĩnh cửu hoá” thời gian, bằng cách “ban cấp” sự tái sinh cho
thời gian hữu hạn của kiếp người để tạo nên đặc tính vô tận và vô hạn của dòng
sinh mệnh. Chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, trong đó có ý niệm về sự luân
hồi, Trịnh Công Sơn đã nhiều lần viết về “thời gian luân hồi”: “Ta thấy em
trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép), “Những ngày ngồi
rũ tóc âm u, nghe tiền thân về chào bóng lạ” (Cỏ xót xa đưa). Nhưng ý niệm về
thời gian, về chiều kích thời gian đời người trong nhạc Trịnh Công Sơn có cái
mượn của đạo Phật, có cái không. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Có những nghìn
năm xưa hoá thân em bây giờ” (Em đến từ nghìn xưa), ý niệm về thời gian ở đây
không phải là “thời gian luân hồi” nữa mà là một thứ thời gian tích luỹ, thời
gian dồn nén, tất cả quá khứ, hiện tại cùng nổi lên trong một “lát cắt”, gọi là
thời gian đồng hiện. Trên nền thời gian đồng hiện đó, nhạc sĩ nhận ra vẻ đẹp
tinh tuý nghìn đời của hồn Việt ẩn chứa trong dáng nét quen thuộc của người con
gái Việt Nam da vàng: “Vì em như chim trắng, giữa trống đồng bước ra”
(Em đến từ nghìn xưa). Ca tụng vẻ đẹp thiên thần, “bất tử” và bất diệt của
người đẹp, nhạc Trịnh Công Sơn có lúc đã phá vỡ quan niệm về tính chất hữu hạn
của thời gian đời người để sáng tạo nên một thứ thời gian vô tận, vô biên của
trái tim yêu tôn thờ cái Đẹp lộng lẫy: “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng.
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi
mãi, trôi trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng). Như vậy, thời gian
đời người trong nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ “thời gian chống chọi thời
gian”, thời gian phi tuyến tính, phi hữu hạn, thời gian vĩnh cửu: “Tình cho
nhau môi ấm, một lần là trăm năm” (Tình sầu), “Hai mươi năm vẫn là thuở
nào, nợ lại lần này trong cõi đời nhau” (Xin trả nợ người).
Con người trở thành
thước đo của thiên nhiên, vẻ đẹp con người là chuẩn mực của vẻ đẹp tạo hoá
Như trên đã nêu, trong
thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, con người ban cấp ý nghĩa cho trần gian,
vậy nên, lô gích thú vị và độc đáo ở đây là con người trở thành “hệ quy chiếu”,
trở thành thước đo của thiên nhiên, tạo vật. Điều này đã từng xuất hiện trong
thơ Xuân Diệu. Nghiên cứu tư tưởng và phong cách thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đăng
Mạnh phát hiện rằng với thơ Xuân Diệu, có một nguyên tắc mỹ học được xác định,
đó là coi “vẻ đẹp của con người là chuẩn mực của vẻ đẹp của thế giới, của vũ
trụ”. Đánh giá về tính độc đáo của nguyên tắc mỹ học này, Nguyễn Đăng Mạnh
khẳng định: “Nếu như chúng ta nhớ rằng trong văn chương xưa, người ta thường
lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn cho vẻ đẹp của con người, thì mới thấy
nguyên tắc mỹ học nói trên của Xuân Diệu là cả một cuộc đổi mới đáng kể trong
thi ca Việt Nam hiện đại”. Và Nguyễn Đăng Mạnh dẫn chứng: “Thơ xưa viết về
người đẹp: “Phù dung như diện liễu như mi” (Mặt như hoa phù dung,
lông mày như lá liễu), rồi nào là mày ngài, mắt phượng, làn thu thuỷ, nét xuân
sơn v.v...Bây giờ Xuân Diệu đem so sánh ngược lại:
...Lá liễu dài như một
nét mi...
...Trăng vú mộng của
muôn đời thi sĩ
...Hơi gió thổi như
ngực người yêu đến
Mây đa tình như thi sĩ
đời xưa...
