Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh
Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn"
(Phạm Quỳnh)
(Phạm Quỳnh)
Bài diễn thuyết về Truyện Kiều này được Phạm Quỳnh đọc nhân lễ
kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng
8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức. Bài được đăng lại tại
Tạp chí Nam Phong số 86. Bài diễn thuyết này mở đầu cho một cuộc tranh cãi nổi
tiếng vào đầu thế kỷ XX, được người sau mệnh danh là Vụ án truyện Kiều...
Phạm Quỳnh (17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 9 năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà
báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên
phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay
tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút
danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.
Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến
Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến
Hôm nay là ngày giỗ cụ
Tiên-điền Nguyễn Tiên-sinh, là bậc đại-thi-nhân của nước Nam ta, đã làm ra bộ
văn-chương tuyệt-tác là truyện Kim-Vân-Kiều.
Ban Văn-học Hội Khai-trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ-niệm để nhắc lại cho quốc-dân nhớ đến công-nghiệp[1] một người đã gây-dựng cho quốc-âm ta thành văn-chương, để lại cho chúng ta một cái « hương hỏa » rất quí-báu, đời đời làm vẻ-vang cho cả giống-nòi.
Chúng tôi thiết-nghĩ một bậc có công với văn-hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ-niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ-niệm chung của cả nước.
Hiện nay suốt quốc-dân ta, trên từ hàng thượng-lưu học-thức, dưới đến kẻ lam-lũ làm ăn, bất-cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết truyện Kiều, ai ai cũng thuộc truyện Kiều, ai ai cũng kể truyện Kiều, ai ai cũng ngâm truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công-nghiệp của Cụ Tiên-điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Cụ và nghĩ đến cái ơn của Cụ tác-thành cho tiếng nước nhà.
Muốn cảm cái ơn ấy cho đích-đáng, hẵng thử giả-thiết Cụ Tiên-điền không xuất-thế[2], Cụ Tiên-điền có xuất-thế mà quyển truyện Kiều không xuất-thế, quyển truyện Kiều có xuất-thế mà vì cớ gì không lưu-truyền, thời tình-cảnh tiếng An-Nam đến thế nào, tình-cảnh dân-tộc ta đến thế nào?
Văn-chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn-chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư[3] Phúc-âm[4] của cả một dân-tộc, ví lại khuyết nốt thì dân-tộc ấy đến thế nào?
Than ôi! mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng-sốt, rụng-rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan-tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp[5] rung đùi, lên giọng cao-ngâm:
Lơ-thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa-mai,
hay là:
Phong-trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì,
bỗng thấy trong lòng vui-vẻ, trong dạ vững-vàng, muốn nhẩy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo-nghễ với non sông mà tự-phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...
Ban Văn-học Hội Khai-trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ-niệm để nhắc lại cho quốc-dân nhớ đến công-nghiệp[1] một người đã gây-dựng cho quốc-âm ta thành văn-chương, để lại cho chúng ta một cái « hương hỏa » rất quí-báu, đời đời làm vẻ-vang cho cả giống-nòi.
Chúng tôi thiết-nghĩ một bậc có công với văn-hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ-niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ-niệm chung của cả nước.
Hiện nay suốt quốc-dân ta, trên từ hàng thượng-lưu học-thức, dưới đến kẻ lam-lũ làm ăn, bất-cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết truyện Kiều, ai ai cũng thuộc truyện Kiều, ai ai cũng kể truyện Kiều, ai ai cũng ngâm truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công-nghiệp của Cụ Tiên-điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Cụ và nghĩ đến cái ơn của Cụ tác-thành cho tiếng nước nhà.
Muốn cảm cái ơn ấy cho đích-đáng, hẵng thử giả-thiết Cụ Tiên-điền không xuất-thế[2], Cụ Tiên-điền có xuất-thế mà quyển truyện Kiều không xuất-thế, quyển truyện Kiều có xuất-thế mà vì cớ gì không lưu-truyền, thời tình-cảnh tiếng An-Nam đến thế nào, tình-cảnh dân-tộc ta đến thế nào?
Văn-chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn-chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư[3] Phúc-âm[4] của cả một dân-tộc, ví lại khuyết nốt thì dân-tộc ấy đến thế nào?
Than ôi! mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng-sốt, rụng-rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan-tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp[5] rung đùi, lên giọng cao-ngâm:
Lơ-thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa-mai,
hay là:
Phong-trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì,
bỗng thấy trong lòng vui-vẻ, trong dạ vững-vàng, muốn nhẩy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo-nghễ với non sông mà tự-phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...
Có nghĩ cho xa-xôi, cho thấm-thía, mới hiểu rằng truyện Kiều đối với vận-mệnh
nước ta có một cái quí-giá vô-ngần.
