Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Gửi nỗi nhớ quê nhà vào âm nhạc

Gửi nỗi nhớ quê nhà vào âm nhạc


Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng
Khi gửi lòng mình về quê hương, người đi xa thường mượn âm nhạc để xoa dịu bớt nỗi buồn nơi đất khách. Đó cũng là trường hợp của nhạc sĩ 
Nguyễn Tất Tùng - một người con miền Trung nửa cuộc đời xa quê - luôn nặng lòng gửi vào từng lời ca điệu hát. 
Nỗi nhớ chảy “tràn” vào ca khúc
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng, chính sự xa cách đã tạo nên độ nén cảm xúc để người nghệ sĩ có những giây phút thăng hoa trong sáng tác. Kỷ niệm đôi khi nhạt nhòa theo năm tháng, thế nhưng khi cầm bút sáng tác thì bao nhiêu ký ức chưa kịp ngủ quên đã ùa về. Trước khi là một nhạc sĩ phải là một thi sĩ, đó là điều Nguyễn Tất Tùng luôn mong muốn. Anh đưa ra nguyên tắc vàng trong sáng tác: “Không chỉ giỏi âm nhạc mà nhạc sĩ cần có khả năng tạo lời qua cách nói ví von, bóng bẩy, nhưng lại chân quê, mộc mạc và gần gũi”. Với anh, cụm từ “ca từ đẹp” nghe đơn giản nhưng để có được sự trau chuốt, đạt tới chuẩn mực không hề đơn giản chút nào. Điều này đòi hỏi vốn liếng ngôn ngữ và tài năng của một nhạc sĩ. Đó là khả năng thẩm thấu văn học mà không phải người nào cũng có được. Là người con xứ Nghệ, ngay từ nhỏ anh đã được tắm mình trong không khí của văn chương và các làn điệu ví dặm quê nhà. Dân ca ví dặm đã nuôi dưỡng tâm hồn người dân núi Hồng sông Lam thành người nghệ sĩ của đồng quê. Cho nên dù có đi đâu xa thì họ vẫn nao lòng nhớ về quê hương nhất là khi được nghe lại những làn điệu dân ca quen thuộc. Âm nhạc không chỉ giải tỏa tâm hồn người nghệ sĩ mà còn làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà của người thưởng thức. Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng chia sẻ: “Để có những ca khúc thành công, nghệ sĩ phải hiểu con người của từng vùng miền với những suy tư riêng biệt. Không chỉ thâm nhập cuộc sống mà còn phải biết quan sát tỉ mỉ lối sống, cách nghĩ của từng địa phương để có những ngôn từ chính xác và phù hợp nhất”. Cũng theo anh, quan trọng hơn là phải nắm được chất liệu âm nhạc vùng miền, hiểu rõ quãng âm và điệu thức để có những ca khúc biết nói hộ lòng người. Đi xa quê hơn nửa cuộc đời đằng đẵng, phải chăng đó cũng là may mắn của anh để có những ca khúc da diết nỗi lòng như Nhớ chiều quê, Nặng tình cố hương, Miền Trung trong tôi… Anh cho biết: “Ai xa quê mà không có nỗi nhớ hoài hương. Càng đi xa nỗi nhớ về tuổi thơ, gia đình và tình yêu thời tuổi trẻ càng đong đầy”.
Thủy chung với dòng nhạc quê hương
Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng chia sẻ: “Muốn hát được nhạc của vùng quê nào thì người ca sĩ phải có kiến thức am hiểu về vùng quê đó vì mỗi vùng quê có đặc thù khác nhau. Nhưng trước hết họ phải có chất giọng tốt, giọng hát hay trữ tình. Điều đó đã được NSND Thu Hiền, NSƯT Vân Khánh, ca sĩ Quang Linh, Quang Lê, Cẩm Ly… khẳng định. Tuy nhiên, người con của miền Trung thì có nhiều lợi thế hơn khi hát những ca khúc về miền Trung bởi vì chất dân ca sẽ có nhiều cơ hội thấm vào tâm hồn người nghệ sĩ hơn. Dù không sinh ra ở miền Trung nhưng khi sống gần gũi với mảnh đất này thì họ có thêm cơ hội hiểu con người và văn hóa nơi đây nên chắc chắn hát sẽ hay hơn nhiều”. Khi được hỏi: “Có phải ca sĩ trẻ bây giờ ít hát và không hát được các ca khúc mang âm hưởng dân ca?”, anh cho biết: “Muốn hát được nhạc mang âm hưởng dân ca người ca sĩ phải có bề dày bề sâu về trình độ hiểu biết. Kỹ thuật luyến láy cũng là một đòi hỏi cần thiết đối với những ca khúc nặng tình quê hương này. Thế nhưng, hiện nay các ca sĩ trẻ ít được tôi luyện do thiếu đam mê, từ đó dẫn đến hệ quả là không có chất giọng riêng. Những ai chỉ biết chạy theo thị hiếu tầm thường thì lại càng đánh mất giá trị văn hóa lâu bền trong dòng chảy âm nhạc truyền thống. Nếu không có chút năng khiếu bẩm sinh thì cũng khó thành công, mà khi đã không thành công thì họ đành rẽ sang con đường khác. Tuy nhiên, nhiều bài hát trong 2 album của tôi Đi tìm nắng hạ và Miền Trung trong tôi đã có một số ca sĩ trẻ hát rất thành công như Cao Thái Sơn, Tuấn Khang, Thiên Bảo, Nguyễn Phương Thanh (giải nhì Sao Mai 2011)… Bản thân tôi sẽ mãi thủy chung với dòng nhạc quê hương…”.
Bài, ảnh:  Quang Phan
Nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng (hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM) tốt nghiệp ĐH Âm nhạc Nhạc viện Hà Nội. Anh bắt đầu sáng tác năm 1995 với các tác phẩm quen thuộc như: Thương về xứ Nghệ, Nhớ về Quảng Trị (phỏng thơTạ Nghi Lễ), Trở về thăm Huế... Ngoài ra, Nguyễn Tất Tùng còn viết nhiều thể loại khác như nhạc phim (Đại gia không chồng, Ám ảnh xanh, Tình người xứ hoa) và chơi các nhạc cụ đàn bầu, guitar, đặc biệt là kèn dăm trong các vở kịch khi công tác tại Nhà hát tuồng Đào Tấn. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...