Quan niệm mỹ học ấy đã
giúp ông sáng tạo nên một câu thơ vào loại tuyệt vời của nền thi ca Việt Nam
hiện đại: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần (Vội vàng)”
(Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo
dục, 1996, trang 199, 200). Tìm hiểu thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn,
Bùi Vĩnh Phúc đã phát hiện một điểm tương tự như Nguyễn Đăng Mạnh đã phát hiện
qua nghiên cứu thơ Xuân Diệu: “Ngày xưa, để tả Thuý Vân và Thuý Kiều, Nguyễn Du
đã nói tới “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “khuôn trăng”, “nét ngài”, “mây”,
“làn thu thuỷ, nét xuân sơn”, “hoa ghen”, “liễu hờn”...Nguyễn Du đã lấy thiên
nhiên làm thước đo để khen ngợi chị em Thuý Vân, Thuý Kiều. Vân, Kiều, như thế,
được mang ra so sánh với thiên nhiên, cho dù sự so sánh, qua ngòi bút của
Nguyễn Du, có phần hơi thiên vị hai người con gái duyên dáng và đáng yêu này.
So sánh như thế là so sánh theo những ước lệ cổ điển, theo những quy phạm về
văn chương mà Nguyễn Du, như một con người của thời đại mình, không thể tránh
khỏi. Thiên nhiên là những bản vị, con người là những nét để bên cạnh. Trong
thế giới của Trịnh Công Sơn, tình hình lại có vẻ như ngược lại. Con người trở
thành thước đo của thiên nhiên:
Nắng có hồng bằng đôi
môi em
Mưa có buồn bằng đôi
mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng
lênh đênh
(Như cánh vạc bay)”
(Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh
Công Sơn những ám ảnh nghệ thuật, in trong sách: Một cõi Trịnh Công
Sơn, NXB Thuận Hoá và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2002, trang
249). Qua đối chiếu phát hiện của Nguyễn Đăng Mạnh với trường hợp Xuân Diệu và
Bùi Vĩnh Phúc với trường hợp Trịnh Công Sơn, không thể dễ dãi cho rằng Trịnh
Công Sơn đã chịu ảnh hưởng của Xuân Diệu, dù Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, mà
cần thấy, điều thú vị là có sự trùng hợp trong sáng tạo nghệ thuật giữa Xuân
Diệu và Trịnh Công Sơn, điều này cần được lý giải như cách nói thường tình là
“những tư tưởng lớn gặp nhau”, ở đây là tư tưởng nghệ thuật.
Con người trở thành
thước đo của thiên nhiên trong nhạc Trịnh Công Sơn cho nên thiên nhiên ở đây đã
được “nhân hoá” theo từng trạng thái buồn vui của con người: “Màu hoa lá
quen như mặt người” (Tình yêu tìm thấy), “Màu nắng hay là màu mắt em”
(Nắng thuỷ tinh), “Cho tay em dài gầy thêm nắng mai” (Hạ trắng). Nhạc sĩ
đã nhìn thấy nắng trong niềm vui và mưa trong nỗi buồn của con người: “Hãy
về đây, hãy về đây, tôi cần nhìn lại nắng trong nụ cười” (Môi hồng đào), “Có
khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em, đã nương theo vào đời, làm từng nỗi ưu
phiền” (Ru đời đi nhé). Nhạc sĩ không đơn thuần tả mưa trời chính là giọt
nước mắt người đẹp, nhạc sĩ đã tả một nỗi buồn thật lớn rộng, thật “cao sang”,
thật lung linh, nghĩa là một nỗi buồn với chiều kích đặc biệt, lan toả và thẩm
