Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Nghệ sĩ Kim Chung và câu chuyện cuộc sống bên cây đàn Guitar

Nghệ sĩ  Kim Chung và câu chuyện cuộc sống bên cây đàn Guitar

Ngón đàn điêu luyện của Kim Chung là kết tinh của tình yêu sâu sắc với guitar, đặc biệt là guitar cổ điển (classic guitar). Kim Chung không những được đánh giá là nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất về kỹ thuật tremolo (reo dây) mà tiếng đàn của cô gái bé nhỏ đến từ đất nước Việt Nam xa xôi còn thuyết phục được cả vị giáo sư, nghệ sĩ Jose Luis Rodrigo (Đại học hoàng gia Madrid, Tây Ban Nha – cái nôi của tây ban cầm), vốn từng là học trò giỏi nhất của đại danh cầm Andres Segovia.
Với Kim Chung, càng gắn bó với guitar, tình yêu của chị với tiếng tây ban cầm cổ điển càng nồng nàn hơn. Chung chơi guitar không phải bằng kỹ thuật nữa, mà bằng những xúc cảm gom góp từ cuộc sống và bằng linh hồn của những tác phẩm âm nhạc.
Niềm đam mê guitar cổ điển
Ngay từ khi còn rất nhỏ, được nghe các anh lớn trong gia đình chơi guitar mỗi dịp tụ họp, Kim Chung đã mê mẩn những ngón đàn và muốn được học. Đến năm lớp 3, Chung đã ngồi trên bục giảng và đàn hát “Cá sấu ghi-nê”. Những lúc đàn hát như thế, trong đầu cô gái bé nhỏ ấy vẫn luôn mơ ước một ngày được chơi classic như những nghệ sĩ chị vẫn được xem trên truyền hình. Để hiện thực hóa dần ước mơ cháy bỏng ấy, lên lớp 6, Chung chính thức vác đàn đi học. Thời đó, học bằng đàn dây sắt, cứ đứt lại nối, không quan tâm đến việc tay mình đã chịu đựng đau đớn như thế nào, với Chung, chỉ cần được chơi đàn là đủ vui, đủ thỏa mãn tất cả.

Tất cả đam mê, kiên nhẫn với guitar của Chung đã được đền đáp xứng đáng và thậm chí vượt qua cả ước mơ đơn giản là được chơi đàn. 15 tuổi, Chung đỗ vào khoa guitar của Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. 10 năm sau chị tốt nghiệp với thành tích xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên. Với những kết quả và thành tích đáng nể qua bao năm tháng gắn bó và khổ luyện với guitar, năm 2001, Kim Chung được Tổ chức AECI (Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha) trao học bổng toàn phần khóa đào tạo cao học chuyên ngành guitar của Nhạc viện Hoàng gia Madrid.
Không là thợ chơi đàn
Thời sinh viên và cả trước đó, Chung ôm đàn suốt ngày. Tiếng đàn điêu luyện, tinh tế nhưng chị vẫn cảm giác còn thiếu đủ thứ để bản nhạc trở nên có hồn thực sự. Khi sang đến Tây Ban Nha, được thọ giáo những nghệ sĩ bậc thầy về guitar, Kim Chung tự ý thức được rằng phải đọc nhiều, học nhiều hơn nữa, hiểu sâu hơn nữa các vấn đề về văn hóa cũng như các hoạt động của đời sống để tiếng đàn của mình không chỉ là những âm thanh được thực hiện bởi một người thợ chơi đàn, mà đó là tiếng đàn có một tầm cao mới: tiếng đàn bác học. Kim Chung cho rằng, chỉ có cách học hỏi không ngừng như thế mới có thể lấp đầy những cảm xúc trên từng ngón đàn. Và để “ngấm” một tác phẩm, nhiều khi chị mất đến cả một năm trời nghiền ngẫm. Đó cũng là chuyện không lạ.
Cô giáo có những ngón tay ngắn

