Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Người nâng cánh ước mơ tôi

Người nâng cánh ước mơ tôi

TT - Giờ đây tôi đã trưởng thành, đã là một cô giáo như ước mơ cháy bỏng ngày nào của mình, nhưng mỗi lần nghĩ về tuổi học trò là thêm một lần tôi không khỏi giật mình.

Thầy Trần Quốc Nhuận - Ảnh: Kiều My
 Nếu ngày ấy không có thầy giúp đỡ, dìu dắt thì cuộc đời của tôi bây giờ sẽ ra sao, tôi thật không dám nghĩ tiếp.
Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, nghèo nhất làng dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào định cư tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Cái nghèo và nạn tảo hôn khiến lũ bạn cùng làng tôi nghỉ học lấy chồng hết. Chỉ còn mình tôi với chiếc xe đạp chẳng thể cà tàng hơn nữa vượt gần chục cây số đến trường để vào lớp 10. Rồi một hôm, sau bữa cơm có thịt gà đãi khách, mẹ cầm tay tôi bảo: “Nghỉ học đi, biết đọc chữ là được rồi. Con gái lớn phải lấy chồng”. Vậy là 16 tuổi, tôi coi như đã có chồng, mà chàng trai kia tôi cũng chưa từng nói chuyện, ước mơ đến trường của tôi hóa chông chênh.
Tôi không thể trả lễ vì làm gì có tiền để đền gấp ba lần số ba mẹ tôi đã nhận. Mặc ba mẹ bắt nghỉ học tôi vẫn đến trường, thầm mong đừng ai biết chuyện. Nhưng chưa được hai tháng, chúng bạn rộn lên, tròn mắt nhìn tôi, rồi với những câu đùa quái ác khiến tôi ngày càng thu mình lại, ít nói và lầm lũi, ai nhìn là nước mắt chực trào ra. Một lần, cô giáo hỏi trước lớp:
- Còn nhỏ phải lo học hành đã chứ! Em có biết việc học quan trọng lắm không? Đang học mà sao em lại lấy chồng?
- Dạ - tôi cúi mặt, nước mắt rơi, xấu hổ và uất ức, không phát ra được thêm một âm thanh nào nữa.
- Hi, nó yêu từ năm lớp 6 rồi cô! - một bạn tinh quái.
- Đẹp thì lấy chồng, học chi mệt, hí hí... - có ai đó nói thêm và theo đó là tiếng cười của cả lớp. Rồi tôi không nghe, không thấy gì nữa, ôm cặp chạy ra khỏi lớp. Tôi lê bước trong cơn mưa giăng trắng đất trắng trời. Mưa giăng chắn lối đường về nhà hay mưa đang làm mờ mịt con đường đến với tương lai của tôi? Không rõ! Tôi gan lì dưới mưa...
Một chiếc xe dừng trước mặt, thầy Nhuận dạy địa. Thầy bảo tôi ngồi lên xe, chui vào vạt áo mưa sau thầy. Tôi ngoan ngoãn làm theo như một robot vô hồn, không thắc mắc sẽ về đâu cả. Một cốc nước ấm đặt trước mặt, thầy nhẹ nhàng:
- Thầy vừa vào lớp, biết chuyện, sợ em nghĩ quẩn nên thầy gửi lớp chạy theo em. Giờ thì ổn rồi, chỉ có thầy với cô, em kể cho thầy cô nghe nào!
Như chỉ chờ có thế, bao nhiêu uất ức, buồn khổ, tôi tuôn ra cả.
Thầy hỏi: - Vì sao em muốn đi học?
- Vì em sợ sau này sẽ phải giống mẹ quanh quẩn rẫy nương, lam lũ, nghèo khó mãi thôi. Em muốn học để biết thế giới ngoài kia như thế nào, để không còn nghèo khổ như mẹ.
- Vậy là tốt, thầy cô sẽ giúp em, chỉ cần em cố gắng, đừng nản chí, mọi chuyện để thầy lo.
Rời nhà thầy, trời đã trong, nắng đã vàng trên vạn nẻo đường, tôi yên tâm nhìn về phía trước mà bước khi nghĩ đến lời khuyên của thầy.
Đã không biết bao nhiêu lần thầy lên tận nhà động viên, thuyết phục ba mẹ cho tôi tiếp tục học để có một tương lai tươi sáng hơn. Cha mẹ nào chẳng thương con, ba mẹ tôi lại cố gắng cho tôi tiếp tục đến trường. Bạn bè cũng thôi không còn trêu chọc hay bàn tán về chuyện riêng của tôi nữa. Thay vào đó, giúp đỡ tôi nhiều hơn.
Những mùa mưa, đi lại khó khăn, tôi được ở lại nhà thầy, được đọc tất cả những cuốn mà mình thích trong giá sách của thầy. Thầy dạy cho tôi cách tự học, cách tìm tài liệu để bổ sung kiến thức và dặn: “Đừng bao giờ nản lòng nghe em, phải cố gắng học cho thành tài. Hãy cứ ước mơ và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, em sẽ thành công”. Chính thầy đã thắp lên trong tôi niềm tin vào bản thân, vào tương lai để vượt qua những khó khăn trong học tập.
Thời gian cứ thế trôi đi, tôi dần đi hết cấp III trong sự giúp đỡ, dìu dắt của thầy. Và cũng chẳng biết từ lúc nào tôi ước mơ được đứng trên bục giảng giống như thầy. Đang mải mê dệt ước mơ của mình thì nhà trai đòi tổ chức cưới. Van xin ba mẹ chẳng được, tôi ôm cặp đến trường với đôi mắt đỏ hoe. Thầy biết chuyện, lại tất tả chạy lên tận nhà. Ba mẹ tôi lắc đầu. Thầy trấn an tôi: “Sẽ ổn thôi, ngày mai em đến trường nhé!”. Vài tuần sau, chuyện cưới xin của tôi được hủy. Thì ra, thầy đã phải tìm đến bác trưởng làng, và được biết: “Cái khó của nhà gái là đã làm đám hỏi những ba năm rồi, nếu còn xin hoãn cưới nữa thì thất tín. Chỉ còn cách thuyết phục nhà trai thôi”. Thầy lại lần tìm đến nhà trai để xin cho tôi được tiếp tục học. Chẳng hiểu thầy đã thuyết phục như thế nào mà họ đã vui vẻ đồng ý hủy hôn để tìm một đám khác. Thay vào đó họ nhận tôi làm con gái nuôi.
Đậu ba trường đại học, tôi khóc vì sung sướng, rối rít cảm ơn thầy. Cầm tay tôi, thầy dặn: “Chân cứng đá mềm nghe em, hãy cảm ơn thầy bằng cách học thật giỏi và trở thành một cô giáo tốt để em cũng có thể giúp những cô cậu học trò như thầy đã giúp em. Chúc em thành công!”. Lời dặn ấy của thầy đã theo tôi và sẽ mãi theo tôi suốt cuộc đời này. Giờ đây, tôi đã trở thành một cô giáo miền núi, xa thầy lắm nên ít có dịp về thăm thầy. Ngày hội tôn vinh những người thầy sắp đến, xin viết những dòng chữ nghĩa tình này như một cách để tri ân thầy.
Thầy ơi, em đã vượt qua chừng ấy gian nan để cập bến ước mơ là nhờ công thầy dìu dắt. Nghe lời thầy, em cũng đã theo gương thầy, quan tâm đến từng học trò, giúp các em vượt qua những khó khăn để đến với những ước mơ. Em đã là một học trò ngoan, một cô giáo tốt phải không thầy?
Em mãi biết ơn thầy - người thầy đáng kính của em!
LÝ THỊ THỦY - Phú Yên
Lễ trao giải cuộc thi “Thầy tôi” do báo Tuổi Trẻ TP.HCM tổ chức vào sáng 17-11 đã diễn ra trong không khí xúc động, và nhiều câu chuyện mới đã được mở ra khi các tác giả và nhân vật đoạt giải cùng sẻ chia những câu chuyện ngoài lề cuộc thi.
Kết quả cuộc thi
* Giải nhất (trị giá 20 triệu đồng): Người nâng cánh ước mơ tôi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch?

Âm nhạc giúp chữa lành trong đại dịch? Một nghiên cứu do các nhà khoa học Đức thực hiện tiết lộ cách âm nhạc giúp con người vượt qua những...