Một nước không thể không có quốc-hoa, truyện Kiều là quốc-hoa của ta; một nước
không thể không có quốc-túy, truyện Kiều là quốc-túy của ta; một nước không thể
không có quốc-hồn, truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái « văn-tự
»[6] của giống Việt-Nam ta đã « trước-bạ »[7]với non
sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau[8] cắt rốn,
gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ,
đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn-tự văn-khế phân-minh,
chứng-nhận cho ta có cái quyền sở-hữu chính-đáng. Mãi đến thế-kỷ mới rồi mới có
một đấng quốc-sĩ[9], vì nòi-giống, vì đồng-bào, vì tổ tiên, vì hậu-thế,
rỏ máu làm mực, « tá-tả »[10] một thiên văn-khế tuyệt-bút,
khiến cho giống An-Nam được công-nhiên[11], nghiễm-nhiên[12],
rõ-ràng, đích-đáng làm chủ-nhân-ông một cõi sơn-hà gấm vóc.
Đấng quốc-sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên-điền ta vậy. Thiên văn-khế ấy là gì? Là quyển
truyện Kiều ta vậy.
Gẫm trong người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
Báu ấy mà lọt đến tay ta, thật cũng là một cái phúc-duyên cho ta, nhưng báu ấy
ở trong tay Cụ lại chính là một cái túc duyên[13] của Cụ. Thiên
văn-tự tuyệt-bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết-tinh lại
mà thành ra, những khi đêm khuya thanh-vắng vẫn thường tỉ-tê thánh-thót trong
lòng ta, như
Giọt sương gieo nặng cành xuân la-đà
vậy.
Cái áng văn-chương tuyệt-tác cho người đời đó, an-tri lại không phải là một
thiên lịch-sử thống-thiết của tác-giả?
Truyện Kiều quan-hệ với thân-thế Cụ Tiên-điền thế nào, lát nữa ông Trần
Trọng-Kim sẽ diễn-thuyết tường để các ngài nghe.
Nay tôi chỉ muốn biểu-dương cái giá-trị của truyện Kiều đối với văn-hóa nước
ta, đối với văn-học thế-giới, để trong buổi kỷ-niệm này đồng-nhân cảm biết cái
công-nghiệp của bậc thi-bá nước ta lớn-lao to-tát là dường nào.
Đối với văn-hóa nước nhà, cái địa-vị truyện Kiều đã cao-quí như thế; đối với
văn-học thế-giới cái địa-vị truyện Kiều thế nào?
Không thể so-sánh với văn-chương khắp các nước, ta hẵng so-sánh với văn-chương
hai nước có liền-tiếp quan-hệ với ta, là văn-chương Tàu và văn-chương Pháp.
Văn-chương Tàu thật là mông-mênh bát-ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn
bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với truyện Kiều, mà xét cho kỹ có lẽ
không có sách nào giống như truyện Kiều. Gốc truyện tuy do một bộ tiểu-thuyết
Tàu mà ra, nhưng vào tay Cụ Tiên-điền ta biến-hóa hẳn, siêu-việt ra ngoài cả
lề-lối văn-chương Tàu, đột-ngột như một ngọn cô-phong ở giữa đám quần-sơn
vạn-hác vậy. Có người sánh truyện Kiều với Li-tao, nhưng Li-tao là một bài
than, từ đầu đến cuối toàn một giọng bi-đát thảm-thương, so với Cung-oán của ta
có lẽ đúng hơn. Có người lại sánh với Tây-xương, nhưng Tây-xương là một bản
hát, từ-điệu có véo-von, thanh-âm có réo-rắt, nhưng chẳng qua là một mớ ca-từ
cho bọn con hát, không phải là một nền văn-chương chân-chính. Cứ thực thì
truyện Kiều dẫu là đầm-thấm cái tinh-thần của văn-hóa Tàu, dẫu là dung-hòa
những tài-liệu của văn-chương Tàu, mà có một cái đặc-sắc văn-chương Tàu không
có. Cái đặc sắc ấy là sự « kết-cấu ». Nhà văn, nhà thơ Tàu, ngoài những bài thơ
bài văn nho-nhỏ ngăn-ngắn, phàm làm sách chỉ biết cách biên-tập, không sành
cách kết-cấu. Biên-tập là cóp-nhặt mà đặt liền lại; kết-cấu là thu-xếp mà
gây-dựng lên, thế nào cho thành một cái toàn-bức các bộ-phận điều-hòa thích-hợp
với nhau, không thêm bớt được chút nào. Truyện Kiều là một cái toàn-bức như
thế, mà là một bức tranh thế-thái nhân-tình vẽ sự đời như cái gương tầy liếp
vậy.