Hiện giờ, Kim Chung là giảng viên Nhạc viện thành phố, không chạy “show” như thời sinh viên, không đi biểu diễn nhiều nhưng không vì thế mà cuộc sống của chị trở nên tẻ nhạt. Chung bảo: Không ngờ là làm giảng viên nhạc lại thú vị đến vậy! Thú vị hơn nhiều so với việc cứ hàng ngày đi biểu diễn bởi làm giảng viên, Chung được gặp nhiều đối tượng khác nhau, thông qua họ, chị học được nhiều thứ, hoàn thiện được bản thân nhiều hơn.
Vì làm giáo viên nên Chung thay đổi rất nhiều: trở nên hoạt bát hơn, cười nhiều và chia sẻ nhiều hơn. Chung thích thú với cuộc sống hiện tại, thích căn gác nhỏ của mình. Ở đó có những cây đàn đã gắn bó từ ngày đầu tập làm quen với tây ban cầm, ở đó có tiếng nói cười của những học trò mến mộ tài nghệ của cô giáo có những ngón tay ngắn “mà nhờ thế, cô giáo cứ được ăn kem mãi thôi!” và nhờ thế mà học trò của chị càng say học hơn. Bởi mỗi khi học trò đau tay than khó, than tay không đủ dài để giữ những dây đàn, chị lại bảo “so xem ngón tay ai dài hơn nhé, nếu ngón tay ai ngắn hơn thì người đó được ăn kem”. Vậy là khi nào cô giáo cũng thắng vì ngón tay cô lúc nào cũng ngắn hơn học trò. Học trò thấy ngón tay cô giáo ngắn vậy mà có ngón đàn tuyệt mỹ đến thế, nên lại gắng học hơn, còn cô giáo thì được ăn kem nhiều hơn!
Nhớ lại chuyện bàn tay ngón ngắn, chị kể: Khi xưa, đến lớp đóng tiền học đàn, thầy ngón tay mình ngắn quá, thầy can “học chơi thôi, chứ có theo chuyên nghiệp cũng chẳng tới đâu đâu!”. Vẫn biết khó, nhưng cuối cùng, niềm đam mê được chơi guitar cổ điển đã thắng. Những khó khăn khi đem so với niềm đam mê, luôn là một sự khập khiễng và chẳng đáng kể gì…
Sân chơi guitar tại gia

Trong căn nhà chung cư nhỏ xinh của nghệ sĩ Kim Chung, vào những ngày cuối tuần, học trò tới chật kin nhà, người đừng, người ngồi bệt xuống sàn. Đó không phải là lớp học, mà là sân chơi của những tâm hồn đồng điệu với âm nhạc. Chung cười thích thú, cô chia sẻ: cuối tuần có người thích café thì đi café, thích xem phim thì đến rạp, còn những người thích guitar thì đến nhà Chung, vừa là học tập, vừa trao đổi, vừa chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, không chỉ riêng guitar. Chính không khí thân tình, gần gũi và vui vẻ trong ngôi nhà guitar của nghệ sĩ Kim Chung mà có những người đã gắn bó với lớp cả gần chục năm nay, kể từ khi cô bắt đầu giảng dạy. Với chị, học guitar là phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê với tiềng đàn chứ không phải vì một một đích nào cả. Chỉ có như thế, Chung mới cảm thấy dễ chịu trọn vẹn với âm nhạc. Chỉ có thế, tiếng đàn mới có cơ hội bộc lộ hết những cảm xúc của người chơi, vì khi chơi đàn, người nghệ sĩ sẽ không vướng bận hay nghĩ suy về bất cứ một điều gì khác. Tất cả tập trung ở giai điệu, ở linh hồn của tác phẩm. Chung cho rằng, khi chơi guitar, người nghệ sĩ giống như đang thiền vậy, rất tĩnh tại và nhờ thế, tiếng đàn mới có được chiều sâu theo đúng nghĩa của nó.
Một mình vẫn rất “happy”
Bạn cũng đừng nghĩ rằng cuộc sống của Chung chỉ có đàn thôi. Chị cũng như mọi người, có một cuộc sống thoải mái và bình dị. Ngoài những lúc ôm đàn, Chung còn bạn bè, người thân, những thói quen và sở thích: đọc truyện, café, phim gì ngoài rạp chiếu cũng đi coi, kịch diễn ở rạp cũng đi xem hết. Chung cười nhiều và hay nói: Chị thấy rất dễ chịu với cuộc sống hiện tại, rất happy (hạnh phúc, vui vẻ). Dễ chịu ngay cả khi vẫn một mình đi về với căn phòng nhỏ. Chị hay cười và dễ gần hơn nhiều so với cái vẻ lạnh lùng mà bạn chỉ thấy trong những tấm hình rải rác khắp các mặt báo hay cái vẻ điềm tĩnh (nhưng tinh tế) qua cách chơi đàn như đang làm ảo thuật với các ngón tay trên truyền hình. Thế nên ai đã tiếp xúc với cô gái chơi Tây ban cầm này cũng đều có một ấn tượng: ít thì đủ để có thiện cảm, nhiều thì đủ để đến mức say mê! Người hâm mộ Chung nhiều, người mến mộ rồi nảy sinh tình cảm cũng không ít. Chị tếu: “tại lắm mối nên tối nằm không” đấy. Chung không kén, chỉ là chưa đến duyên thôi. “Chuyện gia đình không nói trước được, với Chung, cứ để mọi chuyện diễn ra theo tự nhiên, tới lúc nào mình đón nhận lúc đó…”, Chung nghĩ thế.
Nếu không chơi đàn
Ngẫm nghĩ lại, Kim Chung cho rằng, nếu không chơi đàn và không làm giảng viên dạy guitar, chắc hẳn Chung sẽ là một người rất ít nói, ù lì, khó chịu, khó ưa lắm. Nhờ có chơiđàn, tiếp xúc với nhiều người, được học hỏi nhiều, Chung đã thay đổi đến 180.
Bây giờ, ngoài thời gian giảng dạy, chị còn tranh thủ chuyển soạn cho guitar. Có những đêm đang nằm vẩn vơ, chợt nghĩ ra được một ý nào đó “hay hay”, chị lại bật ngay dậy, ôm lấy đàn, “chỉ sợ đi ngủ rồi thì mai dậy lại quên mất…”.
“Có khi buồn, bực bội hay tức giận, chị cũng chơi đàn. Nhưng đàn “hay” lắm, giống như thuốc chữa bệnh vậy đó. Nó làm nỗi buồn tan đi, làm bực bội biến mất, tức giận được kiềm lại và thu nhỏ dần. Chơi đàn làm cho mình cảm thấy tĩnh hơn, cuộc sống dễ dàng hơn, rất kỳ diệu”, chị chia sẻ.
Hãy chơi không toan tính
Đó là lời khuyên của Kim Chung – nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất Việt Nam về kỹ thuật reo dây của guitar cổ điển. Để có được những ngón đàn đạt đến trình độA tuyệt phẩm như hiện nay, ngoài sự khổ luyện công phu, đó còn là kết quả của niềm đam mê đến tận cùng của chị dành cho guitar. Chị cho rằng, các bạn trẻ hay bất kỳ ai muốn chơi guitar tốt, hãy theo học với niềm yêu thích, vì muốn làm giàu thêm thế giới tâm hồn. Hãy học guitar đừng vì một toan tính nào cả. Chị cũng mong muốn rằng, với tâm huyết và lòng đam mê của chính mình, chị sẽ truyền được tình yêu tây ban cầm cùng linh hồn guitar cho những thế hệ học trò của mình để họ không chỉ chơi đàn như những người thợ, mà còn là những nghệ sĩ biết cảm nhận và thưởng thức sự tinh túy của giai điệu thông qua tiếng đàn.
Kim Chung được xem là guitarist đầu tiên ở Việt Nam “dám” thực hiện và tung ra thị trường một CD album độc tấu của mình với tên gọi “Recuerdos de tremolo” (Hoài niệm về tremolo). CD đã được đón nhận nồng nhiệt từ người yêu nhạc.
- Năm 1997, tại Concours Guitar (Tài năng trẻ guitar toàn quốc năm 1997), Kim Chung đoạt một lúc ba giải: giải nhì, giải biểu diễn bài VN xuất sắc nhất, giải nữ nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất.
- Năm 1999, tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học chính quy Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.
- Năm 2001, nhận học bổng du học Tây Ban Nha (AECI).
- Năm 2003, nhận bằng tốt nghiệp khóa cao học chuyên ngành guitar do Nhạc viện Hoàng gia Madrid - Tây Ban Nha trao.Kim Chung
- Hiện là giảng viên khoa guitar Nhạc viện TPHCM.
Hải Lưu 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...