thấu vào không gian, kiểu như: “Đời sẽ buồn dài lâu, ôi trái sầu rực rỡ”(Như
một vết thương). Một phát hiện độc đáo của Trịnh Công Sơn là không chỉ nhìn
thấy mưa buồn mà còn nhìn thấy nắng buồn hơn mưa. Nhạc sĩ nhìn nắng và cảm nhận
sâu sắc rằng, nắng sống một ngày ba buổi, sáng, trưa, chiều, nắng sáng, nắng
trưa rực rỡ, nắng chiều tàn phai, trong khi mưa không như vậy, mưa chỉ tuôn ào
xuống rồi hết, vậy nắng buồn hơn mưa. Đo màu nắng dưới lăng kính nhạy cảm này,
ta sẽ hiểu và cảm thấm thía hơn những câu hát buồn buốt lòng về nắng của Trịnh
Công Sơn: “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng” (Nhìn
những mùa thu đi), “Lùa nắng cho buồn vào tóc em” (Nắng thuỷ tinh), “Nắng
qua mắt buồn lòng hoa bướm say” (Hạ trắng), “Nắng vàng phai như một nỗi
đời riêng” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Nhưng cũng có khi nắng vui tươi do
được chiếu rọi trong phận người có đôi: “Đời xin có nhau dài cho mãi sau
nắng không gọi sầu” (Hạ trắng). Trong nhạc Trịnh, thiên nhiên luôn đứng đó
tượng hình cho bao nỗi buồn vui của con người: “Một lần bóng núi in bên sông
dài, một lần thấy bóng tôi, một ngày có đoá hoa lan trong vườn, một ngày thấy
dáng em, một chiều bỗng thấy hoa lan úa tàn, vườn chiều vừa mất dáng em”
(Một lần thoáng có). Thiên nhiên đánh dấu kỷ niệm cho tình nhân, thay cho việc
ép hoa, ép lá để cất giữ nhung nhớ: “Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ”
(Nghìn trùng xa cách-Phạm Duy) mà những người yêu nhau muôn thuở vẫn hằng làm:
“Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi” (Rồi như đá ngây ngô), “Tìm
thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá” (Tình yêu tìm thấy), “Lá hát từ bàn tay
thơm tho, lá khô vì đợi chờ” (Như cánh vạc bay). Và đỉnh cao của mối liên
thông, giao cảm giữa thiên nhiên và con người trong nhạc Trịnh Công Sơn xuất
hiện, khi mưa nắng thiên nhiên hoà nhập vào trong chính con người: “Mưa nắng
ở trọ bên trong mắt người” (Ở trọ).
Chiều kích siêu việt
của trái tim con người trước “vết thương”, niềm tuyệt vọng và cái chết
Như trên đã nêu, con
người trong nhạc Trịnh Công Sơn ban cấp ý nghĩa cho trần gian, con người là
thước đo của trần gian, do vậy trái tim con người cũng có một chiều kích vừa
mênh mông, bao la, rộng lớn, vừa sâu thẳm khác thường và mang một sức mạnh tinh
thần đặc biệt. Con người ta biết mình và biết người rõ nhất là khi hoạn nạn,
như một câu hát bảo là “rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”.
Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viết: “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”
(Truyện Kiều). Tương tự như thế, trái tim con người trong nhạc Trịnh Công Sơn
đã bộc lộ hình thù, vóc dáng và sức mạnh nội sinh rõ nét nhất qua những trạng
huống thử thách ghê gớm của nhân sinh: vết thương, niềm tuyệt vọng và cái chết.
Trong nhạc Trịnh Công
Sơn, từ “vết thương” có tần số xuất hiện khá lớn: “Đời sẽ buồn như một vết
thương” (Như một vết thương), “Ngủ đời yên đi con, như vết thương đau
ngủ buồn” (Vết lăn trầm), “Trong trái tim con chim đau nằm yên, ngủ dài
lâu mang theo vết thương sâu” (Để gió cuốn đi), “Người còn đứng như trăm
năm vết thương chưa mờ” (Phúc âm buồn), “Một vết thương thôi riêng cho
một người” (Hoa vàng mấy độ), “Tay em vẫn còn dựng đời bão lên, làm từng
vết thương hồn nhiên” (Tưởng rằng đã quên), “Tên em là vết thương khô” (Khói
trời mênh mông), “Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô” (Rồi
như đá ngây ngô). Vết thương lòng hầu như đời người ai chẳng có, có khi nguôi
ngoai, “tên em là vết thương khô”, có khi khó lành, “như trăm năm vết
thương chưa mờ”, vậy thái độ sống tích cực là không tránh né mà hãy đón
nhận “vết thương” một cách bình thản, hồn nhiên “như đá ngây ngô”. Con người ta
không chỉ biết ngẩng đầu mà còn phải biết cúi đầu nữa. Dĩ nhiên không phải là
cúi đầu nịnh bợ trước cường quyền hay cúi đầu khuất phục trước bạo lực mà là “Cúi
xuống thật gần” để trải nghiệm những cõi miền sâu thẳm của nhân thế, để
thấu tỏ những nỗi niềm trắc ẩn của người đời: “Cúi xuống nghe đời nhấp nhô,
nghe tim rạn vỡ, nghe trong tuổi nhỏ khóc oà, cúi xuống bên bờ xót xa, trên cơn
lửa đỏ trên khuôn mặt đã im lìm”. Nhà thơ Lý Bạch từng cúi đầu nhớ quê cũ:
“Đê đầu tư cố hương”, nhà thơ Cao Bá Quát từng cúi đầu lạy hoa mai thanh
cao: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, còn Trịnh Công Sơn nói đến một
nghĩa cử nhân văn thống thiết hơn cả cúi là quỳ: “Lòng tôi có đôi lần khép
cửa, rồi bên vết thương tôi quỳ” (Đêm thấy ta là thác đổ). Quỳ bên “vết
thương”, quỳ trước nỗi đau nhân thế, chiều kích con người thu bé lại tưởng
chừng đến tội nghiệp nhưng chiều kích trái tim bao dung, vị tha lại mở lớn đến
vô cùng. Thu bé hơn nữa, con người không chỉ cúi mà còn lăn, lăn trầm thống với
phận người, lăn rớm máu với tình yêu. Trong thần thoại Hy Lạp, có câu chuyện về
nhân vật Sisyphus dám bắt thần chết trói lại để cho con người khỏi phải chết,
và Sisyphus đã bị trừng phạt khổ sai chung thân vì tội này: suốt đời phải lăn
một tảng đá lên đỉnh núi, lăn lên gần đến đỉnh, tảng đá lại rớt xuống, Sisyphus
lại phải lăn lên, cứ “lăn lên, rớt xuống, lăn lên” như vậy trong nỗi hoài công
nhọc nhằn. Câu chuyện khổ sai lăn đá này, nói theo cách của triết học hiện sinh
là “phi lý” đã được Trịnh Công Sơn mượn để diễn tả phận người: “Người chợt
nhớ mình như đá, đá lăn vết lăn buồn...
Như trùng dương đêm mắt thâm còn nghe
ngóng, đá lăn vết lăn trầm” (Vết lăn trầm), “Ta lăn đời đã quá đôi tay
vẫn còn ôm mịt mùng” (Tình xót xa vừa). Nhưng có “lăn đời” cho dẫu là “phi
lý”, “hoài công” từ đó mới có “vết thương” của sự trải nghiệm. Có lẽ với nhạc
Trịnh, đời người “lăn đá” nhiều nhất là trong tình yêu: “Tôi xin làm đá cuội và
lăn theo gót hài” (Biết đâu nguồn cội). Nhưng không phải là lăn bằng mọi giá,
cũng có khi đá không lăn nữa vì không còn gặp được một tâm hồn đồng điệu: “Từ
trăng thôi là nguyệt, mỏi mê đá thôi lăn” (Nguyệt ca). Còn ra, khi đã yêu
nồng nàn, đã nhận lãnh “vết thương” của đời thì không chỉ “đá lăn” mà cả trái
tim cũng lăn rớm máu: “Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn, trên
giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm” (Ru ta ngậm ngùi). “Vết
thương” lòng của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn cho dẫu có lúc tái tê,
buốt nhói và rớm máu nữa nhưng nó mang một chiều kích sâu thẳm của sự thức ngộ.
Trong một bài viết của mình, Trịnh Công Sơn gọi đó là “Vết thương tỉnh thức” và
lý giải: “Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó. Nó nằm chờ được thức dậy
một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương. Nhưng vết
thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là
một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó
là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm
hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết
thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó
thẳng tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó là không có một vết thương nào
vô tư mà được sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như khi trời đất trở dạ làm
thành một cơn giông bão”.
Trái tim mang “vết
thương tỉnh thức” trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng chính là trái tim biết bền bỉ
chống chọi với niềm tuyệt vọng, đấy chính là “biện chứng của tâm hồn”. Phật dạy
rằng: “Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng”. Trịnh Công Sơn hẳn
đã nhiều phen đối mặt với nguy cơ “phá sản tâm hồn” này của tuyệt vọng nên đã
đúc kết triết lý hẳn hoi về niềm tuyệt vọng: “Có những ngày tuyệt vọng cùng
cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau...Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng
để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa...Và như thế, tôi đang yêu thương
cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng” (Tin vào niềm tuyệt vọng). Kinh
nghiệm nhân sinh cho thấy, dỗ lòng người đã khó, dỗ lòng mình đôi khi còn khó
hơn. Nhưng khi nghe nhạc Trịnh, con người đã tự dỗ lòng mình vươût qua được
những cơn “khó sống” và biết cười với gian nan: “Có điều gì gần như niềm
tuyệt vọng, rơi rất gần rơi xuống trong tôi, có nhiều khi rơi xuống bên đời,
trong gian nan nên cất tiếng cười” (Gần như niềm tuyệt vọng). Trong một ca
khúc không viết về tâm trạng “gần như” nữa, không viết mon men niềm tuyệt vọng
mà viết thẳng về cuộc đối mặt sinh tử và chống chọi mất còn với tuyệt vọng, ca
khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, Trịnh Công Sơn đã dỗ lòng, đã dắt hồn bấu
víu vào những nấc thang chống chọi với vực thẳm tuyệt vọng, để từ đó, cho dẫu
trong đau thương, tâm hồn con người vẫn thăng hoa đến một chiều kích siêu việt,
bởi “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” (Kinh Phật), nên chiến
thắng lớn nhất là chiến thắng chính mình. Nấc thang thứ nhất là hiểu và nắm bắt
được lẽ đời biến dịch, mất còn để từ đó có sự bình tâm: “Đừng tuyệt vọng,
tôi ơi đừng tuyệt vọng, lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”, “Đừng tuyệt
vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, nắng vàng phai như một nỗi đời riêng”. Nấc
thang thứ hai là thấu triệt chân lý minh triết phương Đông: thấy được mối liên
hệ mật thiết giữa mọi sự vật, thấy được cái Một trong thiên hình vạn trạng sự
vật, tức thấy được “vạn vật đồng nhất thể”. Trang Tử nói: “Người cùng tạo
hoá hợp làm một rồi, thì đi đâu mà không phải là mình” (Minh nhiên dữ tạo
hoá vi nhất, tắc vô vãn như phi ngã dĩ). Người và tạo hoá đã vậy, huống gì người
với người, em với tôi lại không là Một: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt
vọng, em là tôi và tôi cũng là em”. Nấc thang thứ ba bám chặt vào bản thể,
tìm thấy sức mạnh bất diệt của tình yêu trần thế từ trong bản thể: “Tôi là
ai, là ai, là ai...mà yêu quá đời này”. Nấc thang thứ tư là giữ được tâm
thế hồn nhiên của con người thuở “nhân chi sơ”, chưa từng biết đến âu lo, để
cho đời luôn thấy được bình minh: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng,
em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Con người đánh mất sự hồn nhiên ban sơ
có thể sẽ mắc vào những hệ luỵ trầm trọng của đời, nguy cơ dẫn đến vực thẳm
tuyệt vọng, cho nên con người trong nhạc Trịnh “thèm tuổi hồn nhiên ngồi
nhìn trời xanh” (Vẫn nhớ cuộc đời). Nấc thang thứ năm là nấc thang “đắc
đạo” của người đã dày công “tu luyện” qua cơn tuyệt vọng, thấu triệt mọi kinh
nghiệm về nỗi khổ đau trong cõi đời này, đủ sức “đánh bạn” với nỗi sầu, thậm
chí còn nuôi nỗi sầu để thêm yêu cuộc đời ngắn ngủi như tình nhân biết nuôi
giọt nước mắt để thấm thía cái giá của hạnh phúc: “Có đường xa và nắng chiều
quạnh quẽ, có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”.