Xét về cách kết-cấu thì văn-chương nước Pháp lại là sở-trường lắm. Cho nên
truyện Kiều có thể sánh với những áng thi-văn kiệt-tác của quí-quốc, như một
bài bi-kịch của Racine hay một bài văn tế của Bossuet vậy. Đó là nói về cái
thể-tài văn-chương. Còn về đường tinh-thần thời trong văn-học Pháp có hai cái
tinh-thần khác nhau, là tinh-thần cổ-điển và tinh-thần lãng-mạn. Tinh-thần
cổ-điển là trọng sự lề-lối, sự phép-tắc; tinh-thần lãng-mạn là trong sự
khoáng-đãng, sự li-kỳ. Truyện Kiều gồm được cả hai cái tinh-thần ấy, vì vừa có
cái đạo-vị thâm-trầm của Phật-học, vừa có cái nghĩa-lý sáng-sủa của Nho-học,
vừa có cái phong-thú tiêu-dao của Trang Lão, lấy lẽ phải ông Khổng mà chế lại
sự thần-bí của nhà chùa, sự khoáng-dật của hai họ. Nhưng mà ngay trong
văn-chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như truyện Kiều, vì
truyện Kiều có một cái đặc-sắc mà những nền kiệt-tác trong văn-chương Pháp
không có. Đặc-sắc ấy là sự « phổ-thông ». Phàm đại-văn-chương, không những ở
nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng-lưu học-thức mới
thưởng-giám được, kẻ bình-dân không biết tới. Người Pháp không phải là ai ai
cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thời ai ai cũng
biết ngâm Kiều, kể Kiều, « lẩy » Kiều để ứng-dụng trong sự ngôn-ngữ thường, kẻ
thông-minh hiểu cách thâm-trầm, kẻ tầm-thường hiểu cách thô-thiển, nhưng
ngâm-nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.
Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn-chương nào cảm người được sâu và được
rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một truyện Kiều ta là có thể tự-cao với
thế-giới là văn-chương chung của cả một dân-tộc 18,20 triệu người, già, trẻ,
lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.
Như vậy thì truyện Kiều, không những đối với văn-hóa nước nhà, mà đối với
văn-học thế-giới cũng chiếm được một địa-vị cao-quí.
Văn-chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ-vang với
thiên-hạ, tưởng cũng là một cái kỳ-công có một trong cõi văn thế-giới vậy.
Cái kỳ-công ấy lại dũ-kỳ nữa là ngẫu-nhiên mà dựng ra, đột-nhiên mà khởi lên,
trước không có người khai đường mở lối, sau không có kẻ nối gót theo chân,
đột-ngột giữa trời Nam như cái đồng-trụ để tiêu-biểu tinh-hoa của cả một
dân-tộc. Phàm văn-chương các nước, cho được gây nên một nền thi-văn kiệt-tác,
phải bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà văn, trong bao nhiêu năm lao-công
lục-lực, vun-trồng bón-xới mới thành được. Nay bậc thi-bá nước ta, đem cái
thiên-tài ít có trong trời đất, đúc cái khí thiêng bàng-bạc trong non sông, một
mình làm nên cái thiên-cổ-kỳ-công đó, dẫu khách thế-giới cũng phải bình-tình mà
cảm-phục, huống người nước Nam được trực-tiếp hưởng-thụ cái ơn-huệ ấy lại chẳng
nên ghi-tạc trong lòng mà thành-tâm thờ-kính hay sao?
Cuộc kỷ-niệm hôm nay là chủ-ý tỏ lòng quốc-dân sùng-bái cảnh-mộ Cụ Tiên-điền
ta; lại có các quí-hội-viên Tây và các quí-quan đến dự cuộc là để chứng-kiến
cho tấm lòng thành-thực đó. Nhưng còn có một cái ý-nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ
này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc-sĩ.
Thác là thể phách, còn là tinh anh,
áng tinh-trung thấp-thoáng dưới bóng đèn, chập-chừng trên ngọn khói, xin
chứng-nhận cho lời thề của đồng-nhân đây. Thề rằng: « Truyện Kiều còn, tiếng ta
còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ
hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà,
cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một
tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh,
ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây! »
Chú thích:
1) công nghiệp: Công lao và sự nghiệp đối với xã hội.
2) xuất thế: ra đời, nói một cách trân trọng.
3) Thánh thư: sách Thánh.
4) Phúc âm: Tin lành.
5) dịp: nhịp.
6) văn tự: giấy tờ do hai bên thỏa thuận ký kết mua bán.
7) trước bạ: đăng ký văn tự với một cơ quan nhà nước để có tính pháp lý.
8) rau: nhau.
9) quốc sĩ: người tài nổi tiếng trong cả nước.
10) tá tả: viết dùm người khác.
11) công nghiên: một cách công khai.
12) nghiễm nhiên: (thực hiện) một cách tự nhiên và đàng hoàng, điều mà trước đó không ai ngờ.
13) túc duyên: duyên sẵn từ kiếp trước.
1) công nghiệp: Công lao và sự nghiệp đối với xã hội.
2) xuất thế: ra đời, nói một cách trân trọng.
3) Thánh thư: sách Thánh.
4) Phúc âm: Tin lành.
5) dịp: nhịp.
6) văn tự: giấy tờ do hai bên thỏa thuận ký kết mua bán.
7) trước bạ: đăng ký văn tự với một cơ quan nhà nước để có tính pháp lý.
8) rau: nhau.
9) quốc sĩ: người tài nổi tiếng trong cả nước.
10) tá tả: viết dùm người khác.
11) công nghiên: một cách công khai.
12) nghiễm nhiên: (thực hiện) một cách tự nhiên và đàng hoàng, điều mà trước đó không ai ngờ.
13) túc duyên: duyên sẵn từ kiếp trước.
Theo chungta.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét