Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Guitarist Kim Chung: Tôi có khán giả của riêng mình

Guitarist Kim Chung: Tôi có khán giả của riêng mình

PNCN - Ẩn sau thân hình mảnh mai nhỏ nhắn và phong thái nhẹ nhàng là một Kim Chung “nam tính”, đầy sự quyết đoán và độc lập. Từ một cô bé bị bệnh thiếu máu, yếu ớt, với nhược điểm “lớn” là có hai bàn tay ngón ngắn (khó khăn trong việc sử dụng các nhạc cụ bằng tay), chỉ nhờ lòng đam mê, chị đã “vượt qua chính mình” để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn guitar cổ điển hàng đầu cả nước. Tốt nghiệp đại học (1999), rồi thạc sĩ (2009), được Nhạc viện TP.HCM giữ lại làm giảng viên hơn 10 năm nay.
Là người VN hiếm hoi được Nhạc viện Hoàng gia Madrid cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành guitar, cho đến nay, Kim Chung là nghệ sĩ guitar cổ điển duy nhất trong cả nước có bốn album độc tấu được thị trường chấp nhận. Trong năm 2013, chị có hai sự kiện đáng nhớ, đó là album thứ tư Mắt biếc (với chín bản nhạc Việt) ra đời trong sự chờ đón nồng nhiệt của công chúng, và có chuyến đi biểu diễn đầu tiên thành công tại Hà Nội trong chương trình Guitar Bắc - Nam (19/6).
* Cảm xúc của Kim Chung như thế nào khi lần đầu biểu diễn trước khán giả thủ đô?
- Phải nói là tôi hồi hộp nhiều hơn khi biểu diễn ở TP.HCM. Thực ra, Kim Chung được khán giả Hà Nội “theo dõi” từ khá lâu. Trước đó nhiều năm, tôi đã nhận được không ít cuộc gọi từ khán giả phía Bắc hỏi mua CD, hỏi cách chơi đàn, hỏi chừng nào ra Hà Nội diễn. Khi biết tôi sẽ tham gia chương trình guitar Bắc-Nam, họ đã lên Facebook, gọi điện thoại, gửi email trao đổi cũng như đặt vé trước, khiến tôi không khỏi căng thẳng, vì không biết mình có đáp lại sự yêu mến, có làm vừa lòng những người mến mộ mình không. Chuyến đi đó của tôi vì thế cũng phần nào mang ý nghĩa tri ân. Khán giả đến với tôi trong đêm diễn này phần lớn thuộc lứa tuổi trung niên, có lẽ từng nghe Kim Chung qua đĩa, nên đã tỏ ra nồng nhiệt, ân cần và lịch sự. Trước và sau buổi diễn, họ tặng hoa và chụp hình với tôi, từng người một. Trước tấm lòng của người hâm mộ, tôi hứa chắc chắn sẽ quay lại, vì biết khán giả ở đây vẫn mong chờ.
* Kim Chung đã có ba “liveshow” ở TP.HCM (năm 2003, 2006, 2011) và đang sẵn sàng cho lần diễn solo thứ tư. Vì sao chị thích diễn… một mình, không sợ người ta nghĩ mình kiêu kỳ?
- Chương trình riêng giúp tôi có thể chủ động về mọi mặt. Ai suy nghĩ sao là quyền của họ. Tôi nghĩ mình ít nhiều cũng có khán giả riêng. Nếu diễn chung, núp bóng người này, núp bóng người kia, tôi không biết có bao nhiêu người thích mình, không biết khán giả của mình là ai. Vì vậy, thực hiện đêm diễn riêng, cho dù vắng, tôi vẫn chấp nhận. Nhưng thực tế, qua ba lần tổ chức, lần nào cũng cháy vé nên tôi biết lượng fan của tôi không ít. Có lần, vào giờ chót, Trung tâm Văn hóa Q.Phú Nhuận, TP.HCM phải in thêm vé, thậm chí, có nhiều người chấp nhận đứng nghe.
* Gia đình có truyền thống kinh doanh, không ai đi theo nghệ thuật, vậy dựa vào đâu để Kim Chung chọn nghề, do năng khiếu hay nguyên nhân nào khác?
- Tôi chưa bao giờ tự lý giải xem vì sao mình theo nghề trong khi gia đình chỉ chuyên về kinh doanh. Chỉ nhớ rằng, năm tôi lên bốn tuổi, được chị Hai trong nhà dạy đánh mandolin. Trước đó, thấy chị yêu thích, mẹ tôi cho chị đi học như một phương tiện để giải trí. Khi biết chơi thành thạo mandolin, khoảng sáu, bảy tuổi tôi tự mày mò tập guitar vì trước đó, xem người ta biểu diễn trên ti vi, tôi đã thấy mê rồi. Nhỏ con, lại ốm yếu, vác cây đàn không nổi nên phải đến năm 11 tuổi, mẹ mới cho tôi sang nhà nhạc sĩ Lê Vinh Phúc ở cùng xóm thọ giáo guitar (modern), tập đánh những bản nhạc thiếu nhi. Khi tôi đậu chính quy vào trường nhạc, mẹ chiều con gái nên không nói gì song các anh chị em trong nhà, kể cả bà con họ hàng nội ngoại đều dè bỉu, phản đối, cho rằng nghề này chẳng đi tới đâu, học cho giỏi cũng để đi đánh nhà hàng, sẽ nghèo khổ, cùng lắm được vài tiếng vỗ tay, chẳng có gì sang trọng, trong khi gia đình có điều kiện cho tôi đi học bất kể nghề nào khác có tương lai xán lạn hơn. Hơn nữa, tôi bị bệnh thiếu máu, ốm yếu triền miên nên làm sao đánh guitar nổi. Nhưng mặc kệ, ai nói gì nói, tôi cứ học vì thấy quá yêu thích, càng học càng mê. 
* Kể từ đó đến nay đã trên dưới 30 năm, cuộc đời chị có ứng nghiệm giống như những dự báo “xám xịt” của người thân trước một thực tế không thể chối cãi là công chúng của dòng âm nhạc hàn lâm vẫn còn quá ít?
- Trong thời gian đi học, có lúc tôi cũng đi chơi đàn ở nhà hàng vì muốn chứng tỏ sự tự lập và để cho mình thêm dạn dĩ. Kiếm tiền đối với tôi không phải là mục đích. Những gì tôi có được ngày hôm nay, vượt xa hơn những điều tôi nghĩ. Thực ra, khi học guitar, tôi không đặt mục tiêu gì cụ thể hay cao xa, cứ đam mê là đâm đầu vào học. Bản tính không chịu thua chính mình nên bằng mọi cách phải đạt tới giới hạn có thể. Không đặt ra mục tiêu cụ thể nên không hề biết trước điều gì, chỉ khi nó gần tới, mình mới biết. Như khi thi xong, mới biết mình đạt một lúc ba giải cao trong cuộc thi Tài năng trẻ guitar toàn quốc (năm 1997); tốt nghiệp xong, mới biết mình được trường giữ lại làm giảng viên; khi cầm giấy báo học bổng trên tay, mới biết mình được đi du học Tây Ban Nha… Ngẫm nghĩ thấy mình có duyên với nghề. Bởi nhỏ con, yếu ớt như tôi, theo nghề nào cũng khó. Nghề biểu diễn guitar lại càng khó, vì trước hết phải cần có những ngón tay bự và dài.
* Vượt qua nhược điểm “bàn tay ngón ngắn” của Kim Chung được các thầy và bạn bè trong nghề xem như kỳ tích, hơn nữa lại trở thành một người có kỹ thuật reo dây (trimolo) đạt tới trình độ điêu luyện bậc nhất hiện nay. Vậy ngày còn đi học, có lúc nào nhược điểm đó khiến chị muốn bỏ nghề?
- Nói thật, ngày nhỏ, khi phải chịu đựng những ngón tay đau buốt, sưng tím hay bật máu, có lúc tôi cũng nghĩ hay mình thôi đi, dừng lại. Nhưng nó chỉ hiện ra trong thoáng chốc. Tôi nghĩ, trong cuộc sống cũng như trong kỹ thuật biểu diễn, có nhiều cách để đến được mục tiêu. Có người thuận lợi, họ đi đường thẳng. Mình thiếu điều kiện thì đi đường vòng. Đêm về, tôi luôn nằm nghĩ ra bí quyết để mình không phải tốn sức mà vẫn đạt được mục đích. Muốn có bí quyết, phải có sự trải nghiệm. Ăn thua mình có tìm ra được cách để vượt qua không. Có nhiều bài thầy không cho tôi học vì nghĩ rằng quá khó với những ngón tay của tôi, nhưng tôi quyết không chịu thua, về nhà tự mày mò tìm cách đánh cho được, đến khi xin thầy trả bài, thầy mới giật mình.
* Kỹ thuật điêu luyện và cái “hồn” của tác phẩm trình diễn, cái nào quyết định việc đánh giá đẳng cấp của một nghệ sĩ guitar? Chị có chủ ý chọn cho mình một trường phái âm nhạc nào để tạo dấu ấn riêng?
- Những người được học hành chính quy thì trình độ kỹ thuật là đương nhiên, ai cũng như nhau. Còn nói về cái “hồn” của tác phẩm thì mênh mang, mỗi người có một cái “hồn” theo quan điểm riêng. Theo tôi, quan trọng là chọn được cho mình một phong cách (style) không giống người khác. Đây mới chính là sự khác biệt. Trong nghề guitar cổ điển, mỗi thầy, mỗi nghệ sĩ đều có thế mạnh riêng trong từng thể loại, từng trường phái khác nhau. Tôi không chủ ý đi theo trường phái âm nhạc đặc biệt nào, chỉ muốn tạo dấu ấn thông qua phong cách làm sao chơi những bài “nặng” nhưng người nghe lại cảm thấy nhẹ nhàng. Qua chuyển soạn, làm phong phú lên những bản nhạc đơn giản.
* Sự đố kỵ trong giới làm nghệ thuật ở đâu cũng có. Là một cây guitar nữ hiếm hoi được những người thầy đánh giá cao và có fan hâm mộ đông bậc nhất cả nước hiện nay, chị làm thế nào để giữ cho tâm được bình yên?
- Tôi tránh làm những điều khiến người ta nghĩ mình muốn nổi trội và luôn biết sống hòa thuận với đồng nghiệp. Nghề chính của tôi là dạy học nên phải làm tròn trách nhiệm của người thầy. Bên cạnh đó, giữ cho cuộc sống riêng tư của mình đừng làm ảnh hưởng tới người khác.
* Kim Chung hiện vẫn độc thân, phải chăng chị sợ ràng buộc gia đình sẽ không được trọn vẹn với nghề?
- Phụ nữ muốn gia đình hạnh phúc thường phải hy sinh mọi thứ cho chồng con, nhất là trong quan niệm Á Đông. Bạn tôi nhiều người đã phải bỏ nghề, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tôi vốn có cá tính mạnh, từ nhỏ đã thích tự lập, không muốn lệ thuộc ai. Nghề nghiệp muốn đi tới cùng phải toàn tâm toàn ý. Tôi thà hy sinh cho nghề nghiệp. Sự chọn lựa này đem lại cho tôi hạnh phúc.
* Người ngoài nhìn vào ngành guitar cổ điển, thấy có chút chạnh lòng vì không ít nghệ sĩ giỏi được công chúng mến mộ một thời đã tìm con đường “sống khỏe” bằng nghề khác, khán giả guitar cũng không còn “nườm nượp” như những năm 1980. Vậy NS Kim Chung hạnh phúc nhờ điều gì?
Vào thập niên 1980, các loại hình giải trí ít nên hoạt động biểu diễn guitar trở thành sự chọn lựa của số đông. Bây giờ, khán giả ít hơn nhưng là những người thực sự yêu thích, giữa họ và nghệ sĩ có một sự thấu hiểu sâu xa. Đó mới là điều mà những người nghệ sĩ biểu diễn mong muốn. Hạnh phúc hay không còn do quan niệm của mỗi người. Hạnh phúc nhất với tôi bây giờ là được làm những điều mình thích. Nghề đã cho tôi một cuộc sống không giàu, song đầy đủ, thoải mái. Mặt khác, niềm hạnh phúc tinh thần đem lại cho tôi sự viên mãn. Nghề dạy học vừa vui, vừa cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, nhiều lứa tuổi. Khi tập bài cho các buổi biểu diễn hoặc làm CD, là lúc cực nhọc từ trí óc lẫn tay chân, có khi thu âm xong thấy đánh kiểu này không hay phải sửa đánh lại kiểu khác, nhưng khi tập được bài khó, vượt qua chính mình, tôi hạnh phúc vì thấy mình làm được một việc đẹp. Sau mỗi lần diễn, có khi cả đêm không ngủ được vì hạnh phúc.

Cát Vũ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...