Con người trải nghiệm
“vết thương”, chiến thắng niềm tuyệt vọng là con người không ngại đối mặt với
cái chết, một “cửa ải khủng khiếp” của nhân sinh, một vấn nạn đau đầu của những
nhà triết học. Nhạc Trịnh trở trăn, suy ngẫm, trầm tư, triết lý miệt mài không
chán về cái chết. Không chỉ là cái chết đến theo “hạn kỳ” của đời người: “Có
một ngày bạc đầu tôi đi tôi đi” (Có một ngày như thế), mà còn là cái chết
được “tiên tri”, cái chết tiềm ẩn trong sự sống: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm
mộ” (Cỏ xót xa đưa), “Trong xuân thì thấy bóng trăm năm” (Gần như
niềm tuyệt vọng). Thường thì, con người càng có bề dày tuổi tác, càng giàu vốn
sống, càng có nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời nhưng không ai trải nghiệm
được về cái chết cả, ngoại trừ chứng kiến cái chết của đồng loại mà thôi. Thế
mà với nhạc Trịnh, con người dường như “trải nghiệm” được cả cái chết của chính
mình: “Bỗng một hôm qua phố hoang tàn, tôi quen như tôi đã có lần” (Gần
như niềm tuyệt vọng), “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu
quạnh). Bởi vậy, thái độ sống của con người trong nhạc Trịnh được xác định là:
“Không xa đời và cũng không xa mộ người” (Đời cho ta thế). “Cái chết” là
một trong những phạm trù của triết học hiện sinh. Triết gia Đức Heidegger coi
con người là một hữu-thể-đang-chết, là “hữu-thể-cho-cái-chết”, hữu thể để chết,
chỉ khi cảm thấy mình luôn luôn đứng trước cái chết, con người mới nhìn thấy
giá trị phong phú của từng giây, từng phút trong cuộc đời. Bàn đến cái chết là
vấn đề không mới trong triết học và tôn giáo xưa nay, đóng góp của Trịnh Công
Sơn là từ sự trầm tư, suy nghiệm về cái chết đã làm bật lên cái giá cao quý của
sự sống, sức mạnh của tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, sự bừng nở chiều
kích vô biên của trái tim từ tâm, từ bi của con người. Ca khúc “Chiếc lá thu
phai” cảm nhận cực nhạy về sự tàn phai, sự lão hoá sẽ đến với kiếp người: “Chiều
hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay”. Nhưng con
người không buông xuôi tuyệt vọng mà tìm cách chọi lại sự tàn phai, sự hữu hạn
của kiếp người bằng việc “thu xếp” lại đời: ngày vẫn trôi qua theo nếp ngày,
nhưng không trôi qua trong vô vị, hối tiếc vì trái tim yêu đời và khát sống đã
đập nhịp bất thường: “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm
những lúc yêu người”. Sống với nhịp đập vội vàng này, con người không phải
lúc nào cũng bị động chạy theo thời gian nữa mà “có nhiều khi” đã đón bắt và đi
vượt thời gian, bằng năng lực “siêu việt” của trái tim đập mạnh, thậm chí, con
người còn bù đắp được cho sự thiếu hụt, sự hữu hạn của thời gian nữa: “Hãy
yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm” (Hãy yêu nhau đi). Theo nhà vật lý học
lừng danh Albert Einstein, khi một vật chuyển động với vận tốc gần với vận tốc
ánh sáng, vật đó sẽ có khối lượng tăng lên và trường lực hấp dẫn tăng theo.
Cũng giống như vậy, con người “đi nhanh hơn thời gian” trong nhạc Trịnh mang
trái tim nặng trĩu với trường lực hấp dẫn mạnh để trở thành nơi trú ngụ cho mọi
niềm bất an trong cõi đời bể dâu, sóng gió: “Trái tim cho ta nơi về nương
náu, được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều” (Hãy yêu nhau đi), “Tim
em người trọ là tôi, mai kia về chốn xa xôi cũng gần” (Ở trọ).
Ý thức sâu sắc về “cái
chết” vì quá yêu cuộc sống, vấn đề cốt lõi đặt ra với con người là “về thu xếp
lại” cuộc sống và cái chết một cách có ý nghĩa nhất. Trong bài viết “Một cõi đi
về” (tựa đề trùng tên với ca khúc nổi tiếng), Trịnh Công Sơn đã triết lý rạch
ròi về ý nghĩa của sự sống, chết, mất, còn: “Chết là sự tan biến của thể
xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà
tưởng chừng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi
người...Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn”. Con
người sống với nhau không tranh giành, đua chen danh lợi nhất thời: “Một đời
với những đua chen lâu dài, người người còn tiếp nối người” (Một lần thoáng
có), không sân si, thù hận, hãm hại đồng loại: “Biển sóng biển sóng đừng xô
tôi, đừng xô tôi ngã giữa tim người, biển sóng biển sóng đừng âm u, đừng nuôi
trong ấy trái tim thù” (Sóng về đâu) mà sống với báu vật truyền đời là trái
tim bao la, sống với nhân cách cao thượng, con người sẽ có năng lực sống siêu
việt, nghĩa là vẫn sống sau khi đã chết: “Chìm dưới cơn mưa, một người chết
đêm qua, chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu” (Chìm dưới cơn mưa).
”Bao nhiêu năm bỗng
lại nhiệm mầu”
Như thế, nhạc Trịnh đã
trở thành báu vật tâm hồn của triệu triệu con người. Từ sự phát hiện ra những
chiều kích bay bổng thần tiên của kiếp người: “Ôi tóc em dài đêm thần thoại” (Gọi
tên bốn mùa), “Tôi xin năm ngón tay em thiên thần” (Lời buồn thánh), “Ôi
quê hương thần thoại thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai” (Xin
mặt trời ngủ yên) đến việc nâng đỡ con người bình tâm lại bên bờ vực tuyệt
vọng. Nhạc Trịnh là thứ nhạc thuốc thang cho những tâm bệnh của con người, làm
dịu đi, làm lành lại những vết thương lòng: “Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm
mầu, trả nợ một lần quên hết tình đau” (Xin trả nợ người). Nhạc Trịnh
đã khám phá không mệt mỏi tính chất “siêu việt hoá” trong năng lực chống chọi
của con người trước niềm đau và cái chết. Bởi thế nên nhạc Trịnh đã vượt thời
gian, một điều kỳ diệu mà người ta chỉ tìm thấy trong thế giới của Từ Thức hay
trong thế giới theo “thuyết tương đối” của Albert Einstein: một năm Từ Thức
sống với Giáng Hương ở cõi tiên bằng hai trăm năm của trần gian, một năm du
lịch trên con tàu trong vũ trụ với vận tốc cực nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng
theo Albert Einstein sẽ dài bằng vài thế kỷ trên địa cầu, cũng như thế, một
ngày sống với “những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng” (Những
con mắt trần gian), một lần “để người về hát đêm hồng địa đàng còn in dấu
chân” (Dấu chân địa đàng) có giá trị bằng trăm ngày, trăm đêm bình
thường trên trần thế.
Báo Quảng Trị, tháng
8 năm 2007
Tư liệu:
1- Con đường đi vào
thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nguyễn Đăng Mạnh, NXB Giáo dục, 1996, trang
199-200
2- Trịnh Công Sơn
những ám ảnh nghệ thuật, Bùi Vĩnh Phúc, in trong sách: "Một cõi Trịnh Công
Sơn", NXB Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, trang
249
Nguồn: Văn
nghệ Sông Cửu Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét